Tổng hợp những mẫu bài phân tích bài thơ Dọn về làng của tác giả Nông Quốc Chấn ca ngợi sự hồi sinh, sự vươn dậy của quê hương và ý nghĩa giải phóng đối với cuộc đời của bà con đồng bào dân tộc Cao - Bắc - Lạng.
Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ "Dọn về làng" của Nông Quốc Chấn.
***
Bài phân tích đạt điểm cao của học sinh lớp 12
Nông Quốc Chấn là nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, người dân tộc Tày ở Bắc Cạn. Từ một ông giáo hiền lành, sớm được giác ngộ cách mạng, được rèn luyện trong khói lửa chiến tranh, ông trở thành một cán bộ trung kiên, một nhà hoạt động văn hóa, một nhà thơ xuất sắc của Đảng và dân tộc.
Bài thơ "Dọn về làng” được sáng tác trong chiến dịch Biên giới thu - đông 1950, là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nông Quốc Chấn. Nguyên tác bằng tiếng Tày, sau đó được tác giả dịch ra tiếng phổ thông theo thể thơ tự do. Năm 1951, tại Đại hội liên hoan học sinh sinh viên thế giới tại Béc-lin, bài thơ đã được tặng giải Nhì, đã được dịch sang tiếng Pháp, giới thiệu trên Tạp chí Châu Âu.
Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tương phản giữa quá khứ đau thương với niềm vui chiến thắng và giải phóng để ca ngợi sự hồi sinh, sự vươn dậy của quê hương và của đồng bào các dân tộc Cao - Bắc - Lạng.
Mở đầu bài thơ "Dọn về làng” là tiếng gọi mẹ cất lên; gọi mẹ để báo tin vui, tin mừng chiến thắng:
“Mẹ! Cao - Lạng hoàn toàn giải phóng
Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn
Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
Người đông như kiến, súng đầy như củi”
Đoạn thơ làm sống lại cảnh tượng chiến trường Biên giới năm 1950. Gọng kìm đường số Bốn của giặc bị chặt đứt, bị phá tung. Quân ta đánh chiếm đồn Đông Khê, tiêu diệt hai binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa, hàng ngàn giặc Tây “bị chết bị bắt sống”. Hai so sánh “Người đông như kiến, súng đầy như củi” đã nói lên thật hay sức mạnh và khí thế chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta thuở ấy.
Từ niềm vui chiến thắng, đứa con đau đớn nhớ lại những năm dài gian khổ, đau thương dưới ách kìm kẹp, chiếm đóng của lũ giặc Pháp hung tàn.
Trên bước đường trở về làng cũ để “sửa nhà phát cỏ”, để “Cày ruộng vườn trồng lúa ngô khoai”, đứa con bồi hồi nhớ lại:
“Mấy tháng năm qua quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy
Chạy hết núi khe. Cay đắng đủ mùi”.
Những lễ tết lâu đời phải “quên” đi! Những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc phải “quên” đi. Bàn thờ tổ tiên nguội lạnh hương khói. Trải bao cay đắng vì phải chạy giặc triền miên: “Chạy hết núi lại khe, cay đắng đủ mùi”.
Quên sao được những kỉ niệm thương đau một thời gian khổ với bao thiên tai, địch hoạ. Mưa rừng mù mịt, gió bão, sấm sét, lán sụp, cửa nát, vắt bám đầy chân. Giặc lùng sục, đốt lán, cướp bóc, gây ra bao thảm cảnh:
“Súng nổ kia! Giặc Tây lại đến lùng
Từng cái lán nó đốt đi trơ trụi
Nó vơ hết áo quần trong túi…”
Đoạn thơ như một đoạn phim ghi lại cảnh chạy loạn giữa rừng sâu của đồng bào các dân tộc vùng biên giới phía Bắc đất nước ta trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Biện pháp liệt kê và tự sự mở ra một không gian nghệ thuật với bao chi tiết hiện thực rất sống động và cảm động. Cảnh người mẹ chạy giặc, vừa địu con, vẫy em, vừa “Tay dắt bà, vai đeo đầy tay nải - Bà lòa mắt không biết lối bước đi”. Cảnh người cha bị giặc bắt, “Cha chửi Việt gian, cha đánh lại Tây” rồi bị giặc giết một cách dã man:
“Súng nổ ngay đì đùng một loạt,
Cha ngã xuống nằm lăn trên mặt đất”
Cảnh chôn cất người chồng, người cha thân yêu đầy nước mắt:
“Lán anh em rải rác không biết nơi tìm
Không ván, không người đưa cha đi chôn cất
Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng,
Con cởi áo liệm thân cho bố,
Mẹ con ẵm cha đi nằm chân rừng
Máu đầy tay, nước tràn đầy mặt…”
Tất cả những cảnh đau đớn và thương tâm ấy được nhà thơ tái hiện lại một cách chân thực với nhiều máu và nước mắt. Sau tiếng khóc nghẹn ngào là tiếng thét căm thù uất hận vang lên:
“Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn
Băm xương thịt mày, tao mới hả”
Qua đó, ta càng thấy rõ: máu không thể nào dìm được chân lí; súng đạn của quân giặc cướp nước không thể nào khuất phục được nhân dân ta.
Phần thứ hai của bài thơ nói lên niềm vui giải phóng, quê hương được hồi sinh, sức sống của dân tộc trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ. Có bao âm thanh giữa không gian rộng lớn Cao - Bắc - Lạng. Có tiếng “cười vang”, tiếng “người nói”, tiếng cười con trẻ “ríu rít” cắp sách đến trường. Có tiếng ô tô “kêu vang”; có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa. Có bao hình ảnh náo nức đáng yêu:
“Hôm nay, Cao-Bắc-Lạng cười vang,
Dọn lán, rời rừng, người xuống làng.
Người nói cỏ lay trong ruộng rậm
Cuốc đất dọn cỏ mẹ khuyên con”
Cuộc sống hồi sinh, cuộc sống bình yên đã trở lại với bà con làng bản: “Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá". Phải nhiều máu đổ xương tan mới có ngọn khói lam chiều đáng yêu ấy.
Nếu ở phần đầu bài thơ, tác giả nhắc lại sáu lần chữ “không" (không biết lối bước đi, cha không biết nói dối, không ai chống gậy khi bà cụ qua đời, không biết nơi tìm, không ván không người đưa cha đi chôn cất) để phản ánh bao nỗi đau đè nặng lòng người, thì ở đoạn hai, điệp ngữ “không” bốn lần xuất hiện để làm nổi bật một hiện thực kháng chiến, đó là sự hồi sinh và sự vươn mình đứng thẳng dậy của dân tộc ta, của đồng bào các dân tộc Cao - Bắc - Lạng
Từ nay không ngập cỏ lối đi.
Hổ không dám đẻ con trong vườn chuối.
Quả trong vườn không lo tự chín, tự rụng.
Ruộng sẽ không thành nơi máu chảy thành vũng.
Một lần nữa, Nông Quốc Chấn đã thành công ở phép liệt kê, nêu lên hàng loạt chi tiết rất thực, rất sống để thể hiện niềm vui chiến thắng và sự hồi sinh của quê hương sau ngày được giải phóng.
Bốn câu thơ cuối bài là lời từ biệt mẹ già của đứa con lên đường đi chiến đấu. Mẹ ở lại hậu phương, con ra tiền tuyến với quyết tâm “đuổi hết” giặc Pháp, giặc Mỹ. Hình ảnh “Mặt trời lên sáng rõ” mang hàm nghĩa nói về sự thắng lợi của kháng chiến, của cách mạng, sự đổi thay to lớn và niềm vui dâng lên trong lòng người.
Lời mẹ dặn biết bao yêu thương thiết tha, đằm thắm. Cuộc lên đường đầy khí thế và dào dạt niềm tin:
“Mặt trời lên sáng rõ rồi mẹ ạ!
Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà
Giặc Pháp, Mỹ còn giết người, cướp của trên đất ta
Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ”
Cái hay của “Dọn về làng” là ở giọng thơ mộc mạc bình dị với bao chi tiết chọn lọc cảm động. Nỗi đau thương thời giặc giã, hình ảnh người bà, người cha, người mẹ trong khói lửa đau thương, niềm vui giải phóng và hình ảnh quê hương hồi sinh được nói lên một cách thật giản dị, cảm động đáng yêu. “Dọn về làng” là một trong những thành tựu đáng tự hào của thơ ca kháng chiến thời chống Pháp. Tự hào hơn nữa vì đó là lời ca, bông hoa rừng đẹp và thơm của đứa con thân yêu người dân tộc Tày. Hơn nửa thế kỉ sau, bài thơ vẫn để lại cho chúng ta nhiều xúc động.
Một số bài phân tích ngắn gọn nhất bài thơ Dọn về làng
Bài mẫu số 1:
Bài thơ được viết sau chiến thắng giải phóng biên giới, một chiến thắng có ý nghĩa đối với cuộc kháng chiến chống Pháp: mở thông chiến khu với các nước xã hội chủ nghĩa. Song bài thơ không đi vào ý nghĩa chính trị ấy. Ở đây, bài thơ nói về ý nghĩa giải phóng đối với cuộc đời của bà con người dân tộc. Ý nghĩa toát ra từ bài thơ qua bút pháp kể chuyện, miêu tả. Tác giả không dùng bút pháp chính luận.
Nét đặc sắc đầu tiên là giọng kể: chất phác, sinh động, cụ thể. Mở đầu là một hình ảnh tiêu biểu của chiến thắng được đặc tả chân thật và độc đáo:
Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn
Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
Người đông như kiến, súng đầy như củi.
Xuyên suốt bài thơ vẫn giữ nguyên được cách kể và cách nghĩ ấy. Các chi tiết đời sống vị hồn nhiên, tự nhiên và rất đậm dấu ấn cách tư duy cụ thể của bà con dân tộc ít người. Ngày chiến thắng như ngày hội nên “người đông như kiến” cách ví ấy là phổ cập. Nhưng “súng đầy như củi” cách ví này là đặc thù của con dân tộc miền núi, ở kề với rừng, nơi củi rất quen thuộc trong đời sống. Người quen dùng bếp ga chắc không có cách ví von này.
Bố cục bài thơ sát với kiểu tư duy của người dân thường. Sau tiếng reo là sự ai oán những cay cực khi giặc chiếm đóng và cuối cùng là quang cảnh sinh hoạt của bây giờ, của giải phóng. Người đọc, ngay cả người ít học miền rừng, cách bố cục này tiếp nhận bài thơ sẽ rất dễ dàng. Đặc điểm nổi bật của bài thơ này là cách diễn tả các chi tiết. Cảnh chạy giặc: quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy, rồi đường đi lại vắt bám, rồi gió bão sấm sét, cây đổ, cay đắng đủ mùi… Rồi cảnh giặc càn: nó đốt, nó vét, mẹ địu em, bà bị loà mắt... Diễn biến tình cảm của người con trước cái chết bi thương và anh dũng của người cha. Tác giả mượn lời người con kể chuyện cũng là giãi bày nỗi lòng (tự sự kết với trữ tình):
Mẹ ngồi khóc con cúi đầu cũng khóc
Sợ Tây nghe, mẹ dỗ “nín ”, con im
Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng
Con cởi áo liệm thân cho bố
Người chết thảm, người sống cũng thảm, cảnh sống cùng cực đau đớn đã lên cao trào dâng sôi sục. Giải phóng đã thành một yêu cầu bức xúc của mỗi người dân. Đánh giặc là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống cực khổ ấy. Bài thơ có nhiều chi tiết và hay nhất là những chi tiết ở đoạn cuối - quang cảnh dọn về làng và cảnh sinh hoạt ở bản làng sau ngày giải phóng:
Người nói cỏ lay trong rừng rậm
Cuốc đất dọn cỏ mẹ khuyên con
Đường cái kêu vang tiếng ô tô
Trong trường ríu rít tiếng cười con trẻ
Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá.
Khung cảnh làng no ấm... Từng nét từng nét hiện dần lên. Tác giả vẫn không bình luận hay ca ngợi lộ liễu. Ông cứ tả, tả thoáng mà đủ. Mỗi mặt cuộc sống chỉ nói bằng một nét, rất gợi: Người nói cỏ lay là cảnh ruộng rẫy, khói bếp bay trên mái nhà lá là cảnh thanh bình no ấm. Tiếng ô tô, tiếng cười con trẻ cho thấy cái đông vui ríu rít của bản làng... Có những chi tiết rất sắc sảo gợi được thần thái núi rừng và nếp sống đồng bào, hơn thế còn có ý vị thiết tha:
Hổ không dám đến đẻ con trong vườn chuối
Quả trong vườn không lo tự chín, tự rụng.
Giải phóng đã đồng nghĩa với sự trở về tất yếu của quy luật đời sống: vật nào vào chỗ ấy, quả chín do tay người.
Kể chuyện mà vẫn bộc lộ được cảm xúc cá thể. Chi tiết nhiều mà không rậm, trái lại mỗi chi tiết như một nét khắc: cụ thể nhưng khái quát. Đây không chỉ là kết quả một quan sát công phu, mà là kết quả của sự từng trải. Tác giả sống với các chi tiết đó, thấm thía về nó. Chất thơ ở đây là chất của đời sống. Bài thơ, do vậy cho thấy một nét đặc sắc của thơ kháng chiến chống Pháp: miêu tả hiện thực rộng lớn và nỗi riêng tư của tác giả hoà đồng vào hiện thực đó.
Bài mẫu số 2:
Nông Quốc Chấn là một trong những gương mặt văn hóa tiêu biểu, đại diện cho tầng lớp trí thức các dân tộc thiểu số trưởng thành trong đấu tranh cách mạng và chiến tranh vệ quốc. Đóng góp nổi trội của ông trong lĩnh vực sáng tác là thơ. Thơ Nông Quốc Chấn mang cảm xúc chân thành, chất phác, lời thơ toát lên nét riêng biệt trong suy tư và diễn đạt của người miền núi: giản dị, tự nhiên và giàu hình ảnh. Với những đóng góp to lớn vào nền văn học nước nhà, năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Dọn về làng là một trong sáng tác tiêu biểu của Nông Quốc Chấn viết về quê hương mình trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều đau thương mà anh dũng.
Bài thơ thấm đượm cảm xúc và tình yêu thiết tha nồng nàn của tác giả đối với dân bản, với đất nước. Ông trân trọng và đồng cảm cho những khó khăn, vất vả, những nỗi đau thương mất mát mà nhân dân phải gánh chịu, đồng thời ông cũng bày tỏ lòng căm hờn trước tội ác tày trời của quân giặc hung hãn. Và rồi, sau tất cả, chiến thắng lại về tay nhân dân, mọi người sơ tán nay được trở về làng bắt đầu lại cuộc sống yên bình như thuở xưa.
Mẹ ! Cao – Lạng hoàn toàn giải phóng
Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn
Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
Người đông như kiến, súng đầy như củi
Sáng mai về làng, sửa nhà phát cỏ
Cày ruộng vườn trồng lúa ngô khoai
Không gì đau thương bằng chiến tranh, và cũng không gì sung sướng hơn khi cuộc chiến tranh giành thắng lợi. Vượt bao gian nan vất vả, bao hi sinh xương máu, nhân dân hai miền Cao – Lạng đã hoàn toàn giải phóng. Hình ảnh đầu tiên tác giả cất lên trong thơ là "Mẹ !". Sau dấu chấm than đầy xúc cảm ấy là niềm vui khôn tả khi những ngày chiến đấu đã chấm dứt. Tây bị bắt, các đồn đã chiếm lại được. Nhân dân nơi đây đã lập được một chiến công lớn, mang lại niềm hạnh phúc cho chính mình, giải phóng mình khỏi ách áp bức nô lệ suốt bấy lâu:
Mấy năm qua quên tết tháng Giêng, quên rằm tháng bảy,
Chạy hết núi lại khe, cay đắng đủ mùi
Nhớ một hôm mù mịt mưa rơi
Cơn gió bão trên rừng cây đổ
Cơn sấm sét lán sụp xuống nát cửa
Ðường đi lại vắt bám đầy chân.
Súng nổ kia! Giặc Tây lại đến lùng.
Từng cái lán, nó đốt đi trơ trụi,
Nó vơ hết áo quần trong túi
Mẹ địu em chạy tót lên rừng
Lần đi trước, mẹ vẫy gọi con sau lưng
Tay dắt bà, vai đeo đẫy nải
Bà loà mắt không biết lối bước đi.
Làm sao bây giờ: ta phải chống!
Giặc đã bắt cha con đi, nó đánh,
Cha chửi Việt gian, cha đánh lại Tây
Súng nổ ngay đì đùng một loạt,
Cha ngã xuống nằm lăn trên mặt đất
Cha ơi: cha không biết nói rồi…
Chúng con còn thơ, ai nuôi ai dạy?
Không ai chống gậy khi bà cụ qua đời!
Mẹ ngồi khóc, con cúi đầu cũng khóc.
Sợ Tây nghe, mẹ dỗ “nín”, con im.
Lán anh em rải rác không biết nơi tìm
Không ván, không người đưa cha đi cất.
Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng,
Con cởi áo liệm thân cho bố;
Mẹ con đưa cha đi nằm một chỗ
Máu đầy tay, trên mặt nước tràn…
Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn
Băm xương thịt mày, tao mới hả.
Giặc đến phá tan cuộc sống yên bình của dân làng, thôn xóm. Những dịp tết rằm tháng riêng, rằm tháng bảy lẽ ra sẽ tổ chức náo nức, nhộn nhịp nhưng giặc đến, chúng càn quét từ cái quần trong túi, chúng đốt hết lán còn lại trơ trụi bãi đất không, chúng đã ra tay sát hại dân lành. Không còn gì có thể diễn tả được hết tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra. Hình ảnh người mẹ địu con chạy tót lên rừng đã lấy đi nước mắt của bao bạn đọc. Trẻ thơ chúng có tội tình chi mà phải vướng vào cuộc trốn chạy đầy hiểm nguy, gian khổ. Nông Quốc Chấn không nhắc tới trường hợp có những đứa trẻ khát sữa chết giữa rừng, hay những người mẹ rơi xuống vực thẳm bỏ lại đứa con thơ bé bỏng bơ vơ tội nghiệp. Có những người bà mù lòa cũng phải lần đường bỏ chạy. Bởi bọn giặc hung hãn không tha bất kỳ một ai. Chúng sẽ bắt hết và hành hạ tất cả mọi người. Dân bản xôn xao, náo loạn như bầy chim vỡ tổ, không biết chạy đi đâu về đâu. Làm sao bây giờ ? Ta phải chống. Đúng vậy, bằng mọi giá ta phải chống lại kẻ thù. Chúng đã gây nên bao tội ác cho dân lành. Chúng bắt cha con đi, nó đánh. Cha chửi Việt gian, cha đánh lại Tây, súng liền nổ ngay cùng một loạt, cha ngã xuống nằm trên mặt đất… Ôi ! Có nỗi đau nào hơn thế nữa. Một đàn con thơ dại ai nuôi dạy bây giờ? Không ai chống gậy khi bà cụ qua đời ! Cha là trụ cột vững mạnh nhất trong nhà nhưng nay cha đã ngã xuống rồi. Mẹ ngồi khóc con cúi đầu cũng khóc. Đau đớn và chỉ có nước mắt tiễn đưa cha đi. Cha vì bảo vệ công lý cho dân làng, cho đàn con mà chúng nỡ lòng bắt giết không tiếc thương. Cảnh khó nghèo, cuối đời cha cũng chẳng được đủ đầy, trọn vẹn.
Không ván, không người đưa cha đi chôn cất
Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng
Con cởi áo liệm thân cho bố
Mẹ con ẵm cha đi nằm ở chân rừng
Máu đầy tay, nước tràn đầy mặt…
Chiếc khăn ngày nào cha tặng mẹ làm kỷ vật của tình yêu, nay chính chiếc khăn ấy mẹ dùng che mặt cha trong phút chia xa vĩnh viễn. Từ nay mẹ phải một mình lắng lo cho đàn con thơ dại và người mẹ già yếu ớt. Cha đi rồi, chúng con mất chỗ dựa vững vàng, mẹ phải đứng lên thay cha gánh vác tất cả. Nén nỗi đau, mẹ ôm cha tới tận chân rừng, gửi lại cha cho thần rừng thần núi, hẹn kiếp sau gia đình lại sum vầy đông đủ. Ôi ! Có biết bao nhiêu người cha đã ngã xuống trong tiếng súng hung tàn của quân giặc. Bao nhiêu người vợ phải đớn đau nhìn chồng mình nằm đó, bất động? Bao nhiêu ánh mắt trẻ thơ vô hồn gào khóc gọi tên cha? Chúng giết cha, giết chết tình mẫu tử. Nỗi căm hờn này, tao phải băm xương thịt mày, tao mới hả !
Và đúng như tinh thần quyết liệt ấy, nhân dân Cao – Lạng đã dành được chiến thắng vẻ vang.
Hôm nay Cao – Bắc – Lạng cười vang
Dọn lán, rời rừng, người xuống làng
Người nói cỏ lay trong ruộng rậm
Con cày mẹ phát, ruộng ta quang.
Ðường cái kêu vang tiếng ô tô.
Trong trường ríu rít tiếng cười con trẻ.
Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá.
Mặc gà gáy chó sủa không lo,
Ngày hai bữa rau ta có muối.
Ngày hai buổi không tìm củ pấu, củ nâu
Có bắp xay độn gạo no lâu,
Ðường ngõ từ nay không cỏ rậm,
Trong vườn chuối, hổ không dám đến đẻ con
Quả trên cành không lo tự chín tự rụng,
Ruộng sẽ không thành nơi máu chảy từng vũng.
Bộ đội đỡ phải đi thung lũng núi rừng,
Ra đường xe, hát nói ung dung
Từng đoàn người dắt lá cây tiến bước
Súng bên vai, bao gạo buộc bên vai,
Chân đi có giày không sợ nẻ
Trên đầu có mũ che nắng mưa.
Sau chiến tranh, gia đình không còn nguyên vẹn nhưng từ nay cũng sẽ mất thêm người nào nữa. Niềm vui khôn tả. Ai nấy cũng hào hứng bắt tay vào việc dựng xây lại một cuộc sống mới sau bao ngày quên rằm tháng riêng, quên rằm tháng bảy. Người lớn hăng say làm việc, trẻ nhỏ ríu rít tiếng cười làm rộn vang cả một vùng núi rừng thân yêu và hùng vĩ.
Sau chiến tranh, các con cũng cứng cáp hơn, trưởng thành hơn, quyết tâm đi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường:
Mặt trời lên ! Sáng rõ rồi mẹ ạ !
Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà
Giặc Pháp, Mĩ còn giết người, cướp của trên đất ta
Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ.
Đứa con bé bỏng ngày nào nay nguyện thay cha cầm súng đánh giặc, trả lại yên bình cho gia đình, cho dân bản. Hình ảnh mặt trời dường như đã làm sáng tỏ cả bài thơ sau những từ ngữ, những hình ảnh đau thương do quân thù để lại. Ở chân núi kia, cha sẽ mỉm cười hạnh phúc vì con đã trưởng thành, đã đi theo tiếng gọi của Cách mạng, con quyết lấy lại công bằng cho cha, cho những người đã ngã xuống ngày hôm qua.
Xuyên suốt bài thơ, Nông Quốc Chấn đã thể hiện tình yêu quê hương, yêu đất nước sâu nặng qua những hình ảnh chân thực và đậm chất dân tộc, giọng thơ hào hứng, sôi nổi, vui tươi khi hòa bình lập lại. Đồng thời ông cũng vạch rõ tội ác của bọn thực dân Pháp hung hãn đã giết chết bao người khiến gia đình li tán đau thương. Bài thơ là một trong những minh chứng cho lịch sử của nước nhà nói chung và Cao – Bắc – Lạng nói riêng, là lời ngợi ca cho tinh thần chiến đấu của nhân dân trong hoàn cảnh vất vả, thiếu thốn, khó khăn. Thế hệ trẻ hôm nay hãy quyết tâm học thật tốt, rèn luyện đạo đức thật tốt để trở thành người chiến sĩ giỏi trong thời bình, dựng xây đất nước ngày một giàu đẹp hơn.
Xem lại phần hướng soạn bài Dọn về làng để hiểu rõ hơn những nét độc đáo trong nội dung và nghệ thuật của Nông Quốc Chấn trước khi đi vào phân tích bài thơ. Chúc làm bài tốt và đạt kết quả cao !
Đọc thêm: