Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới

Xuất bản: 23/02/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, TOP 5+ bài văn phân tích Đây mùa thu tới hay nhất dành cho học sinh tham khảo

Hướng dẫn lập dàn ý và tham khảo TOP 5+ bài văn phân tích bài thơ Đây mùa thu tới hay nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu nội dung bài thơ và từ đó viết được một bài văn phân tích hay và sâu sắc.

Dàn ý phân tích bài thơ Đây mùa thu tới

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Xuân Diệu và bài thơ "Đây mùa thu tới" (xuất xứ, thể loại)

+ Xuân Diệu: "Ông hoàng thơ tình", "Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới"

+ "Đây mùa thu tới": in trong tập "Thơ thơ" (1938), tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu

- Nêu khái quát nội dung và nghệ thuật tiêu biểu của bài thơ.

2. Thân bài: Phân tích nội dung bài thơ Đây mùa thu tới

* Đoạn 1: Mở đầu khung cảnh mùa thu thật đặc biệt trong mắt nhà thơ Xuân Diệu

- Mùa thu thật buồn với rặng liễu rủ như người phụ nữ đang phải chịu tang với mái tóc xõa dài và hàng lệ rơi

- Mùa thu đến thật nhẹ nhàng, nó không rộn rã, ồn ào để dễ dàng nhận biết như ngày hè. Thu về trên những rặng liễu đìu hìu, trong cảnh vật yên bình mà thấm đượm nỗi buồn mơ hồ.

- Thu đến mang theo những nỗi buồn và sự phấn khích, bất ngờ cho cảm nhận của con người, đó là tiếng reo vui của nhà thơ khi chợt nhận thấy mùa xuân đã về “Đây mùa thu tới, mùa thu tới”.

=> Mùa thu tới thật rồi, nhưng lại khoác lên mình màu vàng ảm đảm, thê lương.

* Đoạn 2: Mùa thu buồn hơn cùng với sự góp mặt của sự vật khác

- Đến khổ thơ thứ hai, Xuân Diệu đã có những cảm nhận sâu sắc hơn về những dấu hiệu của ngày thu:

+ Hoa rụng cành, cây thay lá

+ Cành cây rụng lá bị gió thổi qua thật yếu đuối, mong manh.

=> Cảnh mùa thu càng thêm u sầu, bao trùm lên mọi sự vật, đó cũng là tâm trạng tác giả trước cách mạng năm 1945, cuộc sống nhân dân ta cũng u buồn chịu cảnh mất nước.

- Khung cảnh thi vị, lãng mạn nhưng cũng khẳng khiu, mỏng manh đến nao lòng “Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”.

=> Khung cảnh mùa thu diễm lệ, lãng mạn có thể làm xao xuyến lòng người nhưng cũng gợi ra nỗi buồn về sự phôi pha, tàn úa.

* Đoạn 3: Mùa thu buồn xuất hiện hình dáng con người

- Trăng thuộc về thiên nhiên nhưng được nhân hóa như một con người với những cảm xúc buồn vui như con người mang đến sự đồng điệu giữa thiên nhiên và con người.

- Vầng trăng được nhân hóa thành nàng trăng như một nàng thiếu nữ đang ngẩn ngơ.

- Sương mờ mùa thu bao phủ khiến cho không thể nhìn rõ cảnh núi non.

- Mùa thu nhưng đã có gió heo may, khiến nhiều hôm rét buốt.

- Những chuyến đò nhộn nhịp thường ngày cũng đổi khác khi thu về, đó là sự thưa thớt, vắng lặng đến đìu hiu.

=> Chính vì vậy nên hoạt động của con người chậm lại, không còn sôi động như mùa hè, làm cho con đò sang sông vắng khách.

* Đoạn 4: Nỗi buồn nhà thơ dâng cao hơn bao giờ hết.

- Trong khổ thơ cuối cùng, thi sĩ Xuân Diệu vẫn mải miết cảm nhận từng bước đi của nàng thu, mùa thu còn được cảm nhận qua những chuyển động cụ thể của cánh chim và sự rộn rã trong lòng người:

+ Mây thì tách ra thành từng khóm nhỏ, chim cũng bay đi không còn hót vui => Sự buồn bã, chia ly khiến cho tác giả uất hận dâng cao tận trời.

+ Bầu không rộng lớn nhưng trầm buồn, u uất vì nhuốm màu chia li.

+ Hình ảnh người thiếu nữ đa tình hay chính Xuân Diệu đa tình đã mang hết nỗi lòng hòa vào mùa thu, để mặc cho những suy nghĩ xa xăm trôi dạt cùng mây trời.

* Đặc sắc nghệ thuật:

- Sử dụng thể thơ 7 chữ

- Sử dụng ngôn ngữ hình ảnh đầy độc đáo, lôi cuốn, từ ngữ đặc sắc và đầy chất gợi.

- Sử dụng nhiều từ láy như ngẩn ngơ, mong manh, rung rinh, run rẫy, đìu hiu,…

- Sử dụng điệp cấu trúc “mùa thu tới” để nói lên sự hồ hởi, chào đón “nàng thu” của mình.

- Phép tu từ nhân hóa khắc họa tính cách của trăng y hệt như một người con gái đang suy nghĩ.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Đây mùa thu tới.

- Nêu cảm nhận của em về bài thơ.

TOP 5+ bài văn phân tích bài thơ Đây mùa thu tới hay nhất

Phân tích Đây mùa thu tới mẫu số 1

Xuân Diệu (1916 - 1985) là nhà thơ tình, viết hay nhất và nhiều nhất trong thời đại chúng ta. Thi sĩ đã để lại trên 400 bài thơ tình; là nhà thơ "mới nhất trong những nhà thơ mới". Xuân Diệu cũng là thi sĩ của mùa thu. Với Xuân Diệu nếu "Tình không tuổi và xuân không ngày tháng" thì cảnh thu chứa đựng biết bao tình thu, bao rung động xôn xao, bởi lẽ "Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền”.

Trong hai tập "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió" viết trước Cách mạng, có rất nhiều bài thơ nói đến sắc thu, hương thu, trăng thu, tình thu, thiếu nữ buổi thu về... Mùa thu thật đáng yêu, làm cho tâm hồn thi sĩ như dây đàn huyền diệu đang rung lên xao xuyến... "Đây mùa thu tới" là một bài thơ thu tuyệt bút của Xuân Diệu, rút trong tập "Thơ thơ", xuất bản năm 1938. Thu đến, xôn xao rung động đất trời. Cảnh vật đẹp mà thoáng buồn man mác. Lòng thiếu nữ càng trở nên bâng khuâng buổi thu về.

Cảm nhận đầu tiên của thi sĩ Xuân Diệu về mùa thu không phải là âm thanh tiếng chày đập vải, không phải là ấn tượng "Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng trì thu" mà là ở dáng liễu, rặng liễu ven hồ, hay bên đường:

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng".

Cả một không gian "đìu hiu", buồn và vắng vẻ. Rặng liễu trầm mặc như "đứng chịu tang". Lá liễu buông dài như tóc nàng cô phụ "buồn buông xuống". Lá liễu ướt đẫm sương thu tưởng như "lệ ngàn hàng". Liễu được nhân hóa "đứng chịu tang", từ tóc liễu đến lệ liễu đều mang theo bao nỗi buồn thấm thía. Một nét liễu, một dáng liễu được miêu tả và cảm nhận đầy chất thơ. Biện pháp láy âm được Xuân Diệu vận dụng tài tình để tạo nên vần thơ giàu âm điệu, nhạc điệu: "đìu hiu - chịu", "tang - ngàn - hàng", "buồn - buông - xuống". Đó là một điểm mạnh, khá mới mẻ trong thi pháp mà Xuân Diệu đã học tập được trong trường phái thơ tượng trưng Pháp trong thế kỉ XIX.

Say mê ngắm "rặng liễu đìu hiu...", nhà thơ khẽ reo lên khi chợt nhận thấy thu đã đến. Cách ngắt nhịp 4/3 với điệp ngữ "mùa thu tới" đã diễn tả bước đi của mùa thu và niềm mong đợi thu về bấy lâu nay trong lòng thi sĩ:

"Đây mùa thu tới/ mùa thu tới

 Với áo mơ phai/ dệt lá vàng".

Một vần lưng thần tình: "tới - với", một chữ "dệt" tinh tế trong miêu tả và cảm nhận. Thu vừa tới, sắc màu cỏ cây vạn vật đều đổi thay, trở thành "mơ phai". Đó đây điểm tô một vài sắc vàng của lá, đúng là "dệt lá vàng". Câu thơ "Với áo mơ phai dệt lá vàng" là một câu thơ nhiều thi vị, nói lên cái hồn thu với sắc lá, gợi lên cảm giác thanh nhẹ, tươi sáng về mùa thu đáng yêu vô cùng. Có thể nói, khổ thơ đầu đã vẽ lên một bức tranh thu đẹp, thơ mộng, thấm một nỗi buồn từ cây cỏ đến lòng người, nhưng không ảm đạm, thê lương làm nặng trĩu lòng người. Mỗi ngày mỗi đêm đi qua. Thu đã về và thu dần dần trôi qua. Cảnh vật biến đổi. Hoa đã "rụng cành". Tác giả không nói "đôi ba...”, mà lại viết "hơn một" cách dùng số từ ấy cũng là một cách nói rất mới. Trong vườn, màu đỏ (từng chấm nhỏ) đang lấn dần, đã và đang "rũa màu xanh"!

Cũng nói về sự biến đổi ấy, trong bài "Cảm thu, tiễn thu” thi sĩ Tản Đà viết:

"Sắc đâu nhuộm ố quan hà

 Cỏ vùng cây đỏ bóng tà tà dương".

Cây cối bắt đầu rụng lá trơ cành như đang "run rẩy", khẽ "rung rinh" trước những làn gió thu lành lạnh, se sắt. Khổ thơ thứ hai, chất thơ ấy là sự lay động xôn xao từ cảnh vật, từ hoa lá hơi may mà thấm vào hồn thi sĩ:

"Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.

Những luồng run rẩy, rung rinh lá,

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh".

Các từ láy "run rẩy", "rung rinh”, "mỏng manh" là những nét vẽ thần diệu gợi tả cái run rẩy, cái rùng mình của cây lá buổi chiều thu. Nghệ thuật sử dụng các phụ âm “r" (rụng, rũa, run rẩy, rung rinh) và phụ âm "m" (một, màu, mỏng manh) với dụng ý thẩm mĩ trong gợi tả và biểu cảm đặc sắc. Đó cũng là một nét mới trong thi pháp của Xuân Diệu.

Khổ thơ thứ 3, thi liệu vừa hiện thực vừa ước lệ tượng trưng, vừa kế thừa vừa cách tân sáng tạo. Cũng có trăng nhưng là "nàng trăng tự ngẩn ngơ" trên bầu trời. Không nói là trăng non đầu tháng, không hỏi "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già" mà lại nói là "nàng trăng". Một hình ảnh đẹp, thơ mộng tả vầng trăng thu. Cũng có núi, có non, lúc ẩn lúc hiện, "khởi sự" nhô lên cuối chân trời xa, qua lớp sương thu mờ. Trăng và núi trong thơ Xuân Diệu chứa đựng cái hồn thu muôn thuở của xứ sở quê hương, gần gũi và thân thuộc từ bao đời nay được vẽ lên thật đẹp:

"Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ... "

Hai tiếng "đã nghe", "đã vắng" gợi tả cái không gian bao la, vắng vẻ của những buổi chiều thu lành lạnh:

"Đã nghe rét mướt luồn trong gió,

Đã vắng người sang những chuyến đò”

Cấu trúc câu thơ song hành và cách diễn tả cũng rất mới. Có chuyển đổi cảm giác giữa xúc giác và thính giác. Như vậy, sự cảm nhận của thi nhân về rét, về gió, về cái xa vắng không chỉ bằng giác quan mà còn bằng cả linh hồn nữa. Chữ "luồn" đã cụ thể hóa cái rét, cảm nhận được nó bằng trực giác. Rét mướt luồn trong gió thu hiu hắt chứ không phải là gió rét. Rõ ràng là chưa rét đậm, rét tê tái, đúng là cái rét, cái lành lạnh những chiều thu, những đêm tàn thu.

Khổ cuối là một bức tranh thu tuyệt đẹp. Có vẻ đẹp của thiên nhiên, của mây trời, cánh chim. Có vẻ đẹp thiếu nữ. Cảnh đẹp, người đẹp mà thoáng buồn mơ hồ mênh mông. Mây và cánh chim gợi lên nỗi buồn đẹp chia li như "bèo dạt mây trôi" của tình ca! Thi sĩ đã lấy cái "động" của cánh chim bay, của áng mây chiều trôi để đặc tả cái êm đềm, yên tĩnh của cõi vật và lòng người:

"Mây vẩn từng không chim bay đi,

Khí trời u uất hận chia li"...

Trong cái êm đềm, xa vắng ấy hiện lên hình ảnh thiếu nữ "ít nhiều" chưa xác định. Buồn tương tư, "buồn không nói". Một dáng điệu "tựa cửa nhìn xa", một tâm hồn "nghĩ ngợi gì" rất mơ hồ, xa xăm:

"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì"

Là mùa xuân hay mùa thu, là mùa hè hay mùa đông, giữa thiên nhiên trăm sắc nghìn hương ấy, hình ảnh thiếu nữ đa tình, duyên dáng luôn luôn thấp thoáng qua những vần thơ của Xuân Diệu. Thi sĩ đa tình nên thiếu nữ cũng đa tình?

"Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm

Hây hây thục nữ mắt như thuyền".

("Nụ cười xuân" - Thơ thơ)

Trong chùm thơ thu của Yên Đổ, tình thu buồn thấm thía cô đơn được thể hiện qua hình ảnh một ông lão, lúc đang "tựa gối ôm cần" trên một chiếc thuyền câu "bé tẻo teo" giữa chiếc ao thu "lạnh lẽo", lúc là một cụ già đang ngồi uống rượu ngà ngà say trong đêm sâu, có lúc lại là một nhà nho đang lặng ngắm cảnh thu, muốn cầm bút đề thơ mà phân vân, lưỡng lự... Còn trong thơ thu của Xuân Diệu là hình bóng một giai nhân trong tương tư, đang mộng tưởng. Đó cũng là một nét mới nói về mùa thu trong thơ Xuân Diệu. Có thể nói trạng thái buồn mơ hồ, buồn không rõ nguyên cớ là một nét tâm trạng rất điển hình của hồn thơ Xuân Diệu:

"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói... "

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...".

"Đây mùa thu tới" là một bài thơ thu tuyệt bút của Xuân Diệu. Bao nhiêu nét thu là bấy nhiêu nét vẽ tài hoa. Dáng thu, sắc thu, tình thu đều đẹp mà buồn, bao nên cái hồn thu mênh mang, xao xuyến. Đáng yêu nhất là hình ảnh thiếu nữ, một dáng thu yêu kiều mộng tưởng "Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì". Một trái tim đa tình, một ngòi bút tài hoa. Cách cảm và cách diễn tả rất mới, rất thơ. Đằng sau những sắc thu của đất trời, hoa lá, cây cỏ, của núi xa, của nàng trăng, của làn gió thu se lạnh,... là tiếng thu xôn xao, rung động trong tâm hồn thi sĩ tuổi đôi mươi và trong lòng thiếu nữ tuổi trăng tròn. Bài thơ cho ta nhiều ngẩn ngơ say cái hương sắc mùa thu xưa, mùa thu Hà Nội hơn nữa.

Phân tích Đây mùa thu tới mẫu số 2

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"

Từ lâu, đề tài mùa thu đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho tất cả các thi nhân. Nếu như ở trên ta có một "Thu điếu" - Nguyễn Khuyến với cảnh thu thân thuộc, bình dị của làng quê đồng bằng Bắc Bộ thì đến với "Đây mùa thu tới", Xuân Diệu lại mang đến bức tranh thu sinh động, ấn tượng đồng thời tác giả bày tỏ cảm xúc u sầu, trầm tư khi mùa thu đến. "Đây mùa thu tới" được rút từ tập "Thơ thơ" xuất bản 1938, là một đại diện tiêu biểu cho nền thơ ca trước Cách mạng. Bài thơ chính là khung cảnh đất trời với "hơi thở" man mác buồn cùng với đó là nỗi bâng khuâng của người thiếu nữ khi mùa thu về.

Mở đầu bài thơ người đọc đã cảm nhận được cái buồn, vắng vẻ của cảnh vật:

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng"

Tác giả dẫn dắt độc giả với hình ảnh đầu tiên - "liễu". Xuân Diệu đã chọn hình ảnh này làm tín hiệu của mùa thu nhằm diễn tả một mùa thu buồn man mác nhưng cũng đầy lãng mạn. Tâm trạng mà tác giả xây dựng cho "nhân vật" này là cái "đìu hiu" - tức là sự vắng vẻ, đơn côi. Và sự cô đơn này không chỉ diễn ra trên một mà là "rặng" - với nhiều cây liễu càng làm cho nỗi buồn chồng chất, lây lan. Chính từ láy "đìu hiu" đã miêu tả không khí buồn, lẻ loi của "liễu". Nhà thơ đã dùng thủ pháp nhân hóa để nói lên hành động của "liễu" là "đứng chịu tang". Lúc này, "liễu" không còn là một thực thể vô tri vô giác nữa mà thay vào đó là hình ảnh buồn, lặng lẽ nghiêng mình trước "tang".

Hình ảnh "lệ ngàn hàng" gợi nỗi đau, nỗi buồn khi tác giả sử dụng số đếm "ngàn" để chỉ về nước mắt của cây liễu. Chính điều này làm người ta tự hỏi liệu nguyên nhân nào khiến cho "liễu" khóc, ai đã ra đi để "nàng" phải "chịu tang". Hai câu thơ gợi mở và làm cho người đọc tò mò về những "diễn biến" tiếp theo. Ở khổ thơ đầu này, một biện pháp nghệ thuật nữa mà tác giả sử dụng là láy âm gần nhau. Liên tiếp là ba chữ "Buồn - buông - xuống" là các âm tiết nửa khép nên khẩu hình khi phát âm là hẹp tạo cảm giác nỗi buồn ứ đọng và khi phát âm thì âm thanh trầm. Thanh âm theo thứ tự là bằng thấp, bằng cao, trắc cao nên khi đọc câu thơ gợi cảm giác nỗi buồn đang "buông" từ từ, không vội vã. Cũng tương tự như vậy tác giả sử dụng láy âm cho ba chữ "tang - ngàn - hàng" cũng là âm tiết nửa khép.

Đi từ bằng cao xuống bằng thấp nên các từ này gợi nỗi trĩu nặng, giọng điệu trầm xuống cho sự xót xa, thương tiếc của "liễu":

"Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng."

Niềm vui mừng, phấn khởi của tác giả khi mùa thu đã "chạm ngõ". Điệp cấu trúc "mùa thu tới" càng nói lên sự hồ hởi, chào đón "nàng thu" của thi sĩ. Câu cuối chính với hình ảnh nhẹ nhàng, trong sáng, mang đậm sắc thu với "phông nền" là màu vàng. Cả hai câu thơ đều có cách ngắt nhịp 4/3 diễn tả được sự chuyển động của nàng thu, đồng thời thể hiện thái độ mong chờ thu tới của thi sĩ.

Nếu như ở khổ thơ đầu tiên tác giả đưa chúng ta đến với những cảm xúc thuần túy của mùa thu thì ở khổ tiếp theo Xuân Diệu lại đi vào chi tiết, khắc họa rõ nét hơn bức tranh thiên nhiên:

"Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.

Những luồng run rẩy, rung rinh lá,

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh."

Thoạt đọc câu đầu khổ thơ hai, độc giả sẽ cảm thấy khá lạ tai với cụm từ "hơn một". "Hơn một" tức là số nhiều, có thể là hai, ba, bốn... nhưng thi sĩ lại không dùng một số đếm cụ thể mà lại dùng "hơn một". Chính cụm từ này đã gây ra cho người đọc nhiều hứng thú. Chắc hẳn rằng không chỉ có một loài hoa "đã rụng cành" mà là rất nhiều loài hoa đã như thế. Xuân Diệu quả là một nhà thơ tài tình khi ông liên tiếp đưa ra những từ ngữ đặc sắc và đầy chất gợi. Phải tinh tế lắm, nhạy cảm lắm thì ông mới chọn "rũa" để miêu tả cây trong vườn. Động từ này gây ra cho người đọc sự nhuốm màu, pha trộn giữa màu xanh và màu đỏ. "Sắc đỏ" đang dần xâm chiếm trên lá cây, như một tín hiệu cho mùa thu đã về. Câu thơ kế tiếp thi sĩ sử dụng liên tục hai từ láy "run rẩy", "rung rinh" như một sự lay động nhẹ của "nhánh khô gầy" khi có làn gió thoảng qua. Liên tiếp là bốn chữ "r" làm cho người đọc cảm nhận được cái lạnh, sự "run rẩy" cũng theo đó mà được cảm nhận rõ hơn.

Đến với khổ thơ thứ ba, người đọc bắt gặp hồn thơ vừa mang tính hiện thực lại có tính chất tượng trưng đầy sáng tạo. Ấn tượng ngay với độc giả là hình ảnh "nàng trăng". Cũng với ý nghĩa đó tác giả có thể diễn đạt theo cách khác như trăng non hoặc trăng đầu mùa. Nhưng không, thi nhân đã nhân hóa trăng thành hình ảnh một con gái với tuổi xuân xanh mơn mởn như chính cái sắc vàng của trăng non.

"Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ"

Với phép tu từ nhân hóa, nhà thơ Xuân Diệu đã khắc họa tính cách của trăng y hệt như một người con gái đang suy nghĩ điều gì để rồi tự "ngẩn ngơ". Cùng với hình ảnh trăng, tác giả còn khéo léo giới thiệu về núi non quê hương. Từ "xa" cho thấy điểm nhìn của tác giả đã mở rộng ra. Thoạt đầu là từ trên cao khi chiêm ngưỡng "nàng trăng", còn giờ đây là không gian có chiều dài với núi non được bảo vệ bởi một lớp sương "nhạt". Chính từ này làm cho núi non không hiện ra một cách rõ nét cũng không bị bao phủ quá dày mà nó vừa đủ để tạo ra hình ảnh vừa thực vừa ảo.

"Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò."

Cấu trúc song hành "Đã..." diễn tả một sự việc, hành động đã xảy ra. Thu về mang theo cái rét đặc trưng cùng "hội ngộ". Lúc này tác giả đã chuyển xúc giác sang thính giác để nghe "lời thu nói". Cái rét ở đây không phải là rét đậm cũng không là rét tê tái mà là "rét mướt". Động từ độc đáo "luồn" tạo cảm giác cái rét đang len lỏi vào từng cơn gió cùng về với mùa thu. Câu thơ cuối miêu tả hiện thực những chuyến đò giờ đã vắng người sang gợi cảm giác buồn, vắng vẻ.

Đến với khổ thơ cuối cùng:

"Mây vẩn từng không chim bay đi

Khí trời u uất hận chia ly

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì."

Nếu như ở "Thu điếu" Nguyễn Khuyến đưa đến cho chúng ta một bầu trời nhẹ nhàng, trong xanh - "tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt" thì "Đây mùa thu tới" bầu trời của Xuân Diệu lại đượm buồn. Thi sĩ dùng những hình ảnh chuyển động để nói tới cái tĩnh lặng của con người. "Chim bay đi" trong sự chia li của khí trời làm cho không gian như chia đôi, tạo cảm giác buồn đơn chiếc. Tác giả đã miêu tả từ cái xác định đến cái không xác định làm cho câu thơ có nét mới lạ. Hình ảnh "thiếu nữ buồn không nói" cùng với nghệ thuật đảo ngữ đã khắc họa nỗi sầu thảm, lẻ loi, cô đơn của cô gái trước không gian mênh mông rộng lớn. "Nhìn xa", "nghĩ ngợi" càng làm rõ hơn sự suy tư, trầm ngâm của nhân vật trước cảnh sắc mùa thu hay chính xác là bước "chuyển mình" của "nàng thu". Mượn hình ảnh "thiếu nữ", tác giả đã nói lên suy nghĩ, tâm sự của mình về bức tranh thu. Đó chính là cảm xúc buồn, suy tư khi mùa thu dần "tàn".

Với "Đây mùa thu tới", nhà thơ Xuân Diệu đã cho độc giả thấy cảm quan cực kì xuất sắc trong việc quan sát, miêu tả cảnh vật khi mùa thu tới. Bài thơ không những có đầy đủ hình ảnh, cảnh sắc mà còn chất chứa tình thu. Bằng tình yêu cuộc sống, thái độ trân quý thời gian thi sĩ đã vẽ nên bức tranh thu vừa sinh động nhưng đồng thời cũng mang nét u buồn, cô đơn.

Phân tích Đây mùa thu tới mẫu số 3

Văn học bắt nguồn từ đời sống, nó đã bén rễ với cuộc sống và trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi con người. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm văn học lại mang những đặc trưng riêng khiến nó trở thành một bộ phận độc đáo. Cụ thể, trong tác phẩm “Đây mùa thu tới” thuộc tập “Thơ thơ” của Xuân Diệu - một nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới". Bài thơ đã thể hiện nguồn cảm xúc mãnh liệt dạt dào của thi nhân trước cảnh vật chớm thu. Mỗi tác phẩm văn học thường chứa đựng sự đa dạng, thậm chí sự phức tạp trong cách tiếp nhận, đứng dưới góc độ đặc trưng văn học thì tác phẩm “Đây mùa thu tới” sẽ cho ta những cảm nhận mới mẻ.

Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có một chất liệu riêng, một ngôn ngữ riêng. Đối với văn học ta có thể coi là nghệ thuật của ngôn từ. Đọc bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu ta sẽ bị thu hút, chú ý và suy nghĩ về các lớp từ ngữ độc đáo – đó là ngôn từ nổi bật hay còn gọi tính nghệ thuật của ngôn từ. Chỉ mới đọc đến khổ thơ đầu tiên ta có thể thấy rõ đặc trưng ấy:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng"

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.”

Xuân Diệu đã lựa chọn từ "liễu” đại diện cho nhân vật trữ tình để mở đầu cho mùa thu và mở đầu cho không gian thơ. Những “rặng liễu” rủ xuống được nhân hóa như một người thiếu nữ đìu hiu đứng chịu tang. “Liễu” không hiếm trong thơ xưa, nhưng dường như trong thơ Xuân Diệu nó lại được cảm nhận và miêu tả thật độc đáo gợi ra một nỗi sầu thương, cô đơn làm cả không gian chìm lắng trong cái buồn và vắng vẻ. Sự nổi bật của nhịp điệu ngôn ngữ - sự lập lại vần điệu của các âm thanh trong “liễu - đìu - hiu - chịu, buồn - buông - xuống, tang - ngàn - hàng” đã gợi lên cho ta một bức tranh được vẽ bằng cả nhạc điệu. Có thể thấy nhà thơ Xuân Diệu đã rất khéo léo sử dụng ba chuỗi vần liên tiếp và đan xen nhau cùng với những từ láy đã tạo ra được âm điệu trầm bổng mang nét buồn, gợi tả cái dáng buông xuống, rũ xuống mềm mại của “rặng liễu”. Điều đó, cho thấy rõ rằng ta đang được đọc một thứ ngôn ngữ đã được tác giả tổ chức, sắp xếp để thu hút sự chú ý của người đọc chứ không còn là một thứ ngôn ngữ đời thường.

Bàn đến sự nổi bật của ngôn từ ta không khỏi nhắc đến đặc điểm lạ hóa. Ở đây, trong tác phẩm nhà thơ đã sử dụng những từ ngữ, câu văn rất riêng biệt. Tác giả đã sử dụng vần lưng “tới với” rất tinh tế, khi mùa thu đến sắc màu của vạn vật đều trở nên “mơ phai” nhường chỗ cho sắc vàng của lá “dệt lá vàng”. Hay trong câu:

“Hơn một loài hoa đã rụng cành”

Câu thơ này làm ta phải dừng lại để quan sát và suy nghĩ về cấu trúc câu “hơn một loài hoa”, “hoa đã rụng cành”. Tác giả đã dùng cụm từ “hơn một” nghe có vẻ khá lạ. “Hơn một” tức là chỉ số nhiều nhưng tại sao nhà thơ lại không sử dụng một số đếm cụ thể? Có lẽ thi nhân không chỉ nhận thấy rằng không những một loài hoa rụng mà mỗi ngày lại có thêm nhiều loài hoa rụng rơi, đó cũng là một cách miêu tả khá độc đáo gây nhiều hứng thú cho người đọc. Hay cũng trong khổ hai, ta có:

“Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”

Các từ láy “run rẩy”, “rung rinh”, “mỏng manh" là những nét vẽ làm hiện lên hình ảnh những cành cây run lên rùng mình trong cái gió đầu thu hơi se lạnh. Chỉ trong một câu thơ mà có tới bốn âm “r” đi liền nhau “run - rẩy - rung - rinh” tạo nên nét riêng trong cách miêu tả và biểu cảm đặc sắc. Thu đến mang đi sự xanh tươi tràn trề nhựa sống của cỏ cây nhường chỗ cho sự khô gầy, héo úa của những cành cây. Có thể nhiều lúc chúng ta đọc một văn bản chúng ta sẽ không nghe thấy âm thanh. Chẳng hạn câu văn đang đọc đây, ta sẽ thấy dường như nó chẳng có nhịp điệu, nhưng nếu một câu văn có vần điệu bất ngờ xuất hiện thì nó sẽ làm ta ấn tượng và chú ý đến.

Không chỉ dừng lại ở nhịp điệu ngôn ngữ nhà thơ Xuân Diệu cũng có một góc nhìn độc đáo về thời gian, ngay từ nhan đề của bài thơ “Đây mùa thu tới” gợi ra cho người đọc một cảm nhận, một nhịp bước của thời gian thời khắc chuyển từ hạ sang thu. Có lẽ, nhà thơ đã rất tinh tế khi chọn cho mình góc nhìn độc đáo để cảm nhận màu sắc, cảnh vật thiên nhiên đầu thu qua các giác quan:

“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…

Non xa khởi sự nhạt sương mờ…

Đã nghe rét mướt luồn trong gió…

Đã vắng người sang những chuyến đò…”.

Bằng thị giác của mình, nhà thơ đã nhân hóa ánh trăng thu tựa như một nàng thơ đang ngẩn ngơ suy tư trước núi non phủ mình dưới làn sương mờ nhạt. Hai cụm từ “đã nghe”, “đã vắng” gợi tả cái không gian bao la, vắng vẻ của một buổi chiều thu lành lạnh. Cả hai câu đều bắt đầu bằng từ “đã” phần nào nhấn mạnh cảm quan về thời gian. Từ đầu thơ là sự cảm nhận bằng thị giác thì giờ đây là sự chuyển đổi cảm giác giữa thính giác (đã nghe), đến xúc giác với cái se lạnh của buổi đầu thu bắt đầu chạm vào da thịt (rét mướt) và cuối cùng là cái luồn trong gió, chữ “luồn” ấy dường như đã miêu tả cụ thể cái rét, cảm nhận được nó bằng trực giác. Khổ thơ có nhiều dấu chấm lửng “…” dường như nhà thơ cố tình tạo ra những khoảng trống để chứa đựng bao ngưng nga của một nỗi buồn xa vắng, mơ hồ.

Tác phẩm văn học còn mang tính chỉnh thể. Đặc điểm này làm cho tác phẩm có một sức mạnh hoàn chỉnh và tác động đến người đọc. Tác phẩm “Đây mùa thu tới” có sự tham gia của nhiều yếu tố từ đó nó tạo thành một bài thơ, ở đó nó tìm kiếm sự hòa điệu, hợp nhất. Nếu quan sát khắp không gian bài thơ ta sẽ nhận ra các tính từ chỉ màu sắc như: màu vàng của lá, sắc đỏ, sắc xanh trong khu vườn mùa thu. Và nếu dừng lại phân tích kĩ thì ta thấy nhà thơ Xuân Diệu đã dùng những gam màu đối lập nhau, một câu có vần điệu khi đưa hai từ đỏ - xanh lại với nhau, đã khiến cho chúng có một mối liên hệ mật thiết.

Có phải ta sẽ nhận thấy rằng sắc đỏ là gam màu nóng còn sắc xanh là gam màu lạnh và chúng tương phản nhau. Dường như sự đối lập của hai tính từ này vừa gây một cảm giác mạnh, vừa biểu hiện sự tàn nhẫn của thời gian làm phôi phai tất cả trong đó có màu lá. Hay hai câu cuối trong khổ thơ thứ ba, nó cũng có chút gì đó đối lập nhau. Khi cái lạnh của những cơn gió mùa thu bắt đầu đến thì sự xuất hiện của con người cũng thưa thớt đi. Quan hệ đối kháng ấy còn được thể hiện trong câu thơ: “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói”.

“Ít - nhiều” là hai từ chỉ số lượng đối lập nhau, nếu tách chúng ra thì nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau nhưng khi cho hai từ này đứng kế bên nhau nó lại trở nên đồng điệu về mặt ý nghĩa. Cụm từ “ít nhiều” tuy không chỉ cụ thể số lượng nhưng đã gợi lên nỗi sầu buồn, lẻ loi, cô đơn của người thiếu nữ trước một không gian bao la, rộng lớn, con người đã xuất hiện trong tâm trạng u buồn, suy tư. Các yếu tố ngôn từ, hình ảnh trong tác phẩm đều có mối quan hệ lẫn nhau. Những hình ảnh của thiên nhiên, cảnh vật mùa thu như: liễu, lá vàng, hoa, nhánh khô, trăng, non xa, sương mờ, mây, chim… chúng có mối quan hệ với nhau, tạo nên một bức tranh thu vừa sinh động nhưng đồng thời lại mang một nét u buồn, cô đơn. Bên cạnh đó, có các cụm từ: ngàn hàng, hơn một, đôi nhánh, ít nhiều, chúng đều nói đến con số nhưng không xác định. Những từ ngữ ấy gợi sự man mác trong trạng thái mơ hồ không xác định, nỗi buồn thầm lặng khó tả.

Mỗi người đọc chúng ta sẽ dành một sự quan tâm khác nhau đến văn học là vì ngôn từ của nó có mối quan hệ đặc biệt với thế giới – một thế giới mà ta có thể gọi là “hư cấu”. Ta dễ dàng bắt gặp điều đó qua nhan đề của bài thơ “Đây mùa thu tới”. Tác giả đã sử dụng phó từ chỉ nơi chốn “đây” được dùng một cách khá đặc biệt. “Đây” trong nhan đề bài thơ hay trong câu “Đây mùa thu tới – mùa thu tới” được hiểu như không phải nói đến khoảnh khắc nơi nhà thơ lần đầu viết xuống những dòng thơ đó, hay là nơi mà tác phẩm được xuất bản mà là đến một khoảng không gian trong bài thơ, trong thế giới hư cấu. Cũng trong câu đó, cụm từ “mùa thu” chỉ thời gian tạo nên một không gian hư cấu, đó là một ngữ cảnh mang tính văn học, không phải là mùa thu của quá khứ hay hiện tại mà là “mùa thu” đang được đặc trưng hóa thái độ của người kể hư cấu, nhà thơ Xuân Diệu đang phác họa lại bức tranh mùa thu vừa sinh động đồng thời mang nét u buồn, cô đơn qua những gì mà tác giả đã nhìn thấy hoặc đã trải qua. Tính hư cấu còn được thể hiện qua các từ ngữ như: nàng trăng, thiếu nữ… đó là các chủ thể trữ tình được đặt trong mối quan hệ với các từ ngữ, hình ảnh khác trong bài thơ. Hình ảnh của những nhân vật ấy tạo nên một nét buồn, một nét đa tình luôn thấp thoáng trong những vần thơ, dường như tác giả đã gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình qua các nhân vật trữ tình.

Tác phẩm “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu là một bức tranh mùa thu vừa đa dạng về đường nét vừa phong phú về màu sắc. Nhưng tất cả đều gợi lên cảm xúc dạt dào trước cảnh vật thiên nhiên đang bước vào thu mang một chút buồn, một chút cô đơn. Bài thơ đứng dưới góc nhìn của các đặc trưng văn học ta sẽ càng thấy rõ sự độc đáo, thú vị trong các từ ngữ, câu văn, hình ảnh thơ, nó là một nét đặc sắc tạo nên dấu ấn và suy nghĩ trong lòng người đọc.

Phân tích Đây mùa thu tới mẫu số 4

Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân để tạo ra những thi phẩm để đời. Mùa thu trong thơ của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu nơi thôn quê yên bình, tĩnh lặng. Mùa thu trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư lại là những cảm nhận tinh tế của tác giả về một không gian trời thu chân thực và sống động. Nhưng đến với Đây mùa thu tới, với tâm hồn nhạy cảm và xốn xang của người nghệ sĩ, mùa thu trong thơ Xuân Diệu mang trong mình biết bao sắc thái diệu kì.

Ngay từ tiêu đề “Đây mùa thu tới”, độc giả đã phần nào hiểu được nội dung chủ yếu của bài thơ là gì. Đó là nói về mùa thu nhưng không phải là giữa mùa thu hay cuối thu. Mà là đương lúc mùa thu mới tới, đất trời vừa mới tiễn biệt mùa hè để đón thu tới. Khi ngắm nhìn sự chuyển đổi của đất trời đó, nhà thơ Xuân Diệu phát hiện ra:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

Đập vào mắt nhà thơ đầu tiên khi mùa thu đến là hình ảnh rặng liễu rũ. Nếu người thường, thấy rặng liễu ấy sẽ mang dáng vẻ dịu dàng e ấp, thế nhưng, ở đây nhà thơ lại thấy rặng liễu như mang tâm trạng buồn bã như đang chịu tang, như đang trong cảnh biệt li chết chóc. Từng cành lá buông xuống, được nhà thơ ví như những giọt lệ tuôn rơi. Thật là một cảnh sắc thật buồn thê lương. Dường như ẩn đằng sau hình bóng rặng liễu là hình ảnh một thiếu phụ đang khóc lóc trong cảnh đưa tang. Đọc câu thơ lên mà độc giả cảm thấy buồn đến nao lòng. Đến hai câu tiếp, nhà thơ thông báo “mùa thu tới mùa thu tới” với màu sắc mờ nhạt và lá vàng, lại càng nhấn mạnh thêm sự ảm đạm trong bức tranh thu mới tới. Ở khổ thơ này, nhà thơ đã dùng những từ ngữ nhân hóa khiến cho mùa thu cũng mang dáng vẻ của con người, biết khóc, biết buồn, biết dệt lá. Qua đây, chúng ta có thể cảm nhận được tâm trạng sầu thảm trước cuộc sống của nhà thơ.

Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới đến khổ thơ thứ 2, chúng ta càng thấm thía hơn khung cảnh ảm đạm của mùa thu. Dưới con mắt nhạy cảm, tinh tế nhưng đầy u uất của nhà thơ, mùa thu tới mang theo sự chia lìa, khi các loài hoa thay nhau rụng xuống. Thay vì sắc xanh tươi trẻ của mùa hè thì giờ đây sắc đỏ đã chiếm chỗ và xua đuổi màu xanh đi để chiếm trọn không gian thu cho riêng mình. Không những thế, mùa thu tới mang theo những cơn gió heo may se se lạnh, khiến cho cành lá rung rinh một cách run rẩy chứ không phải rung rinh vui vẻ như khi mùa hè. Cùng với đó là những cành cây rụng hết lá chỉ còn trơ xương gầy mỏng manh thiếu sức sống.

“Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;

Những luồng run rẩy rung rinh lá…

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”.

Cả khổ thơ, tác giả đã dùng màu sắc và các nét chấm phá để khắc họa lên bức tranh thu đầy xơ xác và khô héo. Dường như nó ẩn chứa dáng vẻ thất vọng, chán chường của tâm trạng con người. Con người trước Cách mạng tháng Tám hay chính nhà thơ đang thấy mình thiếu sức sống, không biết bấu víu vào đâu và cảm thấy run rẩy trước dòng chảy của thời gian. Bốn câu thơ đều sử dụng phép đảo ngữ, nhằm nhấn mạnh những thay đổi của thiên nhiên khi mùa thu tới và cũng nhằm làm nổi bật nét thu đầy buồn thương.

Nếu như những câu thơ trên, nhà thơ mới phác họa bức tranh thu qua những đổi thay của thiên nhiên, thì tới khổ thơ tiếp theo nhà thơ đã nói tới sự vần chuyển của cả vũ trụ lẫn con người. Ở đây, nhà thơ không gọi là bóng trăng, hay ánh trăng mà gọi là “nàng trăng”. Cụm từ ấy cho độc giả thấy nàng trăng như cô gái ngẩn ngơ tiếc nuối trước sự đổi thay của đất trời, của thời gian. Trăng thu không sáng vành vạch như thường mà lại thỉnh thoảng ngẩn ngơ như đang mơ tưởng hay tiếc nuối điều gì.

“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…

Non xa khởi sự nhạt sương mờ…

Đã nghe rét mướt luồn trong gió…

Đã vắng người sang những chuyến đò…”

Không chỉ trăng ngẩn ngơ mà núi non cũng trở nên mờ nhạt. Dường như vạn vật đều trở nên hiu quạnh, mờ ảo khi bước chân mùa thu tới. Đã thế, đâu đó còn có những cơn gió lạnh đầu mùa, khiến cho cả đất trời lẫn con người bỗng trở nên buốt giá và lạnh lẽo. Cũng chính vì thế mà những chuyến đò vốn tập nập hàng ngày giờ trở nên nên vắng vẻ, chẳng còn ai qua sông. Điều đó chứng tỏ sức sống của con người cũng trở nên khô cằn, con người đều lui về ở ẩn. Điệp từ “đã” ở đây tác giả sử dụng nhằm nhấn mạnh rằng mùa thu đã tới thực sự. Mùa thu không còn mới tới nữa mà đã bao trùm lên khắp không gian, cảnh vật và hồn người.

Qua quá trình phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu, chúng ta cảm nhận được nét đẹp sầu bi của mùa thu. Thu chẳng còn vẻ đẹp lãng mạn mộng mơ mà chất chứa đầy nỗi buồn u uất. Đó cũng chính là tâm trạng của hầu hết các thi sĩ, nhà văn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám khi đất nước còn trong cảnh lầm than, khi mọi sự đang còn trong vòng luẩn quẩn và đời sống con người đang bị chà đạp bởi những thế lực tàn bạo nửa thực dân nửa phong kiến.

“Mây vẩn từng không, chim bay đi,

Khí trời u uất hận chia ly.

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”.

Chính bởi tâm trạng đang buồn rầu nên tác giả đã nhuốm màu buồn đó lên cảnh thu. Mặc dù có thể, mùa thu không đến nỗi sầu đau như thế. Nhưng vì quá uất hận, quá bi thương nên nhà thơ Xuân Diệu đã không thể giấu được lòng mình. Ông đã gửi gắm qua những câu thơ về mùa thu đầy xót xa. Đặc biệt ở khổ thơ cuối. Nhà thơ đã cho xuất hiện một loạt hình ảnh thể hiện sự chia ly, tử biệt. Rồi giữa khung cảnh mùa thu tang thương ấy, hình ảnh người thiếu nữ buồn không nói càng làm cho bức tranh trở nên sầu thảm. Người thiếu nữ ấy nhìn xa xăm, vô định, nghĩ ngợi mông lung về điều gì mà không biết chính xác là điều gì. Dường như đó cũng chính là tâm tư của nhà thơ khi đang khao khát điều gì đó nhưng lại không thể biết chính xác là điều gì. Cái hình ảnh “tựa cửa” nhìn xa xăm không nói sao mà buồn thảm sao mà bất an và nhiều lo lắng đến thế. Dường như con người đang không biết bấu víu vào đâu, không biết đi đâu về đâu giữa cuộc đời đầy bất an đó.

Toàn bộ bài thơ một là một bức tranh mùa thu buồn được vẽ bằng những bút pháp nghệ thuật độc đáo. Nhà thơ đã sử dụng những từ láy gợi cảm giác như “run rẩy”, “ngẩn ngơ”, “đìu hiu”, “mỏng manh”… Nhờ những từ đó là bức tranh thu trở nên sinh động hơn, có sức hút hơn với người đọc. Đặc biệt, những cách đảo ngữ thú vị càng giúp bài thơ bộc lộ rõ hơn sự biến chuyển của thời gian và tâm trạng não nề của tác giả. Với thể thơ tự do, nhà thơ cho thấy tâm hồn của mình thật phóng khoáng, không bị gò bó rào cản trong một khuôn mẫu nào cả. Nhờ thế mà bài thơ cũng dễ đi vào lòng người, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ cảm hơn.

Đã có rất nhiều nhà thơ lấy mùa thu làm chủ đề trong tác phẩm của mình. Nếu Nguyễn Khuyến là chùm thơ thu với nỗi buồn hoang vắng hiu quạnh thì ở đây, Xuân Diệu là nỗi buồn chia li đầy tang thương sầu muộn. Đó cũng chính là tâm trạng chung của hầu hết các thi sĩ, nhà văn của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng thật may, sau Cách mạng, cái nhìn của họ đã trở nên tươi đẹp hơn và căng tràn sức sống hơn. Qua bài thơ Đây mùa thu tới, chúng ta thêm thấm thía hơn vẻ đẹp buồn mênh mang của một mùa trong bốn mùa thiên nhiên thú vị.

Phân tích Đây mùa thu tới mẫu số 5

Xuân Diệu được biết đến là một thi sĩ đa tài với hồn thơ lúc tha thiết nhẹ nhàng, khi lả lơi đùa giỡn, rồi cũng có cả những buồn đau da diết, khắc khoải. Ông được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” của nền thơ mới Việt Nam. Đến với bài thơ ”Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn về tâm hồn nhà thơ, về tình yêu thiên nhiên trong trái tim người thi sĩ. Có lẽ khổ đầu bài thơ chính là những nốt nhạc dạo tuyệt vời nhất, vẽ lên một bức tranh thu tuyệt vời.

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với lá mơ phai dệt lá vàng”.

Thiên nhiên là nơi chứa đựng những cái đẹp tinh túy nhất của đất trời, cỏ cây, hoa lá…. Hiểu được thiên nhiên, có tình yêu thiên nhiên vô tận thì những thi sĩ của chúng ta mới viết nên những dòng thơ nặng tình vẹn ý. Ở "Đây mùa thu tới” cũng vậy, mỗi dòng thơ là một miếng ghép tươi đẹp cùng ghép lại cho bức tranh mùa thu hoàn hảo. Nói đến mùa thu, con người ta luôn cảm nhận một nỗi buồn rất đặc trưng. Dường như mùa thu trở thành mùa của những xuyến xao nồng nàn, của những bâng khuâng khó tả và của những nỗi buồn xa xăm. Mùa thu - mùa của tình yêu thầm lặng và những khát khao trăn trở, mùa của ánh vàng miên man úa phai màu thời gian. Viết về mùa thu, có rất nhiều nhà thơ dành tình cảm đặc biệt cho chủ đề này, cũng không ít tác phẩm thu thành công rực rỡ.

Nói đến thu, người ta không thể không nhớ đến Nguyễn Khuyến với những câu thơ thu tĩnh lặng: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” hay Hữu Thỉnh với cảm nhận:

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Nhưng đến với "Đây mùa thu tới” ta bắt gặp một "nàng thu” hoàn toàn mới lạ với những cung bậc cảm xúc đầy sức hút.

"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

Mở đầu bài thơ là hình ảnh của những cây liễu rủ lá xuống mặt hồ. Cành liễu mềm mại với những dải lá mềm mại buông rủ xuống mềm mượt khiến ta liên tưởng đến hình ảnh thuớt tha nhỏ bé của một người con gái. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ ”đìu hiu” với cách láy vần độc đáo gợi tả sự cô đơn đến đơn độc, một cảnh buồn rất lạ. Bức tranh dần dần hiện lên qua từng nhịp thơ chậm rãi, êm ả. Rặng liễu xanh thẫm buông những cành lá một cách buồn buồn. Dường như ẩn chứa bên trong nó là một nỗi niềm sâu kín chưa biết tỏ cùng ai. Nó cứ đứng giữa đất trời bao la, mặc cho thời gian trôi đi, mặc cho mọi thứ đang chuyển động. Ta cảm nhận dường như thấp thoáng đâu đó bóng dáng yếu mềm của cô gái với nét mặt u sầu man mác. Không gian cũng yên tĩnh, lặng trôi như chính nỗi buồn không tên vậy.

"Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

Giữa trời đất bao la ấy chẳng biết là cành liễu mỏng manh buông xuống hay chính là mái tóc dài mượt của cô gái nữa. Chỉ thấy rằng hình ảnh trước mắt thấm đẫm sự buồn và cô đơn. “Lệ ngàn hàng” là cách sử dụng rất đắt về ngôn từ của nhà thơ. Độc giả không chắc chắn được đó là dòng nước mắt hay là dòng nước tĩnh lặng của thiên nhiên. Cũng có thể đó lại là những giọt nước mắt của cô gái đang chảy dài, rơi xuống mặt hồ.

Dù hiểu theo cách nào thì sự thật về nỗi buồn cũng đang hiển hiện một cách rất cụ thể, rất rõ ràng. “Tóc buồn” là cách bày tỏ trực tiếp, nói một cách chân nguyên nhất về tâm trạng của con người lúc này. Phải chăng nỗi buồn đang lan trải từ con người sang cảnh vật, khiến cảnh vật cũng đượm màu sầu muộn? Hay chính cảnh vật mang hơi hướng của sự buồn nên khiến lòng người cũng buồn theo? Bức tranh phong cảnh được nhà thơ vẽ nên chỉ bằng vài nét chấm phá tinh tế, khiến không gian và cảnh vật, con người hòa quyện lẫn nhau thành chỉnh thể hợp lý.

Ta bỗng nhiên nhớ đến một câu thơ thân thuộc: “Em là ai cô gái hay nàng tiên”. Bởi mọi thứ như thực như vô, vừa rõ ràng lại vừa mờ ảo, mông lung. Hai câu thơ mở ra cánh cửa đầu tiên của toàn cảnh bức tranh đất trời của cái nhìn đầy sức hút với vạn vật trong khung cảnh ấy, để rồi ở những câu thơ tiếp theo, mọi thứ đã có sự thay đổi:

“Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với lá mơ phai dệt lá vàng”

Nhịp thơ lúc này không còn chậm rãi mang vẻ buồn thiu như những câu thơ đầu nữa mà chúng trở nên nhanh hơn, gấp gáp hơn cùng điệp từ “mùa thu tới”. Vâng, mọi thứ ở hai câu thơ đầu tiên chính là những biểu hiện đặc trưng cho không khí và thời tiết sang thu. Để đến câu thơ thứ ba, nhà thơ khẳng định chính xác giây phút sang mùa đã đến, ngày thu đang cựa mình trong gió. Xuân Diệu chẳng còn kìm được lòng mình, cũng chẳng cần kìm lại những cảm xúc đang dồn dập khi ông nhận ra mùa thu đã tới. Điệp từ “mùa thu tới” với nhịp điệu nhanh hơn, thái độ hào hứng vui mừng hơn đã xua đi phần nào không khí vắng lặng của không gian, đất trời. Mỗi mùa trong năm đều có những đặc trưng rất riêng, mang những biểu hiện rõ nét của từng giai đoạn. Thế nhưng giây phút giao mùa, thời khắc chuyển mùa luôn là những khoảnh khắc đẹp đến khó tả, chỉ có thể cảm nhận và tận hưởng mà thôi. Mùa thu như một sự trông đợi từ lâu, cho nên khi thấy thu về, tâm trạng của con người cũng trở nên tươi vui hơn. Con người đón chào mùa thu với ánh mắt nụ cười thân thiện, với nét mặt rạng rỡ như chút ấm áp dễ chịu trong trời thu.

Mùa thu e ấp, dịu dàng và thánh thiện như một người thiếu nữ; chẳng vồ vập, chẳng ồn ào; thu cứ đến một cách nhẹ nhàng, lan tỏa. Hương thu là làn gió nhẹ thổi bay bay những sợi tóc mai suôn dài, hong khô những giọt lệ buồn và phủ ánh vàng ấm áp cõi lòng đang cô độc. Có phải thu dịu dàng vuốt ve tâm hồn con người, mơn trớn với trái tim đầy yêu thương và không quên phù phép cho những sắc màu:

“Với lá mơ phai dệt lá vàng”

Không ồn ào mạnh mẽ như mùa hạ, chẳng lạnh lùng kiêu hãnh như mùa đông, chưa căng tràn sôi động như ngày xuân nhưng trời thu luôn được ưu ái bởi những nét riêng, rất riêng chẳng thể nhầm lẫn đi đâu được. Nếu mùa xuân có sắc xanh lộc lá làm biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở, vươn mình mạnh mẽ cho những khát khao; mùa hạ phóng khoáng với từng cơn mưa rào liên tiếp, với ánh nắng chói chang cho vạn vật khởi sắc, hay mùa đông trong suốt với một màu trắng xóa buốt lạnh… thì mùa thu chọn cho mình ánh vàng dịu nhẹ, từng cơn gió se se và không gian mang màu hoài niệm. Mùa thu - mùa của những trăn trở còn khôn nguôi, mùa của những bâng khuâng cứ âm ỉ day dứt mãi chưa dừng. Con người ta thường hay ưu tư mỗi độ thu về, tự thưởng cho mình ngụm trà ấm nồng bên thú vui ngắm nhìn hoa cúc, hay thả dòng suy tư về những hoài niệm xa xôi. Có thể thấy rằng, thu là bình yên đến cô độc, úa vàng và xơ xác mong manh. Và dù là sự úa vàng thì nó cũng vẫn luôn rất đẹp, đẹp trong từng hơi thở.

Nhịp thơ ở câu cuối cùng lại trở về sự chầm chậm ban đầu, nhưng không hoàn toàn là nỗi buồn ban đầu nữa. Hình ảnh lá mơ hiện lên với màu sắc đang phai nhạt dần, không sắc nét nữa mà mờ mờ như bị lớp bụi thời gian bao phủ. Dường như mùa thu có phép thuật, như một bàn tay đầy uy quyền đang lướt nhẹ khắp đất trời. Mỗi cành cây, chiếc lá, đều được “dệt” bởi màu vàng đặc trưng của trời thu. Gam màu vàng loang lổ khắp cả không gian, sự úa vàng đang xâm chiếm lấy mọi thứ; như thể rằng tâm hồn con người cũng bị nhuộm màu theo đó. Mùa thu như một quãng nghỉ cho vạn vật trong suốt cuộc hành trình dài. Nó không phải là sự héo tàn chết chóc, cũng không phải là sự chấm dứt hay đau thương; vàng úa để âm ỉ sự sống sau đó, để chuẩn bị cho một sự bắt đầu. Vòng tuần hoàn của sự sống luôn tiếp diễn, nếu không có quãng âm ỉ đợi chờ thì không bao giờ đến ngày xanh của sôi nổi căng tràn.

Chúng ta ngắm nhìn bức tranh mùa thu mà thấy như chính chúng ta đang được sống giữa đất trời khi ấy. Mọi thứ lan tỏa và hài hòa ở tất cả góc cạnh một cách chân thành nhất, đẹp đẽ nhất. Động từ “dệt” được dùng một cách chuẩn xác, khiến ý thơ vừa trọn vẹn về nội dung, vừa đẹp về hình thức. Mùa thu đang thay áo mới cho khung cảnh, chuẩn bị cho sự sống đang len lỏi cựa quậy chờ ngày hồi sinh. Đi qua úa tàn, tất cả sẽ trỗi dậy sự sống mãnh liệt và thái độ trân trọng nâng niu những gì ở quá khứ. Nhà thơ Xuân Diệu đã mở cánh cửa của thời gian, dùng tài năng và tình yêu của mình dẫn dắt chúng ta vào với thế giới nơi ông đang cảm nhận, để chúng ta thấy như chính ta đang cảm nhận trời thu năm ấy.

Chắc hẳn nhà thơ phải dành trọn tình yêu cho thiên nhiên thì mới có thể viết những vần thơ đầy tình đến thế. Mạch thơ xuyên suốt toàn bài với những tình cảm mãnh liệt trường tồn, thể hiện một cách chân thành dung dị nhất về cảnh thu. Qua đây chúng ta thấy được tâm hồn đa cảm và trái tim đầy tình yêu của thi sĩ Xuân Diệu. Ông đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, có chiều sâu từ chính những điều giản đơn của cuộc đời. “Đây mùa thu tới” xứng đáng là tác phẩm xuất sắc của thi ca.

-/-

Các em vừa tham khảo một số gợi ý, mẫu dàn ý và bài văn mẫu tham khảo phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu. Hi vọng, bài viết đã giúp các em đã có những ý tưởng hay cho nội dung bài phân tích của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để tự rèn luyện kỹ năng làm văn phân tích. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM