Phân tích bài thơ Con chào mào

Xuất bản: 10/04/2023 - Tác giả:

Phân tích bài thơ Con chào mào. Bao gồm dàn ý và những bài văn phân tích hay giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam thông qua hình ảnh con chào mào.

Dàn ý Phân tích bài thơ Con chào mào

Đọc tài liệu gửi tới các em hai mẫu dàn ý ngắn gọn và chi tiết giúp học sinh dễ dàng hơn trong việc xác định ý cho bài phân tích của mình.

Dàn ý ngắn gọn - Phân tích Con chào mào

I. Mở bài

Giới thiệu khái quát về Mai Văn Phấn, bài thơ Con chào mào.

II. Thân bài

1. Hình ảnh con chào mào trong thực tế

- Vị trí: trên cây cao chót vót

- Màu sắc: đốm trắng, mũ đỏ

- Âm thanh: tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”

⇒ Xuất hiện một cách trực tiếp với những đặc điểm quen thuộc.

2. Hình ảnh con chào mào trong suy nghĩ

- Xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật “tôi”.

- Hành động: vẽ chiếc lồng chim vì sợ nó bay đi, đó là mong muốn được độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên.

- Cuộc rượt đuổi giữa hai nhân vật "tôi" và "chào mào"

⇒ Khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn.

3. Hình ảnh con chim chào mào trong tưởng tượng

- Không gian: vô tăm tích, không biết là ở đâu

- Hành động: nghĩ

- Những hoạt động của chào mào: mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn.

- “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”: Chim chào mào không cần quay về nhưng vẫn cảm nhận được tiếng hót vang lên trong tâm trí. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.

III. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Con chào mào.

Dàn ý chi tiết - Phân tích bài thơ Con chào mào

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm.

- Nêu khái quát cảm xúc của bản thân về bài thơ.

II. Thân bài

a. Phân tích nội dung bài thơ

* Hình ảnh chim chào mào:

- Vị trí chim xuất hiện: ở trên cây cao.

- Mài sắc của chim: lông có đốm trắng, mũi đỏ.

- Âm thanh: hót "triu... uýt... huýt... tu hìu...".

→ Bức tranh thiên nhiên được gợi tả chân thực thông qua hình ảnh, màu sắc và âm thanh.

⇒ Ba câu thơ mở ra không gian yên bình của thiên nhiên đất trời.

* Tâm trạng, cảm xúc của nhân vật "tôi" sau khi nghe thấy tiếng chim:

- "Tôi" say mê, thích thú tiếng hót của chim → vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ nhằm mong muốn giữ lại tiếng chim bên mình "Sợ chim bay đi".

- Chiếc lồng được vẽ xong thì chim lại bay đi → "tôi" vội vã mang theo hương sắc của thiên nhiên để đuổi theo.

- Cuối cùng, "trong vô tăm tích", "tôi" chợt nghĩ đến hình ảnh chim chào mào sẽ mổ "những con sâu", "trái cây chín đỏ" và "từng giọt nước".

→ "Tôi" cảm thấy mình có thể níu giữ chim chào mào bởi chính "chiếc lồng trong ý nghĩ".

* Nhận thức đúng đắn của nhân vật "tôi":

- Dù chim chào mào đã bay đi nhưng "tôi" vẫn có thể nghe rõ tiếng hót của nó.

→ Tôi vẫn luôn say đắm, yêu thích âm thanh trong trẻo ấy và cất giữ nó trong kí ức.

→ Thay vì tìm cách độc chiếm tiếng chim, "tôi" đã biết cảm nhận bằng tấm lòng đong đầy yêu thương.

b. Phân tích nghệ thuật bài thơ

- Sử dụng các hình ảnh gần gũi, thân thuộc.

- Ngôn từ cô đọng, hàm súc.

- Biện pháp tu từ điệp ngữ "triu... uýt... huýt... tu hìu...".

III. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị bài thơ.

Bài văn tham khảo Phân tích bài thơ Con chào mào

Dựa vào dàn ý, các em sẽ biết cách triển khai bài văn phân tích của mình đầy đủ ý. Dưới đây là những bài văn mẫu hay do Đọc tài liệu tổng hợp giúp học sinh có thêm nhiều ý văn hay cho bài viết của mình.

Phân tích bài thơ Con chào mào - Mẫu 1

Mai Văn Phấn được biết đến là một nhà thơ có niềm đam mê đặc biệt với thiên nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên. Ông còn được coi là nhà thơ của sinh thái, giàu sắc màu vũ trụ. Trong đó, bài thơ "Con chào mào" là một ví dụ điển hình thể hiện tinh thần đó. Sử dụng thể thơ tự do và kiến trúc cấu trúc thơ lạ, tác giả đã khéo léo tạo nên hình tượng con chào mào là trung tâm của bài thơ, giúp người đọc hiểu được vẻ đẹp tự nhiên thông qua con chim này. Bài thơ mang đến cho người đọc một quan niệm mới về tình yêu và tôn trọng thiên nhiên, đó là sự hiểu biết và cư xử đúng mực của con người với môi trường sống.

Mở đầu bài thơ, thi sĩ khắc họa hình tượng con chim chào mào với lối đặc tả gần, khá kĩ:

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu… uýt… huýt… tu hìu…

Chỉ bằng vài nét vẽ, hình ảnh chú chim chào mào hiện lên vô cùng chân thực, người đọc như đang được nhìn ngắm hình tướng của nó trong một cự li gần nhất. Trước mắt người đọc là hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Tác giả đồng thời đặt định vị trí “Hót trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Hai câu thơ đã mở ra một khung cảnh thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên thanh sạch, mướt xanh.

Câu thơ thứ ba của khổ thơ này vang lên như một bản ký xướng âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Mỗi lần đọc câu thơ ta như nghe được trực tiếp chuỗi tiếng hót của con chim. Ở đây, tác giả đã ghi lại từng nốt nhạc để sắp đặt trọn vẹn một câu thơ mang giọng chim. Mỗi “nốt nhạc” đều tạo nên giai điệu có độ rung vang khác thường: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kì vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây cao chót vót” ở trên. Ba câu thơ đầu tạo một bức tranh tràn đầy âm thanh, ánh sáng.  Với hình ảnh thơ chân thực, sống động, ngôn từ cô đọng, hàm súc (bút pháp tả thực), nhà thơ phác họa hình tượng chào mào tuyệt đẹp, là biểu tượng của thiên nhiên trong trẻo, sống động đến vô cùng.

Khi nhìn thấy hình ảnh con chim chào mào, nhà thơ có cảm xúc và suy nghĩ ra sao ? Từ khổ thơ thứ hai mở ra những suy nghĩ của nhà thơ trong không gian tâm tưởng:

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Bất chợt, khi nhìn thấy con chim, cùng là lúc trong tâm hồn thơ Mai Văn Phấn có những khoảnh khắc ý nghĩ rất đời thường mà cũng rất thơ: “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Có người đặt ra vấn đề “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích kìm giữ, nhốt “con chào mào” kia chăng? Không! Chiếc lồng của nhà thơ tượng trưng cho khát vọng sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng ông. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến/ vuột mất. Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.

Và trong khoảnh khắc “Vừa vẽ xong nó cất cánh” thì dường như nhà thơ và con chào mào hóa thân vào nhau. “Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”. Đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp của con chim và tâm thế của tác giả. Cái “khung nắng, khung gió” và cả “nhành cây xanh” kia chính là chiếc lồng mà nhà thơ đã vẽ ra trong ý nghĩ ở khổ thơ thứ hai. Hành động “đuổi theo” con chim lúc này cho thấy vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa.

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

Khi không còn thấy tăm tích con chim chào mào, nhân vật “tôi” đã hình dung ra con chim chào mào đang mổ những “con sâu, trái cây chín, giọt nước thanh sạch” của tôi. Khổ thơ này khắc họa khá đầy đủ đời sống sinh động của con chào mào. Nó thường ăn những con sâu, trái cây chín, uống nước… Đó chính là một cách “chuộc lỗi” khi con người hiểu ra rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.,…Từ đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên thực sự và trọn vẹn của mình.

triu… uýt… huýt… tu hìu…

Dòng thơ  “triu… uýt… huýt… tu hìu…” được lặp lại 2 lần trong bài thơ. Nhà thơ nhấn mạnh điệp khúc những thanh âm của thiên nhiên, tiếng hót trong trẻo của con chào mào lại vang lên lần nữa ở cuối bài thơ. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

Hai câu thơ kết khẳng định sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, trong tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Chẳng cần con chào mào bay về nữa, tiếng hót du dương của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn ông. Bởi vì nhân vật “tôi” biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng mong muốn “độc chiếm”, ích kỉ, hẹp hòi. Tình yêu khiến cho tâm hồn người ta rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm vui và sức sống…

Bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Bài thơ thành công với thể thơ tự do, có những câu thơ lặp lại hoàn toàn gợi âm thanh thiên nhiên với nhiều âm vực ngân vang, hình ảnh thơ chân thực, giàu sức gợi, cấu tứ bài thơ lạ, kết thúc mở tạo nhiều dư âm trong lòng người đọc. Tác giả giúp người đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Tình yêu thiên nhiên của Mai Văn Phấn được thể hiện qua thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Bài thơ này khơi gợi tình yêu thiên nhiên và khuyến khích chúng ta suy ngẫm về thái độ ứng xử với thiên nhiên.

Phân tích bài thơ Con chào mào - Mẫu 2

"Con chào mào" là một sáng tác tiêu biểu của tác giả Mai Văn Phấn. Với những đặc sắc trong nội dung và hình thức nghệ thuật, bài thơ đã mở ra cho bạn đọc một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, yên bình thông qua âm thanh trong trẻo của tiếng chim chào mào.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ tái hiện chân thực hình ảnh chim chào mào:

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu... uýt... huýt... tu hìu...

Khoác trên mình bộ lông điểm đốm trắng cùng chiếc mũ đỏ, chào mào trở nên vô cùng nổi bật. Chú chim ấy đang vươn mình "trên cây cao chót vót", cất vang tiếng hót trong trẻo. Có thể thấy, nhà thơ thật tài tình khi sử dụng từ láy "chót vót", vừa gợi tả hình dáng cao lớn của cây xanh, vừa mở ra biên độ cao xa của không gian. Từ đây, bức tranh thiên nhiên hiện lên rõ nét với sự khoáng đạt, yên bình. Và cảnh sắc đó càng trở nên tươi đẹp nhờ âm thanh trong trẻo "triu... uýt... huýt... tu hìu...". Tiếng hót trong trẻo của chào mào giống như những nốt nhạc vang vọng khắp đất trời. Như vậy, bằng cảm nhận tinh tế qua nhiều giác quan, thi sĩ đã mang đến khung cảnh thiên nhiên hài hòa giữa màu sắc, hình ảnh và âm thanh.

Lắng nghe âm thanh huyền diệu của chim chào mào, nhân vật trữ tình - "tôi" không khỏi say mê ngất ngây:

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

Tâm hồn "tôi" trở nên rạo rực, xao xuyến bởi tiếng hót trầm bổng. "Tôi" thoải mái tận hưởng, đắm chìm theo thứ âm thanh tuyệt diệu ấy. Nhưng trong khoảnh khắc bất chợt, "tôi" lo sợ chim sẽ bay đi nên đã nảy ra ý định "vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ". Nhân vật trữ tình mong muốn những gì tinh túy nhất của thiên nhiên đất trời sẽ luôn bên cạnh mình. Vì vậy, tôi khao khát được giữ lại tiếng ca của chào mào.

Thế nhưng, khi "tôi" vừa vẽ xong chiếc lồng thì chim không còn ở đó:

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Chú chim đã cất cánh bay đi ngay trong giây phút chiếc lồng được hoàn thành. Quá lo sợ vẻ đẹp thiên nhiên sẽ vụt mất khỏi tầm tay, "tôi" vội vàng mang theo nắng, gió cùng nhành cây xanh đuổi theo chào mào. Nhân vật trữ tình tha thiết níu giữ chú chim và tiếng hót của nó.

Cuối cùng, sau cuộc rượt đuổi gay cấn ấy, "tôi" nghĩ tới:

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

Lạc mất bóng dáng của chim, "tôi" chợt thức tỉnh về sự sống vạn vật. Trong khoảnh khắc không gian chẳng còn lưu giữ chút dấu vết nào, "tôi" nghĩ về chào mào sẽ "mổ những con sâu". Nó sẽ vui vẻ tận hưởng hương vị "trái cây chín đỏ", "giọt nước thanh sạch" của "tôi". Lúc này đây, "tôi" cảm thấy mình có thể níu giữ chim chào mào bởi chính "chiếc lồng trong ý nghĩ".

Âm thanh trong trẻo của chim chào mào được tác giả nhắc lại qua dòng thơ:

triu...uýt...huýt...tu hìu...

Biện pháp điệp ngữ cùng hình thức độc đáo đã góp phần nhấn mạnh vẻ đẹp ở tiếng chim. Chuỗi âm thanh đó vừa đi qua một hành trình dài trong cảm xúc, tâm trạng của nhân vật "tôi". Tiếng chim đã đánh thức tâm hồn nhân vật trữ tình:

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

Giờ đây, cánh chim chào mào đã vươn cao trên bầu trời trong xanh, trở về với thiên nhiên bao la và thế giới tự do của mình. Đứng trước cảnh tượng ấy, "tôi" không còn tiếc nuối, buồn bã mà trở nên thấu hiểu. "Tôi" đã biết lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên bằng trái tim, bằng tâm trí. "Tôi" biết ứng xử, cảm nhận thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tấm lòng yêu mến chứ không phải là mong muốn ích kỉ, hẹp hòi. Nhờ đó, tâm hồn nhân vật trữ tình được rộng mở, tràn đầy tình yêu cùng niềm vui.

Bằng việc sử dụng hình ảnh gần gũi, thân thuộc, ngôn từ cô đọng, súc tích và các biện pháp tu từ liệt kê "Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây hối hả đuổi theo", điệp ngữ "triu...uýt...huýt...tu hìu...", nhà thơ đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp của chim và âm thanh huyền diệu. Qua đó, thể hiện tình yêu tha thiết với thiên nhiên.

Bài thơ "Con chào mào" đã mang đến những cảnh sắc tươi đẹp, sống động trong tự nhiên thông qua hình ảnh chim chào mào và âm thanh huyền diệu của nó. Không chỉ vậy, bài thơ còn là lời nhắc nhở mỗi người hãy biết ứng xử đúng cách, phù hợp với thiên nhiên. Mong rằng, những ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp của tác phẩm sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc.

Phân tích bài thơ Con chào mào - Mẫu 3

Mai Văn Phấn là một nhà thơ với những tác phẩm có đề tài phong phú về đề tài, có những cách tân về nội dung và nghệ thuật. Điều đó được thể hiện qua bài thơ “Con chào mào”.

Mở đầu bài thơ, hình ảnh con chim chào mào được khắc họa trong thực tế:

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu... uýt... huýt... tu hìu…

Chim chào mào xuất hiện với vị trí “trên cây cao chót vót”. Vẻ đẹp của chim chào mào xuất hiện với màu sắc “đốm trắng, mũ đỏ” cho thấy sự rực rỡ của nó. Cùng với âm thanh quen thuộc là tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Với bút pháp tả thực, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh.

Hình ảnh của chim chào mào còn xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật “tôi” - nhân vật trữ tình trong bài thơ:

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Nhân vật “tôi” trong bài thơ vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi. Hình ảnh “chiếc lồng” được đan dệt bằng trí tưởng tượng. Nhân vật trong bài muốn giam cầm con chim, hay chính là muốn độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Nhưng nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Hành động “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” - đó là khao khát muốn ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên. Giọng thơ hồn nhiên, vui tươi cho với những câu thơ cho thấy tác giả khao khát mở rộng thiên nhiên, muốn tâm hồn mình bao trùm thiên nhiên rộng lớn.

Kết thúc bài thơ là hình ảnh con chim trong tâm tưởng của nhân vật “tôi”:

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

triu... uýt... huýt... tu hìu…

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

Nhân vật “tôi” mang theo cả không gian đầy nắng, cây, gió, mong níu giữ con chim và tiếng hót. Nhưng lại “vô tăm tích” - cụm từ cho thấy sự vô thủy, vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Tôi tự mình tưởng tượng ra những hành động của con chim chào mào: mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Trí tưởng tượng của nhà thơ dường như bay theo tiếng chim. Tất cả dịch chuyển sống động đó được thể hiện trong câu thơ: “Thạch sạch của tôi”. Hai từ “của tôi” cho thấy nhà thơ đã dùng hết những gì tinh tú nhất để “nuôi dưỡng” chú chim nhỏ bé của ông. Hai câu thơ cuối cho thấy con chim đã bay xa. Nhưng trong tâm tưởng của nhà thơ, con chim vẫn còn đó: “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Nhân vật “tôi” vẫn cảm nhận được sự hiện diện của con chim chào mào. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.

Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn đã cho thấy vẻ đẹp của chú chim chào mào. Qua đó, nhà thơ còn muốn thể hiện tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do của nhà thơ.

Phân tích bài thơ Con chào mào - Mẫu 4

Mai Văn Phấn là một nhà thơ, nhà phê bình tiểu luận. Một trong những bài thơ của ông là “Con chào mào”.

Đầu tiên, nhà thơ đã khắc họa hình ảnh con chim chào mào trong thực tế:

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu... uýt... huýt... tu hìu…

Con chào mào xuất hiện ở “trên cây cao chót vót” - tính từ “chót vót” xác định vị trí cao, mở rộng biên độ về không gian. Hình ảnh con chim được miêu tả với “đốm trắng, mũ đỏ” cho thấy sự vẻ đẹp rực rỡ của nó. Cùng với âm thanh quen thuộc là tiếng hót “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Xuất hiện một cách trực tiếp với những đặc điểm quen thuộc. Với bút pháp tả thực, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh.

Nhưng hình ảnh con chim chào mào không chỉ đơn thuần mang nét nghĩa như vật:

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Đến khổ thơ thứ hai, tác giả đã để nhân vật “tôi” trong bài thơ vẽ chiếc lồng để nhốt con chim chào mào vì sợ nó bay đi, đó là mong muốn được độc chiếm cái đẹp của thiên nhiên. Chiếc lồng biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bày cái đẹp của riêng. Nhưng nhân vật “tôi” vừa vẽ xong thì chào mào vụt cánh bay đi. Bởi vậy mà “tôi ôm khung nắng, khung gió, nhành cây” - đó là khao khát muốn ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn. Động từ “ôm” kết hợp với các danh từ “nắng”, “gió”, “nhành cây” thể hiện khao khát được mở rộng “chiếc lồng” của nhân vật tôi thành bất tận, để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên.

Cuối cùng là hình ảnh con chim chào mào trong tưởng tượng của “tôi”:

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

triu... uýt... huýt... tu hìu…

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

Khi “hối hả đuổi theo” con chim chào mào, “tôi” mang theo cả không gian đầy “nắng, cây, gió” mong níu giữ con chim và tiếng hót. Nhưng không còn thấy tăm tích của con chim đâu. Không gian “vô tăm tích” dường như chính là sự vô thủy, vô chung của thiên nhiên, vũ trụ. Những hoạt động của chào mào: “mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước”. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn. Nhưng trong tâm tưởng của nhà thơ, con chim vẫn còn đó: “Chẳng cần chim bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Chim chào mào không cần quay về nhưng vẫn cảm nhận được tiếng hót vang lên trong tâm trí. Bởi nhân vật “tôi” đã biết yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng, không còn là sự độc chiếm ích kỉ. Tình yêu ấy khiến cho dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.

Như vậy, bài thơ “Con chào mào” đã cho thấy vẻ đẹp của chú chim chào mào. Nhưng nhà thơ muốn gửi gắm tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do của nhà thơ.

-/-

Trên đây là hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu "Phân tích bài thơ Con chào mào" mà Đọc tài liệu tổng hợp. Cùng trọn bộ văn mẫu lớp 6 sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 6!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM