Phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác Thiền Sư - Tài liệu hướng dẫn bao gồm phần tóm tắt kiến thức, cùng với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu chọn lọc sẽ giúp các em hoàn thành tốt bài tập phân tích tác phẩm Cáo tật thị chúng.
Cùng tham khảo nhé!
Đề bài: Phân tích bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người của Mãn Giác Thiền Sư
Tóm tắt kiến thức cần nắm về tác phẩm Cáo bệnh bảo mọi người
I. TÁC GIẢ - TÁC PHẨM
1. Mãn Giác thiền sư (1052 - 1096) tên là Lí Trường, sinh thời được Thái hậu và vua rất trọng dụng.
2. Cáo tật thị chúng (nhan đề do người đời sau đặt) là một bài kệ. Kệ là một thể văn của Phật giáo dùng để truyền bá giáo lí Phật pháp. Kệ được viết bằng văn vần, nhiều bài có giá trị văn chương như các bài thơ.
3. Cáo tật thị chúng là một triết lí phật giáo nhưng cũng là một quan niệm nhân sinh. Bài thơ thể hiện cảm giác tiếc nuối thời gian. Thời gian trôi đi, tuổi già đến, con người không thể sống vô nghĩa. Con người với lòng yêu đời đã có một cái nhìn rất lạc quan về cuộc sống.
II. TÌM HIỂU TÁC PHẨM
1. a) Bốn câu thơ đầu nói lên quy luật hoá sinh của tự nhiên, của con người; hoa cũng như con người không bao giờ đứng yên, bất biến. Sự sống luôn là một vòng quay luân hồi.
Nếu đảo ngược vị trí câu thơ thứ hai lên đầu thì mặc dù vẫn nói lên được quy luật tuần hoá biến đổi nhưng đó sẽ là nhìn sự vận động theo quy luật xuân tới để xuân qua, hoa tươi để hoa rụng, chứ không theo quy luật sinh trưởng phát triển tự nhiên (xuân qua rồi xuân tới, hoa rụng rồi hoa tươi).
b) Câu ba và câu bốn nói lên quy luật của đời người - quy luật: sinh, lão, bệnh, tử theo quan niệm của đạo Phật. Con người cùng với thời gian trôi thì tuổi trẻ sẽ qua đi và tuổi già ắt đến. Tuổi già đến trên đầu mà thời gian thì không ngừng trôi chảy (trước mắt việc đi mãi). Vì thế cuộc đời con người trong khoảnh khắc có khác gì ảo ảnh. Hai câu thơ có chút bâng khuâng nuối tiếc vì thời gian của vũ trụ thì vô thuỷ vô chung còn thời gian của đời người thì ngắn ngủi.
2. Trong hai câu thơ cuối, tác giả mượn việc miêu tả thiên nhiên mà nói đến một quan niệm triết lí trong Phật giáo; khi con người đã giác ngộ đạo (hiểu được chân lí và quy luật) thì có sức mạnh lớn lao, vượt lên trên cả lẽ sinh diệt thông thường. Thiền sư đắc đạo trở về với bản thể vĩnh hằng, không sinh, không diệt như nhành mai kia cứ tươi bất kể xuân tàn. Theo cách giải thích này nội dung ý tức của hai câu thơ cuối không hề có chút gì mâu thuẫn với nhau.
3. Bài thơ thể hiện rất rõ lòng yêu đời với cái nhìn lạc quan của nhà thơ. Niềm yêu đời, niềm lạc quan tươi sáng ấy được thể hiện qua cách nói khẳng định, qua các hình tượng thiên nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn, gợi lên sự cảm nhận về sự sống sinh sôi và bất diệt. Quy luật của cuộc đời là sinh - tử - sinh nhưng bài thơ mở đầu bằng “xuân tàn” và kết thúc bằng “một nhành mai” tươi. Đó là một cách nhìn lạc quan.
Lời kệ được viết khi nhà thơ đau bệnh nhưng nó vẫn toát lên sự bình thản yêu đời, xuất phát từ một thể trạng tinh thần khoẻ mạnh, đầy bản lĩnh, đạt đến độ tự tại ung dung.
4. Trong quan niệm của người xưa, hoa mai là loài hoa chịu được cái giá rét của mùa đông. Trong sương tuyết lạnh, mai vẫn nở hoa, báo hiệu cho mùa xuân đến. Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, thử thách, gian nan. Hình tượng hoa mai vì thế tượng trưng cho sức sống bất diệt của con người.
>> Ôn lại kiến thức về nội dung tác phẩm: Soạn bài Cáo bệnh, bảo mọi người
Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác Thiền Sư
1. Mở bài
- Khái quát tác giả: Mãn Giác Thiền Sư là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ.
- Giới thiệu bài thơ: Cáo bệnh bảo mọi người vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng).
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh ra đời cũng như mục đích sáng tác của bài thơ
- Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh.
- Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả.
b. Phân tích hai câu thơ đầu: Quy luật của tự nhiên
- Hai câu ngũ ngôn có nhịp điệu nhẹ nhàng, bình thản như bước đi muôn thuở của thời gian.
- Muôn đời, muôn thuở, xuân đến rồi đi, hoa nở hoa tàn thành một vòng tuần hoàn bất tận.
c. Phân tích hai câu giữa: Quy luật của cuộc đời
- Dòng thời gian trôi là bất biến, mọi việc trong đời cũng theo dòng thời gian mà trôi qua mãi.
- Hai câu thơ vẫn với âm điệu nhẹ nhàng của thể ngũ ngôn nhưng nghe phảng phất một chút tâm tình của một vị cao niên.
d. Phân tích hai câu cuối: Tư tưởng của nhà thơ
- Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục.
- Thiền sư khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác.
3. Kết bài
- Tổng kết giá trị của bài thơ
- Cảm nghĩ của người viết.
Bài văn mẫu phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người
Bài văn mẫu 1
Thơ văn Lí - Trần là một đỉnh cao rực rỡ của nền văn học trung đại Việt Nam. Trong dòng văn học đậm chất Thiền đó, Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là một tên tuổi tiêu biểu dù ông sáng tác không nhiều. Ông là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ. Với bài thi kệ "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng), Mãn Giác Thiền Sư được xem như là một nhà thơ có công đặt nền móng cho dòng thơ thiền thời Lí.
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua xuân trước một nhành mai.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
"Cáo bệnh bảo mọi người" vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng). Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh. Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả. Dù tuổi cao, bệnh nặng nhưng vẫn lạc quan, tư duy tích cực và tha thiết yêu đời.
Mở đầu bài thơ là hai câu ngũ ngôn có nhịp điệu nhẹ nhàng, bình thản như bước đi muôn thuở của thời gian:
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Hai hình ảnh đối lập phản ánh một quy luật tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi nữa. Muôn đời, muôn thuở, xuân đến rồi đi, hoa nở hoa tàn thành một vòng tuần hoàn bất tận. Tuy nhiên, thế nhân không phải ai cũng hữu tâm mà để ý hơn thế còn khái quát quy luật ấy một cách cô đúc, nhẹ nhõm đến như vậy. Con người chúng ta ai cũng chuộng mùa xuân, ai cũng thích nhìn hoa nở nên không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối đến buồn phiền khi mùa xuân qua, cánh hoa rơi xuống. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng thở dài:
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại.
Sau này, nhà thơ Xuân Diệu cũng u hoài vì cái nỗi:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
Thế đấy, bao lớp thi nhân đã từng băn khoăn, tiếc nuối vì quy luật vô tình của tạo hóa. Chỉ có những con người đã trải qua bao thăng trầm, đã hiểu rõ quy luật của trời đất, đã thấm nhuần những tư tưởng uyên thâm mới có thể an nhiên mà sống giữa cái vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông; sinh lão bệnh tử; thành, trụ, hoại, không... một Thiền sư như Mãn Giác chắc chắn là người rõ nhất và "vô tâm" nhất trước cái quy luật vĩnh hằng đó "Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền".
Nhưng Mãn Giác còn là một nhà sư sống giữa thời đại mà tôn giáo không tách biệt hoàn toàn với việc nước, việc đời. Thời Lí, đạo Phật là quốc giáo, rất nhiều nhà sư đã có công lớn trong việc gìn giữ giang sơn xã tắc. Với tinh thần nhập thế tích cực, Thiền sư Mãn Giác cũng chiếu cố đến quy luật của cuộc sống nhân sinh:
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Dòng thời gian trôi là bất biến, mọi việc trong đời cũng theo dòng thời gian mà trôi qua mãi. Dấu vết thời gian trên mái đầu của con người thì không ai tránh khỏi. Hai câu thơ vẫn với âm điệu nhẹ nhàng của thể ngũ ngôn nhưng nghe phảng phất một chút tâm tình của một vị cao niên nhận thức rõ thời gian của bản thân không còn bao nhiêu nữa. Tuổi già đến cũng là một quy luật mà con người có chống cũng không nổi. Huống chi vị Thiền sư có thừa thông tuệ để thấu đáo và xem như một điều tất yếu. Chỉ có điều, là một nhân tố tích cực của xã hội và thời đại thì mấy ai không cảm thấy mình vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành, chưa cống hiến hết cho quốc gia, dân tộc. Đó hoàn toàn không phải là lòng ham sống bình thường mà có sự cao thượng và ý thức trách nhiệm của một người sớm đã dâng hiến đời mình cho chúng sinh, hiểu một góc hẹp hơn đó chính là nhân dân vậy.
Một chút bùi ngùi chợt lắng xuống nhường chỗ cho tâm thế tích cực, lạc quan vút lên trong hai câu thơ cuối:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua xuân trước một nhành mai.
Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục. Đáng nói là trong mạch cảm xúc của bài thơ thì hai câu cuối này thật sự gây một ấn tượng mạnh mẽ. Nếu bốn câu trước như một lời tri nhận những quy luật bất biến của thiên nhiên và cuộc sống thì hai câu cuối này lại như đảo dòng quy luật ấy. Đảo dòng nhưng không hề phi lí mà vẫn thuyết phục người đọc một cách tài tình. Ai cũng hiểu, xuân tàn hoa sẽ rụng nhưng ai cũng sẽ vui mừng khi đâu đó chợt bắt gặp một cành mai nở muộn cuối mùa. Điều đó đặc biệt như một món quà của thiên nhiên và từ đó khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác. Càng đáng quý hơn khi đó là lời khuyên của một bậc Thiền sư đang trong những ngày đau ốm, bệnh tật.
"Cáo bệnh bảo mọi người" từ một bài kệ dạy đệ tử của Mãn Giác Thiền sư đã trở thành một bài thơ cô đọng, hàm súc, mượn cảnh nói tâm hết sức độc đáo. Bài thơ không chỉ gửi gắm triết lí Phật Giáo Thiền tông mà còn chứa đựng một nhân sinh quan cao thượng, đẹp đẽ. Nội dung sâu sắc được gói ghém trong hình thức thơ trang nhã, hài hòa, nhẹ nhàng dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người đọc và đọng lại những cảm xúc tốt đẹp nhất. Từ bài thơ, bao thế hệ người đọc đã ngộ ra chân lí sống giữa cuộc đời, biết chấp nhận những quy luật hằng tồn đồng thời cũng biết chọn góc nhìn và cách sống lạc quan, tích cực phù hợp với quy luật và phát huy ưu điểm của bản thân mình.
Bài văn mẫu 2
Về thời nhà Lí (1009 - 1225), Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt. Sau chiến thắng sông Cầu - Như Nguyệt (1076), nền độc lập của Tổ quốc ta được củng cố, ý thức dân tộc phát triển mạnh mẽ. Việc học hành được mở mang, kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển khá phồn thịnh. Đạo Phật trở thành quốc giáo. Việc xây chùa, đúc chuông, tạc tượng, in kinh Phật diễn ra sôi nổi khắp nơi. Nhiều vị Thiền sư được triều đình trọng vọng. Họ là những con người lỗi lạc, đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách.
Trong số đó, Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) là một vị cao tăng mang tâm hồn thi sĩ tuyệt đẹp. Bài "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng) được vị Thiền sư đọc cho các đệ tử nghe khi ông lâm bệnh trọng, trước lúc qua đời. Vốn là một bài kệ (kinh kệ) hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu, nhưng lại tươi mát, gợi cảm, đầy thi vị. Nguyên tác bằng chữ Hán, đây là bản dịch thơ:
"Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai"
(Ngô Tất Tố dịch)
Bài kệ - thơ đã nói lên quy luật của sự sống và thiên nhiên, biểu lộ tâm thế của nhà sư trước quy luật sinh, tử ở cõi nhân gian, cái tịch diệt và cái vĩnh hằng trong vũ trụ. "Cáo bệnh bảo mọi người" gồm 6 câu, cứ 2 câu kết thành một liên đăng đối, hài hoà để lại nhiều ấn tượng thú vị.
Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của 4 mùa, tiêu biểu là sự chuyển vần của mùa xuân. Mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương.
Hình ảnh "trăm hoa cười" tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, cho vẻ đẹp của cây cỏ thiên nhiên và mùa xuân. Nhựa sống mùa xuân, hương sắc mùa xuân... còn gì đẹp hơn? Và khi mùa xuân đi qua, ngày tháng sẽ trôi nhanh theo mùa hạ, chuyển sang mùa thu rồi đến mùa đông, chẳng bao lâu lại trở về mùa xuân... cỏ cây, hoa lá, tạo vật cũng biến đổi, sinh trưởng hay phai tàn theo 4 mùa, năm tháng. Khi mùa xuân trôi qua, "trăm hoa rụng" (bách hoa lạc) theo quy luật của tự nhiên. Hai câu thơ mang màu sắc triết lí, khái quát quy luật tồn tại của thiên nhiên và sự vận động của thời gian. Mùa xuân cũng như sự sống thiên nhiên chuyển biến bất tận: "xuân qua" rồi "xuân tới", "hoa nở" rồi "hoa tàn"... Mùa xuân là vĩnh hằng. Cỏ cây, trăm hoa cũng như vạn vật, con người đều bị chi phối theo quy luật khắc nghiệt của tự nhiên:
"Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười"
Bước đi của mùa xuân "qua... tới", cũng như trăm hoa "rụng... nở", một lối nói đầy cảm xúc, làm cho câu kệ vốn khô khan đã trở thành câu thơ đẹp và hay. Qua đó, ta thấy tâm hồn vị Thiền sư quả là đẹp!
Hai câu tiếp theo, Mãn Giác nói về chuyện người, chuyện đời. Trong cõi nhân sinh, vạn vật biến diễn không ngừng, vận động theo năm tháng "Trước mắt việc đi mãi...". Cũng như con người, có sinh tất có tử, lúc khoẻ mạnh ắt có lúc ốm đau, bệnh tật, có tuổi hoa niên trẻ tráng tất cái già sẽ đến. Quy luật cuộc sống là như thế, vốn thế! Vị cao tăng đang nằm trên giường bệnh, đọc bài kệ này cho các đệ tử nghe. Ông muốn nhắc nhở họ với tất cả sự thanh thản: Ông đã về già, đang "có bệnh, nhất định sẽ "tịch" (chết). Đó là lẽ thường tình, có gì đáng sợ, đáng lo. Ý tưởng và triết lí của câu kệ cao siêu vô cùng. Hãy biết yêu cuộc đời với sự thanh thản - hãy làm chủ cuộc sống:
"Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi".
Bài kệ được khép lại bằng hai câu tuyệt cú, xưa nay được truyền tụng như một vần thơ đẹp trong bài cổ thi:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai).
Hai tiếng "mạc vị" (đừng tưởng) như một lời nhắc khẽ, thấm thía. Câu thơ cấu trúc liên hoàn, tương phản: "hoa rụng hết" và "một cành mai" nở ra. Hình ảnh "nhất chi mai" (một cành mai) là một thi liệu ta thường bắt gặp trong thơ cổ. "Đối ngạn: nhất chi mai", (Bên suối: một nhành mai) - Hồ Chí Minh... nhành mai tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiết, thanh cao, lộng lẫy của thiên nhiên và con người. Trong bài thơ này, cành mai nở hoa buổi xuân tàn là một hoán dụ nghệ thuật, nhà thơ lấy nó để nói về mình, chỉ về mình, biểu lộ một quan niệm nhân sinh của vị chân tu: vạn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi, có sinh, trưởng, lão, bệnh, tử... nhưng nhà tu hành chân chính, đắc đạo có thể vượt ra khỏi vòng sinh tử, ngoài quy luật tự nhiên như cành mai nở hoa buổi xuân tàn, khi trăm hoa đã rụng hết! Vậy thì ta (Thiền sư Mãn Giác) đang "có bệnh" là chuyện thường tình, theo quy luật của tự nhiên có gì đáng băn khoăn? "Thác là thể phách, còn là tinh anh" (Truyện Kiều). Ngoài triết lí sâu xa của đạo Phật, được cụ thể hóa và hình tượng hóa qua hình ảnh "nhất chi mai", câu thơ còn ẩn chứa một ý nghĩa đẹp: nhà sư rất lạc quan yêu đời. Với ông, thì thiên nhiên hữu sắc hữu hương, tràn đầy sức sống, tươi mát trẻ trung, cuộc sống không ngừng vươn lên mạnh mẽ theo dòng chảy thời gian.
Bài kệ "Cáo tật thị chúng" thể hiện một cốt cách, một quan niệm sống đẹp của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Tư tưởng Phật giáo hoà quyện với chất thơ, tầm cao sâu triết lí đạo Phật được trang phục bằng lời thơ đẹp, giàu hình tượng và cảm xúc.
Bài kệ đã trở thành bài cổ thi, đã đi suốt hành trình một thiên niên kỉ. Đọc bài "Cáo tật thị chúng", ta trân trọng tinh thần yêu đời, yêu sự sống của vị Thiền sư, chúng ta yêu thêm vẻ đẹp trắng muốt của cành mai nở hoa buổi xuân tàn. Dư vị của bài thơ như một lời nhắc khẽ: hãy làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời và biết làm chủ bản thân mình, để yêu đời, yêu cuộc sống, để lao động và học tập say mê.
Bài văn mẫu 3
Trong Phật giáo, trước khi lìa bỏ cuộc đời thì các thiền sư thường làm một bài thi kệ, đây là những triết lí mà thiền sư giác ngộ được trong cuộc đời, đồng thời đó cũng là những lời giáo huấn cho chúng đệ tử. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” được Mãn Giác Thiền sư sáng tác khi thiền sư đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ đã thể hiện được nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc đời.
Trong những câu thơ đầu tiên, Mãn Giác thiền sư đã gợi ra trạng thái của những bông hoa khi tàn tàn – nở:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai”
Dịch:
(Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười)
Trong hai câu thơ đầu tiên này chúng ta cảm nhận được sự độc đáo trong cách thể hiện. Bởi chúng ta thường nhắc đến những cái đẹp, những giây phút huy hoàng trước khi nói về sự tàn úa, phôi pha bởi đây là một tâm lí thông thường ở con người, trong chúng ta ai cũng thích những cái đẹp đẽ, hoàn thiện mà không ai muốn nói đến sự phôi pha, chia lìa.
Ở trong hai câu thơ này, Mãn Giác Thiền sư đã nói về sự tàn úa của những bông hoa trước khi nói về sự tươi đẹp, bung nở của những bông hoa. Hai câu thơ đã thể hiện được quy luật của tự nhiên: Xuân đi trăm hoa sẽ tàn úa, phôi pha theo, xuân đến mang đến sự sống cho trăm hoa. Tác giả đã lựa chọn cách nói trái ngược như để nhắn nhủ đến mọi người: xuân đến rồi cũng sẽ đi, đây là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi, do vậy con người cần giữ cho mình tâm thế bình thản để đối mặt với nhiều biến động trong cuộc sống. Trong thơ của Xuân Diệu ta cũng bắt gặp quan niệm về sự chảy trôi tuần hoàn của vũ trụ:
“Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Trở lại với bài thơ, ta có thể thấy con người luôn bị xoay vần bởi những nhịp vận động của cuộc sống, trong cuộc đời của mỗi người có biết bao đổi thay, chính những đổi thay của ngoại cảnh ấy làm cho con người đắm chìm trong nó mà đôi khi quên mất cả bản thân mình.
“Sự nhục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai”
Dịch:
Việc đời ruổi qua trước mắt
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu
Con người luôn chạy theo những nhịp vận động không ngừng của cuộc sống mà vô tình quên mất chính mình, để khi quay đầu lại thì tuổi già đã đến. Mãn Giác thiền sư như muốn truyền đạt một triết lí: Cần ngừng lại những cuộc rong ruổi theo những danh vọng phù phiếm mà nên lo cho chính bản thân của mình, rèn luyện để có thể sống đạo đức, tình nghĩa hơn.
Không nên đợi tuổi già đến mới lo việc học đạo bởi khi về già đầu óc không còn được minh mẫn, nhanh nhạy như khi còn trẻ nữa, cũng như “không có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể suy nhược”. Khi về già mới cố gắng thì khó có thể đạt được những mục đích mà mình đề ra, dù có quyết tâm nhưng lực bất tòng tâm.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Dịch:
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai)
Có thể có nhiều người sẽ thấy ngỡ ngàng, khó hiểu vì xuân đã tàn mà mai chưa tàn. Ở đây, Mãn Giác thiền sư đã sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những triết lí phật giáo đầy sâu sắc. Đây có lẽ không phải là hình ảnh trong thực tế mà nó được dùng để nói về sự giác ngộ, bởi với những người ngộ đạo, đã giác ngộ được những chân lí trong cuộc đời thì có thể cảm nhận được cái đẹp, cái vô hình mà bằng nhận thức khách quan khó có thể thấy được.
Hai câu thơ cuối của bài thơ, thiền sư như muốn nhắn nhủ đến chúng đệ tử: không nên lo sợ đến việc sinh tử trong đời, chỉ sợ mỗi người chưa thực sự giác ngộ để nhận thức được hành động và tâm tính của mình. Hãy sống làm sao để những lời nói, hành động đều có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho bản thân, cho người khác.
Như vậy, bài thơ Cáo tật thị chúng bên cạnh miêu tả những quy luật của tự niên, thiền sư Mãn Giác đã nhắn nhủ nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc sống, mang đến cho độc giả nhiều bài học về cuộc đời, về sự sống thực tại.
Bài văn mẫu 4
Nguyễn Trường hay còn gọi là Mãn Giác Thiền Sư, là một người đọc rộng hiểu nhiều thông cả nho, lão, phật bên cạnh đó ông cũng để lại những sáng tác vô cùng nổi tiếng trong đó có “Cáo bệnh bảo mọi người”, tác phẩm thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời mà một sức sống mãnh liệt để vươn lên.
Với cái nhìn chân thực và sâu sắc nhất, ông cảm nhận sự biển đổi nhỏ nhất của vạn vật xung quanh mình, đối với ông những sự biến đổi đó đều theo một quy luật nhất định.
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa tươi
Xuân qua trăm hoa rụng, xuân tới trăm hoa tươi, tất cả đều theo quy luật của tự nhiên từ xưa đến nay không thay đổi, mỗi năm có bốn mùa và mỗi mùa lại có một đặc điểm riêng biệt như một sự báo hiệu, một bước chuyển mình của tự nhiên, hình ảnh cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa vươn mình khoe sắc như một dấu hiệu cho sự chào đón mùa xuân, để rồi khi xuân đi thì những cành hoa chẳng còn giữ được cho mình những nét tươi đẹp như lúc ban đầu. Xuân đến xuân đi dường như đã là điều tất yếu không thể thay đổi, nhưng trong cái nhìn lạc quan của tác giả thì hình ảnh xuân qua hoa rụng trước rồi mới đến xuân tới hoa nở thật mới lạ, tác giả muốn lưu giữ lại những nét đẹp của mùa xuân, lưu giữ lại không khí ấm áp tràn đầy sức sống mà thiên nhiên đem lại cho vạn vật. Xuân đến xuân đi trăm hoa nở rồi lại rụng đó là sự tuần hoàn của tự nhiên đã diễn ra từ rất lâu, chữ “trăm” thể hiện một vòng lặp không có ngoại lệ, một vòng tuần hoàn của thiên nhiên đã diễn ra từ rất lâu và sẽ không bao giờ thay đổi được. Ngoài những quy luật của tự nhiên đối với tác giả con người cũng đang sống theo một quy luật nhất định không thể thay đổi được.
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Thời gian vẫn luôn vận động mà không đợi bất cứ ai, không đợi bất cứ điều gì, thời gian trôi kéo theo biết bao sự việc không kể lớn nhỏ trong đó có cả con người. Con người theo năm tháng rồi cũng già đi, lớn lên theo thời gian để rồi giật mình nhận ra bản thân đã già thật rồi, biểu hiện rõ nét nhất đó chính là sự đổi màu trên mái tóc. Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là con người không giống với tự nhiên, tự nhiên trải qua những vòng lặp nhất định nhưng con người thì không, chẳng biểu hiện rõ nét nhưng mỗi người đều sống một cuộc sống, và khi về già thì ai cũng sẽ phải dừng lại tại điểm cuối của quãng đường đời, chỉ có sự khác biệt là mỗi người có một quãng đường dài ngắn khác nhau mà thôi. Dù có hoàn hảo thế nào, dù không thể thay đổi quá nhiều nhưng vẫn luôn tồn tại một sức sống mãnh liệt trong thiên nhiên và trong con người.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Hai câu thơ tường chừng như tả thiên nhiên nhưng không phải, giữa không gian sắp hết xuân, giữa không gian mà muôn loài đã sẵn sàng để chào đón một mùa mới thì hình ảnh cành mai xuất hiện, đối với người xưa hình ảnh đó như một biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết bởi mai có thể chịu được cái giá lạnh của mùa đông, vẫn nở rộ giữa tiết trời lạnh giá vì vậy tác giả đã mượn hình ảnh cành mai để thể hiện sự vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách của con người. Đối với con người khi đã thấu hiểu được những quy luật, đạo lí của tự nhiên sẽ luôn tồn tại một sức mạnh lớn lao vượt lên cả quy luật sinh tử vốn có.
Bài thơ thể hiện rất rõ cái nhìn lạc quan yêu đời mà tác giả thể hiện qua từng câu thơ, cái nhìn đó được tác giả khẳng định qua hình tượng của tự nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn gợi lên sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi vô tận và bất diệt, cùng với đó là quy luật sinh tử mà bất cứ ai cũng phải trải qua, mở đầu bằng hình ảnh mùa xuân và kết thúc bằng hình ảnh một cành mai như điểm nhấn cho chính cuộc đời của tác giả, những câu thơ được viết trong khi đang mang bệnh nhưng cái nhìn về cuộc sống của bản thân, về thiên nhiên đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần khỏe mạnh đạt đến độ ung dung không phải suy nghĩ.
Qua bài thơ cho người đọc thấy được sự mạnh mẽ bên trong tác giả, là một bậc tu hành giác ngộ được những đạo lí trong cuộc sống, có thể vượt ra được vòng luẩn quẩn để cho bản thân cái nhìn theo chiều hướng đẹp nhất, tích cực nhất.
-/-
Trên đây là hướng dẫn làm bài phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác Thiền Sư bao gồm dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu chọn lọc hay nhất. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập doctailieu.com để tham khảo những bài văn mẫu 10 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!