Phân tích bài thơ Áo trắng của Huy Cận

Xuất bản: 04/07/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn phân tích bài thơ Áo trắng do Đọc tài liệu biên soạn gồm mẫu dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu phân tích nội dung bài thơ Áo trắng của Huy Cận.

Mục lục nội dung

Phân tích bài thơ Áo trắng của Huy Cận - một tác phẩm trữ tình lãng mạn, chứa đựng những cảm xúc tinh tế và hình ảnh thơ mộng về tình yêu tuổi học trò - mối tình đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Bài viết này sẽ giúp các em khám phá sâu sắc hơn vẻ đẹp của bài thơ qua những phân tích chi tiết về tác phẩm, từ bối cảnh sáng tác, phân tích nội dung từng khổ thơ, hình ảnh, biện pháp tu từ cho đến việc khám phá thông điệp ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm.

Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Huy Cận

- Huy Cận (1919 - 2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê ở Hà Tĩnh.

- Ông yêu thích thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp.

- Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lí.

- Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại và đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

2. Bài thơ Áo trắng

- Xuất xứ: Áo trắng là bài thơ tiêu biểu của Huy Cận, in trong tập Lửa thiêng, NXB Đời nay, Hà Nội, 1940.

- Nội dung chính: Bài thơ là tâm trạng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi, trong sáng của người yêu; là niềm hạnh phúc, vui sướng ngất ngây của cậu học trò khi được sống trong tình yêu thơ mộng.

Dàn ý phân tích bài thơ Áo trắng

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm

- Nêu đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

2. Thân bài

a) Phân tích, đánh giá chủ đề

- Tình yêu tuổi học trò là một chủ đề khá quen thuộc trong thơ ca hiện đại. Tình yêu tuổi học trò bài thơ trên vừa mang những vẻ đẹp chung, vừa có những nét độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

- Tình yêu trong bài thơ là niềm hạnh phúc, là khoảnh khắc kì diệu, biến cuộc đời thành một cõi thần tiên. Từ tình yêu của anh và em trong bài thơ, nhắc nhở chúng ta cần trân trọng tình yêu đẹp, biết tận hưởng niềm hạnh phúc trong tình yêu, biết yêu thương và trân quý phút giây hạnh phúc trong cuộc đời.

b) Phân tích nội dung bài thơ

- Mở đầu bài thơ là sự xuất hiện của hình ảnh “áo trắng”, gợi lên vẻ đẹp trong trắng của tuổi học trò hồn nhiên, chân thành. Cô gái như tuyệt sắc giai nhân trong lòng chàng trai, đẹp từ bước đi, cử chỉ.

- Nét đẹp còn thể hiện ở ngoại hình: ngón tay thon dài, đôi má nắng hoe tròn đến mái tóc.

- Chàng trai say đắm cả tiếng nói ngọt ngào, dịu êm.

- Khép lại với hình ảnh “áo trắng” nhưng đặc biệt hơn và nhà thơ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

=> Tứ thơ được khắc họa qua khoảnh khắc gặp gỡ của đôi trai gái: cô gái đến thăm chàng trai mình yêu. Cuộc gặp gỡ ấy được cảm nhận qua cái nhìn (từ xa đến gần), qua tâm trạng của chàng trai (từ ngạc nhiên ngỡ ngàng đến đắm say hạnh phúc). Bắt đầu từ cái hình ảnh “nở bừng ánh sáng em đi đến” với “gót ngọc dồn hương”, “bước tỏa hồng”, rồi gần hơn với bàn tay “ngón ngón thon”, “đôi má nắng hoe tròn”, với mái tóc, rồi hơi thở, tiếng nói, rồi tất cả dần hòa quyện tạo thành một sự say đắm trong hạnh phúc hội ngộ. Bài thơ kết thúc với sự hòa hợp và thăng hoa của hai tâm hồn tinh khôi.

c) Đặc sắc nội dung, nghệ thuật và thông điệp của nhà thơ

- Giá trị nội dung:

+ Tình yêu trong bài thơ được Huy Cận cảm nhận là niềm hạnh phúc, là tình yêu của anh và em lãng mạn say đắm

+ Thể hiện nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm tình cảm đẹp đẽ của tuổi thần tiên thông qua việc sử dụng hình ảnh tà áo trắng xuyên suốt bài thơ.

+ Những tháng năm đẹp đẽ của tuổi học trò, những tháng ngày vô lo, vô nghĩ của tuổi thần tiên, là những kỷ niệm đẹp đẽ, một phần thanh xuân đáng nhớ.

- Giá trị nghệ thuật:

+  Với cấu tứ độc đáo, bài thơ giống như một câu chuyện kể về sự diễn tiến của cuộc gặp gỡ, vừa thể hiện những bước đi của tình yêu từ chớm nở đến viên thành. Cấu tứ ấy cũng cho ta thấy được những cung bậc cảm xúc mỗi lúc một mãnh liệt của chàng trai đang yêu.

+ Nghệ thuật xây dựng hình ảnh với hình tượng trung tâm là cô gái qua cái nhìn say đắm của chàng trai. Hình ảnh “áo trắng” xuất hiện xuyên suốt bài thơ, là hình ảnh trung tâm góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo.

+ Xây dựng nhân vật trữ tình “anh” và “em” thể hiện quan điểm mới mẻ trong phong trào thơ mới.

+ Giọng điệu nhẹ nhàng cùng với các hình ảnh gần gũi, hồn nhiên tươi sáng, trong trẻo, thơ mộng của tình yêu tuổi học trò.

3. Kết bài

- Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

- Nêu cảm nhận của bản thân.

TOP 3 bài văn mẫu hay phân tích bài thơ Áo trắng của Huy Cận

Văn mẫu phân tích bài thơ Áo trắng bài số 1

“Áo trắng” là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình yêu của Huy Cận nói riêng và của phong trào thơ Mới nói chung. Thưởng thức lại bài thơ Áo trắng của nhà thơ Huy Cận, người yêu thơ càng trân trọng tác giả đã nâng niu tâm hồn mộng hoa trinh trắng của tuổi học trò hồn nhiên ở mỗi người. Đó là lúc “Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp” (Tựu trường). Bài thơ giúp ta chấp cánh bay bổng tìm về mộng ước tuổi trẻ thần tiên, để có được những giây phút thăng hoa ngọt ngào trong kiếp sống nhân gian:

Dịu dàng áo trắng trong như suối

Ta phất đôi hồn cánh mộng bay.

Bài thơ là tâm trạng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi, trong sáng của người yêu; là niềm hạnh phúc, vui sướng ngất ngây của cậu học trò khi được sống trong tình yêu thơ mộng. Tình yêu tuổi học trò là một chủ đề khá quen thuộc trong thơ ca hiện đại. Tình yêu tuổi học trò trong “Áo trắng” của Huy Cận vừa mang những vẻ đẹp chung, vừa có những nét độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Chàng trai trong bài thơ quả là đang ngập tràn hạnh phúc ngất ngây, và niềm hạnh phúc ấy khiến cho hình ảnh người yêu hiện lên trong bài thơ thật lung linh, thơ mộng, cảnh trí cũng nhân đó mà trở nên lung linh, thơ mộng.

Quả thật, tình yêu ấy, người con gái ấy như là ánh hào quang rực rỡ, làm choáng ngợp đôi mắt và tâm hồn của cậu học trò. Khoảnh khắc gặp gỡ với người yêu đã làm thăng hoa cuộc đời, biến cuộc đời thành một cõi thần tiên. Và trong cõi thần tiên ấy thì người con gái chính là thiên thần, người đã “ban” hạnh phúc cho chàng trai. Qua bài thơ, qua những hình ảnh tươi sáng, rực rỡ và đầy thơ mộng, tình yêu tuổi học trò hiện lên thật lung linh, thật say đắm nhưng vẫn thật hồn nhiên, trong sáng.

Bài thơ được triển khai theo cái tứ gặp gỡ: cô gái đến thăm chàng trai mình yêu. Cuộc gặp gỡ ấy được cảm nhận qua cái nhìn (từ xa đến gần), qua tâm trạng của chàng trai (từ ngạc nhiên ngỡ ngàng đến đắm say hạnh phúc). Bắt đầu từ cái hình ảnh “nở bừng ánh sáng em đi đến” với “gót ngọc dồn hương”, “bước tỏa hồng”, rồi gần hơn với bàn tay “ngón ngón thon”, “đôi má nắng hoe tròn”, với mái tóc, rồi hơi thở, tiếng nói, rồi tất cả dần hòa quyện tạo thành một sự say đắm trong hạnh phúc hội ngộ. Bài thơ kết thúc với sự hòa hợp và thăng hoa của hai tâm hồn tinh khôi:

“Dịu dàng áo trắng trong như suối

Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay”

Với cấu tứ như vậy, bài thơ giống như một câu chuyện kể về sự diễn tiến của cuộc gặp gỡ, vừa thể hiện những bước đi của tình yêu từ chớm nở đến viên thành. Cấu tứ ấy cũng cho ta thấy được những cung bậc cảm xúc mỗi lúc một mãnh liệt của chàng trai đang yêu. Hình tượng trung tâm của bài thơ là cô gái, qua cái nhìn say đắm của chàng trai. Tất cả các hình ảnh trong bài thơ đều tập trung thể hiện vẻ đẹp lung linh tỏa sáng, tinh khôi thơ mộng của hình tượng trung tâm đó. Mở đầu bài thơ là sự xuất hiện của hình ảnh “áo trắng”, gợi lên vẻ đẹp trong trắng của tuổi học trò với “mộng trắng trong”. Màu trắng ấy khiến cô gái khi xuất hiện, như tỏa ra ánh sáng rực rỡ: “Nở bừng ánh sáng”. Những bước đi của cô gái cũng được miêu tả thật đẹp với “gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng”.

Dưới cái nhìn si tình, lãng mạn của chàng trai, cô gái mang một vẻ đẹp trong ngần, tỏa ra hương thơm kì diệu. Khi đến gần hơn, vẻ đẹp của cô gái được miêu tả ở “bàn tay ngón ngón thon”, ở “đôi má nắng hoe tròn”, mái tóc xanh tràn đầy sức sống, như mang cả hơi thở của trời đất, núi non. Không chỉ ngỡ ngàng say đắm trước vẻ đẹp, chàng trai còn say đắm cả tiếng nói ngọt ngào của người yêu, hứng trọn cả “tiếng lẫn lời”. Bài thơ khép lại cũng với hình ảnh “áo trắng”, nhưng giờ đây nó đã thăng hoa hơn, để không còn là tà áo trắng trong hiện thực, mà dường như đã trở thành đôi cánh của thiên thần, khiến cả đôi hồn cùng bay lên trong một tình yêu thần tiên say đắm. Như vậy, toàn bộ hệ thống hình ảnh trong bài thơ đều thống nhất tập trung làm nổi bật vẻ đẹp tinh khôi của cô gái; đồng thời cũng làm nổi bật vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng của tình yêu tuổi học trò.

Với cấu tứ độc đáo và hệ thống hình ảnh đẹp đẽ, “Áo trắng” xứng đáng được coi là bài thơ tình yêu tuổi học trò hay nhất của Huy Cận nói riêng và thơ ca hiện đại Việt Nam nói chung viết về tình yêu thơ mộng, lãng mạn và trong sáng của tuổi học trò. Bài thơ khiến ta thêm yêu khoảng thời gian cắp sách tới trường, biết quý trọng và nâng niu những rung động đầu đời hồn nhiên, trong sáng.

Bài thơ Áo trắng của Huy Cận

Văn mẫu phân tích bài thơ Áo trắng bài số 2

Tình yêu là một đề tài làm rung động trái tim biết bao người vang ngân lên thành biết bao lời thơ. Tình yêu đã trở thành đề tài muôn thuở của thơ ca. Muôn đời tình yêu vẫn mới lạ và hấp dẫn mọi người như thuở ban đầu. Thế nhưng nhiều nhà thơ đã tốn biết bao nhiêu là giấy, mực thậm chí cả… máu để viết tình yêu. Đẹp và lãng mạn biết bao nhiêu khi tác giả Huy Cận dùng ngòi bút của mình sáng tác ra bài thơ “áo trắng” ca ngợi về tình yêu tuổi học trò thật lung linh, say đắm nhưng vẫn rất hồn nhiên và trong sáng. Bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng đều có sự kết hợp giữa hai mặt cốt lõi là hình thức nghệ thuật và nội dung. Và “Áo trắng” của Huy Cận cũng là một tác phẩm như thế.

“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,

Hôm xưa em đến, mắt như lòng.

Dịu dàng áo trắng trong như suối

Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.”

Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, thơ Huy Cận thường mang nỗi buồn nhân thế, thì sau cách mạng thơ ông lại có những chuyển biến mới, thể hiện sự tươi mới, vui vẻ. “Huy Cận cũng là một người của đời, một người ở giữa loài người”. “Áo trắng” là một trong những tác phẩm hay nhất về tình yêu của Huy Cận nói riêng và của phong trào thơ mới nói chung. Tác phẩm được in trong tập Lửa thiêng vào năm 1940. Đó là tâm trạng vui vẻ, ngỡ ngàng của nhà thơ khi đứng trước vẻ đẹp tinh khôi, trong sáng của tình yêu tuổi học trò. Tình yêu tuổi học trò là một chủ đề khá quen thuộc trong thơ ca hiện đại. Nó thể hiện cái nhìn phóng khoáng cùng những cảm nhận tinh tế thay đổi theo thời gian của các nhà thơ.

Tình yêu tuổi học trò mang những nét trẻ trung, lãng mạn nhưng cũng rất hồn nhiên ngây thơ gây lên những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Tình yêu trong bài thơ được Huy Cận cảm nhận là niềm hạnh phúc, là tình yêu của anh và em lãng mạn say đắm. Huy Cận để nhân vật trữ tình anh và em bộc lộ cảm xúc, gợi nhắc chúng ta cần biết trân trọng tình yêu, biết yêu thương và trân quý những giây phút hạnh phúc trong cuộc đời. Huy Cận, một người đã trải qua biết bao gian khổ của cuộc đời, đã đi qua giây phút đẹp đẽ ấy của tuổi trẻ. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm tình cảm đẹp đẽ của tuổi thần tiên. Những kỷ niệm ấy được gửi lên qua hình ảnh những cô gái trong tà áo trắng tinh khôi.

Hình ảnh tà áo trắng được tác giả sử dụng xuyên suốt bài thơ, gợi lên nhiều liên tưởng cảm xúc trong lòng chúng ta. Với nội dung đơn giản nhưng hết sức sâu sắc, cô gái ấy chỉ khoác lên mình chiếc áo trắng đơn sơ nhưng cũng làm lên bao ý nghĩa, khiến người đọc không khỏi luyến tiếc về những tháng năm đẹp đẽ của tuổi học trò. Đó là những tháng ngày vô lo, vô nghĩ của tuổi thần tiên, là những kỷ niệm đẹp đẽ, một phần thanh xuân đáng nhớ của tác giả. Huy Cận viết lên bài thơ “Áo trắng” với nội dung đơn giản, ngôn ngữ giản dị trong sáng thế nhưng chính cái đơn giản ấy lại khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai. Bài thơ thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thần tiên.

Bên cạnh đó, những giá trị nghệ thuật cũng góp phần đưa ta trở về tuổi học trò đáng nhớ. Hình ảnh “áo trắng” xuất hiện xuyên suốt bài thơ, là hình ảnh trung tâm của tâm hồn trong sáng của học trò. Bằng việc xây dựng lên hình ảnh trung tâm đó những cô gái mặc áo dài hiện lên qua cái nhìn của các chàng trai thật say đắm, góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo. Thông qua tác phẩm Huy Cận đã xây dựng nhân vật trữ tình “anh” và “em” thể hiện quan điểm mới mẻ trong phong trào thơ mới. Từ đó giúp bài thơ bộc lộ những cảm xúc chân thực nhất về tình yêu. Bài thơ sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng cùng với các hình ảnh gần gũi, hồn nhiên tươi sáng. Đó là “áo trắng đơn sơ”, “gót ngọc dồn hương”, “bàn tay ngón ngón thon”, “đôi má hồng”,...

Cô gái trong bài thơ qua các hình ảnh được Huy Cận miêu tả hiện lên thật trong trẻo, một vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi thể hiện tình yêu của tuổi học trò. Sẽ thật là thừa thãi khi nói về vẻ đẹp, sự huyền bí, niềm vui sướng tất cả những đớn đau do tình yêu đem lại. Bằng việc xây dựng các giá trị nghệ thuật đơn giản, dễ hiểu nhưng không tầm thường, bài thơ “Áo trắng” đã để lại những ấn tượng sâu sắc, thể hiện nỗi nhớ thương hoài niệm về tình cảm tươi đẹp tuổi học trò.

Tình yêu là địa hạt của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu trong sáng của tuổi học trò luôn thể hiện những cung bậc cảm xúc lạ thường, để lại cho tác phẩm những giá trị tuyệt đẹp. Bài thơ thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỷ niệm thật đẹp tuổi thần tiên.

Văn mẫu phân tích bài thơ Áo trắng bài số 3

Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, là một người nghệ sĩ đa sầu, đa cảm. Thơ ông thường mang nỗi buồn man mác, u sầu, thể hiện tâm trạng hoài niệm, nhung nhớ về quá khứ và những kỷ niệm chẳng thể nào quay lại. Đặc trưng của phong cách thơ này chính là bài thơ Áo trắng, một sáng tác của nhà thơ về đoạn tình cảm trong sáng của lứa tuổi thần tiên. Áo trắng không chỉ là tiêu đề, nó còn là hình ảnh chủ chốt thể hiện mạch cảm xúc của bài thơ.

Áo trắng là một bài thơ với đôi dòng cảm xúc và tâm trạng nhẹ nhàng của Huy Cận, tưởng đâu chỉ là hình ảnh cô gái trong tà áo trắng tinh khôi, xinh đẹp. Nhưng đâu biết rằng, sâu trong đó lại là cảm giác nhớ thương một thời, một người của tác giả. Cô gái mặc áo dài màu trắng cất bước đi từ tâm tư của tác giả đến những vần thơ sau này, đưa người đọc qua những con đường đẹp đẽ đầy yêu thương. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những tình cảm đẹp đẽ của tuổi học trò. Kỉ niệm ấy được gợi lên từ hình ảnh những cô gái trong tà áo trắng tinh khôi. Vậy nên, nhan đề “Áo trắng” lại càng có ý nghĩa, không chỉ gợi được cho người đọc về hình mà còn đi sâu vào tình.

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,

Hôm xưa em đến, mắt như lòng

Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,

Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.

Không chỉ dừng lại ở nhan đề, hình ảnh áo trắng còn chính là cấu tứ hình ảnh đặc sắc nhất của bài văn. Khổ thơ đầu mở ra với hình ảnh cô học sinh trong tà áo trắng, điểm nhẹ lên ánh nắng vàng như tỏa hương hoa. Khổ thơ cuối khép lại cũng với hình ảnh ấy, với tà áo trắng thướt tha truyền thống của người con gái Việt Nam. Giữa hai khổ thơ là những dòng thơ thể hiện nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò, hay chính là tuổi thần tiên vô lo vô nghĩ. Phải chăng chỉ có cái thời “áo trắng” tình yêu mới đẹp đẽ đến vậy, mà đến tận sau này tác giả cũng không thể bỏ xuống được tình cảm ngây ngô thuở ấy? Bỗng nhiên, bài thơ đã trở thành một câu chuyện đủ trọn vẹn. Ta chẳng biết đôi lứa thế nào, nhưng tà áo trắng kia như một minh chứng cho thứ tình cảm đẹp đẽ ban sơ.

Hình ảnh áo trắng được tác giả sử dụng xuyên suốt bài thơ, trở thành hình tượng trung tâm nối liền mạch cảm xúc. Hình ảnh này được miêu tả một cách tinh tế, gợi cảm, gợi lên nhiều liên tưởng, cảm xúc cho người đọc. Không chỉ ở phía người đọc, đến người viết cũng rung động hơn khi nhắc về, khi viết về. Để làm đầy hình ảnh áo trắng và đôi trẻ, hình ảnh cô gái được tác giả dùng những từ ngữ tượng hình miêu tả sống động.

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;

Em duyên đôi má nắng hoe tròn.

Em lùa gió biếc vào trong tóc

Thổi lại phòng anh cả núi non

Đó là lứa tuổi đẹp nhất, cô gái duyên dáng trong tà áo trắng dài đã trở thành một “biểu tượng” đặc biệt. Cũng từ hình ảnh cô gái và tà áo liền mạch đó, tình cảm của đôi trẻ mới đúng chuẩn “thanh xuân” mà bao người mơ ước, bao người nhớ về. Áo trắng là màu sắc của sự tinh khôi, trong sáng, tượng trưng cho tuổi học trò vô lo vô nghĩ. Hình ảnh những cô gái trong tà áo trắng gợi lên những kỉ niệm đẹp đẽ, hồn nhiên của tuổi học trò. Đó là những buổi tan trường,những buổi học trên bến sông, những lần cùng nhau đi chơi,… Những kỉ niệm ấy luôn là một phần đẹp đẽ, tươi sáng trong tâm hồn của tác giả.

Bài thơ Áo trắng được Huy Cận viết bằng ngôn ngữ giản dị, trong sáng, phù hợp với chủ đề của bài thơ. Hình ảnh thơ hay chính là tà “áo trắng” được sử dụng một cách tinh tế, gợi cảm, gợi lên nhiều liên tưởng cho người đọc. Bài thơ đã thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương, hoài niệm của tác giả về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thần tiên và người con gái bên tà áo đến mai sau cũng chẳng thể quên được.

-/-

Trên đây là những gợi ý của Đọc tài liệu cho bài văn phân tích bài thơ Áo trắng của Huy Cận kèm theo một số bài văn mẫu dành cho các em đọc tham khảo trước khi viết. Ngoài ra, các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM