Tài liệu hướng dẫn phân tích Hồi trống Cổ Thành do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn gồm nội dung gợi ý cách làm chi tiết và một số bài văn mẫu hay tham khảo phân tích nội dung đoạn trích Hồi trống Cổ Thành của La Quán Trung.
Hướng dẫn phân tích Hồi trống Cổ Thành (La Quán Trung)
Đề bài: Phân tích bài Hồi trống Cổ Thành của La Quán Trung.
1. Phân tích đề
- Yêu cầu: phân tích đoạn trích Hồi trống Cổ Thành.
- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : các câu văn, từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong đoạn trích văn bản Hồi trống Cổ Thành của La Quán Trung.
- Phương pháp lập luận chính: Phân tích.
2. Hệ thống luận điểm
- Luận điểm 1: Trương Phi và những hiểu lầm đối với Quan Công
- Luận điểm 2: Sự xuất hiện của Sái Dương, giải hiềm nghi và hai anh em đoàn tụ
- Luận điểm 3: Ý nghĩa của hồi trống cổ thành.
3. Lập dàn ý chi tiết
a) Mở bài
- Giới thiệu tác giả La Quán Trung:
+ La Quán Trung là một nhà văn Trung Hoa, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa.
- Giới thiệu về tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa
+ Tam Quốc diễn nghĩa được xem là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.
- Khái quát về đoạn trích Hồi trống cổ thành.
+ Đoạn trích thuộc hồi 28 của tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa nói lên việc tranh quyền của ba tập đoàn phong kiến quân phiệt : Ngụy - Thục - Ngô và ý nghĩa sâu xa của hồi trống cổ thành.
b) Thân bài
* Trương Phi và những hiểu lầm đối với Quan Công
+) Phản ứng của Trương Phi khi nghe xong lời của Tôn Càn:
- Chẳng nói chẳng rằng lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa
- Dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa Bắc
⇒ Hành động bột phát, trong tâm thế chiến đấu với kẻ thù
+) Khi Trương Phi gặp Quan Công:
- Trương Phi:
+ Diện mạo: mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược
+ Hành động: hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công
+ Xưng hô: mày – tao
+ Lập luận buộc tội Quan Công
+ Nguyên nhân: Trương Phi hiểu lầm Quan Công đã phản bội lại mình
⇒ Trương phi là người ngay thẳng, cứng cỏi, không dung thứ cho kẻ hai lòng
- Quan Công:
+ Gọi Trương Phi là “hiền đệ”, “em”
+ Lời lẽ mềm mỏng
+ Nhờ hai chị dâu giải thích hộ
=> Quan Công cương trực và thẳng thắn, khiêm nhường, nhũn nhặn, sự giá trị của lời thề kết nghĩa là giá trị của bậc nam nhi đại trượng phu, của một trung thần không hề thay lòng đổi dạ, không phản bội sức hợp lí và cần thiết trong “tình ngay lí gian”.
* Sự xuất hiện của Sái Dương, giải hiềm nghi và hai anh em đoàn tụ
- Ý nghĩa việc xuất hiện của Sái Dương:
+ Đẩy mâu thuẫn của hai anh em lên đến cao trào
+ Là mở nút để minh oan cho Quan Công
- Trương Phi khi thấy Sái Dương xuất hiện:
+ Suy nghĩ: Nghĩ Quan Công đem quân đến bắt mình
+ Hành động: Múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công.
+ Yêu cầu: Đánh ba hồi trống để Quan Công chém chết tướng giặc thể hiện lòng thành, thẳng tay đánh trống để thách thức Quan Công.
⇒ Thái độ dứt khoát, kiên quyết của con người ngay thẳng
⇒ Quan Công chấp nhận thử thách
- Quan Công giết Sái Dương khi chưa hết một hồi trống:
+ Thái độ, hành động của Trương Phi: rỏ nước mắt, thụp lạy Quan Công
⇒ Thái độ bao dung, phục thiện đúng lúc.
⇒ Trương Phi là con người giàu tình cảm, nóng nảy, thô lỗ nhưng khôn ngoan và biết trọng lẽ phải.
* Ý nghĩa của hồi trống cổ thành
- Hồi trống thách thức, minh oan, đoàn tụ của các anh hùng
- Biểu dương tính cương trực của Trương Phi
- Ca ngợi lòng trung nghĩa của Quan Công
* Đặc sắc nghệ thuật
- Giá trị lịch sử, quân sự.
- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn
- Nghệ thuật miêu tả sinh động và hấp dẫn.
- Dùng mâu thuẫn để giải quyết mâu thuẫn.
- Xây dựng được một thế giới nhân vật đông đảo, điển hình có cá tính sinh động, sắc nét.
c) Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích
- Nêu ý kiến, cảm nhận của riêng em.
4. Sơ đồ tư duy phân tích Hồi trống Cổ Thành
Top 5 bài văn hay phân tích Hồi trống cổ thành của La Quán Trung
Phân tích Hồi trống cổ thành bài số 1:
Là tác phẩm tiểu thuyết viết theo lối chương hồi, "Tam quốc diễn nghĩa" - một tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử, xã hội Trung Quốc thời kì cát cứ phân tranh, chiến tranh liên miên, người dân trải qua nhiều đau khổ, mọi diễn biến của thời kì biến loạn đó được tác giả La Quán Trung tái hiện lại rõ nét qua tác phẩm giàu giá trị hiện thực. "Hồi trống cổ thành" là một trích đoạn tiêu biểu của tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa", đoạn trích tái hiện lại rõ nét chân dung của những con người nhân nghĩa Trương Phi, Vân Trường, đó chính là những con người đại diện cho lòng "trung", cho chữ "nghĩa" trong quan hệ vua tôi, huynh đệ.
Nếu trong nền văn học Việt Nam có tác phẩm chương hồi giàu giá trị lịch sử, giá trị thời đại là "Hoàng Lê nhất thống chí" của các tác giả Ngô Gia Văn Phái thì ở một nền văn học lớn như Trung Hoa cũng không thiếu những tác phẩm lớn của các tác giả tài ba, trong số các tác phẩm lịch sử đó, nổi bật lên hẳng chính là tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, cả một giai đoạn dài nhiều thăng trầm, với sự đổi thay của biết bao nhiêu thời đại đều được tái giả khắc họa lại trong tác phẩm của mình. Trở lại với trích đoạn "Hồi trống cổ thành", như đã nói, tác phẩm này đề cập đến lòng chung nghĩa, tình cảm huynh đệ giữa hai nhân vật chính là Trương Phi và Quan Vân Trường, và đặc biệt, tình cảm ấy còn được đặt trong một tình huống éo le, gây cho các nhân vật nhiều sự đấu tranh, giằng xé để có được quyết định cuối cùng giữa chữ trung và chữ nghĩa.
Theo dõi "Tam quốc diễn nghĩa" nói chung, trích đoạn "Hồi trống cổ thành" nói riêng ta có thể thấy cả Quan Vân Trường và Trương Phi đều là những vị tướng tài giỏi, những người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất. Là những con người tiêu biểu đại diện cho chữ "dũng". Nói qua như vậy để ta hiểu hơn về tính cách, con người của những nhân vật này, họ là những người thà chết chứ không chịu nhục, thà mất đi mạng sống chứ không chịu phản bội lại chủ. Nhưng ở đây, để thửu thách tấm lòng trung nghĩa của hai nhân vật này, tác giả La Quán Trung đã đặt họ vào một tình huống ngặt nghèo, mà ở đó những phẩm chất, con người thật của mỗi người được bộc lộ một cách rõ nét.
Ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi ẩn náu dưới trướng của Tào Tháo, biết được Tào Tháo là một con người gian hùng nên họ đã tìm cách bỏ đi. Trên đường trốn chạy, tránh sự truy sát của Tào Tháo thì ba huynh đệ đã mỗi người một ngả. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến mọi hiểu lầm sau này của hai huynh đệ Quan Công và Trương Phi. Vì phải dẫn theo hai chị dâu, vốn là hai bà vợ của Lưu Bị nên Quan Công không thể rút chạy an toàn mà bị Tào Tháo vây bắt. Vì biết Quan Công là một người tài hiếm có nên Tào Tháo không những không giết mà còn tìm mọi cách để Quan Công quy phục mình.
Nếu có một mình, thì dù phải hi sinh tính mạng thì Quan Công cũng không chịu hang Tào Tháo, nhưng vì đảm bảo sự an nguy cho hai người chị dâu, cực chẳng đã Quan Công đã phải tạm hang Tào Tháo, dù là tạm hang nhưng Quan Công cũng khẳng định mạnh mẽ, tuyên bố rõ rang việc mình hang ở đây không phải hang Tào Tháo mà là hang vua Hán, vì lúc này vua Hán đang bị Tào Tháo không chế. Quan Công đợi thời cơ, một khi có tin tức của anh mình, tức Lưu Bị thì sẽ lập tức đi ngay. Ta có thể thấy, Quan Công là một con người ngay thẳng, tuyệt đối trung thành với Lưu Bị, vì dù được Tào Tháo tìm mọi cách lấy lòng, "ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, lại ban thưởng chức tước, vàng bạc, mĩ nữ…" nhưng Quan Công cũng không hề đái hoài, không bị tác động dù chỉ một chút "Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán".
Nhân vật Quan Công còn hiện lên là một vị tướng kiêu hùng, dũng mãnh hơn người, vì khi đã nghe ngóng tin tức, xác định được vị trí của huynh đệ thì Quan Công lập tức lên đường, khi ấy các tướng dưới trướng của Tào Tháo ngăn cản thì Quan Công đã vung đao chém luôn sáu tướng, vượt được năm cửa quan để đến Cổ Thành gặp người huynh đệ Trương Phi. Hành động oai dũng ấy tuy đươc miêu tả qua một vài chi tiết ngắn gọn, nhưng ta cũng phải thấy được mức độ hiểm nguy, khó khăn của tình huống này, bởi Quan Công chỉ có một thân một mình, lại phải bảo vệ cho sự an nguy của các chị dâu thì việc chiến thắng tướng của Tào Tháo và qua các cửa quan là một việc hết sức phi thường.
Khi đến được Cổ Thành, Quan Công đã rất vui mừng khi sắp tới sẽ gặp được người em thân thiết Trương Phi, bởi Trương Phi không những trốn chạy thành công mà còn chiếm thành công Cổ Thành, nhưng niềm vui đoàn tụ ấy chưa kịp xảy ra thì một tình huống bất ngờ mà Quan Công không thể lường trước đã xảy ra, Trương Phi không những không chào đón mình bằng cái ôm nồng nhiệt của huynh đệ mà tiếp đón bằng đao, vẻ mặt hung dữ như thể nghênh chiến kẻ thù "Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công". Vì không thể lường trước được tình huống này sẽ xảy ra nên Quan Công rất bất ngờ, vội tránh mũi mâu "Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa đào ru?"
Quan Công đã nhắc lại tình nghĩa huynh đệ với Trương Phi và hoài nghi về sự manh động của Trương Phi, ta có thể nhận thấy Quan Công là một con người điềm tĩnh, luôn bình tĩnh giải quyết mọi thứ, dù trong tình cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất. Dù Trương Phi một mực khẳng định Quan Công là kẻ phản bội thì sự điềm đạm trong khí chất đã giữ cho Quan Công sự bình tĩnh trước mọi việc mà rành rọi giải thích đầu đuôi mọi sự hiểu lầm. Và khi Trương Phi vẫn nhất quyết không chịu tin và muốn Quan Công chứng tỏ sự trong sạch bằng cách lấy đầu của tướng giặc qua ba hồi trống, dù khó khăn nhưng vì phẩm tiết ản thân, vì tình huynh đệ thì Quan Công vẫn chấp nhận. Và cuối cùng, sau khi chém chết tướng giặc thì Quan Công đã làm tỏ rạng mối hàm oan của Trương Phi đối với mình, tình huynh đệ gắn kết trở lại.
Nếu Quan Công là một con người điềm tĩnh, biết suy xét, nhận biết tình hình thì Trương Phi lại ngược lại, tuy là một người tướng giỏi nhưng Trương Phi tính tình lại nóng nảy, không nghe những lời giải thích, dù có lí, thuyết phục đến đâu. Vì vậy mà chỉ khi Quan Công giết chết được tên tướng giặc thì Trương Phi mới chấp nhận sự trong sạch của Quan Công, dù trước đó Quan Công có giải thích đến đâu, dù người chị dâu có làm chứng thì Trương Phi cũng một mực không nghe. Tuy nhiên, sự cố chấp này của Trương Phi cũng xuất phát từ chính tấm lòng trung thành với Lưu Bị, vì quá trọng chữ "trung" nên không cho phép sự phản bội, hai lòng làm hoen ố, ảnh hưởng. Ta cũng không thể phủ nhận được sự dũng mãnh, tài ba hơn người của Trương Phi, vì chỉ có dưới trướng khoảng hơn trăm người nhưng Trương Phi đã đoạt được Cổ Thành về tay và làm chủ nơi đây.
Đây không hề là việc đơn giản nếu như không muốn nói đây là một hành động quá sức phi thường. Là người trọng sự trung thành nên dù tình cảm huynh đệ có gắn bó nhưng một khi đã phản bội thì Trương Phi cũng kiên quyết chống lại đến cùng. Hành động ấy, suy nghĩ ấy rất đúng nếu như Quan Công là con người hai mặt thực sự. Nhưng ở đây sự thật không như những phán đoán mơ hồ của Trương Phi nên sự nông nổi, cứng nhắc của anh ta khiến cho hành động nhân vật này trở nên mù quáng. Tuy nhiên, Trương phi cũng là người biết hối lối khi nhận ra những sai lầm của mình, khi iết Quan Công không hề phản bội thì Trương Phi đã tạ lỗi, khóc lóc, quỳ lạy Quan Công để hối lỗi "..nhỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường…"
Như vậy, đoạn trích "Hồi trống cổ thành" đã khắc họa thành công và chân thực hình ảnh của hai người anh hùng trong Tam Quốc chí, là Trương Phi và Quan Công. Tuy có những đối lập về tính cách, một người điềm tĩnh, một người nóng nảy, bộc trực nhưng cả hai đều có điểm chung đó chính là một lòng chung thành, coi trọng tình nghĩa huynh đệ, đều là những tướng lĩnh tài giỏi, dũng mãnh. Và hơn hết, cả hai người anh hùng này đều là đại diện cho chữ "dũng", là những nhân tố tạo nên sức mạnh cho Lưu Bị.
>> Xem thêm: Dàn ý phân tích bài Hồi trống Cổ Thành của La Quán Trung
Phân tích Hồi trống cổ thành bài số 2:
Có thể nói tiểu thuyết chương hồi là thể loại đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhất trong kho tàng văn học thời Minh - Thanh ở Trung Quốc. Một trong những tác phẩm nổi tiếng thời kì này phải kể đến "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung. Ông là tác giả đã có những đóng góp xuất sắc cho thể loại tiểu thuyết lịch sử thời Minh - Thanh và "Tam quốc diễn nghĩa" có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam và các nước trên thế giới.
Đây là tác phẩm lớn gồm 120 hồi được ra đời vào đầu thời nhà Minh (1368 - 1644) kể chuyện "cát cứ phân tranh" của ba tập đoàn phong kiến Ngụy - Thục - Ngô với các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên, đời sống nhân dân khổ cực trong gần 100 năm của nước Trung Quốc thời cổ. Đoạn trích "Hồi trống Cổ Thành" thuộc hồi 28 của tác phẩm. Nội dung của đoạn trích kể về việc Quan Công đưa hai chị đến Cổ Thành thì biết Trương Phi đang chiếm thành, tạm lấy chốn nương thân liền sai Tôn Càn vào thành báo tin để Trương Phi ra đón hai chị. Gặp lại Trương Phi, Quan Công "mừng rỡ vô cùng" còn Trương Phi do hiểu nhầm Quan Công "hàng Tào Tháo" nên "múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công". Đang trong lúc phân trần sự thật thì quân Tào kéo đến, Quan Công đã lấy đầu của Sái Dương - tên tướng cầm đầu quân Tào. Sau này, Trương Phi mới tin Quan Công và "mời hai chị vào thành".
Đoạn trích này đã khắc họa thành công hai nhân vật Trương Phi và Quan Công với những đặc điểm tính cách nổi bật. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi là anh em kết nghĩa nơi vườn đào, có lời thề sống chết bên nhau. Họ cùng có chí khôi phục lại nhà Hán, mang lại thái bình cho đất nước và sự ấm no cho nhân dân. Kẻ nào phản bội lại nghĩa tình anh em thì đó là kẻ bất trung, bất nghĩa. Trước đó, họ nương náu dưới trướng Tào Tháo nhưng khi hiểu được bản chất gian hùng của Tào Tháo nên họ đã bỏ đi. Vì phải "hộ tống hai chị dâu nên Quan Công tạm hàng Tào Tháo với điều kiện hàng Hán chứ không hàng Tào". Tào Tháo tìm mọi cách thu phục Quan Công nhưng khi biết tin Lưu Bị đang ở bên Viên Thiệu thì Phi trả hết con dấu, châu báu, lên đường tìm anh. Đến Cổ Thành thì Quan Công gặp Trương Phi và bị Trương Phi hiểu nhầm.
Với tính tình nóng nảy, cương trực, Trương Phi "mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công". Trương Phi "hầm hầm quát" người anh em kết nghĩa vườn đào với mình năm xưa: "Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa?" và quyết liều sống chết với Quan Công.Trương Phi không nghe bất cứ một lời giải thích nào từ Quan Công, Cam phu nhân, Mi phu nhân và Tôn Càn. Trương Phi không xưng hô lễ nghi như "nhị ca" -"tiểu đệ" mà xưng "tao" - "mày", gọi Quan Công là "nó", là "thằng phụ nghĩa". Điều ấy chứng tỏ Trương Phi là con người thẳng thắn, không thể dung tha cho kẻ đã phản bội anh em, làm những điều phi nghĩa. Nhân vật này còn quả quyết khẳng định: "Hai chị bị lừa dối đấy. Trung thần thà chịu chết chứ không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ?" Đó là câu nói thể hiện lí lẽ, quan điểm và sự dứt khoát của Trương Phi. Bậc bề tôi quyết trung thành với vua, thà chịu chết chứ không chịu đầu hàng kẻ thù.
Mâu thuẫn giữa hai nhân vật được La Quán Trung đẩy lên cao trào khi Trương Phi trông thấy quân Tào kéo đến do Sái Dương dẫn đầu, "vác đao tế ngựa xông đến". Vốn đã nghi ngờ Quan Công ngay từ đầu nên khi trông thấy cảnh tượng "bụi bay mù trời, một toán quân mã kéo đến, cờ hiệu phấp phới chính là cờ Tào" như đến để bắt mình nên Trương Phi lại càng nổi giận và "múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công". Khi Quan Công tỏ lòng thực của mình bằng cách chém tên tướng Sái Dương thì Trương Phi cũng kiên quyết ra điều kiện: "Nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được tên tướng ấy". Đây là cơ hội để Quan Công chứng minh được sự trong sạch và tấm lòng ngay thẳng, trung nghĩa của mình.
Chưa dứt một hồi trống, "đầu Sái Dương đã lăn dưới đất", "quân Tào chạy tan tác" nhưng kết quả ấy cũng chưa thuyết phục được lòng tin của Trương Phi. Chỉ khi nghe một tên lính kể chuyện Sái Dương nghe tin Quan Công giết cháu ngoại mình bèn "nổi giận đùng đùng" muốn sang Hà Bắc đánh Quan Công nhưng Tào Tháo không cho đi, "nhân sai Nhữ Nam đánh Lưu Tích" không ngờ đi đến Cổ Thành gặp Quan Công thì lúc đó Trương Phi mới "tin anh là thực" và "mời hai chị vào thành". Hai người chị kể cho Trương Phi nghe những việc mà Quan Công trải qua khiến Trương Phi "rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường". Trương Phi tuy tính tình nóng nảy nhưng khi hiểu hết câu chuyện và hoàn cảnh của người anh kết nghĩa thì đã tin tưởng và phục thiện. Đó là một trong những vẻ đẹp nhân cách của nhân vật này.
Phân tích bài Hồi trống Cổ Thành của La Quán Trung
Bên cạnh đó, tác giả La Quán Trung cũng khắc họa nhân vật Quan Công với tính cách khiêm nhường, trung nghĩa, thủy chung với tình anh em kết nghĩa vườn đào. Khi gặp được Trương Phi, Quan Công "mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón". Ngay cả khi bị Trương Phi gọi là "mày", "thằng","nó" nhưng Quan Công vẫn giữ cách xử sự đúng mực, độ lượng khi gọi Trương Phi là "em" và "hiền đệ". Quan Công hết sức bình tĩnh khi "tránh mũi mâu", nhờ hai chị làm nhân chứng cho sự trung thành của mình. Không những thế, Quan Công rất coi trọng tình nghĩa anh em đã có và muốn chứng minh điều ấy qua hành động chém Sái Dương "để tỏ lòng thực". Trước sự nghi ngờ của Trương Phi lớn như vậy nhưng Quan Công vẫn giữ được bình tĩnh và sự từ tốn của bản thân để minh oan.
Hồi trống có ý nghĩa thâu tóm toàn bộ linh hồn, mang lại không khí chiến trận cho đoạn trích. Đó là hồi trống thách thức, minh oan, đoàn tụ của ba anh em của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi. Đoạn trích đã thể hiện được tính cương trực của Trương Phi và lòng trung nghĩa của Quan Công. Kết cấu của "Hồi trống Cổ Thành" như một vở kịch hoàn chỉnh và mang những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu của tiểu thuyết chương hồi. Tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" không chỉ phơi bày cục diện chính trị Trung Hoa lúc bấy giờ mà còn để lại những bài học về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của Nho giáo, các cách ứng xử của bậc quân tử. Đây cũng là nguyên nhân khiến tác phẩm luôn có sức hấp dẫn đối với các thế hệ bạn đọc.
Phân tích Hồi trống cổ thành bài số 3:
“Tam quốc diễn nghĩa” được coi là một trong bốn tác phẩm cổ điển nổi tiếng nhất Trung Quốc. Tác phẩm gây ấn tượng với người đọc bởi “tuyệt nhân” – Lưu Bị, “tuyệt trí” – Khổng Minh, “tuyệt gian” – Tào Tháo. Trích đoạn “Hồi trống Cổ Thành” đặc biệt làm nổi bật vẻ đẹp và phẩm chất tuyệt nghĩa của Trương Phi, đồng thời qua đó, ta cũng thấy ý nghĩa của vấn đề “trung thành hay phản bội” được đặt ra trong đoạn trích.
Đoạn trích Hồi trống Cổ Thành nằm giữa hồi thứ 28 của bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, kể về việc Trương Phi gặp lại Quan Công sau bao ngày xa cách nhưng với thái độ tức giận, đòi đâm Vân Trường. Dù Quan Công ra sức giải thích, mọi người can ngăn, Trương Phi lại càng tức giận. Thậm chí, khi quân mã của Tào Tháo đến, lửa giận lại càng bừng lên dữ dội. Chỉ đến khi Quan Công lấy đầu Sái Dương – tướng của Tào Tháo sau một hồi trống thì Trương Phi mới nguôi giận. Khi nghe tên lính kể chuyện thực hư, Trương Phi mới tin, khóc lóc thụp lạy Vân Trường.
Trước tiên, đoạn trích khắc họa cảnh gặp mặt và mâu thuẫn giữa Trương Phi và Quan Công. Lúc này, vẻ đẹp của hai nhân vật thể hiện qua việc nghe tin báo. Quan Công khi nghe tin em thì mừng rỡ vô cùng, nôn nóng muốn gặp mặt và tin tưởng Trương Phi sẽ mừng rỡ đón mình. Qua đó, nhân vật toát lên vẻ đẹp là một người giàu lòng trung nghĩa, giàu tình nghĩa và biết nghĩ cho mọi người. Trái với Quan Công, Trương Phi nghe tin Quan Công đến bèn “chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác xà mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân” chạy lại đâm Quan Công. Hành động dứt khoát, quyết liệt ấy khẳng định vẻ đẹp cương trực, khảng khái, trắng đen rõ ràng của Trương Phi.
Vẻ đẹp của hai nhân vật còn toát lên khi cả hai gặp mặt. Quan Công khi mới gặp Trương Phi vội tránh mũi mâu, nhắc lại tình nghĩa vườn đào và ra sức thanh minh cho bản thân mình: “Chuyện này em cũng không biết, ta cũng khó nói. May có hai chị ở đây, em đến mà hỏi”. Lời nói dứt khoát cùng hành động từ tốn, điềm đạm ấy chứng minh Quan Công là một người kiên nhẫn, nhẹ nhàng dù rơi vào tình huống khó xử. Trái lại, Trương Phi khi vừa gặp Quan Công bèn quát mắng, nổi giận đùng đùng cho Quan Công là kẻ bội nghĩa, thậm chí không nghe những lời khuyên can của mọi người, lời thanh minh của Quan Công. Qua đó, vẻ nóng nảy, cương trực của con người tuyệt nghĩa đã được đề cao.
Chi tiết Hồi trống hóa giải mâu thuẫn của cả hai càng tô đậm vẻ đẹp của hai nhân vật. Khi nhìn thấy quân mã của Tào Tháo kéo đến, Quan Công đưa ra gợi ý chém tên tướng Sái Dương để tỏ lòng. Dường như tấm lòng trung nghĩa, trước sau như một ấy nhất quát với tính cách điềm đạm của Quan Công. Trương Phi đưa ra lời thách đố khi đánh ba hồi trống, Quan Công phải chém đầu tên tướng giặc. Trong khi Trương Phi đánh trống, Quan Công múa đao xô lại, hành động dứt khoát chém đầu Sái Dương. Có thể nói, chi tiết hồi trống Cổ Thành đã giải quyết mâu thuẫn một cách chóng vánh, đồng thời khắc sâu và làm nổi bật tấm lòng trung nghĩa của Quan Công, vẻ thẳng thắn mạnh mẽ của Trương Phi. Hồi trống cũng đem lại không khí chiến trận đặc trưng, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết bằng đường gươm, mũi giáo trong không khí thúc giục, binh mã ngập trời. Chi tiết này cũng thể hiện thủ pháp phóng đại, cường điệu đặc trưng trong tiểu thuyết chương hồi.
Có thể nói, qua đoạn trích “Hồi trống Cổ Thành”, vẻ đẹp trung nghĩa của Quan Công và vẻ thẳng thắn của Trương Phi được tái hiện một cách chân thực. Tình anh em với quan niệm tín nghĩa, chân thành cùng lối ứng xử của người quân tử được gửi gắm qua tác phẩm là bài học không bao giờ cũ dành cho mỗi chúng ta.
Tham khảo:
Phân tích nhân vật Trương Phi trong đoạn trích Hồi trống Cổ thành
Cảm nghĩ bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng của La Quán Trung
Phân tích Hồi trống cổ thành bài số 4:
La Quán Trung là một nhà văn lớn của nền văn học Trung Quốc, tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm mang tính dã sử, nổi bật nhất phải kể đến Tam quốc diễn nghĩa. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ và có giá trị nhất của nền văn học Trung Quốc. Đoạn trích Hồi trống cổ thành cũng là một đoạn trích tiêu biểu thể hiện được tài năng và tầm vóc tư tưởng của nhà văn La Quán Trung.
Đoạn trích Hồi trống cổ thành thuộc hồi thứ hai mươi tám của tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, trong đoạn trích này tác giả đã miêu tả cuộc hội ngộ của hai người anh em Quan Công và Trương Phi trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Thông qua việc xây dựng nên một tình huống đầy hấp dẫn, tác giả La Quán Trung đã thể hiện được tình huynh đệ cũng như những biểu hiện của lòng tín nghĩa.
Trước tiên, La Quán Trung đã đi khắc họa nhân vật Trương Phi. Trương Phi là một trong những vị tướng đắc lực dưới trướng của Lưu Bị, nhân vật này hiện lên với vóc dáng cao lớn “… cao tám thước, đầu cáo mắt tròn, râu hùm hàm én…”. Trương Phi có tính cách bộc trực, nóng nảy. Tuy là một vị tướng mưu lược nhưng trong nhiều trường hợp nhất định thì Trương Phi lại trở nên thô lỗ, không biết suy tính trước sau.
Nhân vật Trương Phi là đại diện của chữ Trung, là một con người có bản lĩnh cứng cỏi, thẳng thắn, thà chết chứ không chịu khuất phục, luồn cúi dưới trướng của kẻ thù, đặc biệt Trương Phi căm ghét sự phản bội, đây cũng chính là nguyên nhân của những hành động nóng nảy của Trương Phi với Quan Công khi nghi ngờ Quan Công đã phản bội lại tình nghĩa huynh đệ để theo Tào Tháo.
Vốn có những hiềm khích, hiểu lầm nên cuộc hội ngộ của an hem Quan Công và Trương Phi cũng thật đặc biệt, đó không lại sự sum họp trong sự vui mừng, nồng nhiệt đón tiếp mà là một trận giao chiến đầy căng thẳng. Để thoát khỏi sự kiểm soát của Tào Tháo, Quan Công đã phải mở con đường máu đưa hai chị dâu chạy trốn, sau đó gặp Trương Phi.
Quan Công những tưởng giây phút huynh đệ hội ngộ sẽ vô cùng cảm động và vui mừng mà không thể ngờ được Trương Phi lại đón tiếp mình bằng gương mặt đỏ bừng tức giận, hành động quyết dồn mình vào con đường chết. Trước những hành động của Trương Phi, Quan Công không thể hiểu vì sao người anh em thân thiết lại đối xử với mình như vậy.
Là một con người tỉnh táo, thức thời nên dù bị Trương Phi tấn công quyết liệt cùng cách xưng hô mày- tao đầy xa lạ thì Quan Công vẫn xưng huynh- đệ và cố dò hỏi nguyên nhân vì sao Trương Phi lại có những hành động như vậy. Qua những lời nói và hành động của Quan công, ta có thể thấy được ở con người này một sự nhẫn nại, một con người biết lí lẽ, phân tích tình tình hình dù trong tình thế căng thẳng nhất.
Sau khi đã biết được nguyên nhân khiến cho TRương Phi tức giận và có những hành động nông nổi là do hiểu lầm mình phản bội lại tình nghĩa huynh đệ, đi theo Tào. Quan Công đã rất bình tĩnh để giải thích cho Trương Phi hiểu nhưng dù có nói như thế nào thì Trương Phi cũng không tin. Cuối cùng, tình thế bị đẩy lên căng thẳng nhất khi Sái Dương đuổi tới chân thành, sự nghi ngờ ở Trương Phi ngày càng dâng cao. Cuối cùng, Trương Phi đã đưa ra một thử thách để chứng minh sự trong sạch của Quan Công, đó chính là trong thời gian của ba hồi trống thì Quan Công phải chém đầu Sái Dương.
Trước lời thách thức của Trương Phi, Quan Công đã chấp nhận, khi tiếng trống đầu tiên vang lên thì ngay lập tức Quan Công đã lao vào Sái Dương, bằng bản lĩnh và võ nghệ của một vị tướng tài ba, trong ba hồi trống mà Trương Phi đánh lên thì Quan Công đã chém được đầu của Sái dương.
Về phía của Trương Phi, sau khi Quan Công đã hoàn thành xong thử thách thì vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn, trong lòng vẫn chưa thể gỡ bỏ hết được những nghi ngờ. Cuối cùng, trước những lời kể của ai chị dâu và một tên lính thì Trương Phi đã hiểu ra sự việc, sự hối hận tột cùng khiến cho Trương Phi quỳ rạp xuống van khóc, xin lỗi người anh em của mình về những hành động nông nổi.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, tên nhan đề của đoạn trích này chẳng phải ngẫu nhiên mà được đặt là Hồi trống cổ thành, đó là tiếng trống minh oan,tiếng trống hóa giải những hiểu lầm của hai anh em Quan Công và Trương Phi:
“Chém Sái Dương anh em hòa giải
Hồi cổ thành tôi chúa đoàn viên”
Qua đoạn trích Hồi trống cổ thành ta có thể thấy rõ nét tính cách của từng nhân vật, đồng thời đoạn trích cũng hướng đến ca ngợi tình anh em gắn bó, dù trải qua những khó khăn thì cũng sẽ có ngày đoàn tụ.
Phân tích Hồi trống cổ thành bài số 5:
Tam quốc diễn nghĩa là một trong những câu chuyện kinh điển về tình nghĩa anh em, quân thần thời phong kiến Trung Hoa và Hồi trống Cổ Thành là một trong những trường đoạn khiến người đọc phải lặng suy ngẫm về tình nghĩa giữa Quan Vũ và Trương Phi.
Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi là ba anh em kết nghĩa nhưng tình sâu hơn bể. Sự khác nhau về tính cách không khiến ba con người này trở nên mâu thuẫn bởi cả ba cùng chung một lí tưởng, một tâm nguyện. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, ba anh em phải tạm li tán. Và chính sự li tán đó dẫn đến sự nghi ngờ trong lòng Trương Phi ở đoạn trích Hồi trống Cổ Thành này.
Rời Tào doanh, đến Cổ Thành, biết tin Trương Phi đang trấn giữ ở đây, Quan Công mừng rỡ vô cùng. Trong khi đó Trương Phi chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân đi tắt ra cửa bắc. Những tưởng Trương Phi sẽ thi lễ, đón hai anh chị vào thành, vậy mà lại múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công. Thái độ của Trương Phi hoàn toàn đối lập với thái độ của Quan Công và gần như trái ngược với đạo lí làm em. Lẽ nào Trương Phi đã quên nghĩa vườn đào, quên là em mà hành xử với Quan Công như vậy. Nhưng Trương Phi có lí do để hành động như vậy. Nhân vật của La Quán Trung đứng trên hai lập trường (tình nghĩa anh em và nghĩa vua - tôi) để định tội Quan Công. Nhà văn tiếp tục dẫn mâu thuẫn đi xa hơn bằng cách để Trương Phi để xưng mày - tao với Quan Công, luận giải tội trạng của Quan Công "bỏ anh, hàng Tào (…) lừa tao" và kết tội Quan Công bội nghĩa. Quan Công thanh minh, hai phu nhân cũng nói đỡ hộ nhưng Trương Phi vẫn không tin lời anh. Hồi trống Cổ Thành.
Mâu thuẫn truyện được đẩy lên một bậc khi quân của Sái Dương mang cờ Tào đuổi kịp Quan Công. Trương Phi càng có cớ để nghi ngờ lòng dạ Quan Công. Đám quân mã do Sái Dương dẫn đầu khiến Trương Phi nghĩ rằng Vân Trường đưa đến để bắt về qui hàng cho Tào Tháo. Tình thế éo le buộc Vân Trường phải hành động để chứng thực lòng với em: "Hiền đệ hãy khoan, xem ta chém tên tướng ấy, để tỏ lòng thực của ta!". Đến đây, La Quán Trung quyết định thắt nút truyện, đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm bằng tình tiết Hồi trống Cổ Thành.
Trước đề nghị của Quan Vân Trường, Trương Phi đã ra điều kiện - một điều kiện khắc nghiệt: "Nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được tên tướng ấy". Ba hồi trống định mức thời gian để minh chứng cho một tấm lòng, ba hồi trống để giải oan, ba hồi trống để nhận diện nhân cách một con người cũng là ba hồi trống đầy thách thức. Nó quả là quá ngắn ngủi đối với một mạng người. Nó sẽ là một minh chứng nếu quả thật Quan Công do dự, dao động và không có tài nghệ, khí phách. Nhưng nó cũng là cơ hội để Quan Công minh oan, để hai anh em có thể đoàn tụ lẫn nhau, để lời thề vườn đào năm xưa được giữ trọn. Nếu không có ba hồi trống, mối nghi ngờ trong lòng Trương Phi chỉ có thể giải tỏa bằng bát xà mâu. Và lúc đó, khó có thể hình dung giữa Trương Phi và Quan Công hai anh em ngang tài ngang sức, ai sẽ là người chiến thắng, ai là người phải hi sinh. Tình huống đó bắt buộc Quan Vân Trường phải hành động gấp rút. Chưa dứt một hồi trống, đầu Sái Dương đã rơi xuống đất. Mâu thuẫn được hóa giải, nút thắt đầy kịch tính được tháo bỏ. Chi tiết Trương Phi nghe hết chuyện, rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường thể hiện tình cảm chân thành của người em cương trực, thẳng thắn, nghĩa dũng đối với người anh em của mình.
Đến cuối đoạn trích Hồi trống Cổ Thành, hồi trống mới xuất hiện nhưng nó đã thực thi nghiệm vụ quan trọng: hóa giải mối nghi ngờ giữa hai anh em Quan Vũ - Trương Phi. Trở lại với diễn biến câu chuyện phía trước, có thể thấy đó là hồi trống ra quân và cũng là hồi trống thu quân, hồi trống thách thức, minh oan và đoàn tụ. Cuộc hội ngộ của hai anh em không có rượu, chỉ có hồi trống trận. Nó cũng chính là một thành công trong nghệ thuật kể chuyện đặc sắc của nhà văn La Quán Trung.
---------------------
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết cách làm và một số bài văn mẫu phân tích bài Hồi trống Cổ Thành của La Quán Trung mà Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn làm tư liệu học tập cho các em. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!