Phân tích bài ca dao Ước gì sông rộng một gang, Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi để thấy được tình cảm của nhân dân ta thời xưa, bình dị mà đậm đà và sâu sắc. Cùng tham khảo hướng dẫn chi tiết của Đọc tài liệu để nắm được cách làm bài này em nhé!
Đề bài: Phân tích bài ca dao sau:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi
------------
Dàn ý phân tích bài ca dao Ước gì sông rộng một gang
A. Mở bài
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, còn mấy ai mà biết đến tình thương yêu con người. Họ sống một cách vụ lợi và chỉ biết đến riêng mình mà thôi. Nhưng ngày xưa, con người với con người gần gũi với nhau và sống rất tình cảm. Minh chứng cho tình cảm ấy là những lời ca dao được cất lên bởi chính trái tim của họ, bình dị thôi nhưng mà đậm đà, sâu sắc biết mấy.
Có lẽ những câu ca dao khi nói về tình yêu là lãng mạn nhất:
"Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi."
B. Thân bài
- Trong tình yêu, chiếc cầu là một chi tiết nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc, xuất hiện với tần số khá lớn, trở thành một biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, hò hẹn của những đôi lứa đang yêu, là phương tiện để họ có thể đến được với nhau. ước muốn của cô gái, cũng là lời cô thầm nói với người yêu của mình: bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
=> Ý tưởng táo bạo với một hình ảnh độc đáo. Dải Yếm đào là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, đằm thắm và dịu dàng. Vậy mà cô gái muốn dùng thứ trang phục đẹp đẽ đó để dải lên chiếc cầu nhằm mời gọi chàng (tình yêu) đến với mình.
= > Đó là những cái cầu không có thực, được dệt nên bằng ước mơ táo bạo của con người. Nhưng chính những cái cầu ảo đó lại đem đến một vẻ đẹp rất dân gian, rất đồng quê mà chỉ có cô dâu mới có được.
- Hình ảnh: Sông chỉ rộng một gang, chiếc cầu dải yếm tưởng chừng như phi lí nhưng lại rất hợp lí. Bởi nó là cầu nối tình yêu, là máu thịt, là trái tim rạo rực yêu đương của người con gái. Tình yêu nam nữ thời tuổi trẻ thơ mộng và đẹp đẽ đến vậy, nhưng tình cảm vợ chồng cũng mặn mà không kém:
"Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa."
Muối và gừng là những gia vị trong bữa ăn của nhân dân ta, là vị thuốc của những người lao động nghèo trong lúc đau ốm. Sự gắn bó tự nhiên của các hình ảnh đó tượng trưng cho tình nghĩa con người gắn bó thủy chung.-“Muối mặn” - “gừng cay” => hương vị, nghĩa tình con người => biểu trưng cho sự gắn bó thủy chung của con người. Tình người có trải qua mặn mà, cay đắng thì mới sâu đậm, nặng nghĩa nặng tình, mới thật thương nhau.
- Đôi ta: nghĩa nặng tình dày -> ba vạn sáu ngàn ngày mới xa -> lối nói kết cấu theo thời gian: độ mặn của muối, độ cay của gừng còn có hạn nhưng tình nghĩa đôi ta là mãi mãi, đến trăm năm, một đời người mới xa.
C. Kết bài
- Chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa đã thể hiện rất sâu sắc nỗi niềm chua xót,đắng cay và tình cảm yêu thương, chung thủy của người bình dân trong xã hội cũ. Những con người với những tâm hồn trong sáng, thật thà nhưng rất lãng mạn, chân tình.
>> Xem thêm: Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
Bài văn mẫu phân tích bài ca dao Ước gì sông rộng một gang
Bài văn mẫu 1
Chủ đề tình yêu luôn là mảnh đất màu mỡ của nhiều môn nghệ thuật, đặc biệt là trong văn học. Ta không khỏi xúc động trước mối tình chung thủy của Kim - Kiều, khâm phục trước tình yêu cao thượng trong "Tôi yêu em" của Puskin, hạnh phúc trước tình yêu quá đỗi bình dị giữa cơn đói khát của Tràng trong "Vợ nhặt". Đến với ca dao dân ca, tình yêu được thể hiện vô cùng chân thành, mãnh liệt nhưng tế nhị và khéo léo. Tiêu biểu trong đó là bài ca dao:
"Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi"
Lời ca dao là lời của một cô gái muốn nói với chàng trai - người mình yêu mến. Tình yêu vốn vẫn vậy, luôn có khoảng cách, sự khó khăn, xa xôi cách trở trong tình yêu là điều khó tránh khỏi. Con sông trong bài ca dao tượng trưng cho khoảng cách ấy.
Khoảng cách đã ngăn trở đôi ta gặp gỡ, ngăn trở tình yêu lứa đôi mặn nồng. Bởi vậy mà cô gái ước mong "sông rộng một gang" để cho khoảng cách đôi ta ngắn lại, để đôi mình được gặp gỡ nhiều hơn. Điều ước ấy tưởng chừng như vô lí, bởi đâu có dòng sông nào rộng một gang thôi. Nhưng qua cách nói quá đó, ta mới thấy được tình yêu cháy bỏng và nồng nàn trong trái tim nàng.
Và chỉ khi dòng sông ấy hẹp lại, cô gái mới có thể bắc chiếc cầu dải yếm để chàng sáng chơi. Chiếc cầu từ lâu đã đi vào ca dao dân ca như một biểu tượng minh chứng, kết nối cho tình yêu đôi lứa:
"Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay"
Không phải là cầu gỗ, cầu bê tông, xi măng cốt thép, mà đó là chiếc cầu "dải yếm". Chiếc cầu ấy chứa đựng bao tâm tình của cô gái gửi đến chàng trai. Chiếc cầu yếm mềm mại, dịu dàng, nên thơ như tâm hồn cô gái vậy. Cầu như một không gian đầy lãng mạn cho đôi lứa gặp gỡ, hẹn hò, cho anh được gần em dễ dàng hơn. Chính tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng trong trái tim nàng là sức mạnh để nàng vượt qua mọi sự khắt khe của lề lối, lễ giáo phong kiến mà chủ động bày tỏ lòng mình. Bắc lên chiếc cầu nối hai bờ thương nhớ, nối liền tình yêu đôi lứa.
Bài ca dao thật nồng nàn, thắm thiết, thấm đẫm tình thương yêu. Lời nhắn nhủ đầy chân tình ấy đã mang đến cho ta những cảm nhận và thêm tin tưởng vẻ đẹp và sức trường tồn vĩnh cửu của tình yêu, của những vẻ đẹp bình dị nhưng quá đỗi chân tình trong tình yêu của con người lao động.
Bài văn mẫu 2
Bài ca là lời của cô gái, bày tỏ một ước mơ trong tình yêu đôi lứa. Chỉ có hai câu lục bát mà đủ diễn tả một tình yêu thiết tha, mãnh liệt.
Bài ca mở đầu bằng hình ảnh con sông. Con sông cách trở lứa đôi nên em và chàng khó gặp gỡ. Nhưng có hề gì, “yêu nhau mấy núi sông cũng trèo” - Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua"! Tuy nhiên, “lội” cũng là một sự khó khăn rồi: nếu “bắc cầu” thì lứa đôi gặp gỡ sẽ dễ dàng hơn. Cho nên cô gái “ước gì sông rộng một gang”. Sông mà rộng chỉ một gang, cách nói cường điệu tạo nên một sự vô lí thú vị. Vô lí cho nên mới phải “ước”. Sự vô lí trong điều mơ ước diễn tả điều có lí của tình yêu. Sông chỉ một gang thì cô gái mới có thể “bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”.
Cây cẩu - dải yếm là một hình tượng đặc sắc của bài ca. Cây cầu là một trong những mô-típ nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc của ca dao, gắn chặt với đời sống tình cảm phong phú, mãnh liệt nhưng cũng hết sức tế nhị, duyên dáng của người bình dân Việt Nam. Mô-típ này xuất phát từ cuộc sống dân dã của người bình dân. Làng quê Việt Nam nơi nào mà chẳng có sông rạch, chẳng có một chiếc cầu. cầu là phương tiện giao thông, cầu cũng là không gian trữ tình, là nơi gặp gỡ, hò hẹn của trai gái. cầu đi vào ca dao, trở thành biểu tượng của tình yêu, ước mơ của tình yêu. Người bình dân thổ lộ tình yêu của mình trong hình ảnh những chiếc cầu bắc qua sông. Không phải là cầu tre, cầu gỗ, những chiếc cầu này độc đáo hơn nhiều. Khi thì là cành hồng.
Hai ta cách một con sông,
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Khi thì là cành trầm:
Cách nhau có một con đầm,
Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.
Cành trầm lá dọc lá ngang,
Đố người bên ấy bước sang cành trầm.
Lạ hơn nữa là cái cầu - mồng tơi:
Gần đây mà chẳng sang chơi,
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Sợ rằng chàng chả đi cầu,
Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em.
Đến bài ca này, cái cầu - dải yếm lại càng lạ hơn nữa. Đây mới đúng là cái cầu của người con gái chủ động bắc cho người mình yêu, nó vượt qua mọi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến ngày xưa. Nó táo bạo, mãnh liệt, và cũng thật trữ tình, ý nhị, bởi nó là cái dải yếm, cái vật mềm mại luôn quấn quýt bên thân hình người con gái, trở thành biểu tượng riêng của người con gái. Người con gái muốn dùng cái vật thân thiết, gần gũi nhất của mình để bắc cầu mời mọc người mình yêu. Cành hồng, cành trầm, ngọn mồng tơi còn là những cái bên ngoài, còn dải yếm là cái bên trong. Cho nên cái cầu - dải yểm mới thật chân tình, táo bạo, và trở thành cái cầu tình yêu đẹp nhất trong ca dao. Cái dải yếm bình thường đi vào bài ca bỗng trở thành đầy chất thơ của tình yêu.
Bài ca giãi bày ước mơ tha thiết và mãnh liệt của người con gái trong tình yêu, qua đó thể hiện vẻ đẹp tình yêu của người lao động: bình dị, mãnh liệt nhưng cũng hết sức tế nhị, duyên dáng.
Bài văn mẫu 3
Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
Sinh ra trong một đất nước nhiều sông ngòi, kênh rạch, ca dao Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng theo suy nghĩ, tư duy của con người ở vùng sông nước, trong nội dung cũng như trong hình thức nghệ thuật. Những hình ảnh và chi tiết nghệ thuật có liên quan với sông, cầu, thuyền, bến... xuất hiện khá liên tục trong ca dao của nhiều thời và nhiều vùng khác nhau trong cả nước, từ Bắc chí Nam. Dù trong những lời ca quan họ Bắc Ninh hay trong lời ca hát ví ở Nghệ An, hò Huế, hò giã gạo ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, hoặc trong hò Đồng Tháp, hò cấy Gò Công - Nam Bộ, chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy những hình ảnh và chi tiết nghệ thuật nói trên. Ví dụ:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
Gió bay cầu thấp cầu cao
Gió bay cầu nào con chỉ mẹ coi?
Qua cầu ghé nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu.
Anh vé xẻ ván cho dầy
Bắc cầu sông Cái cho thầy mẹ sang.
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Ca dao không chỉ nói đến "cầu tre", "cầu ván", "cầu đá", "cầu xây"... là những loại cầu có thực và phổ biến trong cả nước, mà ca dao còn sáng tạo ra cả những loại cầu không có hoặc chưa có trong thực tế như "cầu mồng tơi", "cầu sợi chỉ", "cầu cành hồng", "cầu dải yếm”...
Đây là chiếc cầu "bắc" bằng sợi chỉ ở trong ca dao Nam Bộ:
Sông cách sông, thủy cách thủy
Em xe sợi chỉ, em bắc cây cầu
Để cho anh sang mà giảm mối sầu tương tư.
Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để anh bắc ngọn mồng tơi làm cầu.
Đôi ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Nhưng hay nhất, đẹp nhất, nên thơ và gợi cảm nhất vẫn là chiếc "cầu dải yếm" ở trong câu ca dao từ lâu đã trở thành của chung tất cả mọi miền đất nước:
Ước gì sông hẹp một gang,
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
Từ "hẹp" ở vế thứ nhất, có dị bản ghi thành từ "rộng". Nhưng khi đã có một con số, đồng thời cũng là một hình ảnh xác định, cụ thể "một gang" cũng không làm cho bề ngang của dòng sông thay đổi (nghĩa là ở đây từ "rộng" hay từ "hẹp" đều chỉ có một nghĩa, một nội dung thống nhất, là bề ngang của con sông mà thôi).
Người kiến trúc sư vô danh và thiên tài đã thiết kế nên chiếc cầu dải yếm độc đáo này là một cô gái Việt Nam không rõ làng nào, huyện nào, tỉnh nào, nhưng chắc là đã sống cách đây vài thế kỉ. Khi nghĩ ra bản thiết kế này, chắc tác giả đang ở trong độ tuổi mười tám đôi mươi, tình yêu vừa chớm nở, sức tưởng tượng dồi dào phong phú. Chiếc cầu dải yếm không chỉ tồn tại âm thầm trong trí tưởng tượng của tác giả. Nó đã được công bố thành lời trong ca dao mà người đầu tiên được trực tiếp nghe tác giả công bố cũng chính là người yêu của người nữ "kiến trúc sư" thiên tài này. Hay nói đúng hơn, chiếc cầu này được nghĩ ra để "bắc" riêng cho một người "sang chơi". Và nhờ có tình yêu với người ấy mà tác giả mới thiết kế được chiếc cầu tuyệt diệu này.
Có lần nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đặt câu hỏi:
"Khi người con gái nói:
ước gì sông hẹp một gang,
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
thì là nói thật hay nói đùa".
Tôi nghĩ là người con gái ở đây đã nghĩ thật và nói thật, nhưng là cái thật của ước mơ, khát vọng, chứ không hợp với lô-gích thông thường và rất xa thực tế. Thực tế làm gì có loại sông "hẹp một gang" ấy (?). Và nếu đặt vấn đề như vậy thì trong ca dao còn có biết bao nhiêu điều vô lí khác không thể giải thích được. Rồi những chiếc cầu tưởng tượng rất nên thơ khác ở trong ca dao cổ (như cầu "sợi chỉ", cầu "mồng tơi", cầu "cành hồng"...) đều là sản phẩm của sự bông đùa, hài hước hay sao? Không, đó là sản phẩm của tư duy, những hình tượng nghiêm túc bắt nguồn từ những khát vọng yêu đương cháy bỏng, chân thành của con người trong độ tuổi yêu đương. Khi yêu cũng như khi say, con người thường thoát li những điều kiện thực tế và suy nghĩ một cách tự do, hồn nhiên theo khát vọng cháy bỏng của trái tim mình. Do đó khi tỉnh hoặc hết yêu, người ta thường ngạc nhiên, khó hiểu với chính bản thân mình. Đó cũng là một điều dễ hiểu.
Tham khảo văn mẫu phân tích các bài ca dao khác:
************
Trên đây là hướng dẫn làm bài phân tích bài ca dao Ước gì sông rộng một gang bao gồm dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu chọn lọc hay nhất. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập doctailieu.com để tham khảo những bài văn mẫu lớp 10 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!