Tài liệu hướng dẫn phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông liên hệ với Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), gợi ý cách làm, phân tích đề, sơ đồ tư duy kèm một số bài văn mẫu tham khảo.
Hướng dẫn phân tíchAi đã đặt tên cho dòng sông liên hệ Đây thôn Vĩ Dạ
Đề bài: Phân tích vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ đó liên hệ đến khổ thơ thứ 2 của Đây thôn Vĩ Dạ để làm rõ vẻ đẹp của cái tôi trữ tình của hai nghệ sĩ.
1. Phân tích đề
- Yêu cầu của đề bài: phân tích vẻ đẹp của sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông liên hệ với Đây thôn Vĩ Dạ
- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường và khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ.
- Phương pháp lập luận chính : phân tích.
2. Hệ thống luận điểm
- Luận điểm 1: Vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông
- Luận điểm 2: Phân tích khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ
- Luận điểm 3: Liên hệ, so sánh điểm giống và khác biệt
4. Lập dàn ý chi tiết
a) Mở bài:
- Giới thiệu tác giả tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông
- Trích dẫn mối liên hệ với khổ thơ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ
(Các em có thể tham khảo ngay: Cảm nhận khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để hiểu rõ hơn)
- Dẫn dắt vấn đề: Qua vẻ đẹp của sông Hương giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp của cái tôi trữ tình.
b) Thân bài:
Chuyển ý:
- Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" ra đời năm 1981, rút từ tập bút ký cùng tên in năm 1986, đã trở thành minh chứng cho chất văn độc đáo, hướng nội, say đắm, xúc tích, tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạo nên tiếng vang lớn cho tên tuổi của ông trong kho tàng văn học Việt Nam.
Phân tích:
Luận điểm 1: Vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông
* Sông Hương ở thượng nguồn:
- Khi qua dãy Trường Sơn, sông Hương là bản trường ca của rừng già. Sông Hương có lúc "rầm rộ và mãnh liệt" như những linh thú thượng cổ có nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước, giang sơn bờ cõi Đại Việt,... Nhưng có lúc lại "dịu dàng và đắm say" như những nàng cung nga xinh đẹp uyển chuyển,... Giữa "đại ngàn" bao la và "giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng", tác giả đã tạo nên một bản hợp âm của nốt trầm nốt bổng, để mãi ngân nga, vang vọng giữa đại ngàn của Trường Sơn.
- Tính lưỡng thể của dòng sông Hương ở thượng nguồn vừa "phóng khoáng và man dại" như một nửa cuộc đời cô gái Di-gan, biểu lộ "sức mạnh bản năng ở người con gái", vừa mang sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở".
- Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thật tài hoa khi đã sáng tạo nên những liên tưởng, những so ánh, ẩn dụ và nhân hóa miêu tả vẻ đẹp mang tính lưỡng thể đầy tư tưởng nhân văn, của dòng sông Hương giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
- Từ đó, tác giả đã nhắc khẽ mọi người "nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó... sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua...". Suy tưởng ấy đã làm cho liên tưởng mà tác giả nêu lên thêm phần rung động thấm thía.
* Sông Hương về châu thổ Châu Hóa:
- Sông Hương ở trong thành phố được nhà văn yêu mến gọi bằng cái tên: "người tình mong đợi". Một người con gái đẹp ngủ quên, đợi mong người tình đến đánh thức khỏi giấc ngủ dài êm đềm, là những ngôn từ đắt giá mà không phải ai cũng tạo nên được.
- Sông Hương phơi bày những đường cong mềm mại và uyển chuyển của mình bằng cách: "uốn mình liên tục", "uốn theo những đường cong thật mềm",... rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía Đông - Bắc ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Sông phô hết vẻ đẹp và sự quyến rũ của mình trước tất cả những con người yêu cái đẹp, hóa thân thành người con gái xinh đẹp lẳng lơ dưới bóng chiều tà, tạo nên một khung cảnh tuyệt mĩ vô tận.
- Qua Tam Thai, Vọng Cảnh mềm như một tấm gương phản chiếu nhiều màu sắc.
- Đến rừng thông u tịch, lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn, sông Hương lại mang một vẻ đẹp cổ kính trầm mặc như triết lí, như cổ thi.
- Tới ngoại ô Kim Long: vẻ đẹp tươi vui...
-> Sông Hương như một cô gái dịu dàng mơ mộng đang đi tìm hạnh phúc tình yêu theo tiếng gọi vang vọng từ trái tim
-> Nghệ thuật so sánh cân đối, hài hòa đậm chất thơ, ngôn ngữ, hình tượng phong phú khiến sông Hương trở nên lung linh màu sắc, vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính với thành quách, lăng tẩm.
* Sông Hương trong không gian kinh thành Huế
- Bắt đầu vào thành phố Huế, sông Hương được so sánh với một người tình vui tươi và duyên dáng,
- Nhận ra những dấu hiệu rõ hơn của thành phố, cầu Tràng Tiền in ngần trên nền trời như một vành trăng non.
- Làm duyên làm dáng trước khi gặp người yêu: Uốn một cánh cung rất nhẹ... không nói ra của tình yêu".
- Trong lòng thành phố Huế sông Hương như một "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, sông Hương giảm hẳn lưu tốc, xuôi đi chậm, thực chậm... yên tĩnh, khát vọng được gắn bó, lưu lại mãi với mảnh đất nơi đây.
-> Sông Hương và Huế gặp gỡ qua cảm nhận của tác giả như một cuộc hội ngộ của một cặp tình nhân.
Luận điểm 2: Liên hệ với khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ
- Đây thôn Vĩ Dạ được Hàn Mặc Tử lấy cảm hứng từ bức bưu thiếp có in hình dòng sông con thuyền vầng trăng. Từ những kỉ niệm với Huế, nhà thơ đã khắc họa bức tranh tuyệt đẹp về thôn Vĩ Dạ - một làng ven sông Hương với khung cảnh thơ mộng trữ tình. Qua bài thơ, Hàn Mặc Tử cũng mượn câu chuyện tình yêu đơn phương của mình để kín đáo gửi gắm tình yêu xứ sở, tình yêu với cuộc đời và con người.
- Khổ 2 của bài thơ miêu tả vẻ đẹp đêm trăng, nơi mảnh đất cố đô với núi Ngự, sông Hương trầm buồn mà sâu lắng.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
- Nhà thơ đặc tả cảnh sông nước mây trời thấm nỗi niềm cảm xúc của con người. Cảnh đẹp mà người buồn vì gợi cảm giác chia lìa xa cách. Thế giới bên ngoài càng tươi đẹp, thi sĩ càng thấm thía với thực trạng của mình. Con người tài hoa bất hạnh ấy đã mượn cảnh để vẽ tình, lấy điều phi lí để nói lên điều có lí trong tâm trạng của mình; tha thiết yêu đời nhưng cuộc sống của nhà thơ đang được tính bằng giây, bằng phút.
- Hai câu sau: Một không gian tràn ngập ánh trăng, đẹp như cõi mộng:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
- Câu hỏi tu từ mang bao khắc khoải giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc về nỗi lòng của một con người đang chạy đua với thời gian để sống, để yêu, để khao khát hạnh phúc. Tất cả được thể hiện trong một chữ "kịp", một chữ khiến cho câu thơ trở nên vội vàng, gấp gáp hơn, dường như đang cố gắng chạy đua để bắt kịp với những chờ mong, hay với tình yêu mà nhà thơ hằng ấp ủ?
Luận điểm 3: Liên hệ, so sánh
- Tương đồng:
+ Cả 2 nhà thơ đều lấy những địa danh nổi tiếng của Huế để làm điểm nhấn và khởi hứng cảm xúc.
+ Cùng tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc, con người Huế rất riêng, rất thơ mộng. Có được điều đó chứng tỏ mảnh đất, con người Huế đã chiếm chỗ sâu bền nhất trong lòng các tác giả.
+ Cả 2 đều thể hiện cái tôi tinh tế nhạy cảm trong văn chương, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú.
- Khác biệt:
+ Hoàng Phủ Ngọc Tường lấy điểm nhìn là sông Hương, đặt trong một không gian rộng lớn, phóng khoáng hơn. Vẻ đẹp của sông Hương hiện lên ở nhiều góc độ từ thượng nguồn ra đến biển.
+ Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ gợi cảm hứng từ tấm bưu thiếp... nên điểm nhìn hẹp, cái nhìn từ kí ức, vẻ đẹp xứ Huế hiện lên với những nét đặc trưng bình dị, quen thuộc, lãng mạn... nhưng cũng gợi buồn.
=> Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hàn Mặc Tử là hai nghệ sĩ đều có tình cảm tha thiết với Huế. Cả hai đều là những cây bút tài hoa, tinh tế, nhạy cảm trong văn chương, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú.
c) Kết bài
- Qua ngòi bút uyên bác, mê đắm tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện lên với vẻ đẹp có linh hồn, đầy lãng mạn.
- Cùng với Hàn Mặc Tử vẻ đẹp sông Hương trở nên phong phú, đáng mến, đáng yêu.
Văn mẫu tham khảo: Phân tích vẻ đẹp sông Hương trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
Bài văn mẫu hay phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông liên hệ Đây thôn Vĩ Dạ
“Ai đã đặt tên cho dòng sông này” là bài bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về dòng sông trữ tĩnh, thơ mộng của Huế. Mạch cảm xúc của bài kí chính là vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt của con sông duy nhất chảy qua dòng thành phố Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất tài tình khi lột tả được hết vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông mang đặc trưng của Huế này.
Có lẽ vì đặc trung của thể loại bút kí nên lời văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường rất phóng khoáng, điêu luyện, nhẹ nhàng và mềm mại. Với một tấm lòng yêu Huế, yêu cảnh sắc thiên nhiên, yêu sông Hương nên Hoàng Phủ Ngọc tường đã khoác lên bài kí một màu sắc, âm hưởng riêng có của Huế.
Dòng sông Hương được tác giả ngợi ca “dòng sông duy nhất chảy qua thành phố Huế”, dòng sông vắt mình qua thành phố, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của mảnh đất này.
Cái nhìn đầu tiên của tác giả khi viết về sông Hương là cái nhìn từ vùng thượng nguồn. Vẻ đẹp của dòng sông lúc này khiến tác giả liên tưởng đến cô gái Di gan phóng khoáng, mê dại, đầy sức hút. Qua ngòi bút của tác giả, sông Hương hiện lên thật kì vĩ “sông Hương tựa như một bản trường ca của rừng già, khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua nhiều ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu, lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu hoa đỗ quyên rừng”. Chỉ với một vài chi tiết và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lột tả được vẻ đẹp lúc mãnh liệt, lúc dịu êm của sông Hương. Có lẽ đây chính là đặc trưng của sông Hương khi ở thượng nguồn, hứng chịu nhiều biến đổi của thời tiết.
Thật độc đáo khi dưới con mắt của tác giả, sông Hương tựa như “Cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng”. Có lẽ đây là phép nhân hóa đầy ẩn ý nhằm gợi lên nét đẹp hoang sơ nhưng hấp dẫn của con sông này. Như vậy có thể thấy được qua ngòi bút phóng khoáng của tác giả, sông Hương vùng thượng nguồn toát lên vẻ đẹp kì bí, hùng vĩ và đầy cá tính.
Tuy nhiên đây mới chỉ là ở thượng nguồn, cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường khám phá vẻ đẹp của dòng sông này khi chảy về thành phố Huế có lẽ người đọc sẽ bất ngờ với vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại và uyển chuyển của nó. Tác giả đã ví sông Hương như “người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô”. Không phải vô duyên vô cớ mà tác giả lại đi ví von so sánh đầy tính nghệ thuật như vậy.
Sông Hương khi chảy về thành phố có sức hấp dẫn tuyệt vời đối với người đọc. Ở đây chúng ta nhận ra một lối viết nhẹ nhàng, tinh tế, rất mực tài hoa của tác giả. Ông vẽ lên vẻ đẹp của sông Hương không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn bằng cả trái tim đầy tình yêu thương. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương như “cô gái đẹp ngủ mơ màng” – một vẻ đẹp màu màu sắc của câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Và sông Hương bỗng “chuyển dòng liên tục” “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ”, “trôi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách”. Một sự diễn tả quá trữ tình, quá độc đáo khiến người đọc khó cưỡng lại được vẻ đẹp tuyệt vời này.
Sông Hương vừa mềm mại, vừa dịu dàng “mềm như tấm lụa”, có khi ánh lên những phản quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Sự chuyển đổi màu sắc theo mùa, theo thời gian như thế này đã làm nên một nét đặc trưng cho những ai muốn ngắm nhìn sông Hương thật lâu.
Hoàng Phủ Ngọc Tường tả sông Hương như vẽ, vẽ lên một bức tranh hoàn mĩ và tuyệt vời nhất về dòng sông huyền thoại này. Sông Hương tạo nên nét đẹp của đất cố đô Huế, ẩn mình trong trầm tích của nét văn hóa hàng nghìn năm lịch sử.
Thú vị nhất là đoạn sông Hương chảy trong lòng Huế, tác giả cứ ngỡ rằng sông Hương tìm thấy chính mình khi gặp thành phố thân yêu nên tươi vui hẳn lên.
Vẻ đẹp của dòng sông này được cảm nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhìn bằng con mắt của hội họa, sông Hương và những chi lưu của nó tạo những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô; qua cách cảm nhận âm nhạc, sông Hương như điệu slow chậm rãi sâu lắng, trữ tình… Một vẻ đẹp khiến người khác phải ngỡ ngàng và đắm say chẳng thể dứt ra.
Sông Hương còn là chứng nhân lịch sử, là “người” chứng kiến sự đổi thay của cố đô Huế từng ngày. Trong sách Dư địa chí, “dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam của tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại, vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của anh hùng Nguyễn Huệ…”
Có thể nói rằng để cảm nhận sông Hương với nhiều góc độ, nhiều vẻ đẹp khác nhau, Hoàng Phủ Ngọc Tường phải có trái tim nhạy cảm, yêu và thương tha thiết dòng sông thơ mộng này. Một lối viết giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy lôi cuốn đã khiến độc giả không thể để dứt mạch cảm xúc. Tác giả đã phát huy được đặc trưng của thể loại bút kì đầy sắc bén và tình cảm này.
“Ai đã đặt tên cho dòng sông này” thực sự là bài bút kí độc đáo. Sông Hương hiện lên với tất cả vẻ đẹp mà nó mang.
>>> Tham khảo: Phân tích hình tượng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông
Bài phân tích khác về Ai đã đặt tên cho dòng sông liên hệ Đây thôn Vĩ Dạ
Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn nặng lòng với xứ Huế mộng mơ, với dòng sông Hương hiền hòa chảy. Có lẽ ông có duyên với mảnh đất và con người nơi đây nên những gì ông viết thường rất bình dị, mộc mạc nhưng lãng mạn và trữ tình. Bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được xem là thành công của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi khắc họa rõ ràng từng đường nét và vẻ đẹp đa chiều của dòng sông Hương. Một vẻ đẹp trầm lắng, dịu dàng, nên thơ và rất mực cổ kính.
“Ai đã đặt tên cho dòng sông” được viết theo thể kí, một thể loại có thể ghi chép lại cảm xúc, tâm tư tình cảm, những dòng cảm xúc bất chợt, suy nghĩ bất chợt một cách sâu sắc nhất. Có lẽ chính thể loại này đã khiến cho bài kí đi vào lòng người đọc một cách chân thành như vậy. Vẻ đẹp của dòng sông Hương theo ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện lên một cách đầy ấn tượng, một vẻ đẹp khiến cho người đọc ngỡ ngàng, sửng sốt.
Sông Hương là dòng sông “duy nhất” chảy qua lòng thành phố Huế nên nó mang những nét đẹp riêng mà không có dòng sông nào có được. Hình như Hoàng Phủ Ngọc Tường rất tự hào vì điều này, tự hào với một tình yêu sông Hương đến mê đắm.
Vẻ đẹp dòng sông Hương ẩn hiện dưới ngòi bút tinh tế và một tình yêu tha thiết đã khiến cho nó càng trở nên mê đắm đối với người đọc. Sông Hương được nhìn từ nhiều gốc độ, từ nhiều khía cạnh, từ chiều dài của thời gian và chiều sâu của không gian. Nhưng dù ở góc độ nào thì sông Hương vẫn mang một nét đẹp riêng rất Huế.
Ở vùng thượng nguồn, sông Hương mang một vẻ đẹp không nơi nào có được. Đó là hình ảnh “một cô gái di gan phóng khoáng và man dại” có tâm hồn "tự do và trong sáng". Vẻ đẹp ấy được ngôn ngữ của tác giả ưu ái đã khiến nó đi vào lòng người đọc một cách chân thực nhất. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn vẽ lên từng đường nét đầy mê hoặc, sông Hương như “bản trường ca của rừng già” rầm rộ và mãnh liệt nhưng có lúc lại “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi của màu đỏ hoa đỗ quyên rừng”.
Chỉ một màu hoa đỏ hoang dại, đơn sơ giữa núi rừng ấy đã phần nào làm toát lên vẻ đẹp bình dị nhưng đầy sức ám ảnh của dòng sông Hương. Như vậy vẻ đẹp của sông Hương ở vùng thượng nguồn là vẻ đẹp mê đắm, hoang dại và không kém phần tinh tế. Có lẽ đây là nét đặc trưng của sông Hương, của Huế.
Và sông Hương được biết đến là dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất, chỉ đến với Huế và thuộc về Huế, như một mối duyên ngầm có từ lâu đời. Vẻ đẹp sông Hương là vẻ đẹp vang bóng một nền văn hóa trầm tích, nhiều thăng trầm, nhưng không kém phần dịu dàng và quyến rũ. Hoàng Phủ Ngọc Tường liên tưởng đến sông Hương như “người con gái dịu dàng, đằm thắm, mềm mại trong lòng Huế”. Thật tài tình và thật lãng mạn biết bao nhiêu dòng sông của Huế mộng mơ.
Khi sông Hương rời thượng nguồn về với thành phố xinh đẹp thì nó trở nên lãng mạn và đắm say. “Cô gái Di-gan” ấy đã “vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản, để sắc nước trở nên xanh thẳm, trầm mặc như triết lí, như cổ thi… cho đến khi gặp được tiếng chuông Thiên Mụ, nghe âm thanh bát ngát tiếng gà, từ ấy sông Hương rạng rỡ như nắng mới, nàng uốn một cánh cung thật nhẹ, đến khi giáp mặt với thành phố, đường cong ấy làm cho nàng mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”.
Một đoạn văn nhẹ nhàng và không kém phần tình tứ, đầy duyên dáng của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi miêu tả vẻ đẹp sông Hương lúc về thành phố. Từng đường nét mềm mại, đầy mê hoặc của sông Hương thực sự khiến người đọc ngỡ ngàng. Với lối viết gần gũi nhưng chân thành, tác giả đã mon men đi sâu vào tâm hồn người đọc những cảm xúc trong trẻo, chân thành nhất.
Sông Hương như một “nàng thơ" đắm mình trong thành phố, và đắm mình trong những trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Sông Hương còn là dòng sông chứng kiến biết bao đổi thay của Huế, của những thăng trầm lịch sử “vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân”, “dòng sông của thời gian ngân vang, của lịch sử viết giữa màu cỏ xanh, lá biếc…”. Như vậy, sông Hương không chỉ tồn tại như vậy, nó còn là nhân chứng của lịch sử đất nước, của những tháng năm không thể nào quên đi. Từ một dòng sông hoang dại, phóng khoáng, sông Hương đã trở nên dịu dàng, tài hoa và đầy ý chí kiên cường. Có lẽ đối với Hoàng Phủ Ngọc tường nói chung, với nhân dân Huế nói chung thì sông Hương chính là một biểu tượng đẹp đẽ nhất tạo nên vẻ đẹp Huế suốt mấy nghìn năm lịch sử.
Bằng ngòi bút tinh tế, cảm xúc chân thành và một tâm lòng yêu thương của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về sông Hương. Một vẻ đẹp rất riêng, rất dịu dàng, rất huế khiến người đọc muốn một lần đến đó tận hưởng.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Ai đã đặt tên cho dòng sông
-/-
Trên đây là một số gợi ý cơ bản về cách làm và hai bài văn mẫu hay phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông liên hệ Đây thôn vĩ dạ được Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp em hiểu rõ hơn vẻ đẹp của dòng sông Hương mĩ miều và dòng cảm xúc lắng đọng mà tác giả muốn gửi gắm. Ngoài ra các em cũng đừng quên tham khảo các bài văn mẫu lớp 12 khác theo từng bài học để chuẩn bị cho mình kiến thức trong chương trình tốt nhất em nhé!