Phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến của Quang Dũng

Xuất bản: 14/11/2018 - Cập nhật: 20/06/2023 - Tác giả:

Phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến, TOP 3 bài văn mẫu hay phân tích, bình giảng nội dung tám câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Phân tích 8 câu đầu bài Tây Tiến, lập dàn ý chi tiết và tham khảo tuyển chọn những bài văn mẫu hay phân tích nội dung 8 câu thơ đầu trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

» Soạn bài Tây Tiến (Quang Dũng) ngắn gọn nhất

Hướng dẫn làm bài
phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến

1. Phân tích đề

- Yêu cầu của đề bài: phân tích nội dung, nghệ thuật của 8 câu thơ đầu trong bài Tây Tiến.

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong 8 câu mở đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Hệ thống luận điểm

- Luận điểm 1: Nỗi nhớ núi rừng Tây Bắc và đơn vị chiến đấu cũ

- Luận điểm 2: Con đường hành quân gian khổ của người lính

3. Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy phân tích 8 câu đầu Tây Tiến

Sơ đồ tư duy phân tích 8 câu đầu Tây Tiến

4. Lập dàn ý phân tích 8 câu đầu Tây Tiến

a) Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm

+ Quang Dũng thuộc thế hệ các nhà thơ miền Bắc trưởng thành và nổi danh sau Cách mạng tháng Tám.

+ Bài thơ Tây Tiến được viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh (Hà Tây), khi Quang Dũng đã chuyển về đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ là đoàn quân Tây Tiến.

- Khái quát 8 câu thơ đầu: đoạn thơ dựng lại con đường hành quân giữa núi rừng Tây Bắc hiểm trở, khắc nghiệt, hùng vĩ và thơ mộng.

b) Thân bài

* Nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc và đơn vị chiến đấu cũ (hai câu đầu)

- Nỗi nhớ là cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ, đoạn thơ.

- Nỗi nhớ ấy như dâng trào không gì có thể kiểm soát được nên đã cất lên thành tiếng gọi:

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

+ Từ láy “chơi vơi”: gợi hình, gợi cảm => nỗi nhớ da diết, cháy bỏng như có hình, có khối gợi lên một không gian bao la, thời gian sâu thẳm.

- Hình ảnh núi rừng trùng điệp, hoang sơ và con đường hành quân gian khổ của người lính

+ Hình ảnh dốc, đèo, vực thẳm, rừng dày và con đường hành quân chênh vênh dần hiện ra

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

+ Những địa danh: Sài Khao, Mường Lát gợi lên không gian hoang sơ nơi xứ lạ

+ Cảm giác mệt mỏi của người lính như được xua đi bởi hình ảnh đầy thơ mộng trong đêm của Mường Lát.

+ Câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” : tạo ra nhiều nét nghĩa khác nhau, trong đó có thể hiểu đây là cách tả cảnh đoàn quân đốt đuốc đi trong đêm mịt mù hơi sương trông như những bông hoa.

+ Thanh bằng: gợi cảm giác lâng lâng, chơi vơi, tài hoa và lãng mạn. Khung cảnh núi rừng hiểm trở.

* Con đường hành quân gian khổ của người lính:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thăm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

- Hai câu đầu: diễn tả độ cao ngất trời vào sự chênh vênh heo hút của núi đèo Tây Bắc.

+ Từ láy tạo hình: "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút"… được sử dụng với mật độ cao

+ Thủ pháp điệp từ, đối lập được khai thác triệt để

  • "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" : nghe như tiếng thở nặng nhọc của người lính.
  • “súng ngửi trời” : thể hiện tâm hồn lạc quan yêu đời, thách thức với gian khổ, hiểm nguy của người lính.

- Hai câu sau:

+ Câu thứ ba có sự ngắt nhịp ở giữa như bẻ đôi => diễn tả hai sườn núi vút lên, đổ xuống gần như thẳng đứng

+ Câu thơ thứ tư toàn thanh bằng => tạo cảm giác lâng lâng, chơi vơi

=> Tây Bắc dữ dội, hoang sơ được mở rộng ra theo chiều không gian: theo những địa danh xứ lạ như Sài Khao, Mường Lát...

c) Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của 8 câu thơ đầu: Hình ảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, đầy hiểm nguy nhưng cũng rất nên thơ. Hình ảnh đoàn quân trên đường hành quân mang vẻ đẹp bi tráng.

- Gợi mở thêm vấn đề.

TOP 3 bài văn hay phân tích 8 câu đầu bài thơ Tây Tiến

Phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến bài số 1

Mỗi nhà văn đều tìm cho mình một lối đi riêng, một cách khám phá đặc trưng khác nhau khi viết về hình tượng người lính. Ở "Đồng chí" của Chính Hữu, người lính chống Pháp được mô tả một cách chân chất và mộc mạc, trở thành biểu tượng điển hình. Nhưng sang đến "Tây tiến" của Quang Dũng, người lính được miêu tả theo một cách độc đáo, kết hợp giữa sự hào hùng, hào hoa và bi tráng. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ.

Quang Dũng là một người con của Đan Phượng, Hà Tây (hiện là Hà Nội), ông được biết đến là một nghệ sĩ đa tài, sở hữu cả tài năng về âm nhạc và hội họa. Vì vậy, những bài thơ của ông vừa giàu chất nhạc lại vừa giàu chất họa. Ngoài ra, Quang Dũng còn là một người lính xuất sắc, đã tham gia vào nhiều chiến trường khác nhau. Điều này khiến những vần thơ về người lính của ông trở nên chân thật và sống động, mang lại sức truyền cảm mạnh mẽ. Phong cách thơ của ông có sự phóng khoáng, tinh tế, lãng mạn và tài hoa.

Được thành lập vào đầu năm 1947, thành phần tham gia của binh đoàn Tây Tiến chủ yếu là các thanh niên Hà thành, nhận nhiệm vụ hỗ trợ quân đội Lào trong việc bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp. Vùng hoạt động của binh đoàn kéo dài từ Sơn La, Hòa Bình, qua Sầm Nứa (Lào) rồi quay về phía tây Thanh Hóa. Binh đoàn phải trải qua nhiều cuộc hành quân và chiến đấu trong điều kiện gian khổ.

Tác phẩm "Tây Tiến" được sáng tác vào cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, khi Quang Dũng hồi tưởng về những ngày tháng trong binh đoàn Tây Tiến. Ban đầu, bài thơ được đặt tên là "Nhớ Tây Tiến" và sau đó đổi thành "Tây Tiến". Nhan đề này cô đọng và hàm súc nhưng vẫn truyền đạt rõ ràng cảm xúc chính của bài thơ đó chính là nỗi nhớ. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là lãng mạn và bi tráng.

Nỗi nhớ về một Tây Bắc dữ dội, được thể hiện trong 8 câu thơ đầu.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Bài thơ mở đầu với hai câu thơ 'Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/'Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi', đánh thức những kỷ niệm, những tình cảm trào dâng về một quá khứ xa xôi, về một vùng đất đã mãi xa. Lời gọi tha thiết 'Tây Tiến ơi' không chỉ là một cái tên, mà nó đã trở thành một người thân thương, như huyết thống của chúng ta. Quang Dũng nhắc tới 'sông Mã' ngay từ những dòng thơ đầu, địa danh này là biểu tượng đặc trưng của vùng rừng núi Tây Bắc. Trên quang đường hành quân, con sông ấy không chỉ là một địa danh trên bản đồ địa lý, mà còn trở thành một người bạn, một người tri kỷ, chứng kiến và ghi nhận lịch sử với bao đau thương, khó khăn, niềm vui và nỗi buồn của những người lính trong suốt cuộc trường chinh chiến đấu ngoài mặt trận.

Do đó, nỗi nhớ của Quang Dũng trước hết là nhớ về binh đoàn Tây Tiến thân yêu, sau là đến Tây Bắc với những kỉ niệm bên dòng sông Mã. Trong ấn tượng và nỗi nhớ của nhà thơ còn hiện lên hình ảnh của rừng núi, đó chính là nỗi nhớ "chơi vơi" có phần hơi lạ lùng! Vì đối với một người lính xuất thân từ thành thị, hình ảnh rừng núi Tây Bắc hết sức xa lạ, để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của người lính chiến. Quang Dũng nhắc đến từ "nhớ" hai lần để nhấn mạnh nỗi nhớ đang vương vấn trong tâm hồn, đặc biệt là "nhớ chơi vơi", biểu thị cách diễn đạt nỗi nhớ rất riêng của Quang Dũng. Đó là cảm giác trơ trọi, lạc lõng, hụt hẫng và chông chênh trong một nỗi hoài niệm xa xôi, vì Tây Bắc đã xa lâu lắm rồi, một Tây Bắc hùng vĩ trong sương mù, mây vờn quanh núi chơi vơi, hoang vắng, nhưng vẫn đầy oai hùng.

Nếu như 2 câu thơ đầu là nỗi nhớ bao trùm thì ở 12 câu thơ tiếp nỗi nhớ ấy đã được nhà thơ khắc sâu qua nhiều kỷ niệm ấn tượng. Đầu tiên là nỗi nhớ về Sài Khao, Mường Lát trong, “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Hai địa danh đã gợi nhắc về những địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến, từ đó kéo ra các không gian rộng lớn khác xuyên suốt cả bài thơ như Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu,… Dường như nỗi nhớ của nhà thơ dàn trải dài khắp chiều không gian, mỗi nơi mà nhà thơ từng bước chân đi qua thì tâm hồn nhà thơ đều cảm thấy yêu thương gắn bó, trích lời Chế Lan Viên “Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương”. Có thể nói mỗi một địa danh biểu trưng cho núi rừng Tây Bắc đều đã trở thành một kỷ niệm khắc sâu vào trong tâm khảm của nhà thơ không thể phai mờ, đó cũng là tình cảm thắm thiết sâu nặng, cũng trích lời Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Hình ảnh “sương lấp đoàn quân mỏi” vốn gợi hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trở về Mường Lát trong màn sương mờ mờ ảo của núi rừng Tây Bắc, gợi lên vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên núi rừng, đồng thời là vẻ đẹp đông đảo, đoàn kết của người lính chiến. Cảm giác “mỏi” hiện diện trong gân cốt người lính chiến, dường như vẫn còn như mới trong tâm hồn Quang Dũng, điều ấy càng chứng tỏ nỗi nhớ sâu sắc của tác giả, bởi kỷ niệm càng nhỏ bao nhiêu thì nỗi nhớ là càng to lớn bấy nhiêu, nhớ kỹ đến cả cái “mỏi” hành quân xa! “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, hoa ở đây có thể hiểu là ngàn hoa của núi rừng, hiện thân cho vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng có lẽ chính xác hơn, thì hoa ấy là ánh sáng của ngọn đuốc bập bùng trong đêm tựa đóa hoa lửa trong những đêm hành quân mịt mờ trở về Mường Lát. Hình ảnh ngọn đuốc hoa vừa gợi lên nét lãng mạn, vừa hào hùng của một thời Tây Tiến…

Sau nỗi nhớ về Mường Lát về Sài Khao chính là kỷ niệm về những ngày hành quân chiến đấu đầy gian khổ, về vùng núi rừng Tây Bắc lắm hiểm trở, nguy nan.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Câu thơ sử dụng điệp từ "dốc" để gợi lên hình ảnh những đỉnh dốc liên tiếp nhau, từ đỉnh dốc này đến đỉnh dốc khác, không biết bao giờ mới hết. "Khúc khuỷu", "thăm thẳm" là hai cụm từ láy được sử dụng nhằm nhấn mạnh sự gian truân, quanh co, gập ghềnh và đầy hiểm trở của đường đi, cộng thêm sự chênh vênh của núi rừng, một bên là vách núi và bên kia là vực sâu, con đường thì trông hun hút. Cả câu thơ mở ra một không gian hành quân vừa cao vừa sâu rộng và người lính phải cố gắng hết sức để vượt qua những đoạn đường nguy hiểm ấy. Điệp ngữ "Ngàn thước" kết hợp với nghệ thuật tương phản "lên cao - xuống" cũng thể hiện sự cao chót vót của đỉnh dốc và sự sâu thẳm của đáy dốc.

Lời thơ đã làm nổi bật được tính chất hùng vĩ, sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc cũng như sự nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn trong quá trình hành quân của người lính lúc bấy giờ. Dẫu cho thiên nhiên có hùng vĩ, trùng điệp, khúc khuỷu đến mức nào, nhưng trước bước chân của binh đoàn Tây Tiến, nó trở nên vô nghĩa. Người lính hiện lên với tầm vóc của một đối thủ xứng tầm không thua kém với thiên nhiên. Từ láy "heo hút" tạo nên cảm giác hoang vắng và lạnh lẽo của núi rừng, nơi có vẻ như chưa từng bước chân người đi qua. Bởi vì người lính hành quân trên những ngọn núi cao chót vót, "cồn mây" mới như đang xoay quanh, như đùa giỡn dưới chân, gợi lên cảm giác như người chiến binh đang bước đi trên mây thay vì trên núi hay rừng.

Trong 8 câu thơ đầu, Quang Dũng xoay quanh nỗi nhớ khôn nguôi về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, về vẻ đẹp vượt lên trên khó khăn và gian khổ của người lính, về sự hy sinh cao quý và tâm hồn lãng mạn của người lính trẻ giữa những khó khăn chồng chất. Với ngòi bút tài hoa và lãng mạn, Quang Dũng truyền đạt một cách chân thực nhất những nỗi nhớ sâu sắc trong tâm hồn người lính chiến về thời kháng chiến đã trải qua. Với phong cách phóng khoáng, hình ảnh thơ phong phú và nhịp điệu biến đổi, tất cả tạo nên một âm hưởng độc đáo và một phong cách riêng của người lính Tây Tiến.

Phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến bài số 2

Bài thơ "Tây Tiến" là một trong những bài thơ hay và tiêu biểu của nhà thơ Quang Dũng. Ông là một người lính trẻ đầy hào hoa và lãng mạn, dấn thân đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Mặc dù sống và chiến đấu trong những nơi núi rừng gian khổ, tâm hồn thi sĩ trong ông vẫn trào dâng mạnh mẽ. Tám câu thơ đầu tiên là những lời tâm sự bồi hồi, xúc động của nhà thơ khi nhớ về kỷ niệm Tây Tiến dâng trào trong kí ức.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”

Câu thơ đầu như một tiếng gọi chân thành, tha thiết vang lên từ trái tim và tâm hồn của Quang Dũng. Bằng cách sử dụng câu cảm thán ở đầu bài, Quang Dũng đã gọi tên nỗi nhớ chủ đạo của bài thơ, đó là nỗi nhớ cồn cào, da diết về núi rừng Tây Bắc. Thông qua nghệ thuật nhân hóa, câu thơ trở nên đẹp đến kỳ diệu. "Sông Mã" không chỉ đơn thuần là một con sông mà nó đã trở thành một hình ảnh sống động, một nhân chứng lịch sử trong cuộc đời người lính Tây Tiến, đồng hành qua bao niềm vui và nỗi buồn, sự thành công và mất mát. "Tây Tiến" không chỉ đơn giản là tên một đơn vị quân đội, mà nó đã trở thành một người bạn tri âm tri kỷ, mà nhà thơ dùng để chia sẻ lòng tâm sự của mình.

“Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Điệp từ "nhớ" ở câu thơ thứ hai được lặp lại hai lần nhằm nhấn mạnh nỗi nhớ quay quắt, cồn cào trong tâm trí của tác giả lúc bấy giờ. Tính từ "chơi vơi" kết hợp với từ "nhớ" đã khắc sâu cảm xúc nhớ nhung da diết trong trái tim Quang Dũng, nỗi nhớ đó trào dâng như một cơn thác lũ dồn dập tràn vào đẩy tâm trí ông vào trạng thái mơ màng, hư ảo. Hai câu đầu với cách sử dụng từ ngữ tinh tế, có chọn lọc gợi hình gợi cảm mở ra cánh cửa cho nỗi nhớ tràn đầy mãnh liệt trong tâm hồn của nhà thơ.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

Quang Dũng đã đưa ra một danh sách các địa danh như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông... đều từng là địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến, nơi họ đã đi qua và dừng chân trên chặng đường hành quân gian khổ và mệt mỏi. Nói về Tây Bắc, chúng ta nghĩ ngay đến một vùng đất có địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt. Có những đêm dài, người lính Tây Tiến phải hành quân trong sương mù dày đặc, không thể nhìn rõ mặt nhau. "Đoàn quân mỏi" nhưng tinh thần không bao giờ "mỏi". Ý chí quyết tâm vì tổ quốc đã làm cho những trí thức ở Hà Nội yêu nước trở nên kiên cường hơn và không chịu khuất phục dễ dàng. Quang Dũng đã rất khéo léo khi sử dụng hình ảnh "sương" để mô tả sự khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc trong những đêm dài lạnh lẽo. Cũng nhắc đến "sương", Chế Lan Viên đã viết trong bài thơ "Tiếng hát con tàu":

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”

Có lẽ thiên nhiên đã trở thành một phần không thể thiếu trong kí ức sâu sắc của người lính Tây Bắc. Mặc dù thiên nhiên tuy đẹp nhưng cũng đầy hiểm trở. Có những lúc, người lính Tây Tiến phải vất vả leo lên đỉnh núi, chạm tới tận mây trời. Quang Dũng khéo léo sử dụng từ "thăm thẳm" thay vì "chót vót", vì "thăm thẳm" khó có ai có thể tưởng tượng được sự sâu sắc của nó. Bằng những từ như "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút", nhà thơ đã gợi lên trong người đọc hình ảnh hoang sơ, dữ dội của núi rừng Tây Bắc. Qua nghệ thuật nhân hoá và ẩn dụ hình ảnh "súng ngửi trời", sự tinh nghịch, trẻ trung của nhà thơ đã cho chúng ta thấy không chỉ sự hiểm trở của thiên nhiên mà còn cho thấy hình ảnh oai phong và lẫm liệt của người lính giữa cảnh hoang vu của núi rừng. Câu thơ sử dụng nhiều thanh trắc tạo nên vẻ gân guốc, nhọc nhằn nhấn mạnh cảnh quan hiểm trở, đầy cheo leo của thiên nhiên Tây Bắc.

“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

Điệp từ “ngàn thước” đã mở ra một không gian nhìn từ trên xuống cũng như từ dưới lên thật hùng vĩ, giăng mắc. Bên cạnh cái hiểm trở, hoang sơ ta cũng thấy được vẻ đẹp trữ tình nơi núi rừng:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Cơn mưa rừng bất ngờ đổ xuống để lại sự lạnh giá trong lòng người lính Tây Tiến. Nhưng dưới nét bút của Quang Dũng, những cơn mưa rừng ấy trở nên lãng mạn và trữ tình hơn. Nhà thơ đã khéo léo và sáng tạo khi mô tả mưa rừng bằng cụm từ "mưa xa khơi". Nó gợi lên một cái gì đó kì bí và hoang sơ giữa những chốn núi rừng. Câu thơ thứ tám với nhiều thanh bằng đã làm dịu đi vẻ dữ dội và hiểm trở của núi rừng, mở ra một bức tranh thiên nhiên lãng mạn nơi núi rừng. Tám câu thơ đầu của bài thơ Tây Tiến gợi lên nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc, về đồng đội Tây Tiến. Tuy nhiên, thông qua những chi tiết mô tả về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, nó trở thành những kí ức xa xôi trong tâm trí của nhà thơ. Đó là nỗi nhớ mãnh liệt của người lính Tây Tiến nói riêng và của những người lính nói chung.

Thông qua ngòi bút lãng mạn và trữ tình của Quang Dũng, "Tây Tiến" đã trở thành một kiệt tác vượt thời gian. Xuyên suốt bài thơ là cảm hứng về nỗi nhớ. Bằng ngòi bút tài tình, Quang Dũng đã diễn tả nỗi nhớ đó một cách giàu chất nhạc, họa và đậm chất thơ. Bài thơ là một bản nhạc của tâm hồn và cuộc sống. Vì vậy, Xuân Diệu đã rất chính xác khi nói rằng đọc bài thơ "Tây Tiến" giống như ngậm một âm nhạc trong miệng. Bài thơ tuyệt vời bởi nó được sáng tác bởi một ngòi bút hào hoa, lãng mạn của một người lính Tây Tiến, tạo nên một cái gì đó đặc biệt rất riêng và đẹp. Với tinh thần của người lính, Quang Dũng đã tạo ra những câu thơ tuyệt vời như thế.

Bài thơ "Tây Tiến" là một tác phẩm xuất sắc được sáng tác bởi tâm hồn tài hoa và lãng mạn của một người lính trí thức tiểu tư sản Quang Dũng. Bài thơ đã trở thành một bức tượng đài vĩnh cửu khắc sâu vào nền văn học Việt Nam hình ảnh những người lính trí thức yêu nước vô danh. Bài thơ xứng đáng được coi là một kiệt tác của Quang Dũng khi miêu tả những người lính trí thức tiểu tư sản hào hoa và phong nhã.

» Tham khảo thêm:

Phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến của Quang Dũng

Phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến bài số 3

Quang Dũng là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông đặc biệt thành công khi viết về đề tài người lính trí thức tiểu tư sản hào hoa, phong nhã. Một trong những bài thơ nổi tiếng viết về người lính là bài thơ Tây Tiến. Cảm hứng chủ đạo trong suốt bài thơ là cảm hứng về nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ khó phai của đời người lính Tây Tiến được khắc hoạ thành công ở tám câu đầu của bài thơ:

" Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

... mưa xa khơi"

Tây Tiến là một trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Quang Dũng. Nhắc đến nhà thơ, không ai không thể không nhớ đến Tây Tiến. Bởi lẽ nó đã gắn bó một thời sâu sắc với nhà thơ. Tây Tiến là một đơn vị bộ đội thời kháng chiến chống Pháp được thành lập năm 1947 làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng Thượng Lào, trấn giữ một vùng rộng lớn ở Tây Bắc nước ta và biên giới Việt Lào. Quang Dũng từng là đại đội trưởng của binh đoàn Tây Tiến nhưng đến đầu năm 1948 vì yêu cầu nhiệm vụ ông chuyển sang đơn vị khác. Bài thơ được sáng tác cuối năm 1948 khi nhà thơ đóng quân ở Phù Lưu Chanh - một làng ven bờ sông Đáy, nhớ về đơn vị cũ ông đã viết nên bài thơ. Lúc đầu, ông đặt bài thơ là Nhớ Tây Tiến nhưng về sau đổi lại thành Tây Tiến vì nhà thơ cho rằng chỉ với hai từ Tây Tiến cũng đủ đã gợi lên nỗi nhớ là cảm hứng chủ đạo chứ không cần đến từ "nhớ".

Là một người lính trẻ hào hoa, lãng mạn ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc, sống và chiến đấu nơi núi rừng gian khổ nhưng chất thi sĩ vẫn trào dâng mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Một thời gắn bó sâu đậm với Tây Tiến, với đồng đội, với núi rừng đã làm cho ông ko khỏi bồi hồi, xúc động khi nỗi nhớ về Tây Tiến dâng trào trong kí ức của nhà thơ.

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi"

Câu thơ như tiếng gọi chân thành, tha thiết xuất phát từ trái tim và tâm hồn người thi sĩ. Bằng cách sử dụng câu cảm thán mở đầu bài thơ, Quang Dũng đã gọi tên cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ cồn cào, da diết về núi rừng Tây Bắc. Bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hoá, câu thơ trở nên đẹp diệu kỳ. "Sông Mã" không đơn thuần là một con sông mà nó đã trở thành một hình ảnh hiện hữu, một chứng nhân lịch sử trong suốt cuộc đời người lính Tây Tiến với bao nỗi vui - buồn, được - mất. "Tây Tiến" không chỉ để gọi tên một đơn vị bộ đội mà nó đã trở thành một người bạn "tri âm tri kỉ" để nhà thơ giãi bày tâm sự.

"Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

Câu thơ thứ hai với điệp từ "nhớ" được lặp lại 2 lần đã diễn tả nỗi nhớ quay quắt, cồn cào đang ùa vào tâm trí Quang Dũng. Tính từ "chơi vơi" kết hợp với từ "nhớ" đã khắc sâu được tình cảm nhớ nhung da diết của nhà thơ và nỗi nhớ đó như một cơn thác lũ tràn vào tâm trí nhà thơ, đẩy ông vào trạng thái bồng bềnh, hư ảo. Hai câu đầu với cách dùng từ chọn lọc, gợi hình gợi cảm đã mở cửa cho nỗi nhớ trào dâng mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời"

Quang Dũng đã liệt kê hàng loạt các địa danh như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông... Đó là địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến, những nơi họ đi qua và dừng chân trên bước đường hành quân gian khổ, mệt nhọc. Nói đến Tây Bắc, là nói đến vùng đất có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Có những đêm dài hành quân người lính Tây Tiến vất vả đi trong đêm dày đặc sương giăng, không nhìn rõ mặt nhau. “Đoàn quân mỏi” nhưng tinh thần không “mỏi”. Bởi ý chí quyết tâm ra đi vì tổ quốc đã làm cho những trí thức Hà thành yêu nước trở nên kiên cường, bất khuất hơn. Quang Dũng đã rất tài tình khi đưa hình ảnh “sương” vào đây để khắc hoạ rõ hơn sự khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc trong những đêm dài lạnh lẽo. Cùng miêu tả về “sương”, Chế Lan Viên cũng đã viết trong “Tiếng hát con tàu”:

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”

Có lẽ thiên nhiên rất gắn bó với người lính Tây Bắc nên nó đã trở thành một kí ức khó phai trong lòng nhà thơ. Thiên nhiên tuy có đẹp nhưng cũng rất hiểm trở. Có những lúc người lính Tây Tiến phải vất vả để trèo lên đỉnh chạm đến mây trời. Quang Dũng đã khéo léo sử dụng từ “thăm thẳm” mà không dùng từ “chót vót” bởi nói “chót vót” người ta còn có thể cảm nhận và thấy được bề sâu của nó nhưng “thăm thẳm” thì khó có ai có thể hình dung được nó sâu thế nào. Bằng những từ láy gợi hình ảnh rất cao như “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”, nhà thơ đã làm cho người đọc cảm nhận được cái hoang sơ, dữ dội của núi rừng Tây Bắc. Nhà thơ cũng rất trẻ trung, tinh nghịch khi đưa hình ảnh nhân hoá, ẩn dụ “súng ngửi trời” để cho ta thấy bên cạnh thiên nhiên hiểm trở còn hiện lên hình ảnh người lính với tư thế oai phong lẫm liệt nơi núi rừng hoang vu. Câu thơ sử dụng nhiều thanh trắc đã tạo nên vẻ gân guốc, nhọc nhằn đã nhấn mạnh được cảnh quan thiên nhiên Tây Bắc thật cheo leo, hiểm trở “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Điệp từ “ngàn thước” đã mở ra một không gian nhìn từ trên xuống cũng như từ dưới lên thật hùng vĩ, giăng mắc. Bên cạnh cái hiểm trở, hoang sơ ta cũng thấy được vẻ đẹp trữ tình nơi núi rừng:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Có những cơn mưa rừng chợt đến đã để lại bao giá rét cho người lính Tây Tiến. Nhưng dưới ngòi bút của Quang Dũng, nó trở nên lãng mạn, trữ tình hơn. Nhà thơ đã thông minh, sáng tạo khi nói đến mưa rừng bằng cụm từ “mưa xa khơi”. Nó gợi lên một cái gì đó rất kì bí, hoang sơ giữa chốn núi rừng. Câu thơ thứ 8 nhiều thanh bằng như làm dịu đi vẻ dữ dội, hiểm trở của núi rừng và mở ra một bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng đầy lãng mạn. Tám câu thơ đầu của bài thơ Tây Tiến là nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc, về đồng đội Tây Tiến nhưng qua những chi tiết đặc tả về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, nó đã trở thành một kí ức xa xôi trong tâm trí nhà thơ. Đó là một nỗi nhớ mãnh liệt của người lính Tây Tiến nói riêng và của những người lính nói chung.

Bài thơ “Tây Tiến” dưới ngòi bút của lãng mạn, trữ tình của Quang Dũng đã trở thành một kiệt tác của mọi thời đại. Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bài thơ đó là cảm hứng về nỗi nhớ. Quang Dũng đã miêu tả nỗi nhớ đó bằng ngòi bút tài tình giàu chất nhạc, chất hoạ và đậm chất thơ. Bài thơ là một khúc nhạc của tâm hồn, của cuộc sống. Bởi thế, Xuân Diệu thật chính xác khi cho rằng đọc bài thơ “Tây Tiến” như đang ngậm âm nhạc trong miệng. Bài thơ hay bởi lẽ nó được viết nên từ ngòi bút hào hoa, lãng mạn của một người lính Tây Tiến nên nó có một cái rất riêng và đẹp. Mang chất lính nên Quang Dũng mới có thể viết nên những vần thơ hay như thế “Tây Tiến” là một bài thơ hay được viết nên bởi tâm hồn tài hoa, lãng mạn của người lính trí thức tiểu tư sản Quang Dũng. Bài thơ như một bức tượng đài bất tử đã tạc vào nền văn học Việt Nam hình ảnh những người lính trí thức yêu nước vô danh. Bài thơ xứng đáng được xem là kiệt tác của Quang Dũng khi viết về người lính trí thức tiểu tư sản hào hoa, phong nhã.

-/-

    Qua tham khảo một số bài mẫu phân tích 8 câu thơ đầu bài Tây Tiến của Quang Dũng trên đây, hi vọng các em đã có những ý tưởng hay cho nội dung bài phân tích của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp để tự rèn luyện kỹ năng làm văn phân tích. Chúc các em học tốt!

    Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
    Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
    Hủy

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM