Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không

Xuất bản: 19/07/2019 - Tác giả:

Tuyển chọn văn mẫu 8 giải thích ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ tới các em học sinh: Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu

Giải thích ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ dành cho các em học sinh là một trong đề văn khá hay thuộc chương trình văn 8, dưới đây Đọc tài liệu xin gửi tới các em một số bài văn mẫu hay về đề tài này em nhé!

Đề bài:

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên sau Cách mạng Tám năm 1945, Bác Hồ đã viết:

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu."

Em hiểu lời dạy đó như thế nào?

Văn mẫu giải thích câu nói Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không

Bài số 1

Lời dạy của Bác trong thư gửi học sinh là niềm tin của đất nước

Là người nhìn xa trông rộng, là người có mong muốn to lớn vào vận mệnh và lương lai của đất nước, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã chăm lo giáo dục và đặt niềm tin to lớn vào thế hệ trẻ, những người của tương lai. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác đã viết:

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

Đất nước chúng ta đã trải qua gần một thế kỉ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Việc giành chủ quyền, độc lập đã đưa dân tộc ta lên một địa vị mới đầy vẻ vang-địa vị làm chủ đất nước mình trong độc lập, tự do. Tuy thế, một đất nước vẻ vang là phải giữ vững quyền độc lập tự do ấy. Mặt khác, đất nước vẻ vang còn phải hùng mạnh, giàu có, phải có nền quốc phòng hùng hậu đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để giữ vững chủ quyền, để xây dựng một nền kinh tế phát triển dân giàu nước mạnh. Đất nước như thế sẽ được các dân tộc khác yêu mến, kính trọng. Đất nước như thế là đất nước vẻ vang. “Dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không?”, đấy là một vấn đề khác mà Bác đề ra. Một cường quốc phải là một nước giàu mạnh, hùng cường, đạt trình độ cao về mọi mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng, có trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến, một nền quốc phòng hùng hậu có thể sánh vai được với những cường quốc trên thế giới, có thể góp phần mình vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Hai vấn đề to lớn trên là mong muốn của Bác Hồ, của toàn dân tộc ta. Mong muốn đó là hoàn toàn cần thiết và chính đáng, là mục tiêu to lớn và khát vọng của dân tộc chúng ta từ bao đời vươn tới tương lai.Nguyện vọng chính đáng đó chỉ có thể thực hiện được phụ thuộc vào phần lớn công lao học tập của thế hệ trẻ.

Chúng ta biết rằng, dân tộc ta đã trải qua tám mươi năm nô lệ. Chúng ta xác định đất nước, giữ gìn độc lập với một gia tài nghèo nàn từ tay chế độ phong kiến lạc hậu hàng ngàn năm và chế độ thực dân khai thác thuộc địa. Muốn làm cho dân tộc ta vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu, có những bước tiến nhảy vọt cách xa chúng ta hàng thế kỉ, không có con đường nào khác là phải học tập để tiếp thu những tiến bộ và kinh nghiệm mà các quốc gia tiên tiến đã làm. Muốn thế, không chỉ dũng cảm và cần cù là đủ mà phải có trình độ học vấn cao để tiếp thu khoa học và những bí quyết thành công. Còn ai hơn tuổi trẻ đảm đương sứ mệnh đó. Thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay, ngày mai sẽ là đội ngũ hùng hậu, tài năng xây dựng đất nước. Những kiến thức mà tuổi trẻ học tập được hôm nay sẽ áp dụng vào trong việc làm của nhiều năm sau. Đặt lòng tin và giao trách nhiệm đó cho tuổi trẻ chính là lòng yêu mến, trân trọng và một nhận thức đúng đắn, sáng suốt của một vị lãnh tụ đất nước.

Nửa thế kỉ đã qua, lời nói cua Bác đã và đang trở thành hiện thực. Tuổi trẻ Việt Nam chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã học tập tốt và làm chủ được các phương tiện vũ khí chiến đấu hiện đại như xe tăng, tên lửa, máy bay..., đã góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Trong xây dựng đất nước mấy chục năm qua từ sau ngày thống nhất và trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang thực hiện được mong ước và niềm tin to lớn của Bác Hồ. Tuy nhiên, những năm đầu của thể kỉ XXI, việc phấn đấu để đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, để có thể “vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu”, lại là nhiệm vụ của lớp trẻ chúng ta trong học tập và rèn luyện, làm việc từ trong các nhà trường hôm nay.

Lời dạy của Bác là niềm tin của đất nước, là sứ mệnh lịch sử vẻ vang dân tộc giao phó cho tuổi trẻ chúng ta. Học tập tốt, học tập không ngừng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vươn tới đỉnh cao của khoa học để xây dựng đất nước, sánh vai cùng các cường quốc năm châu là vinh dự, là trách nhiệm to lớn của tuổi trẻ chúng ta.

Tham khảo thêm: Nghị luận về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay

Bài số 2

Lời dạy của Bác đối với học sinh cũng chính là niềm mơ ước của Bác

Tục ngữ Việt Nam có nhiều lời khuyên về học tập như: "Đi một ngày học một sàng khôn", "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Truyền thống hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta thế nhưng thời Pháp thuộc, đa số nhân dân ta sống trong tăm tối, mù chữ do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Do vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong ngày khai trường năm học đầu tiên của chế độ mới, Bác Hồ đã ân cần nhắn gửi học sinh:

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với cắc cường quốc năm châu hay không, chính là một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Lời dạy của Bác quả có nguyên cớ và ý nghĩa sâu xa.

Thực vậy, trước hết, Bác đã cho ta rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa việc học tập của học sinh và tiền đồ của đất nước. Thế nào là một đất nước vẻ vang? Đó là một đất nước độc lập và giàu mạnh về kinh tế, quân sự, văn hóa. Ta thường nghe dân giàu nước mạnh. Dân giàu có ắt phải ấm no, đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, tiến bộ về văn hóa, xã hội an ninh, lành mạnh. Đó là một đất nước phát triển, một đất nước vẻ vang.

Tiếp theo, niềm mơ ước của Bác được nhấn mạnh gắn liền với hình ảnh sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là một chuẩn mực cụ thể hơn, gần gũi hơn cho chúng ta suy ngẫm. Đã có rồi các cường quốc trên năm châu, ta chưa sánh vai cùng họ, ta còn thua kém họ. Ta tự hỏi họ hơn ta những gì? Đó là nền kinh tế giàu mạnh, khoa học kĩ thuật và văn hóa tiên tiến, vừa tiếp nhận tinh hoa nhân loại vừa góp mình vào trong sự phát triển của thế giới, về mặt tình cảm, đó là ước mơ, về mặt lí trí, đó là chỉ tiêu phấn đấu, là cái đích cao đẹp mả nhân dân ta cần nỗ lực vươn tới.

Tại sao Bác không nêu rõ vấn đề như ta vừa giải thích trên đây? Tại sao lại nói: chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu?

Xuất phát từ tầm nhìn xa trông rộng, Bác cho rằng sự nghiệp lớn lao như vậy cần huy động sức lực của toàn dân trong một thời gian dài. Điều đó có ý nghĩa Bác nhấn mạnh: thực hiện việc đổi mới đất nước ấy là lớp thanh thiếu niên, học sinh, những thế hệ làm chủ đất nước tương lai.

Hơn thế nữa, Bác còn nhìn thấy sự chênh lệch giữa đất nước ta và đất nước phát triển khác. Đất nước ta vừa trải qua hàng nghìn năm phong kiến, hàng trăm năm nô lệ thực dân, chiến tranh liên miên, đất nước mới độc lập nên còn nghèo nàn lạc hậu. Trong khi đó, các nước phát triển trên thế giới đã tiến bộ vượt bậc về khoa học kĩ thuật. So với các nước tiên tiến, ta thua kém xa. Muốn theo kịp họ, sánh vai cùng họ, ta phải nỗ lực học tập, học theo cách làm của họ, kinh nghiệm của họ, kho kiên thức khoa học mới mẻ của họ và những cuộc cách mạng từng giờ trên thế giới văn minh.

Muốn quốc phòng vững mạnh và kinh tế phát triển, ta phải nói đến khoa học, kĩ thuật. Thật vậy, đồng ruộng và tài nguyên chưa phải là tất cả. Muốn có năng suất cao, muốn khai thác tài nguyên, phải có kĩ thuật tiến bộ. Có kĩ thuật mới mong có năng suất cao và sản phẩm đẹp. Muốn nắm vững khoa học kĩ thuật không gì khác hơn học tập để có kiến thức vững vàng, có trình độ cao. Không học tập, làm sao có trình độ văn hóa cao?

Tóm lại, Bác đã khẳng định nhiệm vụ học tập cho các thanh thiếu niên, học sinh là rất quan trọng đối với tương lai của đất nước ta. Bác không chỉ quan tâm đến hiện tại mà còn có đôi mắt nhìn xa trông rộng tới tương lai.

Hiểu được lời dạy của Bác, ta thấy hết trách nhiệm của người học sinh trong việc học tập. Vì vậy ta cần xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập. Học để nắm vững kiến thức khoa học kĩ thuật, làm cho dân giàu nước mạnh. Ta phải kiên trì, vượt qua mọi khó khăntrong học tập. Ta phải có phương pháp học tập tốt. Cuối cùng, yêu nước, muốn đất nước sánh vai cùng với cường quốc năm châu, em tự nhù phải vượt khó trong học tập hôm nay.

Bài số 3

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không - Văn mẫu lớp 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ muôn vàn yêu quý của dân tộc Việt Nam. Bác luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Ngay trong những ngày đầu tiên thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn dành thì giờ viết thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường. Trong thư, Bác đã ân cần dặn: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Lời Bác Hồ dạy đã được bao thế hệ học sinh ghi nhớ và cố gắng thực hiện. Bác chỉ rõ cho lớp trẻ hiểu rằng, việc học tập của học sinh hôm nay sẽ quyết định tương lai đất nước ngày mai. Vì thế, học sinh phải học tập tốt để làm vẻ vang cho đất nước.

Trong thời đại hiện nay, sức mạnh của mỗi dân tộc không phải chỉ ở lòng dũng cảm và số lượng quân đội đông đảo để bảo vệ Tổ quốc như trước đây mà sức mạnh của mỗi dân tộc còn là sức mạnh của trí tuệ, của khoa học kĩ thuật, của kinh tế phồn vinh. Các cường quốc trên thế giới đều là những nước kinh tế phát triển cao. Đối với nước ta, điều đó chỉ thực hiện được khi chủ nhân đất nước là những người có trình độ văn hóa khoa học kĩ thuật cao, có khả năng hòa nhập với nền văn minh thế giới. Muốn vậy, không có cách nào khác là chúng ta phải ra sức học tập thật tốt, học liên tục không ngừng. Học, học nữa, học mãi. Những năm tháng dùi mài kinh sử trên ghế nhà trường chính là thời gian để mỗi người tiếp thu kiến thức mà nhân loại đã tích lũy được qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhờ học tập tích cực trong nhà trường, khi lớn lên, học sinh sẽ trở thành những công dân có kiến thức, có trình độ cao để xây dựng đất nước tiến kịp thời đại. Nhà nước ta chăm lo tạo điều kiện cho tất cả trẻ em đến tuổi đều được đi học, chính là vì tương lai lâu dài của đất nước.

Thực tế cho thấy những thành tích học tập xuất sắc của một số bạn học sinh đã làm vẻ vang cho tên tuổi nước nhà. Từ những năm bảy mươi đến nay, năm nào nước ta cũng có các đoàn thí sinh tham dự các kì thi Toán, Vật lí, Tin học… quốc tế và đã đoạt giải cao. Trong buổi trao giải, quốc kì Việt Nam đã tung bay cùng quốc kì các quốc gia khác trên khắp năm châu. Học sinh Việt Nam đã làm vẻ vang cho đất nước đúng như ý nguyện của Bác Hồ.

Trong giai đoạn mở cửa hiện nay, khi Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp trong nước liên doanh với nước ngoài thì rất nhiều công dân Việt Nam đã trở thành những nhà kinh doanh tài giỏi, có tầm nhìn xa rộng trong công cuộc đổi mới để xây dựng đất nước phồn vinh. Đó cũng chính là kết quả của những ngày tháng học tập miệt mài và thầm lặng. Học những kiến thức trong nhà trường, trong cuộc đời… Nhờ học tập, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi người được không ngừng nâng cao, cuộc sống ngày càng ấm no, sung sướng, dân giàu sẽ góp phần làm cho nước mạnh.

Bác Hồ căn dặn học sinh học tập tốt ngay từ ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi nước ta vừa thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, thực trạng đất nước vô cùng đói nghèo và lạc hậu. Hơn 90% dân số mù chữ, nạn đói vừa cướp đi 1/10 dân số, nhưng Bác vẫn hi vọng, tin tưởng và thấy rõ lực lượng quyết định sự nghiệp xây dựng đất nước chính là thế hệ trẻ. Với những lời lẽ thiết tha xúc động, Bác Hồ đã làm cho các thế hệ học sinh nhận thức rõ hơn về trách nhiệm học tập của mình đối với đất nước.

Tuy Bác đã đi xa nhưng học sinh Việt Nam mỗi năm đến ngày khai trường thường ôn lại lời căn dặn quý báu của Bác để nhắc nhở nhau học tập tốt hơn, đáp lại lòng mong mỏi của Người là làm cho non sông Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, làm rạng rỡ, vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Bài số 4

Ý nghĩa lời dạy của Bác: Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không...

Nhân dân ta vốn có truyền thống hiếu học, học để làm người, học để giúp đời, giúp nước. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà độc lập, việc học tập càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì thế ngay trong năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Bác Hồ gửi thư cho học sinh đã có những lời căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.”

Lời dạy ấy có ý nghĩa gì?

Trong lời dạy trên đây, Bác Hồ đã nêu bật mối quan hệ và tác dụng to lớn của việc học tập đối với tiền đồ đất nước.

Thế nào là một đất nước vẻ vang? Nói chung, một đất nước muốn được vẻ vang thì trước hết phải là một đất nước độc lập, giàu mạnh. Đất nước nô lệ thì không thể vẻ vang. Nhưng muốn giữ vững nền độc lập thì phải có nền quốc phòng vững mạnh. Muốn có quốc phòng vững mạnh thì phải có nền kinh tế vững mạnh, phát triển.

Ta thường nói nước mạnh dân giàu. Đó là điều song song tồn tại của một đất nước phát triển. Dân có giàu nước mới mạnh. Nói dân giàu tức là nói nhân dân được ấm no đầy đủ về đời sống vật chất, được hưởng các quyền tự do dân chủ về mặt tinh thần, được học hành để mở mang trí tuệ, có một đời sống Văn hóa tiến bộ, một nếp sống xã hội văn minh lành mạnh.

Một đất nước như thế sẽ được các dân tộc khác trên thế giới mến yêu, kính trọng, một đất nước như thế sẽ gọi là đất nước vẻ vang.

Bác Hồ lại nói: "Dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu” nghĩa là thế nào? Nói như vậy, Bác Hồ có ý nhấn mạnh đến sự phấn đấu để đưa nước nhà lên ngang tầm những đất nước giàu mạnh và tiên tiến trên thế giới. Muốn thế, ngoài việc phải có một nền kinh tế vào loại giàu mạnh, Việt Nam còn phải có một nền khoa học kĩ thuật tiên tiến, một nền văn hóa tiên tiến, không những có thể tiếp nhận được tinh hoa của nhân loại mà còn góp phần mình vào sự phát triển chung của nhân loại.

Đó là cái đích phải đạt tới mà Bác Hồ đặt ra cho nhân dân ngay sau ngày đất nước vừa thoát vòng nô lệ. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu cuối cùng mà dân tộc ta hằng ấp ủ qua mấy chục năm không ngừng lao động và chiến đấu cho đến ngày nay.

Vì sao tất cả những điều đó lại:"Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”

Đất nước Việt Nam sau ngàn năm chế độ phong kiến là gần trăm năm thuộc địa rồi liên tục chiến tranh. Bước ra khỏi chiến tranh, chúng ta sở hữu một gia tài vừa nghèo nàn vừa lạc hậu. Trong khi đó trên thế giới, khoa học kĩ thuật có những bước tiến khổng lồ, mọi mặt đời sống cũng phát triển nhảy vọt. So với những nước tiên tiến, ta đi chậm hơn đến hàng trăm năm. Muốn đuổi kịp họ, ta không còn cách nào khác ngoài con đường học tập, học cách làm mà người ta đã làm, học thật nhanh để rút ngắn khoảng cách giữa ta với họ.

Muốn có quốc phòng vững mạnh, thì chỉ con người chưa đủ, phải có khoa học kĩ thuật, có phương tiện kĩ thuật và con người nắm vững kĩ thuật. Nói đến kinh tế, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp là nói đến kĩ thuật, vì đồng ruộng mênh mông, tài nguyên vô tận, không thể tự nhiên tạo ra nhiều sản phẩm. Đời sống văn hóa cũng chỉ có thể phát triển trên cơ sở một nền kinh tế không ngừng phát triển.

Để có kĩ thuật thì phải có khoa học. Muốn nắm vững được khoa học và kĩ thuật tiên tiến thì phải có kiến thức cơ bản, phải có văn hóa. Không ai có thể làm thay điều ấy cho ta. Nếu không học, không có kiến thức, làm sao mà củng cố được quốc phòng, phát triển được kinh tế, nâng cao được văn hóa?

Khi Bác Hồ nói: "Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” là Bác còn nhấn mạnh đến vai trò của thế hệ thanh thiếu niên cách mạng mới thành công, cuộc chiến đấu để giữ nước gian khổ, nhưng mười, mười lăm năm sau, thế hệ học sinh hôm nay sẽ là người chủ của đất nước, là lực lượng chủ yếu để dựng nước, phát triển kinh tế và mở mang văn hóa. Vì thế, nhiệm vụ của người đang ngồi trên ghế nhà trường càng trở nên quan trọng. Bác vĩ đại vì Bác không chỉ lo cho cuộc chiến đấu trước mắt mà còn nghĩ đến tương lai lâu dài của đất nước.

Mỗi chúng ta cần hiểu sâu sắc lời dạy của Bác để ra sức rèn luyện, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế mái trường. Từ lời dạy chân tình và thiết tha của Bác, chúng ta phải thấy hết trách nhiệm của người học sinh trong việc học tập. Để học tập tốt, trước hết chúng ta phải xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập: học tập để nắm vững kiến thức văn hóa, khoa học nhằm làm cho đất nước và dân tộc giàu mạnh, hùng cường. Muốn vậy phải phấn đấu kiên trì, vượt qua mọi trở ngại, khắc phục mọi khó khăn để học tập đạt kết quả cao nhất. Phải có phương pháp học tập tốt, kết hợp chặt chẽ học với hành.

Phải học cho toàn diện, không phải chỉ biết có học chữ mà phải biết học làm người, phấn đấu trở thành con người mới của xã hội mới.

Cuộc chiến đấu giữ nước của nhân dân ta phải qua ba mươi năm mới dành được thắng lợi hoàn toàn. Trước mắt chúng ta là con đường muôn vàn khó khăn, để đi tới một tương lai tươi sáng cho Tổ quốc trở nên vẻ vang, cho dân tộc Việt Nam được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu như lòng Bác Hồ hằng ao ước, chúng ta phải gắng sức học tập, học tập không ngừng.

Văn mẫu tham khảo thêm:

Trên đây là văn mẫu 8 Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không dành cho các em học sinh tham khảo, mong rằng với một số bài văn nêu trên các em đã hiểu thể nào về ý nghĩa và thông điệp mà Bác muốn nhắn nhủ tới tất cả các em học sinh - mầm non mới của Tổ quốc.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM