Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu

Xuất bản: 24/09/2019 - Tác giả:

Những bài văn hay nghị luận về ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu, quan niệm về tình yêu trong giới trẻ hiện nay.

Tài liệu hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận về ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu, lập dàn ý và tham khảo một số bài văn mẫu.

Đề bài: Thi hào Đức Rên-nơ Ma-ri-a Rin-kê đã viết cho một người bạn của mình như sau: Tình yêu của một người đối với một người khác, đó có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong chúng ta

.

Từ lời khẳng định trên, anh (chị) hãy phát biểu những suy nghĩ của mình về ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu.

Dàn ý chi tiết:

I. Mở bài

- Tình yêu có vai trò to lớn trong cuộc sống của con người.

- Thi hào Đức Rên-nơ Ma-ri-a Rin-kê đã viết: Tình yêu của một người đối với một người khác, đó có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong chúng ta.

II. Thân bài: Giải thích ý nghĩa câu nói

- Tình yêu: là tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật. Tình yêu là tình cảm yêu đương giữa nam và nữ.

- Tình yêu là sự say mê, là nhiệt tình cháy bỏng:

+ Tình yêu là một thứ tình cảm đặc biệt khác thường, nếu không có sự rung động mãnh liệt của trái tim thì sẽ không có tình yêu.

+ Tình yêu không chấp nhận sự lạnh nhạt, hững hờ. Nó phải được nuôi dưỡng bằng ngọn lửa nhiệt tình, bằng cảm xúc say mê và sự thuỷ chung.

- Tình yêu chân chính gắn liền với cảm xúc thanh cao, trong sáng, với ý thức trách nhiệm đối với người mình yêu. Nói cách khác: Tình yêu gắn với lòng vị tha và đức hi sinh.

+ Phải tỉnh táo để phân biệt tình yêu chân chính và không chân chính.

+ Thái độ toan tính, ích kỉ sẽ giết chết tình yêu.

+ Khi yêu, người ta tìm mọi cách làm cho người mình yêu được hạnh phúc (trân trọng, nâng niu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển những giá trị tốt đẹp của người mình yêu).

+ Sự quan tâm, chăm sóc đến nhau một cách chân thành, chu đáo sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc lâu bền cho cả hai người.

III. Kết bài:

- Khẳng định ý kiến của Rin-kê là đúng, có ý nghĩa sâu sắc không chỉ trong phạm vi tình yêu lứa đôi mà còn trong đời sống tinh thần cộng đồng với đối tượng phong phú hơn là con người và cuộc sống.

- Ý kiến trên gần gũi với quan điểm đạo lí của người Á Đông nên dễ được tiếp thu và chấp nhận.

Tham khảo thêm: Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống

Bài văn mẫu hay nghị luận về ý nghĩa của tình yêu
và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu

Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu - Bài số 1:

Có ai sống ở trên đời mà chưa một lần được nếm hương vị ngọt ngào của tình yêu, dẫu biết yêu là chết ở trong lòng một ít (Xuân Diệu)? Tình yêu - chỉ hai chữ đơn giản mà đã làm hao tốn bao giấy mực của văn nhân, thi sĩ, triết gia... từ xưa đến nay bởi nó đã trở thành đề tài muôn thuở của con người. Vai trò của tình yêu lớn lao như vậy nhưng bản chất của nó là gì ? Bàn về vấn đề này, nhà thơ Đức Rên-nơ Ma-ri-a Rin-kê cho rằng: Tình yêu của một người đối với một người khác, đó có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong chúng ta. Nếu hiểu tình yêu với nghĩa hẹp là tình yêu nam nữ thì trước hết và cơ bản nó là chuyện của trái tim. Tình yêu lứa đôi là tình cảm hoàn toàn tự nhiên của con người. Không nói đến những trường hợp tình yêu nảy sinh đột ngột như sét đánh, còn bình thường, tình yêu được xây dựng dần dần trên cơ sở của sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Bắt đầu bằng những ánh mắt, nụ cười làm quen, từ ngượng ngùng rồi thành thân thiết. Rồi thương vì nết, trọng vì tài, cái tài ăn nói có duyên, cái nụ cười như thể hoa ngâu, cái khăn đội đầu như thể hoa sen... đều có vai trò mở đường vào con tim. Thế là tình yêu đến lúc nào không biết.

Vậy tình yêu là gì ? Theo từ điển Tiếng Việt, tình yêu là tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật (nghĩa rộng). Tình yêu là tình cảm yêu đương giữa nam và nữ (nghĩa hẹp). Cùng với Rin-kê, có rất nhiều nhà văn đã nói về tình yêu. Xtăng-đan nói: Một nửa và là một nửa đẹp nhất của cuộc đời vẫn là khép kín với những ai chưa từng yêu say đắm. Vích-to Huy-gô đã khẳng định: Tình yêu là bông hoa, cuộc đời là mật ngọt... Thế giới không có người biết yêu thì mặt trời sẽ tắt. Lép Tôn-xtôi ca ngợi: Tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành có ý nghĩa, làm cho những bất hạnh thành hạnh phúc. Còn Đô-xtôi-ép-xki tuyên bố: Tình yêu là sức mạnh toàn năng đến mức nó tái sinh chính bản thân ta. Bên cạnh đó là những băn khoăn, nghi ngờ như một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi. Nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu cũng trăn trở, day dứt hoài, không biết giải thích sao cho thoả đáng: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu ? Tự nhiên như hơi thở, cần thiết như cơm ăn áo mặc hằng ngày, thế nhưng tình yêu là gì thì khó ai giải thích nổi. Sức quyến rũ ghê gớm của nó có lẽ là ở chỗ đó chăng ? Chỉ biết: Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi, thấy người mình yêu đẹp hơn, cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Vẻ đẹp hồn nhiên, trong trắng của nàng Giu-li-et đã thôi thúc chàng Rô-mê-ô si tình đến với tình yêu trong tiếng hót của chim dạ loan. Khi đã quyết định yêu Giu-li-et, có nghĩa là Rô-mê-ô chấp nhận mọi khó khăn, thử thách. Bất chấp mọi trở lực ngang trái cách ngăn của hai dòng họ, hai người đến với nhau bằng trái tim nồng nhiệt, đắm say. Nghe Giu-li-et cảnh báo về sự nguy hiểm đến tính mạng của mình, chàng Rô-mê-ô vẫn khăng khăng khẳng định: Tôi vượt được tường này là nhờ đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu; mấy bức tường đá ngăn sao được tình yêu; mà cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm; vậy người nhà em ngăn sao nổi tôi ?! Cả hai người đều quyết tâm đến bằng được với nhau, mặc cho mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ. Cho dù mối tình say đắm của Rô-mê-ô và Giu-li-et kết thúc bằng một bi kịch đau thương nhưng ý nghĩa lớn lao, sâu sắc của nó sống mãi trong lòng nhân loại. Nó khẳng định rằng tình yêu là lửa cháy, tình yêu mạnh hơn cả oán thù!

Trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, trong lần gặp gỡ đầu tiên, dáng dấp phong nhã, hào hoa của Kim Trọng đã khiến Thuý Kiều phải liếc mắt ghé theo dù khách đã lên ngựa. Những bước chân Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình của nàng Kiều tìm sang tình tự với người yêu cho đến nay vẫn còn làm cho bao kẻ giật mình sửng sốt. Trước cơn vạ gió tai bay bất kì của gia đình, Thuý Kiều đã thức suốt đêm với nỗi dằn vặt: Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn và rồi đi đến quyết định trong nước mắt: Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Phải chia tay người yêu đầu và mối tình đầu, Thuý Kiều vô cùng đau đớn nhưng nàng không nghĩ tới nỗi đau của mình mà trước hết nghĩ tới nỗi đau của chàng Kim. Bằng quyết định trao duyên cho em gái là Thuý Vân, Thuý Kiều chân thành muốn phần nào đền đáp nghĩa tình cho Kim Trọng. Ý nghĩ và hành động ấy của nàng đáng trân trọng biết nhường nào! Suốt mười lăm năm lưu lạc góc bể chân trời: Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương nhưng Thuý Kiều luôn nhớ tới Kim Trọng bởi tất cả tình yêu tha thiết thuỷ chung nàng đã dành cho chàng:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Hiểu nhau càng sâu thì độ dày của tình yêu càng tăng, hoa tình yêu càng nở đẹp và đến lúc ấy thì hai người như đã hòa làm một. Yêu và nhớ là hai mặt của tình yêu. Yêu say đắm thì nhớ thiết tha. Người xưa có câu: Nhất nhật bất kiến như tam thu hề (Một ngày không gặp nhau dài tựa ba thu). Ca dao cũng có câu hỏi bâng quơ:

Gió sao gió mát sau lưng,

Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?

Khi yêu nhau, người ta luôn mong muốn được gặp gỡ để tâm sự cùng nhau:

Nơi nào em cũng nghĩ,

Hướng về anh - một phương.

(Xuân Quỳnh)

Những người đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau, dành cho nhau những tình cảm, ý nghĩ tốt đẹp nhất. Họ như mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho nhau. Tình yêu gắn với niềm say mê nồng nàn, mãnh liệt. Trương Chi nổi sóng tình trước nhan sắc kiều diễm của Mị Nương thì Kim Trọng cũng sóng tình lai láng trước vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Thuý Kiều. Còn người bình dân thì: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua. Nét đặc trưng nhất của tình yêu là không chấp nhận sự hững hờ, lạnh nhạt. Tình yêu chân chính không có chỗ cho sự tính toán vị kỉ, nhỏ nhen mà chỉ có sự quên mình, hi sinh cho nhau. Điều đó chính là thử thách đối với mỗi chúng ta. Dường như tình yêu đã thổi bùng lên ngọn lửa thiêu đốt những cái tầm thường để những người đang yêu biết sống vì nhau, có trách nhiệm với nhau hơn. Khi yêu, người ta mang đến cho nhau hạnh phúc. Đó là sự sung sướng, là niềm vui và người ta cảm thấy mình có ích, cuộc đời của mình thật ý nghĩa. Những người đang yêu thường lo lắng cho nhau, đón trước ý nghĩ, ý thích của nhau để làm một cái gì đó đem lại niềm vui cho người mình yêu trong cuộc sống hằng ngày.

Tình yêu trong sáng, nồng nàn khiến cho ngón đàn của Thuý Kiều càng thêm say đắm: Tay tiên gió táp mưa sa, lúc thì rộn rã, náo nức như tiếng sắt tiếng vàng chen nhau, lúc thì thủ thỉ, quyến rũ như tiếng chim yêu đương, mời gọi... Tình yêu khiến cho Kim Trọng sung sướng ngất ngây khi được thưởng thức tài nghệ tuyệt vời của người yêu và cảm thấy mình may mắn tột đỉnh bởi được sánh vai với một giai nhân tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều. Một lứa đôi trai tài gái sắc gắn bó từ độ sâu của tâm hồn như thế, nếu được chung sống với nhau, họ sẽ đem lại cho nhau biết bao hạnh phúc! Tình yêu dang dở ám ảnh Kim Trọng suốt bao năm trời, cho nên tuy sống trong cảnh vinh hoa phú quý cùng Thuý Vân nhưng chàng không lúc nào nguôi nhớ tới Thuý Kiều. Thuý Kiều vẫn mãi mãi là người tình trong mộng của chàng. Nhiều phen Kim Trọng: Rắp tâm treo ấn từ quan, Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua để tìm cho được Thuý Kiều mong đền đáp và bù đắp những thiệt thòi mà nàng phải gánh chịu. Tình yêu đến độ chín sẽ trở thành niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc là như vậy. Ở đời, không ít kẻ ích kỉ trong tình yêu, tình yêu của họ thường gắn với sự tính toán thiệt hơn về quyền lợi vật chất chứ không gắn với cảm xúc tự nhiên, chân thành của trái tim. Sự ích kỉ bộc lộ qua thái độ luôn khẳng định quyền sở hữu đối với người mình yêu, hoặc ghen bóng ghen gió, hiểu lầm đến mức giết chết tình yêu, không nghĩ gì đến nỗi đau khổ của người mình yêu... Cái đó không thể gọi là tình yêu bởi vì nó chỉ làm cho hai tiếng tình yêu thiêng liêng bị tầm thường hoá đi mà thôi. Tình yêu chân chính sẽ nâng người mình yêu lên một giá trị cao hơn, làm cho con người có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, thôi thúc ước mơ để hướng tới một tương lai tốt đẹp. Lê-nin đã nói về tình yêu: Tình yêu là ngọn lửa nồng nhiệt, nhưng đừng để nó thiêu cháy sự nghiệp. Đây cũng là lời nhắc nhở hữu ích dành cho các cô gái, chàng trai đang yêu nhau say đắm.

Tuy vậy, tình yêu không chỉ giới hạn trong phạm vi nam nữ. Con người cần có những tình yêu lớn như tình yêu gia đình, bè bạn, yêu cuộc đời, quê hương, đất nước. Đặt trong tình yêu lớn, ý nghĩa của tình yêu lứa đôi và hạnh phúc gia đình mới thật sự cao đẹp, lớn lao. Cuộc sống của con người cần tình yêu biết bao! Con người không có tình yêu chẳng khác chi trái đất không có ánh mặt trời. Tình yêu say mê của các nhà khoa học là được hi sinh sức lực, thời gian, có khi kéo dài cả một đời để nghiên cứu, phát minh, sáng tạo ra những điều tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho con người. Tình yêu của người chiến sĩ là giữ gìn sự thanh bình cho đất nước. Người chiến sĩ hiểu rất rõ rằng: tính mạng của mình là đáng quý và tình yêu rất đẹp, nhưng để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do của dân tộc, Tổ quốc, họ có thể hi sinh tất cả. Những suy nghĩ đúng đắn đó đều bắt nguồn từ tình yêu lớn, từ lòng vị tha và đức hi sinh rất đáng ca ngợi.

Tình yêu là quy luật muôn đời. Tình yêu đòi hỏi con người phải không ngừng vươn lên vượt qua mọi thử thách trên con đường đến'với tình yêu đích thực. Ý nghĩa câu nói của Rin-kê không chỉ có giá trị trong phạm vi tình yêu đôi lứa mà còn có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của cả cộng đồng. Nội dung của câu nói ấy khá gần gũi với quan điểm đạo lí Á Đông nên dễ hiểu và dễ chấp nhận. Mỗi chúng ta hãy coi bài học về lòng vị tha và đức hi sinh trong tình yêu là bài học lớn trong cuộc đời.

Có thể bạn quan tâmSuy ngẫm về thông điệp Cho yêu thương, nhận hạnh phúc

Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu - Bài số 2:

Tình yêu là vấn đề của muôn đời. Từ xa xưa đến mai sau, có lẽ nhịp đập của trái tim con người vẫn cứ bồi hồi, xao xuyến, khắc khoải, thao thức... như thế trước tiếng gọi của tình yêu. Nhưng quan niệm và cách ứng xử trong tình yêu thì chắc chắn sẽ có những đổi thay theo từng thời đại. Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, có khá nhiều điều cần phải bàn luận, suy ngẫm về tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ với tình yêu.

      So với các thế hệ trước, con người hiện đại đã có được sự bình đẳng, tự do trong tình yêu. Họ không còn phải chịu cảnh "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy"; cũng không bị trói buộc bởi các hủ tục xã hội khắt khe như thời xưa. Hầu hết mọi người được tự do lựa chọn và có thể chủ động trong việc kiếm tìm hạnh phúc. Chúng ta không còn phải chứng kiến nỗi đau khổ của lứa đôi yêu nhau tha thiết mà không được nên vợ nên chồng chỉ vì sự cách biệt về tài sản, đẳng cấp. Người phụ nữ cũng không còn phải nếm trải nỗi khổ vì thân phận lệ thuộc "Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

"; hoặc "Em thương anh cũng muốn kết nghĩa giao hoà - Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời"... Thậm chí, sau khi kết hôn, nếu tình yêu không còn, họ có thể chia tay và đi tìm hạnh phúc mới mà không phải gánh chịu "búa rìu dư luận" nghiệt ngã như thời xưa (Nứa trôi sông không dập thì gãy - Gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia...).

      Nhưng cũng chính môi trường của cuộc sống hiện đại đã làm nảy sinh không ít quan niệm lệch lạc và nhiều hiện tượng chưa đẹp trong tình yêu. Hình như chuyện đến và đi trong tình yêu có chiều hướng ngày càng dễ dãi và không hiếm bạn trẻ thay đổi người yêu như thay áo. Nhiều bạn yêu theo "trào lưu" - lớp mình, trường mình có các đôi cặp kè thì mình cũng thế cho khỏi "tụt hậu". Có người coi việc chinh phục được đối tượng là một chiến tích, càng nhiều "chiến công" càng tự hào về tài "chinh chiến" của mình! Có người biến tình yêu thành phương tiện để thoả mãn nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc. Không ít đôi dễ dàng "sống thử" cuộc sống vợ chồng trước hôn nhân. Kết quả là những tình cảm "giống như tình yêu" ấy thường nhanh chóng tan vỡ, để lại nỗi chán chường, thất vọng và có khi là nỗi hận thù. Đáng buồn nhất là cách ứng xử của một số bạn trẻ khi tình yêu không được đáp lại hoặc dang dở, chia li: nhẹ thì bôi xấu, lăng mạ; nặng thì "cho một trận đòn dằn mặt"; thậm chí có người nhẫn tâm huỷ hoại hình hài người yêu bằng a-xít hoặc cướp đi cả sinh mệnh của họ.

      Tôi hoàn toàn không tin khi có người nói rằng những hành động kia bắt nguồn từ tình yêu, vì "quá yêu" mà hành động mù quáng. Bởi vì, tình yêu thực sự không bao giờ chung sống với thói vị kỉ, sự tàn nhẫn. Trái lại, tình yêu luôn gắn liền với lòng chung thuỷ, vị tha và đức hi sinh. Tình yêu phải khiến con người biết hướng tới những hành động đẹp đẽ, cao thượng. Nó sẽ trở thành nguồn sức mạnh kì diệu giúp mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường đời. Tôi nhớ những câu ca xưa:

"Muối ba năm muối đương còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Có xa nhau đi nữa ba vạn sáu ngàn ngày mới xa".

       Tôi nhớ mãi câu chuyện có thật về một chàng trai miền biển, đến bệnh viện chăm sóc người thân, tình cờ gặp một cô gái mang bệnh hiểm nghèo và đem lòng yêu thương cô. Anh đã vượt qua sự phản đối của gia đình, sự mặc cảm của cô gái để trở thành người bạn đời thuỷ chung, ân cần. Hai người đã nên vợ nên chồng và họ hạnh phúc bất chấp những nhọc nhằn, gian khó của cuộc sống đời thường.

      Như thế, yêu không chỉ là đắm say, nồng nàn, nhớ nhung da diết, mà trước hết phải biết sống có trách nhiệm với mình, với người yêu. Ở trường tôi học, có một đôi thường được các lứa "đàn em" nhắc đến với lòng ngưỡng mộ. Anh và chị đều là học sinh sống trong khu nội trú. Khi anh học lớp 12 thì chị vào lớp 10. Mọi người xung quanh chỉ thấy anh quan tâm, săn sóc chị như một cô em gái mà không có chuyện hò hẹn, cặp kè như nhiều đôi khác. Vào đại học rồi, anh vẫn thường xuyên trở về thăm các em, giúp đỡ mọi người từ chuyện học hành đến việc treo lại một cái giá sách, đóng lại cái mắc áo... Ngày chị có kết quả thi đại học, anh mới trao cho chị cuốn nhật kí của ba năm được viết từ khoảnh khắc trái tim anh bồi hồi, xao xuyến trước gương mặt ngơ ngác của cô bé lớp 10 vừa nhập học; ghi lại bao lần anh phải kìm giữ lòng mình không dám thổ lộ tình yêu để giữ cho cô bé ấy những ngày tháng hồn nhiên, êm đềm của tuổi học trò... Tôi nghĩ, mình nghe kể đã thấy xúc động, cảm phục rồi, thì "người trong cuộc kia" không biết sẽ hạnh phúc đến thế nào khi được trao, được nhận một tình yêu như thế. Họ chính là những con người biết nâng niu, trân trọng tình yêu.

      Khi tình yêu không được đáp lại hoặc tan vỡ vì một lí do nào đó, con người càng phải có trách nhiệm cao hơn để gìn giữ vẻ đẹp của tình cảm thiêng liêng này. Chắc hẳn mỗi chúng ta còn nhớ "cảnh ngộ" của chàng trai trong bài thơ Tôi yêu em

của Pu-skin: tâm hồn bị giằng xé bởi bao cảm xúc trái ngược của mối tình đơn phương, khi lặng lẽ, âm thầm, lúc hậm hực ghen tuông, lúc chân thành đằm thắm... Vậy mà chàng trai ấy đã tự nguyện giã từ vì tôn trọng sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn người con gái mình yêu thương. Anh từ biệt cô với lời chúc phúc "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em". Trong cuộc sống, cũng có bao nhiêu đôi lứa không nên duyên chồng vợ vẫn có thể là bạn hoặc vẫn nhớ về nhau với những kỉ niệm tốt lành. Họ đã vượt lên nỗi đau khổ, thất vọng của riêng mình mà không làm tổn thương người khác, không xúc phạm tình yêu. Bố tôi có một người bạn thân từ nhỏ, bác ấy yêu một cô học cùng trường đại học nhưng cô ấy lại yêu người khác. Suốt mấy năm bác kiên trì "theo đuổi", rồi thất vọng, đau khổ nhưng không có một lời oán trách, giận hờn dù tình cảm chân thành của mình chẳng được đáp lại. Khi mỗi người đã có gia đình riêng, bác vẫn quan tâm đến cuộc sống của cô, lặng lẽ giúp đỡ lúc cô ấy đau ốm, hoạn nạn. Năm 49 tuổi, cô ấy qua đời vì căn bệnh nan y, bác đi công tác xa về, cùng bố tôi đến nghĩa trang, đốt trên mộ cô tờ giấy có những dòng chữ ố vàng từ ba mươi năm trước: "Người mình yêu thương mãi mãi vẫn yêu thương"... Tôi nghĩ, chính những con người như thế đã tôn vinh giá trị của tình yêu giữa cuộc đời.

      Mỗi một thời đại có thể thêm và bớt đi những tiêu chí định giá con người và cuộc sống. Nhưng riêng với tình yêu, có lẽ "chuẩn giá trị" vẫn là một hằng số không đổi. Con đường đến với tình yêu muôn màu muôn vẻ và tình yêu có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc; cũng có thể khiến ta đau khổ, xót xa, tiếc nuối song tình cảm ấy mãi mãi là món quà vô giá của cuộc sống. Tất nhiên, tuỳ thuộc vào cách mỗi người trao và nhận nó. Với tôi, yêu là phải biết sống đẹp hơn...

-/-

Vậy là Đọc Tài Liệu đã vừa hướng dẫn các em lập dàn ý chi tiết và triển khai bài văn nghị luận về ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu. Qua tham khảo những bài văn mẫu trên đây kết hợp với những hiểu biết từ thực tế, các em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh theo văn phong của mình, có thể chọn lọc sử dụng những ý văn hay của bài mẫu một cách hợp lí. Chúc các em làm bài tốt và đạt kết quả cao !

Tuyển tập văn mẫu hay lớp 12 / Đọc Tài Liệu

Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM