Nghị luận xã hội về tai nạn giao thông

Xuất bản: 28/03/2024 - Tác giả:

Tham khảo ngay TOP 7+ bài văn nghị luận xã hội về tai nạn giao thông (có dàn ý chi tiết), bàn về vấn đề an toàn giao thông trong xã hội hiện nay

Giới thiệu những bài văn mẫu hay nghị luận xã hội về tai nạn giao thông bàn về vấn đề tình hình tai nạn giao thông hiện nay do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, những ý văn hay cho bài viết của mình thêm sâu sắc và thuyết phục.

Dàn ý nghị luận về tai nạn giao thông

I. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: tai nạn giao thông.

- Nêu thực trạng: Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề nhức nhối, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

II. Thân bài:

1. Giải thích:

- Tai nạn giao thông (TNGT) là những sự va chạm, va quẹt, đâm va gây thương tích hoặc gây nguy hiểm xảy ra khi một phương tiện va chạm với một phương tiện khác, người đi bộ, động vật, mảnh vỡ đường hoặc vật cản khác, như cây, cột điện hoặc tòa nhà. Tai nạn giao thông thường dẫn đến thương tích, tử vong và thiệt hại tài sản. (Theo Wikipedia)

- Phân loại: TNGT đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không,...

2. Thực trạng tai nạn giao thông hiện nay:

- TNGT xảy ra thường xuyên, tăng nhanh về số vụ và mức độ nghiêm trọng.

- Theo Cục Cảnh sát Giao thông thống kê năm 2017:

+ Tuyến đường tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ cao là các tuyến đường nội thị, sau đó là tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.

+ Giới tính của người bị tai nạn giao thông nam giới vẫn chiếm phần lớn 89,8%.

+ Độ tuổi người bị tai nạn giao thông từ 27 đến 55 và từ 18 đến 27 chiếm tỉ lệ cao

+ Khoảng thời gian từ 12h - 18h và 18h - 24h là thời điểm tai nạn giao thông xảy ra ở mức cao nhất.

- Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam trong những năm gần đầy có nhiều tiến triển tốt, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương có xu hướng giảm do đại dịch Covid 19, người dân hạn chế đi lại, người dân ở các thành phố lớn trở về nông thôn nên giảm mật độ phương tiện giao thông.

3. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông

- Ý thức của người tham gia giao thông:

+ Người tham gia giao thông không chấp hành đúng luật giao thông, lạng lách, đua xe, đi xe không đúng tốc độ, không đúng làn đường quy định.

+ Người điều khiển phương tiện giao thông không nắm được luật giao thông hoặc thiếu kiến thức, chủ quan, coi thường luật giao thông.

+ Say xỉn khi tham gia giao thông.

+ Những người đi bộ, người bán hàng rong đi không đúng đường quy định.

- Lỗi do phương tiện giao thông yếu kém, chất lượng phương tiện cũ nát, không đảm bảo an toàn.

- Hệ thống giao thông: Hạ tầng chưa hoàn thiện, biển báo, đèn tín hiệu thiếu, có những ổ voi, ổ gà, đường quá chật,….

- Công tác quản lý của Nhà nước còn lỏng lẻo.

4. Hậu quả:

- Gây thiệt hại về người và tài sản

- Mất mát về tiền của, vật chất

- Ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

- Ùn tắc giao thông, mất trật tự xã hội.

5. Giải pháp:

- Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông: Tuyên truyền, giáo dục luật giao thông.

- Nâng cấp hệ thống giao thông: Xây dựng đường sá, cầu cống, biển báo,...

- Làm tốt hơn nữa việc kiểm tra chất lượng cũng như khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm: Xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm luật giao thông.

6. Liên hệ bản thân:

- Nêu ý thức của bản thân khi tham gia giao thông.

- Kêu gọi mọi người chung tay đẩy lùi TNGT.

III. Kết bài

- Khẳng định TNGT là vấn đề cấp bách cần giải quyết.

- Lời kêu gọi: Mọi người hãy chung tay xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

TOP 7+ bài nghị luận xã hội về tai nạn giao thông

Nghị luận về tai nạn giao thông mẫu số 1

Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối đang được xã hội quan tâm và trở thành hiểm họa đối với bất kì ai khi tham gia giao thông. Trên thực tế tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào. Mỗi ngày trôi qua có hơn ba mươi người chết và bị thương. Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh, sinh viên chúng ta. Vậy tuổi trẻ học đường phải suy nghĩ và hành động thế nào để góp phần làm giảm tai nạn giao thông cho xã hội.

Trên phạm vi toàn cầu, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho mọi người. Trung bình làm chết trên dưới 1 triệu người và bị thương hàng chục triệu người mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2002, tai nạn giao thông trên thế giới đã làm cho 1,2 triệu người thiệt mạng và 50 triệu người bị thương. Hàng năm, số vụ tai nạn giao thông lại tăng thêm 10% con số này ở các nước nghèo và đang phát triển cao hơn tỉ lệ ở các nước công nghiệp phát triển. Phổ biến nhất hiện nay ở phần lớn các quốc gia là tai nạn giao thông đường bộ gây tử vong hàng đầu cho xã hội. Loại tai nạn này thường xảy ra đối với ô tô và xe gắn máy khi đi trên các tuyến đường bộ hay các tuyến đường chuyên dùng cho người đi bộ. Ngoài ra còn có các loại tai nạn giao thông khác như tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường thủy, tai nạn giao thông đường hàng không…

Vậy tai nạn giao thông được hiểu trên những phương diện như thế nào cho đúng? Tai nạn giao thông đã có từ rất lâu trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa thật chính xác có thể lột tả hết những đặc tính của nó. Trên hình thức nó được biểu hiện bằng những hành vi cụ thể, gây ra những thiệt hại nhất định về tính mạng, sức khỏe cho con người, vật và tài sản. Chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi cuối cùng trong vụ tai nạn giao thông cụ thể phải là đối tượng đang tham gia vào hoạt động giao thông.

Còn xét về lỗi, chỉ có thể là lỗi vô ý hoặc là không có lỗi, không thể là lỗi cố ý. Tai nạn giao thông không chỉ gây đau thương cho mọi gia đình mà còn liên lụy đến bao nhiêu người vô tội khác. Lỗi chung lớn nhất là do ý thức người dân còn kém, coi thường tính mạng của mình và người khác, chưa có ý thức bảo vệ tài sản của cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung. Gần 90% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện gây ra. Có tránh được tai nạn giao thông hay không là do ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông của người lái xe. Các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua đều xuất phát từ hành vi coi thường pháp luật của lái xe và chưa có ý thức chấp hành pháp luật.

Theo thống kê những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào trong dòng lệ vì tới đây sẽ chẳng còn được vòng tay người cha âu yếm vỗ về, bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Họ mang đến sự thương tâm cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, xã hội còn mất đi những bàn tay lao động, những con người đang từng ngày ra sức xây dựng tổ quốc và thật xót xa khi đất nước lại còn bị mất đi những người công dân ưu tú, những nhân tài và cả những mầm non tương lai nữa. Hậu quả của tai nạn giao thông để lại thật khủng khiếp làm sao!

Hàng năm số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề suy giảm, ngược lại nó còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm, Việt Nam có tới gần một nghìn vụ tai nạn giao thông. Tính riêng trong năm 2006 đã có 12.600 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ mà trong đó có hơn 20% là do học sinh, sinh viên gây ra. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp, trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là đi xe máy. Các lỗi vi phạm của học sinh, sinh viên cũng hết sức đa dạng: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ.

Một số học sinh, sinh viên còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, đi xe mô tô, xe đạp một bánh, quẹt chân chống xuống nền đường nhựa, đùa nghịch gây rối trật tự trên phố. Khi tan trường, học sinh “túm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng, đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Sẽ không thể nào kể hết được các lỗi mà các em đã gây ra.

Một vấn đề cũng đang gây sự chú ý và bị lên án rất nhiều đó là tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên - những người chủ tương lai đất nước. Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu” cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh đổi với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe SH, Dylan phi như bay trên những con đường lớn ta không khỏi xót xa cho họ. Chỉ vì quá được nuông chiều, thiếu sự bảo ban của cha mẹ mà họ đã phải trả giá đắt.

Hối hận, đau khổ, tốn bao nhiêu nước mắt cũng không thể cứu vãn được những gì đã mất. Do đó, để ngăn chặn tai nạn giao thông, điều quan trọng là phải nâng cao ý thức của thanh thiếu niên khi tham gia giao thông. Cha mẹ cần quan tâm, giáo dục con về luật giao thông và rèn luyện cho con những kỹ năng lái xe an toàn.

Nghị luận về tai nạn giao thông mẫu số 2

Có rất nhiều người nước ngoài từng nói: “Tham gia giao thông ở Việt Nam như chơi một trò chơi mạo hiểm”. Đây là một lời nhận xét thẳng thắn, giúp cho chúng ta thấy được thực trạng mức độ an toàn giao thông của nước nhà.

An toàn giao thông luôn là một trong những vấn đề đáng lo ngại ở đất nước ta. Hiện nay, số vụ tai nạn giao thông hàng năm luôn cao ở mức báo động. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước ta đã xảy ra 7.488 vụ tai nạn khiến 4.276 người thiệt mạng, 4.957 người bị thương. Trung bình mỗi ngày có tới 31 vụ tai nạn, khiến 18 người tử vong. Tuy cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương đều giảm so với những năm trước nhưng con số đó vẫn là quá lớn.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Đầu tiên, phải kể đến nguyên nhân khách quan là cơ sở hạ tầng, đường sá kém chất lượng. Rất nhiều con đường đã xuống cấp, nhiều ổ gà ổ voi chưa được sửa chữa lại gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thông thường, chỉ có thành phố lớn mới có cầu vượt hoặc hầm đi bộ, khiến cho người dân rất khó khăn trong việc sang đường. Hệ thống biển báo, đèn giao thông xuống cấp, không thực hiện được đầy đủ chức năng của nó. Có những nơi biển báo bị bụi cây um tùm che mất khiến người điều khiển phương tiện giao thông không nhìn thấy.

Tiếp theo là nguyên nhân chủ quan đến từ chính ý thức của người dân khi ra đường. Những người ý thức kém, không chấp hành luật an toàn giao thông, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ đều mang đến nguy hiểm. Thậm chí, có người lái xe sau khi uống rất nhiều bia rượu, không làm chủ được bản thân gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.

Để cải thiện tình trạng tiêu cực này, con người cần có những biện pháp khắc phục cụ thể. Phổ biến nhất là tuyên truyền về an toàn giao thông để người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Nhà nước và các cấp chính quyền có thể xem xét nâng các mức xử phạt lên cao hơn để cảnh cáo, răn đe những người không có ý thức. Tiếp theo, cần tập trung xây dựng, sửa chữa, bổ sung cơ sở hạ tầng: đèn tín hiệu, đường sá, camera,… để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi nhà. Chúng ta hãy cùng nâng cao ý thức khi ra đường. Đó vừa là cách bảo vệ bản thân, những người yêu thương, đồng thời góp phần giúp xã hội phát triển văn minh và tiến bộ hơn.

Nghị luận về tai nạn giao thông mẫu số 3

Mỗi năm trôi qua, đất nước lại phát triển lên một tầm cao mới. Đời sống người dân cũng được cải thiện. Không chỉ ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn mà việc đi lại cũng được cải thiện đáng kể trong vài năm qua. Xe đạp và xe kéo từng là phương tiện di chuyển chính nhưng giờ đây  hiếm khi thấy xe đạp chạy quanh thị trấn. Không có chiếc xe kéo nào trong tầm mắt. Xe máy và ô tô đang chạy thay thế. Tuy nhiên, sự phát triển của phương tiện giao thông đồng nghĩa với việc an toàn giao thông đường bộ bị giảm sút.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tai nạn giao thông. Lý do đầu tiên là nhận thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao. Nhiều người biết luật nhưng không tuân thủ. Điển hình như việc dừng đèn đỏ. Nhiều người thường xuyên vượt qua đèn đỏ vì muốn đi càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, có nhiều người chỉ vì muốn nhanh một phút mà chậm cả đời. Có người chết vĩnh viễn, có người bị tàn tật. Ngoài ra, có một số người không hiểu rõ về luật an toàn giao thông. Người đi xe máy lại đi vào làn đường ô tô, trong khu vực đông dân lại đi với tốc độ cao,…

Một số người lái xe ngay cả sau khi uống rượu. Họ không chỉ coi thường mạng sống của mình mà còn gây nguy hiểm cho sự an toàn của người khác. Có người đi bộ, người bán hàng rong nhưng họ ngang nhiên chen chúc trên đường phố. Họ tràn xuống cả đường phố và chặn các tuyến đường giao thông khác. Ngoài nguyên nhân do con người, còn có nguyên nhân liên quan đến phương tiện giao thông.

Nhiều người sử dụng phương tiện tự chế thô sơ trên đường không đảm bảo an toàn. Một lý do khác không thể bỏ qua là cơ sở hạ tầng kém. Đường được bảo trì hàng năm nhưng một số tuyến đường thực tế đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cung đường xấu là cơn ác mộng của những người tham gia giao thông. Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra trên những tuyến đường này.

Quả thực ai cũng biết rõ hậu quả của việc không chấp hành an toàn giao thông. Đầu tiên, chúng gây ùn tắc giao thông và phá vỡ trật tự xã hội. Đôi khi điều mà chỉ một số ít người để ý lại có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người. Việc không tuân thủ an toàn giao thông có thể gây thiệt hại về kinh tế và vật chất cho con người, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong. Nhớ lại gần đây có vụ tai nạn xảy ra, người phụ nữ lái chiếc Mercedes đã va chạm với 3 ô tô khác, khiến cho 4 chiếc xe bị đốt cháy và 1 người tử vong tại chỗ.

Nếu chúng ta muốn cải thiện tình trạng giao thông hiện nay ở nước ta, không thể thay đổi nó trong ngày một ngày hai. Với tư cách là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy cùng nhau lên kế hoạch cho các sự kiện quảng cáo và nâng cao nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia giao thông đường bộ.

Tuyên truyền không nên chỉ nhắm vào học sinh trong trường mà cần mở rộng để mọi người đều có thể hiểu được. Pháp luật cần có những hình phạt thích đáng để răn đe mọi người đối với những người không chấp hành luật lệ giao thông. Cơ sở hạ tầng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn và cần sửa chữa chất lượng kịp thời.

Qua những nội dung nghị luận về an toàn giao thông trên đây, ta có thể thấy an toàn giao thông không chỉ là an toàn cho chính bạn mà còn là an toàn cho người khác. Nếu chẳng may có người chết do tai nạn giao thông thì tang quyến sẽ vô cùng đau khổ, nếu có người bị thương thì sẽ trở thành gánh nặng cho tang quyến. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức về đường bộ, trước tiên là để bảo vệ chính mình và sau đó là đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác.

Nghị luận về tai nạn giao thông mẫu số 4

Thời kỳ chiến tranh, con người bị cướp đi sinh mạng bởi bom đạn, bởi tội ác của giặc thì trong thời đại hòa bình, sự sống ấy lại dễ dàng bị cánh tay tử thần của "tai nạn giao thông" cướp mất. Đau đớn gì hơn khi phải lặng nhìn những cái chết bất ngờ xảy đến không lường trước chỉ vì một phút không tập trung làm chủ tay lái hay những rủi ro bất ngờ ập đến từ những người sử dụng phương tiện giao thông khác. Đắng cay gì hơn khi những kẻ đầu bạc lại phải tiễn đưa người đầu xanh trong nước mắt. Vì vậy, vấn đề tai nạn giao thông là vấn đề đáng báo động ở đất nước ta trong thời điểm hiện nay.

Trước hết, ta có thể thấy được rằng số lượng tai nạn giao thông xảy ra ngày càng tăng mạnh, chỉ 10 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 14.251 vụ tai nạn giao thông khiến 6.300 người thiệt mạng, và hàng chục nghìn người bị thương nặng. Tai nạn giao thông xảy ra trên nhiều phương tiện của giao thông đường thủy, giao thông đường sắt và cả giao thông đường hàng không, tuy nhiên đáng lưu tâm và gây hậu quả nghiêm trọng nhất chính là tai nạn giao thông đường bộ. Ngày ngày trên báo chí, phương tiện truyền thông, ta có thể thấy nhan nhản những vụ tai nạn gây chết người. Gần đây nhất có thể kể đến vụ tai nạn tại Bến Lức - Long An xảy ra vào tháng 1 năm 2019, một chiếc xe container do tài xế Hiếu cầm lái đã bất ngờ đâm vào hàng chục xe máy đang dừng đèn đỏ tại ngã tư, vụ tai nạn đã gây cái chết cho 4 người còn rất trẻ và làm bị thương hơn 21 người, phương tiện bị vỡ, hư hỏng nghiêm trọng.

Hay một tai nạn khác xảy ra ở Hải Dương khi đoàn người đang thăm viếng ở nghĩa trang liệt sĩ thì bị một xe ô tô tải tông vào gây chết 8 mạng người và làm hàng chục người khác bị thương. Ở Quảng Trị, một đoàn người xuất phát từ quê vào Quảng Nam rước dâu đã không may va chạm với xe đầu kéo chạy ngược hướng gây tai nạn thảm khốc khiến 13 người trong dòng họ chết tại chỗ, ngày vui đám cưới chưa kịp mừng thì trở thành tang tóc, thương đau... Qua đó, ta có thể thấy được rằng, tai nạn giao thông nguy hiểm đến nhường nào. Không chỉ mất mát về của cải, vật chất mà chúng còn hoành hành để cướp lấy mạng sống của bất kỳ ai. Tai nạn đã làm mất đi của đất nước những lực lượng lao động quý giá, những nhà trí thức, những con người tài giỏi và cả những mầm non tương lai. Nó vô hình nhưng mang lại những cái đau đớn hữu hình, khiến những người ở lại còn nặng lòng khóc nghẹn khi nghĩ về bảo người thân đã ra đi.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến bao vui tai nạn kinh hoàng xảy ra. Xét về khách quan, ta có thể thấy một vài vụ tai nạn xảy ra là do những đường bị ổ gà, ổ voi gây khó khăn cho phương tiện đi lại, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, bất cập, hệ thống đường sá chưa được xây dựng, nâng cấp và triển khai một cách hợp lý gây cản trở. Mặt khác, các hệ thống về đèn tín hiệu giao thông, biển báo ở một số nơi vẫn chưa được chú trọng đúng mức, xuống cấp nghiêm trọng nên ảnh hưởng ít nhiều đến người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết, gió giông, sấm sét, lụt bão, ngập úng cũng gây ra nhiều tai nạn cho người đi đường.

Phương tiện giao thông ở Việt Nam quá nhiều, đặc biệt là xe máy gây ùn tắc, đường sá lại quá chật hẹp gây khó khăn cho người di chuyển trên đường, dễ gây va chạm. Song, ta không thể phủ nhận được rằng, nguyên nhân chính và trực tiếp nhất đến từ ý thức người tham gia giao thông. Một số trẻ em đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, lạng lách, đánh vọng, dàn hàng năm, hàng bảy giữa đường. Người tham gia giao thông chưa nắm rõ luật hoặc hiểu biết một cách sơ sài về luật giao thông. Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây tai nạn trên đường làm ảnh hưởng đến những người vô tội. Trên các tuyến đường chính, người tham gia đỗ xe bừa bãi, đi không đúng làn đường quy định, một số lại chạy xe quá tốc độ không bản thân không kiểm soát được tay lái mà gây tai nạn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới ý thức của một số thành phần dân cư xả rác bừa bãi giữa lòng đường gây cản trở phương tiện giao thông qua lại.

Từ những nguyên nhân trên, ta cần phải đề ra những giải pháp khắc phục và các biện pháp để giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tiến đến xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh và an toàn. Thứ nhất, cần ban hành các bộ luật về giao thông đúng và gắn với thực tiễn, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, qua sách vở, báo đài,... để người dân hiểu và nắm luật. Thứ hai, mỗi người dân phải tự ý thức về việc chấp hành luật giao thông, phải gương mẫu trước trẻ em, gia đình và xã hội, vận động mọi người cùng chấp hành luật giao thông. Thứ ba, tổ chức các cuộc thi về luật giao thông, tìm hiểu an toàn giao thông trong nhà trường, trong cộng đồng dân cư. Tu sửa lại hệ thống đường sá đảm bảo chất lượng hạ tầng, chú trọng đến hệ thống biển báo, đèn tín hiệu. Thứ tư, mọi người cần hiểu rõ tác hại của bia, rượu,... khi tham gia giao thông để hạn chế sử dụng. Đề ra các khẩu hiệu như: "Nhanh một giây, chậm một đời", "An toàn giao thông vì hạnh phúc của mọi nhà", "Đã uống rượu bia thì không lái xe";... trên các phố xá hay đường làng, ngõ xóm để nâng cao hơn ý thức của người tham gia giao thông.

"An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà", tất cả chúng ta phải chung tay vì hạnh phúc của chính mình và vì hạnh phúc của xã hội. Đừng để tai nạn giao thông hủy hoại chính cuộc sống mỗi chúng ta.

Nghị luận về tai nạn giao thông mẫu số 5

Xã hội ngày càng phát triển thì những phương tiện, dịch vụ phục vụ, cung cấp cho đời sống ngày càng đa dạng và phát triển hơn, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của chúng ta. Bên cạnh những điều tích cực như vậy, thì xã hội hiện đại vẫn còn tồn tại những vấn đề nóng, vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết cụ thể và làm nhức nhối trong sự quan tâm của dư luận. Một trong những vấn đề nóng được nhắc tới nhiều nhất hiện nay đó chính là vấn đề an toàn giao thông.

An toàn giao thông là cụm từ chưa được định nghĩa chính xác ở bất kỳ một từ điển hay văn bản pháp luật nào, vì vậy có thể có nhiều cách hiểu về an toàn giao thông như sau: Hiểu theo cách chiết tự từ: "an toàn" là không nguy hiểm, là trạng thái mà chúng ta được đảm bảo, được bảo vệ khỏi những nguy hại, còn "giao thông" là hệ thống di chuyển, đi lại của mọi người và giao thông thường có tổ chức, được kiểm soát bởi chính phủ. Vì thế có thể hiểu an toàn giao thông là việc đảm bảo cho các chủ thể tham gia giao thông, giúp họ có thể giảm thiểu tình trạng phát sinh tai nạn giao thông, từ đó hạn chế được tổn thất về vật chất, tính mạng, tinh thần của con người. Hay cũng có thể hiểu an toàn giao thông trái ngược với tai nạn giao thông. Theo đó tai nạn giao thông là sự kiện bất ngờ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, xảy ra khi các đối tượng tham gia giao thông trên mạng lưới giao thông, nhưng do chủ quan, vi phạm các quy tắc an toàn giao thông hoặc gặp phải các tình huống, sự cố đột xuất không kịp phòng tránh, đã gây ra những thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản.

Có thể thấy vấn đề an toàn giao thông là vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay, thật không thể khó để chứng kiến những cảnh tượng, hành động nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông của một số bộ phận người hiện nay như: tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, hay đội mũ bảo hiểm chống đối, vượt đèn đỏ, chở hàng hoặc chở người quá số lượng quy định, lạng lách, điều khiển xe cơ giới khi chưa đủ tủ hoặc có dùng chất kích thích,... Và cũng chính những thực trạng dễ thấy, nên con số về các vụ tai nạn giao thông là những con số biết nói: Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an vừa tổng kết vào năm 2022 toàn quốc xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn, chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 7.000 người; hay theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước xảy ra 5.684 vụ tai nạn giao thông, bình quân mỗi ngày có 19 người tử vong vì tai nạn giao thông,....

Những thực trạng đáng báo động trên được bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, nguyên nhân khách quan: được coi là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các vụ tai nạn, thiệt hại như: số lượng người tham gia ngày một tăng dẫn tới tình trạng ngày càng đông các phương tiện tham gia giao thông hơn; hệ thống cầu đường xuống cấp xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà khiến mặt đường không bằng phẳng, cơ sở hạ tầng chật hẹp, không đủ làn khiến người tham gia chen lấn theo quy tắc "điền vào chỗ trống"; đặc điểm cấu tạo của phương tiện có điểm mù gây hạn chế trong quan sát hay những loại phương tiện tự chế chưa đủ tiêu chuẩn an toàn; điều kiện thời tiết mưa bão, sương mù,... Thứ hai, nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn đề an toàn giao thông không được giải quyết triệt để, theo đó ý thức, thái độ, văn hóa của người tham gia giao thông còn thấp, chưa tuân thủ cũng như trang bị đầy đủ kiến thức về quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông, có thể nói ý thức chấp hành luật giao thông cũng như văn hóa ứng xử của đất nước ta chưa thực sự tốt.

Với những điều đó mà hậu quả tai nạn giao thông để lại là vô cùng đáng tiếc. Đối với xã hội, đa phần chủ thể bị tai nạn giao thông và bị thương tật, thậm chí là tử vong thường ở trong độ tuổi lao động, điều này khiến cho đất nước mất đi một phần nguồn lực lao động dồi dào, dễ dàng xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, các vấn đề về nghèo đói, bệnh tật cũng tăng lên, phúc lợi xã hội sẽ bị thâm hụt bởi đa số người tử vong là các đối tượng thanh niên là trụ cột, nguồn lao động chính của gia đình. Đối với bản thân người bị tai nạn, nếu may mắn thì sẽ bị xây xát nhẹ hoặc bị thương để lại di chứng sau này, nặng hơn sẽ là thương tật bộ phận và đáng tiếc nhất là sống thực vật, tử vong,... hậu quả này không chỉ gây ra đau đớn về thể chất, tinh thần của người bị tai nạn mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, cuộc sống của người thân. Và với những người xung quanh khi chứng kiến tai nạn họ sẽ bị ám ảnh, ảnh hưởng tâm lý, mang sự lo sợ khi tham gia giao thông, hoặc những người dù vô ý gây tai nạn giao thông thì vẫn phải bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, tiền cấp dưỡng cho người bị tai nạn.

Vậy giải pháp nào cho những hậu quả trên? Vì vấn đề được xác định từ hai nguồn nguyên nhân, nên giải pháp cũng phải được dựa trên hai nguyên nhân đó là: Cần tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong toàn dân, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tham gia giao thông ở các địa bàn đặc biệt là khu vực công cộng, đông dân cư; hoàn thiện các thể chế pháp luật về an toàn giao thông như nâng cao mức xử phạt hành chính, hoặc thu hồi phương tiện giấy phép trong thời gian dài,... Bên cạnh đó mỗi người cũng cần phải nâng cao ý thức của mình khi tham gia giao thông từ việc nhỏ nhất như đi đúng đường, đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia và đặc biệt cần rèn luyện cho học sinh ý thức an toàn giao thông từ gia đình, trường học và ra đến toàn xã hội.

Tuy nhiên, vấn an toàn giao thông của nước ta cũng có những mặt tích cực như: những con đường, chiếc cầu mới được phục hồi xây dựng, đèn điện được trang bị nhiều hơn giúp việc đi lại thuận tiện, nghĩa tình cao đẹp khi gặp người bị nạn được đề cao, giáo dục ý thức từ môi trường gia đình cha mẹ làm gương cho con cái được nâng cao, công tác kiểm tra, kiểm soát giao thông được thực hiện tốt hơn,... Như vậy, vấn đề an toàn giao thông là vấn đề của cả toàn xã hội, mỗi bản thân chúng ta cần phải thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia giao thông thì mới có một tập thể tốt xây dựng xã hội văn minh, an toàn.

Nghị luận về tai nạn giao thông mẫu số 6

Tai nạn giao thông - vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Những vụ tai nạn xảy ra như một lời cảnh tỉnh, để lại hậu quả thương tâm cho bản thân và gia đình. Họ - những thanh thiếu niên, do thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của việc đua xe, phóng nhanh vượt ẩu, đã tự biến mình thành nạn nhân của tai nạn. Nhẹ thì xây xát, gãy tay gãy chân, nặng thì phải vĩnh viễn ra đi, để lại niềm đau khôn xiết cho những người thân yêu. Nhiều bậc phụ huynh, vì thương con, đã sắm cho con những chiếc xe phân khối lớn mà không ý thức được rằng đó là con dao hai lưỡi. Khi tai nạn xảy ra, họ mới nhận ra sai lầm của mình, hối hận vì đã không quan tâm, giáo dục con cái đúng cách. Tiền bạc, dù có nhiều đến đâu, cũng không thể mua lại được mạng sống của con.

Một số địa phương đã có những biện pháp quyết liệt, chẳng hạn như cấm học sinh phổ thông đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng nên các biện pháp trên tỏ ra không hiệu quả. Do mải làm ăn, buôn bán, các bậc phụ huynh không dành nhiều thời gian, không quan tâm tới việc dạy dỗ con cái, không giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ còn dung túng cho con khi mua xe mô tô cho con hoặc cho con đi xe máy đến trường khi các em chưa có giấy phép lái xe.

Đã có không ít tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và chuyện vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên không còn là chuyện về ý thức, đạo đức của riêng các em mà phải kể đến trách nhiệm của các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội. Khi bề trên quản giáo không nghiêm thì con trẻ dễ làm điều không đúng. Gia đình, nhà trường và xã hội cần có tiếng nói chung trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của học sinh, sinh viên. Như trong năm vừa rồi, cái chết thương tâm của hai bạn nữ sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ khi đang đạp xe trên đường đi học về gây bức xúc trong giới học đường khiến cho gia đình các bạn cũng đau lòng. Đùa giỡn trên xe để không làm chủ tay lái và rồi ngã vào xe tải đang lưu thông cùng chiều.Các bạn ấy mới 16 tuổi thôi, còn quá trẻ để làm nhiều việc có ích cho xã hội.

Gần đây việc giáo dục ý thức công dân và giáo dục đạo đức trong nhà trường cũng không thực sự được quan tâm như trước. Kết quả thi cử của các em đã đè nặng lên vai những người làm thầy, làm cô khiến họ không còn quan tâm nhiều đến những môn không phải thi tốt nghiệp hoặc thi đại học. Mô hình giáo dục cân bằng không còn nữa, “trí dục” đã chiếm ưu thế trước “đức dục” trong các chương trình giảng dạy. Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế và hệ giá trị, “người Thầy” cũng không còn cái uy với học sinh như xưa và một bộ phận không nhỏ học sinh bỏ qua những lời răn dạy đạo đức của thầy, cô cũng là điều dễ hiểu.Các cơ quan nhà nước cũng không quan tâm đúng mức tới giao thông học đường. Các chế tài áp dụng đối hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.

Ở phạm vi toàn xã hội, việc người lớn không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ đã trở thành tấm gương xấu cho bọn trẻ làm theo. Không ít các trường hợp, người lớn còn kích động, cổ vũ cho những hành vi sai trái của các em như tập trung xem và hò hét khi các em đua xe trái phép. Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.

Muốn chấn chỉnh giao thông học đường, phải cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông, mà phải bằng hành động cụ thể. Chẳng hạn như phát động tháng “An toàn giao thông”, thực hiện phải kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông giám sát theo dõi tình hình giao thông, xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm Luật giao thông. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình. Giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng bổ ích. Lực lượng học sinh, sinh viên tình nguyện đứng ra điều khiển giao thông cũng là một biện pháp hữu ích.

Việc tất cả công dân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một biện pháp thiết thực giúp bảo vệ an toàn cho mọi người. Cần phải phát huy những mặt tích cực để tai nạn giao thông ngày một giảm theo chiều hướng nhanh nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân.

Nghị luận về tai nạn giao thông mẫu số 7

Tai nạn giao thông đường bộ là vấn đề nan giải không của riêng quốc gia nào trên thế giới vì khả năng gây chấn thương và gây tử vong cho người tham gia giao thông rất cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời vì tai nạn giao thông, trong đó 23% tử vong là người điều khiển xe máy. Đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra chết người xảy ra phổ biến ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Các nước nghèo có số lượng ô tô chiếm 1% ô tô trên thế giới nhưng tử vong do tai nạn giao thông chiếm 13%; các nước giàu số ô tô chiếm 40% và tỉ lệ tử vong chỉ chiếm 7%.

Việt Nam đang là nước đang phát triển và đang hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2021, Dương Minh Tuấn và các cộng sự đã phân tích sự tác động của vấn đề an toàn giao thông đến 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên. Kết quả phân tích cho thấy có hai mục tiêu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều mục tiêu khác có ảnh hưởng, tác động; cho thấy vấn đề an toàn giao thông là một phần không thể tách rời quá trình phát triển bền vững. Năm 2011, tác giả Trần Thị Ngọc Lan đã nghiên cứu thực trạng tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam giai đoạn 2005 - 2009; kết quả cho thấy tử vong do tai nạn giao thông cao gấp 2,4 lần so với đuối nước và ngộ độc, gấp 5 lần so với tự tử. Tai nạn giao thông trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhưng các tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em lại tăng, đặc biệt là ở các em nam sinh trung học phổ thông. Theo các nghiên cứu trước đây, 80% các vụ tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân chính là do người tham gia giao thông, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật giao thông, quy tắc giao thông và văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông.

Hậu quả tai nạn giao thông của không chỉ chấn thương, tử vong người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng cuộc sống gia đình, 70% người bị tai nạn giao thông tại Việt Nam là trụ cột kinh tế, đang trong độ tuổi “vàng” lao động, trong đó chủ yếu là nam giới. Tai nạn giao thông còn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế đất nước, mỗi năm gây thiệt hại 2,9 % GDP tương đương mỗi ngày mất 400 tỷ VND. Các nghiên cứu trước đây
chỉ đi phân tích chuyên sâu từng khía cạnh trên lĩnh vực an toàn giao thông, bài báo này có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam.

Việt Nam là nước đang phát triển với đặc thù giao thông đường sá chật hẹp, số lượng xe máy lớn kết hợp số lượng ô tô con tăng nhanh trong những năm gần đây, do công nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang phát triển và kinh tế người dân cũng phát triển nên nhu đi lại bằng ô tô tăng cao. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2022 Việt Nam gần 5 triệu ô tô các loại đang lưu hành, trong đó hơn 2,4 triệu ô tô con; và hơn 70 triệu xe máy đang lưu hành.

Do điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá bằng ô tô tăng cao; số lượng ô tô, xe máy đăng ký mới chưa được kiểm soát tốt nên dẫn đến mật độ giao thông lớn tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Trong tất cả các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân do xe máy gây ra chiếm tỉ lệ cao 57, 41%, ô tô 35,25%; phương tiện khác 7,31% (năm 2021). Theo Cục Cảnh sát Giao thông thống kê năm 2017, tuyến đường tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ cao là các tuyến đường nội thị, sau đó là tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Giới tính của người bị tai nạn giao thông nam giới vẫn chiếm phần lớn 89,8%. Độ tuổi người bị tai nạn giao thông từ 27 đến 55 và từ 18 đến 27 chiếm tỉ lệ cao và khoảng thời gian từ 12h - 18h và 18h - 24h là thời điểm tai nạn giao thông xảy ra ở mức cao nhất.

Người tham gia giao thông ý thức còn kém, ít hiểu biết về pháp luật, sử dụng chất ma túy, rượu, bia tham gia giao thông, chạy xe quá tốc độ cho phép, phóng nhanh vượt ẩu, đây cũng là một trong những điểm đặc thù, thuộc văn hoá giao thông của người Việt Nam. Người điều khiển phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông đường bộ chiếm 43,53%, những nguyên nhân thuộc phương tiện giao thông chiếm 0,27% và công trình giao thông chiếm 0,24%.

Thực trạng tai nạn giao thông được thể hiện qua các số liệu: số vụ va chạm giao thông, số vụ tai nạn giao thông, số lượng người chết và số lượng người bị thương gây ra. Theo Tổng Cục thống kê Việt Nam từ năm 2018 đến hết 2022 tai nạn giao thông giảm về mọi tiêu chí, do cuối năm 2019 tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nên các phương tiện đường bộ bị hạn chế đi lại, đây là nguyên nhân chính để đạt được kết quả trên. Bình quân mỗi năm có 17.000 vụ tai nạn giao thông, 8.190 người chết và 15.096 người bị thương.

Tai nạn giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh luôn là vấn đề nan giải, bởi vì dân số đông, số phương tiện giao thông lớn và cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ và kịp thời. Trong giai đoạn 2019 - 2021, ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tai nạn giao thông có xu hướng giảm về số vụ, số người chết và người bị thương như hình 5 và hình 6. Nguyên nhân cũng do một phần dịch Covid-19 bùng phát, người dân bị hạn chế đi lại và một lượng lớn người dân rời thành thị về nông thôn. Năm 2022 cả hai thành phố này tai nạn giao thông có xu hướng tăng trở lại. Bình quân mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh có 2.755 vụ tai nạn giao thông (chiếm 16,2%), 602 người chết (chiếm 7,34%), 1.865 người bị thương (chiếm12,35%). Hà Nội mỗi năm bình quân có 1.062 vụ tai nạn giao thông (chiếm 6,2%), 451 người chết (chiếm 5,5%) và 716 người bị thương (chiếm 4,74%).

So với các thành phố lớn, thì tai nạn giao thông ở các tỉnh như Khánh Hoà và Tiền Giang, số lượng vụ tai nạn, số người chết và bị thương đều thấp hơn. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong trên các vụ tai nạn lại cao hơn ở thành phố lớn, cụ thể: Hà Nội: 42,44%, TP. Hồ Chí Minh: 21,83%, Khánh Hoà: 66,21% và Tiền 90 Giang: 73,58%. Nguyên nhân chính của tỉ lệ tử vong cao ở các tỉnh là do mật độ giao thông thấp, người tham gia giao thông điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép nên khi xảy ra tai nạn nguy cơ tử vong cao hơn.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỉ lệ người chết trên 100.000 đứng thứ 2 sau Thái Lan. Năm 2019, Việt Nam có 31 người chết trên 100.000 dân, trong khi đó Singapore là nước có số người chết do tai nạn giao thông trên 100.000 dân thấp nhất khu vực, 2 người. Đây là một thực trạng phản ánh hệ thống an toàn giao thông Việt Nam còn nhiều vấn đề cần khắc phục và điều chỉnh để giảm thiểu tỉ lệ tử vong, bảo vệ người tham gia giao thông.

Giao thông đường bộ ở Việt Nam có đặc thù là phương tiện cá nhân cao, mật độ lưu thông lớn ở các thành thị, ý thức của người tham gia giao thông kém nên rất rễ gây nên tai nạn giao thông. Nhìn chung giai đoạn 2018 - 2021, tai nạn giai thông đường bộ có xu hướng giảm do đại dịch Covid-19; từ năm 2022 trở đi tai nạn giao thông có xu hướng tăng trở lại. Tai nạn giao thông ở các thành phố lớn luôn ở cao; còn ở các tỉnh thì tai nạn giao thông ở mức thấp hơn nhưng có tỉ lệ tử vong cao. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông trên nghìn dân rất cao. Hướng nghiên cứu tiếp theo của nhóm là phân tích các giải pháp để ứng phó thực trạng tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay.

(Theo Phân tích thực trạng tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam,
Nhóm tác giả: ThS. Hồ Trọng Du, TS. Nguyễn Văn Trạng, PGS.TS. Lý Hùng Anh).

-/-

Các em vừa tham khảo một số bài nghị luận xã hội về tai nạn giao thông của nước ta hiện nay do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng các em đã có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để triển khai được những ý văn hay cho bài viết của mình. Xem thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 12 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM