Nghị luận xã hội về sự tử tế

Xuất bản: 15/11/2023 - Tác giả:

Nghị luận xã hội về sự tử tế, hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và tham khảo top 5+ bài văn mẫu hay bàn về vai trò, ý nghĩa của sự tử tế trong đời sống con người

Tài liệu hướng dẫn nghị luận về sự tử tế, gợi ý cách làm, hệ thống luận điểm, dàn ý chi tiết cùng các bài văn mẫu tham khảo bàn về sự tử tế trong đời sống con người hiện nay.

Hướng dẫn làm bài nghị luận về sự tử tế

1. Phân tích đề bàn về sự tử tế

– Yêu cầu đề bài: Trình bày suy nghĩ, ý kiến bàn luận về sự tử tế trong đời sống hiện nay

– Chủ đề: nghị luận xã hội

– Phương pháp làm bài: phân tích, giải thích.

2. Các luận điểm chính nghị luận về sự tử tế

– Luận điểm 1: Tử tế là gì?

– Luận điểm 2: Những biểu hiện của sự tử tế

– Luận điểm 3: Ý nghĩa của sự tử tế trong cuộc sống

– Luận điểm 4: Phê phán thói lừa lọc, xấu xa, thờ ơ, vô cảm và rút ra bài học nhận thức.

3. Dàn ý nghị luận về sự tử tế trong cuộc sống

Mở bài

- Giới thiệu đề tài cần nghị luận: Sự tử tế trong đời sống xã hội hiện nay.

VD: Một trong những đức tính quý báu mà mỗi con người cần có trong cuộc sống này ở mọi thời đại chính là sự tử tế.

Thân bài

* Tử tế là gì?

- Tử tế là đối xử tốt với mọi người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người kém may mắn hơn mình.

- Sự tử tế là tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.

- Người tử tế là người văn minh, lịch sự, được giáo dục tốt.

* Những biểu hiện của sự tử tế

- Đối xử tốt với tất cả mọi người, không phân biệt bằng cấp, địa vị.
- Giúp đỡ người khác mà không mong cầu được báo đáp, cho đi mà không cần nhận lại.
- Là sự động viên, an ủi mọi người xung quanh khi họ buồn.
- Sống trung thực, không gian dối, vụ lợi.
- Sống đúng lương tâm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân…
- Dẫn chứng về sự tử tế: Chương trình "Việc tử tế của VTV", việc quyên góp, ủng hộ cho đồng bào miền Trung mỗi trận bão, lũ, những hành động đẹp trong đại dịch Covid 19,...

* Ý nghĩa của sự tử tế trong cuộc sống

- Sự tử tế là sợi dây gắn kết tình cảm giữa người với người.
- Là bàn tay nâng đỡ con người thoát khỏi nghịch cảnh.
- Lan tỏa sự tích cực đến mọi người.
- Người tử tế luôn được mọi người kính trọng, nể phục, bản thân họ cũng có được sự thanh thản trong tâm hồn.
- Người tử tế sẽ nhận lại được niềm vui, sự hạnh phúc khi giúp đỡ người khác, nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.
- Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
- Dẫn chứng về sự tử tế:
+ Câu chuyện về Nguyễn Trung Hiếu, một cậu bé 17 tuổi sẵn sàng nhảy xuống hồ cứu hai người đang mắc kẹt
+ Anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 của chung cư.
+ ...

* Phê phán:

- Những con người xấu xa, lừa lọc người khác, sống thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của những người xung quanh.

* Bài học nhận thức:

- Tử tế là những hành động tốt đẹp, giúp ích cho đời.
- Mỗi người cần phải học tập, rèn luyện bản thân thật tốt để trở thành người tốt, biết phân biệt phải trái đúng sai, biết cho đi thế nào là đủ, là đúng.

Kết bài

- Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó.

- Rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Nghị luận về sự tử tế: Top 5+ bài văn mẫu đạt điểm cao

Nghị luận xã hội về sự tử tế mẫu số 1

Mỗi con sinh ra trong cuộc đời, đều mang trong mình những tính cách, lối sống khác nhau. Nhưng chắc hẳn, ai cũng muốn viết nên một câu chuyện riêng của cuộc đời mình, bằng những yêu thương, hạnh phúc và sẻ chia. Câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Ngọc Mạnh trong những ngày gần đây đã mang đến cho mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ về hình ảnh/câu chuyện của những người tử tế trong cuộc sống. Sự việc đã khiến mỗi chúng ta đều cảm động và có thêm những suy nghĩ về lối sống tử tế.

Người tử tế là người như thế nào? Đó là những người biết đối xử đúng mực với những người xung quanh, biết giữ lời hứa, biết giúp đỡ những người gặp nạn, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó cũng là những người có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống văn hóa lành mạnh.

Trong xã hội của chúng ta đang sống, có rất nhiều người tử tế. Họ có thể ở ngay cạnh bên chúng ta, hay ở bất cứ nơi đâu. Họ cũng giống như chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt, cũng sống một cuộc sống như chúng ta. Nhưng nổi bật ở họ là luôn sống một cách có ý thức, có trách nhiệm, có văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, thương yêu, giúp đỡ con người.

Trong xã hội với biết bao nhiêu người khó khăn, vất vả. Rất nhiều người bị ảnh hưởng của chất độc da cam do chiến tranh, hững đứa trẻ từ khi sinh ra đã mồ côi, không nơi nương tựa hay những gia đình có hoàn cảnh, bệnh tật chẳng đủ tiền để chạy chữa. Biết bao nhiêu hoàn cảnh khốn khổ, biết bao nhiêu con người phải đau thương. Nếu không có những người tử tế, sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ, sẽ chẳng có những cuộc sống bình yên, những mái ấm tình thương được xây dựng.

Một xã hội không ngừng phát triển và đi lên. Đời sống con người cùng càng ngày càng trở lên ấm no hơn. Con người cũng văn minh hơn, biết suy nghĩ cho người khác, biết cư xử một cách đúng mực, sống và làm việc một cách đúng đắn hơn, mang lại niềm vui cho người khác, cũng là những việc mà những người tử tế muốn làm.

Có những người thầy, người cô không sợ gian khổ, chuyển công tác về những vùng núi, biên cương, hải đảo để đem cái chữ về cho những đứa trẻ. Dù cuộc sống thiếu thốn gian khổ, nhưng họ vẫn bám trụ, bởi trong họ có niềm kiêu hãnh, tự hào vì bản thân mình đã làm được một việc tử tế, góp một phần vào sự phát triển của đất nước. Việc tử tế, chẳng phải thứ gì quá cao siêu và to lớn. Đôi khi, một hành động nhỏ cũng làm cho chúng ta được xem trọng, được yêu thương: đưa cụ già qua đường nơi giao lộ, nhặt được của rơi trả người mất, giúp người bị tai nạn, hay sẻ chia cho người khác bữa ăn của mình… Tất cả những hành động tuy nhỏ, nhưng cũng mang rất nhiều ý nghĩa.

Mới đây nhất, câu chuyện về Anh Nguyễn Ngọc Mạnh – một lái xe tải 31 tuổi cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 của chung cư đã khiến mỗi chúng ta đều xúc động. Hình ảnh đó không chỉ khiến mọi người cảm phục về lòng dũng cảm, gan dạ của anh, mà còn tiếp thêm cho mỗi chúng ta niềm tin về sức mạnh của tình yêu thương, sẻ chia hết mình trong cuộc sống.

Có bao giờ các bạn thử nghĩa rằng, nếu một xã hội không có những người tử tế, đó sẽ là xã hội như thế nào? Một xã hội chỉ biết có bản thân của mỗi cá nhân, không quan tâm tới người khác. Một xã hội thờ ơ với thực tại, thấy người gặp nạn thì lạnh nhạt cho qua, gặp người khó khăn thì hồ nghi về người ấy. Xã hội càng phát triển, con người càng trở lên lạnh lùng hơn hẳn. Biết bao nhiêu người chỉ biết tới bản thân mình, sống một cuộc đời lãnh lẽo, chẳng đối xử tốt với ai, vì sợ bị lợi dụng, sợ không được đền đáp điều gì, chẳng giúp đỡ ai điều gì, vì sợ bị lừa gạt.

Hạnh phúc trong cuộc sống xuất phát từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cho đi và cảm nhận, chúng ta sẽ thấy tâm mình được mình yên thanh thản biết nhường nào. Sống trong một xã hội với vô vàn những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta nên sống một cuộc đời đúng nghĩa, hòa nhập, yêu thương, sẻ chia với mọi người. Việc tử tế, chẳng hề khó, và hãy sống như vậy đi, chúng ta sẽ được đền đáp, bằng chính sự nhận xét của những người xung quanh, sự thiện cảm của họ với chúng ta, sự quý mến, yêu thương chúng ta.

Hãy luôn hướng cho mình một mục tiêu về lẽ sống thiện lương trong cuộc đời. Và hãy sống một cuộc đời tử tế để chúng ta cảm nhận được tình yêu thương luôn ở bên. “Chỉ cần bạn sống tử tế, trời xanh sẽ tự khắc an bài”.

Nghị luận xã hội về sự tử tế mẫu số 2

Một xã hội văn minh khi còn người luôn ý thức được bản thân phải sống một cách tử tế. Cách sống này sẽ giúp chúng ta nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Trước tiên, cần trả lời câu hỏi “Thế nào là tử tế?”. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm và tự mỗi người tìm ra một câu trả lời riêng. Hiểu đơn giản, sự tử tế là sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và làm hại ai, luôn giúp đỡ mọi người và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Một người biết sống tử tế sẽ được biểu hiện qua thái độ và hành động.

Giới trẻ ngày nay thường than thở với nhau rằng con người trong xã hội hiện đại ngày càng “nhạt”. Vì sao họ lại cảm thán như vậy? Bởi họ nhìn thấy điều đó từ những hành động, việc làm vô tâm, vô thức của một bộ phận người trong xã hội.

Ví như, dân ta từ xưa tới nay luôn đề cao truyền thống kính trên nhường dưới, nhưng ta dễ bắt gặp những việc làm trái ngược với truyền thống đạo đức đó. Như trên xe buýt, có những người thấy người già hay trẻ nhỏ phải đứng vì thiếu ghế ngồi, nhưng họ làm lơ, vờ ngủ, nhưng khi bị nhắc nhở, họ quay ra cáu gắt và nói rằng họ lên trước, họ được ngồi. Hay một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng “đánh hội đồng” vì mọi lý do. Hành động đó là không thể chấp nhận được, nhưng đáng lên án hơn cả là khi mọi người xung quanh không những không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ và quay clip tung lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp, ấm tình người. Trên trang xã hội lớn nhất hiện nay là Facebook, ta thường bắt gặp những hình ảnh một chiến sĩ công an dắt cụ già qua đường; một nhóm mạnh thường quân chia sẻ, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, hay vận động hiến máu cứu người... được mọi người chia sẻ rộng rãi. Còn nhiều những hình ảnh ấm áp hơn nữa. Song, có một hình ảnh về những người tử tế mà tôi thấy và để lại trong tâm trí tôi dấu ấn sâu đậm. Đó là trên đường Kim Mã, một bà cụ già yếu với sạp hàng rau đơn sơ ngồi bán trên vỉa hè. Bất chấp mưa gió bụi mờ, hằng ngày, cụ vẫn ngồi đó tới khi trời tối hẳn với gánh rau của mình chỉ mong kiếm thêm chút thu nhập.

Trong không gian chập choạng tối, dòng xe inh ỏi, tấp nập qua lại, bóng dáng cụ càng trở nên đơn côi hơn bao giờ hết. Trước hình ảnh đó, nhiều người qua đường cố nán lại mua hàng giúp cụ, dù những mớ rau đó không thật tươi ngon. Đôi khi, có những em học sinh đi qua cũng nán lại mời chào, bán hàng, gói hàng cho khách giúp cụ. Nhìn nụ cười móm mém hiền từ của cụ cùng những nụ tươi của những bạn trẻ, khiến ta thêm tin rằng, sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng, nhưng sự lan tỏa của nó còn quan trọng hơn gấp bội phần.

Như vậy, sự tử tế có sức mạnh lan tỏa vô cùng to lớn. Khi chúng ta biết sống tử tế thì xã hội sẽ ngày càng trở nên văn minh hơn, cuộc sống của con người cũng ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội về sự tử tế mẫu số 3

Trong xã hội ngày nay, khi có quá nhiều thứ đang chuyển mình, các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp thì hai từ “tử tế” nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, vấn đề này luôn được đề cao, nó đơn giản chỉ là những hành động nhỏ bé nhưng đó là cả một phẩm chất đạo đức của mỗi người. Vậy sự tử tế là gì? Sự tử tế mang ý nghĩa gì trong cuộc sống? Và cách để lan tỏa lối sống tốt đẹp này đến với mọi người như thế nào?

Chúng ta luôn nhắc nhở mọi người sống tử tế nhưng liệu có mấy ai hiểu tử tế là gì? Tử tế có nghĩa là sự cẩn thận, chu đáo, thận trọng trong mọi công việc, trong lối sống và cách đối xử với mọi người xung quanh. Người sống tử tế là người có tấm lòng nhân ái, luôn biết tôn trọng bản thân và người khác, có thái độ sống nhân hậu, hòa hợp với thế giới, đề cao giá trị đạo đức, sự lịch thiệp, nhã nhặn, tình yêu thương và lẽ công bằng. Đặc biệt, họ luôn biết yêu thương, quý trọng những thứ nhỏ nhặt, bình thường nhất để tạo nên lối sống đẹp.

Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường, thực tế. Hai chữ này gộp lại có nghĩa là cẩn thận, chăm chút từ những việc làm nhỏ nhặt nhất. “Trước khi nghĩ tới những điều vĩ đại hãy bắt đầu làm từ những việc nhỏ nhặt nhất”. Tử tế là chuẩn mực đạo đức vô cùng quan trọng trong cuộc sống, là nguyên tắc cần thiết trong việc giao tiếp giữa con người với con người, trong cách đối nhân xử thế. Nó mang một giá trị cao đẹp và mang tính nhân văn to lớn.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì sống tử tế cũng được đặt lên hàng đầu, mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Vậy ý nghĩa của tử tế trong cuộc sống là gì ? Liệu nếu một ngày nào đó sự tử tế không còn nữa mà thay vào là những hành động mang tính đồi bại bao trùm lên xã hội thì sẽ như thế nào? Sự tử tế luôn thước đo để đánh giá con người. Sống tử tế giúp mỗi người sống vui vẻ, góp phần tạo nên mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn, xã hội tiến bộ, văn minh hơn. Khi con người biết sống tử tế với nhau thì xã hội sẽ phát triển lành mạnh, đạo đức được đề cao, lan tỏa tình yêu thương, đề cao vai trò của pháp quyền, thế giới không còn bạo lực chiến tranh.

Tử tế giúp ta giao tiếp tốt và có lòng trắc ẩn sâu sắc, tạo ra nhiều nguồn lực tích cực hơn trong cuộc sống của mỗi con người. Nhờ tử tế con người luôn biết đồng cảm, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn trong mọi vấn đề, mọi tình huống. Nó giúp con người nhận thức hành động của bản thân, biết kiểm soát bản thân, đối nhân xử thế một cách đàng hoàng, tế nhị với nhau. Biết cống hiến nhiều hơn là thụ hưởng, cho đi nhiều hơn là nhận về để luôn làm đẹp cuộc sống xung quanh.

Tử tế không chỉ giúp một ai đó vượt qua khó khăn mà còn là còn là sự sẻ chia, nâng đỡ, xoa dịu cho nhau những vết thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Sự tử tế là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong nhân cách của một con người.. Nó được hình thành từ nhiều yếu tố, chịu sự tác động của nhiều phương diện khác nhau. Đó là môi trường sống trong gia đình, nhà trường, môi trường ngoài xã hội và quan trọng nhất là sự tự ý thức, tự phấn đấu rèn luyện của mỗi cá nhân.

Giáo dục là một phương pháp có sức ảnh hưởng lớn và tác động mạnh mẽ đến nhân cách con người. Vì thế những người làm công tác giáo dục, các bậc phụ huynh, các anh, chị,... những tầng lớp đi trước phải luôn là tấm gương mẫu mực về lối sống tử tế cho các thế hệ sau noi theo. Cộng đồng, xã hội hãy luôn là cầu nối gắn kết mọi sự yêu thương lan tỏa những hành động đẹp, nghĩa cử cao thượng đến với mọi người. Nó khiến sự tử tế được nhân rộng hơn trong cuộc sống. Chúng ta cần phải lựa chọn những cách ứng xử khác nhau phù hợp với lối sống, đạo đức, chuẩn mực của xã hội.

“Sự tử tế” dù nhỏ đến đâu cũng không bao giờ là lãng phí”. Một hành động, một lời nói, cử chỉ, hay đơn giản là một nụ cười cũng thể hiện bạn là người tử tế hay không. Tử tế tạo nên giá trị bản thân và luôn được người khác yêu mến, tôn trọng. Thiếu tử tế được xem là vấn nạn của xã hội, làm mất đi sự lành mạnh, văn minh phát triển của xã hội. Vì thế ngay bây giờ hãy tử tế với chính mình và mọi người xung quanh bạn nhé!

Nghị luận xã hội về sự tử tế mẫu số 4

Cuộc sống hiện đại, chạy theo đồng tiền dễ khiến con người sẵn sàng đánh đổi tất cả kể cả nhân phẩm của mình. Đó cũng chính là lý do làm cho cuộc sống hiện nay không còn quá nhiều những con người sống tử tế.

Bàn về lối sống tử tế, vậy cần hiểu như thế nào là người tử tế. Có rất nhiều cách để khái niệm người tử tế, nhưng đối với bản thân tôi, tôi hiểu người tử tế là người thật thà, ngay thẳng, không gian dối, làm việc bằng chính sức lao động của mình, không trộm cắp… Tóm lại người tử tế là người từ phong cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói và lối sống đều ngay thẳng, trước sau như một.

Tại sao chúng ta cần nhiều hơn cho xã hội những con người tử tế? Bởi lẽ một xã hội mà nhiều người tử tế thì xã hội đó sẽ văn minh hơn, đất nước mà có nhiều người tử tế thì đất nước đó sẽ là một đất nước mạnh về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị.

Làm người tử tế được lợi gì? Một câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta, bản thân con người luôn phân thành hai nhánh, một thiện, một ác, vậy nếu chúng ta không sống cho tử tế để phần thiện che lấp phần ác thì chúng ta nhanh chóng dễ bị tha hoá và trở nên xấu xa, sống tử tế luôn được mọi người kính trọng, yêu quý và tin tưởng, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, cuộc sống luôn ngập tràn hạnh phúc hơn.

Sống cho tử tế là chúng ta đã sống có ích, tạo ra được giá trị cho xã hội và đúng với hai chữ “con người”. Xã hội hiện nay bên cạnh số ít những con người tử tế thì còn lại số đông là những con người vô cảm, vô văn hoá thậm chí cả xấu xa. Có nhiều nguyên nhân gây ra lối sống như vậy. Do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại và đặc biệt sự chi phối của đồng tiền quá lớn. Do sự giáo dục của nhà trường mà nên, đa số những người này là những người ít học, lười lao động. Sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ đến con em, các bậc phụ huynh quá nuông chiều con mình, vô hình dung đã tạo ra sự buông lỏng và dễ dẫn các em đến con đường ăn chơi sa đọa. Do chính bản thân họ là những người không muốn vươn lên, sống mà chỉ biết phụ thuộc, thích dựa dẫm vào người khác, sống ích kỉ, tìm mọi cách để gian dối mỗi khi gặp khó khăn và đó chính là văn hoá đổ lỗi.

Từ những nguyên nhân đó, con người cần có thêm những biện pháp để thay đổi cách sống trên. Nhà trường cần có những thay đổi trong phương pháp giáo dục. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con em mình, tránh chiều chuộng quá mức. Bản thân mỗi người phải nhận ra tầm quan trọng của việc sống tử tế, luôn đề phòng và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Tóm lại thì mỗi chúng ta hãy sống tử tế, sống tử tế có nghĩa là bạn đã tạo ra được giá trị cho xã hội. Ông cha ta xưa có câu “tiên học lễ hậu học văn”, ngụ ý muốn răn dạy con cháu cần chú trọng trong việc rèn luyện đạo đức nhân cách, lễ là nhân cách, văn là nhận thức hiểu biết, vậy muốn nhận thức đầy đủ và hiểu biết nhiều người ta phải xây dựng nhân cách và bản chất thật tốt. Hãy sống tốt đời đẹp đạo, hãy sống cho tử tế và thật dễ thương vì cuộc đời vốn dễ ghét.

Nghị luận xã hội về sự tử tế mẫu số 5

Một vài năm gần đây, nhất là trong và sau đại dịch, người ta nhắc nhiều đến cụm từ "sự tử tế". Dần dần, "sự tử tế" đã trở nên quen thuộc và trở thành lối sống đáng học tập, ngưỡng mộ

Tử tế không chỉ là một đức tính mà còn còn phát triển trở thành một lối sống đẹp. Ta có thể lí giải đó là việc đối xử tốt với mọi người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người kém may mắn hơn mình nếu có điều kiện. Sống tử tế chính là cách sống của con người văn minh, được giáo dục tốt, là phẩm chất đáng quý của thời đại.

Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời cơ cực, phải chịu nỗi bất hạnh, đau khổ. Việc chúng ta dùng tấm lòng tử tế để yêu thương, đùm bọc họ cũng giúp làm dịu đi phần nào nỗi buồn mà họ phải chịu đựng. Mỗi năm, vào mùa mưa bão, "khúc ruột" miền Trung thân yêu đều phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nặng nề do mưa lớn. Những con người tử tế đã không quản ngại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt để hướng về miền Trung. Họ đến thăm nom, động viên bà con, góp chút của cải trao cho mỗi người một ít, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau cơn lũ. Qua đó, có thể thấy được rằng sự tử tế chính là hành động đẹp nhất mà con người dành cho nhau, là bàn tay nâng đỡ con người thoát khỏi nghịch cảnh. Những người có tấm lòng cao cả, tốt đẹp cũng nhận về sự biết ơn và cảm kích của những người xung quanh. Từ đó, các mối quan hệ trong cộng đồng càng trở nên khăng khít, gắn bó.

Sự tử tế không phải là điều hiển nhiên dễ dàng có được. Mỗi cá nhân cần không ngừng rèn luyện bản thân thì mới có được lối sống tốt đẹp ấy. Chúng ta phải bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Thế hệ tương lai cần biết được điều gì nên làm còn điều gì không, xem xét những hành động nào là thật sự tốt, cho đi tình yêu thương như thế nào mới là đúng đắn. Tiếp theo, hãy rèn luyện ý thức của bản thân, học cách đối nhân xử thế, lối ứng xử văn minh lịch sự. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta làm đều phải xuất phát từ tấm lòng trong sáng, thiện lương. Có như vậy, sự tử tế mới đem lại được những giá trị thật sự.

"Vậy suy cho cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người". Câu nói được trích từ chương trình "Việc tử tế" của đài Truyền hình VTV đã cho ta thấy được bản chất của sự tử tế. Đó chính là tình yêu thương, lòng đồng cảm và mong muốn được chia sẻ giữa người với người.

Nghị luận xã hội về sự tử tế 200 chữ

Đoạn văn nghị luận về sự tử tế mẫu 1

Mỗi con người được học hỏi rất nhiều điều hay lẽ phải và cũng rèn luyện nhiều đức tính quý báu. Một trong số đó phải kể đến chính là sự tử tế. Sự tử tế là tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác. Người sống tử tế là những người sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Họ cũng là những người sống và làm việc có kỉ luật, biết lễ phép, yêu thương chan hòa, hướng đến và làm theo những điều tích cực. Những người sống tử tế sẽ lan tỏa được những hành động, thông điệp tích cực ra cộng đồng. Việc sống tử tế mang lại cho con người nhiều ý nghĩa to lớn. Khi người giúp đỡ người, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn. Một người làm cha, làm mẹ khi có lối sống tử tế sẽ làm gương cho con cái của mình, cho thế hệ măng non sau này làm theo, từ đó làm nền tảng để xây dựng một xã hội tử tế. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… những người này cần phải xem xét lại chính mình. Để sống thì dễ nhưng để sống có ích lại là việc vô cùng khó, chính vì thế, chúng ta hãy sống thật tử tế.

Đoạn văn nghị luận về sự tử tế mẫu 2

Một trong những đức tính quý báu mà mỗi con người cần có trong cuộc sống này ở mọi thời đại chính là sự tử tế. Sự tử tế được hiểu là tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác. Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Có không ít những con người sống và hành động tử tế được mọi người biết đến và tôn trọng, trong đó không thể không nhắc đến ca sĩ Thủy Tiên. Trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, cô đã không ngần ngại đứng lên quyên góp và giúp đỡ đồng bào miền Trung bằng sức lực và tiền của của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích. Mỗi con người được tự lựa chọn cho mình cách sống. Hãy sống sao để được mọi người yêu quý, tôn trọng và học hỏi theo những điều mình nghĩ, những việc tử tế mà mình làm.

Đoạn văn nghị luận về sự tử tế mẫu 3

William Wordsworth nhà thơ nổi tiếng người Anh từng nói "Phần đẹp nhất trong đời một người tốt là những hành động tử tế và yêu thương nhỏ bé, vô danh không được nhớ đến". Thật vậy, cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn bởi con người biết dành cho nhau tình yêu thương chân thành và sự tử tế đáng quý. Sự tử tế là một biểu hiện cao đẹp của tình yêu thương, đó là tận tâm, chu đáo dành cho những người xung quanh. Người sống tử tế là những người sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ những người kém may mắn hơn mình. Sự giúp đỡ ấy có thể là những giá trị vật chất, cũng có thể là những giá trị tinh thần, đó có thể là một lời động viên, an ủi hay đơn giản là một vòng tay ấm áp, một ánh mắt chân thành. Sự tử tế là hành động đẹp nhất mà con người dành cho nhau, nó có thể xoa dịu mọi nỗi đau, là bàn tay nâng đỡ con người khỏi những nghịch cảnh, thử thách. Khi biết trao đi sự tử tế, con người ta cũng sẽ nhận lại sự tử tế bởi những điều tốt đẹp có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ. Người sống tử tế sẽ nhận lại tình yêu thương, kính trọng từ những người xung quanh. Thử nghĩ xem, nếu một ngày nào đó, sự tử tế không còn, thay vào đó là sự lạnh lùng, vô cảm ngự trị thì cuộc sống sẽ đáng sợ biết bao? Khi đó con người chỉ biết sống cho riêng mình, sống bằng bản năng tầm thường. Trong cuộc sống cũng có không ít những người sống vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại. Ta từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn về sự vô cảm, đó là hành động hôi của khi người khác không may gặp tai nạn trên đường, là thờ ơ trước lời cầu cứu của người gặp nạn,...Để làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và tạo dựng những điều tốt đẹp, mỗi chúng ta cần chú ý rèn luyện đạo đức, hoàn thiện nhân cách. Hãy học cách yêu thương và trao đi yêu thương bằng những hành động tử tế vì "Cho đi là nhận lại".

(Nguồn: Sưu tầm & tuyển chọn)

Một số câu chuyện về sự tử tế dùng làm dẫn chứng cho bài nghị luận về sự tử tế

- Anh bảo vệ dân phố khu phố 10 Lê Trường Hải (P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP.HCM). Chàng trai 29 tuổi đã tham gia trên 100 vụ bắt trộm, cướp cùng các anh em khác mang lại sự bình yên cho cộng đồng. Những câu chuyện kể về anh thật sự xúc động, với tấm lòng quả cảm nhân ái, mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng anh đã có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội như quyên góp tiền giúp đỡ người nghèo, giúp người gặp hoạn nạn nhất là trong thời kỳ TP.HCM đang ở giai đoạn đỉnh dịch Covid-19… Lê Trường Hải đã nhận được rất nhiều bằng khen từ các cơ quan, tổ chức xã hội: giấy khen từ Giám đốc Công an TP.HCM về "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2021", "Thanh niên sống đẹp, sống có ích" năm 2021 của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Q.Bình Tân…

- Câu chuyện về Nguyễn Trung Hiếu, một cậu bé 17 tuổi có tâm hồn đẹp được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Được biết, vào ngày 21/02/2023 tại hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, một chiếc xe hơi chở 4 người lao xuống hồ, trong đó có 2 người mở được cửa xe bơi vào bờ kêu cứu nhưng vẫn còn 2 người trong xe. Lúc ấy, khi chạy xe máy ngang qua, Hiếu không suy nghĩ nhiều, cậu nhảy xuống hồ cứu hai người đang mắc kẹt ra khỏi xe. Hiếu trả lời khiêm tốn khi được hỏi cậu không sợ hãi khi nhảy xuống sông giữa trời đêm lạnh như thế? Hiếu nói khi nghe người khác kêu cứu em không suy nghĩ nhiều nên đã lao xuống nước. Ngay sau đó, Trung ương Đoàn đã trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho cậu thanh niên ấy.

- Câu chuyện về Bùi Hải An (Học sinh lớp 11 tại Nam Định) được biết vào ngày 31/07/2022 hai người đi xe máy trên đường sông Múc ở xóm 10, xã Hải Trung không may lao xuống hồ, khi phát hiện có người đang chơi với dưới hồ, cậu bé đã nhảy xuống đưa người đuối nước vào bờ. Hành động dũng cảm của Bùi Hải An được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được cơn bão “tim” từ cộng đồng mạng.

- Hành động xông vào giặc lửa cứu sống bé gái 14 tuổi vào trưa ngày 12/1 ở Hà Nội của anh Trung Văn Nam (34 tuổi, quê tại thôn Ngư Thôn Đại Bản, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa; ngụ tại huyện Thường Tín, Hà Nội) đã được xã hội ghi nhận và sẽ mãi là hình ảnh đẹp, là điều tử tế cần được lan tỏa. Anh đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì có hành động dũng cảm cứu người.

- Đại úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai đã có hành động dũng cảm cứu 4 người đang bị đuối nước, được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng thưởng Huân chương dũng cảm ngày 13/4/2022.

- Anh Chu Quang Sao (ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) - "người hùng" đã cứu bé gái bị mắc kẹt giữa dòng nước chảy xiết đưa vào bờ an toàn. Trước đó, anh cũng nhiều lần cứu giúp người khi gặp khó khăn hoạn nạn. Ngày 20/4/2022, anh Sao được Tỉnh đoàn Thái Nguyên trao tặng bằng khen vì "đã có hành động đẹp lan tỏa trong cộng đồng xã hội".

* Tìm hiểu thêm những mẩu chuyện hay về việc tử tế, người tử tế trong xã hội khác để có thêm những dẫn chứng sinh động cho bài văn của mình.

   Trên đây, Đọc Tài Liệu đã hướng dẫn các em cách làm đề văn nghị luận về sự tử tế. Các em hãy kết hợp với những hiểu biết thực tế cùng dẫn chứng cụ thể của mình để tự hoàn thiện bài văn nhé. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn nghị luận xã hội lớp 12 và văn mẫu 12 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em làm bài tốt và đạt điểm cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM