Nghị luận xã hội về sự ích kỷ (TOP 5 bài văn hay nhất)

Xuất bản: 13/11/2023 - Tác giả:

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ, hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và tham khảo TOP 5 bài văn nghị luận hay bàn về sự ích kỷ trong cuộc sống hiện nay, lối sống ích kỷ rất tiêu cực và nguy hại đến xã hội

Hướng dẫn chi tiết cách làm bài văn nghị luận xã hội về sự ích kỷ do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn có kèm theo một số bài văn mẫu hay giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn nghị luận.

Trước tiên, chúng ta cùng suy ngẫm về hai mẩu chuyện về sự ích kỷ ở đời sau đây:

Hai mẩu chuyện nhỏ về sự ích kỷ

Câu chuyện thứ nhất “Ngôi nhà bị cháy

Một người đàn ông có việc cần phải đi xa. Khi trở về nhà, ông ta thấy ngôi nhà của mình đang bị cháy, đó là một trong những ngôi nhà đẹp nhất trong thành phố. Và người đàn ông này cũng rất yêu ngôi nhà của mình. Nhiều người từng sẵn sàng trả gấp đôi số tiền so với giá trị thực của ngôi nhà nhưng ông chưa từng đồng ý. Vậy mà bây giờ, căn nhà đang chìm trong biển lửa trước mắt ông.

Hàng trăm người đã tụ tập quanh đó, nhưng chẳng thế làm gì vì ngọn lửa lan quá nhanh và dù có dập tắt được nó thì cũng khó mà cứu vãn được điều gì. Nhìn ngôi nhà đang bốc cháy người đàn ông vô cùng buồn bã. Trong lúc đó, cậu con trai thứ nhất chạy đến và thì thầm vào tai ông: “Đừng lo, hôm qua con bán nó với mức giá rất hời rồi ạ. Vụ mua bán rất tốt và con không thể chờ cha được. Xin hãy thứ lỗi cho con”.

Nghe vậy, người cha vui mừng nói: “Cảm ơn chúa, giờ thì nó không phải của chúng ta rồi”. Sau đó, ông ta bình thản đứng nhìn đám cháy như những khán giả khác. Sau đó, cậu con trai thứ lại chạy tới nói với cha: “Cha đang làm gì thế? Ngôi nhà đang cháy mà sao cha cứ đứng đó nhìn mà không làm gì?”. Người cha đáp: “Con không biết là anh con đã bán nó rồi ư?”.

Cậu con trai thứ hai nghe vậy liền trả lời: “Bọn con mới chỉ lấy trước một ít tiền cọc thôi, vụ mua bán còn chưa hoàn thành. Con nghĩ bây giờ vị khách kia sẽ chẳng mua nó nữa đâu”. Những giọt nước mắt biến mất giờ lại dâng đầy trong mắt người đàn ông, tim ông ta bắt đầu đập mạnh, tay chân run rẩy.

Thế rồi, cậu con trai thứ ba lại chạy đến và nói: “Người đàn ông đó biết giữ lời lắm, con vừa đi gặp ông ấy về”. Cậu tiếp tục nói sau khi thở hổn hển: “Ông ấy bảo dù nhà có cháy hay không cháy thì nó cũng đã là của ông ấy. Và ông ấy sẽ trả đúng mức giá đã thỏa thuận. Vì cả ông ấy và chúng ta đều không biết là ngôi nhà sẽ bị cháy”.

Sau khi nghe vậy, người đàn ông và ba cậu con trai lại thản nhiên đứng nhìn ngôi nhà bị cháy mà không có một chút lo lắng nào.

Câu chuyện thứ hai “Con ngựa ích kỷ

Ngày xửa ngày xưa, có một nhà buôn nọ có một con ngựa và một con lừa. Một hôm, anh ta có đơn hàng nên phải vận chuyển một số lượng lớn hàng hóa đến một thành phố khác. Vì thế, anh ta chất đầy hàng lên con lừa rồi cưỡi ngựa lên đường. Đó là một ngày nóng bức. Vì phải chở quá nhiều đồ nên chú lừa nhanh chóng bị kiệt sức. Thấy vậy, chú hỏi con ngựa rằng “Liệu anh có thể chở giúp tôi một ít đồ được không?”, nhưng con ngựa lại đáp rằng “Đó đâu phải việc của tôi”.

Chẳng bao lâu, con lừa không thể chịu nổi nên đã ngã quỵ ở giữa đường. Người đàn ông thì vẫn muốn tiếp tục hành trình để chuyến hàng không bị chậm trễ. Vì thế, anh ta đã chuyển toàn bộ số hàng hóa trên lưng lừa sang lưng ngựa để tiếp tục lên đường. Lúc này, khi phải cõng thêm số hàng hóa nặng như vậy trên lưng ngựa mới thầm nghĩ “Giá mà lúc trước mình giúp lừa thì bây giờ không khổ như vậy rồi”, nhưng mọi chuyện đã muộn rồi.

=> Cả hai câu chuyện đều phản ánh “sự ích kỷ” - một đặc điểm rất phổ biến ở tính cách con người. Qua hai mẩu chuyện, chúng ta rút ra được bài học: Phàm ở đời chúng ta sẽ không ai biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì vậy nên giúp người khác cũng chính là giúp chính mình.

Dàn ý nghị luận xã hội về sự ích kỷ

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Sự ích kỷ và lối sống ích kỷ trong cuộc sống.

2. Thân bài nghị luận về sự ích kỷ

a. Giải thích

- Ích kỷ là một biểu hiện của lối sống tiêu cực, người có tính kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến những lợi ích cho mình, luôn so đo, suy tính làm sao để mình được lợi, không bao giờ suy nghĩ đến người khác, thậm chí không ngại làm tổn thương hay chà đạp người khác.

b. Bàn luận

* Biểu hiện của sự ích kỷ:

- Không quan tâm đến những người thân trong gia đình, vì mình mà bắt mọi người phải làm theo ý muốn của mình.
- Luôn muốn kiểm soát mọi mặt cuộc sống của mình và những người xung quanh bằng mọi giá.
- Trong quá trình làm việc, tính cạnh tranh trong công việc làm lộ rõ bản chất của người ích kỷ, họ chỉ mong nhận công việc nhẹ nhàng, trốn tránh việc khó và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
- Chỉ nghĩ về bản thân và luôn coi nhu cầu của bản thân là ưu tiên hàng đầu
- Luôn lợi dụng tình thế để chuộc lợi cho bản thân
- Thường sống rất cô lập, bởi ngoài bản thân mình ra họ không quan tâm đến những người xung quanh, đây là một lối sống tiêu cực và có thể gọi là bệnh ích kỷ.
- Không bao giờ chia sẻ với người khác bất cứ thứ gì, luôn phàn nàn về mọi thứ tới mức thái quá.
- Chỉ tuân theo một thói quen hoàn toàn phù hợp với vùng an toàn của họ và tránh bất kỳ thay đổi nào, bất kể trong hoàn cảnh nào.

* Hậu quả, tác hại của việc sống ích kỷ:

- Căn bệnh ích kỷ khiến cá nhân con người ngày càng trở nên xấu tính, lòng dạ hẹp hòi và tự mình tách biệt ra khỏi mọi người, sống lâu với căn bệnh ích kỷ sẽ biến con người ta trở nên cô đơn, bị mọi người xung quanh ghét bỏ, xa lánh.
- Làm suy giảm tình yêu, làm tâm hồn con người trở nên khô khan, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không chú tâm đến người khác.
- Một xã hội ích kỷ là một xã hội suy đồi và xuống cấp, thối nát đạo đức và vô nhân đạo, sẽ chẳng có tình thương nào được hiện diện khi con người chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.
- Khiến các mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trở nên căng thẳng, gay gắt hơn.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của xã hội.

* Bài học, lời khuyên về từ bỏ lối sống ích kỷ

- Mỗi người biết nhận ra và từ bỏ thói ích kỷ.
- Biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh.
- Đừng bao giờ mong đợi lời khen từ người khác
- Khi được đóng góp ý kiến bao gồm cả những lời chê bai hay khiển trách, đừng nghĩ rằng mình đang bị hãm hại. Thay vào đó hãy nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, tiếp thu ý kiến và thay đổi bản thân để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
- Từ bỏ thói quen đố kỵ với người khác, thay vì tập trung vào bản thân thì hãy ghi nhớ ngày sinh nhật của đồng nghiệp, hoặc là ngày kỷ niệm quan trọng nào đó giữa bạn và mọi người.
- Học cách yêu thương và chia sẻ với mọi người xung quanh.
- ...

3. Kết bài

- Khẳng định lại suy nghĩ, thái độ về sự ích kỷ: Sống ích kỷ là một lối sống tiêu cực, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách con người, các mối quan hệ giữa con người với nhau và đặc biệt là sự phát triển của xã hội.

- Rút ra bài học cho bản thân.

Đoạn văn ngắn nghị luận về sự ích kỷ

Đoạn văn mẫu 1

Thuật ngữ "lối sống ích kỉ" không còn quá xa lạ với chúng ta. Đây là một vấn đề phức tạp trong xã hội, tồn tại từ rất lâu và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để. Những người sống theo lối ích kỉ thường chỉ quan tâm đến bản thân mình, không để ý đến người khác. Họ thường muốn nhận thêm, lấy thêm mà không có ý chia sẻ. Tính ích kỉ này khiến họ tự đóng mình trong một chiếc hộp kín, cách biệt với cộng đồng, trở thành những người cô độc, thậm chí bị xã hội tẩy chay, xa lánh. Không ai muốn giao lưu hay kết bạn với những người ích kỉ. Những cá nhân này thường dẫn đến các hành động, suy nghĩ đen tối nhằm thỏa mãn tham vọng cá nhân, mặc kệ sự bất lợi đối với người khác. Để đối phó với hiện tượng này, chúng ta cần tập trung vào giáo dục sự yêu thương và ý thức chia sẻ ngay từ khi còn ở độ tuổi nhỏ. Chỉ khi mỗi cá nhân hiểu được ý nghĩa và niềm vui của yêu thương và chia sẻ, họ mới có thể từ bỏ lối sống ích kỉ. Khi đó, chúng ta sẽ xây dựng được một cộng đồng đoàn kết, nơi ấm áp tình người.

Đoạn văn mẫu 2

Cuộc sống vốn dĩ toàn một màu u ám, không phải một xứ sở diệu kì nơi sự tốt bụng và vị tha lên ngôi. Cuộc sống hiện nay với sự xuống cấp của đạo đức, bầu trời trong xanh chuyển dần thành màu xám đục, hỗn loạn và đầy vết bẩn một phần đóng góp không nhỏ chính vì sự ích kỉ và lòng tham của con người. Con người luôn kêu gào họ cô độc, họ không được quan tâm để ý nhưng chính họ lại chẳng hề mảy may đến người khác. Ích kỉ, ích kỉ và ích kỉ, nó tạo nên một xã hội toàn sự tư lợi và bất nhân. Bạn có biết về những quan chức cấp cao, họ luôn nói vì dân thương dân mà làm tất cả nhưng khi vén bức màn sự thật, tất cả chỉ là những kẻ đó đang nuôi “hầu bao” ngày một lớn, sự ích kỉ và lòng tham xui khiến những con người không ngừng biến chất tha hóa. Có đôi lúc họ sống chỉ biết chăm chăm lợi ích của bản thân mà chà đạp lên tình thương, sự quan tâm và lợi ích của người khác. Cái đau đớn xót xa nhất của toàn nhân loại là loài người đang dần tách ra, chà đạp lẫn nhau để đạt được những thứ mình muốn. Ích kỉ dần trở thành một lối sống tiêu cực nên nó sẽ sinh ra sự thù hận và ghen ghét, đố kị nếu ai đó có được nhiều lợi ích hơn mình. Người ta sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ từ tình bạn tình yêu đến tất cả những mối quan hệ mình có, đôi khi là cả tình thân để đánh đổi một thứ lợi ích tầm thường không đáng. Nhưng có một sự ích kỉ trong cuộc sống được người ta thừa nhận đó chính là sự ích kỉ trong tình yêu. Tình yêu là thứ tình cảm giữa hai người, vốn dĩ không dành cho người thứ ba, chính vì vậy khi xuất hiện một điều trái lẽ tự nhiên, người ta sinh ra sự ích kỉ, sự sở hữu vốn có trong bản tính con người. Bên cạnh đó, chúng ta nên lên án mạnh mẽ những kẻ sống thờ ơ vô cảm như một anh thanh niên nhìn thấy một cụ già bị ngã nhưng không chịu dừng lại dù chỉ một phút để đỡ bà cụ dậy vì một lí do đơn giản: “Không thể đến lớp trễ, sẽ bị cô giáo phạt nặng mất”. Hay những kẻ chỉ biết đến bản thân, không bao giờ nhường nhịn vì người khác. Ta nên chọn một loại thuốc hữu hiệu cho căn bệnh thế kỉ ấy để cuộc sống trở nên tươi đẹp.

Đoạn văn mẫu 3

Viên thuốc độc duy nhất bóp chết tâm hồn con người bằng vị đắng và sự khắc nghiệt chính là sự ích kỉ. Nó nảy sinh từ lòng ganh ghét, đố kị và không gian hạn hẹp trong tâm hồn khi ta sống trong một tập thể, cộng đồng.

Tính ích kỉ thể hiện ở nhiều khía cạnh, có thể là sự không muốn chia sẻ vì sợ tổn thương bản thân hơn, hay sự hẹp hòi trước lỗi lầm của người khác. Nhưng hãy tự hỏi, trong cuộc sống này, ai hạnh phúc hơn, ai thành công hơn? Việc chia sẻ với mọi người đồng nghĩa với việc bạn đang ghép cho trái tim mình những tế bào nhân ái mạnh khỏe, trong khi tính ích kỉ chỉ làm già nua cảm xúc và tâm hồn. Ích kỉ không chỉ làm bạn tách bản thân khỏi mối quan hệ với mọi người và cộng đồng mà còn đẩy lùi tình cảm ấm áp của nhân loại. Hơn nữa, tính ích kỉ còn là "con virus" đẩy lùi sự phát triển văn minh con người, đặc biệt là dẫn tới hệ lụy căn bệnh vô cảm. Chỉ vì sự ích kỉ, sự chú ý quá mức đến bản thân mình mà không ít gia đình, người thân cùng hại nhau vì một lời nói, hành động không hài lòng, hoặc vì sự phân chia tài sản không công bằng của cha mẹ.

Chúng ta cần lên án những kẻ ích kỉ đồng thời nâng đỡ những người đang gặp khó khăn trước virus ích kỉ. Hãy trân trọng lòng tốt trong mỗi người và xây dựng một cuộc sống phong phú hơn khi đối mặt với thực tế tiêu cực - sự ích kỉ, đương nhiên, sự oán hờn sẽ tràn ngập nếu chúng ta lựa chọn xuôi theo hướng đó.

TOP 5 bài văn hay nghị luận xã hội về sự ích kỷ và lối sống ích kỷ

   Dưới đây Đọc Tài Liệu đã sưu tầm, tổng hợp gửi đến các em tham khảo một số bài văn mẫu nghị luận xã hội về sự ích kỷ. Hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cũng như mở rộng vốn từ ngữ cho bài văn sắp viết.

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ bài số 1

Mỗi ngày qua, chúng ta lại có thêm một bài học quý giá từ cuộc sống và có thêm cơ hội để hoàn thiện chính mình, gạt bỏ đi cái xấu và vun đắp thêm cái tốt. Gạt bỏ thói ích kỷ là điều mỗi người nên làm, bao dung và vị tha là phẩm chất chúng ta cần rèn luyện.

Nghiêm khắc với bản thân và hãy bao dung rộng lượng với mọi người. Sự bao dung có thể biến một người tầm thường trở nên vĩ đại. Ngược lại, sự ích kỷ có thể hủy hoại một con người. Người bao dung luôn biết nghĩ đến người khác, sẵn sàng tha thứ cho người khác khi phạm sai lầm. Người sống ích kỉ luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, họ luôn lấy lợi ích cá nhân làm thước đo mọi giá trị. Họ không dễ tha thứ nếu ai đó làm tổn thương mình. Trong mỗi người đều tồn tại lòng ích kỉ, nhưng quan trọng là ý chí có đủ mạnh để chế ngự điều đó hay không. Ích kỉ dễ dẫn dắt con người đi đến tội lỗi, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, mà còn làm hại chính người đã “nuôi dưỡng” nó. Nếu bạn nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, luôn ép người khác làm theo ý của mình, không thích chia sẻ hay giúp đỡ người khác, đó chính là những biểu hiện của sự ích kỷ. Một người có lối sống ích kỉ thì đối với họ, giá trị tinh thần, chuẩn mực đạo đức, không có ý nghĩa gì. Họ không xem trọng trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, thờ ơ trước niềm vui cũng như nỗi buồn của người khác.

Nếu không cương quyết đấu tranh với lối sống ích kỷ, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang dung túng, tạo điều kiện cho lối sống đó phát triển. Từ đó, dẫn đến sự tha hóa về nhân cách, giá trị đạo đức truyền thống bị xuống cấp. Sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng, thì chúng ta mới trở thành con người hoàn thiện về nhân cách, đạo đức. Bản thân của mỗi người phải nhận thức rõ tác hại của lối sống ích kỷ, luôn biết lắng nghe là yếu tố quan trọng giúp bạn loại bỏ tính ích kỷ. Thay vì chỉ biết sống cho riêng mình, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm với họ. Vì quyền lợi của bản thân, người ích kỷ có thể làm tổn hại đến người khác. Để loại bỏ thói ích kỷ, chúng ta nên tham gia vào hoạt động xã hội và trải nghiệm cách sống “mình vì mọi người, mọi người sẽ vì mình”. Bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau và rồi bạn sẽ thấu hiểu, quan tâm đến người khác nhiều hơn. Nếu cứ mãi sống ích kỷ, cho dù bạn có giàu sang thì vẫn bị mọi người xem thường, xa lánh. Trái lại, dù nghèo khổ nhưng nếu có một tấm lòng bao dung, chân thành thì bạn sẽ luôn được mọi người yêu quý, cảm phục.

Hãy đem niềm vui đến cho mọi người, rồi bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc thật bình thường và vô cùng giản dị.

(Nguồn: Minh Uyên)

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ bài số 2

Mỗi chúng ta đều được tôn trọng và coi là một cá thể riêng biệt, có cái “tôi” riêng của mình. Nhưng khi cái “tôi” được đề cao quá lên, nó trở thành một tích cách không ai mong muốn - sự ích kỷ.

“Ích kỷ” bắt đầu từ chữ "I" - trong tiếng Anh, nó gọi là chữ “tôi”. “Kỷ” chính là cái riêng, là “tôi” còn “ích” được hiểu trong từ “lợi ích”. Khi cái “tôi” chỉ biết nghĩ cho mình, cho lợi ích của mình mà không quan tâm đến lợi ích cộng đồng, thậm chí vì mình có thể làm ngơ, làm hại đến lợi ích cộng đồng, người đó trở nên ích kỷ, hẹp hòi.

“Ích kỷ” tồn tại dưới mọi hình thức và hành động từ nhỏ nhất. Ban đầu là việc chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Đó đơn giản có thể là khi một đứa trẻ có rất nhiều kẹo nhưng lại không muốn chia cho bạn bè của em, là một người khi giúp bạn mình phải tính thiệt hơn, trước sau để lợi ích và quyền lợi của mình có bị mất mát hay không. Bắt đầu từ sự tính toán, đến so đo xem làm có được lợi không, làm cái nào thì lợi hơn, tại sao người khác lại được hưởng nhiều hơn mình. Cao hơn, sự ích kỷ khiến con người ta có thể vì lợi ích bản thân mà chà đạp lên quy tắc, tình thương và lợi ích của người khác, của cộng đồng để làm thỏa mãn mình.

Đặc biệt là không bằng năng lực của mình mà nhờ vào những chiêu mẹo, mánh khóe. Những vụ quan chức cấp cao hiện nay, có những người là tổng giám đốc, bị bắt bởi tội tham nhũng là không hề ít. Mở rộng ra, sự ích kỉ đôi khi nằm ngay trong bản thân mỗi chúng ta, trong cách chúng ta đối xử với thiên nhiên tạo vật. Mạc Ngôn, một nhà văn lớn của Trung Quốc đã phải thốt lên: “Tôi cảm thấy nhân loại đang đối mặt với nguy hiểm lớn nhất, chính là sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và tham vọng ngày càng bùng phát của nhân loại. Với dục vọng bị kích thích của con người, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã đi chệnh khỏi quỹ đạo thông thường là để phục vụ nhu cầu sức khỏe của con người, thay vào đó là điên cuồng phát triển dưới sự dẫn động của lợi nhuận để đáp ứng - kỳ thực là nhu cầu bệnh hoạn của một số ít người giàu có”. Nhân loại đang điên cuồng bóc lột trái đất: Chúng ta làm đau những dòng sông, chúng ta làm đau những cánh đồng, chúng ta khoan vào trái đất trăm ngàn lỗ thủng, dùng sắt thép và xi măng xây nên những công trình kiến trúc kỳ quái, đặt cho nó cái tên mỹ miều là “thành phố”, chúng ta ở trong những thành phố này thoải mái phóng túng những dục vọng của mình, tạo ra những thứ rác rưởi vĩnh viễn khó mà tiêu hủy được. Đó chính là sự ích kỉ phục vụ cho lợi ích của mình, bất chấp lời kêu cứu của mẹ thiên nhiên.

Nhìn ngay những biểu hiện của sự ích kỉ, chúng ta cũng đủ thấy tác hại của nó. Sự ích kỉ quá đề cao cái “tôi” khiến cho con người bị cô lập, không thể kết nối với bên ngoài. Trong khi, mỗi cá nhân đều là một phần của tự nhiên, là một mảnh ghép của cộng đồng. Chẳng ai có thể sống một mình trên thế gian này. Và như thế, họ đang tự hủy hoại mình. Tệ hại hơn, họ lại lây lan sang người khác và cộng đồng. Khi những người ích kỷ, vụ lợi làm điều xấu mà được kết quả tốt, đó sẽ là con virus cực kì nguy hiểm kích phát những người khác làm theo. Một người ích kỉ - một người bị tụt lại nhưng hai người, ba người, một xã hội toàn ích kỉ, xã hội ấy chắc chắn sẽ chết trong sự mục ruỗng. Cũng chính sự ích kỉ của con người khiến cho thiên nhiên phải chịu đau đớn và mất mát. Hủy hoại môi trường sống xung quanh, khác nào ta đang hủy hoại chính mình. Ích kỉ xuất phát từ một chữ tôi nhỏ bé nhưng lại đem đến cái chết cho rất nhiều sự sống.

Sự ích kỉ ấy xuất phát từ cái “tôi” rất đỗi bản năng và tự nhiên của con người nhưng khi không được kiềm chế và thay đổi, ngược lại nó ngày càng phát triển. Nó “bọc kén” mọi cảm xúc và tình cảm tốt đẹp để sự tham lam thoát ra, kéo theo sự toan tính mà trở nên độc ác, không suy nghĩ, bất chấp hậu quả. Hiệu ứng đám đông dễ bắt chước, làm theo cùng với sự xô bồ, phức tạp của xã hội hiện đại chính là điều kiện thuận lợi để những “con sâu” ấy “làm rầu” cả nồi canh.

“Địa cầu bốn bề lửa khói, toàn thân run rẩy, biển cả kêu gào, cát bụi bay khắp nơi, hạn hán lũ lụt, bệnh tật lan tràn… đều liên quan đến sự phát triển bệnh hoạn của khoa học kỹ thuật dưới sự kích thích bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển.” (Mạc Ngôn), đến sự ích kỷ của loài người. Đã đến lúc chúng ta phải nói cho mọi người biết, đặc biệt là những người giàu có do sử dụng những thủ đoạn bất chính để đạt được tiền tài và quyền lực, họ là những người có tội, thần linh sẽ không bảo hộ cho họ. Chúng ta phải nói với những chính trị gia hư vinh rằng, cái gọi là lợi ích quốc gia không phải là tối cao nhất, điều cao cả chân chính nhất là lợi ích lâu dài của toàn nhân loại. Chúng ta cần hiểu rằng mọi người đều ngồi chung trên một chiếc thuyền, nếu thuyền chìm, cho dù có người mặc hàng hiệu, châu báu đầy người, hay là đơn sơ áo vải, vô danh tiểu tốt thì kết cục đều như nhau cả. Và trước hết, từ bản thân chúng ta cần rèn luyện để hạn chế, khắc chế cái “tôi” đang ngày càng lớn trong mình: học cách lắng nghe, ghi nhận, biết cách yêu thương, sẻ chia và có ý thức đối với chính mình.

Tuy nhiên “ích kỉ” không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn cái tôi của mình, trở nên bạc nhược, không có chính kiến hay không dám bảo vệ quyền lợi của mình. “Làm người không nên có cái tôi” nhưng cũng không được đánh mất chính bản thân mình.

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ bài số 3

Mỗi con người chúng ta khi mới sinh ra ai cũng như ai, cùng nằm ở vạch xuất phát nhận thức, chúng ta hoàn toàn bị tác động bởi thế giới khách quan bên ngoài. Dần dần theo thời gian, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà hình thành những tính cách, phẩm chất mang tính cá nhân của mỗi người, ai cũng có tính cách và phẩm chất riêng cho mình và không ai là người hoàn hảo. Tất cả đều cố gắng để trở thành người tốt đẹp, cố gắng loại trừ những thói xấu của mình, một trong những tính xấu mà con người ai cũng nên tránh xa đó chính là sự ích kỷ.

Vậy sự ích kỷ hay nói cách khác là tính ích kỷ là gì mà mọi người nên tránh xa? Có thể hiểu, ích kỷ là một biểu hiện của lối sống tiêu cực, người có tính kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến những lợi ích cho mình, luôn so đo, suy tính cốt làm sao để mình được lợi và không bao giờ suy nghĩ đến người khác. Người có tính ích kỉ không chỉ vì lợi ích của mình quên đi lợi ích của người mà còn sẵn sàng chà đạp, tranh giành cướp lấy lợi ích của người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người có tính ích kỷ biểu hiện rất rõ và cụ thể ngay trong những sự việc nhỏ nhất, ví dụ như không quan tâm đến những người thân trong gia đình, vì mình mà bắt mọi người phải làm theo ý muốn của mình. Trong học tập, người ích kỉ là người luôn e dè, ngại giúp đỡ bạn bè, sợ bạn sẽ hơn mình. Khi được bạn nhờ giải bài tập hay học cùng luôn tìm cách từ chối vì sợ mất thời gian học tập của mình, lại sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn mình.

Người ích kỉ là người chỉ biết đến sự giúp đỡ từ người khác mà không khi nào muốn giúp đỡ ai, không muốn giúp đỡ là vì không muốn vướng vào phiền phức, ngại khó, ngại khổ. Trong quá trình làm việc, tính cạnh tranh trong công việc làm lộ rõ bản chất của người ích kỉ, họ chỉ mong nhận công việc nhẹ nhàng, trốn tránh việc khó và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, sẵn sàng chà đạp lên công sức của người khác để biến thành của mình, cốt vì lợi ích của mình. Trong các mối quan hệ xã hội, người ích kỷ luôn có lòng đố kỵ, ganh ghét với những người hơn mình, dù trong hoàn cảnh nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, ví dụ như gặp người bị tai nạn không có ai giúp đỡ nhưng cũng không xuống giúp vì sợ muộn làm, sợ phiền phức. Những người có tính ích kỉ thường sống rất cô lập, bởi ngoài bản thân mình ra họ không quan tâm đến những người xung quanh, đây là một lối sống tiêu cực và có thể gọi là bệnh ích kỷ.

Căn bệnh này rất nguy hại và rất đáng báo động, bởi ích kỷ cũng là bệnh rất dễ mắc phải. Căn bệnh ích kỷ khiến cá nhân con người ngày càng trở nên xấu tính, lòng dạ hẹp hòi và tự mình tách biệt ra khỏi mọi người, sống lâu với căn bệnh ích kỷ sẽ biến con người ta trở nên cô đơn, bị mọi người xung quanh ghét bỏ, xa lánh. Khi họ không quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của người khác, không biết cách cảm thông chia sẻ và giúp đỡ người khác thì đến một ngày, chính họ sẽ là nạn nhân của sự thờ ơ, lãnh đạm đó. Bác sĩ vì đồng tiền trong túi mình mà sẵn sàng thờ ơ mạng sống của bệnh nhân, những quan tham vì tiền mà sẵn sàng tham ô của công, hưởng lợi trên cuộc sống nghèo khổ của nhân dân... Một xã hội ích kỷ là một xã hội suy đồi và xuống cấp, thối nát đạo đức và vô nhân đạo, sẽ chẳng có tình thương nào được hiện diện khi con người chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Xã hội chỉ toàn người ích kỷ sẽ không có sự đoàn kết, không thể tồn tại và phát triển, đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới.

Sống ích kỷ là một lối sống tiêu cực, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách con người, các mối quan hệ giữa con người với nhau và đặc biệt là sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn căn bệnh ích kỷ này, mỗi cá nhân hãy rèn luyện cho mình khả năng chủ động hòa nhập, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông với người khác.

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ bài số 4

Con người sinh ra trên cõi đời này, không có ai hoàn hảo. Bên cạnh những đức tính tốt đẹp còn có cả những điều chưa hoàn thiện, thậm chí là những thói xấu. Một trong những tính xấu nhất của con người đó chính là lòng tham và tính ích kỷ.

Trong đời sống hằng ngày, lòng tham và tính ích kỷ của con người được thể hiện rõ nét thông qua hành vi, lối sống của họ. Những người tham lam, ích kỷ luôn muốn mình hơn người khác, chỉ muốn giành lấy những công việc dễ, nhẹ nhàng và đùn đẩy những việc khó, nguy hiểm cho người khác. Đáng sợ hơn, có những người còn tìm cách để cướp công lao của người khác và trốn tránh trách nhiệm khi mình làm sai. Họ không giúp đỡ bạn bè, người thân hay hàng xóm láng giềng. Họ chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm đến những người khác, giúp đỡ người khác dù chỉ là một hành động nhỏ. Họ luôn tính toán, tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình, bất chấp cả việc chà đạp hay làm tổn thương ai đó. Lòng tham và tính ích kỷ đã khiến họ có những cách hành xử thiếu nhân văn, mất hết tính người, vô cảm, dửng dưng trước mọi hoàn cảnh, sự việc xảy ra xung quanh mình.

Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, thói tham lam, ích kỷ gây ra bao nhiêu tác hại không thể kể hết. Nó làm cho gia đình mất đi sự yêu thương giữa các thành viên với nhau, đó là một thói xấu đáng lên án bởi nó khiến cho ai đó trở thành một cá thể lập dị, tách biệt khỏi cộng đồng và bị xã hội lên án, mọi người xa lánh. Người xưa có câu: “Người chết vì tiền, chim chết vì mồi” quả không sai. Chỉ vì lòng tham và tính ích kỷ mà con người sẵn sàng làm hại nhau, làm thương tổn nhau, đánh đổi cả nhân cách để lấy những vật ngoài thân. Kết quả cuối cùng là “oan oan tương báo”, có những người làm việc xấu phải nhận cái kết bi thảm. Thật đáng buồn là có một số người đến phút chót, sắp từ giã cõi đời, mới nhận ra được lòng tham và sự ích kỷ của mình là sai lầm thì đã quá muộn.

Chúng ta thử nghĩ xem, tiền bạc của cải vật chất đều là những thứ ngoài thân, tham lam, ích kỷ, háo danh, trục lợi cuối cùng cũng chỉ là con số không tròn trĩnh đối với một đời người khi rời xa trần thế. Vậy nên khi ta còn sống trên cõi đời này hãy loại bỏ dục vọng, buông bỏ lòng tham, quay trở về với bản tính thật thà lương thiện, để sống một cuộc đời tốt đẹp, an nhàn, hạnh phúc. Bởi mọi vinh hoa phú quý trong thế gian này chỉ như mây khói thoảng qua, suy cho cùng chúng đều là hư vô. Có một điều chắc chắn rằng, khi lòng tham và thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là sự giả dối. Trong bất kỳ xã hội nào cũng vậy, nếu ta sống bằng lòng tham và tính ích kỷ thì sớm muộn gì ta cũng sẽ nhận lấy quả báo: bị xã hội loại bỏ, mọi người xa lánh, khinh bỉ… còn bản thân thì luôn sống trong sự đau khổ bởi những mưu mô, toan tính, xảo quyệt.

Loại bỏ lòng tham, tính ích kỷ là phẩm chất đạo đức lối sống mang một ý nghĩa sâu sắc chúng ta cần phải tu dưỡng rèn luyện nhân cách đạo đức “Thương người như thể thương thân”, ngay thẳng, thật thà, Trung, Tín, Nghĩa làm mục đích và lẽ sống của mình, nhằm góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp, những phẩm chất tuyệt vời nhất, góp phần tạo nên một xã hội đầy tình yêu thương và lòng nhân ái.

Tố Hữu đã từng nói: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Quả thật vậy, chỉ khi còn người sống biết sẻ chia, giúp đỡ, yêu thương người khác thì cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa và ta mới có thể nhận lại được sự giúp đỡ và sẻ chia từ mọi người. Còn nếu khư khư giữ bản tính ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình thì sẽ sớm bị loại trừ khỏi xã hội.

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ bài số 5

Người ta cho rằng “khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm một chút để thấy rằng: đằng sau vấn đề nổi cộm về một lối sống tiêu cực của con người là bài học vô cùng quý giá và sâu sắc. “Thói ích kỉ” trong nhận định trên nên được hiểu là lối sống thực dụng, vụ lợi, đặt quyền lợi, địa vị của bản thân lên trên hết, mà không coi trọng lợi ích của tập thể hay quyền lợi của người khác. Những người nhiễm “thói ích kỷ” nhất định thờ ơ với cộng đồng, thờ ơ với những người sống xung quanh. Bởi tôn chỉ của họ là “đèn nhà nhà nào rạng nhà ấy”, “sống chết mặc bay”. Hơn thế nữa, họ sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà bỏ qua lợi ích chung của tập thể, hoặc thậm chí là sẵn sàng gây tổn hại cho người khác.

Rõ ràng, trong ý niệm của những người nhiễm “thói ích kỷ”, không thể nào tồn tại hai tiếng “sẻ chia”. Bởi “sẻ chia” và “ích kỷ” là hai xu thế đối nghịch nhau. Nếu “ích kỉ” nghĩa là chỉ biết đến bản thân mình thì “sẻ chia” là hành động hướng về người khác, “thương người như thể thương thân”. Người có khả năng sẻ chia là người có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông và thấu hiểu. Thông qua sẻ chia mà trái tim được sưởi ấm, linh hồn được cứu rỗi và người gần người hơn, nhân tính hơn.

Sống trong cộng đồng, sẻ chia là cần thiết. Nhưng tiếc thay, “thói ích kỷ” vẫn đang tồn tại như một xu thế của xã hội hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của dành giật, bon chen và những toan tính vật chất. Nếu một ngày nào đó thế giới chỉ còn lại những người ích kỷ, thì đời sống còn gì ngoài những trao đổi, mua bán? Nếu mọi cá nhân đều vụ lợi, thực dụng thì bất kì điều gì người ta làm - “yêu”, ghét, cười, nói, ăn cắp, tặng quà, làm từ thiện hay dồn ép người khác vào đường cùng… - dù là việc gì đi nữa, tất cả chúng đều được thực hiện nhằm mục đích nào đó, với chủ ý nào đó.

Nơi mà ích kỷ trở thành lối sống của con người thì tình yêu và sự sẻ chia sẽ không còn đất sống. Người ta cũng yêu đó! Nhưng chỉ là “tỏ ra yêu”, “giả vờ yêu”, hoặc tự lừa bịp và ảo tưởng rằng mình yêu, để được thỏa mãn lòng tham hay những nhu cầu mà họ cố giấu. Nơi ấy, tình yêu và sự sẻ chia chỉ còn là “những giá trị lạc lõng”, con người tự đào mồ để chôn cất trái tim mình… Cuối cùng, giả vờ yêu cũng là điều khó nữa, sẽ có lúc trung tâm tình yêu co lại, con người đi đến lãnh cảm, lạnh lùng và khô cứng. Lạnh lùng và khô cứng - nên nhớ rằng đây là những tính chất của xác chết.
“Khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”.

Đây là một nhận định đúng đắn, được nêu ra như là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đã và đang nhiễm “thói ích kỷ”. Tuy nhiên, ta hãy đào sâu suy nghĩ thêm một chút. Liệu con người có thể sống hoàn toàn không ích kỷ ? Và liệu bạn có sẵn sàng luôn nhận phần thiệt thòi về mình? Vì điều gì? Theo tôi, vấn đề không nằm ở chỗ bạn có nên giữ trong mình một chút ích kỉ hay không, quan trọng là chúng ta hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình. Ích kỉ hay hi sinh đều là không cần thiết. Một người ích kỉ chẳng khi nào vui được, anh ta đã lãnh cảm rồi, sao còn vui được nữa? Người biết cách hy sinh vì người khác thì có vẻ hạnh phúc hơn, nhưng sự viên mãn của anh ta không tràn đầy, niềm vui của anh ta không trọn vẹn. Anh ta cảm thấy thiếu vắng hay mất mát thứ gì đó. Nhưng vì anh ta hữu ích và có chút khác thường nên những con người ích kỷ xung quanh cứ ca tụng anh ta, khiến anh ta có cảm giác rằng mình đã đúng. Không nên ích kỷ và cũng không nhất thiết phải hy sinh, vậy thì điều gì còn lại?

Có một điều may mắn là “thói ích kỷ” không thuộc về bản chất ban sơ của chúng ta, và “hy sinh” cũng không là bản tính của ta. Chúng chỉ là những phẩm chất khả dĩ mà ta tiếp thu và bộc lộ trong quá trình sống. Bên trong một người ích kỷ - nếu chưa đi đến lãnh cảm - thường khởi lên những “tiếng nói nội tâm” khi anh ta làm điều gì đó trái với bản tính của mình. Và “tiếng nói” ấy rất nhỏ bé, tinh tế, thậm chí là phi ngôn ngữ. Anh ta có thể đối diện với nó hoặc phớt lờ nó. Và dù anh ta có nhận ra hay không thì nó vẫn có đó. Nắm bắt được “tiếng nói nội tâm” là dần bắt đầu sống thuận với bản chất của mình. Sống thuận với bản chất của mình thì những phẩm chất đẹp đẽ trong ta cũng tự nhiên hiển lộ.

Một đứa trẻ thì sống một cách tự nhiên, không bị chia chẻ thành nửa này, nửa kia. Nó sống vì bản thân một cách toàn bộ. Đứa trẻ không biết hy sinh là gì, nó cho vì nó muốn thế, nó cho mà không hề bận tâm. Nó làm mọi thứ từ niềm vui của chính nó, hạnh phúc của chính nó; nó không làm thế vì người khác nên không cảm thấy mất mát chút nào. Đó là sự cống hiến cao cả nhất, vượt trên cả hy sinh… Không những thế đứa trẻ còn vượt lên khỏi tính ích kỷ nữa. Người ích kỷ là kẻ nông cạn, hắn chỉ biết đến vật chất, quyền lợi và hư vinh. Những thứ đó chính là mục tiêu của đời hắn. Đứa trẻ biết nhiều thứ quý giá hơn, như là tình yêu, như là sẻ chia… Đứa trẻ không chỉ sống vì quyền lợi, nó sống vì cuộc sống (và quyền lợi là một phần trong đó). Nếu gọi là ích kỉ thì đó là một sự ích kỉ toàn bộ, sự ích kỉ ở tầm cỡ hoàn toàn khác.

Vui thay ta sống hồn nhiên, không ưu phiền, không hy sinh mà hy sinh, ích kỷ mà không ích kỷ. Ta sống toàn vẹn với thân thể này, trí tuệ và trái tim này… Thế rồi ích kỷ tự tiêu. Thế rồi, tình yêu tràn đầy.

(Nguồn: Du Li)

-/-

Trên đây Đọc Tài Liệu đã giới thiệu đến các em các bước để làm được một bài nghị luận xã hội về sự ích kỷ đầy đủ ý nhất. Ngoài ra, để củng cố thêm kĩ năng làm văn của mình, các em có thể tìm đọc thêm những bài viết khác trong mục Văn mẫu lớp 12 tại website Doctailieu.com. Chúc các em học tốt môn Văn !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM