Nghị luận xã hội về Cách mạng công nghiệp 4.0

Xuất bản: 05/08/2019 - Tác giả:

Tuyển chọn đoạn văn 200 chữ, văn mẫu nghị luận xã hội về Cách mạng công nghiệp 4.0 mà các em có thể tham khảo để hiểu rõ hơn thế nào là Cách mạng công nghiệp 4.0

Để làm được đề tài nghị luận xã hội này thì Đọc tài liệu xin gợi ý giái đáp về đề tài như sau:

Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì ?

- Khái niệm: Cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới đang diễn ra tại nhiều nước phát triển.

- Cách mạng công nghiệp là khoảng thời gian đánh dấu một bước ngoặt lớn của con người trong toàn xã hội, nhờ áp dụng các thành tựu công nghệ mới vào đời sống, từ đó thay đổi bức tranh toàn cảnh về xã hội (theo hướng tích cực).

- Chúng ta không thể phủ nhận một điều đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho nhân loại rất nhiều cơ hội để thay đổi nền kinh tế nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khôn lường. Chưa bao giờ trong lịch sử con người lại đứng trước cùng một lúc nhiều cơ hội và rủi ro đến vậy.

Dưới đây cùng Đọc tham khảo một số tài liệu nghị luận về cách mạng công nghiệp 4.0 này em nhé:

Đoạn văn 200 chữ nghị luận xã hội về cách mạng công nghiệp 4.0

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi thế hệ trẻ phải có những thay đổi phù hợp để có thể thích ứng và thành công. Như chúng ta đã biết, trong lịch sử, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, đem tới sự thay đổi toàn diện cho cuộc sống của con người. Không phải ngoại lệ, cuộc Cách mạng 4.0 với nền tảng là công nghệ vạn vật kết nối, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, được dự đoán sẽ tạo ra một bộ mặt hoàn toàn mới cho thế giới. Những công việc nặng nhọc và không đòi hỏi tính sáng tạo sẽ được thay thế bằng rô bốt, Internet với tốc độ siêu nhanh và phủ sóng khắp mọi nơi cũng thay đổi cách ta làm việc và giao tiếp. Đồng thời, những cỗ máy với khả năng tính toán, xử lý siêu việt sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các cơ quan, viện nghiên cứu, đe dọa trực tiếp tới việc làm của hàng triệu lao động. Viễn cảnh ấy không hề xa vời bởi mới đây, Google đã tạo ra một phần mềm có thể giành chiến thắng tuyệt đối trước nhà vô địch cờ vây thế giới, một công ty tại Nhật Bản đang bắt đầu thử nghiệm rô bốt thay cho nhân viên văn phòng và ô tô tự hành cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố... Đối mặt với thực tế này, ta – những chủ nhân tương lai của đất nước – cần phải làm gì? Câu trả lời rất đơn giản: tất cả chúng ta cần nghiêm túc học tập, trau dồi tri thức, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy khoa học của bản thân. Bởi giờ đây, cơ hội được chia đều cho tất cả. Tiến bước thật mạnh mẽ và tiếp nhận thành quả văn minh nhân loại hay mãi mãi tụt lại phía sau, câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào sự nỗ lực của bạn.

Thầy Phạm Minh Nhật

Bài văn ngắn một vài suy nghĩ về cách mạng công nghiệp 4.0

Cách Mạng Công Nghệ (CMCN) đánh dấu thay đổi lớn trong phương pháp sản xuất qua qui trình sử dụng máy móc nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. CMCN 1.0 đánh dấu thay đổi từ hàng hóa làm bằng tay sang dùng máy hơi nước. CMCN 2.0 chuyển đổi từ máy hơi nước qua động cơ điện. CMCN 3.0 ứng dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa dây chuyền sản xuất. CMCN 4.0 đánh dấu sự phối hợp tuyệt vời của nhiều công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực khác nhau để dần xóa đi ranh giới giữa con người và máy móc, ranh giới giữa thế giới thật và ảo, và có thể ranh giới giữa sự sống và cái chết. Phim ‘Ghost in the Shell’ ra rạp năm nay 2017 thể hiện nhiều viễn cảnh của xã hội trong tương lai do CMCN 4.0 mang lại.

Trước mỗi cuộc CMCN, sự lo lắng về khả năng mất việc làm của nhiều người dân lao động đều dấy lên. Với ba cuộc CMCN trước, thị trường lao động có thay đổi lớn, một số ngành nghề biến mất và thay vào đó nhiều ngành nghề hoàn toàn mới chưa từng có trước đó. Kết quả mạng lại là chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao. Do đó tôi có cái nhìn tích cực hơn là tiêu cực đối với CMCN 4.0. Tuy nhiên CMCN 4.0 có một số đặc điểm cũng như cơ hội và thử thách riêng mà chúng ta, những con người sẽ sống trong thời kỳ này, nên lưu ý để có khả năng đáp ứng với những thay đổi mà nó đem lại. Đặc biệt tốc độ thay đổi của CMCN 4.0 theo cấp độ lũy thừa chứ không biến đổi theo đường thẳng như ba cuộc CMCN trước do đó những ảnh hưởng của nó sẽ đến rất nhanh chóng. Như ông Ray Kurzweil, Giám đốc kỹ thuật của Google từng tuyên đoán ’20.000 năm tiến hóa có thể dồn vào trong 100 năm tới’.

Hãy tưởng tượng cuộc sống của con người sẽ như thế nào với vài thí dụ đột phá công nghệ trong trí tuệ nhân tạo giúp robots có khả năng tự học hỏi, thực tế ảo càng giống thật, tính toán lượng tử (quantum computing) có thể làm cho các thiết bị di động chạy nhanh gấp nhiều lần, robots có khả năng tương tác rất giống con người, tương tác của con người và máy (human-machine interface) giúp con người có thể điều khiển robots chỉ bằng suy nghĩ, ứng dụng in 3 chiều (3D-printing) trong nhiều lĩnh vực kể cả thực phẩm, xe/tàu/máy bay tự điều khiển, Internet of things (IoT) làm vạn vật thông minh, bio-compatible materials phối hợp với công nghệ IoT và in 3D có thể làm những bộ phận con người nhân tạo và thông minh, bio-degradable batteries giúp điều hành những động cơ trong cơ thể, cũng như độc phá trong y khoa như head transplant – ca đầu tiên vào cuối 2017 có thể xóa ranh giới giữa con người và máy móc, giữa thế giới thật và ảo.

Trí tưởng tượng của bạn ngày hôm nay sẽ là thực tế của ngày mai.

Nguyện Thành (8-2017)

Một đề tài nghị luận khá hay mà em có thể xem thêm Nghị luận xã hội về ý chí nghị lực.

Văn mẫu nghị luận về cách mạng công nghiệp 4.0

Bài số 1

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn, là tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt của nhân loại.

Giờ đây chúng ta lại bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi triệt để cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Về quy mô, phạm vi và tính phức tạp của sự thay đổi này sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã từng trải qua từ trước tới nay. Hiện chưa ai có thể lường trước được nó sẽ chuyển biến như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng ta cần phải ứng phó với cuộc cách mạng này một cách đồng bộ, toàn diện, với sự tham gia của tất cả các chủ thể của nền chính trị toàn cầu từ các khu vực công và tư, cho tới giới học thuật và các tổ chức xã hội.

Vậy cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 là gì mà nó lại có một tầm vóc vĩ đại đến như vậy?

Đó là cuộc cách mạng được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử (máy tính, công nghệ viễn thông và Internet ra đời và phổ cập) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng...

Tốc độ của những đột phá hiện tại là chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ. Hơn nữa nó đang phá vỡ hầu hết mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Về bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.

Trong tương lai, đổi mới công nghệ cũng sẽ dẫn đến những lợi ích lâu dài trong hiệu quả và năng suất lao động. Hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí sẽ giảm đáng kể.

Tất cả những điều đó sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, nhất là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Thay vì 10-20 nhân viên cho một nhà hàng thì nay chỉ còn 2-3 người để quản lý. Tháng 5-2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng robot. Tháng 11-2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn: Sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này. Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS (Cyber Physical System) sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong tương lai tài năng tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn.

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh.

Đối với các doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang có những tác động lớn đến với họ, về phía cung, nhiều ngành công nghiệp tận dụng công nghệ mới để tạo ra những phương thức hoàn toàn mới phục vụ nhu cầu hiện tại của con người và phá vỡ phần lớn các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có. Nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng. Về phía người tiêu dùng cũng có những đòi hỏi thay đổi lớn trong việc tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm một cách tích cực và chủ động.

Đối với Nhà nước, công nghệ mới này ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia với Chính phủ các ý kiến của mình. Ngược lại, Chính phủ thông qua công nghệ mới để tăng cường tiếp cận với công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Đôi khi con người không thể kiểm soát được công nghệ và những thứ đi kèm với nó, cho nên phải có trách nhiệm định hướng cho sự phát triển của nó. Để làm được điều này phải có một cái nhìn toàn diện và chia sẻ trên toàn cầu về cách công nghệ đang ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta và định hình lại môi trường kinh tế, văn hóa và con người.

GS.Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới từng nói: Cuối cùng, tất cả đều cần quy tụ về con người và giá trị nhân văn. Trong trường hợp xấu nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tính năng robot hóa nhân loại, có khả năng tước đi trái tim và tâm hồn của chúng ta.

Nhưng như một bổ sung cho các phần tốt nhất của bản chất con người, nó cũng có thể đưa nhân loại vào một ý thức tập thể và đạo đức mới tốt đẹp dựa trên cảm giác chung về số phận. Bổn phận của chúng ta là bảo đảm cho ý thức này sẽ ngày càng chiếm ưu thế.

TSKH Phan Quang Trung

Tham khảo thêm: Nghị luận Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng

Bài số 2

Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Cùng với các lĩnh vực khác, giáo dục đại học phải bắt kịp cuộc cách mạng này. Để làm rõ vấn đề, tác giả bài viết này xin mạo muội đưa ra một vài ý kiến, quan điểm của mình về giáo dục đại học với các CMCN nói chung, trong đó có CMCN 4.0.

Nếu nói về nền giáo dục của loài người có thể nói, nó ra đời từ khi có chữ viết. Nhờ có chữ viết, việc lưu trữ, truyền tải thông tin mới thực hiện được và cũng chính nhờ có chữ viết thì nền giáo dục mới ra đời. Tuy nhiên, với một nền giáo dục sơ khai đó thì mọi thứ cũng chỉ có điểm dừng nhất định. Với nền giáo dục Phương Đông, nền giáo dục nho học về cơ bản là nặng về triết tự, nhân văn. Trong khi đó, nền giáo dục của Phương Tây là toàn diện hơn với đầy đủ các kiến thức cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Dẫu vậy, đó cũng chỉ là những kiến thức phổ thông và những ai có trình độ tú tài cũng đã được xã hội thời đó nể trọng lắm rồi. Khi xã hội công nghiệp chưa hình thành, những người có trình độ cao cũng chỉ là nhà thông thái và lương y chứ chưa có kỹ sư, bác sĩ.

Đến khi cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bùng nổ, nhu cầu nhân lực cho nó tất yếu đòi hỏi. Để vận hành được máy móc thiết bị, các nhà máy phải có công nhân và kỹ sư. Vì thế, phải có các trường nghề và đại học, cao đẳng để đáp ứng các nhu cầu đó của nền công nghiệp. Đương nhiên, các nhà quản lý cũng phải được đào tạo nhằm đáp ứng cho nhu cầu của công việc thực tiễn. Vì thế mà theo lãnh đạo một đại học tư thục, chính CMCN đã góp phần quyết định cho sự ra đời của các đại học.

Như đã nói ở trên, chính cách mạng công nghiệp đã góp phần ra đời các đại học và cao đẳng. Có những đại học mang tính hàn lâm nhưng cũng không ít đại học hoạt động với định hướng đào tạo kỹ sư thực hành. Để đáp ứng một cách tốt nhất cho CMCN, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là không thể thiếu. Đó cũng chính là thực tế không chỉ nhà nước mà chính doanh nghiệp cũng đầu tư mở đại học, cao đẳng và trường dạy nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực trước hết là cho chính mình. Đương nhiên, ở cái thuở sơ khai đó, có lẽ khó có thể yêu cầu các giảng viên đại học phải có bằng nọ, bằng kia. Và cũng cần nói thêm là trong tiếng Anh thì từ “master” vừa có nghĩa là “thạc sĩ”, vừa có nghĩa là “thợ cả”. Như vậy, người có trình độ cao học và thợ giỏi đều được xã hội tôn trọng ngang nhau.

Cũng có một thực tế là không ít người không hề có bằng cấp như Bill Gates hay Edison vẫn được các đại học ở Mỹ mời thuyết trình. Về điều này, có chuyên gia khẳng định là sinh viên rất cần kiến thức thực tiễn và vì thế các đại học phải mời những nhà phát minh không có bằng cấp đến chia sẻ kinh nghiệm cũng là điều cần phải làm. Tuy nhiên, những người này chỉ có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chứ việc giảng dạy trong chương trình chính thức vẫn phải là những người thầy của trường. Đương nhiên, chính các bậc thầy thì ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn cũng phải nắm được thực tiễn của sản xuất công nghiệp. Vì thế, các giảng viên đại học phải tôn trọng những nhà kỹ thuật không có bằng cấp như Bill Gates và Edison cũng là điều dễ hiểu. Và đến đây, cũng cần phải đặt câu hỏi xem ai là người có quyền đánh giá chất lượng nền giáo dục nếu đó không phải là các nhà tuyển dụng?

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bùng nổ việc phát triển và thành lập mới các trường đại học. Rất nhiều trường trung cấp cũng được nâng cấp lên cao đẳng và trường cao đẳng thì nâng cấp lên đại học. Một ví dụ cụ thể có thể nói tới là Trường Trung học Văn thư Lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ chỉ trong có hơn 5 năm đã được nâng cấp thành Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương rồi thành Đại học Nội vụ. Trong khi đó ở các nước Phương Tây, rất nhiều trường qua hàng trăm năm vẫn chỉ là cao đẳng và họ cũng chỉ chuyên tâm làm tốt sứ mạng đào tạo nhân lực của mình chứ không có nhu cầu nâng cấp, thay tên.

Người ta cũng nói nhiều về vấn nạn sao chép luận văn của sinh viên song trên thực tế là những đề tài mà vượt quá khuôn khổ đào tạo, nghiên cứu của nhà trường thường không được khuyến khích với lý do chưa có thầy hướng dẫn hoặc còn phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của bộ chủ quản và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Và ngay cả khi sinh viên đã tìm được thầy hướng dẫn chính là tác giả của những nghiên cứu đó thì đôi khi vẫn không được tạo điều kiện với lý do là học lực chưa đủ tư cách để nhận các đề tài mới. Bởi thế, nếu không sao đi chép lại những đề tài cũ thì sinh viên cũng khó có quyền làm các đề tài mới (!).

Nay chúng ta đã và đang bước vào cuộc CMCN 4.0 và trong cuộc cách mạng này thì không ai có thể đợi ai. Và đương nhiên, các học trò phải có quyền không chờ đợi các bậc thầy của họ. Ngoài các kiến thức được nhà trường cung cấp, các sinh viên có cả một kho tài nguyên khổng lồ trên mạng Internet. Giáo dục đại học cũng vì thế mà phải chuyển từ học tập (learning) sang nghiên cứu (studying) và sinh viên phải được chủ động tự học. Thậm chí, sẽ là rất tốt nếu các sinh viên chủ động đến với các đề tài không có trong danh mục được khuyến cáo nghiên cứu.

Nhìn sang nền giáo dục đại học của các nước phát triển, họ thường khuyến khích sinh viên nước ngoài, nhất là những đối tượng giành được học bổng toàn phần trở về quê hương mình để lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó, khi thương mại điện tử ở Việt Nam còn manh nha thì các nước phát triển đã có ngay những số liệu thực tiễn về vấn đề này ở Việt Nam trong khi các cơ quan quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học của chúng ta lại chưa thể có ngay được những số liệu đó dù nó rất cần để hoạch định các chính sách thực tiễn.

Theo không ít nhận xét, chúng ta đang nói quá nhiều đến CMCN 4.0 nhưng thực tế các đại học và ngành giáo dục cần phải làm gì thì đó vẫn là vấn đề còn nhiều bỏ ngỏ. Tuy nhiên, CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ và chắc chắn sẽ tác động tới giáo dục đại học cũng như các nhà tuyển dụng. Chính vì thế, các đại học càng không thể thỏa mãn với kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn của các tổ chức đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép mà cần chủ động tiếp cận với những thực tiễn của CMCN 4.0 để luôn làm mới chính mình. Còn về phía các nhà tuyển dụng, thay vì phê phán chất lượng đầu ra của sinh viên thì việc cần làm của họ là chủ động hợp tác với các nhà trường. Đây là sự nghiệp trồng người và chắc chắn không thể có ngay kết quả như mong muốn. Vì thế, các nhà tuyển dụng mà trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ là các tập đoàn lớn hãy coi đây là trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước. Chính những trải nghiệm thực tiễn với môi trường doanh nghiệp dù ở mọi quy mô sẽ giúp sinh viên trưởng thành, biết vận dụng kiến thức được học cho các công việc phải làm.

Nguyễn Đức Hoàng

Nguồn: VietTimes

Trên đây là một số bài văn và đoạn văn nghị luận xã hội về cách mạng công nghệ 4.0 mà em cần tham khảo, mong rằng với tài liệu này các em sẽ có cho mình hướng làm và hoàn thiện bàn tốt nhất!

Đừng quên tham khảo kho tài liệu văn mẫu 12 để ôn luyện và làm quen với các đề tài văn học, đề tài xã hội khác nữa nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM