Nghị luận về vấn đề tự học

Xuất bản: 24/09/2019 - Tác giả:

Tuyển tập những bài văn hay nghị luận về vấn đề tự học, tinh thần tự học trong học sinh ngày nay.

Tài liệu hướng dẫn làm văn nghị luận về vấn đề tự học, suy nghĩ của em về tinh thần tự học của học sinh hiện nay, giúp em có định hướng nội dung phù hợp cho bài làm của mình. Cùng tham khảo nhé !

Dàn ý
chi tiết:

I. Mở bài:

- Trong học tập, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là phương pháp tự học.

II. Thân bài:

1. Giải thích

- Tự học là gì?

+ Học tập là quá trình tiếp thu kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại. Chữ “tự” trong “tự học” đòi hỏi mỗi học sinh phải chủ động tìm kiếm kiến thức, dù cho có thầy giáo dẫn dắt hay không.

+ Vậy tự học là chủ động học tập bằng cách đọc sách, suy ngẫm, khám phá và phát hiện, biến kiến thức của sách vở, của người khác thành của mình.

+ Quá trình tự học thực chất là quá trình rèn luyện công phu, cho nên có bao nhiêu hoạt động học tập thì cũng có bấy nhiêu cách tự học.

+ Phải có phương pháp tự học đúng đắn, hợp lí thì mới rút ngắn thời gian và đạt kết quả tốt trong học tập.

- Tự học bao gồm những vấn đề gi?

+ Tự học khi nghe giảng bài là thực hiện đồng bộ bốn thao tác: tai nghe, mắt nhìn, óc suy nghĩ và tay ghi bài giảng của thầy.

+ Tự học theo sách giáo khoa, tự làm bài tập. Ví dụ: Học môn Văn thì phải đọc trước bài văn, bài thơ, xem kĩ các chú thích, soạn bài trước khi đến lớp, chuẩn bị sẵn các câu hỏi khó để hỏi thầy cô... về môn Toán thì giải bài tập của bài đã học, đọc trước bài sắp học, xem và tập giải các bài Toán trong sách giáo khoa...

+ Tự học khi làm bài tập là tự mình suy nghĩ để tìm ra cách giải, không chép lại của các bạn. Tuy nhiên, có thể nhờ ba má, anh chị, bạn bè... chỉ cho cách thức hoặc hướng giải quyết các bài tập khó.

+ Tự học qua sách tham khảo là tìm hiểu thêm những kiến thức mới hoặc những chỉ dẫn, những phương pháp tiếp cận bài Văn, bài Toán... không nên chép những bài giải sẵn để đối phó với thầy cô.

+ Tự học thuộc lòng là tự mình học thuộc và nắm vững kiến thức những bài đã học. Tự học thêm những điều bản thân cảm thấy cần thiết để bổ sung kiến thức của mình.

+ Tự học khi thực hành là tự mình chuẩn bị bài vở và những dụng cụ cần thiết để làm thí nghiệm, tự rút ra những kết luận, những bài học...

+ Tự học khi liên hệ thực tế là tự học trong xã hội, trong cuộc sống bằng cách tham dự các buổi sinh hoạt, tham gia công tác xã hội... để rút ra những bài học cần thiết cho bản thân về phương pháp hoặc nâng cao kiến thức.

+ Như vậy, tự học là biến quá trình đào tạo (của nhà trường) thành quá trình tự đào tạo. Biến kiến thức tiếp thu được từ sách vở, từ cuộc sống thành kiến thức của bản thân.

III. Kết bài:

- Nhận xét và đánh giá về phương pháp tự học:

+ Học mà không coi trọng phương pháp tự học thì kết quả không cao.

+ Quá trình tự học đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nó sẽ thưởng công cho ta bằng niềm hạnh phúc của sự khám phá, phát hiện và sáng tạo.

+ Tự học là quá trình rèn luyện nghị lực, ý chí phấn đấu vươn lên, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết cho bản thân.

Một số bài văn mẫu hay nghị luận về vấn đề tự học

Nghị luận về vấn đề tự học mẫu 1:

Học tập là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy nghìn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, tự học qua sách vở, học ở bạn bè và học ở thực tế đời sống. Học để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết. Học để làm chủ bản thân, làm chủ công việc tạo dựng sự nghiệp cho bản thân và góp phần hữu ích vào sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc. Chúng ta phải có phương pháp học tập tốt thì mới rút ngắn thời gian học tập và đạt kết quả cao. Có nhiều phương pháp học tập nhưng quan trọng nhất vẫn là phương pháp tự học. Vậy tự học là gì ? Chữ “tự” trong “tự học” có nghĩa là mỗi học sinh phải chủ động tìm kiếm kiến thức bằng cách đọc sách, suy ngẫm, khám phá và phát hiện, biến kiến thức tiếp thu được từ sách vở, từ cuộc sống thành kiến thức của mình.

Quá trình tự học thực chất là quá trình rèn luyện, cho nên có bao nhiêu hoạt động học tập thì cũng có bấy nhiêu cách tự học. Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy: Không thầy đố mày làm nên... Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những kiến thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường chỉ lối, mở rộng, nâng cao tri thức cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy nghĩa, người thầy còn dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp học sinh sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao của người thầy quả là không nhỏ. Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy, trò phải hết sức nỗ lực trong học tập thì mới mong đạt được kết quả khả quan. Như vậy, những cố gắng của học sinh cũng góp phần đáng kể. Tự học khi nghe thầy giảng bài thể hiện qua việc thực hiện đồng bộ bốn thao tác: tai nghe, mắt nhìn, óc suy nghĩ và tay ghi bài giảng của thầy. Trong giờ học phải chăm chú nghe lời thầy giảng. Người xưa phân loại ba cách nghe: nghe bằng tai, nghe bằng óc, nghe bằng tim. Nghe bằng tai là cách nghe sinh học, không cần hiểu, không cần nhớ. Nghe bằng óc là vừa nghe vừa suy nghĩ, nhận xét đúng sai trong lời giảng của thầy. Nghe bằng tim là lời giảng của thầy đã làm rung động trái tim của trò. Trò nghe một cách say mê, cảm nhận được cái hay, cái đẹp về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học hay vẻ đẹp của một bài Toán khó. Khi nghe giảng, chúng ta phải chăm chú nhìn lên bảng xem thầy viết những gì, quan sát xem động tác, cử chỉ của thầy giáo ra sao. Nhiều khi, hình ảnh của thầy trong giờ giảng in sâu trong tâm trí học trò suốt cả cuộc đời. Một thao tác quan trọng khác là ghi chép lời giảng của thầy. Người xưa đã từng nói: “Một lần ghi bằng năm lần nghe”, thế mới biết thao tác ghi bài quan trọng vô cùng. Nhưng ghi chép như thế nào thì cần phải cân nhắc, suy nghĩ; không phải thầy nói gì cũng ghi hết. Trước hết, phải ghi đề cương bài giảng, ghi những điều thầy nhấn mạnh khi giảng, ghi những điều mà mình cảm thấy hay...

Tự học theo sách giáo khoa cũng quan trọng không kém. Ví dụ: về môn Văn thì tự học có nghĩa là đọc trước bài văn, bài thơ sẽ học, xem trước các chú thích, soạn kĩ bài trước khi đến lớp, chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi thầy cô... Về môn Toán, tự học có nghĩa là suy nghĩ, tìm tòi cách giải các bài tập của phần lí thuyết vừa học, đọc trước bài sắp học và tự mình tìm hiểu, nâng cao kiến thức. Tự học khi làm bài tập là tự mình làm lấy bài tập, không sao chép của các bạn, không nhờ người khác giải hộ. Tuy nhiên, khi gặp bài tập khó, có thể nhờ bố mẹ, thầy cô, bạn bè... chỉ dẫn cách thức hoặc hướng giải quyết của từng bài. Tự học theo sách tham khảo là tìm hiểu thêm những kiến thức mới có liên quan đến bài học, hoặc những phương pháp tiếp cận bài Văn, bài Toán... của những sách tham khảo tốt. Tuyệt đối không nên chép những bài giải, bài làm sẵn để đối phó với thầy, vì đó là cách học thụ động, tiêu cực. Tự học còn là rèn luyện cho mình kĩ năng học thuộc lòng những phần cần ghi nhớ, những kiến thức cơ bản và các dạng bài tập... trong sách giáo khoa. Trong quá trình học tập, khối lượng kiến thức cần nhớ rất nhiều. Vì thế, học sinh phải có kĩ năng học thuộc lòng. Bài thơ đầu có thể học cả giờ mới thuộc, nhưng đến bài thơ thứ mười thì thời gian học sẽ rút ngắn hơn nhiều. Môn Toán cũng vậy, chúng ta phải học thuộc và hiểu kĩ các định lí, công thức, các dạng toán... thì lúc làm bài mới giải đúng, giải nhanh. Bên cạnh kĩ năng học thuộc, học sinh còn phải rèn cho mình khả năng nhớ lâu, nhớ chính xác những kiến thức đã học và ý thức tự giác tìm hiểu, bổ sung để không ngừng nâng cao kiến thức. Tự học trong phòng thí nghiệm là tự mình chuẩn bị bài vở và những dụng cụ cần thiết để làm thí nghiệm, từ đó rút ra những kết luận, những bài học bổ ích. Tự học trong cuộc sống là sự quan sát thực tế cuộc sống xảy ra hằng ngày xung quanh ta, thông qua các buổi sinh hoạt, tham quan, các công tác xã hội... để nâng cao vốn sống.

Tự học là quá trình rèn luyện nghị lực, ý chí phấn đấu vươn lên, đem lại cho bản thân khả năng hiểu biết, phân tích, cảm thụ và sáng tạo. Vậy tự học có nghĩa là biến quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo của bản thân, biến kiến thức của sách vở và của mọi người thành kiến thức của chính mình. Học mà không coi trọng phương pháp tự học thì kết quả không cao. Trong quá trình tự học, đương nhiên là chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi người học phải có bản lĩnh, kiên trì, tinh thần tự giác, sáng tạo và cuối cùng, chúng ta sẽ có hạnh phúc khi hái được những trái chín ngọt lành trên cây cổ thụ tri thức của nhân loại.

Nghị luận về vấn đề tự học mẫu 2:

Đất nước ta đang ngày càng hội nhập với quốc tế trên tất cả các mặt từ văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị. Kiến thức luôn mênh mông, vô tận; con người cần phải không ngừng học hỏi, tìm kiếm những điều hay để làm giàu thêm vốn sống cho bản thân mình. Trong bối cảnh này, tinh thần tự học lại càng cần thiết và đóng vai trò quan trọng để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Vậy tự học là gì? Vai trò của tự học đối với mỗi người thể hiện rõ như thế nào. Tự học chính là tự tìm tòi học hỏi kiến thức bằng khả năng của mình, có thể thông qua người khác nhưng được hiểu bằng chính suy nghĩ và nhận thức của bản thân mình. Tự học chính là một phương pháp học tốt nhất cho mỗi người. Nó giúp cho chúng ta chủ động để chuyển hóa cũng như vận dụng kiến thức vào thực tế một cách sáng tạo nhất.

Mặc dù đất nước ngày càng phát triển, thông tin, kiến thức trên các trang mạng xã hội rất nhiều. Tuy nhiên vì quá nhiều nên nó khó có thể kiểm chứng được độ chính xác. Chúng ta không thể cứ ỷ lại những kiến thức “kỳ công” mò mẫm ở trên mạng như vậy. Có thể biến thành kiến thức của mình bằng chính tư duy của bản thân. Như vậy chính là một cách tự học thông qua phương tiện truyền thông.

Tự học còn là chính chúng ta tự mày mò, tự trải nghiệm để khám phá cuộc sống này có gì thú vị. Khi chúng ta muốn tìm hiểu văn hóa của dân tộc Mông khác văn hóa dân tộc Thái như thế nào. Chúng ta có thể tìm trên mạng nhưng cách tốt nhất và nếu có điều kiện có thể đi đến những mảnh đất đó, cọ xát với cuộc sống của họ thì câu trả lời sẽ chính xác hơn. Đây là một cách tự học thực tế rất bổ ích khiến cho giới trẻ thích thú. Vừa được du lịch, vừa có thêm kiến thức trang bị cho bản thân mình. Văn hóa các dân tộc thiểu số đa dạng, phong phú, tìm hiểu chưa bao giờ là thừa.

Tự học có rất nhiều phương pháp, mỗi người sẽ tự tìm cho mình một hướng đi riêng để bổ sung vào kho kiến thức của mình. Ở trên lớp học, tinh thần tự học cần được phát huy một cách hiệu quả nhất. Hiện nay có rất nhiều dòng sách giải đáp án các câu hỏi trong sách giáo khoa, chỉ cần mua về và chép như thế là chúng ta đã hoàn thành bài tập về nhà cô giáo ra. Hãy dừng lại những hành động như vậy, vì nó không tốt chút nào. Đó là thái độ ỷ lại vào người khác, không chịu tìm hiểu, không chịu tìm ra đáp án cho câu trả lời. Có rất nhiều bạn đã phải mất mấy đêm để có thể giải đáp được câu hỏi đó. Như vậy, tinh thần tự học, tự tìm hiểu chưa bao giờ là thừa đối với mọi người.

Tự học không những khiến cho chúng ta có thêm nhiều kiến thức bổ ích mà còn trau dồi thêm thái độ sống chủ động, dựa vào sức lực của bản thân mình. Đối với thế hệ trẻ thì tinh thần tự học cần phải được trau dồi, rèn luyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta có thể học hỏi từ bạn bè, thầy cô giáo, những người xung quanh. Trao đổi kiến thức với nhau cũng chính là một cách tự học hiệu quả nhất.

Đối với đất nước đang phát triển như chúng ta thì tinh thần tự học càng được đề cao hơn nữa. Học hỏi từ các quốc gia khác, học hỏi không ngừng thì chúng ta sẽ hiểu thêm được làm cách nào để đây nhanh tốc độ phát triển.

Tuy nhiên tinh thần tự học không phải người nào cũng có thể duy trì được. Nhiều bạn có lối sống dựa dẫm, ỷ vào người khác, không chịu tìm hiểu kiến thức. Tương lai của các bạn chắc chắn mãi dừng ở một chỗ. Đây là hiện tượng thật đáng buồn.

Trong xã hội hiện nay, tinh thần tự học cần được rèn luyện và phát huy thường xuyên để giúp cho bản thân mình cũng như xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghị luận về vấn đề tự học

Nghị luận về vấn đề tự học mẫu 3:

Cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Nó đòi hỏi mọi người phải vận động để theo kịp sự phát triển của xã hội. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu còn trẻ mà chẳng chịu học hành thì khôn lớn sẽ chẳng làm được việc gì có ích” hoặc “Nhân bất học bất tri lí”. Vậy thì chúng ta cần học thế nào cho đúng, cho có hiệu quả? Và qua kinh nghiệm bao đời được đúc kết, người ta đã nhận ra rằng chỉ có tự học mới là phương pháp hữu hiệu nhất.

Trước hết ta phải hiểu “tự học” là như thế nào? Nếu học là quá trình tìm hiểu, thu nhận kiến thức và hình thành kĩ năng của bản thân thì tự học là sự chủ động, tích cực, độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức và hình thành kĩ năng cho mình. Tự học có thể không cần sự hướng dẫn của người khác. Quá trình tự học cũng có phạm vi khá rộng: khi nghe giảng, đọc sách hay làm bài tập, cần tích cực suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo nhằm rút ra những điều cần thiết, hữu ích cho bản thân. Tự học cũng có nhiều hình thức: có khi là tự mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của thầy cô giáo… Dù ở hình thức nào thì sự chủ động tiếp nhận tri thức của người học vẫn là quan trọng nhất.

Học là một hành động không thể thiếu đối với tất cả mọi người từ khi sinh ra cho đến suốt cuộc đời. Mỗi người muốn tồn tại phát triển và thích ứng được với xã hội thì cần phải học tập ở mọi hình thức bởi cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Lê Nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói đó luôn có giá trị ở mọi thời đại, đặc biệt trog xã hội ngày nay đang hướng tới nền kinh tế tri thức, nó đòi hỏi mọi người phải vận động để theo kịp sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy mà tinh thần tự học có vai trò vô cùng quan trọng.

Phải tự học mới thấy hết những ý nghĩa lớn lao của công việc này. Tự học giúp ta nhớ lâu và vận dụng những kiến thức ta đã học một cách hữu ích hơn trog cuộc sống. không những thế, tự học còn giúp con người trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ nại, không phụ thuộc vào người khác. Từ đó biết tự bổ sung những khiếm khuyết của mình để tự hoàn thiện bản thân.

Tự học là một công việc gian khổ, đòi hỏi lòng quyết tâm và sự kiên trì. Càng cố gắng tự học con người càng trau dồi được nhân cách và tri thức của mình. Chính vì vậy, tự học là một việc làm độc lập gian khổ mà không ai có thể học hộ, học giúp. Bù lại, phần thưởng của tự học thật xứng đáng: đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi ta chiếm lĩnh được tri thức. Thực tế đã cho ta thấy những tấm gương tự học như Macxim Gorki với cả một thời thơ ấu gian khổ, không được đi học, bằng tinh thần tự học ông đã trở thành một đại văn hào của Nga. Mạc Đĩnh Chi vì nhà nghèo, không có tiền mua đầu thắp sáng nên ông đã bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng thay đèn để học bài. Hay nhà toán học Lương Thế Vinh từ một đứa trẻ chăn trâu vẫn luôn tu chí học hành, hoặc không ai xa đó là Bác Hồ từ một anh Ba phụ bếp, người thợ ảnh ở ngõ nhỏ đến người làm việc quét tuyết trong công viên, Bác vẫn không ngừng tiếp thu và học tập để nâng cao hiểu biết về văn hóa và người đã trở thành một doanh nhân văn hóa thế giới… Những minh chứng trên phải chăng đã quá sáng tỏ để nhận ra rằng, có tự học, chúng ta mới xác định được năng lực của bản thân. Khổng Tử đã dạy: “Bể học không bờ”, vì thế ta không nên nản lòng khi thấy việc học của ta còn nông cạn, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và ta cần phải cố gắng bồi đắp bằng ý chí và nghị lực của mình bởi việc tích lũy kiến thức của con người như “Kiến tha lâu có ngày đầy tổ”.

Nhưng lại có một thành phần các bạn trẻ ngày nay được học ở trường dưới sự dìu dắt của thầy cô nhưng chỉ học chay, học vẹt, học dựa dẫm thì kết quả sẽ không có hoặc chỉ là những điểm ảo. Một khi các bạn ấy tự bơi vào biển rộng, họ sẽ chìm ngập vì không có phao, không có bàn tay của thầy cô nâng đỡ. Phải chăng đó là điều các bạn muốn? Để tự tin hơn trong học tập, cũng như cuộc sống sau này, mỗi người cần phải trang bị một khối lượng kiến thức cũng như một phương pháp học phù hợp, phải xác định đúng mục đích và động cơ học tập; học để nắm vững kiến thức cơ bản, học và làm bài đầy đủ để củng cố kiến thức… tham khảo trong cuộc sống để mở rộng vốn hiểu biết… Học ở sách là một trog những phương pháp tự học tốt nhất nhưng việc học này cần phải được thực hiện thật nghiêm túc, tức là đọc có chọn lọc, suy nghĩ, có hệ thống chứ không phải là chép, học thuộc để đối phó… Vẫn còn rất nhiều phương pháp tự học. Vì vậy, mỗi người cần phải chọn cho mình một cách học phù hợp và hiệu quả nhất.

Việc tự học có ý nghĩa to lớn như vậy nên bản thân chúng ta phải xây dựng cho mình tinh thần tự học trên nền tảng của sự say mê, ham học, ham hiểu biết, giàu khát vọng và kiên trì trên con đường chinh phục tri thức. Từ đó bản thân mỗi con người cần chủ động, tích cực, sáng tạo, độc lập trog học tập. Có như vậy mới chiếm lĩnh được tri thức để vươn tới những ước mơ, hoài bão của mình.

Càng hiểu vai trò và ý nghĩa của việc tự học, em càng cố gắng và quyết tâm học tập hơn. Bởi tự học là con đường ngắn nhất và là duy nhất để hoàn thiện bản thân và biến ước mơ của mình trở thành hiện thực.

-/-

Hi vọng với những gợi ý trong phần dàn ý cũng như một số bài văn tham khảo nghị luận về vấn đề tự học trên đây, các em đã có thể tự triển khai thành một bài viết hoàn chỉnh theo ý hiểu và giọng văn riêng của mình. Chúc các em làm bài tốt và đạt kết quả cao !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM