Nghị luận xã hội về tinh thần mạo hiểm

Xuất bản: 03/05/2019 - Cập nhật: 07/05/2019 - Tác giả:

Nghị luận về tinh thần mạo hiểm : Tuyển chọn những bài văn nghị luận hay nhất bàn về tinh thần mạo hiểm trong cuộc sống.

Nghị luận về tinh thần mạo hiểm: Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và top 3 bài văn nghị luận hay nhất bàn về tinh thần mạo hiểm.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về tinh thần mạo hiểm.

***

Hướng dẫn lập dàn ý

chi tiết:

I. Mở bài:

- Nêu dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về tinh thần mạo hiểm

II. Thân bài:

1. Giải thích:

– Tinh thần mạo hiểm: là thái độ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, lòng dũng cảm đương đầu với các thử thách, hiểm nguy; dù biết đó là nghiệt ngã, dù biết có khi phải trả giá rất đắt, kể cả sinh mạng…

- Tinh thần mạo hiểm có khi rất cần thiết trong cuộc sống

2. Bàn luận:

– Vì sao con người cần có tinh thần mạo hiểm (Vai trò của tinh thần mạo hiểm):

+ Người có tinh thần mạo hiểm có thể làm nên kì tích, càng có thể tiến xa hơn: phát minh ra đèn điện, máy bay, vệ tinh nhân tạo, chất penicillin, xe hơi….

+ Người có tinh thần mạo hiểm luôn có rất nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo…

+ Người có tinh thần mạo hiểm khi gặp khó khăn thường không lùi bước, họ dám đối mặt với tình hình nghiêm trọng, dám chấp nhận thất bại để tìm đường đi tiếp, không chịu từ bỏ mục tiêu …

+ Người có tinh thần mạo hiểm sẽ không cảm thấy sợ hãi đối với bất kì sự nguy hiểm nào. Họ có thể chiến thắng tâm lí, tự tin đứng dậy và tiếp tục phấn đấu…

+ Tinh thần mạo hiểm có thể giúp cho cuộc sống luôn tràn đầy nhiệt tình và hứng thú.

– Nếu không có tinh thần mạo hiểm thì sao:

+ Sống an phận thủ thường, sống đơn điệu, phẳng lặng.

+ Nghèo nàn về ý tưởng và óc sáng tạo.

+ Thường gục ngã trước những khó khăn, nguy hiểm, thử thách.

….

– Bàn luận mở rộng:

+ Tinh thần mạo hiểm khác với liều lĩnh một cách vội vàng, nôn nóng.

+ Phê phán những người yếu đuối, lười vận động, lười suy nghĩ tìm hiểu, không dám nghĩ dám làm, không dám phiêu lưu mạo hiểm…

3. Bài học nhận thức và hành động:

- Cần nhận thức đúng đắn về vai trò tích cực, quan trọng của tinh thần mạo hiểm

+ Dám thử thách, vượt qua giới hạn bản thân từ những việc nhỏ

+ Nhiều bạn học sinh THPT chấp nhận mạo hiểm thi vào những trường tốt nhất theo đúng đam mê, sau đó bằng nỗ lực để thi đỗ.

III. Kết bài:

- Bày tỏ quan niệm sống của chính mình và rút ra bài học hành động phù hợp cho bản thân.

Có thể bạn quan tâmNghị luận tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh

Top 3 bài văn hay
nghị luận về tinh thần mạo hiểm

Bài số 1: Bạn không thể thành công nếu không dám mạo hiểm

Bạn nhìn thấy một bông hoa rất đẹp trước mắt mình bạn muốn sở hữu nó nhưng bạn lại không dám vì sợ gai nhọn sẽ làm cho bạn chảy máu. Bạn thích ngắm ánh nắng đẹp đẽ của mặt trời buổi bình mình nhưng lại không dám giang rộng đôi tay của mình vì cũng sợ chính ánh nắng đó sẽ thiêu đốt con người bạn. Bạn thích đi những nơi xa xôi và tuyệt đẹp nhưng lại sợ lạc đường. Bạn có hàng trăm hàng nghìn lí do để lựa chọn những điều mà mình đang thích nhưng cũng chinhs bạn có hàng nghìn lí do để từ chối con đường cho bản thân mình trải nghiệm khám phá.

Bạn không dám bước đi, bạn quá hèn nhát. Một người không thể bước đi khi không vứt bỏ những định kiến và vỏ bọc của mình để chạm tay vào niềm vui sướng hạnh phúc. Chẳng ai yêu cầu bạn phải sống như thế nào nhưng cách bạn sống nói lên hết con người của chính bạn.

Hãy thư giãn và nghĩ về những điều đang đến. Cuộc sống đang độ tươi đẹp con người đang độ hân hoan vậy mà chính bạn lại thu nhỏ mình với thế giới. Thế giới này rộng biết bao nhiêu ấy vậy mà khi bạn nhìn ra bầu trời kia chân bạn chũng xuống vì sợ nếu có đi xa hơn nữa bạn sẽ ngược đường quay về hoặc mãi mãi lạc đường về. Đúng sẽ có lúc chúng ta thất bại nhưng hãy để điều đó xảy ra tước khi chúng ta kịp nghĩ về nó.

Thành công là đâu đó sau thất bại. Mẹ thất bại luôn khiến cho những đứa con của mình hiểu được tầm quan trọng của việc dám thử dám nghĩ dám làm dám dấn thân. Sự tiếc nuối không bao giờ khiến cho bản thân con người ta bền bỉ theo đuổi những thứ mà mình muốn. Trải nghiệm sẽ là những kỉ niệm và dám thử dám làm mới có kết quả đúng sai. Cuộc sống và thành công vốn là sự tương đối. Có những người lấy tiền ra để đo sự thành công của người khác. Nhưng độ thành công còn phụ thuộc vào mức độ hạnh phúc của con người ấy của gia đình họ và sự sung túc.

Thành công khó mà ai có thể đinhj nghĩa một cách đầy đủ xác đáng nhất. Nhưng cuộc đời quá ngắn nên hãy cố gắng giành giật với cuộc đời với những niềm vui vô tận. Hạnh phúc là khi bất kì bạn đi đâu ở đâu bạn cũng cảm thấy thanh thản với những gì mình đạt được. Thành công luôn mang tới cho chúng ta những món quà vô giá được cất đâu đó ở những nơi nguy hiểm và khó khăn nhất. Có được nó chúng ta phải chinh phục và chẳng bao giờ vì sợ hãi mà bị chinh phục cả.

Bài số 2: Dám mạo hiểm

Hãy mạo hiểm một lần! Cuộc đời chúng ta là một cuộc đời phong phú, diễn biến đa dạng và có thể nói sẽ có lúc chúng ta còn phải mạo hiểm. Người dám mạo hiểm có thể làm nên kỳ tích, càng có thể tiến xa. Con tàu muốn khám phá biển cả bao la thì không thể cứ men theo bờ.

Ở nước ngoài, người ta đánh giá nghề kinh doanh chứng khoán là nghề có tính chất mạo hiểm cao. Mạo hiểm chính là đặc trưng nổi bật phân biệt một nhà kinh doanh chứng khoán với những người làm nghề khác. Lợi nhuận mà họ có được một phần là nhờ sự nhạy bén, nhờ óc suy luận, đánh giá, khả năng phân tích và không thể không kể đến một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là họ dám mạo hiểm.

Chúng ta đã được nghe nhiều câu chuyện về con người dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm và họ đã trở thành những người giàu có như thế nào. Ở họ có những điều mà chúng ta cần học tập và cũng có bao điều chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ những bài học mà họ đã trải qua.

Mạo hiểm có thể được coi là một đặc trưng của tính cách. Người dám mạo hiểm thường dám nghĩ, dám làm và họ thường là những người biết chớp thời cơ, họ không để cơ hội tốt tụt khỏi tay mình, còn người không thích mạo hiểm luôn an phận thủ thường. Người dám mạo hiểm luôn mang đến cho chúng ta cảm giác họ luôn sáng tạo và điều đó trở thành một thói quen của cá nhân họ, khiến họ luôn đặc sắc, sinh động, mới mẻ. Chúng ta nhận thấy những người có tinh thần mạo hiểm thường luôn muốn thử làm những công việc mạo hiểm.

Thực ra, để trở thành người giàu có, người ta có thể không cần thông minh hơn người là mấy, học thức cũng không nhất thiết phải hơn người, kiến thức về thương mại cũng không nhất định phải cao. Những người muốn trở nên giàu có cũng cần có tinh thần mạo hiểm (khác với làm liều), họ cần có tinh thần thật sự dám nghĩ, dám làm hơn hẳn người khác.

Mặc dầu hiện tại chúng ta chưa sẵn sàng có tinh thần mạo hiểm, nhưng chúng ta có thể sẵn sàng để mình có thói quen dám nghĩ dám làm, vấn đề là ở chỗ bạn phải tự chủ động rèn luyện và bồi dưỡng thói quen đó của mình.

Người mạo hiểm cảm thấy mạo hiểm như là một chất kích thích để họ thể nghiệm cuộc sống. Người có tinh thần mạo hiểm có thể sẽ thích giao tiếp, dễ gần gũi mọi người, cũng có thể lại là một người rất kín đáo, ít giao tiếp với người khác.

Người có tinh thần mạo hiểm khi gặp khó khăn thường không lùi bước, họ dám đối mặt với tình hình nghiêm trọng và để đạt tới mục tiêu cuối cùng họ có thể chấp nhận những sự đả kích, và điều quan trọng là họ dám chấp nhận thất bại để rồi lại tìm đường đi tiếp.

Người có tinh thần mạo hiểm sẽ không cảm thấy sợ hãi đối với bất kỳ sự nguy hiểm nào, họ có thể chiến thắng tâm lý này, ngã lại dậy và tiếp tục phấn đấu. Họ sẽ không chịu từ bỏ mục tiêu đó, mà sẽ chấp nhận sự thử thách, với đầy sự tự tin họ sẽ ngẩng cao đầu, đạp bằng mọi nguy hiểm và khó khăn để tiến lên!
Lời khuyên cho bạn:

Cuộc sống cần đến sự mạo hiểm, cần đến sự mạnh mẽ, quyết đoán dám nghĩ, dám làm. Cuộc sống đơn điệu quá, phẳng lặng quá sẽ làm cho những người mạnh mẽ mất hết ý chí chiến đấu, mất hết sức sống. Dám nghĩ, dám làm có thể giữ cho cuộc sống của bạn luôn tràn đầy nhiệt tình và hứng thú.

Bài số 3: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông

Người Trung Quốc có câu: "Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử" – Nghĩa là không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con. Suy ngẫm câu nói ấy ta thấy rõ: Ở đời muốn thành công việc lớn thì con người chúng ta phải có sự quyết tâm và tinh thần mạo hiểm. Đây cũng là bài học rất tâm đắc của bao người từ xưa đến nay. Nguyễn Bác Học, là một nhà giáo đồng thời cũng là nhà văn, trong bài "Lời khuyên học trò" ông đã nêu lên quan niệm ấy: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

Lời dạy trên có nghĩa như thế nào ? Chúng ta cần hiểu và thực hiện ra sao cho đúng ? Câu nói của Nguyễn Bá Học cho ta thấy rõ hai vấn đề. Trước hết cái "khó vì ngăn sông cách núi": Sông rộng, núi cao là những chướng ngại vật của thiên nhiên gây ra nhằm cản trở bước tiến của con người. Kế đó là cái " khó vì lòng người": Lòng người hay nản chí thiếu tự tin thì sẽ sợ núi cao sông sâu, chưa đi mà đã vội thối lui, chùn bước. Trước hai cái khó ấy thì cái khó ở lòng người mới đáng ngại. Con người thiếu quyết tâm, không có tinh thần vượt khó thì không thể nào có thể vượt núi, qua sông được.

Ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó đúng là một bí quyết giup ta thành công trong cuộc đời. Bởi cuộc sống muôn màu muôn vẻ đường đời lại nhiều ngả rẽ quanh co. Trên đường ta đi đâu phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ mà bao nguy hiểm, khó khăn luôn chờ ta phía trước. Nếu muốn đạt được mục đích của cuộc đời thì chúng ta không thể lùi bước mà phải đương đầu với những việc khó khăn mà sức người tưởng chừng như không thể nào làm được. Đứng trước những tình huống khó khăn, phức tạp âý, chúng ta cần phải có lòng tự tin, có ý chí quyết tâm thì mới có thể thành đạt. Và để vượt được lên trên mọi chướng ngại, điều trước tiên là ta phải chiến thắng bản thân mình. Ta phải tự rèn luyện cho mình ý chí kiên nhẫn, lòng quyết tâm, tinh thần gan thép để có đủ sức mạnh vượt qua sông sâu, núi cao. Chính có ý chí, có lòng quyết tâm cao nên những đòn thám hiểm mới dám vượt đại dương, leo tận đỉnh núi Hi Mã Lạp Sơn trong những điều kiện khó khăn để chinh phục thiên nhiên…

Thế nhưng trong thực tế, có không ít những người không tự rèn luyện mình để có được ý chí bền vững như vậy. Họ dễ nản chí, ngã lòng trước phong ba bão táp. Đó là những kẻ thiếu nghị lực, gặp khó là chùn bước, là thối lui. Những hạng người này luôn gặp thất bại trong cuộc đời. Ta phải nên hiểu rằng không khó khăn nào mà con người không vượt qua được cả. Sống trong đất nước bị nô lệ, dân tình khốn khó lầm than, Bác Hồ với tấm lòng yêu nước, thương dân, chỉ bằng đôi tay trắng cùng với lòng quyết tâm, ý chí kiên cường, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy trước mặt để cho ta có được ngày hôm nay. Đây là một tấm gương đáng để cho chúng ta cần học tập mà Bác đã từng dạy:

Không có việc gì khó 

Chỉ sợ lòng không bền 

Đào núi và lấp biển 

Quyết chí ắt làm nên.

Đúng là "quyết chí" thì ta sẽ làm nên". Nếu tất cả mọi chúng ta ai cũng hiểu được chân lí ấy, thông minh sáng suốt nhận định mọi sự vào quyết tâm hành động thì chúng ta sẽ biến được ước mơ thành hiện thực.

Nói tóm lại, lời răn dạy học trò của Nguyễn Bác Học là một phương châm sống đúng đắn. Trong bất kì hoàn cảnh nào, tình huống nào, chúng ta vẫn có thể chiến thắng nếu có ý chí và lòng quyết tâm cao. Đây là một bài học sâu sắc mà chúng ta cần ghi nhớ trong việc rèn luyện bản thân. Ngay từ trong học tập, nếu ta thực hiện tốt lời khuyên trên thì ta sẽ đạt được kết quả mong muốn. Và đừng bao giờ quên "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

/***/

Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu lớp 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các bạn học tốt !

Nghị luận xã hội về tinh thần mạo hiểm

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM