Nghị luận bàn về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống

Xuất bản: 19/04/2019 - Cập nhật: 07/05/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội hay bàn về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống.

Đề bài: Viết bài văn nghị luận bàn về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống.

***

Top 4 bài văn nghị luận hay bàn về thắng và bại, dại và khôn

Bài mẫu 1:

Trong cuộc sống không thắng lợi nào mà không gặp những khó khăn, thử thách, không một thành công nào mà không phải bước qua chông gai. Cái chính là mỗi chúng ta có kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm vượt qua nó được hay không ? Trong bài thơ Dậy mà đi của Tố Hữu có câu:

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Trước hết chúng ta cần hiểu được chiến thắng, chiến bại, khôn và dại trong hai câu thơ trên. Cũng giống như một cuộc chạy đua người có thể lực khỏe, kĩ thuật chạy tốt thì sẽ đến đích sớm hơn còn người về sau là người thua cuộc hay người về trước tiên gọi là người chiến thắng, còn lại là người chiến bại. Suy cho cùng, chiến thắng là đạt đến mốc quy định một cách nhanh nhất, tốt nhất, đạt chỉ tiêu đặt ra và hài lòng với kết quả đó. Còn chiến bại là người đến đích sau cùng, bị trượt và kết quả đó không như mong muốn. Khái niệm “khôn” và “dại” nghĩa là không ai sinh ra mà có thể hiểu hết, có thể biết, có thể có kiến thức được mà phải qua một quá trình rèn luyện, tiếp thu mới có được. “Khôn” ở đây là sự thông minh, lanh lợi mà cái trái của nó là “dại” – hành động, suy nghĩ ngốc nghếch, lệch lạc. Với cách sử dụng hai cặp từ trái nghĩa trong hai câu thơ đã làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc mà nhà thơ muốn gửi đến người đọc, người nghe đồng thời ông cũng làm toát lên một chân lí sáng ngời, đó là “trên con đường thành công luôn có thất bại” hay tục ngữ cũng có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Trước tiên chúng ta cần hiểu được câu thơ thứ nhất:

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Chiến thắng ở đây trước hết là phải chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng cái “con” giữ lấy phần “người” trong “con người”. Việc ấy không mấy dễ dàng nhưng cũng không phải là không làm được. Mỗi chúng ta nên rèn luyện tính kiên trì, cần cù, chịu khó có vậy mới dành chiến thắng trong cuộc chạy đua với sự phát triển của xã hội. Trên con đường đời cũng vậy, học tập rồi tìm việc làm và bắt đầu cuộc sống tự lập rất khó, nhất là con đường lập nghiệp. Không phải kiến thức học ở nhà trường luôn được áp dụng ngoài thực tế, nó phải qua sự suy nghĩ, tư duy mới thực hiện được. Nếu con đường lập nghiệp ấy trơn tru, bằng phẳng ắt sẽ không có kết quả như mong muốn, phải có thất bại đôi lần ta mới tìm được cái hay, cái phương pháp tối ưu để có hiệu quả cao trong công việc. Hơn hết là sẽ rèn luyện được đức tính chịu khó, kiên trì, biết cách đối mặt với khó khăn, thử thách và vượt lên chính bản thân mình. Thất bại không là cái xấu, cái không tốt mà nó là một vật cản, một chướng ngại vật trên con đường thành công, chỉ cần biết cách vượt qua được nó là sẽ đến đích. Nhiều người khi gặp khó khăn lại chùn bước, có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, tự ti và bỏ cuộc… Không phải đường đi khó mà lòng người sợ khó, sợ vượt suối lội đèo… Việc đó là không nên. Cũng như trong những năm tháng đấu tranh gian khổ chống ngoại xâm, đã có rất nhiều anh hùng đã hi sinh, đã từng thất bại dưới tay bọn ngoại xâm, song càng khổ càng thôi thúc tinh thần chiến đấu của họ để rồi kết thúc thắng lợi, kéo cao lá cờ đỏ sao vàng.

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Cũng giống như câu thơ trên, ở đây “khôn” và “dại” là hai từ đối lập nhau muốn khôn thì đôi lúc phải dại, có dại mới nên khôn. Cũng giống như em bé muốn biết đi thì phải tập đi, đi từng bước sẽ phải có nhiều lần ngã đau ấy vậy mới biết chập chững được. Là con người phải tiếp thu, học hỏi lẫn nhau. Không ai là hoàn hảo, là tốt khi không từng vấp ngã, thất bại, dại khờ một lần và từ đó họ biết cách đứng dậy, sửa sai để có được cái tốt, cái khôn ngoan. Trên con đường đến sự thành công luôn có thất bại, vậy ta chọn thất bại trước để đến thành công hay thành công đến đỉnh điểm rồi thất bại, sụp đổ. Là học sinh đôi khi gặp những bài toán khó, nhiều lúc muốn buông bút vì không làm được nhưng nếu có tinh thần tự giác, ham học hỏi chúng ta sẽ làm được, tìm được đáp án đúng có thể bằng nhiều phương pháp giải khác nhau. Tìm được những ẩn số kia bằng chính mình, bằng cái cách biết vượt lên khó khăn bạn sẽ cảm thấy vui hơn. Nhưng cũng có lúc giải sai vì bài khó, lúc không tìm ra đáp án đúng, cũng đừng nên nản lòng “học thầy không tày học bạn”, thầy cô và bạn bè là quyển sách giải tối ưu cho mỗi chúng ta.

Tố Hữu đã dùng hai câu thơ, hai câu hỏi phủ định nhưng không cần trả lời người đọc, người nghe cũng đã hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Như một quy luật cho sự thành công, chiến thắng luôn có thất bại, những lần vấp ngã. Song đừng vì thế mà nản lòng, hãy tìm cách đứng dậy và bước tiếp đến phía trước, con đường thành công kia.

Qua hai câu thơ ngắn gọn trong bài Dậy mà đi của nhà thơ Tố Hữu đã gửi đến một thông điệp đối với chúng ta, những ai đang trượt ngã hãy đứng dậy và bước tiếp, những ai đang thành công thì hãy cố gắng phấn đấu để thành công hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn dàn ý chi tiết và top 3 bài nghị luận hay về câu nói Thành công không phải là một đích đến, đó là một hành trình

Bài mẫu 2:

Ai trong cuộc đời này trưởng thành mà không trải qua những thắng, bại? Ai có thể trưởng thành mà không trải qua những vấp ngã trong cuộc đời? Sau mỗi lần vấp ngã, thất bại, con người ta rút ra bài học cho bản thân mình từ đó sẽ không còn gặp phải trường hợp tương tự sẽ có thể tự tin mà giành chiến thắng. Thế nên Tố Hữu mới từng nói: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại -  Ai nên khôn mà không dại đôi lần”. Vấn đề là phải làm sao để đứng lên được từ những khôn, dại, đúng, sai trong cuộc sống ấy.

Câu thơ của Tố Hữu thực sự là một lời đúc kết mang tính chiêm nghiệm từ thực tế đời sống. Thắng - bại, hạnh phúc - bất hạnh, khó khăn - may mắn... đều là những cung bậc, những nốt thăng và nốt trầm mà nếu không gặp phải thì sẽ không phải là cuộc sống mà cũng sẽ làm cho cuộc sống trở nên vô nghĩa. Tuy chúng là những khía cạnh đối lập nhau, nhưng lại luôn đi liền với nhau và tôn thêm ý nghĩa của nhau. Nói “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại” là vì cuộc sống không hề giản đơn. Mọi con đường đi không phải lúc nào cũng được trải hoa hồng. Sẽ có những chông gai, sẽ có những gập ghềnh. Sẽ có những lúc con người tràn ngập trong cảm giác chiến thắng nhưng cũng sẽ có lúc họ phải nếm trải những giọt nước mắt đắng cay của thất bại.

Đó là quy luật cuộc sống. Cũng giống như việc người ta có thể rút ra những kinh nghiệm cho bản thân từ những sự từng trải, từ những thất bại, từ những sai lầm trong cuộc đời, để rồi từ đó sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. "Ai nên khôn mà không dại đôi lần". Nhờ có cái “dại” ta mới biết được mình “dại” và rút kinh nghiệm trong lần sau tức không mắc phải cái “dại” ấy nữa, tức đã “nên khôn” theo cách nói của Tố Hữu.

Câu thơ không chỉ là một chân lí về quy luật của đời sống mà còn cho ta thấy được sự vất vả để đánh đổi lấy hạnh phúc. Mọi hạnh phúc không phải tự dưng đến, cái gì dễ đến thì cũng dễ ra đi. Tất cả đều là sự cho đi và nhận lại, giống như việc ta trao đi tình thương để nhận lại thương yêu, ta cống hiến để sau đó mới nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Mọi thứ không tự dưng mà có, thắng bại cũng vậy. Chính trong thất bại chúng ta tìm ra được bài học cho mình, tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục, làm nên chiến thắng cuối cùng. Còn cái khôn, dại, có thể coi như những kinh nghiệm trong cuộc sống. Từ những vấp ngã, từ những dại dột, con người ta sẽ trưởng thành hơn lên, sẽ nhận thức được một cách chính xác hơn về cuộc sống để có cách ứng xử với nó phù hợp, tức vượt qua cái “dại” mình đã từng vấp phải để lớn khôn hơn lên.

Không ai có thể khẳng định rằng trong đời mình sẽ không bao giờ vấp ngã, sẽ không bao giờ phải nếm trải thất bại. Thử thách càng nhiều, cuộc sống càng sôi động và phức tạp thì khả năng vấp phải những vấn đề ấy càng lớn, vấn đề là ở chỗ cần nhận thức được đúng đắn mức độ của chúng cũng như biết đứng lên từ những thất bại, sai lầm. Từ trong thất bại, con người ta cần phải tìm hiểu ra căn nguyên, biết được thất bại là do đâu. Từ đó mới đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để khắc phục căn nguyên ấy. Khi những nguyên nhân được đánh giá đúng thì có thể tìm ra giải pháp cho chúng và quan trọng hơn là người ta sẽ không bao giờ dẫm lên vết chân của những thất bại trước đó. Điều này cũng giống như việc trải qua những lẽ “dại”, “khôn” trong cuộc sống vậy. Trước những sai lầm đã mắc phải, người ta sẽ không chỉ biết tránh mà còn biết tìm cách khắc phục. Mỗi lần vấp ngã là một lần ta tìm ra những bài học cho bản thân, về cuộc đời. Nhờ thế khả năng hiểu biết cũng như khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của con người sẽ được cải thiện, làm cho ta ngày càng trở nên tự tin hơn.

Xác định được những điều này như một quy luật của cuộc sống khó tránh khỏi, nhưng điều đó không có nghĩa là con người tự cho phép mình được sai lầm, được vấp ngã trong cuộc đời. Đó là những bài học được đúc kết nhưng cũng là câu nói mang tính chất động viên tinh thần, dễ khi bắt gặp phải những hoàn cảnh tương tự con người không vì thất vọng, vì lo lắng mà buông xuôi tất cả. Hãy cố gắng để tránh mắc sai lầm và thất bại một cách tối đa. Nhưng nếu như có gặp phải những trường hợp như vậy thì hãy biết cách tự mình đứng dậy. Đầu tiên là đủ nghị lực để tự mình đứng dậy, sau đó mới là việc phải làm như thế nào để khắc phục, và rút ra được điều gì cho bản thân. Câu thơ không khuyến khích con người ta tự hài lòng, buông xuôi trước thực tại mà kêu gọi phấn đấu, tiến lên không ngừng. Điều này cần thiết và có ý nghĩa với tất cả mọi người.

Xã hội ngày càng hiện đại, mối quan hệ con người ngày càng được mở rộng, họ được tiếp cận với những lĩnh vực mới lạ, được thử thách và có nhiều cơ hội khẳng định mình. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc người ta sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Những lúc như vậy, nếu như không rèn luyện cho mình nghị lực sống, cũng như sự sáng suốt, con người sẽ không thể tỉnh táo bước tiếp. “Thất bại là mẹ thành công”. Và chỉ có trong thất bại con người mới nhận ra được chính mình. Thất bại dạy cho ta cách để thành công, cũng như sai lầm dạy cho ta cách để sáng suốt, và thường chúng là cái tồn tại như một phần tất yếu trên con đường đi đến thành công vậy. Là những người mới đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, giới trẻ cần được ý thức điều này một cách sâu sắc.

Với tuổi đời trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm sống, những người trẻ tuổi thường hay vấp phải những sai lầm, thất bại. Điều quan trọng là hãy đừng để những điều ấy quật ngã được mình, hãy đứng lên và dũng cảm đối mặt với chúng. Làm lại từ đầu, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thực sự trưởng thành. Từ những thất bại, sai lầm, hãy rút ra bài học cho bản thân mình để không còn bao giờ gặp phải trường hợp tương tự. Còn nếu có, cũng đã có đủ kinh nghiệm và sức mạnh để giành chiến thắng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được phép dựa vào cái điều được coi là quy luật cuộc sống ấy mà coi thường thành bại. Tất nhiên là sai lầm và thất bại là những điều rất khó tránh trong cuộc sống nhưng hãy cố gắng để có thể hạn chế được nó một cách nhiều nhất. Nếu có thể tránh được sai lầm và thất bại, chẳng có lí do gì ta để cho mình vướng phải chúng cả.

Nhận thức được về lẽ thành bại trong cuộc sống, chúng ta càng có ý thức hơn trong việc rèn luyện để mình có thể trở thành người chủ động trong mọi trường hợp. Hãy cố gắng để mình luôn là người giành chiến thắng.

» Bài nghị luận mẫu về những điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống

Bài mẫu 3:

Cuộc đời con người là một hành trình để tự tìm kiếm và khẳng định mình. Bởi thế, có ai không khát khao chiến thắng, mong có được sự khôn ngoan ở đời. Nhà thơ Tố Hữu đã từng chiêm nghiệm:

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”

Sự thắng và bại; khôn và dại ở đời có những điểm cần bàn bạc, xem xét kĩ lưỡng. “Thắng” trong cuộc sống được hiểu là thành công, là đạt được điều mình mong muốn. Chiến thắng làm con người thoả mãn, sung sướng, tiếp tục trở thành động lực để con người phấn đấu; “bại” là thất bại, là không đạt được mục tiêu mình mong muốn; điều đó dễ khiến ta thất vọng, đau khổ, nản lòng. Như vậy, cuộc sống trở thành một trận chiến giữa một bên là con người cùng những cố gắng nỗ lực, những hoài bão khát khao với một bên là những quy luật khắc nghiệt, những biến đổi vô tình khách quan của cuộc đời.

Thắng và bại đến với con người cũng rất khách quan không thể kiểm soát được. Có thể bạn đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều song thành quả của bạn chưa đạt được yêu cầu. Vậy là bạn thất bại. Cũng có khi bạn không nghĩ mình chiến thắng nhưng vinh quang lại tới đón chào...

Ngược lại, khôn và dại lại là yếu tố chủ quan. Chính hành vi, cử chỉ của con người tự bộc lộ tính chất khôn dại của nó. “Khôn” là khôn khéo, khôn ngoan, biết làm những việc có lợi. Ngược lại, “dại” là dại dột, luôn làm những điều ngốc nghếch, bất lợi cho mình.

Thắng và bại, khôn và dại tưởng như là những mặt đối lập, mâu thuẫn gay gắt với nhau, không có mối liên hệ gì. Song trong thực tế chúng lại có quan hệ biện chứng, yếu tố này là tiền đề của yếu tố kia và rất có thể sẽ ngược lại.

Quả thực “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”. Làm người sống ở trên đời, chẳng có ai dám vỗ ngực tự xưng ta đây toàn thắng. Tỉ phú giàu nhất hành tinh Bill Gate cũng đã từng nếm trải những thất bại cay đắng. Để có chiếc bóng điện hoàn hảo như ngày nay, Edison đã từng làm nổ hàng trăm chiếc bóng đèn... Như vậy, chiến thắng được dựng lên từ chiến trường của thất bại. Nó giống như đỉnh núi cao lên nhờ triệu triệu viên đá ép mình. Thất bại đã giúp con người kinh nghiệm, nhìn ra cái sai, biết cách làm đúng.

Nhưng ta cũng cần hiểu rằng, không có chiến thắng nào là tuyệt đối cả. Bởi tri thức nhân loại là mênh mông, con người dù nỗ lực đến đâu cũng không thể chiếm lĩnh hết. Hiểu như vậy để sau mỗi chiến thắng ta lại biết khiêm nhường hơn, tiếp tục ý thức được vai trò của việc rèn luyện học hỏi. Sau chiến thắng mà kiêu căng, ngạo mạn thì bước tiếp theo sẽ là thất bại ê chề. Bất khả chiến bại như Xêda, Napôlêông... vẫn có lúc phải cúi đầu chịu trói. Cũng như vậy, chẳng có thất bại nào hoàn toàn. Sau thất bại ta lại trưởng thành hơn, cứng cáp hơn, “thất bại là mẹ thành công”. Vì vậy, nếu có thất bại, bạn chỉ nên buồn phiền mà chớ có tuyệt vọng. Hãy biến nỗi buồn làm động lực để tiếp tục vươn lên. Vùi dập mình trong tuyệt vọng bi quan cũng có nghĩa là tự dìm mình xuống bùn đen bại trận vĩnh viễn.

Thắng bại là chuyện thường tình ở đời, điều quan trọng là ta phải học cách đón nhận để sau mỗi lần thắng bại là một lần chúng ta lớn hơn, có động lực để can đảm mạnh dạn bước tiếp con đường mình đã chọn. Khôn và dại cũng đứng cạnh nhau, biện chứng với nhau như vậy: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Sau mỗi lần dại là một lần ta trưởng thành, khôn ngoan hơn, thu nhặt được bài học về cách thức, phương tiện... cho các hành động trong cuộc sống. Những bài học ấy sẽ góp vào cái “túi khôn” của mỗi người để “mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại”.

Vẫn biết dại là không có lợi, chẳng ai muốn dại cả, nhưng có nên giấu đi cái dốt, cái dại của bản thân? Trong một lớp học nếu học sinh không phát biểu, không thắc mắc, giáo viên khó có thể phát hiện phần bị hổng trong kiến thức của học trò. Như vậy sao giúp các em củng cố, hoàn thiện được? Cũng như vậy, trong cuộc sống, mỗi người cần tích cực học hỏi, khám phá. Để lộ ra cái sai của mình sẽ giúp mình hiểu thêm về cái đúng.

Thắng và bại; khôn và dại, chúng là những đặc điểm luôn luôn tồn tại trong một con người dù ở hình thức này hay hình thức khác. Hiểu rõ về chúng để mỗi con người tự biết vươn lên hướng tới sự hoàn thiện.

Tham khảo thêm: Top 10+ bài văn hay nhất nghị luận về sự tự tin

Bài mẫu 4:

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Đó là hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu. Đúng vậy, có lối đi nào mà chỉ trải toàn hoa hồng, trong bất cứ lĩnh vực nào có chiến thắng nào mà không trải qua những trở ngại, chông gai, thậm chí là nhiều lần thất bại cay đắng mới nên. Là con người có ai trưởng thành mà không có những vấp ngã. Nhưng cái chính là chúng ta có đủ bản lĩnh, đủ kiên trì, đủ quyết tâm để vượt qua, để đứng dậy để sống cho có ý nghĩa hay không.

Trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là “chiến thắng – chiến bại”, “dại – khôn”. Nói về “chiến thắng” có nghĩa là thành quả của một sự việc nào đó mà khi kết thúc chúng ta đạt được mục tiêu ban đầu đã đề ra một cách tốt đẹp như mong muốn. “Chiến bại” nghĩa là mục tiêu không được hoàn thành, kết quả việc làm không được như mong đợi khiến chúng ta phải thất vọng. “Khôn” dùng để chỉ những người trí tuệ sáng suốt, suy nghĩ luôn chín chắn, lanh lợi để không bị kẻ khác lừa phỉnh, lợi dụng để có những hành động, việc làm đúng, đạt được mục đích một cách nhanh nhất, hiệu quả tốt nhất. “Dại” là chỉ suy nghĩ đơn giản, lệch lạc, ngốc nghếch.

Thắng – bại, dại – khôn là những mặt khác nhau của cuộc sống, tuy có những khía cạnh đối lập nhau nhưng lại luôn song hành cùng nhau. Theo cách nhìn nhận thông thường chúng ta luôn mong muốn bản thân gặp gỡ, tiếp xúc với những người “khôn” để học hỏi những kinh nghiệm thành công của họ phục vụ cho mục đích cuộc sống của mình và tránh xa những kẻ “dại” vì không ai muốn mình là kẻ “chiến bại”. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta coi thường, ghẻ lạnh, xa lánh những người không may gặp thất bại mà phải dang tay mở lòng giúp đỡ họ trong khả năng có thể của mình bởi đó lại là quy luật của cuộc sống. Chúng ta chỉ trưởng thành thực sự khi rút ra được những kinh nghiệm, những bài học quý giá cho bản thân qua sự trải nghiệm, qua những vấp váp, sai lầm, thất bại trong cuộc đời và biết nhìn nhận, rút ra bài học qua sai lầm của người khác. Nhờ có cái “dại” mà chúng ta mới “nên khôn”. Bởi vậy, chúng ta không được nản chí, không nên bỏ cuộc khi gặp phải những khó khăn trở ngại. “Chiến thắng” không phải tự nhiên mà có, mà phải đánh đổi bằng rất nhiều sự nỗ lực, vất vả. Muốn hưởng thụ cảm giác hạnh phúc, cảm giác của người “chiến thắng” chúng ta phải dám làm kẻ “chiến bại”. Chưa từng cố gắng, không bỏ ra tâm sức thì đừng bao giờ nghĩ đến hưởng thành quả, vì điều gì dễ dàng mà có được cũng sẽ dễ dàng mất đi. Chính từ những “chiến bại” chúng ta có được bài học cho mình, tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục, làm nên “chiến thắng”. Từ những vấp ngã, từ những dại dột, con người ta sẽ trưởng thành hơn lên, sẽ nhận thức được một cách chính xác hơn về cuộc sống để có cách ứng xử với nó phù hợp, tức vượt qua cái “dại” của mình để lớn “khôn” hơn lên.

Đời người có ai dám khẳng định mình không bao giờ sai lầm, không bao giờ vấp ngã? Cuộc sống càng hiện đại, càng phát triển, con người càng có nhiều cơ hội để khẳng định mình. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là thử thách với con người càng nhiều, càng dễ phạm sai lầm, càng dễ vấp ngã, vấn đề là chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn và đứng lên từ những vấp ngã, sai lầm. Từ trong thất bại, con người ta cần phải tìm hiểu ra căn nguyên, biết được thất bại là do đâu, từ đó mới tìm ra cách khắc phục. Mỗi lần vấp ngã là chúng ta lại tìm ra những bài học cho bản thân, về cuộc đời. Nhờ thế khả năng hiểu biết cũng như khả năng ứng phó với hoàn cảnh cũng trở nên linh hoạt hơn, giúp chúng ta vượt lên khó khăn của hoàn cảnh, làm cho ta ngày càng trở nên tự tin hơn.

Xác định những điều này như một quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng điều đó không có nghĩa là con người tự cho phép mình được sai lầm, được vấp ngã trong cuộc đời. Đó là những bài học được đúc kết nhưng cũng là câu nói mang tính chất động viên, khi con người gặp phải những khó khăn trắc trở trong cuộc sống, để không vì thất vọng, vì lo lắng mà buông xuôi tất cả. Hãy cố gắng để tránh mắc sai lầm và thất bại một cách tối đa. Nhưng nếu lỡ có gặp phải những trường hợp như vậy thì hãy biết cách tự mình đứng dậy và dũng cảm tiến về phía trước. “Thất bại là mẹ thành công” và chỉ có trong thất bại con người mới nhận ra được chính mình. Thất bại dạy cho ta cách để thành công, cũng như sai lầm dạy cho ta cách để sáng suốt, và thường chúng là cái tồn tại như một phần tất yếu trên con đường đi đến thành công vậy. Là những người mới đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, giới trẻ cần được ý thức điều này một cách sâu sắc. Nhận thức được về lẽ thành bại trong cuộc sống, chúng ta càng có ý thức hơn trong việc rèn luyện để mình có thể trở thành người chủ động trong mọi trường hợp. Hãy cố gắng để mình luôn là người giành chiến thắng.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Nghị luận bàn về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM