Nghị luận về tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền - một đoạn trích ấn tượng từ tiểu thuyết kinh điển "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), ta được chứng kiến cuộc đối đầu nghẹt thở giữa công lý và lòng trắc ẩn, giữa luật pháp và tình người. Bài viết sau đây sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết, từ việc tìm hiểu bối cảnh sáng tác, phân tích nhân vật, cho đến cách trình bày một bài văn nghị luận hoàn chỉnh về tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền,
giúp các em khám phá sâu hơn ý nghĩa của đoạn trích này.Tìm hiểu khái quát về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả Vích-to Huy-gô
- Vích-to Huy-gô (1802 - 1885) sinh ra và lớn lên trong thế kỉ XIX, một thế kỉ đầy bão tố cách mạng tại Besançon ở miền Đông nước Pháp.
- Là nhà văn nổi tiếng nước Pháp thế kỉ XIX, chủ soái của dòng văn học lãng mạn tích cực, một thiên tài nở sớm và rọi sáng từ đầu thế kỉ XIX cho đến nay.
- Thời thơ ấu, ông đã phải trải qua nhiều đau khổ do gia đình mâu thuẫn.
- Ông là một người suốt đời có những hoạt động xã hội và chính trị tác động mạnh mẽ đến những nhân vật và khuynh hướng tiến bộ của thời đại.
- Phong cách nghệ thuật: Mỹ học lãng mạn kết hợp với cảm quan hiện thực tạo nên sức lôi cuốn và thuyết phục của lí tưởng thẩm mỹ V. Huy-go đối với cuộc đời, cái đẹp của tình thương yêu hòa đồng, của hạnh phúc bình đẳng và của sự tiến bộ vô tận của con người.
- Phương châm sống: Yêu thương là hành động.
- Các tác phẩm tiêu biểu: Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thể hiện lòng khao khát tự do, bình đẳng, bác ái, đặc biệt là lòng yêu thương bao la với người khốn khổ.
+ Thơ trữ tình: Những khúc ca ngắn và những bài khác (1822), Những khúc ca ngắn mới (1824), Những khúc ca và ballad (1826), Năm khủng khiếp (1872)...
+ Kịch: Cromwell (1827), Trận chiến Hernani (1830), Vị vua tiêu khiển (1832), Théâtre en liberté (1886),...
+ Tiểu thuyết: Người nô lệ da đen (1820), Ngày cuối cùng của người bị kết án (1829), Những người khốn khổ (1862),...
2. Tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền
- Xuất xứ: Đoạn trích nằm ở cuối phần 1 của tiểu thuyết Những người khốn khổ nổi tiếng trong sự nghiệp đồ sộ của Huy-gô.
- Hoàn cảnh sáng tác: Từ năm 1829, Huy-gô đã có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về người tù khổ sai. Sau năm 1830, Huy-gô đặc biệt chú ý đến các vấn đề xã hội và bắt tay vào việc sưu tầm tài liệu để viết bộ tiểu thuyết này vào năm 1840, ban đầu được đặt tên là “Những cảnh cùng khổ” và hoàn thành nó vào năm 1861.
- Bối cảnh xã hội: Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Paris trong những năm 1830, chế độ phản động của Luis XVIII, cuộc cách mạng 1830, 1832 đem đến những biến đổi xã hội sâu sắc và cả trong tư tưởng của nhà văn. Chế độ đã đày đọa con người về cả thể xác lẫn tinh thần. Khung thời gian của "Những người khốn khổ" đặt trong xung đột kinh tế, nạn đói và bệnh tật. Bất chấp tất cả các cuộc cách mạng và thay đổi các đảng chính trị, tầng lớp dân thường vẫn có tiếng nói rất nhỏ trong xã hội.
- Nội dung đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền: Vì muốn cứu một nạn nhân bị Gia-ve bắt oan, Giăng Van-giăng đã buộc phải tự thú mình là ai. Bởi vậy ông đến từ giã Phăng-tin trong khi nàng chưa biết gì về sự thật tàn nhẫn đó. Đoạn trích kể lại tình huống Gia-ve dẫn lính đến bắt Giăng Van-giăng khi ông đến thăm Phăng-tin lúc nàng đang hấp hối. Ban đầu, Giăng Van-giăng chưa mất hẳn uy quyền của một ông thị trưởng. Vì không muốn dập tắt niềm hi vọng của Phăng-tin ông phải hạ mình trước Gia-ve. Nhưng Gia-ve vẫn tàn nhẫn tuyên bố Giăng van-Giăng chỉ là một tên tù khổ sai vượt ngục và hắn sẽ bắt ông. Phăng-tin tuyệt vọng tắt thở. Căm phẫn trước sự tàn ác của Gia-ve, Giăng van-giăng khôi phục uy quyền khiến hắn phải run sợ và làm những nghĩa vụ cuối cùng đối với Phăng-tin.
(Xem thêm phần Tóm tắt Người cầm quyền khôi phục uy quyền để hiểu rõ hơn nội dung đoạn trích)
- Các nhân vật chính:
+ Gia-ve: tên thanh tra mật thám, con ác thú đội lốt người
+ Giăng Van-giăng: ông thị trưởng Ma-đơ-len, một vị cứu tinh nhân đức.
Dàn ý nghị luận về tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nêu vấn đề cần nghị luận: sự đối lập giữa công lý và lòng trắc ẩn, sự thức tỉnh của nhân vật Gia-ve, sức mạnh của tình yêu thương...).
2. Thân bài
Phân tích tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền:
a) Nhan đề đoạn trích
Ý nghĩa nhan đề Người cầm quyền khôi phục uy quyền:
- Chỉ sự việc Gia-ve khôi phục uy quyền trước Giăng Van-giăng (trước khi Giăng Van-giăng là thị trưởng Ma-đơ-len, Gia-ve buộc phải phục tùng).
- Mặc dù Giăng Van-giăng là đối tượng săn đuổi của Gia-ve, nhưng bằng sự bất khuất và sức mạnh của tình thương, ông vẫn có thể đẩy lùi và chiến thắng được hắn, khiến hắn khuất phục, run sợ.
b) Tóm tắt nội dung
- Gia-ve đến bắt Giăng Van-giăng khiến Phăng-tin đang bị bệnh càng khiếp sợ đến chết.
- Giăng Van-giăng từ biệt Phăng-tin, thầm hứa với linh hồn người phụ nữ bất hạnh.
c) Nhân vật trong truyện
Phân tích các nhân vật: Gia-ve, Giăng Van-giăng, Phăng-tin...
- Chân dung tên thanh tra mật thám Gia-ve:
+ Bộ dạng, ngôn ngữ và hành động chẳng khác gì ác thú sắp vồ mồi: giọng nói man rợ, cặp mắt "như cái móc sắt", cái cười "ghê tởm", đầy ác ý, độc địa...
+ Nội tâm chứa đựng đầy đủ sự bạo tàn nham hiểm của một con ác thú được biểu hiện qua thái độ và cách cư xử độc ác với Phăng-tin: hùng hổ, hách dịch
+ Thái độ hống hách, quát nạt, trịch thượng, coi khinh con người.
+ Trước hành động cao thượng và rất người của Giăng Van-giăng, hắn đã lùi bước trong run sợ.
- Chân dung ông thị trưởng Ma-đơ-len (Giăng Van-giăng)
+ Có bản lĩnh thép, không sợ cường quyền: giọng nói hết sức nhẹ nhàng và điềm tĩnh, là người biết đồng cảm và sẻ chia.
+ Thái độ nhã nhặn, hết sức khiêm nhường, tự kiềm chế biết mình biết người, không muốn xảy ra xung đột, giữ hòa khí.
+ Yêu thương, trân trọng, muốn chở che, bảo vệ, lúc nào cũng ân cần chăm sóc Phăng-tin
+ Trang nghiêm, từ tốn, đầy tình thương: Ngồi yên lặng, nâng đầu đặt ngay ngắn, thắt lại dây rút áo, vén gọn tóc, vuốt mắt cho chị.
+ Đối với Gia-ve thì hành động mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát không đắn đo, suy tính: "giật gãy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát...cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn Gia-ve trừng trừng”.
- Chân dung nhân vật Phăng-tin:
+ Một người phụ nữ xinh đẹp và có tình yêu thương con sâu sắc: Chấp nhận làm mọi việc, bán mọi thứ (tóc, răng và thậm chí cả danh dự và nhân phẩm để đi làm gái điếm) để lấy tiền nuôi con. Khi cận kề cái chết vẫn một mực lo cho con, nghĩ về con, không nguôi hi vọng rằng Giăng Van-giăng sẽ tìm thấy con về.
+ Bị người yêu bỏ rơi
+ Bị đuổi việc chỉ vì có con hoang
+ Phải gửi con và đi làm gái điếm để có tiền nuôi con
+ Trước khi chết vẫn luôn khao khát một lần được gặp lại con nhưng cuối cùng đã bị Gia-ven dập tắt.
+ "Con tôi! Chị kêu lên. Đi tìm con tôi! Thế ra nó chưa đến đây!..." -> tiếng khóc đến xé ruột thể hiện nỗi đau đớn đến tột cùng.
+ Cuối cùng, Phăng-tin đã chết khi chưa được gặp lại con.
e) Đánh giá nghệ thuật:
- Bút pháp lãng mạn làm nổi bật tâm hồn đầy yêu thương của Giăng Van-giăng
- Thủ pháp nghệ thuật tương phản được làm nổi bật sự đối lập giữa thiện - ác, tốt - xấu, yêu thương - tàn bạo,... thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
- Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, phóng đại.
- Sử dụng yếu tố hư cấu
- Nghệ thuật đối lập khi xây dựng hình tượng nhân vật.
- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn
- Xây dựng, miêu tả tính cách nhân vật sinh động.
3. Kết bài
- Khẳng định giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm và liên hệ với thực tiễn.
- Nêu cảm nhận của bản thân về tác phẩm.
Một số bài văn mẫu nghị luận về tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Dưới đây là những bài văn mẫu nghị luận về tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn dành cho các em tham khảo để nắm được cách trình bày cũng như có thêm những ý văn hay, mở rộng vốn từ trước khi viết bài.
Nghị luận Người cầm quyền khôi phục uy quyền bài số 1
V.Huy-gô là một con người đa tài, ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là nhà tiểu thuyết, nhà soạn kịch, ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những tác phẩm xuất sắc. Tuy xuất thân từ gia đình hoàng tộc nhưng bản thân ông lại luôn đứng về phía nhân dân, chống lại chính quyền phong kiến. Những người khốn khổ là tác phẩm làm nên tên tuổi của ông, vinh danh ông là người bạn chuyên viết về những người khốn cùng trong xã hội. Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền tuy chỉ là trích đoạn ngắn nhưng cũng bộc lộ đầy đủ bút pháp lãng mạn, cũng như tư tưởng nhân văn cao cả của V.Huy-gô.
Đoạn trích thuộc chương IV, quyển 8 phần I, đây là trích đoạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sau khi ra khỏi tù, nhận được sự giúp đỡ từ giám mục, Giăng Van-giăng đã trở thành một con người lương thiện, ông đổi tên thành Ma-đơ-len giúp đỡ mọi người có công ăn việc làm, bản thân được yêu quý và được bầu làm thị trưởng. Bản tính lương thiện, khiến ông không thể để mặc cho Săng-ma-chi-ơ bị bắt oan nên ông quyết định ra đầu thú, thú nhận chính mình là Giăng Van-giăng. Đoạn trích là cuộc đối đầu đầy kịch tính giữa thiện và ác, giữa Giăng Van-giăng và tên ác thú Gia-ve.
Đoạn trích có nhan đề “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” vậy ở đây ai là người cầm quyền và khôi phục uy quyền. Gia-ve vốn là tay sai, là kẻ cầm quyền đi thực thi pháp luật. Còn Giăng Van-giăng lại là người tù khổ sai, phải phục tùng Gia-ve. Nhưng trong cuộc chạm trán giữa cái thiện và cái ác, Gia-ve đã phải sợ hãi, nhún nhường trước cái Thiện – Giăng Van-giăng. Cái thiện khôi phục uy quyền của mình, qua đó tác giả đã khẳng định và làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.
Gia-ve hiện lên mang diện mạo của một con ác thú, bộ mặt gớm ghiếc, nhìn vào hắn có cảm tưởng như không thể chịu đựng được, người muốn lịm đi. Giọng điệu cộc lốc, thô lỗ, không chỉ vậy còn man rợ khi hắn điên cuồng hét lên, dường như ta không thể phân biệt đó là tiếng người hay tiếng thú. Ánh nhìn của hắn cũng làm người ta sởn gai ốc, nó tựa như một cái móc sắt. Nụ cười ghê tởm, phô ra hai hàm răng gớm ghiếc. Qua những nét phác họa hết sức điển hình, đã cho người đọc một hình dung chân thật về chân dung “quái thú” Gia-ve. Ở hắn, chỉ duy nhất có một hành động khiến người ta vẫn biết hắn là người chính là hành động hút thuốc. Ở đây V.Huy-gô đã sử dụng bút pháp tả thực để lột tả một cách chân thực đầy đủ nhất diện mạo của Gia-ve.
Không chỉ gớm ghiếc trong nhân hình mà hắn còn độc ác, man rợ trong nhân tính, trong cách hành xử với người khác. Trước người bị bệnh hắn ta không hề quan tâm đến sức khỏe của họ, mà vẫn ra sức quát tháo, khiến ai nấy đều khiếp sợ, giọng điệu hằn học, ngang ngược: “Giờ lại đến lượt con này”. Không dừng lại ở đó hắn còn nói ngay sự thật về Cô-dét và ông thị trưởng khiến cho chị Phăng-tin bị một cú sốc lớn về mặt tinh thần. Chính những lời nói, hành động không chút nhân tính của Gia-ve đã dẫn đến cái chết đầy thương tâm của Phăng-tin. Dù vậy hắn vẫn không mảy may xót thương, vẫn lạnh lùng thực thi nhiệm vụ, không hề động lòng thương cảm, “đừng có lôi thôi! Tao không đến đây để nghe lí sự”. Gia-ve mang trong mình bản tính tàn nhẫn, như một con ác thú. Đối với hắn trong xã hội chỉ có hai loại người có tội và không có tội, hắn là một công chức mẫn cán, thực hiện mọi chỉ thị của bọn tư sản. Và chính từ đó đã sản sinh ra một con quái thú đội lốt người mang tên Gia-ve.
Trái ngược lại với Gia-ve, lại là một Giăng Van-giăng sống trách nhiệm và đầy tình yêu thương đối với mọi người xung quanh. Trước khi chị Phăng-tin qua đời, ông vô cùng nhẹ nhàng, nhún nhường trước những lời lẽ cũng như hành động của Gia-ve đối với mình. Khi Ga-ve nắm lấy cổ áo Giăng Van-giăng, ông chỉ kính cẩn nói với Gia-ve: “Thưa ông tôi muốn nói riêng với ông câu này”. Lời lẽ hết sức nhún nhường, miễn sao để không bị ảnh hưởng đến người bị bệnh. Lời lẽ với chị Phăng-tin cũng rất nhẹ nhàng, tinh tế, tránh để cho Phăng-tin biết sự thật: “Tôi biết anh muốn gì rồi”. Mọi lời lẽ, hành động nhún nhường đó tất cả đều là vì Phăng-tin, ông không muốn cô gái đó đang sống trong mong manh hi vọng lại bị dập tắt bởi thực tế phũ phàng. Trong giây phút nguy hiểm đến tính mạng bản thân ông vẫn không màng, vẫn chỉ một mực suy nghĩ cho những người xung quanh mình.
Khi Phăng-tin tắt thở, thái độ của Giăng Van-giăng đối với Gia-ven đã thay đổi hẳn, đó là sự cương quyết, dứt khoát: “anh đã giết chết người đàn bà này rồi đó” và cảnh cáo Gia-ve: “Tôi khuyên anh đừng quấy rầy tôi lúc này”. Thái độ đó là bởi tình thương, sự xót xa dành cho Phăng-tin quá lớn. Ông dùng mọi cách, kể cả đối đầu với Gia-ve để được nán lại ít phút bên Phăng-tin tạm biệt người phụ nữ với số mệnh đầy đau khổ, bất hạnh. Ông vuốt mắt cho chị, gương mặt “Phăng –tin như rạng rỡ lên một cách lạ thường”. Tình yêu thương của Giăng Van-giăng khiến cho tất cả mọi người đều phải cảm mến, kính phúc. Và sau giây phút đó, Giăng Van-giăng chủ động, bình tĩnh nói “Giờ thì tôi thuộc về anh”. Thái độ hết sức hiên ngang, chủ động, ung dung.
Đoạn trích đã sử dụng nghệ thuật so sánh, đối lập tài tình, đó là sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, cái nhân văn với cái thấp hèn, qua đó làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Bút pháp lãng mạn được vận dụng tài tình, đặc biệt là qua hình ảnh nụ cười rạng rỡ nở trên môi Phăng-tin ngay khi chị đã qua đời. Đan xen trong lời kể là những lời bình luận ngoại đề, bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của người viết, đây cũng là một cách định hướng cho người đọc.
Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, đã tái hiện chân thực cuộc đối đầu đầy gay go giữa cái thiện và cái ác. Đồng thời qua đó đã gửi gắm thông điệp đầy ý nghĩa: Lòng nhân ái, tình yêu thương con người có thể giúp ta vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đem đến ánh sáng hi vọng cho tương lai. Tác phẩm cho thấy giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả của tác giả.
Nghị luận Người cầm quyền khôi phục uy quyền bài số 2
Trong một xã hội mà thi pháp luật và phong hóa còn đầy đọa con người, dựng lên những địa ngục tăm tối, đưa thứ định mệnh nhân tạo trở thành thiên tạo. Nảy sinh ra ba vấn đề to lớn của thời đại đó là sự đầy đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát. Tác phẩm Những người khốn khổ của Hugo ra đời và còn ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của nhân loại. Trong đó có đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền nằm ở phần đầu của tiểu thuyết đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Đoạn trích xây dựng các nhân vật chính là Gia-ve , Giăng-van- giăng và Phăng Tin. Cuộc đối thoại của họ mà tác giả xây dựng tạo nên sự khác biệt, đối lập giữa hai tính cánh, hai con người. Trước khi Phăng- tin chết , Giăng-van- giăng luôn là con người điềm tĩnh, giọng nói nhẹ nhàng, vẻ mặt bình thản luôn cúi đầu trái ngược với Gia-ve một kẻ man rợ, điên cuồng hét lên như tiếng thú gầm cùng đôi mắt như mọc sắt trừng trừng, hắn cười nụ cười ghê tởm phô ra hai hàm răng,giậm chân tức tối tiến đến túm lấy cổ áo Giăng Van- giăng nhưng Giăng-van- giăng không cố gỡ tay Gia-ve ra khỏi cổ áo, anh luôn nhẫn nại, bền chí và hiên ngang vô cùng.
Ở đây, tác giả sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập, so sánh có hướng phóng đại chân dung hai nhân vật. Khiến hai nhân vật hiện lên đầy chân thực: Gia-ven như một loài ác thú , còn Giăng-van- giăng là một người lịch sự và ôn nhu. Vị thế của hai nhân vật trong tình huống này cũng bị đảo lộn, Giăng-van- giăng trở thành kẻ tù khổ sai còn Gia-ve trở thành người truy tìm tội phạm. Dường như uy quyền của y đã được khôi phục, y dùng cường quyền, bạo quyền đề chiến thắng những con người nhỏ bé, ít có sự chống đỡ bằng cách truy đuổi, lùng sục , dọa nạt như một con thú dữ tìm mồi của mình.
Tình thế trong đoạn trích bỗng đảo ngược khi Phăng-tin chết trước mặt hai nhân vật Giăng-van- giăng và Gia-ve. Chứng kiến Phăng-tin nằm trên giường,Gia-ve hét lên ghê gớm, giật lùi người ra phía cửa , run sợ, y bỗng đứng lại , tay nắm chặt cầu thang, mắt không rời Giăng-van- giăng. Có lẽ chính những hành động và sự sợ hãi, run rẩy ấy đã tước đoạt đi sức mạnh và quyền uy của chính hắn. Còn Giăng-van-giăng, vẫn giữ thái độ điềm đạm, để tay lên tay Gia-ve, cạy như cắn tay trẻ con. Đi tới, giật gãy giường, cầm thanh sắt. Khuyên ngăn Gia-ve với lời nói ôn nhu, cách nói điềm tĩnh nhưng thái độ vô cùng cương quyết.
Gia-van- giăng tì khuỷu tay lên thành giường bàn tay đỡ Phăng-tin, xót thương cho hoàn cảnh của cô. Anh thay vì nghĩ cho mình, anh nghĩ cho Lăng-ten nhiều hơn. Chính lòng vị tha ấy đã chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng cường quyền. Lúc này Gia-ve trở nên run sợ, Giăng-van- giăng trở nên vững vàng hơn, bản lĩnh hơn. Uy quyền đã được khôi phục lần hai. Với Gia-ve hắn bị tước đoạt uy quyền bằng sự đớn hèn còn Giăng-van- giăng tự khôi phục ngôi vị của mình bằng bản lĩnh và tình yêu thương vô điều kiện , lòng vị tha, cao thượng. Có lẽ sự chiến thắng ấy là uy quyền của lòng nhân hậu, của cái đẹp.
Sự đối lập tương phản giữa hai nhân vật không chỉ ở đối thoại trực tiếp mà còn thể hiện ở cách cư xử. Gia-ven luôn miệng chửi Phăng-tin là " con này, đồ khỉ,..." lăng mạ bằng lời nói thô bỉ, đầy mạt sát, chà đạp con người. Ngược lại Giăng-van- giăng gọi là chị, người đàn bà đáng thương, cúi gầm thì thầm bên tai hứa rằng sẽ tìm Cô- dét. Nụ cười của Phăng-tin tay yếu ớt nhưng đầy sự cảm kích với ân nhân của mình. Phăng-tin cảm kích những cử chỉ chăm sóc dịu dàng, yêu thương, gương mặt bà sáng lên , trút lại cõi dương trần mọi khổ ải, mọi đớn đau và đi vào phục sinh. Những hành động của Giăng-van- giăng là sự cứu rỗi, hiện lên trong thiên mệnh của đức chúa trời. Và khi lấy lại được quyền uy của mình, cũng là lúc Giăng-van- giăng hoàn thành sứ mệnh của mình, ban phát lòng yêu thương cho mọi người.
Đoạn trích Người cầm quyền lấy lại uy quyền là một trong những đoạn tiêu biểu trong tiểu thuyết Những người khốn khổ. Đoạn trích trao gửi đến cho chúng ta một thông điệp: sức mạnh tình yêu có khả năng hoán cải xã hội, mang lại bao hạnh phúc và cứu vớt khổ đau.
Nghị luận Người cầm quyền khôi phục uy quyền bài số 3
V. Huy-gô là một trong những thiên tài nổi tiếng của văn học thế giới đầu thế kỉ XIX. Những áng văn bất hủ của ông đều chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc, một vài tác phẩm có thể kể đến như Chín mươi ba, Nhà thờ Đức bà Pa-ri hay Những người khốn khổ. Trích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền nằm trong phần thứ nhất của tiểu thuyết Những người khốn khổ, đây là phần phản ánh rõ nhất sự đối lập giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống, qua đó bày tỏ niềm thương xót của tác giả đối với số phận bất hạnh của những người khốn khổ.
Trong đoạn trích, nhà văn đã xây dựng hai nhân vật ở hai chiến tuyến đối lập nhau là Giăng Van-giăng và Gia-ve. Giăng Van-giăng - một người tù khổ sai giàu lòng yêu thương, cảm thông trước nỗi đau của Phăng-tin một người đàn bà khốn khổ bị mất con, ông luôn động viên, trấn an chị: "Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu". Giăng Van-giăng còn lo sợ rằng Phăng-tin sẽ chết mà đành nhún nhường xin Gia-ve thư thư vài ba ngày để giúp đỡ Phăng-tin tìm lại con gái: "Xin ông thư cho ba ngày! Ba ngày để tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu". Ông hiểu được rằng người đàn bà tội nghiệp kia đang mong muốn được gặp lại con biết nhường nào, con gái bây giờ với Phăng-tin là nguồn sống, là điều đẹp đẽ duy nhất mà thế giới này bạn tặng cho cô. Có lẽ bây giờ tìm được Cô-dét là cách duy nhất để níu giữ sự sống cho người đàn bà đáng thương kia mà thôi.
Nhưng trớ trêu thay, ngay cả cái điều mong muốn thiện lương ấy của Giăng Van-giăng, nguồn hy vọng cuối cùng của người đàn bà đứng trước cửa tử kia cũng bị tên cầm quyền dập tắt. "Hắn nhìn Phăng-tin trừng trừng, lại túm một túm lấy cổ áo và ca-vát của Giăng Van-giăng, nói thêm: Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len, không có ông thị trưởng nào cả. Chỉ có một kẻ cắp, một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai là Giăng Van-giăng!". Chính lời nói tàn nhẫn kia đã cướp đi sinh mạng của Phăng-tin, lời hắn nói khiến cô tuyệt vọng trong đau khổ. Khi Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng chẳng còn lí do gì để hạ mình với hắn, trước hắn, trái lại càng căm tức hắn bội lần. Ông tiến tới chiếc giường, "giật gẫy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát[...], ông cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn Gia-ve trừng trừng". Đó là hành động thể hiện sự phản đối kịch liệt, sự căm thù của Giăng Van-giăng trước Gia-ve ác độc. Lúc này đây, Gia-ve uy lực mấy phút trước bỗng tiêu tan, người ta chỉ thấy một bộ mặt tái nhợt, bước lùi về phía cửa trong vẻ run sợ của hắn.
Về phần Phăng-tin, Giăng Van-giăng ngồi xuống cạnh bên, dành cho cô những hành động nâng niu nhất: "Giăng Van-giăng tì khuỷu tay lên thành giường, bàn tay đỡ lấy trán, ngắm Phăng-tin nằm dài không nhúc nhích. Ông ngồi như thế mải miết, yên lặng[...]". Ông xót xa cho số phận nghiệt ngã của Phăng-tin, xót xa cho một kiếp người mong manh, đến chết vẫn chẳng thể gặp lại con yêu. Qua ngòi bút của V. Huy-gô, Giăng Van-giăng hiện lên hình ảnh của một còn người giàu lòng yêu thương, đáng khâm phục và trân trọng biết bao.
Nếu hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng lương thiện bao nhiêu thì Gia-ve càng độc ác bấy nhiêu. Ngoại hình, hành động hay lời nói của hắn thốt ra đều tố cáo bản chất gian mãnh, vô lương tâm của hắn. Hắn mang danh ngài thanh tra làm việc vì sự an bình của nhân dân mà chính hắn lại đạp đổ lên mục đích cao đẹp ấy. Ngay cả người đàn bà đang hấp hối giữa cái chết hắn vẫn không tha, buông lời quát mắng: "Giờ lại đến lượt con này! Đồ khỉ có câm họng đi không? Cái xứ chó đểu gì mà bọn tù khổ sai làm ông nọ ông kia, còn lũ gái điếm được chạy chữa như những bà hoàng! Nhưng này, sẽ thay đổi hết, đã đến lúc rồi đấy!". Phải chăng Gia-ve chính là một con ác thú giữa cuộc đời trần trụi, con ác thú gian mãnh sống trong mớ nguyên tắc khuôn mẫu, thiếu tình người.
Bằng bút pháp lãng mạn cùng nghệ thuật tương phản đặc sắc, Huy-gô không chỉ xây dựng thành công hai hình ảnh đại diện cho thiện - ác trong đời mà qua đó còn gửi gắm một thông điệp nhân sinh đầy sâu sắc: Trong bóng tối của cường quyền và tuyệt vọng, tình yêu thương như những vì sao lấp lánh, nâng đỡ con người, nhen nhóm niềm tin ấm áp nơi họ.
Nghị luận Người cầm quyền khôi phục uy quyền bài số 4
"Người cầm quyền khôi phục uy quyền" trích trong tác phẩm "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-gô (1802 - 1885), nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà soạn kịch vĩ đại thuộc chủ nghĩa lãng mạn văn học Pháp trong thế kỉ XIX. Đọc "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" nhân vật Gia-ve để lại cho ta bao nỗi hãi hùng. Qua cái nhìn, sự nghe thấy và ý nghĩ, cảm xúc của Phăng-tin, tác giả đã khắc họa tên mật thám này bằng những nét vẽ vô cùng sâu sắc, đầy ấn tượng.
Khi Phăng-tin đang nằm trên giường bệnh, xung quanh có ông Ma-đơ-len và bà xơ, đó là những người nương tựa tinh thần của người đàn bà khốn khổ này, thì Gia-ve xuất hiện bất ngờ. Phăng-tin tưởng là hắn đến bắt chị nên chị đã "kêu lên hãi hùng". Cái mặt hắn "gớm ghiếc". Điệu bộ hắn "man rợ va điên cuồng". Tiếng của hắn "không còn là tiếng người nói mà là tiếng thú gầm". Cặp mắt của hắn nhìn "như cái móc sắt ", thật kinh khủng, bởi vì cái nhìn ấy cách đây hai tháng đã "đi thấu vào đến tận xương tủy chị".
Phăng-tin sợ hãi "rùng mình" khi tên hung thần tiến vào giữa phòng và "hét lên": "Mày có đi không?". Chị cảm thấy "cả thế giới đang tiêu tan" khi tên mật thám nắm lấy cổ áo ông thị trưởng; và ông thị trưởng cúi đầu. Khi Phăng-tin kêu cứu ông thị trưởng thì Gia-ve "phá cười lên", cái cười ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng. Cái cười ấy là tiếng gầm gừ của một chó điên, của một con thú dữ sắp vồ mồi! Thật lạnh lùng và ghê sợ khi ta nghe nhà cầm quyền khôi phục uy quyền khẳng định: "Ở đây làm gì còn có ổng thị trưởng nữa!".
Khi Giăng Van-giăng muốn "cầu xin" Gia-ve "một điều" thì hắn bảo phải gọi hắn là "ông thanh tra" và "phải nói to". Giăng Van-giăng xin Gia-ve "thư cho ba ngày" để đi tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương đang nằm trên giường bệnh, thì hắn kêu lên: "Mày nói giỡn! Chà chà! Tao không ngờ mày lại ngốc thế! Mày bảo là để đi tìm đứa con cho con đĩ kia! Á à!..". Khi Phăng-tin "run lên bần bật" cất tiếng kêu thương gọi Cô-dét gọi ông thị trưởng, thì Gia-ve như một con thú dữ bị trúng thương, hắn "giậm chân", hắn nhìn Phăng-tin "trừng trừng", hắn "túm một túm lấy cổ áo và cà vạt" của Giăng Van-giăng, hắn thô lỗ gọi chị Phăng-tin là "con đĩ", là "đồ khỉ", hắn ra lệnh bắt chị phải "câm họng". Với hắn thì không thể nào để tồn tại những nghịch cảnh nơi "cái xứ chó đểu", mà phải "thay đổi hết", không thể để nghịch cảnh "bọn tù khổ sai làm ông nọ bà kia, còn lũ gái điếm được chạy chữa như những bà hoàng!" Dưới con mắt Gia-ve thì không thể có cái tên ông Ma-đơ-len, không có ông thị trưởng nào cả, mà "chỉ có một tên kẻ cắp, một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai là Giăng Van-giăng" mà hắn đã bắt được. Người cầm quyền, khôi phục uy quyền là thế!
Lời nói cử chỉ, hành động của tên hung thần Gia-ve đã làm cho Phăng-tin vô cùng kinh sợ, "chị thốt ra tiếng rên", răng đánh vào nhau "cầm cập", "chị bỗng ngã vật xuống gối, đầu đập vào thành giường rồi ngoẹo xuống ngực, miệng há hốc, hai mắt mở to và lờ đờ" tắt thở. Tác giả đã tả cái chết của Phăng-tin để vạch trần bộ mặt độc ác, tàn nhẫn của con người thú - tên mật thám, tên thanh tra Gia-ve.
Trước phản ứng của Giăng Van-giăng như cây bàn tay của Gia-ve đang túm lấy cổ áo mình, nghiêm nghị cảnh cáo tội ác của hắn "đã giết chết" một người đàn bà tội nghiệp, thì hắn "phát khùng hét lên và hăm dọa". Nhưng trước hành động của ông thị trưởng "giật gãy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát", "cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn Gia-ve trừng trừng", thì tên hung thần cũng biết sợ, hắn "lùi ra phía cửa". Đúng là Gia-ve" run sợ", hắn sợ người tù khổ sai đập chết.
Cái chết bất đắc kỳ tử của Phăng-tin, phản ứng quyết liệt của Giăng Van-giăng, sự run sợ của Gia-ve là tình huống đầy kịch tính, vừa bị thương, vừa hài hước, mang ít nhiều ý vị triết lí: những kẻ mất tính người, độc ác như thú dữ lại là những kẻ nhát gan nhất và sợ chết nhất! Đúng là Gia-ve sợ chết! Thật là hài hước và mỉa mai: nhà cầm quyền đang hung hăng khôi phục uy quyền thì bất ngờ bị tước mất uy quyền! Hình ảnh Gia-ve "tay nắm lấy đầu lan can, lương tựa vào khung cửa, mắt không rời Giăng Van-giăng "khác nào một con chó dữ bị đánh cụp đuôi vẫn không buông mồi.
Sau khi hạ uy thế Gia-ve, Giăng Van-giăng đã dành tất cả tâm hồn mình cho người đàn bà khốn khổ vừa mới chết. Ông "tì khuỷu tay lên thành giường", ông "đỡ lấy trán" bằng bàn tay, ông ngắm Phăng-tin nằm dài không nhúc nhích. Một nỗi thương xót khôn tả, biểu lộ trong nét mặt và dáng điệu của ông. Ông yên lặng ngồi trước thi thể người đàn bà xấu số. Một lúc sau, trong trạng thái "mơ màng", ông "cúi ghé lại gần và thì thầm bên tai Phăng-tin". Những tiếng thì thầm ấy là những lời xót thương.
Cảnh tình cảm động ấy đã được bà xơ Xem-pli-xơ chứng kiến. Và sau này bà thường kể lại rằng "lúc Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin, bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết"
Tình thương của Giăng Van-giăng thật mênh mông và bao la. Cử chỉ của ông thật trang trọng, thành kính và đầy thương xót. Ông "lấy hai tay nâng đầu Phăng-tin lên đặt ngay ngắn giữa gối như một người mẹ sửa sang cho con". Giăng Van-giăng thắt lại dây rút cổ áo, vén gọn mớ tóc rồi vuốt mắt cho chị, cử chỉ xót thương và tấm lòng nhân ái của Giăng Van-giăng đã làm cho gương mặt Phăng-tin "như sáng rỡ lên một cách lạ thường".
Huy-gô viết: "Chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại". Phải chăng bầu ánh sáng vĩ đại ấy là tình nhân ái bao la, mênh mông của đồng loại, của những người tù khổ sai như Giăng Van-giăng trong cuộc đời. Cái cử chỉ cuối cùng của Giăng Van-giăng đối với người đàn bà xấu số, tội nghiệp thật vô cùng cảm động. Ông đã quỳ xuống trước hai bàn tay buông thõng ngoài giường của Phăng-tin, "nhẹ nhàng nâng lên và đặt vào đấy một nụ hôn". Ta khẽ hỏi: Đã mấy ai trong cõi đời xưa nay có cách ứng xử đầy tình thương như người tù khổ sai này?
Câu chuyện được kể trong "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" cho thấy bút pháp tự sự đặc sắc của Huy-gô. Các nhà văn của trào lưu lãng mạn, cũng như Huy-gô sử dụng biện pháp tương phản và phóng đại một cách tài tình khi miêu tả nhân vật và biểu hiện sự vật. Gia-ve và Giăng Van-giăng là hai bức họa tương phản và phóng đại đầy ấn tượng làm nổi bật ánh sáng và bóng tối, lòng nhân ái và sự độc ác, tình người và bản năng thú dữ. Những so sánh, những ẩn dụ được tác giả sử dụng sắc nét, tài tình. Nhân vật Giăng Van-giăng và cái chết của Phăng-tin đã làm cho trang văn của Huy-gô dào dạt cảm hứng nhân văn; chứa chan tinh thần nhân đạo.
Nghị luận Người cầm quyền khôi phục uy quyền bài số 5
Giáo sư Đặng Anh Đào - Hoàng Nhân trong cuốn "Văn học phương Tây" đã đánh giá: "V.Huy-gô đã trở thành hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn, là tiếng vọng âm vang của thời đại. Chẳng những thế, cho tới nay ông vẫn được coi là nhà văn đã kết hợp được qua một sự nghiệp đồ sộ gồm thơ và văn xuôi, những tình cảm phổ biến nhất, những khát vọng bình dị và sâu xa nhất của con người và được coi như tiên tri của hòa bình thế giới".
Thực vậy, có lẽ bởi chính cái khát vọng bình dị sâu xa được nhen nhóm ấy, đã giúp V.Huy-gô viết nên tác phẩm Nhà cầm quyền khôi phục uy quyền với sự cảm thông những số phận cùng khổ, là sự đặc sắc từ nhan đề cho tới chủ đề và nhân vật xuyên suốt mạch truyện.
Chủ đề được đặt bằng cái tên rất hay: “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”, giúp người đọc hiểu với hai lớp nghĩa. Lớp nghĩa đầu tiên, là chỉ sự kiện ông thị trưởng Giăng Van-giăng đã tiết lộ thân phận với mình trước Gia-ve, để cứu một nhân vật bị bắt đi oan uổng. Lớp nghĩa thứ hai, đã ám chỉ sức mạnh tinh thần cùng lòng thương người đã giúp ông thị trưởng khôi phục quyền uy trước tên ác nhân Gia-ve, khiến hắn phải run sợ mà lùi bước.
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về nhân vật Gia-ve. Tấm chân dung được vẽ nên cho thấy đây là một người man rợ, biểu hiện qua tiếng cười, tiếng hét gào lên với người đàn bà khốn khổ: “Thế mày! Mày có đi không?”, khiến cô gái ấy run sợ. Đó là nét ghê rợn, đáng khinh của một kẻ cầm thú, tái hiện qua chi tiết miêu tả kỹ càng, từ hàm răng cho tới hành động nạt nộ.
Giăng Van-giăng lại được xây dựng với motip hoàn toàn khác. Con người ấy có sự điềm tĩnh, hết lòng giúp đỡ Phăng-tin và người cùng khổ. Ông cương quyết, cứng rắn và mạnh mẽ trước hành động dã man của Gia-ve. Tất cả những chi tiết miêu tả ấy đã làm nổi bật sự đối lập giữa hai nhân vật với mang nét tính cách hoàn toàn trái ngược. Giăng Van-giăng nhân hậu, trái tim to lớn đã để lại giá trị cho đời những điều tầm cỡ. Cuộc sống của ông chỉ dành để cứu giúp mọi người, dù trong tay là quyền cao chức trọng. V.Huy-gô đã đẩy diễn biến cùng tâm trạng nhân vật lên cao trào, giúp ta thấy hứng thú và cuốn theo vòng xoáy của nhân vật. Đó là giai đoạn con người tốt bụng lâm vào cảnh khổ cực, nhưng vẫn giữ được trong mình giá trị cao đẹp, vẫn đứng lên bảo vệ người bất hạnh trước xã hội bất công.
Trong hoàn cảnh sống khốn khổ, nhưng tình thương của Giăng Van-giăng vẫn được hiện lên rất sinh động, trong không gian tối tăm của những con người rơi vào tình trạng khổ đau đó là hàng loạt những con người luôn biết yêu thương và làm nên những kỳ tích giúp đỡ mọi người xung quanh, trong trái tim của ông Giăng Van-giăng nó đã phản chiếu mạnh mẽ được nhịp sống trong tâm hồn của mỗi con người, nó đã phản ánh phần nào những điều có giá trị mạnh mẽ và hào nhoáng nhất trong cuộc đời của nhân vật.
Lấy cái dã man tàn bạo để làm nổi bật sự lương thiện đáng quý của ngài thị trưởng, ấy là điều Huy-gô làm rất xuất sắc. Gia-ve tỏ ra vô tội khi chính mình là thủ phạm gây ra cái chết của Phăng-tin - thực đáng khinh bỉ. Đó là xã hội mà cái xấu và cái ác đang ngự trị, khiến con người bị đè nén. Và cái chết của Phăng-tin đã trở thành sự thực đau thương nhất, tố cáo những con người trong xã hội không nhân tính, độc ác đẩy người ta vào cảnh nghiệt ngã khốn cùng. Thế nhưng, chi tiết khi sắp qua đời, Phăng-tin vẫn nở nụ cười nhợt nhạt trên môi nhìn Giăng Van-giăng, giúp ta cảm nhận được tia sáng hy vọng lóe lên giữa màn đêm an tĩnh. Bởi có lẽ, ấy là nụ cười của sự sống trong lúc tuyệt vọng, là tinh thần của những người khốn khổ trong xã hội bấy giờ.
-/-
Các em vừa tham khảo những gợi ý của Đọc tài liệu cho bài văn nghị luận về tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền có kèm theo một số bài văn mẫu hay. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.