Nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng

Xuất bản: 12/09/2024 - Tác giả:

Nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), bức chân dung sinh động về nhân vật Từ Hải, bài ca ca ngợi về chí khí anh hùng, khát vọng tự do của con người.

Đoạn trích "Chí khí anh hùng" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ là một bức chân dung sinh động về người anh hùng Từ Hải mà còn là một bản tuyên ngôn về khát vọng tự do, về chí khí anh hùng của con người. Hình ảnh Từ Hải "thanh gươm yên ngựa lên đường" đã trở thành biểu tượng cho chí khí anh hùng, khát vọng tự do của biết bao thế hệ. Cùng đi sâu vào nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng để thấy đằng sau hình ảnh người anh hùng hào hoa, phóng khoáng ấy là cả một thế giới nội tâm phong phú, đầy khát vọng.

Khái quát về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Chí khí anh hùng

1. Tác giả Nguyễn Du

- Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ra tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long (Hà Nội) trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất đương thời, có truyền thống yêu chuộng văn chương và nghệ thuật.

- Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – XIX, phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du vốn sống phong phú và niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân.

- Phong cách sáng tác: các tác phẩm của Nguyễn Du đều thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của ông, đề cao giá trị nhân văn con người, sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống con người, lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp con người.

- Các tác phẩm chính: Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị cả chữ Hán và chữ Nôm.

+ Chữ Hán: gồm ba tập thơ là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc Hành tạp lục...

+ Chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (thường gọi là Truyện Kiều), Văn chiêu hồn...

2. Đoạn trích Chí khí anh hùng

- Vị trí đoạn trích: Từ câu 2213 đến câu 2230 phần Gia biến và lưu lạc trong Truyện Kiều.

- Ý nghĩa nhan đề:

+ Chí: ý muốn bền bỉ nhằm theo đuổi một mục đích, một điều tốt đẹp nào đó.

+ Khí: nội lực mạnh mẽ của lòng quyết tâm.

+ Anh hùng: người có tài năng, dũng khí hơn hẳn người thường.

=> Chí khí anh hùng nghĩa là lòng quyết tâm, lí tưởng và khí phách của con người phi thường.

- Nội dung chính: Từ Hải cứu Thúy Kiều thoát khỏi cảnh lầu xanh. Hai người sống hạnh phúc được nửa năm, Từ Hải đã từ biệt Kiều ra đi lập sự nghiệp lớn.

- Bố cục đoạn trích gồm 3 phần:

+ Phần 1 (4 câu đầu): Khát vọng công danh của Từ Hải.

+ Phần 2 (12 câu sau): Cuộc đối thoại giữa Từ Hải và Thúy Kiều.

+ Phần 3 (2 câu cuối): Sự ra đi đầy quyết tâm của Từ Hải.

- Giá trị nội dung: Đoạn trích khắc họa hình ảnh người anh hùng Từ Hải với những phẩm chất và ý chí của bậc trượng phu, thể hiện lí tưởng về người anh hùng lí tưởng và gửi gắm ước mơ công lí.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Bút pháp lí tưởng hóa nhân vật

+ Hình ảnh kì vĩ, mang tính ước lệ tượng trưng kết hợp với cảm hứng vũ trụ.

+ Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật thông qua lời nói và hành động.

+ Lời thoại trực tiếp thể hiện tính cách tự tin, bản lĩnh của nhân vật.

Dàn ý nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích.

- Nhận định, đánh giá chung về ý nghĩa, giá trị của đoạn trích.

Ví dụ: Trong dòng chảy của lịch sử, hình tượng người anh hùng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ. Nguyễn Du, với ngòi bút tài hoa, đã khắc họa thành công hình tượng Từ Hải trong đoạn trích "Chí khí anh hùng" - một nhân vật tiêu biểu cho chí khí anh hùng của dân tộc. Qua đó, tác giả đã gửi gắm những thông điệp sâu sắc về lý tưởng sống của con người.

2. Thân bài

a) Phân tích chi tiết đoạn trích

- Hình ảnh Từ Hải:

+ Là người đàn ông tài giỏi, có chí khí.

+ Hành động nhanh chóng, dứt khoát

+ Tư thế lên đường thẳng rong, hiên ngang, không vướng bận của người quân tử.

- Khát vọng, lý tưởng của Từ Hải:

+ Không bằng lòng với cuộc sống yên ổn bên cạnh Thúy Kiều, Từ Hải khao khát được thử sức, được chứng tỏ bản thân.

+ Chàng nuôi dưỡng ước mơ "mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường". Đây là một khát vọng lớn lao, thể hiện một chí khí phi thường.

+ Từ Hải không muốn bị trói buộc bởi bất kỳ ràng buộc nào, kể cả tình yêu. Chàng muốn được tự do tung hoành, làm chủ cuộc đời mình.

+ Lý tưởng sống cao đẹp: khát vọng làm nên những việc lớn lao cho đời, không nghĩ đến bản thân mà muốn đóng góp cho xã hội, sẵn sàng hy sinh vì người mình yêu, mong muốn Thúy Kiều được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.

=> Thể hiện khí phách của người anh hùng, dám nghĩ dám làm, dám theo đuổi ước mơ của mình.

- Tình cảm của Thúy Kiều:

+ Sự ngưỡng mộ và tin tưởng tuyệt đối: Thúy Kiều bị thu hút bởi tài năng xuất chúng, khí phách anh hùng của Từ Hải. Nàng tin rằng ở bên cạnh Từ Hải, nàng sẽ thoát khỏi kiếp lầu xanh, được sống một cuộc đời tự do, hạnh phúc.

+ Sự hy sinh, sẵn sàng đồng cam cộng khổ: Kiều sẵn sàng từ bỏ tất cả, kể cả danh phận, để theo chàng rong ruổi giang hồ. Tình yêu của nàng là một tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh vì người mình yêu.

b) Đánh giá, bình luận

- Chí khí anh hùng của Từ Hải biểu tượng cho khát vọng tự do, thoát khỏi những ràng buộc của xã hội phong kiến, khát vọng vươn lên hướng tới những điều lớn lao, làm nên những việc phi thường, thể hiện tinh thần yêu nước.

- Tình yêu của Thúy Kiều thể hiện khát khao thoát khỏi số phận, khao khát một tình yêu chân thành, một cuộc sống bình yên bên người mình yêu thương, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam thủy chung, son sắt, dám hy sinh.

- So sánh với hình tượng người anh hùng trong các tác phẩm khác: hình tượng anh hùng Từ Hải vừa lãng mạn vừa sâu sắc, với những ước mơ lớn lao và cuộc sống phiêu lưu, nhưng lại có một kết cục bi thảm.

- Ý nghĩa của đoạn trích đối với người đọc ngày nay: Hình ảnh anh hùng Từ Hải trở thành một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ. Tác phẩm đề cập đến những vấn đề nhân sinh sâu sắc như tình yêu, lý tưởng, cuộc sống, cái chết.

c) Đặc sắc nghệ thuật

- Lí tưởng hóa nhân vật với cảm hứng vũ trụ: lấy cái bao la, rộng lớn của vũ trụ để hình dung về khao khát làm nên sự nghiệp lớn của Từ Hải

- Sử dụng những hình ảnh ước lệ, so sánh kì vĩ

- Cách đối thoại trực tiếp bộc lộ tính cách tự tin, đầy bản lĩnh, ý chí của một trang nam tử, một đại hảo hán xưa nay hiếm gặp của Từ Hải

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của đoạn trích.

- Nêu cảm nhận cá nhân.

TOP 3 bài văn mẫu nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng

Nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng mẫu số 1:

Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã khắc họa một bức tranh sinh động về xã hội phong kiến với đầy đủ những mâu thuẫn và bất công. Và trong đó, hình tượng Từ Hải hiện lên như một ngọn lửa rực rỡ, thắp sáng những khát vọng tự do, những ước mơ lớn lao của con người. Đoạn trích "Chí khí anh hùng" đã phác họa chân thật và sinh động về nhân vật này, đồng thời gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người.

Từ Hải hiện lên là một người anh hùng với chí khí cao cả, khát vọng tự do mãnh liệt. Chàng không cam chịu sống một cuộc đời bình thường, mà luôn hướng tới những điều lớn lao. Hình ảnh "trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương" đã khắc họa rõ nét khí phách anh hùng của chàng. Từ Hải không chỉ là một chiến binh tài ba mà còn là một người có tấm lòng nhân hậu, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tình yêu của chàng dành cho Thúy Kiều là một minh chứng rõ nét cho điều đó.

Đoạn trích cũng đề cập đến sự xung đột giữa tình yêu và lý tưởng. Từ Hải phải lựa chọn giữa tình yêu với Thúy Kiều và khát vọng chinh phục thiên hạ. Cuối cùng, chàng đã quyết định ra đi để thực hiện lý tưởng của mình. Điều này cho thấy, trong cuộc sống, con người thường phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Và đôi khi, ta phải hy sinh hạnh phúc cá nhân để thực hiện những ước mơ lớn lao hơn.

"Chí khí anh hùng" còn là một bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Từ Hải là đại diện cho những con người tài năng, khí phách, dám nghĩ dám làm. Hình ảnh của chàng đã trở thành một biểu tượng, một niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Đối với người đọc ngày nay, đoạn trích vẫn giữ nguyên giá trị. Qua nhân vật Từ Hải, chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, khám phá những khát vọng, ước mơ và những giá trị sống mà mình đang theo đuổi. Chàng đã dạy cho chúng ta cách vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu. Đoạn trích nhắc nhở chúng ta về giá trị của cuộc sống, về tình yêu và những mối quan hệ xung quanh.

Tóm lại, "Chí khí anh hùng" là một đoạn trích giàu ý nghĩa, không chỉ về mặt văn học mà còn về cả những giá trị nhân văn sâu sắc. Hình tượng Từ Hải sẽ mãi là một biểu tượng bất tử, khơi gợi trong lòng mỗi người đọc những khát vọng cao đẹp.

Nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng mẫu số 2:

“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”

Câu nhận định của Chế Lan Viên như một lời khẳng định giá trị của kiệt tác “Truyện Kiều” và ngòi bút tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du. Trong phần hai “gia biến và lưu lạc” thuộc tác phẩm “Truyện Kiều”, độc giả không chỉ cảm nhận được nét tinh tế trong việc xây dựng nhân vật Thúy Kiều, nỗi lòng thương xót của Nguyễn Du trước số phận khổ đau của nhân vật mà còn thấy chân dung của một bậc anh hùng khí phách, tài hoa – Từ Hải. Khác với Kim Trọng – mối tình đầu của Thuý Kiều, Từ Hải mang nét anh hùng, ngạo nghễ, khí phách. Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp người anh hùng Từ Hải và khát vọng tự do, công lý, chí khí, lý tưởng của chàng.

Một lần nữa số phận Kiều lại rơi vào vòng xoáy khổ đau khi lần thứ hai bị lừa vào lầu xanh. Cuộc đời bị đẩy vào ngõ tối, tưởng chừng như chẳng cách nào giải thoát thì Từ Hải xuất hiện như một ngọn đèn soi sáng số phận Kiều. Từ Hải cứu Thuý Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh, hai người sống hạnh phúc “Trai anh hùng gái thuyền quyên – Phỉ quyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Nhưng gia đình hạnh phúc êm ấm lại chẳng níu chân được người anh hùng, Từ Hải muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm đã từ biệt Thuý Kiều ra đi vì chí lớn. Đoạn trích “Chí khí anh hùng” từ câu 2213 đến câu 2230 thuộc phần “Gia biến và lưu lạc” bao gồm ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại cho thấy chí khi của Từ Hải.

“Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”

Mở đầu đoạn trích là niềm khát khao lý tưởng của người anh hùng. Câu thơ đầu khắc họa lên thời gian “nửa năm” êm đềm có lẽ là hiếm hoi trong cuộc đời Thúy Kiều chính là thời gian nàng và Từ Hải chung sống hạnh phúc. Hình ảnh ẩn dụ “Hương lửa đương nồng” thể hiện tình cảm vợ chồng đang lúc đằm thắm, mặn nồng. Dường như không chỉ cuộc sống của Kiều êm đềm mà chính cuộc sống của Từ Hải cũng hiện lên đầy viên mãn, vẹn trọn trong mái ấm gia đình. Từ Hải chọn ra đi trong hoàn cảnh ấy như một sự thử thách chí lớn. Nguyễn Du đã chọn từ Hán - Việt “trượng phu” để gọi Từ Hải, không chỉ thể hiện tình cảm trân trọng của tác giả khi dùng từ ngữ mang sắc thái trang trọng mà còn thể hiện Từ Hải là người nam nhi trượng phu có hoài bão. Từ “thoắt” bộc lộ suy nghĩ dứt khoát, quyết định nhanh chóng giống như tính cách người anh hùng. Kết hợp với từ “thoắt” là động từ “động lòng” ý chỉ sự thôi thúc, giục giã bừng lên chí anh hùng, chí “bốn phương”.

Nhân vật Từ Hải với chí lớn được đặt trong không gian “bốn phương”, “trời bể mênh mông”, rộng lớn, mang tầm vóc vũ trụ. Không gian rộng mở, kì vĩ vô cùng nhưng không hề lấn át đi hình ảnh người anh hùng mà còn như nâng hình ảnh Từ Hải lên sánh ngang với trời bể, thể hiện khát khao vùng vẫy, tung hoành khắp nơi như sức mạnh tự nhiên không gì có thể ngăn cản. Điểm nhìn “trông vời” của Từ Hải là nhìn xa nhưng chứa đựng những khát khao hoài bão lớn. Hình ảnh “thanh gươm yên ngựa” đã vẽ nên hình ảnh người anh hùng ngạo nghễ, tự tin, phong trần. Không chỉ vậy hình ảnh “lên đường thẳng rong” thể hiện phong thái quả quyết, đầy khí phách của người anh hùng. Câu thơ cuối đã khắc họa một tư thế đẹp, hiên ngang cùng thái độ mạnh mẽ, dứt khoát quyết tâm dựng lên nghiệp lớn của người quân tử. Đây là tư thế của người anh hùng mang hùng tâm tráng trí.

Qua bốn câu thơ đầu độc giả hình dung được vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải ở niềm khao khát lý tưởng lên đường thực hiện chí lớn. Khát vọng ấy dù được đặt trong hoàn cảnh thử thách nhưng Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn, vì tình yêu mà quên đi lý tưởng cao cả. Không gian vũ trụ rộng lớn đã tô điểm cho tầm vóc người anh hùng với ý chí cao đẹp. Vẻ đẹp chí khí, lý tưởng của người anh hùng càng được khắc họa rõ nét và nổi bật qua lời đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải trong mười hai câu thơ tiếp theo.

“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Lời Thúy Kiều được thể hiện qua duy nhất một cặp câu lục bát nhưng đã bộc lộ sâu sắc tình cảm và sự khéo léo của nàng. Về lý, nàng nói về bổn phận của người vợ trong đạo Nho quy định “tam tòng”, phận gái phải theo chồng. Về tình nàng “một lòng xin đi”, nàng lấy tình cảm thủy chung, son sắc, một lòng một dạ để theo chồng. Lời nói của Kiều vừa có lý vừa có tình qua đó ánh lên vẻ đẹp người phụ nữ truyền thống, vẻ đẹp nhân cách của người vợ sẵn sàng sẻ chia với chồng và sự tế nhị khéo léo trong giao tiếp của nàng.

Trước lời nói thuận tình thuận lý của vợ nhưng Từ Hải vẫn từ chối. Chàng coi Thúy Kiều không chỉ là vợ mà còn là “tâm phúc tương tri” ý chỉ tri kỉ, người thấy hiểu nhau sâu sắc. Câu hỏi tu từ “sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình” như một lời trách cứ nhẹ nhàng rằng đã coi nhau là tri kỉ, thấu hiểu lòng dạ nhau sau còn giữ nếp nghĩ của nữ nhi bình thường. Lời trách cứ nhưng lại như lời khuyên nhủ Thúy Kiều vượt lên tình cảm thông thường để sánh với tư tưởng người anh hùng. Sau lời từ chối là lời hứa hẹn được tô đậm bởi biện pháp phóng đại. Hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “bóng tinh” cùng âm thanh “tiếng chiêng” được phóng đại đã khắc họa khát vọng to lớn của Từ Hải về chiến thắng lừng lẫy, vang dội, một sự nghiệp ghi danh kì vĩ ở vùng trời tự do. Hình ảnh “mặt phi thường” hoán dụ chân dung Từ Hải - con người tài năng, xuất chúng với nội lực bên trong thôi thúc người anh hùng thực hiện giấc mộng công danh.

Mục đích đằng sau khát vọng về chiến thắng lừng lẫy không chỉ là hoài bão lập nghiệp lớn mà còn đề “rước nàng nghi gia”. Nghi gia là một nghi thức trang trọng khi người chồng đón vợ về nhà. Sự nghiệp công danh của Từ Hải cũng chỉ với mong ước cho Kiều một danh phận, một vị thế xứng đáng mà con người nàng đáng được hưởng. Qua đó mà ta thấy sự trân trọng của Từ Hải đối với vợ, dù xã hội có đưa đẩy nàng vào vũng bùn lầy hôi thối thì Từ Hải vẫn quyết đứng lên đòi lại cuộc sống êm đềm nàng đáng được hưởng. Chí khí anh hùng của Từ Hải gắn với tình yêu thương, tinh thần trách nghiệm của một người chồng. Ước vọng lớn nhất của chàng là hoàn thành sự nghiệp cũng là thời khắc đưa Kiều về nhà trong chiến thắng vang dội khiến hạnh phúc thêm ý nghĩa hơn. Ta thấy trong con người Từ Hải toát ra cái phi thường kết hợp với cái bình thường.

Bốn câu thơ cuối là lời đối thoại lại như lời độc thoại trần tình của Từ Hải. Nỗi khổ tâm của người anh hùng về hoàn cảnh thực tại “bốn bể không nhà”, “biết là đi đâu”. Sẽ còn rất nhiều thử thách, khó khăn đang chờ Từ Hải nên chàng mong Kiều thấu hiểu cảm thông mà ở lại. Khép lại lời nói của Từ Hải là lời hẹn ước đối với Thúy Kiều một năm sau sẽ có chiến thắng, sự nghiệp lẫy lừng trong tay. Một lời hứa chắc nịch với thời gian cụ thể “một năm sau” như một sự khẳng định của Từ Hải - một con người tự tin vào chí hướng tài năng của bản thân. Mười hai câu thơ mở ra với chí khí khát vọng rộng lớn của Từ Hải và khép lại bằng tư tưởng nhân văn cao đẹp của chàng.

“Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm phơi.”

Hai câu thơ kết của đoạn trích thể hiện khát vọng, hành động lên đường của người anh hùng. Ba động từ mạnh “quyết lời”, “dứt áo”, “ra đi” cho độc giả thấy được hành động mạnh mẽ, quyết đoán, dứt khoát, không chút do dự, không bịn rịn. Tác giả sử dụng điển tích ví Từ Hải như cánh chim bằng cưỡi gió mà bay lên bầu trời tự do. Điển tích được trích trong sách “Trang Tử” thiên “Tiêu dao du” là hình ảnh ẩn dụ kì vĩ hóa vẻ đẹp, tôn lên tầm vóc người anh hùng qua đó vẽ nên một tư thế lồng lộng giữa vũ trụ, thiên nhiên mang tinh thần lạc quan, lãng mạn, bay bổng. Vẻ đẹp của con người phi thường giữa không gian trải rộng cùng khát vọng xây dựng nghiệp lớn khát vọng tự do mang tầm vóc vũ trụ. Hai câu thơ cuối là cái nhìn của Nguyễn Du, tác giả đã khái quát hình ảnh anh hùng Từ Hải với khát vọng, lý tưởng cao đẹp và phi thường. Tác giả thể hiện sự khâm phục ngợi ca trước người anh hùng với chí khí cao cả.

Với cảm hứng sáng tạo, lãng mạn cùng bút pháp nghệ thuật ước lệ, lý tưởng hóa đã vẽ nên một nhân vật Từ Hải có chí khí, lý tưởng anh hùng. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, Từ Hải mang khát vọng tự do trong cuộc sống, có tư tưởng nhân văn cao đẹp, thể hiện nét bình dị, bình thường trong con người phi thường, cao cả. Nhân vật Từ Hải đã vượt qua khỏi tư tưởng, lễ giáo phong kiến mà theo đuổi khát vọng, tự do. Bằng ngôn ngữ trang trọng, ngợi ca, Nguyễn Du qua hình tượng Từ Hải gửi gắm ước mơ về công lý, tự do trong xã hội.

Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã khắc họa cuộc chia tay của Thúy Kiều và Từ Hải nhưng không hề có sự bịn rịn, níu kéo mà là sự dứt khoát, mạnh mẽ qua đó nổi bật lên chí khí người anh hùng Từ Hải. Nguyễn Du đã thể hiện sự trân trọng ngợi ca trước lý tưởng, ước mơ tự do vùng vẫy ngang dọc của Từ Hải. Hình ảnh người anh hùng ấy không chỉ là ánh sáng của cuộc đời Kiều mà còn là ánh sáng trong xã hội phong kiến thối nát.

(Nguồn: thichvanhoc.com.vn)

Nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng mẫu số 3:

Truyện Kiều được xem là một đỉnh cao chói lọi của truyện thơ Nôm, là quốc hồn, quốc túy của dân tộc, một kiệt tác của văn học Việt Nam. Đọc tác phẩm ta không thể không xót xa, thương cảm trước một nàng Kiều tài hoa bạc mệnh, căm phẫn trước những Hoạn Thư ích kỉ, hẹp hòi với lòng ghen tuông ngút trời, Tú Bà độc ác, Mã Giám Sinh giả nhân giả nghĩa; đồng cảm trước một Thúc Sinh dù có chút nhu nhược nhưng là kẻ si tình, trọng tình trọng nghĩa.

Và đặc biệt, ta không thể quên được hình ảnh một Từ Hải đầu đội trời, chân đạp đất, một người hùng lí tưởng với những phẩm chất và chiến công phi thường. Đoạn trích Chí Khí anh hùng đã thể hiện rõ nhất cốt cách của người anh hùng này.

“Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong”

Trai anh hùng - gái thuyền quyên, tình yêu của Từ Hải và Thúy Kiều vượt bao sóng gió để đến được với nhau. “Chàng”và “thiếp” tuy hai mà một, hiểu rõ nhau, thông cảm, sẻ chia cùng nhau. Tình cảm đang mặn nồng, thì kẻ “trượng phu” lại nuôi chí lớn, ý nguyện lập công danh nơi biên ải xa xôi. Chàng đã tạm gác lại nỗi niềm riêng bên gia đình nhỏ để ra đi xây dựng sự nghiệp.

Điều đó cho thấy Từ Hải không phải là con người của những đam mê thông thường mà còn người của chiến công và sự nghiệp hiển hách. Hình ảnh Từ Hải lên đường một mình một ngựa thể hiện khí phách của một người anh hùng dũng cảm, ra đi dứt khoát, không để niềm riêng vướng bận. Một người có chí khí mạnh mẽ, chí tang bồng phải làm nên nghiệp lớn, khát khao được vùng vẫy bốn bể năm châu. Đó là lí tưởng, là mục đích cao đẹp của một vị anh hùng nuôi chí lớn.

“Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.”

Sự nghiệp vinh quang đang đợi chàng phía trước. Từ ra đi không chút do dự, một lòng hướng về chí lớn tạo lập công danh. Động từ “thoắt” thể hiện sự nhanh chóng, quyết định một cách dứt khoát , chí từng hoành khắp bốn phương, người anh hùng chẳng thể để bản thân nghỉ ngơi khi chưa có công danh trong tay, cũng không thể giam mình trong không gian chật hẹp khi chí lớn chưa thành.

Quyết định ra đi chắc hẳn sẽ không dễ dàng với Từ Hải bởi bên cạnh chàng còn có người mình thương, nhưng đó là quyết định sáng suốt và vững vàng. Bởi trong con người Từ Hải luôn nung nấu chí nguyện anh hùng.

“Kiều rằng: phận gái chữ tòng

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Trải qua bao bể dâu, đau đớn, vừa hạnh phúc chưa được dài lâu, Từ Hải lựa chọn ra đi chắc hẳn Kiều cũng rất buồn. Nhưng với tấm lòng nhân từ, lại là người tri âm tri kỉ với Từ, Kiều hiểu hơn ai hết chí hướng của Từ Hải. Và nàng sẽ không cản bước Từ, trái lại, nàng là người ủng hộ, mong muốn được đi cùng chồng sẻ chia khó khăn gian nan nơi chiến trận. Đó là vẻ đẹp trong nhân cách Kiều.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Một lần nữa, Từ khẳng định tình cảm khăng khít, gắn bó giữa Kiều và chàng nhưng đồng thời cũng có lời trách cứ nhẹ nhàng: Lòng dạ nhau đã hiểu, sao nàng chưa thoát khỏi những mong muốn tầm thường của bậc nữ nhi. Là người phụ nữ của bậc trượng phu phải thật cứng cỏi và mạnh mẽ. Thông qua lời của Từ, tình yêu thương và sự trân trọng Kiều được bộc lộ rõ nét.

Trong bất kì cuộc chia li nào, người phụ nữ cũng là người chờ đợi và u sầu hơn cả. Từ Hải hiểu hơn ai hết điều đó. Song phút chia tay lúc này không quá bị lụy mà hướng tới những chiến công hiển hách, tạo niềm tin nơi Thúy Kiều:

“Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?”

Trong suy nghĩ của bậc đại trượng phu lúc này là hoài bão và những chiến công hiển hách. Dù đi trong tư thế một mình, một ngựa nhưng khi lập công trở về với mười vạn tinh binh, với tiếng chiêng và bóng cờ rợp đất trời trong hào khí chiến thắng. Chàng tin những gì mình nói, tin những gì mình làm và hơn hết đem lại vinh quang cho đất nước, cho nhân dân và cho người phụ nữ của mình. Lúc ấy sẽ cùng Kiều vui vầy hưởng hạnh phúc lứa đôi.

Chàng không thể để cho người mình yêu phải chịu khốn khổ nơi xa trường và khẳng định “một năm” sau sẽ trở về. Một mốc thời gian cụ thể, cho thấy được quyết tâm và sự tự tin, bản lĩnh của Từ Hải.

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Đây không phải là một lời hứa đơn thuần mà là một thề hẹn, một lời đinh ninh. Dù trong lòng có bão bùng, tâm can có gào thét thì nàng hãy dằn lòng mình xuống để ta đi, rồi ngày sau trở về trong vinh quang hiển hách. Nàng hãy yên lòng chờ đợi. Chí anh hùng trong con người Từ Hải không chỉ là hoài bão, khát khao mà còn là con người có đạo đức, trách nhiệm, là con người có một tấm lòng trượng nghĩa, khao khát lập công danh.

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Hành động nhanh chóng, kiên quyết “quyết lời”, “dứt áo ra đi”. Từ Hải đã không để tình cảm quyến luyến, bịn rịn làm lung lay và ngăn bước ý chí, sự nhất quán trong suy nghĩ và hành động. Nguyễn Du thật tinh tế khi sử dụng hình ảnh cánh chim bằng và hình ảnh “gió, mây” thường gặp trong văn chương cổ điển tượng trưng cho người anh hùng có lí tưởng, có mục đích cao đẹp, có bản lĩnh phi thường sánh ngang với tầm vóc vũ trụ, thỏa sức vùng vẫy giữa biển trời để thực hiện lí tưởng của bậc đại trượng phu.

Qua đoạn trích Chí Khí anh hùng ta thấy được Nguyễn Du đã thể hiện ước mong về người anh hùng lí tưởng trong thời đại với khát vọng lớn lao và tấm lòng cao cả. Đồng thời, cho thế hệ trẻ những người như chúng em bài học về mục đích và lí tưởng sống. Hãy can đảm tiến về phía trước, đặt ra những mục tiêu cho bản thân, kiên trì với mục tiêu. Hãy là những thanh niên của thế hệ mới đầy nhiệt huyết, sống với ước mơ và lí tưởng dù phía trước có gian nan, thách thức hãy giữ vững niềm tin vào chính bản thân mình. Thành công sẽ đến với những người tận lực và tận tâm.

-/-

Trên đây là gợi ý làm bài và một số mẫu bài văn nghị luận về tác phẩm Chí khí anh hùng do Đọc tài liệu biên soạn. Hy vọng với những chia sẻ ở trên phần nào đã giúp các em hiểu và làm bài tốt hơn trong quá trình theo học tác phẩm. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM