Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Xuất bản: 01/03/2024 - Tác giả:

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, tuyển chọn TOP 9+ bài văn nghị luận hay phân tích, bình luận về một tác phẩm nghệ thuật (tác phẩm văn học, kịch, phim, bài hát, bức tranh, pho tượng,…)

Tham khảo những bài văn mẫu hay nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (văn học, phim, bài hát, bức tranh,…) do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo trong quá trình rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận.

Dàn ý chung nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, vở kịch, bài hát...) và nêu khái quát điểm đặc sắc của tác phẩm.

Thân bài: Nghị luận, phân tích tác phẩm nghệ thuật:

- Phân tích nội dung, ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật.

- Phân tích các điểm đặc sắc về hình thức của tác phẩm nghệ thuật.

- Nhận xét của em về thành công và hạn chế của tác phẩm nghệ thuật.

Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm: giá trị thời sự, hiệu quả tác động tới người xem, dư luận xã hội về tác phẩm nghệ thuật đó.

- Nêu cảm nhận, suy nghĩ của bản thân về tác phẩm.

TOP 9+ bài mẫu nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 1

Khi nhắc tới nhà thơ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Du ta sẽ không khỏi choáng ngợp bởi tài năng xuất chúng của ông đã đóng góp cho nhân dân, cho đất nước giữa giai đoạn lịch sử đầy rẫy những biến động, ông còn được ca ngợi và được người đời gọi là “đại thi hào của dân tộc’. Phải kể tới những tác phẩm mang danh của ông, một trong số ấy được xem là một kiệt tác văn học mà ai ai cũng biết tên, tạo ra một dấu ấn, một nét rất riêng biệt và nổi trội cho nền văn học trung đại Việt Nam đó không thể nào khác chính là “Truyện Kiều”.

Nguồn gốc của bộ truyện thơ kinh điển này bắt nguồn từ cảm hứng dựa trên tiểu thuyết văn xuôi Kim Vân Kiều truyện lừng lẫy của tác giả Thanh Tâm tài nhân- Trung Quốc. “Truyện Kiều” được bắt đầu viết vào đầu thế kỉ XIX (1805 - 1809), bộ truyện đã được viết toàn bộ theo thể thơ lục bát và bằng chữ Nôm một cách ấn tượng, bao gồm 3254 câu, đương nhiên mang những dấu ấn rất riêng biệt khác xa với bản gốc vì những sáng tạo lớn về mặt nội dung và nghệ thuật của tác giả này. Truyện Kiều mang tên gốc là “Đoạn trường tân thanh” có nghĩa là “tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột", hiện lên trong mỗi chúng ta sự tò mò và xót xa cho nhan đề này, cho toàn bộ cả câu truyện và cho chính những nhân vật trong đó. Mang đậm hồn phách dân tộc thời đó, những bất cập rất nhức nhối trong cái xã hội vô cùng đen tối ấy và trên hết thảy tác giả đã hòa nhập vào nhân vật nữ chính để mang đến sự cảm thương sâu sắc cho cả một thế hệ những người phụ nữ trong cái xã hội đầy những bất công, họ đã bị chà đạp, cùng những ước mơ và khát vọng chính đáng trong sự suy nghĩ mới là những thông điệp sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm thông qua câu chuyện.

Ta hoàn toàn có thể tóm tắt được tác phẩm để dễ dàng tìm hiểu cho sát ý với tác giả, chia truyện ra làm 3 phần rõ ràng như sau: phần thứ nhất chính là phần miêu tả sự gặp gỡ và đính ước, phần thứ hai nói về cảnh gia biến và lưu lạc, còn phần thứ ba chính là sự đoàn tụ cho các nhân vật, cho câu truyện một cái kết có hậu nhất mà tác giả có khả năng làm. Một cuộc hành trình dài đằng đẵng có điểm đầu và điểm kết thúc, có cả những niềm vui lẫn bất hạnh của nhân vật chính, nó cứ nối tiếp nhau thông qua từng con chữ để rồi ta có thể thấm dần, ta thấu hiểu được nên không thể rời mắt.

Truyện kể về một cô gái tên là Thúy Kiều, những nhân vật phụ sẽ có mặt vào từng giai đoạn, mỗi bước đi trong cuộc đời Kiều như Vương ông, Vương bà là bố mẹ của nàng, Thuý Vân cô em gái của Vương Thuý Kiều, Kim Trọng là ý trung nhân của nàng, Mã giám sinh là người mua Kiều từ Tú Bà, Từ Hải là một người anh hùng đã cứu lấy cuộc đời Kiều, đem tới cho Nàng những niềm tin và hy vọng mới vào cuộc đời,…, hay những hoạt cảnh hết sức đẹp đẽ và hư ảo đã được tác giả sử dụng bằng những bút pháp nghệ thuật đặc sắc và cái nhìn phóng khoáng có thể sáng sủa hay u ám của người thi sĩ, chỉ khiến cho ta nhấn mạnh vào sự tập trung đến cách thể hiện, cách đối mặt và tâm trạng giữa chuỗi cuộc đời đầy bấp bênh của nhân vật nữ chính đồng thời cũng xót xa trước những tai ương mà Kiều đã gặp phải do vẻ đẹp cũng như tài năng của nàng mang lại. Ở Kiều là mọi thứ có khả năng biểu lộ dường như đạt tới độ hoàn mỹ.

Bắt đầu là những đoạn văn tả về hai chị em, tiếp đến là những dòng thơ khi Kiều thăm mộ Đạm Tiên, phân đoạn Kiều đến gặp Kim Trọng cũng được tác giả đặc biệt chú tâm. Rồi là sự bày tỏ những cảm xúc và thái độ đúng mực, ấn tượng của nàng về quyết định sẽ tự bán mình để chuộc cha, và rồi hàng tấn bi kịch dành cho nàng cũng khiến cho ta phải day dứt và suy nghĩ đe dọa, chà đạp lên giá trị bản thân Nàng từ đoạn Kiều rơi vào tay của Mã giám sinh và Tú bà, Kiều bị mắc lừa Sở Khanh. Và tác giả đã viết những dòng tâm sự hết sức chân thực của nàng trước sự cứu thoát dù rất nhỏ nhoi chính là Kiều được gặp Thúc sinh, đoạn Kiều và Hoạn thư lại là nỗi cay đắng với Nàng, rồi cuối cùng mở ra một hướng đi mới cho cuộc đời của Kiều chính là lúc Kiều gặp Từ Hải. Rồi cũng đến cái ngày mà ai đó đều mong chờ và bất ngờ là đoạn Kiều báo ân trả oán, Kim Trọng đi tìm Thuý Kiều và cuối cùng kết thúc có hậu đã tới “Thuý Kiều đã trở về đoàn viên với gia đình sau mười năm lưu lạc, và làm bạn tương giao tình nghĩa với Kim Trọng”.

Những hình thức nghệ thuật đã được tác giả hết sức chú trọng trong Truyện Kiều, thể hiện sự thành công bậc thầy khi đã hội tụ đầy đủ những biện pháp nghệ thuật vô cùng tài tình của ngôn ngữ dân gian đã đạt tới đỉnh cao, của giọng điệu thơ lục bát để dễ dàng in đậm trong lòng của người đọc, những biện pháp tu từ được sử dụng một cách linh hoạt,... từ sự miêu tả thiên nhiên cho đến con người bằng sự quan sát và nhập tâm vào nhân vật rất sâu sắc.

Và còn những giá trị mà tác phẩm đã đem lại thì sao? Nó có một sức ảnh hưởng cũng không hề nhỏ đối với xã hội, như PGS. Nguyễn Thạch Giang đã từng phát biểu khi nghiên cứu về kiệt tác quý báu bậc nhất này:“… Truyện Kiều đã phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, khi mà chế độ phong kiến đang suy thoái đã bộc lộ đầy đủ tính chất mục nát, vô nhân, và các tầng lớp nhân dân đã bị dồn đến bước đường cùng…Khi viết, tuy có dựa vào Kim Vân Kiều truyện, nhưng với kỳ công tái tạo, Truyện Kiều của nhà thơ đã trở thành viên ngọc vô giá của thể loại truyện thơ nói riêng và của nền văn học dân tộc Việt nói chung…..”

Tác phẩm rất giàu giá trị hiện thực vì trong đó sẽ phơi bày rõ nét nhất về hiện thực xã hội phong kiến vô cùng bất công, là sự phản ánh nỗi khổ đau và bất hạnh của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể nói rằng giá trị chính trong “Truyện Kiều” chính là giá trị nhân đạo thấm đẫm tình yêu thương, mới mẻ lại vẫn giữ được những nét truyền thống do tác giả biết trân trọng vẻ đẹp giá trị trong con người cao hơn thiên nhiên, thông qua nhân vật Kiều, tác giả còn rất thương xót cho cả một kiếp người đã bị chà đạp, khinh rẻ, đồng thời tố cáo và phê phán hết thảy những thế lực chà đạp lên con người, ông đã thể hiện được ước mơ hết sức cao cả của cả một thế hệ đó là ước mơ một cuộc sống có sự công bằng, cái thiện sẽ được khuyến khích còn cái ác phải bị trừng phạt.

Truyện Kiều” dù phải trải qua hàng trăm năm lưu truyền vô cùng rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với tất cả tầng lớp độc giả, vì vậy  “Truyện Kiều” đã được giới thiệu rộng rãi ra khắp các nước trên thế giới, dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để tiện nghiên cứu về cái đẹp, cái nét riêng biệt, quý đại diện của nền văn học nước Việt, cũng để ta có thêm niềm tự hào về sự đóng góp từ một nhân vật vô cùng xuất chúng chính là tác giả lớn Nguyễn Du.

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 2

Van Gogh đã vẽ bức Đêm Đầy Sao (Starry Night) vào năm 1889, khi ông đang điều trị trong một trại tâm thần ở Saint Rémy. Điều thú vị là ông đã vẽ bức tranh này từ trí nhớ của mình, và khung cảnh trong tranh được cho là dựa theo bầu trời đêm của Provence. Starry Night có lẽ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và có chiều sâu nhất của danh họa.

Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi ngắm nhìn bức tranh này là bầu trời đêm choáng ngợp, chiếm gần hết hậu cảnh. Các đường xoáy tựa dòng chảy đang chuyển động nhẹ nhàng, dập dìu, dường như đang hợp nhất ở trung tâm tạo thành hình xoắn ốc. Mười một ngôi sao màu vàng rực rỡ trông giống như những quả cầu lửa khổng lồ, chiếu sáng toàn bộ khung cảnh. Chúng hoàn toàn tương phản với bầu trời đêm trong mát với nhiều sắc thái xanh lam và xám. Ngoài ra, ở góc trên cùng bên phải còn có vầng trăng lưỡi liềm đang tỏa ra ánh sáng màu cam đậm và còn sáng hơn so với các vì sao. Tầm nhìn ra bầu trời đêm và ngôi làng bị chặn một phần bởi cụm cây hoàng đàn khổng lồ phía trước. Bóng cây to lớn, màu xanh đen nổi bật hẳn so với tông màu nhẹ nhàng chủ đạo của tác phẩm. Những ngôi nhà nhỏ xíu được vẽ kín đáo ở góc dưới bên phải của bức tranh, như hòa với cảnh núi rừng. Kiến trúc của ngôi làng cổ kính, đơn sơ và không có ánh sáng chiếu vào ngôi làng, tạo cảm giác rằng tất cả mọi người ở đó có lẽ đang chìm trong giấc ngủ. Nhìn chung, nét vẽ của ông nặng, dày và có nhịp điệu dồn dập đầy dứt khoát. Vậy nên, tác phẩm tạo cho người thưởng tranh có ảo giác các nét cọ như đang liên tục chuyển động.

Việc Van Gogh vẽ bức tranh này dựa theo trí nhớ của mình đã giúp cho ta thấy phần nào về sự lệch lạc tinh thần và cường độ cảm xúc lớn của ông tại thời điểm đó. Người ta cảm thấy như thể danh họa đã khó có thể kiềm chế cảm xúc của mình, rằng tất cả nỗi tức giận và niềm đam mê của ông đã bao trùm toàn bộ tác phẩm. Mặt trăng và các ngôi sao lớn đến nỗi dường như cả bầu trời đêm sắp sụp xuống. Cây hoàng đàn, một loại cây có hình tượng kín đáo, trang trọng và tang tóc, có vẻ như nham hiểm khi chắn tầm nhìn của chúng ta ngay trước bức tranh. Cứ như thể Van Gogh đang tự tạo ra một thực tại của riêng mình. Ông chọn cách nhấn mạnh những vật thể mà mình cảm thấy là quan trọng, mặc kệ điều đó sẽ dẫn đến việc các góc nhìn bị bóp méo.

Bức tranh như sục sôi sự sống nhờ những nét vẽ tạo ấn tượng về sự chuyển động. Đặc biệt, bầu trời đêm dường như chính là nguồn sống của tác phẩm, nhờ sự năng động bùng nổ. Có vẻ như các thiên hà đang chuyển động và các vì sao sẽ lao vào thị trấn bình yên này bất cứ lúc nào. Các ngôi sao và bầu trời tạo nên một cảm xúc mãnh liệt với nhiều nét vẽ và màu sắc khác nhau, tất cả hòa vào nhau tạo thành một màn sương tựa như hình xoắn ốc ở trung tâm tác phẩm.

Mặt khác, cây hoàng đàn phần nào làm giảm bớt hiệu ứng chói lóa của bầu trời đêm với những chiếc lá sẫm màu, quằn quại vươn lên ở phía bên trái của bức tranh. Thân cây trông rắn rỏi và dường như nhàm chán so với phần còn lại. Nó làm xáo trộn toàn bộ trạng thái cân bằng của một đêm đầy sao, cảnh tượng mà đáng lẽ ra sẽ được khắc họa một cách đầy huyền diệu và trọn vẹn. Dondis từng nói rằng mắt người thường ưu tiên khu vực phía dưới bên trái của bất kỳ trường thị giác nào và có vẻ như Van Gogh đã cố ý vẽ bụi cây hoàng đàn ở vị trí nổi bật ấy. Có thể giải thích rằng bụi cây là đại diện cho nỗi thống khổ bên trong mà danh họa đang phải trải qua vào thời điểm đó. Sự hỗn loạn mà ông ấy đang trải qua có thể đã làm hao kiệt thứ khát vọng sống trong ông.

Bên cạnh đó, những ngôi nhà nhỏ có vẻ khá yên tĩnh. Tất cả các đèn đều đã tắt và mọi người hẳn đang say ngủ. Không ai để ý đến bầu trời đêm đang bừng lên sức sống và bụi cây hoàng đàn đang quằn quại. Điều đó lột tả sự xa lánh và hiểu lầm mà danh họa phải chịu đựng. Tôi cảm thấy rằng ngôi làng đang say giấc đại diện cho phần còn lại của thế giới, những con người không biết về những đam mê cuồng nhiệt và nỗi thống khổ mà Van Gogh đang phải trải qua. Có lẽ ấy là lý do tại sao những ngôi nhà trông như ở rất xa mặc dù chúng thực sự khá gần.

Giải thích của tôi chỉ là một trong số rất nhiều cảm nhận của những người thường thức nghệ thuật khác về Đêm Đầy Sao. Đây vẫn sẽ luôn là một tác phẩm khó nắm bắt đối với các nhà phê bình nghệ thuật cũng như các sinh viên. Bởi vì chẳng một ai thực sự biết ý định của Van Gogh về bức tranh đây. Mọi người dường như đang sử dụng các mật mã khác nhau để giải mã những gì Van Gogh đang cố gắng thể hiện .Có nhà phê bình cho rằng đây là một tác phẩm tôn giáo, mô tả một câu chuyện trong Kinh thánh. Trong sách Sáng thế ký, Joseph có một giấc mơ về mười một ngôi sao, mặt trời và mặt trăng (mặt trăng và mặt trời dường như được kết hợp với nhau ở đây), tượng trưng cho anh em và cha mẹ của mình, đang cúi đầu trước ngài. Một học giả khác cho rằng bức tranh này thể hiện sự hội tụ thiên văn, vì thực tế là vào thời ấy, có một hiện tượng thiên văn rất nổi tiếng. Khi đó, những người yêu thích thiên văn học và chiêm tinh học như Jules Verne đã sáng tác nhiều tác phẩm về du hành lên mặt trăng. Đối với tôi, tôi luôn có một ý nghĩ đa cảm này về Van Gogh, rằng tôi thấy ông như một nghệ sĩ bi kịch, đầy nỗi đau khổ, là người thực sự muốn làm rất nhiều điều cho nhân loại (ông đã từng là một nhà truyền giáo) nhưng liên tục bị xã hội khước từ. Bức tranh này đã truyền đạt đến tôi thứ tình yêu mà ông dành cho những tạo phẩm tuyệt đẹp của Chúa. Ấy thế mà, tôi cũng cảm nhận được một cảm giác cô đơn rõ rệt, như thể không ai có cái nhìn về thế giới như cách mà ông đã thấy.

Tất nhiên, để hiểu rõ hơn phong cách vẽ của danh họa trong Đêm Đầy Sao, chúng ta phải nhìn vào toàn cảnh. Vincent Van Gogh là một trong những nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng vĩ đại, cùng với những cá nhân như Cézanne và Gauguin. Trường phái Hậu ấn tượng về cơ bản là một phản ứng chống lại chủ nghĩa ấn tượng, vốn thể hiện niềm tin rằng nghệ thuật nên phản ánh chính xác hiện thực bằng màu sắc và ánh sáng tự nhiên. Những người theo trường phái Hậu ấn tượng tin rằng nghệ thuật không phải để bắt chước hình thức, mà là để tạo ra hình thức. Có nghĩa là, các nghệ sĩ thời kỳ này đã có một cái nhìn chủ quan về thế giới thị giác và vẽ về thế giới của họ, theo nhận thức nghệ thuật của riêng mình. Như chính Van Gogh đã nói, “Chúng ta có thể thành công hơn trong việc tạo ra một bản chất thú vị và thoải mái so với những gì chúng ta có thể nhận ra chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua về thực tại”. Đó là lý do tại sao các nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng không có phong cách cố định – các tác phẩm của họ phản ánh cá tính và nhận thức độc đáo của mỗi cá nhân.

Trong trường hợp của Van Gogh, các tác phẩm của ông dường như phản ánh một cường độ cảm xúc lớn, giống như trong Starry Night. Ông ấy từng nói với anh trai Theo rằng, thay vì sử dụng màu sắc một cách chuẩn xác, ông muốn sử dụng chúng “tùy tiện hơn để thể hiện bản thân một cách gượng ép hơn”. Đặc biệt, ông thích vẽ phong cảnh phản ánh cảm xúc và tâm hồn của chính mình. Theo một cách nào đó, ông có cảm giác được giải phóng khi vượt ra ngoài ranh giới của nghệ thuật truyền thống. Đêm Đầy Sao là hiện thân của phong cách và lối thể hiện độc đáo của Van Gogh. Và thế đấy, những tác phẩm như thế đã gây sức ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật hiện đại ngày nay.

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 3

Có vô vàn những bức tượng nổi tiếng và kì vĩ trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có một bức tượng đồ sộ, mang đầy ý nghĩa nhân văn. Đó chính là tượng đài mẹ Thứ nằm ở Thành phố Tam Kì, tỉnh Quảng Nam.

Mẹ Thứ tên thật là Nguyễn Thị Thứ. Mẹ có 12 người con, 11 trai và 1 gái. Trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của nhân dân ta, mẹ đã lần lượt tiễn những người con của mình đi chiến đấu bảo vệ đất nước. Trong số đó, có 9 người con trai đã không bao giờ trở về nữa. Không chỉ hi sinh những đứa con cho Tổ quốc mà trong chiến tranh, mẹ luôn bám trụ cùng xóm làng, vừa sản xuất, vừa nuôi giấu cán bộ. Vườn nhà mẹ có đến 5 căn hầm bí mật. Hàng trăm người chiến sĩ đã được gia đình mẹ chăm sóc, che chở trong những năm đó. Vì những đóng góp quá đỗi lớn lao của mình, mẹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng".

Năm 2010, mẹ Thứ mất, Nhà nước quyết định cho xây dựng quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tri ân mẹ Thứ nói riêng và những người mẹ khác nói chung. Công trình này được xây dựng trên một vùng đất có quy mô lên khoảng 15ha, khối tượng tạc chân dung mẹ Thứ cao lên đến 18,5m, được làm bằng đá sa thạch. Hai bên tượng chính của mẹ là những khối tượng khác tạc hình mặt người bằng đá hoa cương. Tổng bức tượng hình cánh cung này chạy dài khoảng 120m Đây thực sự là một bức tượng đài to lớn, kì vĩ như chính những công ơn to lớn của mẹ dành cho Đất nước.

Chân dung mẹ Thứ được khắc họa với đôi mắt hiền từ, đôi môi móm mém do tuổi già. Những nếp nhăn trên trán, nơi khóe mắt, khuôn miệng cũng được tạc vô cùng tỉ mỉ. Hình ảnh người mẹ hiện lên thật hiền dịu nhưng cũng rất kiên cường mạnh mẽ. Xung quanh mẹ là những gương mặt khác không rõ tên tuổi giới tính. Đó có thể là đại diện cho những người con của mẹ, cũng có thể đại diện cho những gương mặt mẹ Việt Nam khác.

Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng, bức tượng đài mẹ Thứ còn là một công trình tri ân đầy ý nghĩa. Bức tượng vừa dành tặng cho thế hệ đi trước, vừa để nhắc nhở con cháu sau này không được quên những công lao, đóng góp to lớn mà thầm lặng của những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 4

“Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.

Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.

Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.

Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.

Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 5

Khi nói về những tác phẩm hội họa nổi tiếng ở Việt Nam vào thế kỉ XX, không thể không nhắc tới “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Đã 80 năm kể từ ngày tác phẩm ra đời nhưng đây vẫn được coi là một kiệt tác nghệ thuật, mang tới hơi thở mới cho nền mỹ thuật của nước nhà.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Nội. Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, Tô Ngọc Vân phải nỗ lực hết mình để phát triển niềm đam mê về hội họa. Tô Ngọc Vân luôn khao khát được mang vẻ đẹp đa dạng của đất nước và con người Việt Nam vào trong những bức tranh của mình. Họa sĩ mơ ước rằng “xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới”.

“Thiếu nữ bên hoa huệ” được hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vẽ vào năm 1943 trong lúc ông đang làm công tác giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nguyên mẫu của cô gái xuất hiện trong bức tranh là cô Sáu – một người mẫu đã từng xuất hiện trong tranh của rất nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ bao gồm Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị,…

Bức tranh đã miêu tả được hình ảnh một thiếu nữ mặc tà áo dài trắng, ngồi nghiêng đầu hướng về phía lọ hoa huệ. Theo quan niệm của Cơ đốc giáo, hoa huệ chính là biểu tượng cho sự trong trắng, đức hạnh và thanh cao. Sự nở nộ của những bông hoa ấy, vẻ duyên dáng của người thiếu nữ được kết hợp một cách hài hòa, tạo ra hơi thở vừa truyền thống lại vừa cách tân. Gò má của người con gái phảng phất sắc hồng, đôi mắt thì sâu thăm thẳm như chứa đựng những nỗi suy tư, trầm buồn. Tác phẩm có bố cục rất chặt chẽ. Hình ảnh cô gái kề sát đầu bên bông hoa, một tay thì nâng bông hoa, một tay lại khẽ chạm vào mái tóc tạo nên sự liên kết giữa mọi đối tượng trong tranh. Ngoài sắc trắng chủ đạo ra, Tô Ngọc Vân còn sử dụng đến những màu sắc trang nhã như là xanh dương, xanh lá, vàng. Có thể thấy từ chất liệu, đường nét và màu sắc cho đến bố cục của tranh đều rất hoàn hảo. Không chỉ hấp dẫn về mặt hình thức biểu hiện, “Thiếu nữ bên hoa huệ” còn chứa đựng giá trị về tinh thần quý báu. Tác phẩm đã góp phần làm tôn vinh vẻ đẹp đài các và nền nã của người phụ nữ Việt Nam trong trang phục tà áo dài truyền thống để từ ấy, ngợi ca con người và đất nước Việt Nam.

Sức hấp dẫn của bức tranh là điều không thể chối cãi. Từ khi ra mắt, “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã được rất nhiều khán giả trong và ngoài nước yêu thích. Có nhiều người muốn ngỏ lời mua tranh nhưng tác giả quyết định không bán. Về sau, số phận của bức tranh cũng trở nên hết sức lận đận. Ban đầu, bức tranh được treo ở nhà riêng của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Do chiến tranh nên cả gia đình của tác giả phải đi tản cư. Đến khi hòa bình được lập lại, bức tranh đã biến thành vật sở hữu của một người khác. Sau đó, tác phẩm lại đổi chủ nhiều lần. Hiện nay, đa số những “Thiếu nữ bên hoa huệ” mà công chúng đã được chiêm ngưỡng đều chỉ là tranh chép. Đây quả thực là một điều đáng buồn cho một tác phẩm nghệ thuật có một không hai của nước nhà.

“Thiếu nữ bên hoa huệ” chính là sự kết hợp hết sức tinh tế giữa cốt cách Á Đông cùng với sự tân kỳ của mỹ thuật phương Tây. Sức sống của tác phẩm quả thực đã có thể vượt ra khỏi chiếc khung kính trang nghiêm để tới với lớp thế hệ những con người yêu hội họa.

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 6

So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.

Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.

Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,...Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.

Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “"Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ (…) Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai".

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 7

Cánh đồng bất tận là tên một tập truyện ngắn phát hành năm 2005 của Nguyễn Ngọc Tư, đồng thời cũng là tên một truyện trong tập truyện ngắn đó được đăng báo lần đầu cùng năm. Tính đến nay, tập truyện đã được phát hành dưới dạng sách in và sách nói. Một vài truyện ngắn trong tuyển tập đã được chuyển thể thành phim và kịch.

Cả truyện vừa “Cánh đồng bất tận” và tập truyện ngắn cùng tên đã được dư luận phản hồi tích cực. Tập truyện đã trở thành một hiện tượng xuất bản của văn học Việt Nam với 108.000 bản được tiêu thụ tính đến năm 2010, nhất là sau khi bộ phim dựa trên truyện vừa cùng tên được ra mắt cùng năm.Cùng trong năm 2005, truyện vừa “Cánh đồng bất tận” được đứng đầu trong một cuộc bình chọn truyện ngắn đặc sắc trên báo Văn nghệ. Vào năm 2006, tập truyện đoạt Giải thưởng “Hội Nhà văn Việt Nam” dành cho tác phẩm xuất sắc. Năm 2007, tác phẩm được dịch ra tiếng Hàn và được nhà xuất bản Asia tại Seoul phát hành. Năm 2008, tập truyện được dịch qua tiếng Thuỵ Điển với tên “Fält utan slut”.

Trước hết, nói về tác giả Nguyễn Ngọc Tư. Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là một nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam, được biết đến nhiều nhất bởi tập truyện gây tranh cãi mang tên “Cánh đồng bất tận”.

Được viết bởi một giọng văn mang âm hưởng đồng nội sâu sắc, “Cánh Đồng Bất Tận” như một sự chồng chất và tiếp nối của những bi kịch trong kiếp người. Mà quanh đi quẩn lại trong tấn bi kịch ấy, ta thấy được sự chất chồng ấy cũng bởi cái thiếu thốn lòng vị tha, chưa biết buông bỏ những nỗi oán hờn mà ra. Đọc mà thấy buồn da diết, cuộc sống mong manh mà người ta chỉ sống để dằn vặt nhau, cho đến khi hối hận thì đã muộn màng, rồi lại quay quắt trong mối ăn năn, dằn vặt. Một vòng tròn không có lối thoát.

Tập truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, mỗi lần đọc là thêm những cảm xúc mới. Đó là nỗi đau, là sự ám ảnh về cảnh nghèo của những người con Đồng bằng sông Cửu Long lam lũ, là sự thương xót cho tình cảnh éo le, kiếp sống lang bạt, hay sự cảm phục trước tình người sâu đậm, niềm tin vào tình yêu của con người. Mỗi câu chuyện là mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh éo le khác nhau: người bị phụ tình, kẻ bị ruồng bỏ.. nhưng trong đó đều chan chứa tình người, chan chứa niềm tin vào cuộc sống, vào con người.

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của người dân Nam Bộ, đặc biệt là Nương và Điền. Hai chị em cùng bố trên chiếc thuyền nay đây mai đó và quá khứ về một người mẹ mà khi nghĩ về là xen lẫn cả niềm vui và nỗi buồn. Nương không được phép nhắc đến mẹ trước mặt bố dù trong lòng nhiều lúc lòng Nương cồn cào da diết nhớ!Khi vợ bỏ đi ông đốt nhà dẫn hai con lưu lạc khắp nơi không dừng chân ở đâu quá lâu và hai đứa nhỏ không được biết đến cái gọi là “Nhà”. Vì quá thương vợ,yêu vợ nên nỗi hận trong ông càng lớn khi vợ ra…

Sự xuất hiện của Sương như một cơn gió mới mẻ mang đến sự ấm áp cho Nương và Điền.Nhưng chính sự thù hận mù quáng của người bố là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch của chị em Nương và Điền.Ông đã đẩy tất cả đi đến sự tuyệt vọng và đau khổ.Nương một cô gái hiền lành trong sáng lại phải gánh chịu nhiều đau khổ bất hạnh nhưng cô tha thứ tất cả vì hơn ai hết cô hiểu sự thù hận đáng sợ đến thế nào….Kết thúc câu chuyện có thể xem là hồi kết tốt đẹp,tất cả vẫn trôi theo dòng chảy và tuân theo một luật nào đó,quy luật bất thành văn về lẽ người,lẽ đời!

Tác phẩm viết về những con người chân chất của miền Tây. Họ tuy là những người nông dân nghèo, tay lấm chân bùn nhưng họ luôn giàu tình cảm. Mỗi người mỗi cảnh nhưng họ có một điểm chung, luôn dành cho những người thân yêu của họ những điều tốt đẹp nhất, còn phần mình thì chịu nhiều nỗi buồn. Đọc tác phẩm mà thấy buồn rười rượi. Không phải là một tập truyện như những tác phẩm khác. “Cánh đồng vất tận” gồm nhiều câu chuyện nhỏ góp nhặt nên.

Dù vậy, câu chuyện nào cũng mang một nỗi buồn man mác. Không hiểu tại vì sao tác giả lại viết ra những câu chuyện buồn đến thế? Tuy vậy, tác phẩm vẫn rất hay, nó khắc họa rõ nét đời sống thường ngày của người dân miền sông nước, khắc họa rõ bản tính thật thà của họ. Những con người luôn lênh đênh trên chiếc ghe của mình, cứ chông chênh, chồng chềnh, rày đây mai đó, không biết đến khi nào thì mới có thể tìm được một bến bờ cho mình.

Quyền sống và hạnh phúc của con người đã được nói đến nhiều. Nhưng ở “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư muốn cảnh báo con người về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Không gào thét, không ồn ào nhưng nếu đọc tác phẩm mà bên trong bạn không quặn thắt những đợt sóng về nỗi niềm băn khoăn về kiếp sống làm người.

Một tác phẩm đúng chất của Nguyễn Ngọc Tư. Giọng văn mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người. Nó tái hiện lại một vùng quê đầy lam lũ, tình cha dành cho con thắm thiết đến cảm động. “Cải ơi!” tiếng người cha gọi con về nghe thật xót xa. Có thể hành động có phần hơi “lúa” của người cha trong truyện ấy làm ta bật cười, nhưng đằng sau những tràng cười do lại là một bài học đầy ý nghĩa về tình gia đình cao cả. Qua cuộc sống lam lũ ầy, họ có buồn phiền, nhưng họ không hề chán nản, một nghị lực sống phi thường thật đáng để ta học hỏi. Đấy là những tình cảm, những bài học thâm thúy mà tôi nhận được từ một “Cánh đồng bất tận” khác, cánh đồng “tình người” trong chất văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 8

Hiện nay, trên truyền hình có rất nhiều phim hoạt hình hay mà cả người lớn và trẻ em đều có thể xem được. Hầu hết phim hoạt hình chỉ mang tính chất giải trí, mang lại sự thư giãn và tiếng cười cho trẻ em. Nhưng cũng có rất nhiều bộ phim mang tính giáo dục cao và ý nghĩa, một trong số đó là bộ phim Người cha và con gái (Father and Daughter).

Người cha và con gái (Father and Daughter) là một bộ phim hoạt hình ngắn không lời của đạo diễn người Hà Lan Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt (Michael Dudok de Wit) thực hiện năm 2000. Bộ phim chỉ gói gọn trong thời lượng 8 phút 30 giây nhưng đã giành giải Ô-xca) (Oscar) cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 2001 cùng rất nhiều giải thưởng khác. Bộ phim là câu chuyện sâu sắc, cảm động về tỉnh cha con.

Phim bắt đầu bằng hình ảnh hai cha con cùng đạp xe trên con đường đồi. Họ dừng lại bên hai gốc cây to đổ bóng, người cha chia tay cô con gái bé nhỏ trong lưu luyến rồi bước xuống con thuyền đậu sẵn dưới bến và chèo đi. Cô con gái đứng mãi trên bờ dốc nhìn theo hút bóng chiếc thuyền. Khi phía trước chỉ còn là mặt nước mênh mông, cô bé lặng lẽ đạp xe ngược trở lại con đường. Ngày ngày, cô bé vẫn kiên trì đạp xe một mình trở lại nơi bển cũ, mòn mỏi chờ đợi người cha Con đường ngược dốc, ngược gió. Những vòng xe quay đều, quay đều như năm tháng trôi đi.

Mùa nọ nối mùa kia, cô bé xưa nay đã trở thành thiếu nữ, cô lập gia đình, rồi có con... Vẫn con đường ra bến sông, vẫn những vòng xe quay đều, bất chấp thời gian và thời tiết, cô đều đặn đạp xe cùng bạn bè, cùng người yêu, rồi cùng chồng, con,... trở lại tìm cha. Cô vẫn đến hai gốc cây ấy, bờ dốc và bến sông ấy, lại trông ngóng, đợi chờ, rồi lặng lẽ trở về. Cô gái đã thành bà cụ già. Ngọn đồi nhỏ, con đường dài, hai hàng cây qua bao mùa thay lá, không còn đủ sức để đạp xe, bà lão dắt chiếc xe đạp cũ vượt dốc đổi.

Cái bến nhỏ ngày nào giờ đã lùi xa trở thành một vùng lau lách um tùm. Bà lão loay hoay dựng mãi chiếc xe đạp rồi men theo bờ dốc, bước xuống lòng bến cạn. Ở đó, bà đã nhìn thấy con thuyền của người cha năm xưa. Chiếc thuyền cũ kĩ, nằm im trong cát. Bà lão nhẹ nhàng nằm xuống lòng thuyền như muốn tìm lại hơi ấm của người cha.

Và người cha bỗng hiện ra như thuở nào. Bà lão chạy về phía trước để đón cha. Thời gian bỗng như quay ngược trở lại. Bà lão trở thành cô thiếu nữ. Hai cha con dang rộng vòng tay, ôm chặt lấy nhau trong ấm áp, yêu thương, xúc động...

Bộ phim hoạt hình sử dụng hai tông màu chủ đạo là trắng và đen. Đó là màu của thời gian nghiệt ngã, màu của quên lãng. Cảnh vẽ trong phim đơn giản, gợi khung cảnh thời thơ ấu ở một vùng quê của Hà Lan, quê hương của đạo diễn Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt. Bộ phim có những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ: con đường, bến sông, bánh xe đạp đều đặn quay tròn,... Phim không sử dụng lời thoại, chỉ thông qua động tác, cử chỉ, âm nhạc nền, hình ảnh để biểu đạt thông điệp. Bản nhạc Sóng sông Đa-nuýp (Danube) của nhà soạn nhạc người Ru-ma-ni (Roumanie) I-ô-xíp I-va-nô-vích (Iosif Ivanovici) được chọn làm nhạc nền của phim. Âm nhạc cùng với hình ảnh đã thay lời thoại, biểu đạt thành công tâm trạng của nhân vật cảm xúc lưu luyến khi chia tay của hai cha con, tâm trạng phơi phới của cô con gái ngày ngày ngược gió đạp xe đi đón cha, bà lão đạp xe trong mệt mỏi với những hi vọng, dợi chờ không tắt, khoảng lặng chùng xuống khi người con nhìn thấy chiếc thuyền xưa... Và bản nhạc Sóng sông Đa-mộp trào lên với giai điệu tươi vui, rộn ràng như sống lại tuổi thơ khi người con gái được gặp lại cha mình trong tưởng tượng.

Chỉ trong hơn 8 phút ngắn ngủi, người xem như được sống lại những kỉ niệm thời thơ ấu, được quấn quýt bên cha và được cha bế ẵm. Kí ức giản đơn nhưng cũng đủ cho một đời khao khát chờ đợi...

Dù trong phim hay trong đời thực, người cha vẫn luôn là tượng đài vĩnh cửu, là bến bờ yêu thương của mọi đứa con. Qua bộ phim, chúng ta càng thêm thấm thía sự quý giá vô cùng của tỉnh phụ tử. Hãy trân trọng người cha, người mẹ đang bên bạn, bởi vì có họ ở bên là một niềm hạnh phúc vô giá! Tôi đã xem phim rất nhiều lần nhưng vẫn không thấy chán. Tôi suy nghĩ và cảm nhận được nhiều cảm xúc sâu sắc qua bộ phim này. Đó là một bộ phim ngắn thực sự hay, ý nghĩa.

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật bài văn mẫu số 9

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca bất hủ đã truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của một chiến thắng đã làm nên một Việt Nam của thời đại mới. Trong đó, có “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Hà từng kể, từ giữa tháng 4/1975, không khí Hà Nội rất sôi động. Tình hình chiến sự được người dân theo dõi từng giờ, từng phút. Nhiều hôm, ông không về nhà mà ở lại cơ quan - Đài Tiếng nói Việt Nam để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày đó hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng.

Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc để viết nên những giai điệu đầy cảm xúc, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên về một ngày vui của dân tộc đang đến rất gần: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng sáng 30/4. Dù được sáng tác trong một thời gian ngắn, dù nhạc sĩ không có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử để chứng kiến cảnh: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây”, nhưng bằng sự trải nghiệm niềm hân hoan của một người nghệ sĩ mong ngóng ngày chiến thắng và hân hoan với ngày khải hoàn của dân tộc, lời ca, tiếng hát của ca khúc như là tiếng lòng của những người con nước Việt trong thời khắc quan trọng của lịch sử.

Sức sống mãnh liệt của ca khúc không phải dĩ nhiên mà có. Nó được đúc kết trong chính giá trị mà ca khúc tạo ra, xuyên qua năm tháng, vượt qua thời gian để chạm đến trái tim của bao thế hệ người nghe.

Về giá trị lịch sử, ca khúc đã khẳng định giá trị đích thực của nó trên nhiều khía cạnh, mà có thể nhìn nhận rõ nhất ở hai giá trị tiêu biểu là lịch sử - tư tưởng và nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật âm nhạc).

Dù đã trải qua bao nhiêu năm kể từ khi ca khúc ra đời, tác giả của bài hát đã trở thành người thiên cổ, nhưng âm hưởng của bài hát vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và niềm hân hoan như thủa ban đầu của nó.

-/-

Các em vừa tham khảo xong một số bài văn mẫu nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM