Nghị luận xã hội về lòng yêu nước

Xuất bản: 03/06/2019 - Cập nhật: 25/09/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài nghị luận về lòng yêu nước, lập dàn ý chi tiết và tham khảo những bài văn mẫu hay trình bày quan điểm, suy nghĩ của em về lòng yêu nước trong xã hội hiện nay.

Tài liệu hướng dẫn nghị luận về lòng yêu nước, tham khảo mẫu dàn ý chi tiết và tuyển chọn những bài văn hay suy nghĩ bàn về lòng yêu nước của con người trong xã hội hiện nay.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về lòng yêu nước trong xã hội hiện nay.

Hướng dẫn làm bài
văn nghị luận về lòng yêu nước

1. Phân tích đề

- Yêu cầu đề bài: Trình bày quan niệm, suy nghĩ của em về lòng yêu nước

- Phạm vi tư liệu dẫn chứng: những sự việc, hành động biểu hiện cho lòng yêu nước trong xã hội.

- Phương pháp lập luận chính: giải thích, bình luận

2. Hệ thống luận điểm

- Luận điểm 1: Giải thích thế nào là lòng yêu nước?

- Luận điểm 2: Biểu hiện của lòng yêu nước

Luận điểm 3: Vai trò của lòng yêu nước

Luận điểm 4: Trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay

Dàn ý chi tiết nghị luận về lòng yêu nước

Mở bài nghị luận về lòng yêu nước

- Lòng yêu nước là một trong những phẩm chất cao quý của con người đối với đất nước mà chúng ta đang sinh sống.

- Vậy lòng yêu nước đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?

Thân bài nghị luận về lòng yêu nước

Luận điểm 1: Giải thích thế nào là lòng yêu nước?

- Lòng yêu nước là gì? => Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, tôn thờ, ghi khắc trong tim đối với đất nước mà mình đang sinh sống.

Luận điểm 2: Biểu hiện của lòng yêu nước

- Giai đoạn chiến tranh, giành độc lập:

+ Thời phong kiến, bao cuộc khởi nghĩa nổ ra nhằm thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc.

+ Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ trường kì của dân tộc, tinh thần yêu nước cũng thể hiện bằng bao sự hi sinh của đồng bào không phân biệt địa vị, giới tính, vùng miền,…

+ Tình yêu nước giai đoạn này hết sức mạnh mẽ, bằng một con đường chung nhất: đấu tranh giải phóng dân tộc.

+ Dẫn chứng: Những lần ngoại xâm sang xâm lược nước ta (trong lịch sử – 3 lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, Thanh, Minh,…), kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ,…

- Giai đoạn hòa bình, phát triển đất nước:

+ Khi mới giành được độc lập, lòng yêu nước biểu hiện thành tinh thần xây dựng, kiến thiết đất nước buổi đầu.

+ Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì đó là sự vươn tầm thế giới khẳng định hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới.

+ Tình yêu nước thời kì mới được tiến hành đa dạng và bằng nhiều cách thức hơn, có thể là một người nông dân đưa lúa gạo đi xuất khẩu, là anh chiến sĩ hải đảo giữ vững chủ quyền ngoài biển khơi, là doanh nhân đưa thương hiệu Việt tới bạn bè năm châu.

+ Dẫn chứng: Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, thiếu tá Vi Văn Nhất hi sinh khi đánh án ma túy hay các học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc tế,…

Luận điểm 3: Vai trò của lòng yêu nước

- Là chìa khóa vạn năng có thể đưa đất nước vượt qua mọi gian nan thử thách.

- Là dòng sữa ngọt mát nuôi dưỡng bao tâm hồn những người con đất Việt.

- Là bệ đỡ vững chắc cho mọi thành công sau này của thế hệ người Việt Nam.

- Là nguồn cảm hứng bất tận đi vào biết bao trang văn trang thơ, nói chí tỏ lòng, diễn tả bất tận mọi cung bậc tình cảm của lòng yêu nước.

- Khiến con người ta sống có trách nhiệm hơn với gia đình quê hương đất nước.

Luận điểm 4: Trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay

- Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: giúp đỡ mọi người, tìm hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc, nỗ lực tiếp thu tri thức nhân loại,…

- Lòng yêu nước còn thể hiện ở việc bản thân mỗi cá nhân cố gắng hoàn thành mục tiêu tốt đẹp của bản thân. Khi mỗi cá nhân phát triển, tức là cả cộng đồng cùng phát triển,…

- Yêu cảnh sắc quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn, yêu thương giúp đỡ bạn bè,…

- Không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành con người đủ sức, đủ tài.

- Nghiêm túc, tự giác thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy định của nhà trường, cơ quan công tác…

- Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu một cách chính đáng

- Dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.

...

* Bàn bạc, mở rộng vấn đề

- Phê phán những con người có hành động bán rẻ linh hồn của mình cho bọn phản động, hại nước. Đó là những người rất đáng chê trách và bị xã hội tẩy chay.

Kết bài nghị luận về lòng yêu nước

- Lòng yêu nước là phẩm chất đạo đức cần thiết của con người.

- Là học sinh, em sẽ luôn trau dồi học tập thật tốt để trong tương lai xây dựng nước nhà ngày càng đẹp đẽ và giàu mạnh hơn.

» Tham khảo thêmNghị luận suy nghĩ của em về vấn đề biển đảo quê hương

    Sau khi nắm được các ý chính và cách triển khai từ dàn ý chi tiết trên, các em hãy tham khảo thêm các bài văn mẫu nghị luận về lòng yêu nước dưới đây để có thêm ý tưởng làm bài nhé.

Đoạn văn 200 chữ nghị luận về lòng yêu nước

Đoạn văn mẫu 1

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Đó là lời khẳng định đầy tự hào của chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước được hiểu là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, dựng xây đất nước của con người. Cao hơn cả đấng sinh thành, đất nước như một mái nhà chung của tất cả những người dân đang chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng. Chính vì vậy, lòng yêu nước tồn tại trong tất cả con người Việt Nam như một lẽ dĩ nhiên, thể hiện sự tự tôn, tự hào dân tộc, biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng dựng xây và bảo vệ đất nước. Biểu hiện của lòng yêu nước là những hành động cụ thể, được minh chứng qua từng giai đoạn lịch sử. Trang sử vàng của dân tộc ta đã ghi danh biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là nông dân dũng cảm, can trường xả thân vì đất nước. Hình ảnh chị Võ Thị Sáu gan dạ trước nòng súng quân giặc, anh Bế Văn Đàn, anh Phan Đình Giót,… và hàng ngàn con người Việt Nam đã khiến cả thế giới phải nể phục vì lòng yêu nước, dũng cảm, cứng rắn “như gang như thép”. Có thể thấy, lòng yêu nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công của đất nước ta trong cả kháng chiến lẫn công cuộc dựng xây xã hội chủ nghĩa. Thế hệ thanh thiếu niên cần không ngừng cố gắng học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cần ngăn chặn triệt để các hành vi tuyên truyền phản động, biểu tình gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước.

Đoạn văn mẫu 2

Lòng yêu nước chính là tình yêu quê hương đất tổ nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó là yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu tất cả con người sống trên mảnh đất hình chữ S. Một người có lòng yêu nước sẽ luôn cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước. Lòng yêu nước chính là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức một con người đối công cuộc xây dựng đất nước. Đôi khi lòng yêu nước chỉ là tình cảm đơn giản, bình dị nhưng lại mang một ý nghĩa rất lớn. Luôn cố gắng trong học tập, hay công việc để đất nước trở nên giàu mạnh hơn. Và luôn dang rộng vòng tay để yêu thương và kêu gọi xã hội bằng hành động thiết thực. Thế nhưng trong xã hội hiện nay vẫn còn một số bộ phận tiêu cực, phản động. Họ luôn có những hành động, thủ đoạn trái ngược với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Những con người như vậy cần được răn đe và có hình thức xử lý đúng đắn và kịp thời.

Như vậy lòng yêu nước thực sự rất cần thiết đối với mỗi người và toàn xã hội. Có thể nói lòng yêu nước là một truyền thống quý báu đáng tự hào của dân tộc ta. Vì một tương lai tươi sáng, xã hội văn minh chúng ta cần phát huy những truyền thống tốt đẹp.

Đoạn văn mẫu 3

Lòng yêu nước là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, dựng xây đất nước của con người trên đất nước đó. Đối với dân tộc Viêt Nam, lòng yêu nước tồn tại trong tất cả người dân như một lẽ dĩ nhiên bởi truyền thống yêu thương, giàu lòng nhân ái, đoàn kết và biết ơn. Lòng yêu nước của con người Việt Nam được thể hiện rõ qua những tấm gương của biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là nông dân dũng cảm, can trường xả thân vì độc lập tự do của đất nước. Không chỉ vậy, lòng yêu nước còn được thể hiện ở những cố gắng cống hiến tri thức, tiền bạc để dựng xây và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp. Ý nghĩa của lòng yêu nước đối với công cuộc bảo vệ và dựng xây xã hội chủ nghĩa được minh chứng bằng những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trước giặc ngoại xâm, bằng những thành tựu khoa học công nghệ, giáo dục,… mà chúng ta đạt được từ xưa đến nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được giá trị của dân tộc và lòng yêu nước, bằng chứng là một bộ phận người dân vẫn tồn tại suy nghĩ phản động, ích kỉ, vô trách nhiệm, thậm chí còn tuyên truyền phản động, châm ngòi biểu tình nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước những hành vi đó, chúng ta cần có thái độ quyết liệt ngăn chặn, và có biện pháp khắc chế kịp thời để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Một số bài văn tham khảo nghị luận về lòng yêu nước

Bàn về lòng yêu nước bài văn mẫu số 1

Lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta được lưu truyền và phát huy từ đời này qua đời khác. Nó không những không bị mai một đi mà ngày càng được phát huy một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong xã hội hiện nay.

Lòng yêu nước chính là lòng yêu quê hương, xóm làng, yêu núi sông, yêu Tổ quốc hay yêu những thứ nhỏ bé, bình dị nhất xung quanh cuộc sống của mỗi chúng ta. Lòng yêu nước còn là khát vọng dựng xây, phát triển đất nước ngày một giàu mạnh hơn, rạng rỡ hơn.

Có thể nói, tình yêu nước được thể hiện với muôn hình vạn trạng. Ở mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh khác nhau thì tình yêu nước lại có những biểu hiện ngời sáng khác nhau. Trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt của dân tộc thì lòng yêu nước chính là tinh thần bất khuất, lòng khao khát độc lập tự do đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước. Là tinh thần đoàn kết đùm bọc lẫn nhau qua những năm tháng mưa bom bão đạn. Là sự nhiệt thành cách mạng, là sự hi sinh quên mình của những người lính nơi đầu súng ngọn gió, là sự hi sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương… Lớp lớp những thế hệ hi sinh quên mình vì Tổ quốc mà lịch sử còn nhắc tên họ mãi. Chúng ta làm sao có thể quên một anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thấy mình chèn pháo, một Phan Đình Giot lấy thân mình lấp lỗ châu mai… và hàng ngàn những người con đã ngã xuống vì màu cờ đỏ thắm, vì độc lập tự do, vì lòng yêu nước sáng ngời.

Nếu như trong thời chiến lòng yêu nước là sự quả cảm, anh dũng chiến đấu thì trong thời bình tinh thần yêu nước lại chính là sự đoàn kết, sự giúp đỡ lẫn nhau để dựng xây lên một đất nước ngày một giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là không ngừng học hỏi, không ngừng phấn đấu để làm rạng danh dân tộc, rạng danh 2 tiếng Việt Nam. Một giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng về toán học danh giá. Một vận động viên Ánh Viên với những kỉ lục liên tiếp được phá vỡ với môn bơi lội… Đó chỉ là một số trong rất nhiều tấm gương những người Việt đang không ngừng phấn đấu để làm rạng danh Tổ quốc.

Lòng yêu nước không phải là thứ  gì đó xa vời nhưng nó lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người và với mỗi quốc gia, dân tộc. Lòng yêu nước giúp con người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết và tạo nên sức mạnh tập thể vô cùng to lớn. Sức mạnh ấy có thể giúp một nước nhỏ bé như Việt Nam quật ngã được 2 đế quốc thực dân sừng sỏ là Pháp và Mỹ. Sức mạnh ấy giúp Việt Nam từ một nước nghèo và lạc hậu sau chiến tranh đang ngày một chuyển mình đứng dậy để sánh vai với các cường quốc 5 châu. Thử hỏi, nếu không có lòng yêu nước, không có tinh thần dân tộc thì cuộc sống hiện tại sẽ ra sao? Đó sẽ là một viễn cảnh u ám khi mà con người sống thờ ơ, vô cảm với chính mình và với cộng đồng. Sẽ không còn yêu thương, không còn đoàn kết.

Thế nhưng, trong xã hội hiện nay vẫn còn một số những phần tử tiêu cực phản động, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, xã hội. Chúng luôn có những thủ đoạn nhằm làm bôi nhọ danh dự của Đảng và Nhà nước, làm xấu đi lý tưởng xã hội chũ nghĩa. Hoặc có những con người sống vô cảm, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi những giá trị của cuộc sống, quên đi những người xung quanh. Những con người như vậy cần phải được giáo dục và thay đổi nhận thức vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Bản thân là những người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi chúng ta cần có ý thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của lòng yêu nước, từ đó, không ngừng cố gắng học tập, trau dồi bản thân để hoàn thiện chính mình và giúp ích cho xã hội.

Có thể nói, lòng yêu nước là một trong những truyền thống quý báu đáng tự hào của dân tộc ta. Nó không chỉ là cầu nối từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn là cái nôi chắp cánh hi vọng cho những thế hệ tương lai.

Bàn về lòng yêu nước bài văn mẫu số 2

Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm bể dâu mới có được hòa bình và nền độc lập như hôm nay. Đó là nhờ vào sự nỗ lực cống hiến cũng như tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của mỗi thế hệ. Cho đến ngày nay, lòng yêu nước vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng cần được trân trọng và phát triển hơn nữa.

Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước; nỗ lực cố gắng không ngừng để dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là tình cảm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dành cho quê hương đất nước. Đó là yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu xóm, yêu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm ấy đơn giản, gần gũi và nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người.

Biểu hiện của lòng yêu nước không phải là những thứ quá cao xa, nó nằm ngay ở ý thức và hành động của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến, lòng yêu nước chính là đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần ngại, xông lên phía trước dành lại độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc đó mạnh mẽ và quyết liệt. Đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân tương ái, cùng nhau chống lại kẻ thù. Chiến tranh ác liệt nhưng như Bác Hồ từng nó thì “lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.

Lòng yêu nước lúc đó chính là cố gắng không ngừng nghỉ, cố gắng ngày và đêm để giữ lấy độc lập của đất nước. Quân thù hung ác nhưng ý chí chiến đấu của nhân dân càng phải quyết tâm. Tình yêu nước nồng nàn và tha thiết đó là vũ khí để chiến thắng kẻ thù.

Trong thời bình, lòng yêu nước thể hiện ở việc chung ta xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân và sự vững bền cho đất nước.

Tình yêu mà chúng ta dành cho làng quên yên bình, cho những dòng sông đổ nặng phù sa, cho bãi mía nương dâu. Nhà văn Ê-ren-bua từng nói “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Những tình yêu tưởng chừng như bình dị như vậy nhưng lại tạo nên một tình yêu lớn lao và cao cả hơn.

Mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lúc lớn khôn và trưởng thành thì gia đình là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ. Đó là nơi chúng ta cần yêu thương đầu tiên. Mai này chúng ta lớn lên có trường học, xã hội, những người bạn xung quanh. Chúng ta cần phải san sẻ tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người nếu có thể. Đôi khi lòng yêu nước chỉ là tình cảm đơn giản, bình dị như vậy nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.

Đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội, thế hệ trẻ cần phải cống hiến và chung tay xây dựng đất nước phát triển hơn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì cần phải cố gắng chăm học, rèn luyện không ngừng để trở thành người công dân tốt cho xã hội.

Lòng yêu nước của mỗi công dân sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xung quanh chúng ta còn có rất nhiều mảnh đời cần sự sẻ chia và giúp đỡ. có những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, bị bố mẹ bỏ rơi, những cụ già neo đơn hoặc bị con cái ngó lơ. Họ cần được yêu thương và sẻ chia. Chúng ta hãy dang rộng vòng tay để yêu thương họ, kêu gọi xã hội yêu thương họ bằng những hành động thiết thực nhất.

Tuy nhiên bên cạnh những người tràn đầy tinh thần yêu nước thì vẫn có những phần tử cố ý chống lại đất nước, chống lại chính quyền. Đó là những kẻ đi theo chủ nghĩa xuyên tạc, nói xấu Đảng và chính phủ. Cần phải xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp này để mang lại sự yên ổn của xã hội.

Như vậy lòng yêu nước trong xã hội này là cần thiết đối với mỗi con người. Chúng ta cần phải rèn luyện tinh thần này thường xuyên để dựng xây và cống hiến cho đất nước.

Bàn về lòng yêu nước bài văn mẫu số 3

Đất nước ta luôn được nhìn nhận là một đất nước có nhiều điều kì diệu. Dân tộc ta đã phải trải qua cả một quãng lịch sử dài đằng đẵng thấm đẫm máu và nước mắt để bảo vệ cho được độc lập, dân chủ cho quốc gia, và cuối cùng đã vượt qua một cách hết sức huy hoàng, đó chính là nhờ sức mạnh của tình yêu nước. Tình yêu nước của nhân dân ta là một thứ tình cảm thiêng liêng, đáng quý, đáng trân trọng và đáng được phát huy.

Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương nơi mình sinh ra, trưởng thành, suy nghĩa rộng là đất nước với đồng bào dân tộc trân quý. Tình cảm ấy thiêng liêng vô ngần, yêu gia đình, yêu làng quê, yêu núi sông, yêu những người dân đất nước để rồi sống một cuộc đời đầy tình thân, tình nghĩa và luôn thường trực những ước mong cho đất nước mình những ngày thanh bình, ngày càng phồn thịnh, phát triển.

Tình cảm ấy gần gũi, bình dị và thân thuộc vô cùng. Nó đến với tư tưởng mỗi người một cách rất tự nhiên, trong ý thức và những hành động bộc phát nhưng rất lý tính của con người. Dân tộc ta luôn tự hào là một dân tộc anh hùng. Lịch sử bốn nghìn năm dựng nước thì quá nửa chìm đắm trong nạn binh đao với những sự chết chóc, biệt ly, tang thương vô cùng. Tuy nhiên, đau khổ đến bao nhiêu cũng không khiến cho nhân dân ta lùi bước, bằng tinh thần đoàn kết và sức mạnh tinh thần. Như trong tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, bác Hồ kính yêu, vị cha già vĩ đại của dân tộc ta đã có nhiều lời khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.

Thật vậy, biểu hiện của tình yêu nước, tinh thần yêu nước của nhân dân ta được hiển hiện rất rõ nét trong đời sống, nó nằm ngay trong ý thức và hành động của mỗi con người Việt. Trong thời chiến, đó là hàng triệu trái tim từ các cụ già tóc bạc phơ đến những đứa trẻ tuổi đời còn rất nhỏ, thanh niên, kiều bào nước ngoài ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, một lòng hướng tới lý tưởng kiên quyết đấu tranh vì lý tưởng độc lập, hòa bình cho đất nước. Hậu phương có những người phụ nữ bản lĩnh với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” thi đua tăng gia sản xuất, góp công sức sản xuất lương thực, thực phẩm gửi vào hậu phương chi viện cho bộ đội. Trên khắp các chiến trường, là những chiến sĩ anh dũng, quả cảm, luôn suy nghĩ về lợi ích cộng đồng hơn là những tình cảm cá nhân. Lòng yêu nước ấy mang giá trị to lớn vô cùng, sức mạnh của nó thật sự rất khủng khiếp, chính điều đó đã làm nên thương hiệu của một dân tộc anh hùng khi một đất nước nhỏ bé và lạc hậu đã đánh thắng, đã chiến thắng một cách oanh liệt kẻ thù hung bạo với vũ khí trang bị tối tân, hiện đại vô cùng.

Không chỉ trong thời chiến, mà ngay trong thời đại hòa bình này, tinh thần yêu nước cũng được biểu hiện một cách rất rõ rệt. Lòng yêu nước được thể hiện qua tình yêu thiên nhiên đất nước, yêu làng quê nơi chôn rau cắt rốn của mình, yêu thương con người đồng loại, cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Lòng yêu con người đất nước, yêu quê hương cũng là một trong những biểu hiện của tình yêu đất nước. Chúng ta sinh ra và lớn lên là nhờ công ơn sinh thành và dưỡng dục của gia đình, người thân bạn bè, vùng đất nơi tạo không gian sống và trải nghiệm. Đôi khi tình yêu nước còn được biểu hiện ở những điều hết sức bình dị, giản đơn nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc vô cùng.

Lòng yêu nước của nhân dân ta còn được thể hiện ở tấm lòng của mọi người dân đất nước hướng về nhau, nghĩ về nhau, luôn quan tâm, giúp đỡ cho nhau. Những hoàn cảnh khó khăn như trẻ em lang thang cơ nhỡ, các cụ già neo đơn, bệnh nhân, những người có công với cách mạng… luôn được xã hội, cộng đồng quan tâm rất nhiều.

Đất nước có thể phát triển, vươn cao, vươn xa hay không là cũng nhờ sự cống hiến, xây dựng của những con người dân tộc. Và lòng yêu nước là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong hướng mục tiêu này. Lòng yêu nước là vô cùng cần thiết đối với mỗi con người, cho sự phát triển chung của một đất nước.

Xem thêm:

Bàn về lòng yêu nước bài văn mẫu số 4

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta, đã có biết bao tấm gương anh hùng dám liều mình đứng lên chống lại bọn giặc xâm lược mang lại hạnh phúc, vinh quang cho đất nước. Trong số đó ta có thể kể đến các anh hùng như: Lí Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo,… Đó là những tấm gương hi sinh anh dũng cho đất nước trọn một niềm vui hòa bình. Để có thể đánh thắng được lũ giặc bạo tàn, ngoài sự mưu trí, dũng lược thì lòng yêu nước sâu sắc là một trong những sức mạnh.

Vậy lòng yêu nước có nghĩa là gì? Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, quý báu mà bất cứ người dân nào cũng có đối với đất nước mà mình đang sinh sống, tồn tại. Và tình cảm thiêng liêng đó được trỗi dậy mạnh mẽ hơn cả trong những giai đoạn lịch sử dân tộc phải gồng mình trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Ở đất nước Việt Nam chúng ta, bất cứ người dân nào cũng luôn tồn tại lòng yêu nước mãnh liệt. Cụ thể là khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan xuống vùng biển của Việt Nam thì trong tim của mỗi con người Việt trỗi dậy một nỗi bất bình mạnh mẽ, tạo thành một làn sóng phản đối quyết liệt đối với hành vi, ứng xử không đúng đắn đó. Đâu đâu tại Việt Nam cũng như trên thế giới, hễ là người Việt Nam đều nêu cao tinh thần yêu nước và phản đối Trung Quốc. Hay những thanh niên hiện nay đủ tuổi phải thực thi lệnh gọi Nghĩa vụ quân sự luôn hăng hái, xung phong, xung kích lên đường thực hiện nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng của mình. Dù chúng ta đang sống trong thời bình, nhưng không có nghĩa là chúng ta lơ là với bất kì hành động khiêu khích nào, chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta luôn có kế hoạch xây dựng, củng cố quốc phòng vững mạnh, chắc chắn, là lực lượng tiên phong để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và đất nước Việt Nam ngày càng vững bền. Đó chính là những hành động của lòng yêu nước sâu sắc.

Thế nhưng ở đâu đó vẫn còn những con người không có lòng yêu nước. Những con người này chỉ vì lợi ích cá nhân, mờ mắt vì tiền của, bị mua chuộc, bị dụ dỗ, ý thức bán thân chưa cao mà có những hành động phàn bội lại đất nước của mình như: kích động người dân phản đối các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phát tờ truyền đơn phản động, gây mất an ninh trật tự công cộng,… gây bất ổn trong lòng dân. Những kẻ này cần phải bị lên án, trừng trị đích đáng theo pháp luật.

Nói tóm lại, trong mỗi con người Việt Nam ta đều sẵn sàng một lòng yêu nước sâu sắc. Chỉ có một số ít người vì hám lợi mà bán rẻ đất nước. Riêng bản thân em, em sẽ học tập thật tốt, là con ngoan trò giỏi để mai sau thành tài góp công xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh để xứng danh với các cường quốc năm châu bốn bể.

>>> Nghị luận Yêu nước nhưng không nên mù quáng

Bàn về lòng yêu nước bài văn mẫu số 5

Văn hào Nga Ylia Erenbua đã từng viết trong một bài luận văn nổi tiếng Lòng yêu nước: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc". Đó là người Nga yêu nước Nga, nhưng nguồn cội của tình yêu nước thì vẫn vậy, dù cái cụ thể cho tình yêu này trao gửi có khác với Việt Nam ta. Nhưng người Việt Nam, thì "Lòng yêu nước ban đầu..." có thể sẽ là yêu lũy tre xanh bao quanh làng, yêu dòng sông chảy trước nhà, yêu chân ruộng thơm mùi gốc rạ, yêu con cò đứng khoan thai trên đồng bên dáng mẹ còng lưng làm cỏ lúa…

Cứ nghĩ xem, 4.000 năm qua từ thuở vua Hùng dựng nước, ông cha ta đã để lại những biểu tượng gì cho cháu con gửi vào đó lòng yêu nước sâu sắc nhất? Vua Hùng đã đi cày ruộng, và người dân ở thời đại Hùng Vương đã biết trồng lúa nước. Lang Liêu đã dâng lên vua cha bánh chưng và bánh dày, biểu tượng cho trời đất, nhưng cũng là biểu tượng cho làng quê trồng lúa nước. Và cao hơn, là biểu tượng cho lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn với tổ tiên, các đấng sinh thành ra mình. Yêu cha mẹ, yêu ông bà, yêu tổ tiên cũng là bắt đầu cho tình yêu Tổ quốc. Cây lúa, chân ruộng chính là cái mà mười tám vua Hùng để lại cho muôn đời con cháu. Nước ta có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng không thể, không bao giờ được để mất những biểu tượng, những hình ảnh của làng quê đã hình thành từ thời các vua Hùng.

Các dân tộc Việt Nam đa tôn giáo, nhưng người Việt có một tập tục thành kính và tuyệt đẹp, đó là tục thờ cúng ông bà. Mỗi khi chúng ta thắp nén hương trên bàn thờ các vua Hùng, trước bàn thờ tổ tiên ông bà, tự nhiên có cảm giác trong huyết quản ta đang lưu chuyển dòng máu Việt tự nghìn năm, và ta lại có phút thanh thản để tự soi xét mình và để nhận những lời di huấn thiêng liêng từ tổ tiên ông bà: phải sống làm sao cho có nghĩa có nhân, cho ra một con người thuộc dòng giống Lạc Việt. Niềm tự hào chỉ đưa ta đi lạc hướng một khi ta không biết mình tự hào về cái gì. Còn khi đã xác định, thì niềm tự hào là con cháu vua Hùng, là người Việt mãi mãi là niềm tự hào chính đáng. Không phải để hơn thua với ai, mà để tự tin vào những gì tốt đẹp mà mình đã được nhận, được trao truyền trong suốt cuộc đời này. Từ các vua Hùng, từ lũy tre xanh, từ ruộng tỏa mùi bùn non:

"Cứ gì mùi thơm mới khiến nhớ lâu

 khi bùn non nối đời anh với đất

khi bàn chân dẫm gai cào đá sắc

là để cho bùn ruộng nhuyễn hơn thôi

cho đồng ta lúa chạy ngút chân trời

và gần lại dáng mẹ hiền xuống mạ"

Những câu thơ này được viết trong chiến tranh, cách đây đã 40 năm. Và hôm nay xin dâng mấy câu thơ mộc mạc này trong ngày Quốc giỗ, như một lý giải đơn sơ về cội nguồn lòng yêu nước.

Bàn về lòng yêu nước bài văn mẫu số 6

Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Điều ấy được thể hiện qua biết bao cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ bờ cõi đất nước của cha ông. Nhưng không phải cứ trực tiếp cầm súng chiến đấu nơi chiến trường mới gọi là yêu nước. Lòng yêu nước còn thể hiện qua rất nhiều hành động cụ thể có ích cho đời, quê hương dân tộc. Chính vì thế trong thời bình ta vẫn có thể biểu hiện lòng yêu nước qua những cách thể hiện riêng. Vậy lòng yêu nước là gì?

Lòng yêu nước nghĩa là tuyệt đối trung thành với đất nước tự hào về quê hương đồng bào, đề cao những giá trị văn hóa dân tộc... Có rất nhiều cách biểu hiện lòng yêu nước tùy vào mỗi người mà thể hiện khác nhau. Theo cá nhân riêng tôi lòng yêu nước là ta biết yêu thương những người xung quanh, mở rộng trái tim mình. Chỉ cần hành động nhỏ nhặt: cho tiền người ăn xin, san sẻ quần áo cũ cho người khó khăn hơn mình, giúp đỡ cô lao công khi thấy rác tự động nhặt lên bỏ vào thùng,... Đôi khi những việc làm nhỏ nhặt như vậy sẽ khiến cuộc sống bạn trở nên tươi đẹp và ý nghĩa biết bao. Lòng yêu nước có khi đơn giản thế thôi. Ngoài ra lòng yêu nước còn thể hiện qua hành động gắng sức học tập, sau này lớn lên trở thành những kỹ sư, bác sĩ xây công trình đất nước, giúp đỡ người khốn khổ... Không những ta phải gắng sức học tập, yêu thương đồng bào đất nước mà còn phải nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp của đảng và nhà nước cùng nhau đoàn kết khi đất nước gặp lâm nguy,... Tiêu biểu vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam. Trước tình hình này mỗi công dân Việt Nam nhất là các bạn trẻ phải có những hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước cập nhật thông tin thời sự, hướng ra biển Đông, kêu gọi quyên góp,... Thế nhưng đáng thất vọng thay những người như Phương Uyên, Trương Duy Nhất,... tưởng chừng những hành động bản thân là thể hiện lòng yêu nước. Nhưng không, cả xã hội gay gắt lên án vì những hành động đó. Hành động của họ gây tác động xấu đến mọi người đặc biệt thế hệ trẻ. Họ sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng bên cạnh vẫn còn rất nhiều người mỗi lần nhắc đến là niềm tự hào Việt Nam. Điển hình như anh Phạm Tuấn Duy đạt huy chương vàng toàn quốc tế IMO 2 năm liên tiếp được so sánh là thế hệ đầy triển vọng sau giáo sư Ngô Bảo Châu. Và còn nữa đâu đó rất nhiều tấm gương yêu nước mà ta vẫn chưa được biết đến.

Nói tóm lại suy nghĩ về lòng yêu nước và cách thể hiện lòng yêu nước trong thời bình của mỗi người tuy khác nhau nhưng đều chung mục đích muôn đất nước được trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế là những học sinh - chủ nhân tương lai đất nước chúng ta phải ra sức trau dồi học tập song song với đạo đức tốt để góp chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc phát triển đất nước giúp nước nhà ngày càng đi lên, vững bền.

Nghị luận về lòng yêu nước bài văn mẫu số 7

Ai quên cho được mái tranh nâu

Luống đất bờ ao với nhịp cầu

Mồ mả ông chôn giữa đất

Lòng người, lòng đất cảm thông nhau.

(Tình quê tình nước, Kiên Giang)

Con người, bất cứ ai, sinh ra, lớn lên cũng đều gắn mình với một mái ấm tình thương, một bờ ao, một luống đất, một dòng sông, một khu phố, một con đường… với biết bao tình cảm mến thương khăng khít. Chính tình yêu đối với những sự vật nhỏ bé cụ thể ấy góp lại trở thành tình yêu quê hương, đất nước. Thật đúng như lời nhà văn Xô Viết I-li-a Ê-ren-bua nói: "Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

Ai cũng biết, tình yêu đất nước là một khái niệm trừu tượng khó hình dung. Người ta có thể tỏ bày tình yêu đất nước, Tổ quốc của mình bằng ước mơ hoài bão. Thế nhưng hiểu cụ thể, đầy đủ, rõ ràng thế nào là lòng yêu đất nước thì thật là khó khăn. Bởi vậy, ở đây, nhà văn giúp chúng ta hiểu thấu được khái niệm trên bằng một hình ảnh so sánh sinh động và cụ thể: đó là hình ảnh “dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển" cũng chẳng khác chi: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc". Với hình ảnh so sánh này nhà văn cho rằng lòng yêu đất nước được hình thành trên cơ sở biểu hiện hết sức cụ thể, từ những việc làm nhỏ nhặt nhất góp lại. Nói rõ hơn tình yêu Tổ quốc cụ thể là “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” góp lại. Cách “định nghĩa” của nhà văn Ê-ren-bua thật dễ hiểu. Con người, bất cứ ai cũng hiểu được là mình đã và đang yêu đất nước mình, Tổ quốc mình, bởi vì như đã nói ở bên trên, ai chẳng có một tình yêu đối với mái tranh nâu, với luống đất, bờ ao, nhịp cầu, mồ mả ông bà, những người thân thuộc, nghĩa xóm tình làng và một miền quê gắn bó không rời cùng ta từ thuở lọt lòng đến khi khôn lớn. Đúng như một nhà văn đã nói: “Người ta có thể tách bước khỏi quê hương, nhưng không thể nào tách rời con tim mình khỏi quê hương được". Như thế, yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê là tình cảm hết sức tự nhiên của con người. Nhưng do đâu mà nói là yêu Tổ quốc? Điều này thật dễ hiểu. Con người, bất cứ ai cũng sinh ra, lớn lên trong một môi trường cụ thể là gia đình, làng xóm, miền quê. Đó là những con người, những cảnh vật gần gũi, gắn bó máu thịt. Bởi vậy, nếu mỗi chúng ta không có tình yêu đối với các bậc sinh thành mình thì làm sao có được tình yêu đối với nhân dân rộng rãi. Không có chút xúc động nào trước cảnh vật: mái
tranh nâu, bờ ao, luống đất, nhịp cầu… khăng khít với mình suốt tuổi bé thơ và trong cả cuộc đời thì làm gì có được tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quốc. Bác Hồ nặng lòng yêu xứ Nghệ (đến độ trước phút đi xa, Bác còn thèm nghe một câu hò ví dặm) yêu mảnh đất “xứ dân gầy” non xanh nước biếc như tranh họa đồ nên Bác mới một đời tận tụy hi sinh, đấu tranh vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân:

“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta.

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa.

Chỉ biết quên mình cho hết thảy.

Như dòng sông chảy phù sa" 

(Bác ơi – Tố Hữu)

Nhà thơ trẻ Đỗ Trung Quân cũng từng định nghĩa tình yêu quê hương:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông…

Chính tình yêu đối với chùm khế ngọt, đường đi học, con diều biếc trên đồng, con đò nhỏ ven sông… góp lại trở thành tình yêu một miền quê, tình yêu đất nước và tình yêu Tổ quốc. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Nhà văn nói “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” là “yêu Tổ quốc” cũng có ý phê phán một thứ lòng yêu nước chung chung, mơ hồ rỗng tuếch mà không biểu hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực và gần gũi.

Ai yêu nước Việt hơn người Việt

Nhau rốn chôn sâu giữa đất lành”.

(Tình quê tình nước, Kiên Giang)

Là người Việt Nam, chúng ta yêu đất nước Việt Nam của chúng ta hơn ai hết, dù đất nước này còn nghèo nàn, thiếu thốn. Chiến tranh đã đi qua hơn hai mươi năm, nhưng hậu quả của bom đạn tàn phá xưa đâu phải đã hết. Nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một cơ sở vật chất yếu kém, lạc hậu, nên với sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là với công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, thực hiện từ mười năm nay đã bù đắp phần nào mất mát, hàn gắn lại các vết thương chiến tranh xưa, và đem lại một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, một số mặt tiêu cực trong quản lí kinh tế, trong đời sống xã hội chưa thể khắc phục ngay được. Trong tình hình ấy, tinh thần yêu nước của mỗi người chúng ta, hơn bao giờ hết, phải được thể hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần đổi mới và xây dựng đất nước, chứ không thể nói chung chung, phải biến tình cảm cao quý thiêng liêng này thành một vật báu trưng bày trong tủ kính chứ đừng cất giấu kĩ trong rương, trong hòm như trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” Hồ Chủ tịch đã nói. Rất đỗi tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, tinh thần nồng nàn yêu nước của biết bao thế hệ người Việt Nam và tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, mỗi người học sinh chúng ta phải làm gì để thể hiện một cách cụ thể, sinh động tinh thần yêu nước nồng nàn của mình? Chúng ta hãy yêu thương những người thân gần gũi nhất của mình là ông bà, cha mẹ, họ hàng nội ngoại, thầy cô giáo, bạn hữu và thể hiện lòng yêu thương ấy bằng thái độ chăm sóc, vâng lời, lễ độ, giúp đỡ nhau… Phải biết vị tha, không nên chỉ đòi hỏi mọi người phải đặc biệt quan tâm chăm sóc đến riêng mình một cách vị kỉ. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết yêu quý với ý thức giữ gìn các vật dụng bình thường nhất, gần gũi nhất trong đời sống của mình: đồ dùng trong gia đình, tài sản công cộng, biết gắn bó với làng xóm, khu phố mình đang sống.

Trong thời đại chúng ta, đặc biệt đất nước chúng ta hôm nay, yêu Tổ quốc chính là yêu chủ nghĩa xã hội, hòa mình vào mọi hoạt động đổi mới và xây dựng đất nước làm cho dân giàu nước mạnh. Khi còn là học sinh, tình yêu quê hương đất nước của chúng ta phải biểu hiện cụ thể bằng những việc làm thiết thực như chăm học, chăm làm, tu dưỡng rèn luyện mình để mai sau trở thành một người công dân tốt, phải biết yêu quý gìn giữ của công, tham gia tích cực vào mọi hoạt động xã hội công ích do nhà trường và địa phương tổ chức. Chính trên cơ sở đó, tình yêu đất nước nhân dân của chúng ta sẽ được bồi dưỡng thêm ngày càng sâu sắc hơn với một nhận thức rõ rệt là lòng yêu Tổ quốc ngày nay phải gắn chặt với việc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiên tiến.

Tóm lại, lòng yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi con người chúng ta được nhà văn Ê-ren-bua nêu lên bằng những biểu hiện cụ thể nhằm nhắc nhở chúng ta tình yêu ấy phải gắn liền với những hành động và việc làm cụ thể trong các hoàn cảnh cụ thể. Mỗi học sinh chúng ta cần hiểu sâu sắc câu nói nổi tiếng này của nhà văn để ra sức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường để biểu hiện một cách cụ thể lòng yêu Tổ quốc của mình.

>>> Xem chi tiết: Nghị luận lòng yêu nước qua câu Dòng suối đổ vào sông, sông đổ ...

-/-

Các bạn vừa tham khảo một số bài văn mẫu hay nghị luận bàn về lòng yêu nước. Truy cập kho tài liệu Văn mẫu 9 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM