Nghị luận về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay

Xuất bản: 30/03/2019 - Cập nhật: 28/03/2024 - Tác giả:

TOP 5+ bài văn hay nghị luận về lối sống thực dụng, dàn ý chi tiết bài văn nghị luận bàn về lối sống thực dụng, làm băng hoại đạo đức con người trong giới trẻ hiện nay.

Hướng dẫn làm văn nghị luận về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay, gợi ý cách làm và lập dàn ý chi tiết giúp em dễ dàng tiếp cận và triển khai đề bài. Ngoài ra, bài viết sẽ cung cấp thêm một số bài văn mẫu hay bàn về vấn đề thực trạng lối sống thực dụng hiện nay trong giới trẻ để các em tham khảo.

Hướng dẫn làm bài văn nghị luận về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay

Đề bài: Phải chăng lối sống thực dụng đang làm băng hoại đạo đức của con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay? Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên.

Lối sống thực dụng là dùng lý trí để sống nhưng luôn đặt cao vấn đề vật chất lên trên, sống không có tình cảm và nghĩ đến người khác, luôn muốn giành những gì có lợi cho mình, bất chấp đó là hành động đúng hay sai.

1. Phân tích đề

- Yêu cầu: Trình bày suy nghĩ về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay.

- Dạng đề: Nghị luận xã hội về vấn đề tư tưởng đạo lí.

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: những sự việc, con người trong thực tế đời sống.

- Thao tác lập luận: giải thích, phân tích, bình luận.

2. Luận điểm nghị luận về lối sống thực dụng

- Luận điểm 1: Giải thích khái niệm lối sống thực dụng

- Luận điểm 2: Những biểu hiện của lối sống thực dụng

- Luận điểm 3: Nguyên nhân dẫn đến lối sống thực dụng

- Luận điểm 4: Hậu quả của lối sống thực dụng.

- Luận điểm 5: Đề xuất giải pháp loại trừ lối sống thực dụng.

3. Sơ đồ tư duy về lối sống thực dụng

Sơ đồ tư duy nghị luận về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay

Dàn ý bài nghị luận về lối sống thực dụng

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay.

Ví dụ: Lối sống thực dụng đang là vấn đề đáng báo động, lên án. Nó không chỉ xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ mà còn trở thành một vấn đề tiêu cực của nhiều đối tượng người trong xã hội hiện đại.

2. Thân bài

* Giải thích khái niệm: Thế nào là lối sống thực dụng?

- Lối sống thực dụng là lối sống coi nặng giá trị vật chất, chạy đua theo những nhu cầu trước mắt, đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả, gần với sự ích kỉ, trục lợi. Lối sống thực dụng là một căn bệnh nguy hiểm có thể làm băng hoại đạo đức con người.

- Cần phân biệt rõ bản chất của sống thực dụng và sống thực tế:

+ Sống thực tế là suy nghĩ và hành động từ khi đặt ra mục tiêu, xác định biện pháp thực hiện đều căn cứ vào những nguồn lực, điều kiện khả thi, do đó mà mục tiêu có thể thành hiện thực.

+ Sống thực dụng luôn đặt cao vấn đề vật chất lên hết, sống không có tình cảm và nghĩ đến người khác, sẵn sàng chấp nhận thủ đoạn vô đạo đức để đạt mục tiêu.

* Phân tích, bàn luận về vấn đề

- Biểu hiện của lối sống thực dụng:

+ Sống buông thả, thờ ơ, ăn chơi, đua đòi

+ Hành xử thô bạo, vi phạm pháp luật nhà nước

+ Coi trọng tiền bạc, vật chất, xem nhẹ những giá trị đạo đức, nhân cách, tâm hồn.

+ Lấy bản thân làm trung tâm, mọi suy nghĩ, hành động lấy lợi ích vật chất tầm thường của bản thân làm tiêu chí phấn đấu.

+ Điều gì cũng có thể quy ra tiền, trao đổi qua lại bằng tiền.

+ Lấy tiền làm mục đích sống của bản thân.

+ Trong tình yêu, không ít người tìm đến nhau vì tiền bạc, vật chất.

+ Sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của người khác và biến chúng thành của mình.

Ví dụ: Hiện tượng chọn nghề theo thị hiếu xã hội mà không theo sở thích, khả năng của bản thân; bạo lực trong học đường, sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân; bỏ bê học hành chơi game, đua xe, đua đòi hưởng thụ, hưởng lạc quá mức,...

- Nguyên nhân của lối sống thực dụng:

+ Ý thức của bản thân: tính ích kỷ cá nhân, ít chịu tu dưỡng, rèn luyện

+ Môi trường giáo dục còn chưa chú trọng đến đạo đức, nhân cách, kĩ năng sống

+ Gia đình thiếu sát sao, quan tâm

+ Ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường

+ Xã hội chưa tổ chức được những hoạt động hữu ích thu hút giới trẻ,...

- Tác hại của lối sống thực dụng:

+ Làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, cơ hội, chạy theo hưởng lạc, những lợi ích trực tiếp trước mắt, xa rời những mục tiêu phấn đấu.

+ Trong quan hệ giữa người với người, những tình cảm lành mạnh bị thay thế bằng quan hệ vụ lợi, vật chất.

+ Trong đời sống, họ vô trách nhiệm, bàng quan, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ cái đúng, cái tốt.

- Làm thế nào loại trừ được lối sống thực dụng?

+ Sống phải có khát vọng, lí tưởng, có hoài bão, mục đích sống, động lực để phấn đấu.

+ Tuổi trẻ phải biết biến ước mơ thành hành động cụ thể, năng động, dám nghĩ, dám làm, không uổng phí thời gian, loại bỏ lối sống ích kỉ, vượt qua cám dỗ đời thường.

+ Học tập và noi theo cách sống phù hợp của người lớn, người có uy tín trong xã hội

+ Nhà trường cần quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lối sống lành mạnh cho học sinh, phê phán những biểu hiện lệch lạc.

+ Gia đình cần thường xuyên quan tâm và giáo dục cho con có cách sống phù hợp, điều chỉnh kịp thời những biểu hiện không đúng trong cách sống và suy nghĩ.

+ Xã hội cần quan tâm hơn tới việc thu hút, trọng dụng giới trẻ vào những việc làm có ích.

* Bài học nhận thức và hành động:

- Cần đấu tranh với bản thân loại trừ lối sống thực dụng.

- Có những hành động tích cực, chủ động để nắm bắt cơ hội, hướng tới tương lai của chính mình.

- Hội nhập với cuộc sống hiện đại nhưng không đánh mất những giá trị truyền thống tốt đẹp.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề: Lối sống thực dụng cần lên án như một căn bệnh nguy hiểm của đời sống xã hội.

- Liên hệ bản thân.

TOP 5 bài văn đáng suy ngẫm bàn về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay

Nghị luận về lối sống thực dụng - Bài số 1

Xã hội càng phát triển thì cũng kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như con người. Ngày càng có nhiều tệ nạn, lối sống ích kỷ có ảnh hưởng không tốt đang dần len lỏi trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Trong số đó, có một thực trạng hiện đang là vấn đề báo động cần phải lên án đó là lối sống thực dụng. Thật vậy, những người có tâm lý chạy theo vật chất xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến nhất trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Họ quá quan tâm đến cái lợi, những điều phù phiếm xa hoa đến nỗi thay tính đổi nết của bản thân. Họ đang là gánh nặng lớn, dần trở nên tiêu cực đối với toàn thể xã hội. Vậy thế nào là lối sống thực dụng và tại sao nó ngày càng phát triển rộng rãi đến như vậy?

Đó là một câu hỏi đang gây nhức nhối cả cộng đồng xã hội. Đây là cách sống mà người mắc phải là những người luôn coi nặng giá trị vật chất, luôn chạy theo những nhu cầu trước mắt, đề cao lợi ích bản thân lên trên tất cả mà quên đi những người xung quanh, những giá trị tinh thần. Họ gần như trở thành những con người ích kỷ, sẵn sàng làm mọi việc để cố ý trục lợi. Điều này đã làm băng hoại đạo đức con người, trở thành một căn bệnh nguy hiểm, khiến cho họ dễ dàng bị cô lập, dễ dàng bị mọi người tránh xa, thù ghét. Nhưng tại sao nó lại càng trở nên phổ biến khi xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay?

Trước tiên, chúng ta hãy nhìn vào biểu hiện của lối sống thực dụng. Nó là một cuộc sống buông thả, thờ ơ và có những hành xử thô bạo, làm trái pháp luật Nhà nước. Bên cạnh đó, người có lối sống thực dụng thì đối với họ những giá trị đạo đức, nhân cách hay tâm hồn chỉ là một màng tơ mỏng manh. Cái được họ coi trọng và chú tâm đó là lợi ích, những thứ mà họ có thể cân đo, đong đếm, tính toán được bằng tiền bạc, vật chất nhằm thỏa mãn bản thân.

Hiện nay do nhu cầu hội nhập dẫn đến công nghệ phát triển nên càng ngày càng có nhiều bạn trẻ dễ dàng rơi vào những cạm bẫy, rơi vào những thói hư tật xấu, những phong trào có thể coi là phi lý. Họ sẵn sàng cho một công việc theo thị hiếu xã hội, một công việc có thể kiếm ra tiền chứ không phải theo sở thích hay khả năng của bản thân. Họ không coi trọng pháp luật, không coi trọng đạo đức nên dễ dàng có những hành vi bạo lực, cướp bóc ở lứa tuổi thanh thiếu niên hay dễ dàng sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, bỏ việc học hành để cắm đầu vào những trò chơi vô bổ như game, đua xe, tụ tập, đi bar, đi vũ trường,... Đấy chính là một lối sống hưởng thụ hưởng lạc quá mức.

Ngày nay, đối với một số bạn trẻ việc sở hữu một chiếc điện thoại đắt tiền hay đi ăn uống mua sắm tại những địa điểm nổi tiếng giúp họ cảm thấy tự tin lớn trong cuộc sống. Điều này chứng minh hiện nay một bộ phận giới trẻ đang chạy theo đời sống vật chất. Hơn nữa việc phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng là một tác động lớn cho lối sống này. Phải có xe, có điện thoại đẹp để khoe thì mới là đẳng cấp. Nó nghiêm trọng tới mức khiến các bạn trẻ không được đáp ứng đầy đủ sẽ cảm thấy thiếu tự tin. Họ đâu biết rằng tất cả những thứ đó chỉ là giả tạo bên ngoài, che giấu cái thiếu thốn thật sự chỉ nhằm mục đích góp mặt với đời, tạo đẳng cấp phù phiếm. Các bạn trẻ đa phần là sinh viên và các bạn vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được tài chính của mình. Tiền học sinh hoạt phí hàng tháng đều do bố mẹ chu cấp. Mỗi đồng tiền các bạn tiêu là mồ hôi nước mắt của bố mẹ làm ra. Đồng tiền không phải dễ kiếm, chỉ khi bạn phải tự kiếm tiền thì bạn mới biết quý trọng nó như thế nào. Thay vì tiêu xài phung phí cho những thứ vật chất tầm thường, sao không dành nó cho những kế hoạch lớn lao hơn, có ích cho cuộc đời của bạn. Tiết kiệm cũng là một trong những yếu tố quyết định thành thành công của con người. Bố mẹ thương con cái, không muốn con mình thua kém bạn bè thứ gì bố mẹ cũng thắt lưng buộc bụng mà mua cho con.

Mỗi người phải tự có ý thức về trách nhiệm của bản thân mình, giá trị của bản thân phải được thể hiện từ trí tuệ, cách đối nhân xử thế, những thành công trong cuộc sống chứ không phải thông qua các loại hình vật chất như xe hay điện thoại. Chủ nghĩa cá nhân có xu hướng tăng trong giới trẻ hiện nay. Nhiều người chỉ quan tâm tới những lợi ích cá nhân trước mắt mà quên đi mất lợi ích tập thể, thậm chí chà đạp lên lợi ích của người khác. Vì đồng tiền, vì lợi ích cá nhân, một số sinh viên còn bất chấp tất cả như luật pháp, gia đình, bạn bè, một số khác tỏ ra bất cần với mọi người, chỉ cần biết đến bản thân là đủ, còn người khác thì mặc kệ. Thái độ bi quan, chán đời dần xuất hiện. Trong phần lớn các sinh viên đều cố gắng học tập vì tương lai, ít nhất là vì lợi ích bản thân thì lại có những người chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt không đâu mà không tha thiết gì cuộc sống. Đôi khi chỉ vì bị thất tình hay không đạt được những điều gì mình mong muốn thì họ lại co mình lại, thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Thậm chí, nhiều người ngốc nghếch mà tìm đến cái chết.

Việc xuất hiện lối sống thực dụng ở giới trẻ hiện nay trước hết là do ý thức của chính mỗi người, sau đó là môi trường giáo dục còn chưa đề cao đạo đức, nhân cách hay do bố mẹ quá bận rộn chỉ lo kiếm tiền mà thiếu đi sự quan tâm, sự lo lắng, sự sát sao với con cái. Cũng nằm một phần ở xã hội chưa tạo ra được các sân chơi lành mạnh, không tổ chức được những hoạt động hữu ích để thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Hậu quả để lại khiến cho bao nhiêu người phải ngao ngán về tác hại của nó đã làm tha hóa đi con người. Vì vậy cần phải lên án và loại trừ đi lối sống thực dụng.

Thế nhưng bằng cách nào để có một cuộc sống lành mạnh? Chúng ta hãy biết sống một cách khác khao, có khát vọng, có lí tưởng, có những hoài bão và mục đích sống để biết phấn đấu, để mình có động lực. Các bạn đang ở độ tuổi còn rất trẻ nên hãy cứ sống và biết ước mơ, cố gắng biến ước mơ thành hiện thực. Từ những hành động cụ thể trên, bạn sẽ trở thành người năng động dám nghĩ dám làm. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy từng khắc từng giây đáng để trân trọng, khó có thể bị cám dỗ bởi những lối sống ích kỷ đời thường. Bên cạnh đó gia đình, cha mẹ, nhà trường và cả xã hội này hãy quan tâm hơn, sát sao hơn trong việc giáo dục đào tạo để giới trẻ có được động lực phấn đấu cũng như thu hút thanh thiếu niên về những việc làm có ích. Chúng ta hãy tự rút ra cho mình bài học nhận thức và hãy hành động, phải đấu tranh với chính bản thân mình để loại trừ lối sống thực dụng. Hãy hành động tích cực, hãy chủ động tìm và nắm bắt cơ hội, hãy hướng tới tương lai tốt đẹp cho chính mình và hãy nhớ rằng việc hội nhập với cuộc sống hiện đại là rất cần thiết nhưng không phải vì thế mà ta đánh mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Qua bài viết, có thể thấy được lối sống thực dụng đã và đang ăn mòn đi bản chất con người. Tôi và bạn đều cần đứng lên để chống lại lối sống thực dụng. Cần lên án, xóa bỏ lối sống này như một căn bệnh nguy hiểm của đời sống xã hội. Cuộc sống của một con người không thể chỉ có tiền bạc và vật chất, những giá trị tinh thần cũng là rất cần thiết. Vì thế, còn là người trẻ, đừng cố gắng chạy theo những điều phù phiếm mà đánh mất đi bản thân mình.

(Nguồn: Bùi Thu Huệ, Triết Học Tuổi Trẻ)

Đoạn văn nghị luận về lối sống thực dụng - Bài số 2

Trong cuộc sống hiện nay, vấn đề vật chất tiền bạc luôn khiến mọi người phải đi làm tất bật hằng ngày. Vật chất rất quan trọng nhưng không nên để nó lôi kéo và dẫn dắt chúng ta vào lối sống thực dụng.

Khái niệm thực dụng và thực tế là ranh giới rất mỏng manh. Sống thực tế là người dùng ý chí để suy xét mọi chuyện, luôn phấn đấu để hướng đến mục tiêu tốt đẹp, lành mạnh cho bản thân và xã hội. Sống thực dụng là người ta cũng dùng lý trí để sống nhưng họ luôn đặt cao vấn đề vật chất lên hết, sống không có tình cảm và nghĩ đến người khác, luôn muốn dành những gì có lợi cho mình.

Giới trẻ ngày nay thường mắc phải lối sống thực dụng. Đàn ông, họ thường sống thực dụng trong công việc, còn ở phụ nữ họ thực dụng trong tình yêu khá nhiều. Một người sống thực dụng có thể bất chấp những toan tính, hành động, suy nghĩ xấu xa miễn sau mục đích cuối cùng là mang đến nhiều lợi ích cho mình mà không màn đến mọi thứ xung quanh. Trong tình yêu, không ít người tìm cách đến với nhau vì nhà đối phương có tài sản, gia thế, giỏi kiếm tiền,… hoặc một số người tạo niềm tin cho người yêu để tìm cách khống chế lấy tiền,…

Mọi người không ai muốn làm bạn và gần gũi với một người có lối sống này, chỉ sống chỉ để nhân cơ hội và lợi dụng người khác. Người sống thực dụng sẽ không bao giờ cảm nhận được những thứ tình cảm tốt đẹp của cuộc sống này và đến một lúc nào đó họ sẽ cảm thấy mệt mỏi và đối đầu với những ngày tháng cô đơn, trống vắng không người bên cạnh. Nghiêm trọng hơn sự thực dụng này dễ dẫn đến con đường vi phạm pháp luật.

Do đó, cuộc sống có hiện đại cách mấy, tình người vẫn là yếu tố trên hết bởi chúng ta là con người và có trái tim. Chúng ta nên biết cân bằng giữa tình cảm và vật chất, có như vậy chúng ta mới cảm nhận được sự tươi đẹp của cuộc sống này.

Nghị luận về lối sống thực dụng - Bài số 3

Lối sống thực dụng thấp kém

Nhiều người có lương tâm và ý thức trách nhiệm công dân đang rất lo ngại về thực trạng suy đồi đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” dân cư, trong đó có cả “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, nhưng đông nhất - là số người trong lớp trẻ hiện nay (gồm thanh thiếu niên và trung niên). Một biểu hiện rõ rệt nhất của sự suy đồi ấy là lối sống thực dụng thấp kém.

Lối sống thực dụng thực ra không có tội lỗi, khi người ta đi tìm những giá trị cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích thực tế cho mình hoặc cộng đồng, mà không vi phạm đạo đức và luật pháp. Ví dụ: Nhiều người chờ đến dịp khuyến mãi ở các siêu thị để đi mua hàng hóa, mua thực phẩm; hoặc tìm xem ngân hàng nào có lãi suất cao hơn và có uy tín để gửi tiền tiết kiệm; hoặc như trong bóng đá: không cần lối đá bóng bẩy, hoa mỹ mà không có hiệu quả, cốt sao nhanh nhất, kỹ thuật tốt nhất để ghi được bàn thắng (tuy vẫn tuân thủ các quy định trong Luật Bóng đá);... Nó khác với lối sống thực dụng thấp kém chỉ nhằm thỏa mãn những dục vọng bất chính. Lối sống thực dụng thấp kém (trước đây người ta thường gọi là “Lối sống hiện sinh”) là chỉ nhằm tìm kiếm lợi ích - cả vật chất và tinh thần - cho riêng bản thân mình, bằng mọi cách và mọi giá, bất chấp đạo đức, danh dự, nhân phẩm và pháp luật, không quan tâm đến lợi ích của người khác và của cộng đồng.

Lối sống thực dụng thấp kém trong xã hội hiện nay mà phần đông là ở lớp trẻ được dịp bùng phát trong thời kỳ “mở cửa” về kinh tế - văn hóa với thế giới, đã du nhập cả cái tốt và cái xấu; trong thời kỳ nền kinh tế thị trường của nước ta đang ở giai đoạn sơ khai, với sự “tích lũy tư bản hoang dã” (chữ dùng của Các Mác trong tác phẩm kinh điển “Tư bản”), nghĩa là, người ta - bằng mọi cách và mọi giá, bất chấp lương tâm, đạo đức và pháp luật, kể cả việc phạm tội và trọng tội, cốt sao kiếm được tiền bac, của cải và kiếm thật nhiều tiền bạc, của cải, để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của riêng mình, của gia đình mình.

Đại đa số người trong lớp trẻ hiện nay của nước ta đang sa vào, chìm ngập vào lối sống thực dụng thấp kém, nhiều khi rất đáng ghê sợ, hết sức kinh ngạc và gây bất bình cho lương tri xã hội. Con cháu giết cả bố mẹ, ông bà vì tranh chấp tiền bạc, đất đai, hoặc chỉ vì vài chục nghìn đồng để chơi game, hút chích ma túy. Vì cần tiền để ăn chơi, mà những thanh niên như Nguyễn Đức Nghĩa (kẻ có học, thủ phạm vụ xác chết không đầu ở Hà Nội), và Lê Văn Luyện (kẻ vô học, vụ giết 4 người trong gia đình chủ tiệm vàng, cướp tài sản ở Bắc Giang) đã thản nhiên không ghê tay gây những tội ác man rợ. Sau hai vụ việc kinh thiên động địa này, bây giờ còn bao nhiêu Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện xuất hiện nhan nhản trên khắp cả nước, tiêu biểu như hai thiếu niên 15 tuổi ở TP.HCM mới rồi, một tên giết lái xe ôm là sinh viên để cướp xe máy, một tên giật túi xách khi hai cô gái đang xuống dốc cầu Thủ Thiêm, làm một người chết, một người bị thương nặng…

Vì muốn kiếm nhanh được nhiều tiền để đua đòi ăn chơi, mà rất nhiều thanh thiếu niên dù gia đình không thuộc diện “khó khăn” đã sớm bỏ học, cùng nhau đi trộm cướp hoặc làm ăn phi pháp. Vì hám tiền, mà rất nhiều kẻ làm thuê hoặc “ôsin” đã trộm cắp những món tài sản lớn, thậm chí giết hại gia chủ. Vì cần tiền, mà nhiều người đẹp, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, MC đã bán dâm hàng nghìn “đô” mà không hề e ngại danh dự là “người của công chúng”! Vì muốn leo lên những bậc thang danh vọng và để kiếm tiền, nhiều nữ cán bộ, công nhân, viên chức đã sẵn sàng hiến thân xác, làm vợ hờ cho các thủ trưởng, không còn nghĩ đến danh dự và gia đình, chồng con. Chỉ một va quẹt nhỏ khi tham gia giao thông, mà vì sĩ diện, tức khí, nhiều kẻ đã dùng hàng nóng, hàng lạnh để giết hại người ta! Vì hám chức, hám danh, hám tiền, mà nhiều cán bộ, nhân viên ở các cơ quan, đơn vị, công ty suốt ngày xun xoe, nịnh bợ các thủ trưởng, mất hết cả nhân cách.

Cũng vì hám tiền mà nhiều kẻ đã vào những băng đảng đâm thuê chém mướn, sẵn sàng giết người không ghê tay. Vì tình, vì tiền mà bao nhiêu cuộc đánh ghen, xô xát, kể cả giết hại tình địch rồi phi tang xác nạn nhân. Vì hám nhục dục, mà nhiều kẻ vô giáo dục đã gây ra bao nhiêu cuộc cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ vị thành niên, trong đó nạn nhân có cả những bé gái mới vài ba tuổi. Và, vì tôn thờ “thần tượng nghệ sĩ”(?!), mà nhiều nam nữ thanh niên vồ vập, hôn hít “thần tượng” trước công chúng, cùng những lời tung hô bát nháo, cuồng loạn, chẳng hề có chút văn hóa. Nguy hại đến mức, Lê Văn Luyện - kẻ giết người man rợ, cũng được nhiều vị thành niên tung hô như một “thần tượng”, một “người hùng” (?!). Rồi bao nhiêu vũ trường, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đã diễn ra những cuộc ăn chơi sa đọa, cuồng loạn của nhiều “cậu ấm, cô chiêu”, có cả cán bộ, công chức và nhiều kẻ vốn quê mùa, nghèo khó, cũng muốn gia nhập vào tầng lớp “thượng lưu rởm”, để mong “lên đời” như nhân vật “Xuân tóc đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng!

Bất chấp mọi cách làm và biện pháp thực hiện, dù có xấu xa, hèn hạ mà nhiều người cố chí thực hiện bằng được mục đích của mình. Một nhân viên trẻ của một ngân hàng nọ, nói với tôi: “Lớp trẻ chúng cháu không cần gì khác, chỉ cốt đạt được mục đích của mình”. Ngồi trên một xe taxi, thấy xe không còi, tôi hỏi, thì lái xe thản nhiên nói: “Phải “cấu” còi đi bán, rồi báo cho chủ công ty là bị mất còi, để được thay thế còi khác. Chứ chỉ trông vào đồng lương, thì có mà ăn cháo”… Chán vạn hiện tượng sống thực dụng thấp hèn trong giới trẻ hiện nay.

Lối sống thực dụng thấp kém đang tràn lan, có khi dữ dội như giông bão, có khi âm thầm mà đầy ghê sợ, như con hổ, con báo rình mồi, con cá sấu im lặng chờ thời cơ dưới nước… Suy cho cùng, là do giáo dục gia đình và đạo đức xã hội suy đồi mà ra. Trước hết, là giáo dục gia đình không tốt. Nhiều người làm ông bà, cha mẹ, anh chị mà sống gian giảo, xảo trá, côn đồ, bất lương, thì làm sao mà có con cháu tử tế, lương thiện được? Cần nhớ: Di truyền tội ác trong gia đình, dòng họ là có cơ sở khoa học và thực tiễn! Tiếp đó là giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa thật sự được coi trọng. Nhà trường mới chỉ chú trọng dạy chữ - mà dạy chữ còn nhiều yếu kém, nói chi đến dạy đạo đức? Giáo dục xã hội, thì các đoàn thể quần chúng chỉ hô hào suông, chỉ coi trọng “thành tích ảo”, đâu đâu cũng nhan nhản “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, mà chẳng thấy văn hóa ở đâu! Mặt khác, nạn tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nạn lười biếng công vụ trong các cơ quan, đơn vị, công ty, công sở đang diễn ra nghiêm trọng và nhan nhản những hiện tượng xấu xa, đê tiện ngoài đường phố, ngõ xóm, nơi vui chơi công cộng, thì “giáo dục xã hội” cái nỗi gì? Bên cạnh đó, là luật pháp bất nghiêm, văn bản pháp luật thì yếu kém trong khâu soạn thảo, có nhiều sơ hở để nhiều kẻ “đục nước béo cò”, khiến lối sống thực dụng thấp kém trong phần lớn dân cư ngày càng gia tăng theo cấp số nhân.

Lớp trẻ là gương mặt của một xã hội, là tương lai của đất nước và gia đình. Lớp trẻ hiện nay, cái xấu, cái ác, cái bê tha, thấp kém quá nhiều, gấp bội phần cái tốt. Thật đáng lo ngại!

Đào Ngọc Đệ

(Giảng viên chính ĐH Hải Phòng)

Nghị luận về lối sống thực dụng - Bài số 4:

Khi giới trẻ dần trở nên thực dụng

Xã hội ngày càng hiện đại, phát triển bây giờ đã và đang kéo giới trẻ vào lối sống thực dụng ngày một nặng nề. Việc đặt những giá trị vật chất lên trên trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống đang là một lối sống khá phổ biến và khiến giới trẻ đánh mất đi nhiều thứ.

Những năm gần đây, trong các kì thi tuyển sinh cho các trường Đại học và Cao đẳng, xu thế lựa chọn các trường thuộc khối ngành kinh tế gần như chiếm phần đông so với các khối ngành kĩ thuật hay văn hóa, nghệ thuật. Lượng thí sinh dự thi khối khoa học tự nhiên ngày càng tăng, trong khi ở khối khoa học xã hội thì số hồ sơ tham dự thi tuyển đang giảm dần qua các năm.

Không chỉ dừng lại ở việc chọn trường hay khối học, ngay chính cách học của giới trẻ cũng đang thể hiện một sự thực dụng đáng kể. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ, dù học ở trường hay việc tham gia các lớp học thêm, ngoại khóa đa số cũng chỉ vì mục đích điểm số. Niềm yêu thích, say mê, khám phá những kiến thức mới mẻ, những điều chưa biết đang dần dần mất đi trong giới trẻ. Áp lực từ gia đình, nhà trường, từ những kì thi hay những bài kiểm tra đang khiến phần lớn các bạn học sinh và sinh viên mang tâm lý học vì điểm hay vì vị trí xếp hạng. Chính sự để tâm quá nhiều đến những con số đang khiến giới trẻ đánh mất sự hứng thú với việc học và xem đó là một “trách nhiệm nặng nề”.

Cuộc sống vội vã bây giờ cũng đang kéo giới trẻ rời xa với những giá trị tinh thần tốt đẹp cũng như chính gia đình, người thân và bạn bè mình. Những lời hỏi thăm, quan tâm đến bố mẹ đang dần bị lãng quên; rồi những bữa cơm gia đình thường xuyên vắng mặt, thời gian ở nhà rất ít... chính là những biểu hiện của việc không để tâm đến chính ngôi nhà của mình.

Ngay cả việc tính toán trong mối quan hệ bạn bè, chọn người yêu trên tiêu chí tiền bạc cũng là biểu hiện của sự thực dụng đấy! Khi quá tập trung làm thêm để kiếm tiền trong lúc còn đi học cũng khiến chúng ta không còn thời gian để tận hưởng những giây phút đẹp đẽ và ý nghĩa trong quãng đời làm sinh viên của mình nữa.

Giới trẻ đã và đang đánh mất rất nhiều thứ nếu như vẫn tiếp tục sống quá thực dụng. Vẫn biết là với xu thế phát triển của xã hội bây giờ thì đòi hỏi một sự thích ứng nhanh nhạy và kịp thời. Nhưng hãy biết phân biệt giữa thực tế và thực dụng, cân nhắc chọn cho mình một cách sống thích hợp để không phải nuối tiếc nhé!

» Tham khảo thêmDàn ý nghị luận về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay

Nghị luận về lối sống thực dụng - Bài số 5:

Đoạn văn ngắn nghị luận về lối sống thực dụng

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, vấn đề vật chất là mối quan tâm hàng đầu nên mọi người luôn luôn tất bật hằng ngày. Vật chất rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, vì thế đừng nên để nó lôi kéo và dẫn dắt chúng ta vào lối sống thực dụng.

Thực dụng và thực tế là ranh giới rất mỏng manh, cũng giống như tiết kiệm và keo kiệt. Sống thực tế là người dùng ý chí để suy xét mọi chuyện, luôn phấn đấu để hướng đến mục tiêu tốt đẹp, lành mạnh cho bản thân và xã hội. Sống thực dụng là người ta cũng dùng lý trí để sống nhưng họ luôn đặt cao vấn đề vật chất lên hết, sống không có tình cảm và nghĩ đến người khác, luôn muốn giành những gì có lợi cho mình, bất chấp đó là hành động đúng hay sai.

Giới trẻ ngày nay thường mắc phải lối sống thực dụng kể cả nam và nữ. Ở đàn ông, họ thường sống thực dụng trong công việc, còn ở phụ nữ họ thường yêu thực dụng khá nhiều.

Một người sống thực dụng có thể bất chấp những toan tính, hành động, suy nghĩ xấu xa miễn sau mục đích cuối cùng là mang đến nhiều lợi ích cho mình mà không màn đến mọi thứ xung quanh. Không ít báo chí đưa những bài viết về cướp của giết người, hối lộ tham ô, tranh giành, lật đổ người khác bằng việc vu oan, gián họa,..

Trong tình yêu, không ít người tìm cách đến với nhau vì nhà đối phương có của có bạc, vì anh chàng đó đi xe 4 bánh, ăn mặc bảnh bao, xài hàng hiệu, giỏi kiếm tiền,… họ yêu nhau để lợi dụng nhau đến khi đối phương có sự cố họ không màn quay gót ra đi. Hoặc một số người tạo niềm tin cho người yêu để tìm cách khống chế lấy tiền,…

Chắc chắn 100% không ai muốn kết bạn và gần gũi với một người có lối sống này, có hay chăng họ chỉ lợi dụng qua lại mà thôi. Người sống thực dụng sẽ không bao giờ cảm nhận được những thứ tình cảm tốt đẹp của cuộc sống này và đến một lúc nào đó họ sẽ cảm thấy mật mỏi và đối đầu với những ngày tháng cô đơn, trống vắng không người bên cạnh. Nghiêm trọng hơn sự thực dụng này dễ dẫn đến con đường pháp lý, tù tội.

Dù cuộc sống có hiện đại cách mấy, tình người vẫn là yếu tố trên hết bởi chúng ta là con người và có trái tim. Nên biết cân bằng giữa tình cảm và vật chất, có như vậy chúng ta mới cảm nhận được sự thú vị của cuộc sống này.

Nghị luận về lối sống thực dụng - Bài số 6:

Loại trừ lối sống thực dụng

Đa số thanh niên ngày nay tích cực học tập, lao động, sống lành mạnh, tình nghĩa, đi đầu vào những việc khó, việc mới, không quản ngại gian khổ, hi sinh, ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, đóng góp to lớn vào thành tựu đổi mới của đất nước.

Tuy nhiên, một bộ phận không ít thanh niên chưa thật sự vững tin vào tương lai của đất nước, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, ngại khó khăn, vất vả, sống thực dụng, ích kỷ, buông thả, thờ ơ, hành xử thô bạo, vi phạm pháp luật nhà nước, coi nặng giá trị vật chất... Trong đó lối sống thực dụng như căn bệnh nguy hiểm cần phải được loại trừ.

Lối sống thực dụng sẽ làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, cơ hội, chạy theo hưởng lạc, những lợi ích trực tiếp, trước mắt, xa rời những mục tiêu phấn đấu. Trong quan hệ xã hội giữa người với người, những tình cảm lành mạnh bị thay thế bằng những quan hệ vụ lợi, vật chất. Trong đời sống họ vô trách nhiệm, bàng quan, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng...

Vì thế tuổi trẻ phải có khát vọng, phải có hoài bão thì mới có động cơ và mục đích sống. Khát vọng có khi cao cả, có khi chỉ là những ước muốn bình dị. Nhưng dù gì thì đó chính là động lực để chúng ta phấn đấu.

Không chỉ vậy, cuộc sống còn phải có những mục đích nhất định, sống mà không có mục đích chỉ là sống hoài, sống phí. Các bạn trẻ đầy năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm nhưng phải có mục đích cho cuộc sống, điều đó được cụ thể bằng những dự định, chí hướng trong hành động cụ thể diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Hành động của tuổi trẻ không thể tách rời những kế hoạch lâu dài, phản ánh tương lai ước vọng mà còn là kế hoạch gần, kế hoạch chủ yếu để biến quyết tâm thành hành động.

Đất nước chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn. Tuổi trẻ là những người sống lạc quan yêu đời, có khát vọng, có niềm tin, hoài bão và ý chí vươn lên thì sẵn sàng loại bỏ chủ nghĩa thực dụng trong đời sống, vượt qua những cám dỗ đời thường, làm chủ cuộc sống, hướng tới tương lai.

» Tham khảo bài nghị luậnSuy nghĩ về hậu quả của lối sống ăn bám

-/-

Các bạn vừa tham khảo một số bài viết hay và đáng suy ngẫm bàn về lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay. Vận dụng kết hợp với những hiểu biết xã hội của mình về lối sống thực dụng, hãy chọn lọc các ý và triển khai thành một bài viết hoàn chỉnh theo văn phong của mình. Có thể lấy thêm dẫn chứng thực tế cho bài văn thêm sinh động và có tính thuyết phục. Chúc các bạn làm bài tốt !

Tuyển tập văn mẫu 12 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM