Nghị luận xã hội: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực

Xuất bản: 16/04/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Tuyển tập những bài văn hay nghị luận về ý kiến Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực - Nghị luận xã hội bàn về hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay.

Đề bài: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực? Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị bằng đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ).

***

Đoạn văn ngắn 200 chữ bàn về hiện tượng sống ảo đánh mất giá trị thực

Có lẽ cụm từ “sống ảo” đã không còn xa lạ thậm chí quá quen thuộc và trở thành thói quen của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng hiện nay hiện tượng này càng có xu hướng phát triển thái quá và dường như có những hệ lụy tiêu cực. Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực? “Sống ảo” là khái niệm chỉ cách sống trong hoang tưởng, không đúng với thực tại bản thân hay cố ý tự tô vẽ cho mình một cuộc sống tốt đẹp, hoàn hảo trong mắt người khác mà cuộc sống đó khác với thực tại. “Sống ảo” thường thể hiện rõ nhất qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram,... Còn giá trị thực không chỉ dừng lại là sự thật về mỗi người trong cuộc sống hằng ngày mà còn là những giá trị tinh thần tốt đẹp và chuẩn mực đạo đức của xã hội. Việc xác định hai giá trị giữa “sống ảo” và “giá trị thực” khiến chúng ta phải suy ngẫm. Hiện tượng sống ảo xuất hiện tràn lan dưới nhiều hình thức. Các bạn trẻ có thể kết bạn, nói chuyện, tâm sự những điều thầm kín hay thậm chí là yêu đương với những người mới biết qua mạng xã hội dù chưa hề gặp mặt. Họ còn dùng mạng xã hội như công cụ để khoe khoang những thứ không có thực của bản thân như giàu có, danh tiếng,... Sống ảo còn là gây sự chú ý, khiến mình nổi tiếng bằng những nội dung không lành mạnh hay bịa đặt hay thường xuyên trở thành “anh hùng bàn phím”, dùng lời nói hoa mĩ, tỏ ra mình văn minh, nhân ái,… Cách sống này tạo ra một thế hệ chìm đắm trong ảo vọng, thích khoe khoang, dối trá, chỉ cố tô vẽ cho hình ảnh bản thân bằng những thứ không tồn tại, phớt lờ cuộc sống thực tế. Và khi trút bỏ vẻ ngoài hào nhoáng trở về cuộc đời thực, họ lạ lẫm, không xác định được hướng đi của chính mình, làm phân tán, ảnh hưởng đến học tập và lao động cũng như các mối quan hệ thực. Sự tăng chóng mặt của các trang mạng xã hội, sức hút của những nút “like”, những lời ca tụng ảo khiến “sống ảo” trở thành căn bệnh khó chữa, ảnh hưởng đến nhân cách, tinh thần của giới trẻ. Mỗi chúng ta cần tự ý thức sao cho việc sử dụng mạng xã hội hay công nghệ một các phù hợp. Phải nhìn nhận, đánh giá đúng bản thân và hiện thực cuộc sống, không chạy theo xu hướng. Những mối quan hệ trên mạng có thể đúng đắn nếu ta biết cân bằng, hài hòa với cuộc sống thực tại. Hãy chủ động thay đổi, điều chỉnh lại cách sống. Công nghệ là con dao hay lưỡi. Nếu biết cách sử dụng đó sẽ là công cụ vô cùng hiệu quả nhưng chỉ cần nhìn nhận sai nó sẽ là con dao giết chết tâm hồn bạn.

Có thể tham khảo thêmBài nghị luận về hiện tượng nghiện facebook của giới trẻ hiện nay

Một số bài nghị luận dài bàn về ý kiến Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực

Bài mẫu 1:

Xã hội càng phát triển, khoa học công nghệ càng hiện đại thì cuộc sống con người cũng càng phức tạp, giả dối. Những năm gần đây, khái niệm sống ảo đã ra đời và ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói, việc sống ảo làm có nguy cơ đánh mất các giá trị thực. Ý kiến ấy là rất đúng về hiện tượng này.

Sống ảo là việc con người sống khác, khác bản thân mình, khác thực tế. Có thể coi sống ảo là một dạng phô bày không giống với sự thật lắm. Sống ảo thường được thể hiện qua các phương tiện của mạng xã hội như facebook, instagram, zalo, twitter, weibo. Trên những trang mạng xã hội này người ta thường xuyên đăng tải những bức hình khác thực tế, những dòng trạng thái status cũng khác thực tế nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ và nhận thức của mọi người.

Có thể thấy việc sống ảo nhiều nhất là khi các bạn trẻ sử dụng các công cụ make up, chụp hình, chỉnh hình làm đẹp rồi đăng tải trên mạng xã hội khiến mọi người lầm tưởng về vẻ đẹp, ngoại hình của mình. Rồi họ đăng tải những dòng trạng thái cũng giả dối để đánh lừa mọi người chẳng hạn như là “Đang ở một nơi rất xa” (thực ra là ở nhà), “Rảnh được đưa đi ăn” (thực ra là tự đi)… Những người sống ảo đăng hình và trạng thái thường nhằm mục đích PR cho bản thân mình, khoe khoang về bản thân: ngoại hình, thành tích, sự giàu có, sự nổi tiếng… Người ta đăng hình ảnh, trạng thái từ không đúng lắm so với thực tế cho đến khác xa thực tế, sai sự thực hoàn toàn để được mọi người, bạn bè trên mạng xã hội trầm trồ, thán phục, khen ngợi.

Sống ảo có tính chất lây lan và gây nghiện. Người sống ảo lâu dần hình thành một thói quen khó bỏ. Trước khi ăn bao giờ cũng phải lôi điện thoại ra chụp lại hình, đi chơi ở đâu bao giờ cũng chụp hình post facebook đầu tiên. Thậm chí trong những hoàn cảnh không phù hợp cũng lôi điện thoại ra check in sống ảo. Thế giới ảo bao quanh chúng ta, khiến mọi người không còn phân biệt được. Dần dần con người quên đi những giá trị thực tế, quên đi những điều rất bình dị trong cuộc sống. Sống ảo dẫn con người đến những giá trị giả dối, khiến con người dần quên mất thực tại, nhầm lẫn giữa thực tại và thế giới ảo. Nhiều người lợi dụng các công cụ mạng xã hội để bán hàng, lừa lọc bằng những hình ảnh, lời lẽ văn hoa, hào nhoáng. Rất nhiều chàng trai, cô gái đã tỏ ra vô cùng bất ngờ khi người bạn mình gặp gỡ quen biết qua mạng xã hội lại khác xa thực tế. Người ta thất vọng, chê bai thậm chí là làm nhục nhau. Bởi vì quen biết nhau qua những thước hình lung linh trên mạng, không ít bạn trẻ đã bị lừa lọc, bị dụ dỗ dẫn đến những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Bởi vì hiện tượng sống ảo đang ngày càng trở nên phổ biến nên con người cũng dần đa nghi với những gì xảy ra quanh mình. Nhìn một tấm hình, nghe một lời quảng cáo, người ta thường hỏi “Có thật không đấy”, “ở ngoài thế nào”… Có lẽ, vì sống ảo nhiều nên chính ta cũng đang dần mất niềm tin vào con người và dễ thất vọng với những gì xung quanh.

Mạng xã hội là một công cụ hữu ích, làm đẹp mình cũng là việc nên làm nhưng nếu cứ sống ảo, cứ giả dối như vậy sẽ chỉ khiến chúng ta dần làm mất đi giá trị thật của chính bản thân mình. Vì vậy mỗi người cần sáng suốt, tỉnh táo và nên bài trừ việc sống ảo, hãy để những gì chân thật được trở lại là chính nó.

Bài mẫu 2:

Kỉ nguyên của công nghệ mở ra những điều mới mẻ với loài người, sự phát triển và thống lĩnh đời sống tinh thần của mạng xã hội đã dẫn đến một hiện tượng xấu đó là hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay. Mạng xã hội, các kênh thông tin phát triển đó trở thành nơi giải trí, thỏa mãn tinh thần của con người. Dần dần nó chiếm thế thượng phong và trở thành yếu tố chi phối con người nhiều hơn chính bản thân họ.

Hiện tượng sống ảo là một trong những hậu quả của công nghệ thông tin. Sống ảo là gì? Đó là một lối sống hoang tưởng, không có tính ăn khớp với thực tế. Tất cả những hoạt động trên các trang mạng xã hội đều không tồn tại như những chương trình ngoại khóa khác, chúng ta không cần tham gia vào hoạt động thực tế mà vẫn có thể kết bạn với nhiều người trên các cộng đồng mạng lớn như facebook, twitter,... Nhưng một hiện tượng phổ biến ở đây là sự ham mê quá mức, các bạn thay vì đi đá bóng, đi chơi với bạn bè thì lại ngồi hàng giờ để xem những tin tức trên mạng, nhắn tin với những người ta không quen trong cái danh sách bạn bè xa lạ. Hay có thể sử dụng chúng với mục đích xấu, phát ngôn những lời nói thiếu văn hóa và đả kích tập thể một ai đó để làm thú vui cho bản thân mình. Điều đó đã trở thành một thứ để giải trí và điều tất nhiên nó không mang tính lành mạnh và giáo dục. Khi bước ra ngoài cuộc sống, mọi thứ không diễn ra như trên màn hình ảo khiến chúng ta trở nên lạ lẫm và có đôi chút bất an. Như việc ta chọn cách yêu qua mạng nhưng khi gặp họ ngoài đời, ta chợt nhận ra tình yêu đó không lí tưởng như ta nghĩ. Điều đó là một hiện tượng sống ảo mà mỗi người chúng ta cần nhìn nhận chúng một cách đúng đắn hơn.

Mạng xã hội bao giờ cũng là con dao hai lưỡi đối với những đối tượng đang sử dụng. Nếu sử dụng đúng cách, mạng xã hội trở thành nơi cung cấp nguồn thông tin hữu ích, nơi ta có thể giao lưu kết bạn và học hỏi những người xung quanh về những kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhưng đối với những người không sử dụng một cách đúng đắn thì mạng xã hội thật nguy hiểm. Chúng kéo ta vào một cuộc sống ảo với những ham muốn tầm thường để đáp ứng nhu cầu tinh thần, đó cũng là nơi dễ lây nhiễm những thói hư tật xấu, những thứ mà trong cuộc sống thực nó thật hoang đường. Vậy phải làm gì để hiện tượng sống ảo ở giới trẻ được hạn chế. Cách duy nhất là dựa vào bản thân mình. Trước hết chính những người sử dụng phải nhận thức được mặt có lợi và có hại của mạng xã hội và học cách sử dụng chúng một cách hữu dụng nhất. Ta có thể dùng chúng để phục vụ nhu cầu giao tiếp, tìm kiếm thông tin và duy trì đời sống tinh thần một cách đúng đắn. Nên biết cách khống chế sự lệ thuộc của bản thân vào thế giới ảo, hãy tự biết tìm kiếm những điều có ích từ mọi nơi. Và điều tất yếu phải biết dung hòa giữa thế giới ảo và đời thực. Biết rằng thế giới ảo là một xã hội thu nhỏ với đủ các thành phần khác nhau những chúng không phải một thế giới hoàn hảo và toàn diện để con người ta tin tưởng và chìm đắm vào chúng. Có những điều thật khác biệt, một khi ta tin chúng, tức ta đang làm hại chính bản thân mình, tạo ra những điều tiêu cực trong cuộc sống thực mà ta đang tồn tại.

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ nghiện game online một cách mù quáng dẫn đến cuộc sống bê trễ, thiếu sự hoạt bát, kém giao tiếp với mọi người xung quanh thậm chí dẫn đến các tệ nạn xã hội như ăn cắp, nghiện ngập và giết người. Các hiểm họa luôn tiềm tàng trong một thế giới mà ta tưởng như vô hại nhưng lại có những nguy hiểm đáng gờm

Vì vậy, mỗi chúng ta nhất là thế hệ trẻ của đất nước hãy có những nhận thức đúng đắn về mạng xã hội, công nghệ và thông tin để sử dụng chúng một cách hữu hiệu nhất, có ích cho bản thân nhất và hơn hết ta có thể tạo ra những giá trị lớn lao hơn trong việc sử dụng mạng xã hội đúng nghĩa.

» Tham khảo thêm bài nghị luận bàn về tác hại của mạng xã hội Facebook đối với giới trẻ hiện nay

Bài mẫu 3:

Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, mạng xã hội trở thành nơi giao lưu của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh đó do quá lạm dụng các ứng dụng tiện lợi đó mà các bạn trẻ hiện nay đang có lối sống không lành mạnh, đó là sống ảo. Về vấn đề này, báo điện tử Dân Trí có bài: Bi hài "hot girl" sống "ảo". Bài báo đề cập đến hiện tượng sống ảo của không ít bạn trẻ ngày nay.

Theo bài báo, hiện nay có nhiều bạn trẻ đăng hình lên các trang mạng xã hội với mục đích tự đánh bóng tên tuổi của mình, khoe sắc đẹp, khoe thân thể với những tấm hình đã qua chỉnh sửa, trong khi thực tế lại khác hẳn. "Hot girl" được nói tới trong bài báo chỉ là một trường hợp trong vô số những bạn trẻ hiện nay đang đắm chìm trong thế giới ảo với những bức ảnh được chỉnh bằng phần mềm Camera 360 độ. Có thể nói, đây là trường hợp điển hình cho lối sống ảo của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận "Sống ảo" là gì? Và nó có điều gì mà rất nhiều bạn ham mê nó đến vậy? Sống ảo là sống trong hoang tưởng không đúng với thực tại của cuộc sống. Các bạn không cần giao lưu hay tham gia những chương trình ngoại khóa cũng có thể kết bạn và nói chuyện với mọi người khắp nơi. Đó là mạng xã hội facebook, instagram, twitter, Yahoo!..... và có rất nhiều mạng xã hội hữu ích khác. Vì chúng quá là hiện đại nên các bạn đã ham mê quá mức. Bệnh ảo tưởng đối với một bộ phận người trẻ là có nguyên nhân. Trước tiên là nguyên nhân tâm lý: Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân, hành vi của họ là để bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế. Nói cách khác, họ muốn được yêu thương, ngưỡng mộ, chấp nhận thông qua việc đăng những ảnh mà họ cho rằng sẽ khiến họ trở nên hấp dẫn hơn, và theo kịp thời đại. Suy cho cùng, sống "ảo" là hệ quả của việc sống thiếu bản lĩnh, thói quen mong hưởng thụ nhiều hơn cố gắng.

Các bạn có thể ngồi hàng giờ để nhắn tin với những người mới quen mà quên đi các bạn của mình. Đã gọi là thế giới ảo thì cuộc sống trong đó vô cùng đẹp và hấp dẫn. Mỗi người có thể xây dựng một ngôi nhà tuyệt đẹp trên đó và có rất nhiều người gọi là bạn. Nhiều bạn đã lạm dụng mạng xã hội để đăng những hình ảnh không lành mạnh chỉ với mục đích là được mọi người chú ý. Hay dùng những lời nói không văn minh để thể hiện mình hay gọi theo cách khác là "anh hùng bàn phím" đã gây ra nhiều mâu thuẫn.

Hiện tượng Sống ảo mang đến nhiều hệ luỵ cho cọn người. Có nhiều bạn xem phải những thông tin, hình ảnh không đúng mà có lối sống sai lệch, tinh thần không ổn định. Có hiện tượng phổ biến là nhiều bạn yêu trên mạng. Đây không phải là điều sai nhưng liệu bạn đã đủ chín chắn và thông minh để biết đây là tình yêu thật sự hay là sự thật đây chỉ là để lừa đảo? Nhiều bạn đã nhẹ dạ cả tin mà tin vào những lời đường mật của một người chưa hề gặp rồi khi biết rằng chàng trai bạn hằng yêu thương chỉ mang tên lừa đảo. Thật sự có rất nhiều mối nguy hiểm mà bạn không lường trước được. Bạn có thể ngồi hàng giờ để lên mạng, chìm đắm trong thế giới ảo và xa lánh thế giới thật. Các bạn trẻ sẽ khi bước ra thế giới thật cảm thấy thật lạ lẫm, không xác định được hướng đi của mình. Đã dẫn đến tình cảm của con và bố mẹ ngày càng rạn nứt, bạn bè xa dần nhau. Và quan trọng là việc học của các bạn sẽ giảm sút, thành tích đi xuống hay nói cách khác việc đỗ đại học là quá xa vời.

Quả thực mạng xã hội rất hữu ích. Giúp chúng ta làm quen với nhiều bạn hơn. Không tốn nhiều thời gian để nhắn tin và có thể đăng ảnh, chia sẻ cảm xúc của mình với mọi người. Nhưng các bạn cần dùng chúng đúng lúc và hợp lí. Có thể học xong các bạn lên để cập nhật tin tức hay để giải toả căng thẳng. Người lớn cũng nên quan tâm các bạn nhiều hơn. Vì đây là thời điểm các bạn bắt đầu lớn dễ bị cám dỗ. Cần tạo ra nhiều môi trường cho các bạn vui chơi sau giờ học để không dẫn đến tình trạng ngồi lên mạng suốt ngày.

Sống ảo có thể coi là một căn bệnh khó chữa. Nó gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Vậy mỗi người cần có lối sống lành mạnh không bị quá thu hút bởi mạng xã hội. Nói cách khác mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Nếu bạn biết các sử dụng thì nó vô cùng có ích. Nhưng nếu bạn quá ham mê nó có thể là con dao giết chết tâm hồn bạn.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Nghị luận xã hội: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM