Nghị luận Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ

Xuất bản: 06/05/2019 - Cập nhật: 07/05/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Top 5+ bài văn nghị luận hay bàn về câu nói: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ.

Nghị luận Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác - Sưu tầm những bài văn hay nhất bàn về ý nghĩa của câu nói "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ" (Nam Cao).

Đề bài:

Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình.

***

Top 5 bài văn hay nhất nghị luận về quan niệm: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ

Bài mẫu 1:

Cuộc sống xã hội thực chất là những mối quan hệ giữa con người với con người, trong xã hội ấy để phát triển con người không chỉ cần nỗ lực phát huy những năng lực của bản thân mà còn cần đoàn kết, tương trợ đối với những người xung quanh. Cuộc sống sẽ thực sự ý nghĩa nếu như con người không chỉ biết sống cho mình mà còn biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bất hạnh, yếu thế. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay, để mang đến lợi ích cho bản thân, thỏa mãn khát khao thể hiện bản thân mà nhiều người không ngại giẫm đạp lên sự bất hạnh của người khác. Bàn về vấn đề này có ý kiến cho rằng: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”.

“Kẻ mạnh” là người có sức mạnh, người chiếm ưu thế hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên trong câu nói “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” thì kẻ mạnh không chỉ mang ý nghĩa về mặt sức lực, vị thế mà còn ẩn dụ cho cách hành xử, thái độ của con người đối với những người xung quanh. Câu nói được thể hiện thông qua hai vế tương hỗ, một mặt phủ định việc ức hiếp, chà đạp người khác để thỏa mãn cho những nhu cầu, sự ích kỉ của bản thân, một mặt khẳng định việc giúp đỡ, tương trợ cho người khác mới đích thực là “người mạnh” đúng nghĩa.

Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé, lạc hậu nhưng lại có thể chống lại những cường quốc hàng đầu của thế giới như thực dân Pháp và đế quốc Mĩ? Câu hỏi này đã đặt ra vai trò về yếu tố tương trợ, đoàn kết của cộng đồng, xã hội. Sức mạnh của Việt Nam hay bất cứ cộng đồng, quốc gia nào khác trên thế giới không chỉ nhờ phát huy được những yếu tố tự thân mà còn nhờ đến sự tương trợ, đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.

Xét trong phạm vi cá nhân cũng vậy, con người dù tài giỏi, năng lực đến đâu cũng sẽ không được công nhận, không có ý nghĩa nếu như chỉ biết ích kỉ giẫm đạp lên người khác để phát triển. Người mạnh thực sự không chỉ nằm ở yếu tố tự thân mà còn ở cách hành xử với những người xung quanh. Với mỗi cá nhân, đó chính là ý thức giúp đỡ, tương trợ để cùng chung sống với những người xung quanh, mà hành động ấy được xuất phát từ tình thương, lòng vị tha; với mỗi quốc gia lại là hành động tôn trọng, hợp tác để cùng tồn tại, phát triển trên tinh thần hữu nghị quốc tế.

Câu nói “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” đã khẳng định sức mạnh thực sự của con người được làm nên từ chính cách hành xử với người khác, tức là sức mạnh con người cũng như quốc gia, cộng đồng sẽ được đánh giá trong mối quan hệ với cộng đồng, với những chuẩn mực đạo đức xã hội.

Dù ở đâu, ở bất cứ thời đại nào cách hành xử bạo lực, phi nhân tính cũng là phản nhân văn. Sống trong xã hội hiện đại, khi các giá trị nhân văn cũng như những quy ước quốc tế được đề cao thì càng phải lên án và nỗ lực loại bỏ những hành xử trái đạo lí khi chà đạp lên giá trị của con người.

Câu nói "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” đã mang đến nhiều bài học sâu sắc về cách hành xử giữa con người với con người. Theo đó để nâng cao giá trị bản thân thì con người cần tôn trọng giá trị của người khác; luôn có ý thức quan tâm, bảo vệ người khác vì sống là “cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”, đồng thời cũng cần lên án với những hành động phi nhân, trái đạo đức.

“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” là lời đánh giá đúng đắn trên cơ sở thực tiễn của mối quan hệ giữa con người với con người. Vì vậy hãy sống yêu thương, học cách thấu hiểu với con người để cuộc sống của chúng ta thực sự ý nghĩa.

Bài mẫu 2:

Trong số các tác phẩm xuất sắc của mình, Nam Cao từng có một nhận xét “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”. Đây là một câu nói mang tính triết lí sâu sắc, là một bài học dạy dỗ con người về hiểu biết thế nào mới thực sự là một “kẻ mạnh”.

Kẻ mạnh ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen là sức mạnh sức khỏe của con người mà là sự mạnh mẽ về tinh thần, tri thức, về bản lĩnh, khí phách, về địa vị xã hội, sự coi trọng của mọi người. Nam Cao khẳng định kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa lòng ích kỉ, điều đó hoàn toàn đúng đắn. Người luôn tìm cách đứng trên vai người khác để làm được điều mình muốn, để đạt được thành tích, kết quả tốt của mình thì không phải là một người thực sự giỏi giang, bản lĩnh. Những người này thường là những người vị kỉ, ích kỉ chỉ muốn tư lợi cho bản thân, chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ cho người khác, không quan tâm việc làm của mình có thể gây ảnh hưởng cho mọi người ra sao. Đây thực chất chỉ là những kẻ tiểu nhân, cơ hội, những con người vụ lợi, cá nhân và hẹp hòi. Những người này chỉ lợi dụng người khác, chà đạp người khác để thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ích kỉ của mình. Do đó đây thực sự không phải kẻ mạnh mà là đê hèn, gian xảo, quỷ quyệt. Người như vậy chỉ khiến người khác bằng mặt mà không bằng lòng, có thể theo bạn nhưng không thích bạn, không ưa bạn mà khinh bỉ, ghét bỏ, coi thường bạn.

Kẻ mạnh ngược lại chính là người giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình. Đây mới chính là con người thực sự bản lĩnh, khí phách, hào hiệp. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác, họ sẵn sàng dùng những gì mình có để tương trợ người khác. Gặp người khó khăn, hoạn nạn, họ không ngại giúp đỡ người ta trong phạm vi khả năng của mình, không ích kỉ, hẹp hòi sợ thua thiệt. Những người này thường không so đo tính toán thiệt hơn, thường nhận phần ít về mình. Họ hào sảng, khí khái, trượng nghĩa, không chấp nhặt tiểu tiết, không tư lợi cá nhân, lo nghĩ những điều tủn mủn vụn vặt mà thường vì đại nghĩa. Những người như vậy mới chính là những người mạnh, mạnh về tinh thần, lòng quả cảm, hiệp nghĩa. Họ khiến cho người khác phải nể trọng, kính phục, tôn vinh. Và như vậy đây mới chính là anh hùng trong lòng của mọi người.

Sức mạnh chân chính của mỗi con người không phải ở chỗ ta đã đạt được những gì mà nằm ở chỗ ta đã làm được những gì. Những kẻ cơ hội, thủ đoạn, chuyên đi lợi dụng, lừa lọc người khác thì cuối cùng kết cục cũng là sự ghét bỏ của mọi người. Trong học tập công việc, những người lợi dụng người khác, lấy thành tích, thành quả của người khác vơ vào thành của mình thì kết quả họ cũng không hiểu gì, không nắm rõ về bản chất vấn đề, chỉ làm hỏng thêm sự việc và thành công không được lâu dài. Những người sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, cùng học tập chia sẻ kinh nghiệm, cùng hỗ trợ nhau trong quá trình công tác thì người đó sẽ củng cố được kiến thức, học hỏi thêm được nhiều điều làm nền tảng vững chắc, là nguồn vốn phong phú cho tương lai về lâu dài.

Hãy làm một kẻ mạnh chân chính, hãy biết đưa đôi tay ra giúp đỡ những người xung quanh. Không nên ích kỉ, tham lam vô độ, không lợi dụng người khác để tư lợi cá nhân, vô tư vô tâm chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không nghĩ đến việc đó có thể ảnh hưởng thế nào đến mọi người. Hãy hoàn thiện bản thân một cách tích cực nhất để thay đổi cái nhìn của mọi người với bạn, để tạo cho bạn một tương lai không bị cô lập, chán ghét.

Nghị luận Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ

Bài mẫu 3:

Trong cuộc sống ai cũng mong muốn mình phải thật mạnh mẽ. Thế nhưng không phải ai cũng biết định nghĩa thế nào là kẻ mạnh. Thường người ta chỉ quan niệm rằng kẻ mạnh là kẻ đánh bại được nhiều người, là kẻ có uy quyền áp đảo ngược được người khác, khiến người khác phải sợ hãi. Song thực tế không phải như vậy. Kẻ mạnh là kẻ biết đặt lợi ích của mình, thậm chí hi sinh cả bản thân. Như nhà văn Nam Cao quan niệm: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”.

“Kẻ mạnh” – hai tiếng tưởng chừng rất đơn giản đó nhưng thực sự không mấy ai hiểu được trọn vẹn ý sâu sắc của nó. Vậy thực sự kẻ mạnh là kẻ mang trong mình phẩm chất gì? Làm thế nào để có thể trở thành kẻ mạnh trong cuốc sống này?

Mạnh ở đây được hiểu theo nghĩa là mạnh mẽ. Kẻ mạnh ở đây chính là con người mạnh mẽ, con người dám sống có bản lĩnh trước sự cám dỗ của cuộc sống và thói ích kỉ của bản thân mình. Kẻ mạnh cũng là kẻ dám giữ gìn danh dự, lương tâm của mình, không để nó vấy bẩn hay có chút tì vết nào. Hai tiếng “kẻ mạnh” được Nam Cao đặt trong sự đối lập với quan niệm của nhiều người trong cuộc sống như một sự đau đớn của nhà văn trước thực trạng suy thoái. Ở đó người ta ghen ghét, cạnh khóe, đố kị nhau. Ở đó người người ta bán rẻ danh dự, nhân phẩm của mình vì những mục đích tầm thường. Trên hết người ta có thể dùng mọi thủ đoạn để giành lấy quyền lực, tiền bạc, danh vọng – những thứ mà người ta tin rằng sẽ mang lại sức mạnh.

Nhưng liệu sức mạnh có thể đến được từ việc đánh bại kẻ khác, chà đạp kẻ khác vì những mục đích tham vọng tầm thường? Chắc chắn là không. Bởi không một ai nhìn nhận một kẻ chiến thắng khi họ đánh bại đối thủ của mình bằng thủ đoạn xấu. Kẻ chiến thắng chỉ có thể là kẻ vượt lên được chính bản thân mình, vượt lên được những ham muốn nhỏ nhen ích kỉ của bản thân để giữ gìn danh dự, lương tâm làm người của mình. Là con người chắc hẳn ai cũng có lúc để cho những cám dỗ trong cuộc sống khiến mình phân vân như đứng trước ngã ba đường. Nhưng kẻ mạnh là kẻ sẽ không để cho cám dỗ – phần xấu trong con người mình điều khiển, sai khiến để đi vào con đường bất lương, con đường mà một khi đã dấn thân vào thì không có đường để quay lại. Thực tế vẫn có những kẻ luôn tự dối mình để lấp liếm bản chất xấu xa, nhỏ nhen, ích kỉ. Và họ tìm mọi cách để đánh bại kẻ thù bằng cách dùng những thủ đoạn hèn hạ nhất để che đậy bản chất yếu đuối của mình. Những con người như gậy thường dễ ngủ quên trên chiến thắng và bị đánh bại. Một khi đã bị đánh bại họ sẽ bộc lộ bản chất yếu đuối của mình và không có đủ nghị lực đứng dậy và bước tiếp. Do đó có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ”. Trong Chiến tranh thế giới lần hai, ta thấy cả hai bên tham chiến không ai là kẻ chiến thắng. Bởi tất cả bọn chúng đều ra sức bóc lột thuộc địa với những thủ đoạn tàn ác phục vụ cho tham vọng đế vương của mình. Bởi “kẻ thắng” đã kết thúc chiến tranh bằng một loạt thảm họa nguyên tử cướp đi sinh mạng của ba vạn con người xấu số vô tội và còn đe dọa cướp đi sinh mạng của rất nhiều người hôm nay. Người chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến đó chỉ có thể là nước Nga Xô viết anh hùng, nhân dân Xô viết anh hùng. Nước Nga chiến thắng khi họ đã giải phóng cho nhiều dân tộc bị áp bức bị áp bức, giúp đỡ vô tư cho các quốc gia trong cảnh nô lệ. Nước Nga chiến thắng vì họ có những con người như Paven say mê toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, hi sinh bản thân mình một cách nồng nhiệt lãng mạn tất cả là vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Do đó, chính nước Nga, nhân dân Nga mời là “kẻ mạnh”, “kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”.

Sức mạnh của con người chỉ có thể có được từ lòng nhân ái, đức hi sinh trong cuộc sống. Giống như người đàn bà trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu – đó là con người mạnh mẽ, mạnh mẽ không phải vì có thể chịu đựng được tất cả đòn roi của chồng. Sức mạnh của con người đó thể hiện ở lòng vị tha, sự nhân hậu, sẵn sàng hi sinh tất cả, chịu đựng tất cả vì con cái, những đứa con trên thuyền quanh năm thiếu đói.

Nam Cao là một nhà văn thích triết lí và những triết lí của ông mang một ý nghĩa nhân bản sâu sắc. Quan niệm này cũng vậy – một triết lí làm người vô cùng đúng đắn được đưa ra từ một điều tưởng chừng như một nghịch lí cuộc sống. Nó ko chỉ có ý nghĩa trong xã hội cũ mà còn có ý nghĩa đến tận hôm nay. Như chúng ta đã biết, trong vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, có không ít người vì lợi ích của bản thân mà chà đạp lên lợi ích của người khác, chiếm đoạt những thứ không phải của mình có khi bằng những thủ đoạn vô cùng xấu xa hèn hạ. Hiểu được quan niệm của Nam Cao cũng đồng nghĩa với việc ta thấy được sức mạnh của lòng nhân ái, từ đó phê phán một cách nghiêm khắc lối sống ích kỉ. Đồng thời cần đề cao chủ nghĩa nhân đạo, nhân cách cao thượng, dám hi sinh lợi ích bản thân cho người khác.

Tuy nhiên có một câu hỏi được đặt ra là: Vậy, những biểu hiện nào của lối sống “Giẫm lên vai người khác” mà ta cần lên án? Tục ngữ có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, chỉ những kẻ sống coi trọng vật chất, dùng sức mạnh vật chất để áp đảo lấn lướt công lí. Và thực tế trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều con người như vậy – những con người thích dùng tiền dể đoạt lấy lợi ích cho mình. Đặc biệt vấn nạn chạy chọt đang trở thành một vấn đề đáng báo động trong đời sống xã hội hiện nay. Người ta chạy từ những việc nhỏ như xin biển số xe đẹp, xin không bị giữ xe khi vi phạm Luật giao thông cho đến việc xin điểm, xin việc… Dường như xã hội hiện nay đâu đâu cũng hiện lên chữ “xin”. Xin xỏ, hối lộ đang trở thành một căn bệnh thâm căn cố đế trong con người Việt Nam, gây suy thoái nghiêm trọng đạo đức con người. Chúng ta càng ngày càng thấy nhiều hành động đi ngược lại công lí: những kẻ tham ô hàng nghìn tỉ đồng, những kẻ lén lút xả nước thải công nghiệp xuống sông trong suốt nhiều năm liền… Chúng ta phê phán những kẻ dùng sức mạnh đồng tiền để lấn át công lí nhưng cũng không thể không lên án những kẻ đang nắm trong tay “sức mạnh”, kẻ nắm cán cân công lí nhưng lại phản bội trách nhiệm của mình mà xã hội giao phó.

Không chỉ có vậy, “giẫm lên vai người khác” còn có thể hiểu là một lối sống vụ lợi, tham vọng tầm thường, sẵn sàng chà đạp, hủy diệt người khác, “cá lớn nuốt cá bé”. Lịch sử đã từng chứng kiến những kẻ “tà đạo” vì muốn phục vụ lợi ích giai cấp của chúng đã thiêu chết nhà văn vĩ đại Bruno – người đã kiên cường bảo vệ thuyết Nhật tâm cho đến khi cả thân mình đỏ rực trong ngọn lửa tàn bạo. Nhưng lịch sử cũng chứng kiến từ đây một cuộc cách mạng trong nhận thức loài người. Và lịch sử đã lên án những kẻ vì mục đích hèn hạ của mình mà tiêu diệt đồng loại, thiêu rụi chân lí. Trong xã hội ngày nay, ta vẫn còn phải chứng kiến những hành động dã man mà tưởng chừng như chỉ có trong thời kì hoang dại của loài người. Những kẻ khủng bố đang từng ngày gieo rắc tai họa khắp nơi trên thế giới, đang lên tiếng thách thức tất cả chúng ta, chống lại cả nhân loại. Rồi những vụ giết người vô cùng man rợ xuất hiện khắp nơi cảnh báo về sự suy thoái mất hết nhân tính của con người.

Chưa thể dừng lại ở đó, chúng ta còn phải lên tiếng để phê phán những con người chỉ biết sống cho bản thân mình không quan tâm đến người khác. Bởi chính việc “mạnh ai người nấy sống” chính là nguyên nhân dẫn tới lối sống vụ lợi, ích kỉ, chỉ biết đến mình, đặc biệt trong giới trẻ ngày nay. Một số bạn trẻ dường như đã quên đi trách nhiệm cộng đồng của mình, suốt ngày chỉ vùi đầu vào những trò chơi vô bổ, những trang web đen trên mạng internet. Nhưng điều đáng nói là nhân cách một số bạn trẻ đã bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực trong game online dẫn tới nhiều vụ việc: cướp của, giết người, trộm cắp… của học sinh. Đó là biểu hiện của một lối sống ươn hèn, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí vươn lên.

Thiết nghĩ quan niệm của nhà văn Nam Cao chính là cách sống cần thiết cho mỗi chúng ta hiện nay. Sức mạnh của lòng nhân ái không chỉ đến với những người cần ta giúp đỡ. Nó còn đem đến cho chúng ta nhiều niềm vui hứng khởi để bắt đầu một ngày mới với một sức mạnh mới để vươn lên một tầm vóc mới. Đó là cội nguồn sức mạnh chân chính.

Có thể bạn quan tâmNghị luận Không nên nhìn đời, nhìn người bằng đôi mắt của thành kiến

Bài mẫu 4:

Từ xa xưa, xã hội đã tồn tại khái niệm về kẻ mạnh - kẻ yếu, "thắng làm vua”. Từ những bộ phim, ta vẫn thấy những kẻ yếu luôn bị người khác bắt nạt, còn kẻ mạnh là kẻ có sức mạnh, quyền lực, bắt nạt được người khác. Nhưng quan niệm về kẻ mạnh hay kẻ yếu được định nghĩa tùy thời đại và quan niệm mà có những định nghĩa khác nhau. Quan niệm của Nam Cao về kẻ mạnh là: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”.

Kẻ mạnh ở đây là người mạnh mẽ. Có thể là mạnh mẽ về thể chất, hoặc về tâm hồn, hoặc cả hai. Kẻ mạnh có bản lĩnh đối diện với cuộc sống và cả sự ích kỉ của bản thân. Kẻ mạnh là kẻ đạt được mục tiêu của đời mình. “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ”. "Giẫm lên vai người khác tức là dùng sức mạnh của mình để bắt nạt, chèn ép người khác”, kẻ dẫm lên vai người khác là người đạt được mục bằng sức mạnh chân chính. Là kẻ vươn lên không phải bằng cách lợi dụng người khác, chèn ép hay lừa gạt người khác.

“Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”: Theo Nam Cao, một kẻ mạnh chân chính được công nhận là người vươn lên cùng với sự giúp đỡ và che chở cho những người yếu thế. Kẻ mạnh luôn có khả năng để giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình. Đó chính là tinh thần cao thượng mà kẻ được xem là kẻ mạnh cần phải có, “kẻ mạnh” là những người có năng lực về thể chất, tinh thần hoặc có những ưu thế lớn về quyền lực, về vật chất … so với những người khác, phải dùng sức mạnh, ưu thế của mình để giúp đỡ người khác. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Hành động “giẫm đạp lên vai kẻ khác” là hành động dùng sức mạnh của mình để áp chế, để đè nén người khác bằng bạo lực bất chấp đạo lí và công lí. Hành động ấy đáng lên án.

Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. Đó mới thực sự là hành động của kẻ mạnh. Giúp đỡ người khác được hiểu là sự giúp đỡ về vật chất, về tinh thần, nâng đỡ người khác, nhất là những kẻ yếu hơn mình. Sự giúp đỡ đó phải xuất phát từ lòng nhân ái, vị tha, từ ước muốn chân thành, trong sáng không tư lợi, là hành động cao thượng, nhân văn đáng được ngợi ca, nể phục. Người thực hiện hành động đó sẽ được những người xung quanh và cộng đồng yêu mến, kính trọng, nể phục. Đó mới là hành động thể hiện sức mạnh chân chính của mỗi con người.

Xét đến một phạm vi lớn hơn, ở phạm vi quốc gia, quốc gia mạnh phải là quốc gia thể hiện được vai trò, vị trí của mình với thế giới và với các quốc gia khác. Một quốc gia mạnh không phải là một quốc gia dẫm đạp lên quốc gia khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Không phải là một quốc gia đem sức mạnh quân sự để đi xâm lược nước nhỏ nhằm thỏa mãn những lợi ích về dầu mỏ, tài nguyên. Một quốc gia mạnh là một quốc gia phải biết giúp đỡ quốc gia khác trên chính đôi vai của mình. Nhắc đến đây ta không thể quên những quốc gia đã tài trợ, giúp đỡ nước ta khi có thiên tai, lũ lụt. Việc Nga tài trợ cho Việt Nam 1 triệu đô để khắc phục sau cơn bão lớn. Hay trong chiến tranh, Cuba đã tài trợ nhiều lương thực, thực phẩm, vũ khí cho nước ta chính là minh chứng cho một quốc gia mạnh. Không phải quốc gia mạnh, quốc gia lớn là có quyền áp đặt, áp chế quốc gia khác, có các hành vi đe dọa, xâm lược quốc gia khác. Thực tế lịch sử, thực tế cuộc sống đã chứng minh, những quốc gia luôn cạy thế mình mạnh, mình lớn để chèn ép, đe dọa, xâm lược các quốc gia khác chỉ khiến xã hội cũng như cộng đồng thế giới lên án và thậm chí phải chuốc lấy thất bại mà thôi.

Qua câu nói của Nam Cao, chúng ta thấy nhà văn không chỉ đề cao sức mạnh của kẻ mạnh mà xa hơn nữa là lòng nhân ái, sự cao thượng của con người. Lòng nhân ái mới làm cho con người trở nên cao thượng, mới có thể kết đoàn, thắt chặt dây thân ái, làm cho tình anh em, tình bè bạn, tình đồng bào trở nên gắn bó, thân thiết.

Thương yêu đồng loại, hết lòng bao dung kẻ khác mới là con người nhân từ, mới gọi là “kẻ mạnh”. Bênh vực kẻ yếu, nhường cơm sẻ áo cho kẻ bần hàn, thương yêu các em nhỏ mồ cồi, hiến máu nhân đạo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, cứu tế đồng bào vùng bị lũ lụt tàn phá… là những việc làm vô cùng tốt đẹp, đúng là đã “giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Một bộ quần áo ấm, một đôi dép, dăm ba quyển vở… giúp đỡ học sinh nghèo,… là những việc làm có ý nghĩa nhất, nêu cao tình thương. Kẻ mạnh không chỉ là những con người “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, mà còn là những con người bác ái “thương người như thể thương thân”. Chợt nhớ đến câu Kiều Của Nguyễn Du: “Thiện căn ở tại lòng ta - Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Lòng nhân ái mới làm nên sức mạnh; tình thương mới gieo mầm sự sống, như cổ nhân đã nói.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có nhiều người vì lợi ích vật chất mà không từ thủ đoạn, những kẻ táng tận lương tâm như buôn bán nội tạng người, lừa đảo người khác. Hay những người có quyền lực nhưng lạm dụng quyền lực để tư lợi bản thân. Những người như vậy, ta chỉ thấy họ mạnh về vật chất nhưng không hề cao thượng. Bởi lẽ trong bất cứ ai cũng có sức mạnh tiềm tàng để mang lại những điều tốt đẹp đến cho bản thân và những người xung quanh. Sức mạnh nên được khai thác triệt để, bất kì ai cũng có thể là kẻ mạnh, bất kì ai cũng có thể là người chiến thắng, một chiến thắng khiến người ta tâm phục khẩu phục chứ không phải là chiến thắng bằng cách “giẫm lên vai người khác”…

Quan niệm của Nam Cao là cách sống nên có của mỗi người hiện nay. Bởi lẽ, trong xã hội hiện nay, nhiều người vẫn lầm tưởng kẻ có tiền, có quyền là kẻ mạnh mà quên mất đi bản chất cần có của kẻ mạnh. Kẻ mạnh có thể không có nhiều tiền nhưng vẫn nhận nuôi hàng trăm em bé bị bỏ rơi. Chỉ có lòng nhân ái, thương yêu, giúp đỡ đồng loại, tâm hồn cao thượng mới tạo nên kẻ mạnh. Ta không hề nghi ngờ về nhận định của Nam Cao: ”Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”.

Tham khảo thêmNghị luận xã hội về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc

Bài mẫu 5:

Nam Cao là cây bút văn học hiện thực lớn trước cách mạng tháng Tám và là nhà văn tiêu biểu của thế kỉ XX. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học dân tộc. Quan niệm nghệ thuật của ông chính là “nghệ thuật vị nhân sinh” do đó mà các tác phẩm lớn của ông đều hướng về người nông dân và đặc biệt đem đến sự thành công cho sự nghiệp cầm bút của nhà văn với tác phẩm Chí Phèo. Bản thân Nam Cao cũng đưa ra những triết lí nhân sinh của bản thân mình gửi gắm đến đọc giả, tiêu biểu là: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”.

Từ xa xưa cha ông ta đã có khái niệm về kẻ mạnh - kẻ yếu, “thắng làm vua, thua làm giặc”. Hay từ thuở ấu thơ ta xem phim hoạt hình vẫn luôn có kẻ mạnh, kẻ yếu, và kẻ mạnh thường là người bảo vệ kẻ yếu… nhưng liệu ta có hiểu rõ ràng đâu mới thực sự là kẻ mạnh nhất? Là người cầm quyền lực đàn áp mọi người hay là người dám đứng lên hi sinh bản thân mình vì người khác mới là kẻ mạnh?

Từ quan niện của Nam Cao, ta có thể hiểu kẻ mạnh nghĩa là người mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ về thể chất, hoặc về tâm hồn, hoặc cả hai. Kẻ mạnh có bản lĩnh đối diện với cuộc sống và cả sự ích kỉ của bản thân. Kẻ mạnh là kẻ đạt được mục tiêu của đời mình. Kẻ mạnh dùng quyền năng, tài năng sức mạnh của bản thân để nắm chắc cuộc đời, phần thắng cho mình. Đặc biệt kẻ mạnh được Nam Cao nhắc đến lại phải là kẻ không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ, là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình. Kẻ mạnh chính xác phải là kẻ không màng danh lợi, lợi ích cá nhân, những ham muốn quyền lực độc tài, đố kị nhỏ nhen và là kẻ phải biết sống vì những người xung quanh, biết hi sinh cho lẽ phải, cái chính nghĩa. Đấy mới là kẻ mạnh đáng được nể phục. Còn những kẻ mạnh dựa vào quyền thế mà tham vọng đen tối dẫm đạp lên người khác để đạt được mục đích của mình không phải kẻ mạnh được công nhận. Mà nó những kẻ như cường hào, lí trưởng, thực dân vơ vét, đánh đập nhân dân, bóc lột từng đồng xu mồ hôi nước mắt của nhân dân.

Trong cuộc sống vẫn có những biểu hiện xấu của kẻ mạnh dẫm đạp lên kẻ yếu để đạt được mục đích của mình. Chẳng hạn như vấn nạn “con ông cháu cha” trong những công ti, những người nắm giữ chính quyền địa phương thường xuyên ưu ái người nhà vào làm việc hành chính dù có thể không đủ thực lực. Những người như thế đã cướp mất đi cơ hội được cống hiến của những nhân tài thực sự. Hay những chanh chấp trong xã hội kẻ nhiều tiền, quyền thế, quan hệ rộng bao giờ cũng giành được lợi thế hơn rất nhiều. Chính bởi thế mà giới kinh doanh là một thế giới dầy rẫy thị phi, sự thật trở nên mờ nhạt trước giá trị của đồng tiền… Đó là những kẻ mạnh, nhưng là mạnh bằng cách dẫm đạp lên người khác, sử dụng sức mạnh của mình không dung cách đã khiến con người trở nên ích kỉ, tham lam, chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho bản thân, không còn tha thiết mối quan hệ giữa người – người.

Sở dĩ Nam Cao khẳng định kẻ mạnh thực sự là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình bởi lẽ đó giúp đỡ người khác trong cảnh hoạn nạn khó khăn, không màng đền ơn, báo đáp chỉ duy ý nghĩ muốn cứu người chân thành nhất. Giúp đỡ người khác là hành động mang tính nhân văn. Sức mạnh hơn người khác đồng nghĩa với việc gánh trên vai trách nhiệm lớn hơn người khác. Sức mạnh ấy dùng để gánh vác, nâng đỡ những kẻ yếu hơn, giúp họ.  Bởi thế mà từ xa xưa các vị vua Hùng, những anh hùng chính nghĩa, hào kiệt luôn được ca ngợi. Họ đã ý thức được sức mạnh và trách nhiệm của bản thân vì thế nhân dân ngàn đời luôn tôn thờ, cảm phục công lao dựng nước, giữ nước của họ. Kẻ mạnh thật sự phải có tấm lòng lương thiện, lòng thương yêu đồng loại, vạn vật xung quanh. Chúng ta có thể bắt gặp những hành động tốt giúp đỡ người khác được lan truyền rất nhiều trên các kênh thông tin đại chúng, chẳng hạn như “Cặp lá yêu thương”, “Lục lạc vàng”, “Điều ước số 7”… Những số phận hẩm hiu, kém may mắn cần những chiếc lá lành lặn bao bọc giúp đỡ là chúng ta - những con người luôn tiềm ẩn sức mạnh chính nghĩa. Để cho mỗi con người sinh ra đều được hưởng niềm hạnh phúc cho dù là nhỏ nhoi nhất nhưng cũng khiến cuộc sống của họ một lần được tỏa sáng rực rỡ, ngát hương như những đóa hoa xinh đẹp.

Con người sinh ra không phải ai cũng may mắn đầy đủ mọi thứ, cũng chẳng ai sinh ra đã mạnh mẽ hơn người. Mỗi con người trưởng thành, mạnh mẽ là do có cả một quá trình mà hình thành nên. Cuộc sống đầy rẫy những khó khăn mà ta phải bươn trải mới thấu được phần nào sự giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người lại có một vai trò quan trọng đến nhường nào. Văn học dân gian có câu:

Nhiễu điều phủ lấy giá sương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Câu ca dao đề cao tinh thần thương thân, thương ái của con người. Chứng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa người với người.

Suy nghĩ và nhận định của Nam Cao đã cho chúng ta một cái nhìn nhận định kẻ mạnh và kẻ yếu thực sự là sao. Kẻ mạnh thực chính là kẻ dám đem sức mình gánh vác cho những số phận kém may mắn hơn, không mành danh lợi. Còn kẻ mạnh nhưng tàn bạo thì chẳng khác nào kẻ hèn yếu chỉ biết lo cho bản thân, lẽ nào sức của hắn yếu đuối chỉ đủ để lo cho mình mà mặc kệ người khác?

Con người ta cần một lẽ sống đẹp cho đời thêm xinh. Ta không thể ích kỉ cho riêng mình mà thơ ơ những người xung quanh cần sự giúp đỡ. Câu nói Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình của Nam Cao không chỉ chỉ rõ cho ta cách nhận diện đâu mới là kẻ mạnh mà con hướng ta đến một cuộc sống có lối sống cao đẹp, gắn bó giữa người với người.

Văn mẫu hay lớp 12 tuyển chọn / Đọc Tài Liệu

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM