Nghị luận Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai

Xuất bản: 15/08/2024 - Tác giả:

TOP 5+ bài văn nghị luận Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai. Tham khảo mẫu dàn ý chi tiết trình bày ý kiến, bàn luận về vấn đề học đại học có phải con đường kiến tạo tương lai duy nhất?

Nghị luận Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai? Câu hỏi này đã và đang trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận, đặc biệt là đối với các bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa tương lai. Trong khi một số người cho rằng tấm bằng đại học là "vé thông hành" bắt buộc để xây dựng sự nghiệp, thì những người khác lại tin rằng thành công có thể đến từ nhiều con đường khác nhau. Vậy, đâu mới là câu trả lời đúng đắn?

Dàn ý nghị luận Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai?

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai?

- Thể hiện quan điểm của bản thân: Học đại học không phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai, thành công có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau.

2. Thân bài

a) Giải thích vấn đề

- Đại học là mô hình đào tạo dành cho các bạn học sinh sau khi đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, chương trình đào tạo đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm các bậc học cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

- Kiến tạo tương lai là tạo ra, xây dựng tương lai theo ý muốn, mong muốn của bản thân.

b) Bàn luận

* Những lợi ích khi học đại học

- Đại học cung cấp môi trường học tập chuyên sâu, có hệ thống, giúp người học tiếp cận nhiều kiến thức mới, có cái nhìn sâu rộng hơn về thế giới.

- Học đại học sẽ tạo nền tảng kiến thức vững chắc để sau này có thể tiến xa hơn, vận dụng nó vào trong công việc hiệu quả.

- Phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện...

- Tăng cơ hội việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp, được tuyển dụng vào các vị trí công việc có yêu cầu cao về bằng cấp.

- Khi vào đại học, nếu thực sự có năng lực, khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.

- Kết nối với nhiều người tài năng, tạo cơ hội hợp tác trong tương lai.

- Được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, con người khác nhau.

* Những hạn chế của việc học đại học

- Học phí, sinh hoạt phí gây gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình.

- Áp lực học tập, điểm số, cạnh tranh căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

- Mất nhiều thời gian (4 - 5 năm đại học), có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.

- Không phải tất cả các ngành nghề đều yêu cầu bằng đại học.

* Học đại học không phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai

- Không phải ngành nghề nào cũng đòi hỏi ứng viên phải có bằng đại học.

- Bằng đại học không phải là tấm vé bước vào đời, muốn đến đâu tùy thích mà chỉ là yếu tố nhỏ góp phần tạo cơ hội cho bạn trong cuộc sống.

- Việc học đại học còn phụ thuộc vào các yếu tố như lực học, đam mê, tài chính,... nên mỗi người cần cân nhắc kĩ càng.

- Nếu không có sự cố gắng trong quá trình học đại học thì con người cũng không thể thành công.

- Ngoài bằng cấp, con người vẫn cần trau dồi các yếu tố như kĩ năng, thái độ, sức khỏe,...

- Sự thành công không phụ thuộc hoàn toàn vào thành tích học tập ở đại học mà phụ thuộc vào năng lực thực tế của mỗi người khi bước vào đời.

- Trên thực tế, cuộc sống cũng chính là một trường đại học rộng lớn, dạy cho con người biết nhiều vấn đề thực tiễn, ở đó con người không học thông qua lí thuyết mà qua trải nghiệm.

- Nhiều người đã thực sự thành công mà không cần bước chân vào con đường đại học. (Lấy ví dụ dẫn chứng)

* Các con đường khác để kiến tạo tương lai

- Học nghề: Trang bị kỹ năng thực tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường, tuy nhiên cơ hội thăng tiến có thể hạn chế hơn.

- Khởi nghiệp: Tự tạo ra công việc cho bản thân và người khác một cách chủ động, sáng tạo, không bị gò bó, tuy nhiên tỉ lệ rủi ro cao, cần nhiều vốn và kinh nghiệm.

- Du học: Tiếp cận kiến thức tiên tiến, mở rộng tầm nhìn quốc tế.

- Tự học: Tự nghiên cứu, khám phá và phát triển khả năng vốn có của bản thân.

* Bài học nhận thức và hành động

- Cần lựa chọn con đường phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình và điều kiện gia đình.

- Dù học đại học hay đi theo những con đường khác thì luôn phải nỗ lực hết mình với con đường mình đã chọn.

- Không ngừng trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề học đại học không phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai.

- Lời khuyên: Mỗi người nên tự mình khám phá và lựa chọn con đường phù hợp nhất với bản thân, dựa trên sở thích, năng lực và hoàn cảnh.

TOP 5 bài nghị luận Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai

Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai bài nghị luận 1

Trong một xã hội mà bằng cấp được coi như tấm vé thông hành vào cánh cửa thành công, việc lựa chọn con đường học vấn trở thành một quyết định quan trọng đối với mỗi người trẻ. Liệu đại học có phải là đích đến duy nhất để kiến tạo tương lai?

Giáo dục đại học nói chung bao gồm các bậc sau trung học như cao đẳng, đại học và sau đại học và gồm cả một số cơ sở giáo dục bậc đại học hay cao đẳng như các trường huấn luyện nghề và trường kinh doanh có trao văn bằng, học thuật hay cấp chứng chỉ chuyên nghiệp. Không chỉ dừng lại ở kiến thức chuyên ngành, đại học còn cung cấp cho sinh viên một cái nhìn toàn diện về cuộc sống, xã hội. Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,... Môi trường đại học là nơi giao lưu của nhiều người đến từ các vùng miền khác nhau, tạo cơ hội để xây dựng các mối quan hệ xã hội. Cuộc sống xa gia đình giúp sinh viên rèn luyện tính tự lập, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, áp lực học tập, thi cử, tìm việc làm hay vấn đề học phí, sinh hoạt phí là một gánh nặng đối với nhiều gia đình. Khoảng thời gian 4-5 năm học đại học là một khoảng thời gian dài, có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.

Vào đại học cũng là con đường ngắn nhất để có nền tảng vững chắc, được theo đuổi một công việc mình mơ ước, đáp ứng nhu cầu sống của bản thân. Tuy nhiên, đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất đối với mỗi người. Tùy vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi cá nhân mà chúng ta có những cách lập thân và lập nghiệp khác nhau. Nếu điều kiện gia đình bạn không cho phép học đại học, hãy trở thành một người thợ lành nghề, làm việc thật cần cù, chăm chỉ, khi ấy bạn sẽ trở thành người thành công. Nhiều ngành nghề như lập trình, thiết kế đồ họa, kinh doanh,... không nhất thiết yêu cầu bằng đại học.

Trong cuộc sống của chúng ta có không ít người không vào đại học nhưng vẫn trở thành tấm gương thành công để mọi người noi gương học tập. Có thể kể đến như Michael Dell, nhà sáng lập của tập đoàn Dell. Ông bỏ học đại học năm 19 tuổi và với số vốn ít ỏi ông đã mở công ty, phát triển công ty nhỏ bé của mình thành một tập đoàn hùng mạnh như hiện nay. Hay Henry Ford, ông chưa tốt nghiệp trung học, nhưng ông đã sáng lập nên một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Ford.

Tóm lại, học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, nhưng nó là một trong những con đường phổ biến và mang lại nhiều lợi ích. Mỗi người nên tự mình khám phá và lựa chọn con đường phù hợp nhất với bản thân, dựa trên sở thích, năng lực và hoàn cảnh. Quan trọng nhất là chúng ta phải có một mục tiêu rõ ràng, một kế hoạch cụ thể và luôn sẵn sàng học hỏi, thích nghi với những thay đổi của xã hội.

Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai bài nghị luận 2

Nhà văn Lev. Tolstoy có nói: “Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì.” Thật vậy, vai trò và vị trí của việc học là không thể chối cãi, nhất là trong xã hội phát triển như hiện nay “học, học nữa, học mãi”. Học là một chuyện, nhưng biết rõ mình cần học gì và học như thế nào lại là một câu chuyện khác. Việc định vị bản thân mình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đi đến thành công sau này. Và như chúng ta thấy, xã hội ngày nay chuộng bằng cấp nên việc học Đại học được xem như một giấc mơ tuyệt vời cho phụ huynh lẫn học sinh. Tuy nhiên, liệu học Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công hay không?

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng học Đại học là một trong những con đường dẫn đến thành công nhưng không phải là con đường duy nhất. Đồng ý rằng Đại học đào tạo cho chúng ta rất nhiều kiến thức, kiến tạo cho chúng ta rất nhiều kĩ năng qua các hoạt động phong trào và cho chúng ta rất nhiều cơ hội trải nghiệm, thử thách. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa ai cũng thích hợp với môi trường Đại học. Ở Việt Nam những năm gần đây, dường như việc vào Đại học là một yêu cầu “tối thiểu” đối với học sinh sau mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho con em du học vô tội vạ, chủ yếu vì danh chứ chưa thực sự căn cứ trên năng lực và nhu cầu.

Thứ hai, chúng ta thấy đào tạo Đại học chưa đáp ứng đủ yêu cầu xã hội. Điều này cũng dễ hiểu, và càng dễ hiểu hơn đối với môi trường giáo dục nước nhà. Việc học Đại học đối với sinh viên như “chương trình cấp 4”. Nghĩa là các em vẫn chưa được biết thế nào là tinh thần tự học, chưa thấy sự khác biệt trong môi trường mình đã bao đêm thức trắng để có thể xuất sắc được vào. Hầu hết kiến thức cũng chỉ là nhai lại, là thuộc lòng chứ chưa phải kiến tạo. Kĩ năng lại càng xa lạ, việc làm việc nhóm lúc nào cũng bất cập và kém hiệu quả, giao tiếp xã hội không cải thiện, đứng trước đám đông còn sợ hãi và chưa đủ tự tin để trình bày một vấn đề…. Vậy thử hỏi, bốn năm trong môi trường Đại học, các em học những gì và phát triển bản thân ra sao?

Đó là còn chưa kể những khiếu nại tố cáo đào tạo Đại học không đáp ứng được nhu cầu việc làm của các nhà tuyển dụng. Hầu hết những gì sinh viên mang ra khỏi khuôn viên trường Đại học chỉ là lý thuyết, trong khi xã hội là thực tế, là chuyển động từng phút, từng giây. Dường như thiếu vắng sự kết nối giữa “học” và “hành”. Vậy, tại sao phải lao đầu vào “học” để rồi không đáp ứng được yêu cầu của “hành”?

Thứ ba, nếu bản thân chúng ta không thích hợp với môi trường Đại học, tại sao phải gượng ép mình? Học Đại học có quan trọng đến mức chỉ vì trượt cánh cổng này mà chúng ta rơi vào bế tắc, từ bỏ tương lai và thậm chí là tự tử? Trước khi thấy bế tắc vì cánh cửa Đại học, bạn hãy nhìn xem bao nhiêu con người bước ra từ cánh cửa này mà vẫn thất nghiệp. Vậy, nhân tố quyết định ở đây là con người chứ không phải việc chúng ta có bao nhiêu bằng cấp? Bằng cấp chỉ là yếu tố tiên quyết, nếu có hàng chục hàng trăm loại bằng nhưng thực lực trống rỗng thì liệu, bạn có thể trụ lại được với công việc đó hay không?

Rất nhiều bạn trẻ ngày nay muốn thử sức mình bằng những hành động thiết thực ngoài xã hội, vậy tại sao không thử? Nếu bạn cảm thấy việc lao ra cuộc đời thực tế ngoài kia bồi bổ sự phát triển bản thân nhiều hơn vậy tại sao cứ cố níu kéo mình trong môi trường Đại học. Đại học chỉ là một cánh cửa trong vô vàn cánh cửa, là một con đường trong vô vàn con đường. Định vị được giá trị bản thân và lựa chọn được những gì thực sự phù hợp với mình mới thực sự là khôn ngoan. Chúng ta thấy, có rất nhiều người từ bỏ giảng đường nhưng vẫn thành công và có rất nhiều tỷ phú bước ra từ cánh cửa cuộc đời chứ không phải Đại học. Trong đó, Bill Gates là một ví dụ điển hình. Bill Gates từng đạt được điểm số gần như hoàn hảo trong kỳ thi SAT và ghi danh vào Đại học Harvard năm 1973. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau đó, ông bỏ học để thành lập công ty cùng với Paul Allen, chính là khởi đầu của đế chế hùng mạnh Microsoft. Năm 2009, Forbes đánh giá tổng tài sản của Bill Gates vào khoảng 40 tỷ USD. Một ví dụ khác là tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller – ông đã bỏ ngang trung học và trở thành tỷ phú Mỹ đầu tiên trong lịch sử.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta xem thường bằng Đại học hay cổ vũ cho việc từ bỏ học Đại học để lao vào xã hội. Nếu bạn chưa đủ kiến thức nền, chưa đủ kinh nghiệm, sự háo thắng cùng non nớt sẽ khiến bạn thất bại từ những bước chân đầu tiên. Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn học như thế nào. Tương lai được xây đắp từ việc bạn đầu tư cho sự nghiệp học hành từ ngày hôm nay, ngay giờ phút này. Sự thành công chỉ có thể được dựng nên từ những nền móng vững chắc, muốn có quả ngọt bạn phải là người gieo trồng. Biết được mảnh đất nào nên gieo trồng loại hạt nào cũng là biết được bản thân bạn có được những gì và cần phải phát triển những gì!

Sức khỏe, tinh thần và ý chí là những yếu tố quan trọng nhất để làm hành trang cho bạn trong cuộc chinh phục tri thức, chinh phục tương lai. Thay vì đuổi theo xã hội, nghe theo những nhận định hời hợt của đám đông bạn hãy lắng nghe tiếng nói của tâm hồn, của đam mê để hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Gia tài lớn nhất của tuổi trẻ là nhiệt huyết, là hi vọng, là chấp nhận thất bại và đứng lên. Bạn không cần phải dùng một bằng cấp nào để tô vẽ giá trị của bản thân mình nhưng không thể vì thế mà khinh thường những bằng cấp mình không đủ năng lực để vươn tới. Ranh giới giữa tự tin và tự kiêu là vô cùng mơ hồ và nếu không cẩn thận, bất cứ ai cũng có thể trượt chân.

Tôi tin, với học sinh, việc học Đại học là giấc mơ của nhiều người nhưng đồng thời tôi cũng tin rằng, có rất nhiều bạn trẻ can đảm lựa chọn con đường khác ngoài con đường này. Và mỗi chúng ta ai cũng cần học cách tôn trọng ước mơ, đam mê của nhau. Vì thế, chỉ cần định vị được giá trị của bản thân, thành công sẽ đến với bạn.

Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai bài nghị luận 3

Ngạn ngữ có câu: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”. Quả thực, học tập luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi con người, là chìa khóa để đưa xã hội tiến tới văn minh và hạnh phúc. Học đại học chính là một trong những cách giúp con người đạt được ước mơ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại thì học đại học liệu có phải con đường duy nhất để thành công?

Đại học là cấp học cao hơn sau khi tốt nghiệp bậc Trung học phổ thông. Đây không phải là cấp học bắt buộc nên mỗi cá nhân có quyền tự quyết định liệu mình có tham gia học đại học hay không. Có thể thấy, việc phát triển bậc học đại học cũng góp phần thể hiện trình độ văn minh của xã hội. Càng nhiều ngành học mới xuất hiện thì khả năng sáng tạo, tầm tri thức của con người ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng của cuộc đời, mỗi người cần phân tích rõ ràng các khía cạnh của việc học đại học để đưa ra quyết định đúng đắn.

Trước hết, học đại học mang lại nhiều cơ hội cho con người. Người Trung Hoa xưa từng nói: “Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” có nghĩa là “Mọi việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách thanh cao”. Theo thời gian, quan điểm này không còn vị trí độc tôn trong thời hiện đại nhưng nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc học tập kiến thức và thái độ kính trọng của người đời dành cho những bậc trí thức, đỗ đạt cao. Thời xưa, rất nhiều nam nhi chăm chỉ đèn sách để đợi đến ngày lên kinh ứng thí, hy vọng được làm quan. Chỉ cần một người đỗ đạt là cả họ được nhờ. Cánh cổng kinh đô là ước mơ của biết bao sĩ tử. Đến ngày nay, truyền thống học tập ấy vẫn được lưu truyền. Cơ hội học tập được mở rộng đến muôn người nên cánh cổng đại học lại càng được khao khát. Từ đó, có thể thấy việc học đại học cũng như niềm mong muốn học đại học xuất phát từ nhu cầu thực tế của lịch sử, có mục đích tốt đẹp. Thứ hai, học đại học thực sự giúp chúng ta có cơ hội theo đuổi đam mê có mức độ nâng cao, bài bản hơn. Những kiến thức học ở bậc phổ thông chỉ là những điều cơ bản. Nếu thực sự đam mê một chuyên ngành nào đó, việc học đại học chính là cơ hội tốt để ta phát triển tài năng. Đội ngũ giảng viên chất lượng, cơ sở vật chất tốt, cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia,... sẽ là những yếu tố để ta học tập thật tốt. Bên cạnh đó, học đại học cũng có thể bồi đắp cho ta các kĩ năng mềm, rèn luyện cung cách ứng xử của ta. Môi trường đại học không phải là một môi trường “học vẹt” hay chỉ gói gọn trong một phạm vi nhỏ. Ở đó có rất nhiều hoạt động ngoại khóa và hội tụ nhiều con người tài năng từ mọi nơi trên thế giới. Được tiếp xúc với môi trường tốt cùng những người tài giỏi sẽ tiếp thêm động lực cho ta chinh phục tri thức. Ngoài ra, có những ngành nghề đặc thù luôn yêu cầu ứng viên phải đạt đến một trình độ nhất định ở những cơ sở đại học chính quy như bác sĩ, công an, giáo viên,... Nếu những người hành nghề đó không được đào tạo bài bản thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng tới xã hội.

Việc học đại học mang lại nhiều lợi ích như vậy nhưng không phải là con đường duy nhất để thành công. Có nhiều bạn trẻ vì tâm lí sợ thua kém bạn bè, không xác định được mục tiêu cụ thể hoặc muốn làm hài lòng cha mẹ mà chọn bừa một trường đại học nào đó để học. Sau bốn năm ngồi trên ghế nhà trường, tiêu tốn cả thời gian và tiền bạc thì những con người đó vẫn không tạo ra giá trị gì cho bản thân, gia đình và xã hội. Việc không hiểu rõ trường và ngành mình học, không cố gắng trong quá trình học dẫn đến sự chán nản, lười nhác. Đây là một thực trạng đáng buồn trong xã hội hiện nay. Không phải ngành nghề nào cũng đòi hỏi ứng viên phải có bằng đại học nên nếu bản thân thực sự đam mê một nghề nghiệp nào đó thì ta có thể lựa chọn đi học nghề. Nghề nghiệp chân chính nào trong xã hội cũng có vai trò nhất định và đáng được trân trọng. Không chỉ vậy, ngoài bằng cấp, con người vẫn cần trau dồi các yếu tố như kĩ năng, thái độ, sức khỏe và đặc biệt trình độ thực tế. Một người biết thực hành, có chuyên môn cao sẽ tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn là người cầm tấm bằng suông. Xã hội ngày càng cởi mở, nhiều ngành nghề mới được tạo ra nên có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ lựa chọn.

Câu chuyện về tỉ phú Bill Gates là một ví dụ điển hình cho câu chuyện này. Bill Gates đã bỏ học tại Đại học Harvard để theo đuổi công việc đam mê. Cả thế giới đã được chứng kiến sự thành công của ông. Thế nhưng, chính Bill Gates cũng phải thừa nhận rằng ông hối hận vì đã không học đến cùng và khuyên các bạn trẻ đừng nên bỏ học như ông. Bill Gates vẫn mong muốn tốt nghiệp tại ngôi trường mình đã theo học. Từ đó, ta có thể thấy giấc mơ “không học mà giàu” là một điều viển vông.

Như vậy, có thể chốt lại rằng học đại học chính là một trong những con đường để dẫn đến thành công chứ không phải con đường duy nhất. Không có con đường nào mà không phải trải qua khó khăn, không có ai thành công mà chưa từng nếm mùi thất bại nên dù lựa chọn của chúng ta là gì thì ta cũng cần cố gắng hết sức, quyết tâm cao độ, trau dồi thêm các kĩ năng khác,...

Thời gian và vũ trụ thì vô biên nhưng cuộc đời con người lại hữu hạn. Hy vọng rằng mỗi người sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt cho bản thân để con đường học tập không trở thành gánh nặng và ước mơ của chúng ta đều thành hiện thực.

Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai bài nghị luận 4

“Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai?”. Có lẽ đây là câu hỏi luôn nhức nhối của mỗi bạn học sinh, đặc biệt là các bạn cuối cấp. Giữa hai con đường chọn lựa, nên tiếp tục con đường học vấn vào đại học, hay kết thúc việc học, học nghề và ra đời tự nuôi sống bản thân.

Như chúng ta biết rằng, việc học đối với mỗi người là vô cùng quan trọng. Mười hai năm học tập tại trường là cơ sở để các bạn có thể vững bước vào đời, hoặc tiếp tục học vấn. Mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau, nhưng đâu mới là lựa chọn tốt nhất?

Vào đại học là lựa chọn tốt nhất? Ai ai cũng hiểu rằng, khi học vấn bản thân được nâng cao, cũng đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm, cơ hội tiến thân sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều. Vào đại học bạn sẽ được trang bị rất nhiều kiến thức, kĩ năng làm nền tảng để sau này sử dụng vào việc làm nghề. Bởi đại học không chỉ đơn thuần là lí thuyết, mà còn là thực tiễn, là những vấn đề đào tạo đến việc bạn ra trường sau này. Bởi vậy, học đại học sẽ cho bạn một hành trang vô cùng vững chắc để sau này tìm được một công việc phù hợp với năng lực bản thân, thích hợp với cá tính và mơ ước của chính mình. Trường đại học có lẽ là nơi rất tốt để ươm mầm tài năng, thúc đẩy tài năng của bạn.

Nhìn vào tình hình thực tế, chúng ta có thể thấy những người giỏi giang, tài ba, có nền kinh tế vững chắc hầu hết đều là những người có học vị, học hàm cao. Họ là người có kiến thức uyên thâm, là những học viên nổi tiếng của các trường Đại học. Nhà vật lí vĩ đại thế kỉ XX – Stephen Hawking, 17 tuổi vào đại học danh tiếng Oxford. Con đường học tập của ông không ngừng được nâng cao, với những nghiên cứu và phát hiện của mình, ông đã tạo ra bước ngoặt lớn cho vật lí hiện đại. Tổng thống da màu người Mĩ đầu tiên, Barack Obama là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của khoa luật trường đại học Harvard. Nhắc đến Harvard là nhắc đến cái nôi đào tạo của những nhân tài nổi tiếng thế giới. Với sự uyên bác của mình, Obama đã giữ trọng trách tổng thống trong hai nhiệm kì, có những đóng góp quan trọng đối với cục diện thế giới.

Nhìn vào đây có thể thấy, học đại học quả là con đường lập thân và lập danh quan trọng thiết yếu đối với mỗi con người.

Không vào đại học vẫn có thể lập thân, lập danh? Quả thực đúng như vậy, không nhất thiết vào đại học mới có thể làm nên công việc, sự nghiệp cho bản thân. Hiện nay, ở Việt Nam hiện tượng thừa thầy, thiếu thợ ngày càng trở nên phổ biến. Thầy thì quá nhiều, mà chưa chắc đã giỏi, thợ ít ỏi lại non kém về tay nghề. Bởi ai cũng đua nhau đi học Đại học. Thực trạng này càng ngày càng trở nên báo động. Chỉ vì một chút danh được học đại học, mà rất nhiều người lao đầu vào những trường đại học kém về chất lượng. Và kết cục khi họ mang tấm bằng ra khỏi trường chỉ là một tờ giấy, không kinh nghiệm, không kĩ năng và sẽ bị xã hội đào thải. Vậy tại sao không trở thành một người thợ giỏi, đem sức mình để nuôi sống bản thân, thay vì bốn năm ăn bám gia đình, cuối cùng vẫn không thể tự lực tìm cho bản thân một việc làm.

Anna Wintour là một nhà báo nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang. Sau khi tốt nghiệp trung học bà không vào đại học mà dấn thân vào con đường làm báo, và trở thành tổng biên tập của nhãn hàng thời trang hàng đầu Vogue. John D.Rockefeller một trong những người giàu có nhất nước Mĩ. Ông được mệnh danh là ông trùm dầu mỏ, tài sản của ông ước tính thời điểm hiện tại lên đến 340 tỷ USD. Ông bỏ học để kiếm việc làm, sau nhiều công việc, ông đã thành lập hãng lọc dầu Standard Oil và trở thành tỉ phú. Như vậy, học đại học cũng không phải con đường duy nhất để chúng ta lập thân, lập danh.

Mỗi chúng ta có một hoàn cảnh sống riêng, sở thích và năng lực riêng. Không chỉ có vào đại học mới thành công, nếu bản thân đam mê, nếu hoàn cảnh không cho phép bạn vẫn có thể tự tin vững bước học nghề, rồi bắt tay vào một công việc. Chẳng phải mục đích của chúng ta là sống an yên và hạnh phúc đó sao, thành công ấy là khi bạn làm ra những đồng tiền chính nghĩa bằng chính năng lực của mình.

Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai bài nghị luận 5

Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, chính vì thế chỉ cần chúng ta chăm chỉ trên con đường học vấn cũng như công việc của mình ắt hẳn chúng ta sẽ thành công. Chính vì thế có lẽ đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp của thanh niên.

Đại học là một cánh cửa mới mở ra cho rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng lựa chọn cho mình cách vào đại học mới có thể thành công, bởi như Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng nói: “Học đại học phải trả giá bằng thời gian và sức lực”. Chính vì thế không chỉ riêng đại học mới giúp chúng ta thành công, có rất nhiều cách giúp chúng ta thành công mà không cần phải học đại học.

Đại học giúp cho chúng ta học hỏi và mở rộng được nhiều kiến thức mà người thầy vẫn là người định hướng và giáo dục cho chúng ta, học đại học cũng có rất nhiều ưu thế vì chúng ta có thể học được nhiều kiến thức hay bởi các chuyên ngành mà chúng ta đã lựa chọn. Tuy nhiên vào đại học và học một ngành nghề nào đó cuối cùng cũng chỉ để học nghề và ra để làm một công việc. Chính vì thế có rất nhiều người đã đi theo con đường khác, không phải theo con đường học đại học.

Lập nghiệp đó là việc lựa chọn cho mình một hướng đi, hướng đi đó giúp chúng ta định hướng được các công việc trong tương lai, chính vì thế việc lựa chọn cho mình một công việc và làm theo đó là việc làm rất cần thiết, nó giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống, một điều mà chúng ta thấy được đó là việc tự học và tự khởi nghiệp là điều mang lại cho chúng ta nhiều điều có ý nghĩa hơn.

Tự chủ trong các công việc của mình, mỗi cá nhân đều phải cố gắng, bởi thanh niên cần phải tích cực, chủ động và học tập thật tốt để xứng đáng với những danh hiệu mà đảng và nhà nước đã trao tặng. Thế hệ thanh niên là một tầng lớp thuộc mầm non của đất nước, chính vì thế việc học tập, tu dưỡng và rèn luyện bản thân đó là việc làm rất cần thiết và mang lại nhiều bài học quý giá cho con người.

Đại học là một con đường để mỗi chúng ta lập nghiệp, tuy nhiên nó không phải là một con đường duy nhất bởi chúng ta cần phải xác định được hướng mà chúng ta sẽ đi, việc mà chúng ta đang định làm, có như vậy chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc đời của mình thật sự có ý nghĩa rất lớn trong việc lựa chọn một hướng đi cho phù hợp. Mỗi chúng ta đều có thể thấy được tất cả những điều đó qua những cách riêng, nó thể hiện những điều riêng tư nhất mà chúng ta đang có, mỗi người đều có những cách lựa chọn riêng, không ai là giống ai cả, chính vì vậy việc xác định vào đại học cũng là một con đường đi tốt. Ở đó chúng ta sẽ được mọi người định hướng, học tập tốt hơn.

Nhưng cũng có thể lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, nó thể hiện một cái nhìn mới mẻ và đầy táo bạo, cách thể hiện hợp tình, hợp lý, chọn lựa kĩ càng và ngày càng thể hiện một hướng đi phù hợp với con người và khả năng của chính mình. Đại học là cách lựa chọn của rất nhiều người, nhiều người cũng đã rất thành công bởi con đường mà mình đang đi, tuy nhiên cũng có rất nhiều người lại bỏ gánh giữa đường, bởi đại học tốn rất nhiều thời gian của mỗi người, nó bắt con người phải đầu tư cả thời gian và công sức của mình vào đó.

Thời gian và tiền bạc đủ để cho con người ta có thể làm được rất nhiều thứ, tuy nhiên việc lựa chọn cho mình một con đường riêng, việc lựa chọn con đường đi sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều điều mà trong cuộc sống chúng ta đang phải gặp tới.

Đúng như có câu nói đã viết: “Không quan trọng mình đứng ở đâu mà quan trọng mình đi đâu”. Đây mới chính là những hướng đi hoàn hảo và có ý nghĩa to lớn đến con người, cái riêng biệt là tạo cho con người những sự bứt phá mới mẻ và hợp lý hơn, trong cách xử lý đó, nó để cho con người một cái nhìn riêng, lạ và tạo nên những điểm nhấn hoàn toàn mới mẻ của mỗi người.

Thanh niên ngày nay không phải chỉ có lựa chọn con đường đại học mới có thể thành công được, trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều người lựa chọn cho mình theo hướng tự do, họ đi theo một con đường độc lập, mới mẻ và ngày càng táo bạo hơn. Nhiều hình thức kinh doanh và mở rộng bản thân bằng cách học tập và ngày càng khéo léo và táo bạo tạo nên cái riêng cho mỗi con người.

Mỗi chúng ta hãy lựa chọn cho mình một hướng đi cho phù hợp có như vậy chúng ta mới cảm thấy được cuộc sống này đang tràn ngập nhiều điều có ý nghĩa và những điều có giá trị nhất. Đem lại cho chúng ta cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn.

-/-

Trên đây là gợi ý làm bài và một số bài văn mẫu hay nghị luận Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai? do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM