Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể

Xuất bản: 03/04/2019 - Tác giả:

Những bài văn nghị luận hay bàn về câu ngạn ngữ: Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu ngạn ngữ: "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể".

***

Một số đoạn văn ngắn 200 chữ bàn về nội dung câu ngạn ngữ Đừng sống theo điều ta ước muốn

Đoạn văn số 1:

Con người sinh ra ai cũng có ước mơ, khát khao của riêng mình, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng chạm được đến cái đích của riêng mình. Câu ngạn ngữ "Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể" là một câu châm ngôn sống đầy kinh nghiệm để giúp con người lựa chọn cách sống của cá nhân. "Điều ta ước muốn" là những khát vọng, đam mê, ước mơ của bản thân mà con người luôn nỗ lực để đạt được, còn "điều ta có thể" là những việc trong khả năng mà con người có thể làm được. Có lẽ, chúng ta ai cũng ấp ủ với những giấc mơ của riêng mình, với những đam mê và khát vọng đã dần trở thành mục đích sống của chúng ta. Thế nhưng, đôi khi chính những khát vọng ấy lại đối lập với "điều ta có thể". Có những ước mơ dường như xa vời mà chúng ta không thể chạm tới được, khiến ta trở nên hụt hẫng, tuyệt vọng, mất niềm tin vào bản thân. Đam mê và sự nỗ lực là hai yếu tố không thể thiếu trên hành trình đi tìm ước mơ của mỗi người, nhưng chỉ có vậy thì chưa bao giờ là đủ. Hãy giả sử, nếu chúng ta mơ ước trở thành một ca sĩ nổi tiếng, vậy mà giọng hát của chúng ta không được hay, không được thiện cảm thì chúng ta liệu có thể làm được không? Trong khi đó, khi làm những việc phù hợp với khả năng, chúng ta sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh của bản thân và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Vậy nên câu nói là bài học nhắn nhủ con người cần phải có những ước mơ phù hợp với khả năng của bản thân. Tuy nhiên, nếu cứ mãi ở trong vùng giới hạn của bản thân, liệu cuộc sống của chúng ta có còn ý nghĩa? Liệu chúng ta có thể hiểu được bản thân nếu không có sự trải nghiệm và thử thách hay không? Dù biết rằng đôi khi ước mơ chỉ là những hoài bão xa vời, nhưng nó vẫn là động lực thúc đẩy chúng ta, để ta có niềm tin vào chính mình và vững bước trên con đường đời đầy chông gai này. Hơn nữa, chính những giấc mơ ấy là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, để con người không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học hỏi và sáng tạo để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng ta có thể thấy trong cuộc sống không thiếu những tấm gương đã vượt qua được những điều không thể của bản thân, để chạm tới ước mơ dường như quá xa xôi và khó khăn với họ. Beethoven - nhà soạn nhạc thiên tài người Đức - người đã không may mắn mất đi khả năng thính giác của mình, vậy mà nhờ có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc, ông đã vượt qua giới hạn của bản thân để trở thành biểu tượng của nền âm nhạc cổ điển mà không ai trong chúng ta không biết tới. Nếu luôn hài lòng và thỏa mãn với bản thân, thì trên thế giới sẽ không có những tác phẩm kiệt xuất, không có những thành tựu tiến bộ để thế giới phát triển như lúc này. Và việc trải nghiệm, thử thách bản thân để thực hiện đam mê cũng là cơ hội đặc biệt để giúp chúng ta khám phá con người thật của mình. Cuộc sống là một bức tranh được tạo nên bởi những mảnh ghép đa sắc màu, có lẽ một vài mảnh ghép ta chỉ có thể ngắm nhìn, nhưng cái cứ để nó song song tồn tại với những điều có thể của ta để cuộc sống của ta đa dạng hơn. Và đừng ngại với những ước mơ xa vời mà hãy luôn nỗ lực phấn đấu với con đường mà chính mình đã lựa chọn, bởi không ai có quyền đánh thuế giấc mơ của chúng ta, và biết đâu một ngày nào đó, chúng ta lại có thể thực hiện được nó, như biết bao người đã từng thành công trên chặng đường đi tìm giấc mơ đầy thú vị này.

Đoạn văn số 2:

Trong cuộc sống, con người cần phải biết ước mơ, nhưng ước mơ ấy phải phù hợp với khả năng của bản thân. Bởi có những ước mơ sẽ mãi chỉ là ảo nếu ta không thể đạt được nó bằng năng lực của mình. Vì thế, câu ngạn ngữ: “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể” đã nhắn nhủ con người cần có cái nhìn đúng đắn giữa “ước muốn” và “khả năng” để có được hướng đi phù hợp trong cuộc đời.

Thật vậy, “điều ta ước muốn” là ước mơ, khát vọng, những điều mong mỏi; còn “điều ta có thể” là những gì nằm trong khả năng của bản thân. Như vậy, câu ngạn ngữ khuyên ta cần phải chọn cách sống thực tế. tránh sa vào việc mơ mộng viển vông, nằm ngoài khả năng.

Nếu chúng ta cứ khăng khăng sống theo ước muốn của mình mà không hiểu rằng nó không phù hợp thì sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại như bị ảo tưởng, xa vời thực tế, làm những việc vô ích, không có kết quả mà còn tốn thời gian, công sức. Để rồi khi nhận ra, ta sẽ rơi vào sự chán nản, thiếu niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân, đúng như câu nói của người xưa “trèo cao té đau”. Nhưng nếu ta tỉnh táo, biết mình làm được việc gì tốt và theo đuổi chúng đến cùng, ta sẽ nhận được những kết quả tốt đẹp, dễ dàng đạt được thành công. Từ đó tạo cho ta tâm lí thoải mái, tự tin và sức mạnh để phát năng lực ấy, đóng góp được cho xã hội, cộng đồng. Cuộc sống hiện nay, có nhiều bạn trẻ chọn trường đại học không theo sức học, khả năng của bản thân, mà đa số các bạn chọn trường theo danh tiếng, hoặc số đông, và có suy nghĩ theo lối mòn “vào đại học mới là con đường duy nhất để tiến thân" thì sẽ khó mà đạt được thành quả nào. Bên cạnh đó, có những bạn dù chỉ học ở những trường bình thường hoặc không học đại học mà chọn học ngành nghề p hù hợp năng lực, nguyện vọng chính đáng bản thân, chắc chắn những bạn sẽ đạt được thành công, dễ có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Chính vì vậy, câu ngạn ngữ được xem như một phương châm sống tích cực, mang lại niềm vui, niềm tin cho con người.

Mặc dù vậy, chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ước mơ chính đáng. Nó giúp con người có sự hứng khởi, quyết tâm vươn lên, tạo ra động lực khích lệ tinh thần hăng say học tập, làm việc, giúp con người vươn đến những điều tưởng chừng như không thể! Đồng thời, chúng ta cần phê phán, lên án những kẻ chỉ biết mơ mộng, phi thực tế và những con người lại quá thực dụng, không biết cầu tiến. Điều quan trọng nhất là con người phải sáng suốt kết hợp giữa ước mơ và “điều ta có thể” để phát triển chính mình.

Câu ngạn ngữ “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể”, như một lời cảnh tỉnh những ai đã lỡ chọn sai hướng đi và hiểu sai giữa “ước mơ và “khả năng” con người. Kết hợp giữa ước mơ và khả năng của mình một cách đúng mực là biểu hiện của một người thông minh khi biết lượng sức mình. Người Trung Hoa có câu: “Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri giả”: tức là biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, tức là biết vậy' Cho nên “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể” là bài học vô cùng sâu sắc.

Một số bài văn dài nghị luận về Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể

Bài số 1:

Cuộc sống với biết bao bộn bề và toan tính thường ngày đôi khi đã vô tình cuốn ta vào guồng quay bất tận của đời sống hiện đại. Đôi khi ta có cảm giác mình trơ trọi giữa con phố đông người, có cảm giác mình mệt mỏi và cả thất bại sau những giờ học hành và làm việc căng thẳng…, có cảm giác muốn được quay về một thời tuổi thơ với cánh diều của uớo mơ và hi vọng – nơi ấy ta mặc sức vùng vẫy trong thế giới bay bổng diệu kì của ước mơ. Đó cũng là khi ta đột ngột trở lại với thực tại, với đời sống thường trục của ta. Bất giác khi ấy, ta lại nhớ đến một lời khuyên đã từng nghe nhung chẳng hiểu sao lại quên bẵng đi: “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể.”

Có lẽ bất kì ai trong chúng ta cũng đã từng sống trong những giấc mơ, ấp ủ những hi vọng cho bản thân. Con người không xa lạ với ước muốn. Đó là những giấc mơ tuyệt đẹp và có thể đã theo ta từ những ngày còn thơ bé. Ai sinh ra mà lại không có khát khao, ước mơ cháy bỏng? Thế nhưng, đôi khi điều mà ta “có thể” làm được lại đối lập với ước mơ. Những điều “có thể” ấy là những gì trong khả năng của ta, không xa rời tầm với như những giấc mơ có khi là viễn vông. Con người ta ai cũng tồn tại trong bản thân mình phần “ước muốn” và phần “có thể”. Không ai dạy ta chỉ được quyền sống với “ước muốn” hay chỉ được sống với điều “có thể”. Và câu ngạn ngữ nhắc nhở ta hãy sống và làm theo những gì bản thân có thể làm được, trong tầm giới hạn của ta.

Vâng, những giấc mơ luôn tồn tại trong miền kí ức của ta. Thế nhưng, những giấc mơ ấy đôi khi là quá xa vời, là mỏng manh, dễ vỡ như những quả cầu pha lê cất giữ trong tủ kính mà ta chỉ có thể ngắm chứ không thể sờ đến nó. Vậy thì khi ấy, ta đừng mải miết ngắm nhìn thứ không thể thuộc về mình, ta hãy tìm đến những hạt pha lê có thể bé bỏng hơn nhưng chúng luôn ngự trị trong lòng bàn tay ta – đó là điều ta “có thể” làm được.

Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh cho ta thấy điều đó. Tôi nhớ đến một câu chuyện trong quyển sách có nhan đề “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ” – câu chuyện về một cậu bé bị liệt bẩm sinh. Thế nhưng, trái tim bé bỏng của cậu bao giờ cũng hướng về nơi các vận động viên điền kinh đang chạy, đôi mắt cậu bao giờ cũng rực sáng khi hướng ánh nhìn về sân vận động. Tôi biết cậu mong muốn được trở thành một vận động viên điền kinh đến nhường nào! Nhưng hơn ai hét, cậu hiểu rằng với đôi chân tật nguyền của mình, cậu không bao giờ làm được điều đó. Và có lẽ chúng ta sẽ vô cùng bất ngờ khi biết kết thúc của câu chuyện về nghị lục phi thường ấy. Mười năm sau, cậu bé không còn chỉ ngồi trên khán đài nữa, cậu đã đặt được đôi chân xuống nhà thi đấu – với tư cách một huấn luyện viên điền kinh…

Trong mỗi chúng ta, hẳn ai cũng đã từng mơ ước được bay vào vũ trụ, được đặt chân lên các vì sao, được trở thành những chính khách nổi tiếng hay những vĩ nhân như Mozart, Bethoven… Và nếu biết rằng những giấc mơ ấy chỉ hiện hữu trong trái tim ta, thì tại sao ta lại không cố gắng thực hiện thật tốt điều ta có thể làm được? Đôi khi ta lớn lên, ta sẽ cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé với thế giới nhưng hãy biết rằng việc mà ta đang – làm – được, dẫu chỉ là một người lao động bình thường cũng sẽ lớn lao như những giấc mơ của ta vậy! Có thể ta sẽ không trở thành chính trị gia, nhà du hành vũ trụ hay nhạc sĩ tài ba, nhưng ta có thể tự hào rằng: ta là chính ta, với những gì mà ta hoàn toàn có thể làm tốt!

Thế nhưng, nếu con người mà chỉ sống với nhũng gì mình có thể làm được, nếu con người hoàn toàn không có ước mơ thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt và vô vị biết dường nào! Đôi khi, giấc mơ có thể chỉ là giấc mơ, thế nheng chính giấc mơ ấy đã tiếp cho ta niềm tin, nghị lực vào cuộc sống. Đúng, ta nên sống theo điều ta có thể nhưng bên cạnh đó, hscy gieo trồng trong vườn cây trái tâm hồn ta những hạt mầm của ước mơ.

Cuộc sống quả là một mảng ghép hình đầy màu sắc sống động! Ở đó có mảng màu mà ta tô vẽ được, có mảng màu ta chỉ có thể đặt nó trong tưởng tượng xa xôi của ta. Và dù đó có là gì chăng nữa, ta hãy nhớ rằng ta nên sống theo điều ta có thể, và ta cũng nên để điều có thể ấy song song với con đường của những ước mơ. Bởi hơn ai hết, ta hiểu rằng bản thân ta có thể làm được việc gì, và ước mơ trong ta có ý nghĩa gì?

Lại một ngày trở về với biết bao bộn bề lo toan, với những nhộn nhịp và toan tính thường ngày, ta lại bị cuốn vào guồng quay bất tận của đời sống hiện đại. Thế nhưng, khi bản thân ta đã nhận thức được chân lí của cuộc sống, với con đường song song của điều ta “có thể” và điều ta “ước muốn”, có lẽ ta sẽ bớt đi những giây phút thấy mình trơ trọi giữa phố, thấy mình mệt mỏi hay vênh váo tự đắc thấy mình đứng trên mọi người. Bởi lẽ khi ấy, ta mới là chính ta, sống theo chân lí đúng đắn của ta. Và khi ấy, ta mới có thể thấm thía ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải muốn được làm “Một mùa xuân nho nhỏ /Lặng lẽ dâng cho đời”…

Bài số 2:

Mỗi chúng ta đều phải xác định cho mình cách sống đúng đắn, mang lại nhiều ý nghĩa cho con người, cũng như giá trị sống cho mỗi chúng ta. Hiện nay mỗi con người có rất nhiều cách sống khác nhau và một trong những ý kiến đó là: “Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể”, đây là một trong những cách sống trong xã hội hiện nay.

Câu nói: “Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể”. Câu này có ý nghĩa là khuyên ngăn con người ta nên lượng sức mình, cần sống theo điều mà chúng ta có thể làm, đừng vượt qua so với giới hạn, những ước mơ quá viển vông trong cuộc sống, hãy sống theo điều mà ta có thể làm trong cuộc sống, chứ không nên làm theo điều mà ta ước muốn.

Sống có ước mơ, có hoài bão là điều cực kì quan trọng và hữu ích cho tất cả mỗi chúng ta, tuy nhiên, sống nên sống có mục đích rõ ràng, cần phải có ước mơ, khát vọng đúng đắn, phù hợp với khả năng của mình, không nên mơ tưởng đến những điều quá xa dời thực tế, những điều mà chúng ta không thể làm được trong cuộc đời của mình.

Vậy nên câu nói trên khuyên nhủ chúng ta nên sống theo đúng như khả năng của mình, đừng sống theo điều mà chúng ta muốn. Mỗi người đều phải có ước mơ, có hoài bão, tuy nhiên phải biết sống thực tế, không nên mơ mộng tới điều mà khó khăn, chúng ta không bao giờ có thể làm được. Nếu chúng ta sống theo điều mà chúng ta sống thì cả cuộc đời của chúng ta sẽ vất vả khi phải theo đuổi, cố gắng, mơ mộng trong những việc làm khó khăn, khó có thể hoàn thành được.

Câu nói trên mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, khuyên nhủ con người biết cách sống đúng đắn, giá trị, để lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống của mình, mang lại điều có giá trị, có ý nghĩa cho cuộc sống. Luôn biết tự lựa sức, và khả năng của mình để làm những điều phù hợp, có ước mơ thực tế, để có khát vọng thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình.

Sống luôn phải đi liền với trải nghiệm và sự cố gắng đó sẽ dành cho những người biết ước mơ, biết hoài bão những ước mơ thực tế, những ước mơ có thể phù hợp với khả năng của mình. Ngày nay xã hội cũng xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp con người đang bị mơ mộng trong những mơ mộng của cuộc sống, để rồi, cứ ngơ dại, mơ mộng sống trong hoài niệm của cuộc sống.

Như chúng ta đều thấy hiện nay có rất nhiều người trở nên ngơ dại vì lý tưởng sống của mình, họ mơ mộng đến cuộc sống mà họ không thể làm, cố gắng mãi không được, thất bại rồi trở nên ngô nghê, ngờ khạo… đây là điều đang được cảnh báo, tình trạng sống ảo là một trong cảnh báo mạnh mẽ trong xã hội ngày nay. Con người không sống đúng với thân phận của mình, mà đang ảo tưởng đến mới cuộc sống xa vời.

Chính vì thế câu khuyên nhủ trên có ý nghĩa giúp con người sống thực tế hơn, không mơ mộng trước những vấn đề mà chúng ta mong muốn quá xa vời thực tế, nó thực sự là điều đáng cảnh báo. Chính vì thế mỗi chúng ta cần phải xác định cho mình cách sống đúng đắn, phù hợp với khả năng, hoàn cảnh, cũng như có một ước mơ chân chính.

Câu nói trên đã khuyên nhủ, dạy chúng ta biết cách sống đúng đắn hơn trong cuộc sống, biết sống đúng đắn, không xa dời thực tế, luôn sống với đúng hoàn cảnh, với khả năng của mình, biết lựa sức mình, biết ước mơ, biết hoài bão những ước mơ thực tế. Những điều mà chúng ta có thể làm cho cuộc sống của mình. Nên sống đúng khả năng, đừng sống theo điều mà chúng ta mong muốn.

» Tham khảo thêm:

Bài số 3:

Trên đường đời đi tới ngày mai, phải sống như thế nào? Câu ngạn ngữ sau đây đã nêu lên một ý tưởng cho mọi người cùng suy ngẫm: "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể”.

Ước muốncó nghĩa là mong muốn thiết tha. Điều ước muốn là điều tốt đẹp trong tương lai mà ta mong muốn, ước ao một cách tha thiết. Những từ ngữ sau đây đều gần nghĩa với nhau: (điều) ao ước, ước ao, ước muốn, mong muôn, mơ ước, ước mơ. Tục ngữ có câu: “Cầu được, ước thấy”.

Ước muốn có nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi một lớp người, mỗi một lứa tuổi, mỗi một giai tầng xã hội lại có những ước muốn không giống nhau. Người già cả thường ước muốn có sức khỏe, được sống yên vui cùng con cháu. Người nông dân ước muốn mưa thuận gió hòa, được mùa, trong nhà đầy lúa ngô, khoai, không lo lắng ngày giáp hạt:

Nằm nong đầy, em xay em giã Trấu ủ phán, cám bỡ nuôi heo.

Sang năm, lúa tốt tiền nhiều,

Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng…

(Ca dao)

Bao giờ cho đến tháng năm,

Thối nồi cơm mới vừa nằm vừa ăn.

(Ca dao)

Bố mẹ gia đình nào cũng vậy, chỉ ước muốn, mong muốn đàn con khỏe mạnh, hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi, thành đạt trong cuộc sống.

Các cô thôn nữ ước muốn được sống trong tình yêu hạnh phúc:

Ước gì sông rộng tấc gang,

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

(Ca dao)

Ông cán bộ muốn được lên chức, anh sĩ quan mong được lên lon, chị công nhân ước được tăng lương, được nhận nhiều tiền thưởng, các thầy cô giáo mong ước có nhiều học sinh giỏi, v.v…

Những ước muốn ấy rất bình dị và rất đẹp, vì nó gắn liền với đời thường của người lao động. Những ước muốn ấy có tác dụng thúc đẩy tinh thần cần cù, siêng năng lao động, học tập, công tác, động viên tinh thần kiên trì, bền bỉ vượt khó, phát huy trí thông minh, sáng tạo, không ngừng vươn lên biến niềm ước muốn, ước ao thành hiện thực.

Những năm học cuối cấp THPT, cô cậu học sinh nào cũng ước muốn đỗ tốt nghiệp, đỗ Cao đẳng hay Đại học, nên ai cũng nỗ lực học tập, ôn tập không quản ngày đêm. Cá chuẩn bị vượt Vũ Môn sao không lo, không nỗ lực, không ước muốn? Ước muốn thi đỗ ấy của tuổi trẻ, thời nào, xã hội nào cũng đẹp. Vì thế, vế thứ nhất của câu ngạn ngữ: “Đừng sống theo điều ta ước muốn” chưa hẳn là chân lí. Ước muốn về độc lập, tự do, hòa bình của nhân dân trong những năm chống Mỹ sao đẹp và mãnh liệt thế! Cả hậu phương và tiền tuyến đều xông lên, không sợ bom đạn của kẻ thù. Hàng triệu nam nữ thanh niên ào ào ra trận, không lùi bước trước gian khổ hi sinh. Thuở ấy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chỉ có một ước muốn cháy bỏng và thiết tha:

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

(Hồ Chí Minh)

Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, hòa bình. Ước muốn của nhân dân phải sau 20 năm trời mới thành hiện thực. Qua đó, ta càng thấy rõ là "phải sống theo điều ta ước muốn” chứ!

Nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn xa vào cuộc đời, có lúc ta bắt gặp nhiều "ước muốn” phi đạo lí của những kẻ tham lam, bất lương, gian manh. “Ước muốn" trở thành tỉ phú, có nhà lầu ô tô mà không ít quan chức ra sức đục khoét, tham nhũng, có kẻ buôn gian bán lận, có con bạc sang tận Campuchia để thỏa mãn "cơn khát đỏ đen" mà bị chặt tay, chặt chân (!)

Ước muốn dù thiết tha đến đâu, dù đẹp đến đâu cũng cần có điều kiện này, nọ mới có thể trở thành hiện thực. Học hành lười biếng, dốt nát mà mơ tưởng học Đại học chỉ là chuyện hão huyền. Chảng có chút tài năng gì mà ước muốn thành vận động viên thể thao, điền kinh giành được huy chương vàng! Chẳng có sắc đẹp và tài năng mà ước muốn giành được vương miện hoa hậu! Học sinh nghèo ở nông thôn, ở vùng sâu vùng xa, làm sao có đủ kinh phí học Đại học ở Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh? … Đó là những "ước muốn" xa vời, không tưởng!

Lực bất tòng tâm, cái khó ló cái khôn, đó là điều mỗi chúng ta nên biết, nên hiểu. Sống phải có đầu óc thực tế, phải biết “Liệu cơm gắp mắm”, và phải chín chắn suy nghĩ: “Đừng sống theo điều ta ước muốn”.

Kinh nghiệm sống của mỗi người và trước mọi hiện tượng tốt/xấu, tích cực/ tiêu cực trong xã hội giúp ta thấy mặt đúng và mặt chưa đúng của vế thứ nhất câu ngạn ngữ: “Đừng sống theo điều ta ước muốn”.

Tại sao “phải sống theo điều ta có thể ”? Vế thứ hai của câu ngạn ngữ hoàn toàn đúng vì đã nêu lên quan điểm thực tiễn, lưu ý mọi người cần có đầu óc thực tế trong cuộc sống. Sống phải theo hoàn cảnh lịch sử, xã hội từng thời kì, phải theo điều kiện kinh tế của gia đình, phải theo trí tuệ, tài lực, khả năng của bản thân mình. Nếu lãng mạn chạy theo điều ước muốn phi thực tế sẽ bị ngã, bị thất bại đau đớn.

Thời tem phiếu, bao cấp (3 mét vải, 13 kg gạo + bo bo/người) ai dám ao ước ăn ngon, mặc đẹp; có cô gái nào dám ao ước có áo quần mốt nọ, mốt kia! Thời chiến tranh trước đây, có bậc cha mẹ nào mơ ước cho con sang Pháp, Anh, Mỹ… học Đại học, học lấy bằng Tiến sĩ!

Phải biết sống theo điều ta có thể mới là cách sống hợp lí. Một nhà giáo lão thành cho biết sau 15 năm dạy học mới mua được cái đồng hồ đeo tay (của Liên Xô), sau 20 năm mới sắm được cái xe đạp Phượng Hoàng, vì lương thấp, còn phải nuôi 2 con ăn học. Ông cho biết thời ấy cuộc sống khó khăn nhưng rất vui, mọi người thương yêu nhau, sống rất tình nghĩa.

Hạnh phúc đâu phải vì sống trong cảnh giàu sang, có nhà lầu ô tô, có tài khoản vài chục tỉ bạc, uống rượu tây, ăn toàn cao lương mỹ vị! Quan chức sa đọa, tham nhũng phải hầu tòa (một bộ phận không nhỏ), sống cực kì xa hoa lãng phí, cách biệt hẳn với đời sống nhân dân. Không ít thanh thiếu niên hư đốn, ăn chơi, đua đòi, cần tiền đi vũ trường, hút xách nên rủ nhau cướp giật, giết người như tên Nghĩa, tên Luyện, tên Dưỡng, v.v…

Khi không biết sống theo điều có thể có, thì sớm hay muộn sẽ trở thành kẻ bất lương, gian manh. Học sinh cá biệt, học sinh hư trong các trường học hiện nay cho ta thấy rõ điều đó.

Sống phải hợp lí, phải phù hợp với hoàn cảnh. Ngày xưa, kinh tế kém phát triển, nhân dân lao động sống rất thiết thực: “Ăn chắc, mặc bền”; “Cơm hai bát, áo hai manh"; “Thịt cá là cơm nhà giàu/ Nhà nghèo ăn củ, ăn rau bốn mùa”,… Những câu ca dao, tục ngữ đó nói lên nếp sống của ông cha tổ tiên ta đã sống theo hoàn cảnh, sống theo điều có thể.

Ngày nay, nền kinh tế nước ta đã có nhiều phát triển, đời sống nhân dân lao động đã được cải thiện, nhưng ai cũng cần sống cần kiệm, sống theo điều ta có thể có, không nên xa hoa, lãng phí, không nên chạy theo dục vọng!

Sống có ước mơ, ước muốn là sống đẹp. Nhưng phải làm chủ bản thân để điều tiết ước mơ, ước muốn theo đạo lí và hoàn cảnh. Nhưng điều quan trọng nhất là “phải sống theo điều ta có thể". Câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” càng ngẫm càng thấy nhiều ý nghĩa.

Tuyển tập những bài văn nghị luận hay lớp 12 - Văn mẫu 12 / Đọc Tài Liệu

Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM