Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn ".
Những bài văn đạt điểm cao nghị luận về biết tự hào về bản thân và biết xấu hổ
Bài nghị luận 1
:Làm người, vốn dĩ là một niềm tự hào lớn, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”. Nói một cách cụ thể, mỗi người đều có những điều tự hào riêng về bản thân như tự hào về nhân cách, tài năng hay vẻ đẹp hình thể,… và đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ biết hãnh diện về những gì tốt đẹp mình có mà không biết phản tỉnh để cảm thấy hổ thẹn về những điều kém cỏi, lỗi lầm của mình thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn. “Tự hào” và “xấu hổ” nên được nhận thức như thế nào cho đúng? Đó chính là nhan đề được đặt ra trong ý kiến “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.
Biết tư hào về bản thân là thái độ hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có, về những đóng góp của mình cho cuộc sống; biết xấu hổ là cảm thấy hổ thẹn về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác. Nội dung của ý kiến trên chủ yếu đề cao việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bản thân, hướng đến sự hoàn thiện nhân cách của mình.
Chúng ta thấy ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn khi khẳng định sự cần thiết của việc biết tự hào. Biết tự hào về những gì tốt đẹp của bản thân sẽ giúp ta biết tự khẳng định mình, giúp bản thân thêm tự tin, từ đó có thêm động lực để vươn tới những ước mơ lớn hơn. Chẳng hạn khi được thầy cô khen ngợi vì đạt được thành tích tốt trong học tập, chúng ta thường cảm thấy phấn chấn tinh thần vì nỗ lực được công nhận, giá trị bản thân được nâng cao trong mắt người khác. Đó là những cảm xúc tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện bản thân, một trong những yếu tố tiên quyết để thành công.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh vì tự hào quá mà biến thành thái độ tự cao, tự đại. Nhiều người mới đạt được chút thành tựu đã hội trở nên hợm hĩnh, đánh giá bản thân cao quá quá cao so với thực lực. Đó chính là bước đầu tiên dẫn đến thất bại. Chúng ta chứng kiến không ít vận động viên thể thao có thể đạt thành tích rất cao trên đấu trường khu vực quốc tế nhưng khi thi đấu trên sân nhà lại gặp thất bại trước một đối thủ kém cỏi hơn mình.
Nếu mỗi người bên cạnh việc biết tự hào còn biết tự xấu hổ thì ắt sẽ cân bằng được nội tâm của mình vì nó là biểu hiện của ý thức hoàn toàn tự giác, xuất phát từ lương tâm, giúp con người nâng cao năng lực và hoàn thiện nhân cách. Tự giác tức là tự biết bản thân bên cạnh những điều tốt đẹp mà ta sở hữu, vẫn còn có nhiều khiếm khuyết hoặc lỗi lầm mà vô tình hay cố ý ta có thể gây ra cho người khác. Từ đó hình thành cho mình một thái độ cầu thị, khiêm cung; một ý thức thường trực mài giũa “ngọc sáng trong tâm” khiến nhân cách ngày càng hoàn thiện. Biết xấu hổ còn giúp con người tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo đức xã hội. Hay nói cách khác nếu chúng ta biết xấu hổ thì sẽ không bao giờ phải xấu hổ.
Biết xấu hổ mang lại nhiều lợi ích như thế, tuy nhiên cần phân biệt thái độ này với thái đọ lúc nào cũng đánh giá thấp bản thân vì sự tự ti, mặc cảm. Đành rằng con người ai cũng có khuyết điểm, nhưng cần nhìn nhận công bằng, khách quan cả hai mặt sáng – tối, đẹp – xấu trong mỗi con người để biết tự hào trong những trường hợp chính đáng. Có bạn học sinh học lực khá tất cả các môn, duy chỉ môn Toán là thường điểm dưới trung bình. Thay vì tự hào về những gì đạt được và cố gắng học tập tốt môn Toán thì bạn ấy lại rất mặc cảm, dằn vặt bản thân vì sự kém cỏi của mình, từ đó mất đi lòng tự tin và động lực học tập.
Vậy thì “biết tự hào” và “biết xấu hổ” giúp ích được gì cho chúng ta? Phải chăng là bài học về nhận thức toàn diện? Đúng như vậy. Hai “cái biết” này không mâu thuẫn mà hỗ trợ lẫn nhau để một người nhận thức sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó lên kế hoạch hành động để hoàn thiện mình. Nó cũng chính là ngọn đèn soi sáng suốt hành trình rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức nhân cách của mỗi con người.
Bạn trẻ! “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Hãy luôn ghi nhớ trong lời nhắn nhủ này. Đó chính là kim chỉ nam cho bạn trên dặm dài hoàn thiện nhân cách đạo đức trong cuộc sống. Biết tự hào để ngẩng cao đầu vì những điều tốt đẹp bản thân làm được, biết xấu hổ để cúi xuống học hỏi từ những sai lầm như một cánh hoa tươi vừa kiêu hãnh vừa kiêu hãnh vừa khiêm nhường bạn nhé!
» Tìm đọc và tham khảo thêm những bài văn nghị luận hay bàn về giá trị của bản thân do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn.
Bài nghị luận 2
:Trong cuộc sống con người luôn cần tự tin vào bản thân mình, tự hào với những thành quả mà bản thân đạt được để mơ ước đạt tới những thành công lớn hơn. Bên cạnh đó, ta cũng phải nhận thức được những sai lầm mà bản thân đã phạm phải để sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã trở thành bài học quý giá cho tất cả mọi người.
Trước hết ta cần hiểu rõ câu nói để có thể bàn luận chính xác về vấn đề được đặt ra. “Biết tự hào về bản thân” là thái độ hãnh diện về những thành quả mình đạt được, về những đóng góp của mình cho cuộc sống. Không chỉ có thể, biết tự hào còn là sự nhận thức rõ ràng về khả năng của bản thân trong cuộc sống. “Xấu hổ về bản thân” là cảm thấy hổ thẹn về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác. Thêm vào đó, việc biết xấu hổ về bản thân còn là biểu hiện của tự trọng – một đức tính vô cùng thiết yếu đối với mỗi con người. Nói tóm lại, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã đề cao sự nhận thức đầy đủ về bản thân, hướng tới sự hoàn thiện chính mình.
Không thể phủ nhận rằng ý kiến đưa ra là vô cùng đúng đắn. Trong cuộc sống, ta có thể thấy được việc biết tự hào, biết khẳng định bản thân đóng một vai trò quan trọng trong hành trình tìm kiếm thành công của mỗi con người. Thật vậy, tự ý thức được năng lực, thành tích của bản thân giúp mỗi người tự tin hơn trong cuộc sống và trong công việc, giúp con người ta biết được vị trí của mình trong cộng đồng. Ta là ai? Ta có những gì? Ta làm được những gì? Cổ nhân có câu “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” cũng là bởi như vậy. Tuy nhiên, tự hào thôi là chưa đủ, ta còn phải biết xấu hổ về bản thân nữa. Rất tự nhiên, con người thường có xu hướng che giấu cái xấu, lỗi lầm của bản thân và khoe khoang mặt tốt. Chẳng vì thế mà các cụ ta hay có câu “Đẹp đẽ thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại” đấy thôi. Nhưng ta phải nhận thức được một điều rằng: Chỉ khi con người ta đối diện với lỗi lầm, biết hổ thẹn với chính bản thân mình vì lỗi lầm ấy và có ý thức sửa chữa thì ta mới hoàn thiện được bản thân. Thậm chí, việc biết xấu hổ còn quan trọng hơn biết tự hào bởi lẽ biết xấu hổ là biểu hiện của ý thức tự giác, xuất phát từ lương tâm của mỗi người để tự hoàn thiện bản thân và hoàn thiện cả xã hội.
Trong cuộc sống, ta gặp không ít những tấm gương không chỉ biết tự hào về thành quả đóng góp của mình mà còn biết tự xấu hổ về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác nữa. Hãy gặp cô gái kình ngư trẻ của làng bơi lội Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên, bạn sẽ thấy một tấm gương sống về điều đó. Cô gái kình ngư trẻ tuổi này từng bật khóc nức nở ngay khi giành được tấm huy chương vàng danh giá và lập được kỉ lục Sea Game tổ chức tại Singapore. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là những giọt nước mắt ấy không phải là những giọt nước mắt vui vẻ, những giọt nước mắt sung sướng của thành công mà theo cô chia sẻ, đó lại là những giọt nước mắt thất bại. Ánh Viên khóc khi mắc lỗi và thua chính mình dù cô vượt xa các đối thủ còn lại trên đường đua xanh. Cô gái ấy không chỉ biết tự hào về bản thân khi đem lại vinh quang cho Tổ quốc mà đáng quý hơn cô còn biết nhìn thẳng vào những sai lầm mình đã mắc, nhìn thẳng vào sự yếu kém của bản thân để sửa chữa nó ngay cả khi cô đã đạt được giải thưởng danh giá nhất. Tấm gương sáng ấy khiến chúng ta phải nhìn lại bản thân mình, nhìn lại sự tự mãn của bản thân mình khi đạt được kết quả học tập tốt hay được thăng chức, tăng lương trong công việc. Cô gái kình ngư trẻ tuổi ấy thực sự là tấm gương để chúng ta noi theo. Tuy nhiên, ta đề cao việc tự hào về bản thân không có nghĩa là ta đồng tình với việc tự cao tự đại, đánh giá bản thân quá cao khiến con người trở nên hợm hĩnh coi thường tất cả. Tương tự như vậy, ta đề cao việc biết xấu hổ về bản thân không có nghĩa là ta khuyến khích sự tự ti quá đà, lúc nào cũng thấy mình có lỗi, có khuyết điểm, người khác phê phán là lại thay đổi theo ý kiến người ta. Đó là lối sống ba phải, gió chiều nào che chiều ấy chứ không phải là lòng tự trọng và sự nhận thức đúng đắn về bản thân mình.
Tóm lại, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã để lại cho chúng ta những bài học đáng quý. Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu. Không chỉ có vậy, ta còn phải nghiêm khắc đối với chính mình, không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của bản thân. Từ việc hoàn thiện được bản thân, chúng ta có thể dần dần hoàn thiện cả xã hội.
Bài nghị luận 3:
Để không ngừng hoàn thiện và phát triển bản thân, con người cần nhận thức được ưu điểm cũng như những hạn chế của bản thân, cần biết tự hào về bản thân để chủ động, tự tin hơn trong công việc, cuộc sống nhưng cũng cần biết tự xấu hổ với những hạn chế, thiếu sót để có ý thức khắc phục, hoàn thiện mình. Đúng như câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.
“Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” là câu nói thể hiện quan niệm về cách ứng xử, thái độ với bản thân. “Biết tự hào về bản thân” là thái độ tự tin, hãnh diện về những giá trị tốt đẹp, thành quả mà mình đang có. “Biết xấu hổ” lại là trạng thái hổ thẹn về sự kém cỏi, những sai lầm, thiếu sót của bản thân. Xấu hổ và tự hào đều là những trạng thái cảm xúc thông thường mà bất cứ chủ thể nào cũng có. Khi biết tự hào hay xấu hổ về bản thân mình là khi con người ý thức và tự đánh giá được những hành động, lời nói, việc làm của bản thân. Câu nói đã đề cao việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bản thân, nếu tự ý thức đúng đắn về mình, con người có thể hướng đến những điều tốt đẹp hoàn thiện hơn trong tương lai.
Mỗi con người đều có những ưu điểm, sở trường riêng có thể làm tốt một công việc nào đó. Khi biết tự hào về bản thân là khi con người biết tự công nhận chính mình, biết hãnh diện về lợi thế từ mình đang đó. Tự hào về bản thân sẽ giúp con người tự tin hơn trong công việc, cuộc sống cũng như có thêm những động lực lớn lao để vươn tới những điều tốt đẹp, những đỉnh cao mới trong cuộc sống của chính mình.
Để đạt được thành quả trong bất cứ công việc nào, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công chính là việc tin vào chính mình. Chỉ khi tự tin tưởng vào bản thân mới có thể huy động mọi năng lực, tài năng, nhiệt huyết cho công việc, mang đến kết quả như mong muốn. Bạn sẽ không thể hoàn thành tốt bất cứ công việc gì nếu như chính bạn cũng không tin vào bản thân mình. Tự hào về mình là tốt nhưng nếu tuyệt đối hóa những gì mình đang có sẽ dẫn đến thái độ tự cao tự đại, đánh giá mình cao hơn những người xung quanh.
Cùng với thái độ tự hào, việc ý thức được những sai lầm của bản thân để thấy xấu hổ còn quan trọng hơn, vì nếu nhận thức được những sai lầm của bản thân con người sẽ biết thay đổi, điều chỉnh hành vi của mình theo những chiều hướng tích cực, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức để dần hoàn thiện bản thân.
Sở dĩ biết xấu hổ còn quan trọng hơn biết tự hào bởi biết xấu hổ là biểu hiện của sự tự giác, nó được nhận thức xuất phát từ lương tâm, nó có thể giúp con người nâng cao năng lực, nỗ lực rèn luyện, thay đổi để hoàn thiện nhân cách của chính mình. Biết xấu hổ là trạng thái cảm xúc tiêu cực nhưng nó lại có tác động mạnh mẽ đến nhận thức cũng như quyết định sự đổi thay của hành vi, lời nói, suy nghĩ của con người. Khi nhận thức được những sai lầm của bản thân, con người sẽ không cho phép mình phạm phải sai lầm ấy lần nữa, qua đó mà dần hoàn thiện được bản thân. Không biết xấu hổ sẽ làm cho con người trở nên hợm hĩnh, đánh giá thái quá vai trò của bản thân, đúng như Petrotimes đã từng nhận định: ”Không biết xấu hổ thì có nghĩa là không bao giờ có thể tự mình tu tỉnh, rèn luyện, khắc phục những yếu kém, sai lầm của mình. Và cứ như vậy, họ như đôi giày đã giẫm bùn… Không cần gìn giữ nữa, cứ thế mà giẫm bạt mạng, bất kể là vào đâu". Tuy nhiên, biết xấu hổ không có nghĩa là thường trực cảm giác tự ti, mặc cảm thiếu tự tin về bản thân, đó là sự tự ý thức để hoàn thiện không phải là việc đánh giá thấp năng lực, khả năng của mình.
Câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã mang đến những nhận thức sâu sắc về điểm mạnh cũng như những hạn chế, thiếu sót của bản thân, qua đó thôi thúc con người không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để tự hoàn thiện mình.
» Xem thêm tuyển tập 3 bài nghị luận hay về lòng tự trọng
Bài nghị luận 4:
Tự nhận thức về phẩm hạnh, về đức hạnh của mình, về sở trường và sở đoản của bản thân mình là cực kì quan trọng. Muốn trở thành con người tử tế, ai cũng vậy, không chỉ biết tự hào mà còn phải biết tự xấu hổ. Đúng như có ý kiến cho rằng: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết, nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn".
Tự hào là lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có. Ta thường nói: lòng tự hào dân tộc, niềm tự hào về giang sơn gấm vóc, về nhân dân mình; tự hào về bản thân mình,... Xẩu hổ nghĩa là cảm thấy xấu xa, hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác. “Xấu thiếp, hổ chàng" (Tục ngữ). Cần thiết là cần đến mức không thể nào không làm hoặc không có. Quan trọng là có ý nghĩa, có tác dụng hoặc có ảnh hưởng lớn, đáng được coi trọng, không thể coi thường hoặc xem nhẹ.
Qua đó, ta thấy rõ tự hào và tự biết xấu hổ là hai phẩm chất cần có để hình thành và hoàn thiện nhân cách. Nếu không biết tự hào về bản thân mình, không biết tự xấu hổ thì sao xứng đáng được đồng loại coi trọng?
Tại sao biết tự hào về bản thân là cần thiết? Có ai hiểu ta hơn ta? Biết tự hào là tự khẳng định mình, để sống tử tế hơn trước mọi thử thách cuộc đời, để bản thân ta có niềm tin về mọi điều tốt đẹp của mình, trên cơ sở đó mà tự bồi dưỡng, tự rèn luyện, ra sức phấn đấu, phát huy sở trường, tiềm năng, tiềm lực của bản thân mình. “Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi'' là tự hào.
Vốn đã tốt đẹp lại phấn đấu cho tốt đẹp hơn là nhờ có sức mạnh của niềm tự hào. Không chịu “thua chị, kém em'', dám ước mơ và hành động là tự hào. Học đã giỏi lại nỗ lực không ngừng, vươn lên không ngừng, ngày một giỏi hơn là biết sống tự hào. Tự hào giúp ta khắc phục tính tự ti, tự coi mình là hèn kém, là nhỏ bé trước đồng loại. Sống thụ động, mặc cảm là đáng buồn! Tự hào nhưng không nên, không được tự cao, tự đại, tự mãn. Tự cao, tự đại, tự mãn,... sẽ kìm hãm tài năng phát triển, sẽ làm méo mó nhân cách, sẽ bị đồng loại xa lánh, chê cười. Bài ca dao: “Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn ...” đã chỉ ra thói xấu hợm hĩnh lúc nào cũng tự coi mình là “nhất thiên hạ".
Trong cuộc sống, mỗi một chúng ta không chỉ biết tự hào bản thân mà còn phải biết xấu hổ để làm người tử tế. Tại sao tự biết xấu hổ còn quan trọng hơn tự hào? Con người đâu phải là thần thánh! "Nhân vô thập toàn”, bên cạnh mặt tốt, thường có mặt hạn chế, khuyết điểm. Lười biếng, tham lam, dối trá, nói tục, vô lễ, không có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, ... là những tính xấu cần gột rửa, gạt bỏ. Tự xấu hổ thì mới biết sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, làm cho tính tốt phát triển, nhân cách ngày một hoàn thiện.
Có dũng cảm mới biết tự xấu hổ. Có biết tự xấu hổ mới biết tự vấn lương tâm. Có biết xấu hổ mới biết tu dưỡng, biết tự phê bình để cho tâm hồn trong sáng. Câu cổ ngữ "Ngọc bất trác bất thành khí" là bài học về tự mài giũa, tự xấu hổ để sống đẹp hơn, cao quý hơn.
Kẻ không biết xấu hổ là vô liêm sỉ, là loại “mặt trơ, trán bóng”, không biết phân biệt đúng/sai, tốt/xấu, điều đáng làm/ điều không nên làm, v.v... Kẻ không biết tự xấu hổ thì tâm hồn ngàv một đen tối, đầu óc thành ao tù, tâm địa trở nên đồi bại. Hắn sẽ bị đồng loại coi khinh, chê cười.
Tại sao những ông bố, bà mẹ có đứa con hư đốn, giết người cướp của, ... lúc ra đường lại lầm lụi cúi mặt không dám nhìn ai? Tại sao, một số quan tham bị kết án nhiều năm tù, nhưng đứng trước tòa án vẫn nhâng nháo? Tại sao có người lại khóc khi biết mình làm điều sai trái? Đúng là có biết xấu hổ mới biết làm người.
Tóm lại, sống trong cuộc đời, mỗi một chúng ta phải biết nâng cao niềm tự hào vể bản thân, coi đó là điều cần thiết, nhưng phải tự ý thức là biết xấu hổ còn quan trọng hơn. Biết tự hào về bản thân, biết xấu hổ mới trở thành con người tốt, con người có văn hóa. Biết tự hào là thắp sáng ngọn lửa tâm hồn. Biết xấu hổ là để phục thiện. Có thế, mới tốt đẹp, mới đáng yêu.
-/-
Đừng quên truy cập mục tài liệu Văn mẫu 12 để tham khảo thêm nhiều bài văn hay khác do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !