Những nét tương đồng của những bài ca dao than thân và bài Bánh Trôi Nước

Xuất bản: 21/08/2019 - Cập nhật: 04/09/2019 - Tác giả:

Có ý kiến cho rằng những bài ca dao than thân mở đầu bằng cụm từ thân em và bài Bánh Trôi Nước cũng có những nét tương đồng, em hãy làm sáng tỏ thông qua Những câu hát than thân đã được học

Đề bài: Từ những câu hát than thân, em hãy liên hệ đến bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương để thấy cảnh ngộ và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa

-/-

Bài số 1

Văn học dân gian là nguồn thi liệu sinh động, phong phú của thơ ca bác học. Các nhà thơ, các học giả đương thời đã tìm thấy trong kho tàng ca dao những “hạt vàng mười” của ngôn từ, của cách diễn đạt, biểu hiện tư tưởng, tình cảm. Không chỉ vậy, giữa ca dao và thơ ca bác học cũng có những giây phút gặp gỡ nhau về quan niệm, về cách nhìn những vấn đề trong đời sống. Thật vậy, ta có thể cảm nhận điều đó qua sự tương đồng về cảm xúc giữa những câu hát than thân trong chương trình Ngữ văn 7 và bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.

“Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh viên bánh trôi để nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Số phận người phụ nữ trong xã hội đương thời cũng là một đề tài quan trọng của ca dao tục ngữ. Và “Bà Chúa thơ Nôm” đã học ở dân gian cách biểu đạt tư tưởng khá độc đáo. Điều đầu tiên dễ nhận thấy là nét tương đồng trong việc sử dụng cách mở đầu tác phẩm bằng cụm từ “Thân em…”. Ca dao có nhiều câu:

– Thân em như dải lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

– Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

– Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.

– Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Và “Bánh trôi nước” cũng vậy: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Sử dụng từ “Thân em…” để mượn lời người phụ nữ tự nói về thân phận mình tác giả dân gian và nữ sĩ Xuân Hương đều muốn nói lên cái bé nhỏ, bẽ bàng, cô độc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Hai từ “Thân em…” mang ý nghĩa “thân phận của em” và cũng có thể là “tấm thân của em”, hai từ ấy vang lên đầy hờn tủi, đầy xót xa.

Không chỉ vậy, cùng hướng ngòi bút về người phụ nữ, dân gian và Hồ Xuân Hương đều thấy được vẻ đẹp sáng ngời trong dáng dấp bên ngoài và những đức tính tốt đẹp bên trong của người phụ nữ. Ca dao ngợi ca họ là những “dải lụa đào” mềm mại, thanh nhã; là giếng khơi mát lành, trong trẻo; là “hạt mưa” rào giữa cơn khát của nhân gian… Còn “Bánh trôi nước” thì vô cùng trân trọng cái vẻ đẹp “vừa trắng lại vừa tròn” rất mực xinh xẻo, đáng yêu của họ. Không chỉ vậy, họ còn là người có công lao sánh ngang tầm non nước “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Đặc biệt, dầu cuộc đời khó khăn, nhọc nhằn họ vẫn mang “tấm lòng son” chung thủy. Người phụ nữ trong xã hội xưa quả thực rất vẹn toàn về dung nhan và phẩm hạnh.

Tuy nhiên, nhắc đến người phụ nữ, sau những hình ảnh rất đẹp để ngợi ca họ, ca dao lại ngậm ngùi nhắc đến thân phận bọt bèo, bé nhỏ của họ giữa cuộc đời. Họ chỉ là “hạt mưa sa”, là “giếng giữa đàng”, là dải lụa đào giữa chợ… Không chỉ bé mọn mà họ còn không được tự chủ số phận của mình. Cuộc sống của họ là phần dành cho người khác: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Ta cũng gặp tiếng thở dài ấy trong bài thơ của Hồ Xuân Hương:

“Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.

Đời người phụ nữ vốn đã nhọc nhằn với bao việc bếp núc, chợ búa, con cái,… để mưu sinh, để tồn tại. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” dùng để diễn tả sự long đong, lận đận ấy. Nhưng xót thương nhất là họ không có quyền quyết định số phận mình. May hay rủi, hạnh phúc hay bất hạnh đều là do người khác: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.

Vậy là, dù thuộc hai dòng văn học khác nhau, chọn những hình thức thể hiện khác nhau song giữa những bài ca dao và bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đều có sự tương đồng về cảm xúc khi cảm nhận về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ: đó là những người đẹp người đẹp nết nhưng số phận lại vô cùng mong manh, bé nhỏ.

Hình ảnh người phụ nữ hiện lên qua chùm ca dao “Thân em…” và bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương là một biểu hiện quan trọng của tinh thần nhân đạo trong văn học Việt Nam.

↪ Xem thêm bài văn mẫu: Phân tích tác phẩm Bánh trôi nước

↪ Xem thêm:  Soạn bài Bánh trôi nước

Bài số 2

Bài thơ Bánh trôi nước của tác giả Hồ Xuân Hương viết về thân phận và cuộc sống của những người phụ nữ phong kiến trong xã hội xưa. Bài thơ thể hiện sự cảm thông, đồng cảm sâu sắc với thân phận của những người phụ nữ. Trong ca dao xưa cũng đã có rất nhiều bài nói về những người phụ nữ có vẻ đẹp về ngoại hình cũng như phẩm chất nhưng số phận long đong, nổi trôi đầy bất hạnh.

Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ viết về phụ nữ nên ngòi bút của bà hướng đến sự trân trọng, đồng cảm với số phận của những người phụ nữ có vẻ đẹp toàn diện nhưng số phận lại phải phụ thuộc vào người khác. Mở đầu bài thơ, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của những người phụ nữ thông qua hình ảnh của chiếc bánh trôi nước:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Ở trong bài thơ này, tác giả Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh của những chiếc bánh trôi để nói về thân phận của những người phụ nữ, đây là một sự liên tưởng đầy độc đáo, sáng tạo, thể hiện được tài năng cũng như cá tính sáng tạo của nhà thơ. Về ý nghĩa tả thực, ta có thể thấy được hình dáng của những chiếc bánh trôi, đó là những chiếc bánh được làm từ bột gạo nếp, có hình tròn, màu trắng và bên trong có nhân, khi mang luộc bánh sẽ chìm còn khi chín nó sẽ nổi lên mặt nước.

Từ hình dáng và cách thức chế biến của bánh trôi, tác giả hồ Xuân Hương đã gợi ra hình ảnh của những người phụ nữ xưa, đó là những người phụ nữ có vẻ đẹp về nhan sắc, ngoại hình “thân em vừa trắng lại vừa tròn”, cái vẻ tròn trịa của chiếc bánh trôi lại gợi ra vẻ đẹp đầy phúc hậu ở người con gái. Tác giả đã thể hiện sự trân trọng, lời ngợi ca đầy chân thành đối với vẻ đẹp của những người con gái xưa.

Tuy đẹp nhưng những người phụ nữ này lại có số phận chìm nổi, một cuộc sống không tự định đoạt mà lại bị chi phối bởi người khác “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Tuy có cuộc sống long đong, chịu nhiều bất hạnh nhưng trong hoàn cảnh nào thì những người phụ nữ cũng giữ được vẻ đẹp về phẩm tiết, đức hạnh”…mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Trong ca dao xưa cũng có rất nhiều bài ca dao nói về thân phận người phụ nữ, mà điển hình nhất là những bài ca dao được bắt đầu bằng cụm từ “Thân em”

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Bài ca dao này cũng hướng đến ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, so sánh vẻ đẹp ấy với tấm lụa đào, một vẻ đẹp đầy duyên dáng, rạng ngời. Nhưng người phụ nữ này lại có số phận hẩm hiu, tựa như một món hàng được bày bán ở ngoài chợ. Không biết người mua là ai cũng đồng nghĩa với việc không biết người chồng tương ai của mình như thế nào,. Nếu may mắn gặp được người tốt thì sẽ hạnh phúc, ngược lại nếu gặp phải những kẻ vũ phu, độc ác thì sẽ chịu cuộc sống bất hạnh, đau khổ.

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm rồi mới biết rằng em ngọt bùi”

Nếu ở câu ca dao trên nói về vẻ đẹp ngoại hình thì ở câu ca dao này lại nói về vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp bên trong phẩm chất của người con gái. Câu ca dao cũng là lời yêu cầu chân thành, tha thiết đối với những người chồng tương lai của mình, rằng hãy biết trân trọng những vẻ đẹp ấy.

Như vậy cả Hồ Xuân Hương và các tác giả dân gian đều hướng sự quan tâm của mình đến số phận cũng như cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tuy cách biểu hiện có sự khác nhau nhưng đều thể hiện được tinh thần nhân văn sâu sắc của các tác giả.

Trên đây là một số bài văn mẫu về những nét tương đồng của những bài ca dao than thân và bài Bánh Trôi Nước mà Đọc tài liệu muốn gửi tới các em tham khảo, đừng quên xem thêm một số bài văn mẫu 7 chọn lọc liên quan tới đề tài này nữa em nhé:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM