Mẫu đề thi thử môn văn THPT chuyên Hoàng Văn Thụ năm 2018

Xuất bản: 23/05/2018 - Tác giả:

Tham khảo và thử sức với đề thi thử trung học phổ thông năm 2018 môn Ngữ Văn lớp 12 trường THPT Hoàng Văn Thụ khối chuyên, sở giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình.

Cấu trúc đề thi:

Đề thi có dạng tự luận gồm 2 phần chính: Đọc hiểu và Làm văn.

- Phần I. Đọc hiểu

Đọc kỹ đoạn trích văn bản cho trước và thực hiện các yêu cầu bên dưới: phương thức biểu đạt chính, những vấn đề nội dung chính của đoạn, trình bày quan điểm về một ý kiến cho trước.

- Phần II. Làm văn

+ Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý kiến xuất hiện trong đoạn trích phần Đọc hiểu.

+ Trình bày bài văn nghị luận phân tích, cảm nhận về hai nhân vật Tràng và Chí Phèo.

Nội dung chi tiết đề Văn thi thử TH phổ thông quốc gia 2018 - Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

“Một khi bị phụ thuộc quá nhiều vào cảnh ngộ, vào những yếu tố ngoài mình, bạn muốn sống an toàn, sợ thất bại, sợ thiệt thòi, sợ mất mát, mong chờ vào những chỉ dẫn của người khác, của kinh nghiệm ắt bạn sẽ có những lựa chọn mà ta thường gọi là “khôn ngoan”. Khôn ngoan quá thành ra không dám sống nên bạn sẽ không thể biết mình là ai. Việc không biết mình là ai sẽ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng là bạn không tự tại. Người không tự tại là người- đám- đông, sống a dua phong trào, tiêu phí năng lượng vào những chuyện không đáng có. Những người như thế tôi gọi là những kẻ- nhầm- chỗ. Họ luôn ngồi vào chỗ không phải của mình, cầm vật không phải của mình , nói những lời không phải của mình. Điều đó với một số người chưa hẳn đã là bi kịch nhưng với một kẻ tự trọng muốn được làm người tử tế thì đó là một sự xấu hổ, một “nỗi nhục thầm kín”. Sống tử tế thì không thể ngồi vào chỗ không phải của mình, không thể nói những lời không phải của mình và không thể cầm những vật không phải của mình. 

Vậy sự lựa chọn đầu tiên nếu ý thức được phải là lựa chọn sự tự lập. Tôi tự lập từ năm 14 tuổi là do hoàn cảnh xô đẩy chứ không phải do sự lựa chọn một cách có ý thức. Cái này thì hoàn cảnh “lựa chọn” mình, cũng chẳng phải hay lắm. Các bạn trẻ bây giờ sống trong một cảnh ngộ khác, hoàn toàn có thể chủ động trong lựa chọn cái vị thế cá nhân này: tự lập hay phụ thuộc. Lựa chọn sự tự lập là khởi đầu của hành trình để trở thành chính mình.”

(Trích “Lựa chọn để trở thành chính mình” – Nhạc sĩ Dương Thụ - Báo Sinh viên Việt Nam 12/2013)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2. Theo tác giả, những nguyên nhân nào tạo nên “kẻ - nhầm - chỗ"?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Khôn ngoan quá thành ra không dám sống nên bạn sẽ không thể biết mình là ai"?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với suy nghĩ: Sống tử tế thì không thể ngồi vào chỗ không phải của mình, không thể nói những lời không phải của mình và không thể cầm những vật không phải của mình

? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm):

Từ nội dung trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Lựa chọn sự tự lập là khởi đầu của hành trình để trở thành chính mình.

Câu 2 (5.0 điểm):

Cảm nhận của anh/chị về khát vọng hạnh phúc của nhân vật Tràng (Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với khát khao được sống lương thiện của nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét về điểm tương đồng và khác biệt trong cách nhìn con người của hai nhà văn.

Với đề thi thử môn Văn THPTQG trên đây của trường chuyên Hoàng Văn Thụ, các em sẽ có 120 phút để thử sức và làm quen với dạng đề thi trung học phổ thông cơ bản,  củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi chính thức.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM