Lý thuyết Hướng động

Xuất bản: 24/02/2020

Tài liệu tổng hợp lý thuyết Sinh 11 bài 23, kiến thức cần nắm về Hướng động giúp em học tốt môn Sinh lớp 11 phần Cảm ứng.

Đừng bỏ qua tài liệu lý thuyết Sinh 11 bài 23 Hướng động dưới đây do Đọc Tài Liệu biên soạn để nắm được toàn bộ kiến thức sách giáo khoa Sinh học lớp 11 về hướng động, đồng thời tham khảo một số dạng câu hỏi trắc nghiệm thường gặp liên quan đến phần kiến thức này.

Lý thuyết bài 23 Sinh 11 Hướng động ảnh 1

Hệ thống lý thuyết bài 23 Sinh 11: Hướng động

I. HƯỚNG ĐỘNG LÀ GÌ?

- Ở thực vật, phản ứng đối với kích thích có thể là sự vận động của cơ quan như cuống lá, thân hoặc tua hướng tới hoặc tránh xa nguồn kích thích như ánh sáng, hóa chất…

Lý thuyết bài 23 Sinh 11 Hướng động ảnh 2

- Hướng động là hình thức phản ứng của cơ quan thực vật đối với tác nhân kích thích từ một hướng. Hướng của phản ứng được xác định bởi hướng của các tác nhân kích thích.

- Hướng động có 2 loại chính : hướng động dương (sinh trưởng hướng tới nguồn kích thích) và hướng động âm (sinh trưởng theo hướng tránh xa nguồn kích thích)

+ Hướng động dương xảy ra khi các tế bào ở phía không được kích thích (phía tối) sinh trưởng nhanh hơn so với các tế bào được kích thích (phía sáng).

+ Hướng động âm xảy ra khi các tế bào ở phía được kích thích sinh trưởng nhanh hơn so với tế bào không được kích thích

II. CÁC KIỂU HƯỚNG ĐỘNG

Hướng động có các kiểu tương ứng với tác nhân kích thích, ví dụ như hướng sáng, hướng trọng lực, hướng hóa…

1. Hướng sáng

Lý thuyết bài 23 Sinh 11 Hướng động ảnh 3

Hướng sáng của thân là sự sinh trưởng của thân (cành) hướng về phía ánh sáng : thân cây uốn cong về phía nguồn sáng, thân cây có hướng sáng dương. Rễ cây uốn cong theo hướng ngược lại, nên rễ cây có hướng sáng âm.

2. Hướng trọng lực

Lý thuyết bài 23 Sinh 11 Hướng động ảnh 4

Phản ứng của cây đối với trọng lực gọi là hướng trọng lực. Đỉnh rễ cây sinh trưởng theo hướng của trọng lực gọi là hướng trọng lực dương. Đỉnh thân sinh trưởng theo hướng ngược lại hướng của trọng lực gọi là hướng trọng lực âm.

3. Hướng hóa

Lý thuyết bài 23 Sinh 11 Hướng động ảnh 5

- Hướng hóa là phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp lại tác động của hóa chất.

- Rễ cây luôn hướng về nơi có nguồn dinh dưỡng thích hợp và cần thiết cho sự phát triển (hướng hóa dương) và tránh xa nơi có hóa chất độc hại với nó (hướng hóa âm).

4. Hướng nước

- Hướng nước là sự sinh trưởng của rễ cây hướng tới nguồn nước

- Hướng nước và hướng hóa xác định sự sinh trưởng của rễ cây hướng tới nguồn nước và phân bón.

5. Hướng tiếp xúc

Lý thuyết bài 23 Sinh 11 Hướng động ảnh 6

- Hướng tiếp xúc là phản ứng sinh trưởng đối với sự tiếp xúc.

- Phần lớn các loài cây dây leo như cây nho, cây bầu, đậu côve… có tua quấn. tua quấn vươn thẳng đến khi tiếp xúc với giá thể. Sự tiếp xúc đã kích thích sự sinh trưởng kéo dài của các tế bào tại phía không tiếp xúc của tua làm cho nó quấn quanh giá thể.

III. VAI TRÒ CỦA HƯỚNG ĐỘNG

Hướng động giúp cây sinh trưởng hướng tới các điều kiện môi trường thuận lợi giúp cây thích nghi đối với sự biến đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.

>> Xem hướng dẫn soạn Sinh 11 bài 23 chi tiết

Một số bài tập trắc nghiệm về hướng động

Câu 1. Đặc điểm cảm ứng ở thực vật là xảy ra

A. nhanh, dễ nhận thấy

B. chậm, khó nhận thấy

C. nhanh, khó nhận thấy

D. chậm, dễ nhận thấy

Câu 2. Hướng động là hình thức phản ứng của cơ quan thực vật đối với

A. tác nhân kích thích từ một hướng

B. sự phân giải sắc tố

C. đóng khí khổng

D. sự thay đổi hàm lượng axit nuclêic

Câu 3. Sự uốn cong ở cây là do sự sinh trưởng

A. không đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phái không được tiếp xúc sinh trưởng nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

B. đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phía không được tiếp xúc sinh trưởng nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

C. không đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phía được tiếp xúc sinh trưởng nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

D. không đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phía không được tiếp xúc sinh trưởng chậm hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

Câu 4. Khi không có ánh sáng, cây non

A. mọc vống lên và lá có màu vàng úa

B. mọc bình thường nhưng lá có màu đỏ

C. mọc vống lên và lá có màu xanh

D. mọc bình thường và lá có màu vàng úa

Câu 5. Trong cây, bộ phận có nhiều kiểu hướng động là

A. hoa

B. thân

C. rễ

D. lá

Đáp án:

Câu 1: B

Câu 2: A

Câu 3: A

Câu 4: A

Câu 5: C

Xem thêm:

-------------------------

Hy vọng với hệ thống kiến thức lý thuyết Hướng động trên đây, các em sẽ có thêm một tài liệu học tập hữu ích để học tốt hơn môn Sinh 11. Ngoài ra đừng quên xem thêm những kiến thức khác trong phần Soạn Sinh 11 được cập nhật liên tục tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM