Lý thuyết Hô hấp ở động vật

Xuất bản: 20/02/2020 - Cập nhật: 29/04/2022 - Tác giả:

Tài liệu tổng hợp lý thuyết Sinh 11 bài 17, kiến thức cần nắm về hô hấp ở động vật giúp em học tốt môn Sinh lớp 11 phần Chuyển hóa vật chất và năng lượng.

Đừng bỏ qua tài liệu lý thuyết Hô hấp ở động vật dưới đây do Đọc Tài Liệu biên soạn để nắm được kiến thức tổng hợp bài 17 Sinh 11 và các dạng bài trắc nghiệm thường gặp về phần kiến thức này.

Lý thuyết Sinh 11 bài 17 Hô hấp ở động vật ảnh 1

Kiến thức cần nắm
bài 17 Sinh 11: Hô hấp ở động vật

I. Hô hấp là gì?

- Hô hấp là tập hợp những quá trình, trong đó cơ thể lấy O₂ từ bên ngoài vào để ôxi hóa các chất trong tế bào và giải phóng năng lượng cho các hoạt động sống, đồng thời thải CO₂ ra ngoài.

Lý thuyết Sinh 11 bài 17 Hô hấp ở động vật ảnh 2

- Quá trình hô hấp ở động vật bao gồm hô hấp ngoài, vận chuyển khí và hô hấp trong.

- Hô hấp ngoài là quá trình trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường sống thông qua bề mặt trao đổi khí của các cơ quan hô hấp như phổi, mang, da…

II. Bề mặt trao đổi khí

- Bộ phận cho O₂ từ môi trường ngoài khuếch tán vào trong tế bào (hoặc máu) và CO₂ khuếch tán từ tế bào (hoặc máu) ra ngoài gọi là bề mặt trao đổi khí.

- Bề mặt trao đổi khí của cơ quan hô hấp ở động vật là khác nhau nên hiệu quả trao đổi khí của chúng cũng khác nhau. Các đặc điểm của bề mặt trao đổi khí quyết định hiệu quả trao đổi khí:

+ Bề mặt trao đổi khí rộng (tỉ lệ giữa diện tích bề mặt trao đổi khí và thể tích cơ thể lớn)

+ Bề mặt trao đổi khí mỏng và ẩm ướt giúp O₂ và CO₂ dễ dàng khuếch tán qua.

+ Bề mặt trao đổi khí có nhiều mao mạch và máu có sắc tố hô hấp

+ Có sự lưu thông khí tạo ra sự chênh lệch về nồng độ khí O₂ và CO₂ để các khí đó dễ dàng khuếch tán qua bề mặt trao đổi khí.

III. Các hình thức hô hấp

Căn cứ vào bề mặt trao đổi khí, có thể phân chia thành 4 hình thức hô hấp chủ yếu : hô hấp qua bề mặt cơ thể, hô hấp bằng hệ thống ống khí, hô hấp bằng mang, hô hấp bằng phổi

1. Hô hấp qua bề mặt cơ thể

Động vật đơn bào hoặc đa bào có tổ chức thấp như ruột khoang, giun tròn, giun dẹp có hình thức hô hấp qua bề mặt cơ thể.

Lý thuyết Sinh 11 bài 17 Hô hấp ở động vật ảnh 3

2. Hô hấp bằng hệ thống ống khí

- Nhiều loài động vật sống trên cạn như côn trùng… sử dụng hệ thống ống khí để hô hấp.

- Hệ thống ống khí được cấu tạo từ những ống dẫn chứa không khí. Các ống dẫn phân nhánh nhỏ dần. Các ống nhỏ nhất tiếp xúc với tế bào của cơ thể.

- Hệ thống ống khí thông ra bên ngoài nhờ các lỗ thở

Lý thuyết Sinh 11 bài 17 Hô hấp ở động vật ảnh 4

3. Hô hấp bằng mang

- Mang là cơ quan hô hấp thích nghi với môi trường nước của cá, thân mềm (trai, ốc…) và của các loài chân khớp (tôm, cua…) sống trong nước.

Lý thuyết Sinh 11 bài 17 Hô hấp ở động vật ảnh 5

Ngoài 4 đặc điểm của bề mặt trao đổi khí, cá xương còn có thêm 2 đặc điểm làm tăng hiệu quả trao đổi khí, đó là:

- Miệng và diềm nắp mang đóng mở nhịp nhàng tạo nên dòng nước chảy một chiều và gần như liên tục từ miệng qua mang

- Cách sắp xếp của mao mạch trong mang giúp cho dòng máu chảy trong mao mạch song song và ngược chiều với dòng nước chảy bên ngoài mao mạch của mang.

Nhờ các đặc điểm trên, cá xương có thể lấy được hơn 80% lượng O₂ của nước khi đi qua mang.

4. Hô hấp bằng phổi

- Động vật sống trên cạn thuộc lớp Bò sát, Chim, Thú (kể cả người) có cơ quan trao đổi khí là phổi. Không khí đi vào và đi ra khỏi phổi qua đường dẫn khí (khoang mũi, hầu, khí quản và phế quản)

- Vì sống ở cả môi trường cạn và môi trường nước nên lưỡng cư trao đổi khí qua cả phổi và da.

- Ở chim, hô hấp nhờ phổi và hệ thống túi khí. Phổi chim cấu tạo bởi các ống khí có mao mạch bao quanh. Nhờ hệ thống túi khí nên khi thở ra và hít vào đều có không khí giàu O₂ đi qua phổi. Vì vậy, chim là động vật trên cạn trao đổi khí hiệu quả nhất.

- Phổi thú có nhiều phế nang, phế nang có bề mặt mỏng và có mạng lưới mao mạch dày đặc.

Lý thuyết Sinh 11 bài 17 Hô hấp ở động vật ảnh 6

- Sự thông khí ở phổi của lưỡng cư nhờ sự nâng lên và hạ xuống của thềm miệng. Sự thông khí ở phổi của bò sát, chim và thú chủ yếu nhờ các cơ hô hấp co dãn làm thay đổi thể tích của khoang bụng hoặc lồng ngực.

>>> Xem hướng dẫn soạn Sinh 11 bài 17 chi tiết và đầy đủ

Một số bài tập trắc nghiệm về hô hấp ở động vật

Câu 1. Xét các loài sinh vật sau:

(1) tôm     (2) cua     (3) châu chấu

(4) trai     (5) giun đất     (6) ốc

Những loài nào hô hấp bằng mang ?

A. (1), (2), (3) và (5)

B. (4) và (5)

C. (1), (2), (4) và (6)

D. (3), (4), (5) và (6)

Câu 2. Hô hấp ngoài là quá trình trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường sống thông qua bề mặt trao đổi khí ở

A. mang

B. bề mặt toàn cơ thể

C. phổi

D. các cơ quan hô hấp như phổi, da, mang,…

Câu 3. Điều không đúng với đặc điểm của giun đất thích ứng với sự trao đổi khí là

A. tỉ lệ giữa thể tích cơ thể và diện tích bề mặt cơ thể khá lớn

B. da luôn ẩm giúp các khí dễ dàng khuếch tán qua

C. dưới da có nhiều mao mạch và có sắc tố hô hấp

D. tỉ lệ giữa diện tích bề mặt cơ thể và thể tích cơ thể (s/v) khá lớn

Câu 4. Ở cá, khi thở ra thì miệng ngậm lại, nền khoang miệng

A. nâng lên, diềm nắp mang mở ra

B. nâng lên, diềm nắp mang đóng lại

C. hạ xuống, diềm nắp mang mở ra

D. hạ xuống, diềm nắp mang đóng lại

Câu 5. Cơ quan hô hấp của động vật trên cạn nào sau đây trao đổi khi hiệu quả nhất?

A. phổi của bò sát

B. phổi của chim

C. phổi và da của ếch nhái

D. da của giun đất

Câu 6. Phổi của thú có hiệu quả trao đổi khí ưu thế hơn ở phổi của bò sát và lưỡng cư vì phổi thú có

A. cấu trúc phức tạp hơn

B. kích thước lớn hơn

C. khối lượng lớn hơn

D. rất nhiều phế nang, diện tích bề mặt trao đổi khí lớn

Câu 7. Khi cá thở vào, diễn biến nào dưới đây đúng?

A. thể tích khoang miệng tăng lên, áp suất trong khoang miệng tăng, nước tràn qua miệng vào khoang miệng

B. thể tích khoang miệng tăng lên, áp suất trong khoang miệng giảm, nước tràn qua miệng vào khoang miệng

C. thể tích khoang miệng giảm, áp suất trong khoang miệng giảm, nước tràn qua miệng vào khoang miệng

D. thể tích khoang miệng giảm, áp suất trong khoang miệng tăng, nước tràn qua miệng vào khoang miệng

Câu 8. Vì sao ở cá, mang có diện tích trao đổi khí lớn?

(1) mang có nhiều cung mang

(2) mỗi cung mang có nhiều phiến mang

(3) mang có khả năng mở rộng

(4) mang có kích thước lớn

Phương án trả lời đúng là:

A. (1) và (2)       B. (1) và (4)

C. (2) và (4)       D. (2) và (3)

Câu 9. Trong các đặc điểm sau về cơ quan hô hấp

(1) diện tích bề mặt lớn

(2) mỏng và luôn ẩm ướt

(3) có rất nhiều mao mạch

(4) có sắc tố hô hấp

(5) có sự lưu thông khí

(6) miệng và diềm nắp mang đóng mở nhịp nhàng tạo dòng nước chảy một chiều từ miệng qua mang

(7) cách sắp xếp của mao mạch trong mang

Những đặc điểm nào chỉ có ở cá xương?

A. (5) và (6)       B. (1) và (4)

C. (2) và (3)       D. (6) và (7)

Đáp án:

Câu 1: C

Câu 2: D

Câu 3: A

Câu 4:

A

Giải thích:

Thở vào:Miệng cá mở ra, diềm nắp mang đóng lại, nền khoang miệng hạ xuống

Thở ra: Miệng ngậm lại, diềm nắp mang mở ra, nền khoang miệng nâng lên, nước bị đẩy ra ngoài.

Câu 5: B

Câu 6: D

Câu 7: D

Giải thích:

Khi cá thở ra: cửa miệng của cá đóng lại, thềm miệng nâng lên, nắp mang mở ra làm giảm thể tích khoang miệng, áp lực trong khoang miệng tăng lên có tác dụng đẩy nước từ khoang miệng đi qua mang. Ngay lúc đó, cửa miệng cá mở ra và thềm miệng hạ xuống làm cho nước lại tràn vào khoang miệng.

⇒ Thể tích khoang miệng giảm, áp suất tăng, nước tràn vào khoang miệng.

Câu 8: A

Câu 9: D

Xem thêm:

-----------------------

Trên đây là lý thuyết Hô hấp ở động vật. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập doctailieu.com để tham khảo thêm nhiều tài liệu Soạn Sinh 11 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM