Kể lại một câu chuyện trong cuộc sống

Xuất bản: 10/04/2019 - Tác giả: Giangdh

[Văn mẫu 10] Kể lại một câu chuyện trong cuộc sống, những bài văn mẫu kể lại câu chuyện đã từng chứng kiến trong cuộc sống

Đề bài

Viết một bài văn kể lại một câu chuyện xảy ra trong cuộc sống mà em trực tiếp chứng kiến

----------

Những bài văn hay kể lại một câu chuyện trong cuộc sống lớp 10

Bài văn mẫu 1 kể lại một câu chuyện trong cuộc sống mà em trực tiếp chứng kiến

Sáng chủ nhật tuần trước, tại địa phương em, các chú các bác trong tổ dân phố đã góp sức lợp lại mái nhà cho chú Thành, một thương binh nặng bị cụt cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn 1975.

Trước đó nửa tháng, bác Năm tổ trưởng và chú  n, công an khu vực đã đến từng nhà, vận động bà con quyên góp tiền để mua vật liệu. Ai cũng vui lòng giúp đỡ nên sẵn sàng ủng hộ, dù ít, dù nhiều. Mấy ngày sau, các vật liệu cần thiết đã được chuẩn bị đầy đủ.

Sáng sớm, các anh thanh niên trong đội dân phòng đã bắt tay vào việc dưới sự điều khiển của bác Năm và chú  n. Toàn bộ mái tôn cũ nát được dỡ ra, xếp gọn vào một góc sân. Sau đó, từng tấm tôn mới được chuyển lên mái, sắp kín vào nhau theo hàng ngang, từ thấp lên cao. Người giữ tôn, người đóng đinh ghép chặt tôn vào xà gồ. Tiếng cười nói vang rộn xen lẫn tiếng búa gõ chan chát. Mọi người làm việc vui vẻ quên cả mệt nhọc. Hăng hái nhất là đám thanh niên. Các anh làm việc liên tục không nghỉ. Đến trưa thì mái trước đã lợp xong. Bác Năm bảo mọi người dừng tay, về nhà ăn cơm, chiều đến làm tiếp.

Trời vừa tắt nắng thì công việc cũng xong xuôi. Những tấm tôn trắng ngời làm cho căn nhà sáng sủa, khang trang hẳn lên. Ngồi trên chiếc xe lăn, nhìn mọi người làm việc, chú Thành xúc động lắm. Lúc mọi việc đã đâu vào đấy, bác Năm đại diện bà con trong tổ dân phố nói mấy lời với chú Thành. Chú và gia đình cảm ơn mọi người đã nhiệt tình giúp đỡ. Từ nay, nhà chú đã thoát khỏi cảnh chịu dột trong mùa mưa.

Được chứng kiến cảnh ấy, em càng thấm thía hơn câu nói: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Em cũng là một hàng xóm nhỏ của chú Thành. Em sẽ giúp đỡ chú những việc hợp với sức khoẻ của mình. Việc làm đầy tình nghĩa của bà con khu phố đã tạo cho chú Thành niềm tin vào con người và cuộc sống.

Bài văn kể lại một câu chuyện trong cuộc sống số 2

Suốt năm năm nay, người dân ở quanh Trường tiểu học Ya Chim 1 (xã Ya Chim, thị xã Kon Tum) rất cảm động trước tình bạn của hai cậu học sinh. Thấy bạn mình có đôi chân què quặt, cậu bé A Byưh đã tình nguyện cõng bạn đến trường hàng ngày. Dù mưa gió hay mùa khô nắng gắt, người ta vản thấy A Trâm tươi cười trên lưng A Byưh đến trường. Nhà A Byưh nghèo khó, bố mẹ lam lũ rẫy nương, nhà của A Trâm cũng chẳng khá gì hơn. Không một ai bắt A Byưh phải làm thế, nhưng vì thương bạn, cậu bé đã làm điều đó một cách tự nguyện và vui vẻ.

“Em muốn mình là đôi chân của bạn”, A Byưh tâm sự.

“Yàng không phạt người tốt đâu!”.

A Byưh và A Trâm ở cùng làng Klâu Ngoh Zố. Vì thế, từ nhỏ hai cậu đã kết thân với nhau. Nhà A Byưh nghèo, anh em lại đông nên cậu bé phải vất vả từ nhỏ. Còn hoàn cảnh A Trâm cũng chẳng khá hơn. Khi vừa sinh ra, chẳng hiểu vì sao đôi chân của em cứ teo tóp rồi không thể đi được, chỉ lết quanh quẩn trong nhà. Thấy con bị tật nguyền, ba của em trốn biệt, chỉ còn lại hai mẹ con trong căn nhà sàn trống trơ. Hằng ngày, sau giờ sua bò lên rẫy, A Byưh lại đến chơi với A Trâm. Trò chơi của những đứa trẻ vùng quê giữa Tây Nguyên bạt ngàn chỉ là mấy cái lá cây vàng rụng, vài cục đất sét lượm được quanh vùng. Vậy mà tình bạn giữa hai đứa cứ ngày càng thắm thiết.

Đến tuổi đi học, A Byưh vui mừng khi mẹ cho chiếc cặp mới để chuẩn bị đến trường, cậu mang đến nhà A Trâm để hai đứa cùng vui. Nhưng A Trâm không thể nào vui được, cậu lết ra sau căn nhà sàn rồi ngồi bệt giữa đất mà khóc. A Byưh lên tiếng: “Mầy không vui khi tao được đi học hả A Trám? Tại sao mày lại khóc?”. A Trâm sụt sùi trả lời: “Không phải tao không vui vì mầy được đi học, mà tao buồn vì tao không có đôi chân như mày để đi học. Tao buồn lắm A Byưh!”. Thương bạn, A Byưh suy nghĩ nhiều lắm. Rồi bỗng dưng mấy hôm sau A Byưh đến nhà A Trâm với nét mặt hớn hở: “Tao có đôi chân, hai đứa mình dùng chung. Cả hai cùng đi học nhé!”. Nghe bạn nói, cái bụng A Trâm mừng như được quà.

Chị Y Thanh, mẹ A Trâm, nhớ lại: “Thương con lắm nhưng nó tật nguyền, trường lớp lại xa, mình thì suốt ngày lên rẫy. Nhà chỉ có hai mẹ con, ai đưa nó đến trường! Mình nghĩ cái số nó bị Yàng phạt nên có học cũng chẳng làm được gì. Thôi thì mặc cho Yàng vậy”. Nhưng rồi một hôm thây A Byưh đứng chần chừ trước cửa như muốn nói điều gì đó, chị Y Thanh lên tiếng: “A Byưh, mày có chuyện gì muốn nói à?”. Sau một hồi ngập ngừng, A Byưh lên tiếng: “Dì cho thằng A Trâm đi học với con nhé? Con sẽ cõng nó tới trường!”.

Tuy ưng cái bụng nhưng chị Y Thanh vẫn lo lắng: “A Byưh à, cái số thằng A Trâm bị Yàng phạt rồi, mày giúp nó không sợ Yàng hả?”. Chẳng một phút đắn đo, A Byưh trả lời: “Không đâu, Yàng không phạt người tốt đâu! Con sẽ cõng A Trâm tới trường”.

Thấy A Byưh nhất quyết xin cho A Trâm tới trường, cuối cùng chị Y Thanh cũng đồng ý. Ngày khai trường, A Trâm rạng rỡ nụ cười trên lưng A Byưh, chị Y Thanh thấy vui vô cùng! Tuy khuyết tật nhưng A Trâm cũng lớn ngang ngửa với A Byưh. Để đến được trường, nhiều khi đôi bạn nhỏ phải ngồi bệt giữa đường nghỉ lấy hơi.

Thấy dáng A Byưh cõng bạn đi liêu xiêu trên con đường đất đỏ của làng, ai cũng thầm thán phục và lo lắng cho lòng tốt của A Byưh có ngày bị Yàng phạt. Nhưng A Byưh và A Trâm thì không, hai đứa vẫn cười đùa hồn nhiên trong suốt hành trình năm năm đi tìm con chữ.

Anh Tuấn, một người sửa xe đạp ở làng và cũng là nhân chứng của đôi bạn này trên con đường đầy bụi đỏ kể: “A Trâm ngày càng lớn nên nhiều lúc A Byưh cõng cũng thấm mệt. Những lúc như vậy A Trâm cởi quần dài, ngồi lết từng đoạn chờ bạn nghỉ mệt.

Ở quê, trẻ con có được ăn sáng trước khi đến trường đâu, khi tan học cũng đã thấm cơn đói. Vậy mà chưa bao giờ tôi thấy A Byưh bỏ bạn cả, mệt lắm thì nó lấy cái mo cau kéo bạn về. Có những hôm mưa lớn, thấy hai đứa lem luốc bùn đất, thương quá tôi lấy xe chở về. Tôi vẫn thường chỉ vào tụi nó mà dạy con tôi, nhưng nói thật để làm được như A Byưh thì hiếm lắm!”.

Năm nay, cả A Byưh và A Trâm đã bước vào lớp 6, trường lại xa nhà hơn 6 km. Hôm tôi đến chỉ còn gần một tuần nữa là vào năm học mới, A Trâm nói với giọng buồn buồn: “Trường xa quá, chắc con phải nghỉ học thôi. Đi xa vậy mà bắt bạn cõng thì tội lắm”. Nói rồi cậu bé thút thít khóc. Đúng lúc đó A Byưh từ rẫy chạy về: “A Trâm à, mày có nhà không? Đi chăn bò tao thấy có mấy trái này chín ngon quá, tao mang về cho mày này”. Rồi cả hai cùng chia nhau mớ trái cây trên rừng ăn ngon lành. A Trâm quên cả buồn.

Sau khi ăn xong trái cây, A Byưh nói với bạn: “Mày đừng buồn nữa A Trâm à, dù trường có xa tao cũng cõng mày đi học, vì mày là bạn tốt của tao mà”. Nói rồi A Byưh lôi chiếc xe đạp hư của chị Y Thanh vứt ở góc nhà ra ngắm nghía. A Byưh nói sẽ xin chị Y Thanh tiền để sửa lại chiếc xe đạp, sẽ tập đi xe đạp cho kịp ngày khai trường.

Nhìn chiếc xe gỉ sét tôi chợt chạnh lòng. Nhưng khi nhìn thẳng vào đôi mắt đen nhánh và to tròn của A Byưh, tôi biết cậu bé sẽ làm được. Vì cậu đã hứa: mãi là đôi chân của bạn.

Kể lại một câu chuyện trong cuộc sống mà em trực tiếp chứng kiến lớp 10 - Bài số 3

Hôm ấy, chiều thứ bảy, em sang nhà ngoại chơi. Khi đi đến gần đồn công an, một sự việc xảy ra làm em chú ý.

Ngay trước cổng đồn, một người phụ nữ đang vừa khóc vừa nói gì đó với chú công an. Người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, ăn mặc giản dị, tay xách một gói đồ. Còn chú công an khoảng hai mươi lăm tuổi. Người phụ nữ vẫn vừa khóc vừa cầu cứu chú công an:

- Chú ơi! Chú cứu tôi với. Bây giờ tôi biết làm sao đây!

Chú công an ôn tồn nói với người phụ nữ:

- Chị cứ bình tĩnh kể đầu đuôi sự việc. Chúng tôi sẽ giúp chị.

Người phụ nữ nức nở:

- Tôi đưa cháu đi chợ để mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho cháu vào năm học mới. Trả tiền xong, quay lại, tôi đã không thấy cháu đâu cả. Tôi tìm mấy vòng quanh nơi mua bán cũng không thấy. Tôi lo quá không biết tính sao. Thế là tôi lại đây. Chú ơi! Chú giúp tôi với!

Chú công an hỏi:

- Cháu bé là trai hay gái? Cháu mấy tuổi? An mặc thế nào?

Người phụ nữ kể cho chú công an nghe. Chú ghi ghi, chép chép ... Đúng lúc đó tôi thấy chị Lan, gần nhà tôi, tay dắt một đứa bé trai khoảng 5 tuổi đến cổng đồn công an. Em bé vừa đi vừa khóc, mồ hôi nhễ nhại. Chị Lan dùng khăn giấy lau cho em và nói với em điều gì đó.

Vừa nhìn thấy bé trai, người phụ nữ mừng quýnh:

- Oi! Con tôi! Chú công an ơi! Cháu đây rồi! Người phụ nữ ôm chầm lấy con. Có lẽ mừng quá nên mất mục lúc sau người phụ nữ mới quay sang cảm ơn chị Lan rối rít:

- Cô cảm ơn cháu nhiều lắm! Nếu không có cháu bây giờ cô không biết sẽ làm sao?

Chị Lan nhẹ nhàng đáp:

- Dạ, không có gì đâu cô ạ! Cháu sang nhà bạn. Trên đường đi, cháu thấy em đang ngồi bên gốc cây và khóc. Cháu hỏi nhưng em không nhớ số nhà nên cháu không thể đưa em về nhà được. Cháu quyết định đưa em đến đây để nhờ các chú công an giúp đỡ.

Người phụ nữ nói tiếp:

- Cháu ngoan quá! Cháu tên gì? Cháu học lớp mấy?

Chị Lan chỉ cười, rồi xin phép về. Mọi người nhìn chị Lan bằng ánh mắt trìu mến. Riêng tôi, tôi rất yêu quý chị Lan. Chị không chỉ giúp đỡ bà con, cô bác lối xóm mà chị luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người.

---------

Trên đây là một số bài văn mẫu 10 kể lại câu chuyện xảy ra trong cuộc sống mà em trực tiếp chứng kiến bao gồm những bài văn hay nhất được Đọc tài liệu biên soạn. Còn rất nhiều những bài văn mẫu hay khác, các em chỉ cần truy cập vào trang doctaileu.com là có thể thấy ngay nhé. Chúc các em học tốt môn văn mẫu lớp 10.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM