Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích lớp 4

Xuất bản: 08/03/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài và 7+ bài văn mẫu tham khảo hay kể lại một câu chuyện mà em yêu thích lớp 4 ngắn gọn nhất, có thể là truyện cổ tích, truyện ngắn,...

Tham khảo TOP 7+ bài văn mẫu kể lại một câu chuyện mà em yêu thích lớp 4 kèm theo một số gợi ý cách làm do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình làm bài cũng như rèn luyện kĩ năng làm văn kể chuyện.

Dàn ý kể lại một câu chuyện mà em yêu thích

Mẫu dàn ý chung

1. Mở bài

- Giới thiệu câu chuyện mà em muốn kể (tên truyện, tác giả,...)

- Nêu lí do em thích câu chuyện đó.

2. Thân bài

- Kể lại các sự kiện chính của câu chuyện theo trình tự logic:

+ Giới thiệu nhân vật chính, hoàn cảnh của nhân vật.

+ Diễn biến câu chuyện: các sự kiện quan trọng, mấu chốt.

+ Kết thúc câu chuyện.

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ của em về câu chuyện, tình cảm đối với các nhân vật.

- Bài học rút ra từ câu chuyện.

Mẫu dàn ý chi tiết kể lại truyện Tấm Cám

1. Mở bài

- Giới thiệu truyện "Tấm Cám": là một truyện cổ tích Việt Nam nổi tiếng.

- Nêu lí do yêu thích câu chuyện: Vì nội dung hay, nhân vật hấp dẫn và mang nhiều bài học ý nghĩa?

2. Thân bài

- Kể lại các sự kiện chính:

+ Mẹ con Cám hãm hại Tấm, Tấm phải chịu nhiều khổ cực.

+ Tấm được Bụt giúp đỡ, trở nên xinh đẹp, tài năng.

+ Tấm gặp lại mẹ, trả thù Cám và được hạnh phúc bên vua.

- Đánh giá, cảm nhận về các nhân vật:

+ Tấm: hiền lành, chăm chỉ, chịu thương chịu khó.

+ Cám: độc ác, tham lam, lười biếng.

- Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ: thương cảm cho Tấm, căm ghét Cám và mong muốn cái thiện luôn chiến thắng cái ác.

3. Kết bài

- Nêu ý nghĩa câu chuyện: bài học về lòng hiếu thảo, về sự công bằng.

- Nêu cảm nghĩ: yêu thích câu chuyện, học được nhiều bài học quý giá.

TOP 7 bài văn kể lại một câu chuyện mà em yêu thích lớp 4

Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích bài số 1

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Câu chuyện cổ tích đầu tiên mà em được đọc, cũng là câu chuyện mà em yêu thích nhất. Đó là câu chuyện cổ tích Cây khế.

Cây khế kể về hai anh em ruột cùng chung sống trong một ngôi nhà nhưng lại có tính cách trái ngược nhau. Người anh trai tham lam, lười biếng bao nhiêu, thì người em lại chăm chỉ, lương thiện bấy nhiêu. Một ngày nọ, người cha đột ngột qua đời mà không để lại lời dặn dò nào. Người anh trai liền nhân cơ hội đó, dành lấy hết mọi tài sản và chia cho em mình duy nhất một cây khế già, rồi đuổi em ra sống ở túp lều nhỏ cạnh cây khế. Tuy bị anh trai đối xử như vậy, người em vẫn không hề oán hận. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng người em vẫn lạc quan, chăm chỉ tiến tới. Cậu còn thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở trong làng, nên rất được mọi người yêu quý.

Mùa hè năm đó, cây khế già nhà người em trai bất ngờ sai trái. Quả nào cũng to và ngọt nước, nên thu hút nhiều chim chóc đến ăn. Một hôm, từ phương xa bay đến một con chim lớn. Nó ăn rất nhiều quả, mà ngày nào cũng đến ăn nên tán khế thưa thớt quả dần. Thấy vậy, người em bèn ra đứng dưới gốc cây than thở với chim về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, mong chim đừng đến ăn trái nữa. Ngờ đâu, con chim ấy lại biết nói tiếng người, đã vậy còn hứa hẹn sẽ dùng vàng trả tiền cho số khế nó đã ăn. Nó hẹn người em trai may túi ba gang, rồi chờ nó đến chở ra đảo lấy vàng. Hôm sau, chim thần thật sự xuất hiện và đưa người em ra một hòn đảo lớn chứa đầy vàng bạc châu báu. Nhờ chuyến đi đó, mà gia đình người em trở nên giàu có, sung túc.

Hay tin, người anh trai tham lam lập tức lân la sang nhà để hỏi thăm. Biết chuyện chim thần, hắn đem hết gia sản của mình để đổi lấy cây khế của em trai. Rồi lại bắt chước em ra gốc cây than thở với chim thần. Nhờ vậy, hắn cũng được chim thần hứa hẹn đưa ra đảo vàng như đã hứa với người em. Tuy nhiên, sự tham lam và xảo trá, đã khiến hắn ta may một chiếc túi những mười hai gang. Đã vậy, hắn còn cố nhồi nhét thêm vàng vào túi áo, túi quần. Điều đó làm chim thần chật vật mãi mới bay lên cao được. Nhưng xui xẻo thay, trên đường về bất ngờ có cơn bão lớn ập đến, khiến chim rớt xuống biển. Tuy nhiên, chim thần nhanh chóng vỗ cánh vùng bay lên được. Còn tên anh trai tham lam thì vì buộc lên người số vàng quá lớn, nên đã nhanh chóng chìm sâu xuống biển

Kết cục ấy của câu chuyện đã dạy cho người đọc bài học ý nghĩa. Rằng ở đời, người sống hiền lành sẽ được hưởng may mắn, còn kẻ tham lam, xảo trá thì sẽ bị trừng phạt.

Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích bài số 2

Sọ Dừa là câu chuyện cổ tích mà bà đã kể cho em mỗi tối khi còn nhỏ. Đó là câu chuyện kể về Sọ Dừa, một người con trai có hình dáng kỳ lạ, xấu xí giống trái sọ dừa. Nhưng chàng lại là người chăm chỉ, chịu khó. Chàng đã xin mẹ cho đi chăn bò ở nhà phú ông. Dưới sự nghi ngờ của mọi người, chàng không chỉ trông đàn bò rất tốt, mà con bò nào cũng mập mạp. Trong khoảng thời gian đó, người con gái út của phú ông luôn mang cơm đến cho Sọ Dừa mà không ngại ngoại hình xấu xí của chàng. Cảm động trước điều đó, chàng về nhà xin mẹ hỏi cưới cô. Ngày cưới, nhà Sọ Dừa bày cỗ linh đình, Sọ Dừa trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú khiến ai cũng ngạc nhiên. Vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Sau khi kết hôn, Sọ Dừa ngày ngày đèn sách, rồi thi đỗ Trạng Nguyên. Vì thế, hai chị gái của vợ chàng vô cùng ghen ghét.

Nhân lúc Sọ Dừa đi sứ vắng nhà, hai cô chị rủ em chèo thuyền ra biển chơi, rồi đẩy cô xuống nước. May mắn thay, cô em gái sống sót được nhờ vào con dao găm và hai quả trứng mà Sọ Dừa dặn phải luôn mang theo. Hai vợ chồng gặp lại nhau khi Sọ Dừa đi thuyền ngang qua. Sọ Dừa cùng vợ trở về nhà và sống hạnh phúc với nhau. Còn hai cô chị xấu xa thì xấu hổ bỏ đi biệt xứ.

Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích bài số 3

“Ếch ngồi đáy giếng” là câu chuyện kể về một chú ếch sống trong giếng nước sâu. Hàng ngày, khi cất tiếng kêu, tiếng của nó vang vọng khắp giếng, khiến cho những chú cua, cô ốc trong giếng sợ hãi. Nó nhìn qua miệng giếng, thấy trời chỉ bằng cái vung. Ếch luôn cho rằng ta đây là chúa tể của muôn loài, coi thường vạn vật.

Một đợt mưa to, nước mưa chảy xuống giếng rồi dần nâng cao nước lên miệng giếng, ếch ta theo đó mà thoát khỏi đáy giếng. Vẫn theo thói quen dưới đáy giếng, chú ta kiêu ngạo, huênh hoang bước đi, tự cho rằng mọi người phải nhường đường cho mình, rồi kết cục là bị một chú trâu đi qua dẫm bẹp.

Câu chuyện gửi gắm chúng ta bài học đắt giá: rằng cuộc sống không nên kiêu ngạo, phải luôn học tập, tự trau dồi kiến thức cho bản thân mình.

Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích bài số 4

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.

- Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bên mình, về với mẹ thôi.

Cậu liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá! - Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.

Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé.

Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá! Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.

Cây rung rinh cành lá, thì thào:

- Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.

Cậu òa lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về.

Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình. Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là cây vú sữa.

Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích bài số 5

Vua Hùng Vương đời thứ sáu muốn tìm một người nối ngôi xứng đáng trong số hai mươi người con trai của mình. Vua Hùng đã đưa ra điều kiện với các hoàng tử: không nhất thiết phải là con trưởng, người làm vừa ý nhà vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi. Các lang đều muốn có ngôi báu về mình, nên đua nhau sắm những của ngon vật lạ dâng lên vua cha.

Duy chỉ có Lang Liêu, người con trai thứ mười tám, vì nhà nghèo nên không thể đi tìm những của ngon như những người anh em của mình. Mẹ chàng bị vua cha ghẻ lạnh, quanh năm chàng chỉ lo công việc đồng áng. Nhưng bỗng đêm nọ, chàng mơ một giấc mơ kỳ lạ, người trong mơ bảo chàng hãy làm bánh từ gạo lễ Tiên Vương. Biết được báo mộng, chàng dùng loại gạo dẻo, trắng tinh, thơm lừng, đậu xanh và thịt lợn gói trong lá dong thành thứ bánh hình vuông. Rồi cũng loại gạo ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn rồi nặn thành bánh hình tròn.

Đến ngày, chàng dâng hai loại bánh nên vua cha, vua rất hài lòng và truyền ngôi cho Lang Liêu. Bánh hình vuông tượng trưng cho đất, vua đặt tên là bánh chưng, loại bánh có hình tròn tượng trưng cho trời, vua đặt tên là bánh giầy. Kể từ đó, vào ngày Tết, gói bánh chưng bánh giầy đã trở thành tục lệ không thể thiếu của nhân dân ta.

Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích bài số 6

Cây tre trăm đốt là một câu chuyện cổ tích rất hay và được nhiều người yêu thích. Trong đó có em.

Hồi còn nhỏ, em thường được bà nội kể nhiều truyện dân gian trong đó "Cây tre trăm đốt" là một trong những truyện mà em rất thích. Nội dung truyện kể về ngày xưa, ở một làng nọ có một anh trai cày mồ côi cha mẹ từ bé. Anh được một lão nhà phú hộ thuê. Vốn hiền lành, chất phác nên lão bảo gì anh làm nấy. Một hôm, lão gọi anh đến dỗ ngon, dỗ ngọt: "Con ở nhà ta đã lâu, lại thấy con ngoan ngoãn, hiền lành nên ta định gả con gái cho con. Với điều kiện trong ba năm, con phải làm ăn đến nơi đến chốn". Thấy lão nói thế, anh mừng lắm, cứ tưởng thật nên anh càng làm việc hăng say hơn.

Nhờ ba năm làm việc cực nhọc của anh, giờ đây lão đã tậu thêm được ruộng vườn, nhà cửa và nhiều thóc lúa. Trong ba năm đó, lão đã ngầm hứa gả con cho một lão buôn giàu có. Gần đến ngày lão nói với anh là sẽ gả con gái cho anh, lão bảo anh vào rừng tìm một cây tre trăm đốt làm của hồi môn. Anh liền vào rừng tìm cây tre trăm đốt. Ở nhà, lão phú hộ nghĩ thầm: "Làm gì có tre trăm đốt mà tìm thể nào nó cũng bị rắn cắn, hổ vồ". Trong rừng anh đang cố gắng tìm được thứ lão phú hộ cần, nhưng nhiều lắm cũng chỉ có năm mươi đốt. Anh tìm đến hai ngày sau vẫn không thấy cây tre trăm đốt. Buồn quá, anh ngồi xuống cạnh một cái cây mà khóc. Thấy thế, Bụt hiện lên hỏi: "Tại sao con khóc?". Anh trai cày kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Bụt, Bụt bảo: "Chuyện đó khó gì, con hãy tìm cho ta một trăm đốt tre và hô "khắc nhập, khắc nhập" thì các đốt tre sẽ liền lại thành một cây, còn hô "khắc xuất, khắc xuất" thì cây lại rời ra". Anh định cảm ơn thì Bụt đã biến mất. Anh tìm đủ một trăm đốt tre rồi bó lại mang về. Đến nơi, anh thấy tiệc tùng linh đình trong nhà phú hộ. Anh tức lắm nhưng vẫn hô: Khắc nhập, khắc nhập, cây nhập liền lại vươn thẳng lên trời. Mọi người ngạc nhiên chạy ra xem. Lão phú hộ chen trong đám người bước ra với vẻ mặt ngạc nhiên. Anh liền đọc: "Khắc nhập, khắc nhập" thế là lão phú hộ dính chặt vào cây. Lão phú hộ van xin anh. Mãi sau anh mới khoan thai đọc: "Khắc xuất, khắc xuất" thế là lão phú hộ rời ra khỏi cây tre và phải gả con gái cho anh. Hai vợ chồng anh trai cày sống với nhau vui vẻ.

Kể lại một câu chuyện mà em yêu thích bài số 7

Mảnh sân chung là một câu chuyện ngắn rất hay và ý nghĩa mà em đọc được gần đây. Câu chuyện kể về hai bạn nhỏ Thuận và Liên sống ở cạnh nhau. Hai ngôi nhà của hai bạn có chung một mảnh sân khá rộng. Hằng ngày, nhà Thuận thường quét sân vào buổi sáng, còn nhà Liên thì quét sân vào buổi chiều. Vì vậy, mà nhìn mảnh sân lúc nào cũng chia thành hai nửa rõ rệt. Thấy vậy, Thuận đã quyết định quét luôn cả mảnh sân nhà Liên vào mỗi sáng. Tuy nhiên, sau vài hôm, thì Thuận nhận ra, có ai đó đã dậy sớm hơn mình để quét toàn bộ mảnh sân buổi sáng. Đó chính là Liên ở nhà bên. Thế là, cả hai bạn đã so bì với nhau, xem ai dậy sớm hơn và “được quyền quét mảnh sân chung ấy”. Cho đến hôm nọ, trời đổ mưa to vào sáng sớm, nên cả hai bạn phải ngồi trong nhà. Cũng nhờ vậy, cả hai bạn mới trò chuyện với nhau và quyết định chia lịch quét sân chung. Câu chuyện không có chi tiết đặc sắc hay kịch tính nào nhưng vẫn rất hay và cuốn hút. Điều em thích nhất ở câu chuyện là tính cách của hai bạn nhỏ. Cả hai bạn đều có tinh thần tự giác quét dọn khu vực sân chung mà không cần chờ người lớn nhắc nhở hay nhờ vả. Đọc câu chuyện về Thuạn và Liên, em bỗng được truyền động lực để dậy sớm mỗi ngày quét sạch sân trước của nhà mình. Ý nghĩa tích cực ấy đã tạo nên giá trị và sức hấp dẫn cho câu chuyện Mảnh sân chung đối với em.

-/-

Các em vừa tham khảo gợi ý và một số đoạn văn kể lại một câu chuyện mà em yêu thích lớp 4 do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài làm văn của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Tập làm văn 4 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM