Tiết Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia tuần 27 Tiếng Việt 5 tập 2, các em sẽ được luyện tập cách kể lại một câu chuyện liên quan tới thầy cô giáo, đó là câu chuyện thể hiện lòng biết ơn, tình cảm với thầy cô hoặc câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo. Để chuẩn bị tốt cho tiết học này, các em hãy tham khảo bài soạn chi tiết dưới đây của Đọc tài liệu nhé!
I. Hướng dẫn kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
1. Những việc làm thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo:
- Học sinh kính trọng, biết ơn thầy cô giáo
- Học sinh đã trưởng thành nhớ ơn thầy cô giáo cũ
- Cán bộ địa phương quan tâm phát triển giáo dục
- Nhân dân địa phương tham gia xây dựng trường lớp khang trang, sạch đẹp
2. Kỷ niệm về thầy cô
- Kỷ niệm về ngày đầu tiên đến trường, những hình ảnh, ấn tượng mới lạ, tốt đẹp về thầy cô
- Kỷ niệm về sự chăm sóc, ân cần, động viên, khuyến khích học sinh của thầy cô giáo
- Kỷ niệm về một việc làm tốt được thầy cô khen, một việc làm sai được thầy cô phê bình, chỉ bảo
3. Nhân vật trong các câu chuyện trên có thể là:
- Thầy cô giáo của em và bản thân em
- Bạn bè ở trường, ở đường phố, thôn xóm em
- Người thân trong gia đình em (ông bà, cha mẹ, cô bác,...)
- Cán bộ lãnh đạo địa phương em
- Các cô bác ở đường phố, thôn xóm em
4. Kể như thế nào?
a/ Yêu cầu: Kể một câu chuyện cụ thể (diễn ra trong một thời gian nhất định, ở một địa điểm xác định).
b/ Trình tự kể:
- Giới thiệu câu chuyện
- Thuật lại nội dung câu chuyện:
+ Câu chuyện bắt đầu như thế nào?
+ Diễn biến của câu chuyện ra sao? (chú ý nhất mạnh các chi tiết thể hiện thái độ tôn sư trọng đạo, tình cảm của học sinh đối với thầy cô hoặc tình cảm của thầy cô với học sinh)
II. Thực hành kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
Đề bài: Chọn một trong hai đề bài sau:
1. Kể một câu chuyện mà em biết trong cuộc sống nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ta.
2. Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em, qua đó thể hiện lòng biết ơn của em với thầy cô.
Tham khảo một số bài kể dưới đây:
Đề 1. Kể một câu chuyện mà em biết trong cuộc sống nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ta.
Năm đó tôi rời khỏi làng quê ra thành phố Hội An để tiếp tục việc học.
Ở lứa tuổi mười bốn, trình độ văn hóa lớp chín, nhờ sự giới thiệu của một người bạn học, tôi được vào "dạy kèm" cho một gia đình giàu có. Hằng ngày ngoài việc dạy kèm cho bốn cô cậu ấm học từ lớp một cho đến lớp bảy, tôi còn phải vác gạo, khiêng muối, ghi hóa đơn, tính sổ.
Những lúc quá nhớ nhà, quá tủi thân, tôi lại tìm đến căn phòng trọ của thầy tôi. Ở đấy, tôi có thể ngồi hằng giờ bên thầy, có thể tìm đọc những sách báo tôi rất mê mà không có tiền để mua. Chỉ những lúc đó, tôi mới tìm lại được một chút không khí gia đình, một chút tình thương, một chút an ủi mà tôi sớm bị đánh mất.
Tôi còn nhớ có một buổi chiều trời se lạnh, sau khi đã mệt mỏi với những tảng sách vô tư, thầy trò tôi bèn rủ nhau đi dạo phố. Không khí tưng bừng của phố xá những ngày cuối năm chuẩn bị đón Noel làm cho thầy trò tôi cảm thấy cô đơn thêm, vì thế, thầy bèn dẫn tôi vào Khổng miếu để chơi.
Sau khi ngồi dưới chân tượng Khổng Tử, hai thầy trò tôi đều yên lặng theo đuổi những ý nghĩ riêng tư. Bỗng thầy tôi đưa tay vào túi áo rút tờ giấy bạc hai trăm đồng còn mới nguyên, chưa có nếp gấp, nhẹ nhàng bỏ vào túi áo của tôi. Tôi ngước lên nhìn thấy định từ chối vì biết thầy cũng rất nghèo. Tôi thấy thầy đưa tay chặn nắp túi áo tôi như thầm bảo: "Hãy đừng nói gì cả". Trên môi thầy nở nụ cười hiền lành với một chiếc răng khểnh rất dễ thương. Còn tôi không sao ngăn được hai giọt nước mắt cứ lăn dài xuống má.
Cuộc đời trớ trêu dẫn tôi vào trường sư phạm để rồi trở thành một thầy giáo. Mỗi lần trời trở rét, mỗi lần lĩnh lương có những tờ giấy bạc mới tôi lại nhớ đến thầy, nhớ nụ cười thật hiền với chiếc răng khểnh dễ thương của thầy tôi vào một buổi chiều xa lắc xa lơ trong quá khứ mù sương của tôi!
Theo Lê Thế
Đề 2. Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em, qua đó thể hiện lòng biết ơn của em với thầy cô.
Hứa Do là một học giả nổi tiếng và có đạo đức. Ông xem các tiêu chuẩn đạo đức quan trọng hơn lợi ích cá nhân, theo như cuốn “Trang Tử” thì ông là thầy của vua Nghiêu. Còn theo cuốn “Lã Thị Xuân Thu” thì ông cũng là thầy của vua Thuấn. Cả ba người đều được coi là bậc thánh nhân.
Trong thời trị vì của vua Nghiêu, Trung Quốc là một vùng đất yên bình và trù phú. Mặc dù vua Nghiêu đã bổ nhiệm nhiều người tài trí phò tá trong việc cai trị đất nước, ông vẫn lo lắng còn nhiều người có đức có tài vẫn đang mai danh ẩn tích.
Để tìm được những người đó, vua Nghiêu thường tìm kiếm khắp nơi, kể cả những vùng làng quê và miền núi xa xôi hẻo lánh. Khi vua Nghiêu nghe nói về một người tên gọi Hứa Do là người đoan chính và có đạo đức cao thượng, ông đã không quản đường xa để đến gặp Hứa Do.
Sau khi trò chuyện xong, Hứa Do nhận thấy vua Nghiêu quả thực là một vị minh chủ. Còn vua Nghiêu ngưỡng mộ học thức uyên thâm về các nguyên lý vũ trụ của ông, và mời ông về làm thầy dạy cho mình.
Sau khi trở về cung, vua Nghiêu nghĩ về việc phong cho Hứa Do chức danh. Vì vậy, ông đã tạm thời giao việc triều chính cho quan Đại Tư Nông và đi mời Hứa Do về cung. Khi gặp Hứa Do tại một tệ xá, vua Nghiêu rất mực cung kính và bái ông làm thầy.
Vua Nghiêu nói: “Đệ tử tài kém, đức mỏng. Khi mới tiếp quản đất nước có phát nguyện rằng sẽ tạm thời lên ngôi báu, nhất định sẽ ghé thăm tất cả những bậc hiền nhân trong thiên hạ và mời một trong số họ về giao cho họ quyền cai quản đất nước. Hiện nay đệ tử nghĩ rằng tài đức của lão sư tựa như ánh nhật nguyệt, các bậc hiền nhân trong thiên hạ không ai sánh kịp. Đệ tử nguyện mang cả giang sơn nhường lại cho ngài. Xin ngài đừng do dự mà hãy đảm nhận để làm an lòng muôn dân trăm họ”.
Hứa Do đáp: “Bệ hạ đã cai quản giang sơn được quốc thái dân an và vạn dân phong nhạc. Đây toàn bộ là công lao của bệ hạ. Nếu giờ đây nhường lại cho thần tiếp nhận, chẳng phải có nghĩa là thần đang vì danh mà làm hay sao?”
Vua Nghiêu năm lần bảy lượt cố gắng thuyết phục Hứa Do tiếp nhận, nhưng ông đã kiên quyết khước từ. Khi vua Nghiêu đến thăm Hứa Do vào ngày hôm sau, ông đã rời đi, và không ai biết ông đã đi đâu. Vua Nghiêu tiếp tục tìm kiếm Hứa Do và một năm sau cuối cùng cũng tìm thấy ông đang cày ruộng dưới chân núi Tung Sơn.
Một ngày, trong lúc đang làm việc trên cánh đồng, Hứa Do nghe thấy tiếng ai đó gọi lớn và đang tiến đến: “Thầy ơi!” Hứa Do nhìn quanh và thấy vua Nghiêu. Ông ngạc nhiên hỏi: “Bệ hạ đến đây để làm gì? Thần có thể giúp gì được chăng?”
Vua Nghiêu nói: “Lần trước học trò định đem thiên hạ nhường lại cho thầy vì học trò kém tài đức mỏng e rằng sẽ làm hại muôn dân trăm họ. Không ngờ thầy khước từ và bỏ đi. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, học trò thấy rằng vẫn không ai có thể hơn thầy. Vì lẽ đó mà học trò lại đến thỉnh cầu thầy đảm trách nhiệm đứng đầu Cửu Châu (chỉ chín khu vực hành chính của Trung Quốc thời xưa, sau dùng để chỉ Trung Quốc). Được vậy thì quả thực là không chỉ may mắn cho học trò mà còn cho cả vạn dân thiên hạ”.
Hứa Do nghe tới đó bèn nói: “Bệ hạ nói vậy thần đây chưa hiểu rõ ý. Thần chưa từng nghe nói ai đó làm chủ Cửu Châu, ngoài Thiên tử, và đó chính là bệ hạ“.
Vua Nghiêu nói: “Nguyên ban đầu thì không có chức quan đó. Chẳng qua đệ tử thỉnh cầu lão sư phụ tá nên đã đặc biệt lập ra chức quan đó để bày tỏ sự thành khẩn của mình. Xin thầy hãy nhận cho”.
Hứa Do một lần nữa từ chối và quy về ở ẩn tại một nơi vắng vẻ không ai tìm thấy được. Người đời biết đến câu chuyện này đều khen ngợi sự rộng lượng, khiêm tốn của vua Nghiêu và cảnh giới của Hứa Do.
Thời còn cày ruộng ở Lịch Sơn, vua Thuấn thường nhường cho người khác những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ vì ông coi trọng sự nhún nhường và nhân nghĩa. Trong vòng sáu tháng, những người nông dân ở đó đã nhận những mảnh đất cằn cỗi và cũng nhường cho người khác những mảnh đất màu mỡ.
Người dân ở Lịch Sơn đều kính trọng vua Thuấn đến nỗi thay vì lẽ ra phải là quan lệnh xử án thì đôi khi ông lại là người được yêu cầu đứng ra phán xử. Vì ông mà nhiều người đã chuyển tới sống ở Lịch Sơn, khiến cho vùng xa xôi hẻo lánh này dần dần trở thành một nơi phồn thịnh. Người dân nơi đó gọi Vua Thuấn là thánh nhân, ý là: “Những người mà thánh nhân gặp thực sự sẽ được cảm hóa. Thánh nhân dạy chúng ta dùng nghĩa và nhường nhịn, không dạy chúng ta lấy lợi và tranh giành”.
Một lần sau khi cày ruộng xong, vua Thuấn dạo chơi ở Ki Sơn, ông thấy một ông lão đang tiến về phía mình. Sau đó ông lão bỗng dưng bị vấp vào một hòn đá và ngã xuống đường.
Vua Thuấn vội vàng nâng ông lão dậy rồi dìu ông lão đến ngồi nghỉ ở một phiến đá. Vua Thuấn hỏi thăm danh tính và chỗ ở của ông lão. Ông lão đáp: “Vì sao ngài lại hỏi? Nhiều năm nay lão đã không nói cho ai biết tên của mình”.
Sau đó, ông lão hỏi tên của vua Thuấn. Khi vua Thuấn nói tên của mình, ông lão cười và nói: “Ô! Ngài chính là người đó. Lão đã nghe nói rất nhiều về ngài. Thôi được, lão sẽ nói cho ngài biết tên, nhưng chỉ hai chúng ta biết mà thôi”.
Sau khi vua Thuấn liên tục cam đoan, lão nhân mới nói: “Lão tên gọi Hứa Do”.
Vua Thuấn lập tức quỳ xuống và vái lạy. Ông nói với Hứa Do: “Chẳng hay tiên sinh sống ở đâu? Học trò xin được đưa ngài về nhà”.
Hứa Do cười đáp: “Vậy thì tốt quá. Xin đa tạ. Lão sống ở phía bên kia Ki Sơn”.
Vua Thuấn đáp: “Có thể được hầu hạ trưởng bối chính là vinh dự của học trò”.
Sau khi nói cho vua Thuấn biết nhà, Hứa Do tiếp nhận vua Thuấn làm đệ tử. Hứa Do đã giảng cho vua Thuấn rất nhiều đạo lí giúp ông trở thành một vị thánh quân nhân từ cảm hóa thiên địa.
**********
Trên đây là hướng dẫn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 92 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 mà Đọc tài liệu tổng hợp, hy vọng có thể giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn để có những tiết học bổ ích và vui vẻ. Chúc em luôn học tốt và đạt kết quả cao!