Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 60

Xuất bản: 25/07/2019 - Tác giả:

Soạn bài Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 60 tuần 24 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 chủ đề tham gia bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường.

Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 60 SGK chủ đề: Tham gia bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường được Đọc tài liệu biên soạn đầy đủ kiến thức lý thuyết cùng hướng dẫn thực hành và những bài kể chuyện mẫu cho các em học sinh tham khảo.

Soạn bài Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 60 tuần 24 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2


NHẮC LẠI KIẾN THỨC VỀ LÀM BÀI VĂN KỂ CHUYỆN

- Bước 1: Đọc (tái hiện) lại nội dung câu chuyện cần kể. Chú ý nhớ kĩ những sự việc chính, những chi tiết  quan trọng để có thể kể lại đúng và đủ theo thứ tự nội dung cốt chuyện. (Cốt chuyện là một chuỗi sự việc làm nòng cốt cho diễn biến của chuyện. Cốt chuyện thường có 3 phần: Mở đầu, diễn biến, kết thúc).

- Bước 2: Tóm tắt nội dung chuyện theo ý lớn của từng đoạn (trong 5-7 câu).

- Bước 3: Ghi vào vở nháp dàn ý vắn tắt của chuyện (các nhân vật chính, các tình tiết chính trong phần mở đầu, diễn biến và kết thúc câu chuyện).

- Bước 4: Dựa vào dàn ý vắn tắt, dùng lời văn của mình kể lại từ đầu đến cuối câu chuyện một cách rõ ràng, rành mạch và đầy đủ.

Đề bài: Hãy kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường mà em biết hoặc được tham gia.

GỢI Ý LÀM BÀI:

Trước khi tiến hành bài kể chuyện của mình, các em cần xác định rõ nội dung yêu cầu của đề, lập ra dàn ý chi tiết để từ đó triển khai câu chuyện theo mạch kể rõ ràng, rành mạch hơn.

Ở đề bài này, các em có thể tìm hiểu vấn đề và xác định nội dung bài làm theo các ý chính sau:

1. Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ trật tự, an ninh:

- Tuần tra, bắt trộm, cướp.

- Giữ gìn trật tự giao thông.

- Bảo vệ cầu, đường.

- Dẫn cụ già và em nhỏ qua đường.

- Tổ chức tuyên truyền về bảo vệ trật tự, an ninh.

- Tổ chức tuyên truyền về giữ gìn an toàn giao thông.

- Thăm các đơn vị bộ đội, công an.

2. Nguồn gốc của câu chuyện định kể

- Trong gia đình (ông bà, cha mẹ, cô bác, anh em,...).

- Ở trường (thầy cô, bạn bè, anh chị phụ trách).

- Ở làng xóm, khu phố.

- Ở nơi công cộng (trên đường, cửa hàng, bến xe, bưu điện,...).

- Hoặc ở việc làm của chính em.

3. Tiến hành kể chuyện như thế nào?

a) Yêu cầu: Kể một câu chuyện cụ thể (diễn ra trong một thời gian xác định, ở một địa điểm xác định).

b) Trình tự kể:

- Giới thiệu câu chuyện.

- Thuật lại nội dung câu chuyện:

+ Câu chuyện bắt đầu như thế nào?

+ Diễn biến câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến nội dung bảo vệ trật tự, an ninh.)

4. Suy nghĩ của em về hành động của nhân vật trong câu chuyện ra sao?

BÀI LÀM THAM KHẢO

Giữ gìn an toàn giao thông không chỉ mang lại sự an toàn cho chính bản thân chúng ta mà còn ổn định tình hình giao thông và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Trong tuần vừa qua, em đã được tham gia một hoạt động tình nguyện rất có ý nghĩa do liên đội phát động, đó là nhắc nhở các bạn học sinh chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông tại khu vực cổng trường.

Trong buổi chào cờ sáng thứ Hai, chúng em đã được nghe cô giáo tổng phụ trách đọc báo cáo tình hình giao thông khu vực cổng trường em. Do nằm gần trục đường giao thông lớn và gần chợ nên vào giờ đến lớp mỗi buổi sáng và mỗi khi tan trường, các bạn học sinh tập trung ở khu vực cổng trường, đã gây ra tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn tuyến đường. Bên cạnh đó, nhiều bạn được bố mẹ đưa đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi bộ dưới lòng đường hoặc đi trên vỉa hè bên trái. Vì vậy, cô giáo đã yêu cầu các bạn học sinh toàn trường cần nghiêm túc thực hiện quy định về an toàn giao thông và phát động chương trình tình nguyện “Em là chiến sĩ giao thông”. Em rất vui khi nghe cô giáo thông báo và đã viết đơn xin tham gia đội tình nguyện, mong muốn được góp chút công sức nhỏ bé của mình vào việc làm ý nghĩa đó.

Theo sự phân công của cô giáo, chúng em được chia thành các đội, thay phiên trực các ngày trong tuần. Đội của em hoạt động vào mỗi buổi sáng và buổi chiều thứ Ba hàng tuần. Từ sáng sớm, em và các bạn đã có mặt, mặc đồng phục nghiêm túc và đeo khăn quàng đỏ. Chúng em nhắc nhở các bạn đi xe đạp cần ghi sát lề đường bên phải, khi sang đường cần quan sát tín hiệu đèn giao thông. Những bác phụ huynh đến đón các bạn đi học về, chúng em lễ phép chào hỏi và nhắc nhở các bạn ngồi sau xe máy cần đội mũ bảo hiểm cẩn thận. Khi vào cổng trường, chúng em yêu cầu các bạn dắt xe đạp vào bãi đỗ xe gọn gàng, không đi xe trong sân trường có thể gây tai nạn. Với những bạn cố tình vi phạm, chúng em sẽ ghi tên vào sổ liên đội.

Trải qua một tuần hoạt động của các nhóm tình nguyện, tình hình giao thông tại khu vực cổng trường em đã ổn định hơn. Không còn tình trạng tắc nghẽn tuyến đường, các bạn học sinh trong trường thực hiện nghiêm túc các quy định giao thông… Cô hiệu trưởng rất vui mừng và tuyên dương chúng em trước toàn trường. Cô mong muốn mỗi bạn học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, không chỉ ở trường mà ở mọi nơi mỗi khi tham gia giao thông.

Hoạt động tình nguyện “Em là chiến sĩ giao thông” của trường em vẫn được duy trì và ngày càng thêm nhiều bạn đăng kí tham gia. Em thấy rất vui và hạnh phúc khi được tham gia một hoạt động có ý nghĩa, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Em mong rằng mỗi bạn học sinh hãy làm thêm được nhiều việc tốt để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh và thanh bình như lời dạy của bác Hồ:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình…

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh

***

Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 60 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 với đầy đủ các thông tin phía trên, hi vọng các em học sinh sẽ có một tiết học kể chuyện thật lý thú và hữu ích.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM