Hồ sơ nhập học Đại học 2020 gồm những gì?

Xuất bản: 27/04/2020 - Cập nhật: 29/09/2020 - Tác giả:

Hồ sơ nhập học đại học 2020 gồm những gì? Đăng kí ở KTX cần những giấy tờ gì? Hướng dẫn làm thủ tục nhập học đại học năm 2020/2021

Sau khi biết điểm chuẩn tuyển sinh và thời gian nhận hồ sơ nhập học trúng tuyển vào trường thì cần chuẩn bị những gì? Để trả lời các câu hỏi về việc chuẩn bị hồ sơ nhập học Đại học lần 1 năm 2020, Đọc tài liệu xin gửi tới các em tân sinh viên cùng các bậc phụ huynh chi tiết thông tin cụ thể như sau:

Thời gian làm thủ tục nhập học Đại học 2020

Theo thông tin mới nhất Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ vẫn tiến hành việc thực hiện xét tuyển và lọc ảo nguyện vọng trên toàn quốc theo phương thức trực tuyến và nộp hồ sơ trực tiếp tại trường THPT mà các em đang theo học. Với sự hỗ trợ này, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng… nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành/trường mình mong muốn.

=> Như vậy, các em tân sinh viên muốn xác nhận đỗ tại trường mình đã đăng kí nguyện vọng thì các em cần nộp hồ sơ theo chuẩn của trường đăng ký trong khoảng thời gian cố định mà trường thông báo trên "Giấy thông báo trúng tuyển" để xác nhận nhập học đợt 1. Các thí sinh không trúng tuyển đợt 1 cần đợi danh sách và điểm chuẩn trúng tuyến đợt 2 bổ sung (do các trường tuyển sinh thêm khi thiếu chỉ tiêu, thời gian dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới).

Hướng dẫn làm thủ tục nhập học đại học năm 2020/2021

1. Hồ sơ sinh viên nhập học 2020 cần những gì?

- Sinh viên chuẩn bị hồ sơ sinh viên (Lý lịch học sinh, sinh viên) theo yêu cầu trên giấy báo nhập học và NỘP TRỰC TIẾP khi đến nhập học tại trường (Không nộp qua bưu điện).

Hướng dẫn viết hồ sơ trúng tuyển theo mẫu của Bộ (Lý lịch học sinh - sinh viên)

Hướng dẫn chi tiết cách điển vào lý lịch học sinh - sinh viên theo chuẩn của Bộ như sau:

cách điền Lý lịch học sinh sinh viên 1
cách điền Lý lịch học sinh sinh viên 2
cách điền Lý lịch học sinh sinh viên 3
cách điền Lý lịch học sinh sinh viên 4

- Bản photo CMND hoặc Thẻ căn cước công dân (có công chứng hợp lệ hoặc mang bản chính để đối chiếu).

- Bản photo bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương (có công chứng hợp lệ hoặc mang bản chính để đối chiếu); hoặc Bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp -THPT tạm thời năm 2020.

- Bản sao trích lục giấy khai sinh (không chấp nhận bản photo công chứng).

- Bản photo học bạ THPT (có công chứng hợp lệ).

- Giấy chứng nhận diện chính sách, đối tượng ưu tiên (hoặc bản photo có công chứng hợp lệ) đối với thí sinh trúng tuyển thuộc các đối tượng ưu tiên.

- Đối với bộ đội, cán bộ đi học phải nộp thêm 3 bản sao quyết định cử đi học, chuyển ngành, xuất ngũ và các giấy tờ về quyền lợi chính sách được hưởng. Sổ Đoàn, giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng (nếu có).

- Đối với sinh viên nam: Bản photo Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban chỉ huy quân sự cấp quận – huyện cấp (có công chứng hợp lệ hoặc mang bản chính để đối chiếu) và Bản chính Giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban chỉ huy quân sự cấp phường – xã nơi cư trú cấp (đối với sinh viên nam).

- Giấy chứng nhận sức khỏe (giấy khám sức khỏe theo mẫu được qui định tại thông tư 14/2013/TT-BYT).

- Ảnh 3x4 hoặc 4x6 kèm số lượng theo yêu cầu.

Lưu ý:

- Các hồ sơ phải xếp theo thứ tự yêu cầu từ trường. Sinh viên có thể bổ sung giấy tờ còn thiếu tại Phòng Công tác Sinh viên của trường sau thời gian nhập học theo quy định. Khi đến bổ sung hồ sơ sinh viên mang theo biên nhận hồ sơ.

- Một số trường sẽ yêu cầu một số giấy tờ cá nhân hoặc bổ sung hồ sơ theo mẫu của trường, các em cần phải lưu ý tất cả những giấy tờ được nêu trong giấy báo nhập học của mình nhé.

2. Học phí:

Sinh viên chuẩn bị học phí theo mức thu tạm học phí học kỳ 1 năm học 2020/2021 thông báo trên giấy báo nhập học.

Cách thức đóng học phí (1 trong 2 cách):

- Sinh viên chuyển khoản qua ngân hàng trước ngày đến nhập học. Khi chuyển khoản sinh viên ghi rõ trong nội dung nộp tiền: ‹Họ và tên›; ‹Mã số sinh viên› ; Hoc phi & le phi nhap hoc. ( Xem kỹ trong giấy báo nhập học)

- Hoặc nộp tiền mặt tại trường khi đến trường nhập học (nhiều trường ĐH chỉ yêu cầu nộp tiền mặt tại hôm nhập học)

Lưu ý:

☀ Sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí phải nộp trước số học phí trên khi nhập học và Nhà trường sẽ hướng dẫn làm thủ tục đề nghị miễn giảm học phí sau khi nhập học.

☀ Nếu đã nộp tiền học phí qua Ngân hàng trước đó thì sinh viên mang theo “Giấy nộp tiền” của ngân hàng để đối chiếu và đổi biên lai học phí khi làm thủ tục nhập học.

☀ Sinh viên có thể chuyển tiền từ bất cứ ngân hàng nào khác đến tài khoản của trường.

Vấn đề cần lưu ý khi làm hồ sơ nhập học đại học 2020

- Giấy báo nhập học phải là bản chính, Bằng tốt nghiệp phải có bản chính và bản sao (có công chứng), bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp hoặc bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp;

- Với giấy khai sinh, các bạn phải có bản sao chứ các bạn không sử dụng bản được photo công chứng.

- Đối với Hồ sơ Sinh viên (Hồ sơ nhập học đại học - Hồ sơ được bán ở ngoài theo mẫu do Bộ GD-ĐT phát hành, các bạn có thể chỉ có thể mua tại Sở GD-ĐT ở địa phương bạn học cấp III) phải ghi đầy đủ tất cả các mục, dán hình có đóng dấu giáp lai và xác nhận của địa phương (xã - phường nơi bạn cư trú).

- Với học bạ THPT thì bạn cần có bản sao (có công chứng);

- Đối với SV trúng tuyển nhờ xét điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) phải nộp giấy chứng nhận ưu tiên. Giấy chứng nhận diện chính sách: dân tộc ít người, con liệt sĩ, con thương/bệnh binh (kèm bản sao thẻ thương/bệnh binh có công chứng), chứng nhận hộ nghèo… dùng để xét miễn giảm học phí.

Lưu ý thêm:

- Thí sinh trúng tuyển phải đến nhập học theo đúng thời gian và địa điểm theo yêu cầu ghi trong Giấy thông báo trúng tuyển của trường. Đến chậm từ 15 ngày trở lên (kể từ ngày ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển), nếu không có lí do chính đáng, coi như bỏ học. (Nếu đến chậm với lý do ốm đau, tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, được xem xét vào học hoặc bảo lưu sang năm sau.)

- Một số trường sau khi thời gian nhập học sẽ tiến hành kiểm tra Tiếng Anh đầu vào, riêng đối với những em đã có chứng chỉ Tiếng Anh tương đương thì sẽ không cần phải thực hiện bài kiểm tra này.

3. Quy trình đăng ký ở kí túc xá nội trú tại trường

Đối với sinh viên khoá mới muốn đăng kí ở KTX nội trú tại trường thì hầu hết các trường ĐH - CĐ đều có qui định ưu tiên các sinh viên thuộc diện chính sách: Con thương binh, liệt sỹ; Sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo qui định của chính phủ; nếu vẫn còn chỗ mới đến các đối tượng khác.

Sau khi sinh viên làm xong thủ tục nhập học, nếu có nhu cầu ở KTX thì các em cần xuất trình các giấy tờ ưu tiên tại bàn làm thủ tục nhập học do Phòng Đào tạo của trường phụ trách. Sau đó mang phiếu nội trú sang KTX gặp bộ phận đón tiếp của KTX.

*Các giấy tờ khi làm thủ tục đăng kí ở Kí túc xá

➠ Giấy giải quyết thủ tục khi nhập trường (đã có mã sinh viên, lớp tạm đối với sinh viên năm thứ nhất mới nhập trường)

➠ Phiếu nội trú do bộ phận chức năng cấp

➠ Giấy xác nhận gia đình chính sách (để có chính sách hỗ trợ sau này)

➠ Giấy khai báo thay đổi nhân khẩu (đối với SV mới nhập học năm thứ nhất)

➠ 6 ảnh 3x4 để làm hồ sơ quản lý

➠ Viết đơn xin ở nội trú (theo mẫu)

➠ Nhận hồ sơ quản lý để khai

➠ Nộp tiền và nhận biên lai thu phí, thẻ nội trú mang nộp cho bộ phận quản lý nhà vào sổ.

*Thủ tục nhận phòng Kí túc xá

- Khi sinh viên vào phòng ở phải ký nhận tài sản trong phòng, chỉ số đồng hồ điện, nước.

- Khi hết hạn hợp đồng phải thanh toán các khoản phí, rời khỏi KTX.

- Nếu muốn ở kỳ tiếp theo phải đăng ký theo mẫu trước khi về nghỉ Tết, hè.

Trên đây là những gì cần có đối với Hồ sơ nhập học Đại học năm 2020, mong rằng các em sẽ chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết trước khi tiến hành nhập học và hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng nhất.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM