Hướng dẫn viết bài văn ngắn với đề bài: "Hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động nhất." Cùng với bài văn mẫu cho các em tham khảo thêm về lựa chọn từ vựng và sắp xếp ngữ pháp để bài văn thể hiện được cảm xúc của người viết.
Lập dàn ý bài văn
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về bài thơ mà em lựa chọn để viết trong bài văn.
- Cảm xúc của em về hình ảnh người mẹ/người bố trong bài thơ đó.
Thân bài
- Biệp pháp nghệ thuật, thể thơ của bài thơ có tác dụng như thế nào trong việc xây dựng hình ảnh người mẹ/người bố
- Chi tiết về hình ảnh người mẹ/người bố nào trong bài thơ để lại ấn tượng với em.
- Đánh giá về việc sử dụng biện pháp nghệ thuật của bài thơ để xây dựng hình ảnh nhân vật, đưa cảm xúc tới người đọc và ấn tượng của em.
Kết bài
Khái quát ấn tượng, và điều làm em xúc động nhất của bài thơ.
Viết bài văn ngắn về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động nhất.
Bài mẫu 1 - Hình ảnh người mẹ trong một bài thơ Mây và sóng đã đọc khiến em xúc động nhất
“Mây và sóng” là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Ta-go nói về tình mẫu tử thiêng liêng. Cả bài thơ như lời thủ thỉ của em bé đang kể cho mẹ nghe về những cuộc vui rong chơi của mình ở trên bầu trời.
Bài thơ là một câu chuyện về một cậu bé trước lời mời gọi của mây và sóng mẹ bé muốn đi chơi muốn được hòa mình vào biển vào sóng vào mây cùng các bạn cùng trang lứa để được đi chơi với thế giới diệu kỳ ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từ chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào sánh bằng với niềm hạnh phúc được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia rất nhiều điều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”.
Nhưng con biết một trò chơi hay hơn trò ấy
Con sẽ là sóng, mẹ sẽ là một bờ biển lạ lùng.
Con sẽ lăn, lăn, và vỗ vào gối mẹ, cười vang.
Và không một ai trên cõi đời này biết nơi đâu mẹ con ta đang ở
Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở cho em. Hình ảnh bến bờ rộng mở lăn mãi rồi sẽ cười vỡ tan được ví như hình ảnh người mẹ luôn vỗ về con thơ. Mẹ mang đến hạnh phúc cho con và chỗ dựa cho cuộc đời con. Tình mẹ con trong bài thơ thật sâu đậm và đó cũng chính là vẻ đẹp vĩnh hằng của tình mẫu tử. Dù thế gian có như thế nào thì tình mẹ con vẫn mãi muôn đời vẫn tồn tại theo thời gian vẫn hiển hiện trong không gian rộng lớn và mãi mãi bất diệt. Đó chính là ý nghĩa chủ đạo của bài thơ.
Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại chính là để bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng điêu luyện những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng trong bài thơ. Bài thơ "Mây và sóng" chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Bài mẫu 2 - Hình ảnh người cha trong một bài thơ Mưa đã đọc khiến em xúc động nhất
Hình ảnh người cha trong bài thơ "Mưa" của nhà thơ Trần Đăng Khoa để lại trong em ấn tượng khó phải. "Mưa" là bài thơ tả cảnh độc đáo với câu từ đơn giản dễ nhớ nhưng lại giúp khắc họa hình ảnh người cha mạnh mẽ, vĩ đại.
Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh vạn vật đất trời bị biến đổi bởi cơn mưa rào bất chợt. Hình ảnh miêu tả về thời tiết trong bài thơ cho thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên "ông trời - mặc áo giáp đen; gió cuốn - cuồn cuộn; chớp - rạch ngang trời; sấm - cười khanh khách". Thiên nhiên cũng được nhân cách hóa giống như con người, điều này dường như thể hiện sự trêu đùa của thiên nhiên với con người và vạn vật.
Và nổi bật trên cái phông nền nghiêng ngả, hối hả vì mưa của mọi vật trong bài thơ, hình ảnh con người hiện lên thật đẹp. Hình ảnh con người trong bài thơ được thể hiện qua hình ảnh "Bố em đi cày về" xuất hiện ở phía cuối bài thơ:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa
"Bố em" chỉ là một người nông dân bình thường nhưng qua câu thơ trên người bố bỗng nhiên trở nên lớn lao khác thường. Bố có thể "Đội sấm", "đội chớp", "đội cả trời mưa". Ba ý thơ được tách riêng thành ba dòng, điệp từ "đội" được lặp lại ba lần, điều đó vừa thể hiện cái dữ dội của trời mưa vừa bộc lộ tư thế hiên ngang của người cha. Ông đi cày về, trên vai còn vác chiếc cày, bàn tay còn dắt con trâu; hình ảnh ấy bước ra từ cái dữ dội, ì ầm đáng sợ của cơn mưa rào. Đó là hình ảnh người nông dân có tầm vóc lớn lao, tư thế vững vàng, hiên ngang như một vị thần đội trời đạp đất có sức mạnh có thể sánh với thiên nhiên. Trong con mắt nhìn của người con, người cha đi cày quả là hình ảnh của một tráng sĩ có vẻ đẹp lớn lao, kỳ vĩ.
Người bố trong bài thơ "Mưa" còn là đại diện cho hình ảnh con người trước sự dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên. Cơn mưa ập xuống, tất cả vạn vật biến đổi: mía nghiêng ngả, kiến rời tổ, mối vỡ tổ,… Chỉ duy con người vẫn vững vàng với công việc khai thác, chinh phục tự nhiên, bắt tự nhiên phải phục vụ mình (đi cày).
~/~
Trên đây là nội dung hướng dẫn và gợi ý mẫu bài văn viết về Hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động nhất trong chương trình Ngữ văn 6. Xem thêm các bài Soạn Văn 6 Cánh Diều và học thật tốt môn văn cùng Đọc tài liệu!