Hướng dẫn cách viết bài và tham khảo một số mẫu giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng ngắn gọn nhất do Đọc tài liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ phần nào giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu và giới thiệu cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng.
Dàn ý bài giới thiệu về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả và cuốn sách:
+ Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.
+ Cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng thuộc thể loại truyện lịch sử thiếu nhi, xuất bản lần đầu tiên năm 1960.
- Nêu cảm nghĩ chung của bản thân về cuốn sách: Cuốn sách đã giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử đất nước, khơi dậy cảm xúc bồi hồi, rạo rực pha lẫn tự hào trong tâm hồn.
Thân bài
* Giới thiệu cụ thể về nội dung của cuốn sách
- Nội dung chính của cuốn sách: Kể về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Quốc Toản, một vị tướng trẻ tuổi tài năng, có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù quân xâm lược sâu sắc.
- Nhân vật chính: Hoài Văn (Trần Quốc Toản)
- Tình huống, sự kiện tiêu biểu:
+ Trần Quốc Toản mơ thấy bắt được Sài Thung, một tên sứ nhà Nguyên.
+ Trần Quốc Toản xin xuống bến Bình Than họp bàn việc nước nhưng không được chấp thuận.
+ Cậu xông xuống bến Bình Than xin đánh.
+ Thất vọng về thái độ của vua Trần.
+ Trần Quốc Toản cùng các tướng sĩ của mình lên đường đánh giặc.
+ Sáu chữ vàng "Phá cường địch, báo hoàng ân" vẫn tung bay trong gió.
* Những nét đặc sắc về nghệ thuật của cuốn sách
- Ngôn ngữ dễ hiểu, câu văn ngắn gọn, linh hoạt, phù hợp với tính cách, hoàn cảnh của nhân vật.
- Kết cấu, bố cục: đơn giản, dễ hiểu, mỗi chương là một việc, các sự việc diễn ra theo trình tự thời gian và theo sự trưởng thành của nhân vật chính.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật lịch sử, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhằm khắc họa phẩm chất anh hùng của nhân vật.
Kết bài
- Đánh giá chung về cuốn sách: Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một cuốn sách hay, giàu ý nghĩa giáo dục, khắc họa thành công hình tượng người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân về cuốn sách.
Cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng phiên bản năm 2010
kỷ niệm 50 năm ngày mất của tác giả
TOP 7 bài văn giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Mẫu số 1 giới thiệu về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Nhân dịp hướng tới kỉ niệm 78 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022) Thư viện trường tiểu học Cổ Loa xin trân trọng giới thiệu tới các thầy, cô giáo và các em học sinh cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do Nhà xuất bản Mỹ Thuật xuất bản năm 2004, gồm 214 trang, in trên khổ 13x16cm.
Câu chuyện mở đầu bằng giấc mơ của Hoài văn (Trần Quốc Toản), chàng mơ thấy mình bắt sống được Sài Thung, một tên sứ nhà Nguyên hống hách. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng chàng đã ý thức được bổn phận của một đấng nam nhi thời loạn, ngay trong cả giấc mơ cũng mong được giết giặc giúp nước. Chính vì thế, khi chú chàng là Chiêu Thành Vương đến họp bàn việc đánh giặc cùng với vua Trần Nhân Tông và các vị Vương khác không cho Hoài Văn theo, chàng đã một mình phi ngựa để đến kịp. Nhưng khi đến đó, dù nóng lòng không thể nào yên, Hoài Văn vẫn phân vân không dám mạo phạm thánh thượng. Lòng như lửa đốt, chàng vẫn nhẫn nại đứng chờ. Trong lúc đó, chàng nhìn thấy cờ hiệu của Chiêu Minh Vương, Chiêu Văn Vương là các con trai của Hưng Đạo Vương cũng có mặt.
Chính việc “những người em họ” ấy được tham dự họp bàn việc nước với nhà vua càng làm Hoài Văn thêm nôn nóng, vì chẳng qua họ chỉ “hơn Hoài Văn năm sáu tuổi”, chàng lại nghĩ đến thân mình vì cha mất sớm, nên phải chịu cảnh đứng rìa nhục nhã.Trong thoáng qua, chàng có suy nghĩ muốn xô ngã mấy người lính Thánh Dực để chạy xuống nơi quan quân đang bàn bạc nhưng lại sợ tội chém đầu, càng nghĩ tâm can Quốc Toản càng như có lửa đang thiêu đốt. Cuối cùng, không nhẫn nhịn được nữa, chàng quyết định “thôi thì liều một chết vậy” và xô mấy người lính ngã xuống, xăm xăm xuống bến, liều mình để được nói một câu với quan quân, xin người cho đánh. Lời Quốc Toản rất hợp ý vua và Hưng Đạo Vương nhưng vua vẫn xem chàng như một đứa trẻ, có lòng nhưng chưa đủ sức, chưa thể làm nên đại sự nên ban cho Hoài Văn quả cam quý, bảo chàng về phụng dưỡng mẹ già. Lệnh vua khó cãi nhưng trong lòng Hoài Văn không khỏi thất vọng, chàng trở về với quả cam trong tay không biết đã bị bóp nát từ khi nào. Từ thất vọng, Hoài Văn quyết tâm tự mình rèn luyện, chiêu binh đánh giặc để thể hiện lòng yêu nước, cũng để chứng minh chàng không phải là một đứa trẻ con hữu dũng vô mưu.
Khi đã có đội quân của riêng mình, Quốc Toản không tìm đến triều đình mà thẳng tiến truy tìm quân giặc, bởi chàng biết đến với triều đình rồi cũng bị đuổi trở về, chi bằng chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình. Hoài Văn cùng sáu trăm chiến sĩ dương cao lá cờ thắm thêu sáu chữ vàng do chính tay mẹ chàng thêu, lá cờ với dòng chữ đề mà theo Hoài Văn nghĩ “Chữ đề phải quang minh chính đại như ban ngày. Chữ đề phải là một lời thề quyết liệt. Chữ đề phải làm cho quân sĩ phấn khởi, cho kẻ địch kinh hồn“. Đó chính là “Phá cường địch báo hoàng ân”.
Sáu chữ ấy không chỉ là một lời thề sắt son với tổ quốc, mà còn là lòng quyết tâm của chàng, vừa khẳng định chính mình, vừa noi theo gương cha, không thể ngồi yên khi nước sắp rơi vào tay giặc.
Trải qua một đoạn đường dài, Hoài văn cùng các tướng sĩ của mình cũng đến được một vùng đồi núi. Tại đây, sau những hiểu lầm, chàng kết nghĩa anh em với Nguyễn Lộc ở trại Ma Lục. Cũng chính ở nơi này chàng có trận chiến đầu tiên với quân Nguyên, lần đầu tiên ngọn lửa của hào khí Đông A trong Hoài Văn bùng cháy một cách mãnh liệt nhất, quét sạch bọn giặc ngoại xâm. Tiếng tăm về chàng tướng trẻ tài giỏi với lá cờ thêu sáu chữ vàng ngày càng vang xa. Khi Chiêu thành Vương đuổi theo tên phản quốc Trần Ích Tắc vô tình rơi vào vòng vây của quân địch, trong giờ phút ông sắp không chống cự được nữa, Trần Quốc Toản xuất hiện. Chiêu Thành Vương không thể ngờ đến chàng tướng trẻ vang danh kia chính là cháu ruột của mình, trong sự bất ngờ ấy còn xen lẫn cả sự tự hào, chính trong trận chiến giải vây cho chú, Hoài Văn đã bước đầu cho mọi người thấy rõ bản lĩnh của mình.
Được triều đình công nhận, Quốc Toản về dưới trướng của Hưng Đạo Vương, chờ thời cơ phản công quân địch. Cuối cùng thời cơ cũng đến, Hưng Đạo Vương quyết định cử Chiêu Văn Vương lãnh binh xuất quân, Hoài Văn cũng xin theo và sau khi thử lòng chàng, Hưng Đạo vương đồng ý. Đây là trận đánh lớn đầu tiên trong cuộc đời Hoài Văn, không giống trận chiến trước đó, lần này tên giặc mà chàng phải đối đầu là Toa Đô tên tướng giỏi nhất của quân Nguyên. Điều ấy không khiến Hoài Văn lo lắng, ngược lại làm chàng mong chờ không thể nào yên, chỉ muốn mau được giáp mặt giặc mà đánh cho chúng tơi tả, đánh cho chúng không còn manh giáp.
Quốc Toản được Chiêu Văn Vương cử làm tướng tiên phong, dụ quân địch vào bẫy, khi quân giặc mất cảnh giác xuôi thuyền trên con sông không một bóng người thì quân Hoài Văn tiến lên, cả đoàn thuyền chỉ chừng bốn năm chục chiếc giăng hàng ngang, dũng mãnh xông thẳng về phía đoàn thuyền chiến của quân địch. Trước một Toa Đô cao lớn, mặt mày hung hãng, Hoài Văn không hề nao núng. Chàng trước tiên muốn bắt tên tướng tiên phong của quân giặc để hạ nhuệ khí của chúng. Với ý chí chiến đấu và quyết tâm chống giặc thì quân ta đã giành chiến thắng và dân làng cùng nhau ra sông mừng chiến thắng.
Hy vọng rằng, với giá trị mang tính lịch sử sâu sắc mà cuốn sách mang lại sẽ là bài học bổ ích cho tất cả các em học sinh. Cô mong rằng các em sẽ phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước, yêu tổ quốc Việt Nam bằng những hành động phù hợp với lứa tuổi học sinh của chúng ta. Cuốn sách hiện có tại thư viện của trường Tiểu học Cổ Loa, Kính mời thầy cô và các em hãy đến thư viện và tìm đọc cuốn sách này nhé!
(Nguồn: Trường Tiểu học Cổ Loa)
Mẫu số 2 giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô... Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (1996).
"Lá cờ thêu sáu chữ vàng xoay quanh nhân vật trung tâm là người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản. Là nhà văn làm văn nghệ về đề tài lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng còn làm luôn cả công việc của nhà nghiên cứu sử học. Tác phẩm của ông vỗ cánh trên cái nền vững chắc của sử học, để lấp lánh, tỏa sáng bằng một thứ ánh sáng rạng rỡ bởi sự trung thực, khả tín. Ở Lá cờ thêu sáu chữ vàng, không chỉ nhân vật chính là Trần Quốc Toản, mà cả những nhân vật phụ, không phải chỉ cốt truyện chung chung, mà cả những tình tiết, chi tiết, đều có những hiệu quả kèm độ tin cậy như thế." (Lê Văn Lan, Nguồn sáng của một nhà văn đi trước). Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết, thuở nhỏ từng say mê đọc các truyện Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi, mà ấn tượng nhất là Lá cờ thêu sáu chữ vàng.
Nhà văn Lê Phương Liên nhớ lại “Trẻ con hàng phố ngày ấy, chuyền tay nhau đọc Lá cờ thêu sáu chữ vàng, say sưa đến nỗi, còn đóng vai Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, rồi cả Ô Mã Nhi, Thoát Hoan... chia phe ra tỷ thí bên bãi cỏ rộng ở vườn hoa đền Bà Kiệu”...
(Hồng Minh, Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội)
Mẫu số 3 giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng viết về vị anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, được xem là tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi của tác giả Nguyễn Huy Tưởng.
Câu chuyện lấy bối cảnh nhà Trần trong cuộc chiến với quân Nguyên lần thứ hai đã nêu cao ý chí anh dũng của chàng tướng trẻ, một lòng trung quân ái quốc, căm thù quân xâm lược. Truyện được bắt đầu bằng giấc mơ của Hoài Văn (Trần Quốc Toản), chàng mơ thấy bắt được Sài Thung, một tên sứ nhà Nguyên hống hách. Tại hội nghị Bình Than (10/1282), trong lúc vua và triều thần đang bàn việc nước, Quốc Toản đã bất chấp tội phạm thượng tới gặp nhà vua và nói lên lời tâm huyết “xin đánh”. Nhà vua đã không trừng phạt cậu mà còn ban thưởng một quả cam, làm Quốc Toản càng thêm uất ức và bóp nát quả cam lúc nào không biết. Khi về Võ Ninh dưới lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” mà Quốc Toản đã tìm tòi suy nghĩ, Quốc Toản đã chiêu mộ được sáu trăm tân binh tinh nhuệ, đi tìm giặc đánh. Lên phía Bắc, đoàn quân Quốc Toản họp với quân người Mán do Nguyễn Thế Lộc chỉ huy, lập ra Ma Lục, gây thanh thế khắp vùng Lạng Sơn. Sau lần đó, Quốc Toản chính thức được nhà vua thừa nhận và giao nhiệm vụ quan trọng trận đánh giặc trên cửa song Hàm Tử với lời thề Sát Thát. Trần Quốc Toản đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang. Đi đến đâu cũng lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” căng thổi trong gió hè lộng thổi. Sáu chữ ấy không chỉ là một lời thề sắt son với tổ quốc, mà còn là lòng quyết tâm của chàng, vừa khẳng định chính mình, vừa noi theo gương cha, không thể ngồi yên khi nước sắp rơi vào tay giặc.
Bằng sức tưởng tượng và sáng tạo trong một cốt truyện phong phú giàu các chi tiết đặc sắc, Nguyễn Huy Tưởng đã làm sống dậy cuộc chiến hào hùng đẫm máu và nước mắt để đổi về nền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Khắc họa một cách chân thực các sự kiện lịch sử, con người, dân tộc. Đặc biệt, hình ảnh một Hoài Văn hầu vốn có rất ít tư liệu lịch sử nói đến lại chợt hiện lên một cách chân thực, rõ ràng đến khó tin. Bên cạnh đó, tác phẩm hướng về độc giả thiếu nhi nên có tinh thần giáo dục vô cùng sâu sắc về lòng yêu nước, căm thù giặc, đặc biệt hiểu biết rất nhiều về giai đoạn lịch sử có thể nói đáng tự hào nhất của dân tộc.
Tổng kết lại, ngoài tìm hiểu về lịch sử hào hùng, ta cũng học được sự quyết tâm, lòng dũng cảm, sự tự tin, ta còn thấy được lòng yêu nước, đấu tranh vì non sông Việt Nam quả thật nồng cháy, cùng với sự hi sinh cao cả của bao thế hệ cha ông đi trước. Hình ảnh Trần Quốc Toản được khắc họa rõ nét chân thực đến độ như được chứng kiến bằng mắt khiến người đọc cuốn theo từng trang sách, ta cảm nhận được càng rõ "Dòng máu Lạc Hồng của người Việt Nam" đang chạy trong cơ thể.
Mẫu số 4 giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Để nhân rộng phong trào đọc sách trong nhà trường, hàng tháng thư viện trường đều có hoạt động giới thiệu, trưng bày sách để giới thiệu tới học sinh những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi và theo chủ đề tháng. Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, Thư viện trường xin được mang đến cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2016, gồm 90 trang, in trên khổ 13 x 21cm.
Cầm cuốn sách trên tay, ta cảm nhận được khí thế hừng hực, sục sôi trong lòng nhân vật chính qua trang bìa đẹp và sống động. Đó là hình ảnh Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng đang phần phật bay.Chỉ với 90 trang giấy, Nguyễn Huy Tưởng đã vẽ nên bức tranh rộng mở về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2, với hội nghị của vua tôi nhà Trần ở bến Bình Than để quyết định đánh hay hàng, đến trận Hàm Tử Quam do đích thân Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng. Đến sự việc Trần Quốc Toản xuống bến Bình Than xin chủ chiến, được ban trái cam và chàng đã bóp nát lúc nào không hay.
Qua hình thức sân khấu hóa (diễn kịch), giới thiệu sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đã thu hút sự quan tâm của tất cả học sinh cũng như các thầy cô giáo.
(Nguồn: Tiểu học Thạch Bàn A, Giới thiệu sách tháng 12/2019)
Mẫu số 5 giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” viết về vị anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, được xem là tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Ông gắn liền với các bộ dã sử lấy cảm hứng từ chính dân tộc như: Vĩnh Biệt Cửu đài trùng, Đêm hội Long Trì, An tư công chúa.
Câu chuyện bắt đầu bằng giấc mơ của Hoài Văn (Trần Quốc Toản), chàng mơ thấy bắt được Sài Thung, một tên sứ nhà Nguyên hống hách. Tại hội nghị Bình Than (10/1282), trong lúc vua và triều thần đang bàn việc nước, Quốc Toản đã bất chấp tội phạm thượng tới gặp nhà vua và nói lên lời tâm huyết “xin đánh”. Nhà vua đã không trừng phạt cậu mà còn ban thưởng một quả cam, làm Quốc Toản càng thêm uất ức và bóp nát quả cam lúc nào không biết. Khi về Võ Ninh dưới lá cờ “PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN” mà Quốc Toản đã tìm tòi suy nghĩ, Quốc Toản đã chiêu mộ được sáu trăm tân binh tinh nhuệ, đi tìm giặc đánh. Lên phía Bắc, đoàn quân Quốc Toản họp với quân người Mán do Nguyễn Thế Lộc chỉ huy, lập ra Ma Lục, gây thanh thế khắp vùng Lạng Sơn. Sau lần đó, Quốc Toản chính thức được nhà vua thừa nhận và giao nhiệm vụ quan trọng trận đánh giặc trên cửa song Hàm Tử với lời thề Sát Thát. Trần Quốc Toản đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang. Đi đến đâu cũng lá cờ thêu sáu chữ vàng “PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN’’ căng thổi trong gió hè lộng thổi.
Mẫu số 6 giới thiệu về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Trần Quốc Toản là cảm hứng cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sáng tác tiểu thuyết lịch sử “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, trong đó ông là nhân vật chính của tác phẩm. Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, dám hi sinh mạng sống vì dân tộc của mình. Khí phách ấy đã được nói rõ trên lá cờ thêu sáu chữ vàng của ông; nguyên văn sáu chữ (phiên sang Hán-Việt) là: “Phá cường địch, báo hoàng ân”
Cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” dành cho thiếu nhi, xuất bản đầu tiên năm 1960 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản sau nửa thế kỷ đi vào lòng các bạn trẻ.
Sách kể về người anh hùng 16 tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, gặp buổi quân Mông Nguyên sang cướp nước Nam, đã chiêu mộ sáu trăm người, kết làm anh em, đánh giặc. Nguyễn Huy Tưởng đã vẽ nên bức tranh rộng mở về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai với hội nghị của vua tôi nhà Trần ở bến Bình Than quyết định đánh hay hàng, đến trận Hàm Tử quan do đích thân Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng. Và trong Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ: Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi nên không được vua Trần Nhân Tông cho vào dự hội nghị Bình Than nên Trần Quốc Toản phải đứng ngoài nên “hổ thẹn, phấn khích, tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết” nhưng với góc nhìn của người viết dã sử, Nguyễn Huy Tưởng đã “cho” Trần Quốc Toản xuống bến Bình Than xin chủ chiến và được ban trái cam và chàng đã bóp nát lúc nào không biết.
Không chỉ chú trọng nội dung giáo dục truyền thống, lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng còn viết kỹ từng câu văn, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa. Đồng thời từ tốn và trang nghiêm, ông dânc dắt các cháu đến với các khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, dân tộc, con người, thật chính xác với một tác phẩm như “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”!
Mẫu số 7 giới thiệu về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Hơn hai tháng trước khi cuốn truyện lịch sử thiếu nhi Lá cờ thêu sáu chữ vàng xuất bản, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời ngày 25.7.1960. Theo bà Trịnh Thị Uyên, vợ ông, hôm vào Bệnh viện Việt - Xô, ông đã ghé qua Nhà xuất bản Kim Đồng ở phố Phạm Đình Hồ giao bản thảo. Nhà thơ Phạm Hổ thì cho biết dù phải nằm ngửa trên giường bệnh, Nguyễn Huy Tưởng còn tự tay sửa bản in thử Lá cờ thêu sáu chữ vàng.
Sách kể về người anh hùng 16 tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, gặp buổi rợ Mông Nguyên sang cướp nước Nam, đã chiêu mộ sáu trăm người, kết làm anh em, đánh giặc. Chỉ với trăm trang in, Nguyễn Huy Tưởng đã vẽ nên bức tranh rộng mở về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai với hội nghị của vua tôi nhà Trần ở bến Bình Than quyết định đánh hay hàng, đến trận Hàm Tử Quan do đích thân Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng. Với góc nhìn của người viết dã sử, Nguyễn Huy Tưởng đã “cho” Trần Quốc Toản xuống bến Bình Than xin chủ chiến, và được ban trái cam và chàng đã bóp nát lúc nào không biết.
Không chỉ chú trọng nội dung giáo dục truyền thống, lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt dụng công về nghệ thuật. Ông viết đi viết lại, trau chuốt từng chữ, chú giải kỹ càng. Nói về Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: “Ông viết kỹ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa. Đồng thời từ tốn và trang nghiêm, ông dẫn dắt các cháu đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, dân tộc, con người”, thật chính xác với một tác phẩm như Lá cờ thêu sáu chữ vàng!
Ra đời vào năm 1960, Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một trong những cuốn sách gối đầu giường của các thế hệ thiếu niên. Lớn lên, họ ra trận, mang theo hình ảnh Trần Quốc Toản tuổi trẻ chí cao, dám chiến đấu và chiến thắng kẻ thù dân tộc.
Khi giới thiệu Lá cờ thêu sáu chữ vàng trên Tạp chí Văn Nghệ năm 1961, nhà văn Thiều Quang đã không giấu được cảm xúc: “Đọc mê mải cuốn truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, tôi có cảm khoái say sưa như lâu ngày được hưởng một “món ăn lạ miệng”. Nhà văn Vũ Ngọc Bình thì bày tỏ nỗi tiếc thương tác giả Lá cờ thêu sáu chữ vàng trên Báo Thiếu Niên Tiền Phong năm 1960: “Nhà văn mất đi, đem theo một chương trình sáng tác về truyện lịch sử dân tộc, loại truyện còn hiếm người viết vì đòi hỏi một vốn hiểu biết dồi dào và nghệ thuật viết văn điêu luyện”.
Nửa thế kỷ đã qua, Lá cờ thêu sáu chữ vàng vẫn luôn có mặt trên thị trường sách đang ngày một đa dạng và phong phú. Đặc biệt, năm 2010, kỷ niệm 50 năm ngày mất của tác giả, cũng là 50 năm ngày ra đời cuốn sách, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt Lá cờ thêu sáu chữ vàng phiên bản mới, in màu trên giấy vàng khổ lớn, trang nghiêm và sang trọng. Sau hơn nửa năm dụng công vẽ và trình bày sách, họa sĩ Tạ Huy Long, từng được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước tâm sự, càng vẽ càng hứng thú. Trong đó, ấn tượng nhất là bức vẽ mẹ già của Trần Quốc Toản ra bờ sông nhìn theo sáu trăm gã hào kiệt đi đánh giặc đang xa dần, xa dần. Trong nắng chiều, những ngọn tinh kỳ của đoàn quân bay phấp phới.
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
-/-
Các em vừa tham khảo một số mẫu bài giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng của tác giả Nguyễn Huy Tưởng thuộc nội dung chương trình Văn mẫu lớp 8 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài giới thiệu hay và đủ ý. Chúc các em học tốt!