Giới thiệu một phẩm chất hoặc nêu một thói quen xấu cần khắc phục

Xuất bản: 11/07/2024 - Tác giả:

Viết bài văn, đoạn văn thuyết minh giới thiệu một phẩm chất hoặc nêu một thói quen xấu cần khắc phục của lớp trẻ hiện nay như đi trễ, sống ỷ lại, thói quen trì hoãn, lề mề, ích kỉ, lười biếng,...

Lớp trẻ ngày nay, với sức trẻ và sự năng động, đang là lực lượng chủ chốt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh những phẩm chất đáng quý, vẫn còn tồn tại một số thói quen xấu cần được khắc phục để lớp trẻ có thể phát triển toàn diện hơn. Bài viết này sẽ cung cấp những gợi ý cơ bản giúp các em hoàn thành bài văn giới thiệu một phẩm chất hoặc nêu một thói quen xấu cần khắc phục của lớp trẻ hiện nay.

Gợi ý một số phẩm chất hoặc thói quen xấu của lớp trẻ hiện nay

Phẩm chất là tính chất bên trong của con người, tính chất bên trong có thể xấu hoặc tốt, tuỳ theo sự rèn luyện, định hướng của mỗi người.

Phẩm chất tốt

- Năng động, sáng tạo

+ Nhạy bén với công nghệ, dễ dàng tiếp cận và sử dụng thành thạo các công nghệ mới, họ biết cách tận dụng công nghệ để học tập, giải trí, và tạo ra những sản phẩm sáng tạo.

+ Tư duy đổi mới: không ngại thử nghiệm, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm kiếm những cách thức mới để giải quyết vấn đề, tạo ra những giá trị mới cho xã hội.

+ Thích nghi nhanh chóng với môi trường thay đổi, biết cách nhanh chóng nắm bắt thông tin và áp dụng vào thực tế.

- Yêu nước, có trách nhiệm với cộng đồng:

+ Nâng cao tinh thần tự hào dân tộc: luôn tự hào về lịch sử, văn hóa và những thành tựu của dân tộc, luôn mong muốn góp phần xây dựng quê hương, đất nước phát triển thịnh vượng.

+ Tích cực tham gia các hoạt động xã hội góp phần giúp đỡ cộng đồng, thể hiện tinh thần yêu nước thông qua hành động thực tế.

- Ham học hỏi, cầu tiến:

+ Luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

+ Luôn tìm kiếm cơ hội để học hỏi và trao đổi kiến thức với những người có kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển bản thân.

- Lạc quan, yêu đời:

+ Luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, tự tin vào khả năng của bản thân, và luôn hướng về tương lai tươi sáng.

+ Luôn mong muốn tạo ra giá trị cho xã hội, góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cho mọi người.

- Tự tin, dám nghĩ dám làm: Luôn tìm tòi, thử thách bản thân, không sợ thất bại, luôn hướng về những mục tiêu cao đẹp, nỗ lực phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình.

Phẩm chất, thói quen xấu cần khắc phục

- Thiếu kiên nhẫn, dễ nản chí: Dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thử thách, không có sự kiên trì và bền bỉ.

- Thụ động trong học tập: Không chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức, chỉ học những gì được dạy trên lớp.

- Quá phụ thuộc vào công nghệ: Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, không có thời gian cho các hoạt động khác.

- Thiếu kinh nghiệm, dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin trên mạng xã hội.

- Thiếu kỹ năng sống: Thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giải quyết vấn đề, tự lập trong cuộc sống, kỹ năng quản lý thời gian, tài chính, làm việc nhóm,...

- Dễ bị cuốn vào các trào lưu không lành mạnh: Bắt chước theo những trào lưu tiêu cực, a dua theo những trào lưu không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến lối sống và suy nghĩ...

- Thói quen xấu trong sinh hoạt: Thức khuya, dậy muộn, ăn uống không điều độ, thiếu vận động.

- Bệnh thành tích: Chỉ quan tâm đến điểm số, bằng cấp mà không chú trọng đến việc trau dồi kiến thức và kỹ năng thực tế.

- Thiếu ý thức chấp hành pháp luật: Vi phạm luật giao thông, sử dụng chất kích thích, bạo lực học đường,...

- Thói quen đi trễ, lề mề: thường xuyên đi học / đi làm muộn, không có ý thức sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý, làm việc gì cũng chậm chạp, coi việc đi muộn là bình thường.

- Sống ỷ lại, lười biếng: Thiếu ý chí phấn đấu, không chịu khó học tập, làm việc, ỷ lại vào người khác.

- Thói quen trì hoãn: cố tình hoặc vô tình làm chậm lại, chưa muốn làm ngay một công việc phải làm, hoặc chờ đợi một thời gian sau đó mới thực hiện.

- Nghiện game, mạng xã hội: Dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, mạng xã hội, ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe.

- Sống ảo, thích thể hiện: Quá chú trọng đến hình ảnh bản thân trên mạng xã hội, thích khoe khoang, thể hiện bản thân một cách không lành mạnh, dành nhiều thời gian cho việc sống ảo trên mạng xã hội, mà quên đi những giá trị thực sự trong cuộc sống.

- ...

Dàn ý giới thiệu một phẩm chất hoặc thói quen xấu cần khắc phục

Dàn ý giới thiệu một phẩm chất tốt của lớp trẻ hiện nay

1. Mở bài

- Nêu khái quát về lớp trẻ hiện nay, vai trò của họ trong xã hội.

- Giới thiệu phẩm chất tốt đẹp muốn giới thiệu (ví dụ: năng động, sáng tạo, yêu nước, tinh thần tự học, lòng nhân ái,...)

2. Thân bài

a) Giải thích

- Định nghĩa rõ nét về phẩm chất đó.

- Nêu bật những biểu hiện cụ thể của phẩm chất này trong cuộc sống của lớp trẻ hiện nay.

- Dẫn chứng bằng những câu chuyện, sự kiện, ví dụ thực tế để minh chứng cho luận điểm.

b) Phân tích chi tiết về phẩm chất

- Biểu hiện cụ thể của phẩm chất đó

- Ý nghĩa, tác động tích cực của phẩm chất đó đối với bản thân lớp trẻ và xã hội.

- Liên hệ với những câu chuyện, nhân vật tiêu biểu trong văn học hoặc lịch sử để làm rõ ý nghĩa của phẩm chất đó.

c) Bàn luận

- Nêu lên những khó khăn, thách thức mà lớp trẻ hiện nay gặp phải trong việc phát huy phẩm chất đó.

- Đưa ra những lời khuyên, giải pháp để giúp lớp trẻ phát huy tối đa phẩm chất tốt đẹp của mình.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò quan trọng của phẩm chất tốt đẹp đó đối với lớp trẻ và xã hội.

- Khích lệ, động viên lớp trẻ tiếp tục phát huy phẩm chất đó để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Dàn ý giới thiệu một thói quen xấu cần khắc khục của lớp trẻ hiện nay

1. Mở bài

- Giới thiệu và khái quát về một thói quen xấu phổ biến ở lớp trẻ hiện nay (ví dụ: lạm dụng mạng xã hội).

- Nhấn mạnh tính cấp bách của việc nhận thức và khắc phục thói quen này.

2. Thân bài

a) Giải thích

- Nêu định nghĩa cụ thể về thói quen xấu

b) Nêu các biểu hiện của thói quen xấu

- Mô tả cụ thể biểu hiện của thói quen xấu đó trong đời sống của giới trẻ (ví dụ: dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, bỏ bê học tập, công việc, các mối quan hệ thực tế...).

- Dẫn chứng bằng số liệu, thông tin thực tế để làm rõ mức độ phổ biến và ảnh hưởng của thói quen này.

c) Nguyên nhân hình thành thói quen xấu

- Phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc giới trẻ hình thành thói quen xấu đó (ví dụ: áp lực học tập, công việc, thiếu kỹ năng quản lý thời gian, ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, sự hấp dẫn của thế giới ảo...).

d) Tác hại của thói quen xấu

- Chỉ ra những tác động tiêu cực của thói quen xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ (ví dụ: gây nghiện, ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây ra các bệnh về mắt, cột sống, tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu...).

- Phân tích ảnh hưởng của thói quen xấu đến việc học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội của giới trẻ.

e) Giải pháp khắc phục thói quen xấu

- Đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp giới trẻ nhận thức và khắc phục thói quen xấu (ví dụ: nâng cao ý thức tự giác, rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, chuyên gia...).

- Khuyến khích giới trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn hóa để có lối sống lành mạnh và cân bằng hơn.

3. Kết bài

- Khẳng định lại tầm quan trọng của việc khắc phục thói quen xấu để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.

- Kêu gọi sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hướng và hỗ trợ giới trẻ xây dựng những thói quen tốt.

Dàn ý giới thiệu thói quen trì hoãn

1. Mở bài

- Giới thiệu và khái quát về một thói quen xấu phổ biến ở lớp trẻ hiện nay. Ví dụ: thói quen trì hoãn.

- Nhấn mạnh tính cấp bách của việc thay đổi thói quen này.

2. Thân bài

a) Giải thích về thói quen trì hoãn

- Trì hoãn là việc cố ý làm chậm lại hoặc hoãn lại một công việc, nhiệm vụ cần phải hoàn thành.

b) Biểu hiện của thói quen trì hoãn

- Luôn tìm lý do để trì hoãn công việc.

- Để mọi việc đến phút cuối mới làm.

- Dễ bị phân tâm bởi những việc khác.

- Không có kế hoạch cụ thể và thường xuyên thay đổi kế hoạch.

c) Nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn

- Lười biếng, thiếu động lực.

- Sợ hãi thất bại, lo lắng về kết quả.

- Thiếu kỹ năng quản lý thời gian.

- Áp lực từ công việc, học tập hoặc cuộc sống.

- Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh.

d) Tác hại của thói quen trì hoãn

- Giảm năng suất, hiệu quả công việc và học tập.

- Gây căng thẳng, stress, lo lắng.

- Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

- Mất cơ hội, không đạt được mục tiêu.

- Làm giảm uy tín, đánh mất lòng tin của người khác.

e) Giải pháp khắc phục thói quen trì hoãn

- Nhận thức rõ tác hại của trì hoãn và quyết tâm thay đổi.

- Đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng và chia nhỏ công việc.

- Lập kế hoạch chi tiết và theo dõi tiến độ.

- Tạo động lực cho bản thân, tự thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ.

- Hạn chế các yếu tố gây xao nhãng, tập trung vào công việc.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè.

3. Kết bài

- Khẳng định lại tầm quan trọng của việc khắc phục thói quen trì hoãn.

- Khuyến khích các bạn trẻ thay đổi để có một cuộc sống tích cực và thành công hơn.

Văn mẫu giới thiệu một phẩm chất hoặc nêu một thói quen xấu cần khắc phục của lớp trẻ hiện nay

Mẫu số 1: Giới thiệu thói quen sống ỷ lại, dựa dẫm

Xã hội ngày càng phát triển văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, còn không ít những hiện tượng tiêu cực. Trong đó không thể không kể đến một số thành phần thanh thiếu niên có lối sống ỷ lại, dựa dẫm. Đây quả thật là một vấn nạn của xã hội hiện đại.

Ta có thể hiểu lối sống ỷ lại dựa dẫm là lối sống phụ thuộc vào người khác, không có chính kiến của bản thân mình. Ví dụ như: có một số học sinh có thói quen không chịu làm bài tập mà cứ chờ bạn làm rồi mượn vở của bạn để copy, hoặc chờ ba mẹ soạn sách vở cho rồi chỉ việc cắp cặp đi học, hay chỉ đơn giản là chuyện ba mẹ dọn cơm ra rồi chỉ cần ngồi vào bàn ăn mà không ý thức tự giác phụ ba mẹ… Hiện tượng ỷ lại, dựa dẫm của thanh thiếu niên gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của mỗi các nhân nói riêng và toàn thể cộng đồng nói chung. Đối với bản thân, thói quen xấu đó sẽ khiến bản thân chúng ta càng ngày càng bị lệ thuộc vào người khác, sống không có lập trường, không tin tưởng vào năng lực của bản thân và sẽ làm ảnh hưởng tới ba mẹ, khiến ba mẹ lúc nào cũng phải canh cánh trong lòng không tin tưởng vào việc con mình làm. Đối với nhà trường, những học sinh như vậy sẽ ảnh hưởng tới thành tích của chính học sinh đó nói riêng và với lớp, trường nói chung. Nghiêm trọng hơn, những học sinh như vậy sau này bước ra xã hội sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, dễ bị dụ dỗ lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội, nghiện ngập, cờ bạc.

Hiện tượng sống ỷ lại, dựa dẫm bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do học sinh quá lười biếng, luôn ỷ lại phụ thuộc vào người khác, chưa có chính kiến và lập trường của bản thân. Còn nguyên nhân khách quan là do chưa được giáo dục đúng cách, luôn được cưng chiều quá mức, ba mẹ nuông chiều làm hết việc cho con cái khiến con không biết làm việc gì, luôn ỷ lại dựa dẫm vào người khác. Để giải quyết vấn nạn các thanh thiếu niên có lối sống ỷ lại, dựa dẫm cần đến những giải pháp đồng bộ. Nhà trường và gia đình nên rèn luyện cho con em mình cách sống tự chủ, tư lập. Lồng ghép các bài học giáo dục, các tác hại và sự ảnh hưởng tiêu cực của những thói quen xấu vào các bài học ở trường, ở lớp.

Mỗi chúng ta là những thanh thiếu niên, là những mầm non tương lai của đất nước. Cần nhận thức được lối sống ỷ lại, dựa dẫm có tác hại xấu với chúng ta như thế nào. Từ đó, chúng ta cần có những việc làm cụ thể. Chúng ta nên cố gắng để phát triển bản thân, để có bản thân có đủ năng lực không cần ỷ lại vào người khác, có thể tự lực gánh sinh trong mọi chuyện.

Như vậy, lối sống ỷ lại, dựa dẫm của thanh thiếu niên hiện nay quả thật là một vấn nạn đáng báo động của xã hội hiện đại. Để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, cần đến sự chung tay của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng trong việc đẩy lùi tệ nạn sống ỷ lại, dựa dẫm.

Mẫu số 2: Giới thiệu thói quen đi trễ

Lần gần nhất mà bạn phải ngồi chờ đợi một ai đó là từ khi nào? Có lẽ thói quen đi trễ đã không còn xa lạ gì với mọi người nữa, nó gần như trở thành thói quen của rất nhiều người trong xã hội, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi,…và đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh có thói quen đi học muộn với đủ mọi lý do hết sức vô lý được đưa ra.

Quản lý thời gian là một giải pháp cần thiết để khắc phục được tình trạng trễ giờ, quên thời gian,... và cần phải bố trí đủ thời gian vào buổi sáng để sẵn sàng đi học, trì hoãn các công việc không cần thiết cũng như dự đoán được các vấn đề về giao thông. Rất nhiều người không có ý thức sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý, làm việc gì cũng chậm chạp và họ coi việc đi học muộn trở thành một việc hết sức bình thường. Việc đi đúng giờ không chỉ thể hiện bạn là một người văn minh, hiện đại mà còn là một người biết tôn trọng người khác. Chẳng hạn việc bạn thường xuyên đi trễ sẽ làm mất đi uy tín của bạn, lời hứa không còn có trọng lượng và bị đánh giá là người không đáng tin cậy. Nếu bạn nghĩ rằng đi học muộn là việc của bạn và hậu quả ra sao mình bạn chịu thì nhầm rồi nhé. Khi bạn đến lớp muộn, nó không chỉ làm gián đoạn dòng chảy của một bài giảng hoặc thảo luận, mà còn ảnh hưởng đến sự tập trung của học sinh khác, cản trở việc học của tập thể và thường ăn mòn tinh thần lớp học. Thầy cô cũng vì thế mà cảm thấy bực mình và không muốn dạy một lớp học mà có nhiều bạn vô ý thức, vô kỷ luật như vậy.

Việc mọi người đi trễ có thể do một sự cố ngẫu nhiên như: ngủ quên, tắc đường, nhỡ xe, thời tiết,…. nhưng cũng có thể đó đã trở thành một thói quen khó có cách nào sửa đổi. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn đến lớp muộn, có thể là nguyên nhân chủ quan với lý do làm bài tập ngủ muộn, sáng dậy muộn,… hay nguyên nhân khách quan như việc tắc đường, xe hỏng,…. Nhưng dù có là lý do gì đi nữa thì việc đi trễ vẫn là một thói quen không tốt để lại rất nhiều hậu quả đáng tiếc và chúng ta cần từ bỏ nó ngay từ bây giờ. Tác hại của việc đi trễ là vô cùng lớn. Nếu mỗi người trong xã hội đều không coi trọng việc đúng giờ thì xã hội sẽ không thể nào tiến bộ được. Để tránh tình trạng đi học muộn, các bạn hãy tự chọn cho mình một biện pháp khắc phục phù hợp với bản thân mình, giảm thiểu tối đa thời gian bị mất bởi những lý do không cần thiết.

Đi trễ không chỉ đơn thuần là một thói quen xấu mà còn là căn bệnh bám rễ vào tư tưởng mỗi người và có thể gây nên những hậu quả khó lường nếu không được khắc phục ngay từ bây giờ. Để khắc phục thói quen đi trễ của bản thân, đầu tiên bạn phải là một người biết coi trọng thời gian và đơn giản là có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình. Thứ nhất, bạn phải biết cách lập kế hoạch phân bổ thời gian trong ngày một cách hợp lý. Nếu bạn là người chậm chạp, lề mề trong việc chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà thì hãy nhớ cài đồng hồ hẹn trước một chút thời gian để không bị lỡ hẹn và đi học đúng giờ. Thứ hai, nếu bạn là người đãng trí hay quên thì hãy tự lập cho mình một thời gian biểu khoa học và nhớ thường xuyên theo dõi nó để chắc chắn rằng mình không bỏ quên hay đi trễ một cuộc hẹn hay một buổi học nào cả. Và bạn cũng nên dự trù thời gian để có thể hoàn thành công việc và những việc có khả năng phát sinh thêm, tránh để quỹ thời gian của bạn bị quá tải, trôi đi một cách lãng phí.

Cha ông ta có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Dù biết rằng việc thay đổi thói quen từ thường xuyên đi trễ thành một người luôn đúng giờ là một việc làm rất khó nhưng không phải là không làm được. Vì vậy bạn và tôi, chúng ta đừng để đi muộn trở thành thói quen không thể sửa mà hãy cùng nhau trở thành người có thói quen làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Hãy biết quý trọng thời gian!

Mẫu số 3: Giới thiệu thói quen trì hoãn

Sự trì hoãn có thể tạo ra một loạt hậu quả và vấn đề phức tạp không chỉ trong công việc mà còn ảnh hưởng đến đời sống cá nhân. Trì hoãn không chỉ là một hành vi đơn thuần, mà còn là nguồn gốc của nhiều vấn đề tâm lý và xã hội.

Khi người ta trì hoãn, hậu quả đầu tiên là căng thẳng và cảm giác tội lỗi. Áp lực từ việc hoàn thành công việc, đáp ứng trách nhiệm và tiến độ làm cho tâm trạng trở nên căng thẳng và nặng nề. Đồng thời, cảm giác tội lỗi xuất phát từ việc không thực hiện được các cam kết và trách nhiệm đã đề ra. Những cảm xúc này kết hợp lại với nhau và tạo nên một tình trạng khó chịu, thậm chí là khủng hoảng tâm lý.

Ngoài ra, sự trì hoãn còn mang đến những hậu quả lớn trong năng suất lao động cá nhân. Việc không đáp ứng được trách nhiệm và cam kết về thời hạn làm cho người trì hoãn trở thành đối tượng chỉ trích, phê bình và dày vò của xã hội. Sự thất bại trong công việc có thể dẫn đến mất mát nghiêm trọng trong danh tiếng và địa vị xã hội của họ.

Người mắc bệnh trì hoãn thường phải đối mặt với tâm trạng lo lắng, thiếu ngủ và căng thẳng khi hạn chót của công việc đang đến gần. Họ cảm thấy áp đặt và sợ hãi, buộc họ phải tăng cường nỗ lực để hoàn thành công việc theo đúng thời hạn. Trì hoãn không chỉ là vấn đề của bản thân công việc mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe tâm lý và thể chất của người trì hoãn.

Việc trì hoãn không chỉ làm cho công việc trở nên dồn dập và quá tải mà còn tạo ra khó khăn trong việc duy trì hoạt động bình thường. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho người trì hoãn khi họ gặp khó khăn trong việc thực hiện cam kết, tạo ra sự không chắc chắn và không tin cậy từ phía xã hội. Người ta có thể đánh giá họ là thiếu ý chí, lười biếng, thiếu quyết tâm và không có sự chú tâm, tập trung trong công việc. Sự trì hoãn trở thành một tình trạng khó khăn, đồng thời mở ra cánh cửa cho sự kỳ thị và đánh giá tiêu cực từ xã hội. Điều này khiến người mắc bệnh trì hoãn cảm thấy mất lòng tin vào bản thân, khó khăn trong việc xây dựng niềm tin và tin tưởng từ người khác.

Mẫu số 4: Bàn về thói quen xấu

Bàn về thói quen xấu, người xưa từng nói: “Con người, bản tính vốn giống nhau, nhưng vì tập nhiễm thói quen khác nhau nên thành ra khác nhau”. Tương lai, sự thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau của con người phụ thuộc một phần quan trọng ở thói quen. Cùng với sự phát triển của xã hội, giới trẻ ngày nay nhìn chung năng động hơn, độc lập, tự chủ và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, giới trẻ hiện đang hình thành một số thói quen không tốt. Và điều quan trọng là, đã thành thói quen thì rất khó thay đổi. Bởi thói quen xấu như một chiếc giường thoải mái, dễ trèo vào nhưng khó trèo ra. Vậy làm thế nào để nhận diện được những thói quen xấu và bằng cách nào để loại bỏ chúng?

Thói quen là những phản xạ, hành vi, việc làm được lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu ngày trở thành nếp. Những thói quen tốt, chẳng hạn: ngủ dậy sớm, đọc sách, thường xuyên tập thể dục, xác định mục tiêu công việc rõ ràng, vạch kế hoạch trước khi hành động, gọn gàng ngăn nắp… Những thói quen xấu, chẳng hạn: ỷ lại, lề mề, ngại suy nghĩ, luộm thuộm, nói xấu người khác, tham ăn, nhìn mọi sự theo hướng tiêu cực… Điều không may là chúng ta từ bỏ thói quen tốt dễ dàng hơn là loại bỏ thói quen xấu. Do tác động của môi trường xã hội, do ảnh hưởng của gia đình và sự chi phối của cảm xúc, tâm lý cá nhân, giới trẻ Việt Nam hiện nay đang nhiễm phải một số thói quen xấu.

Điển hình, có thể kể đến: thói quen văng tục, chửi thề, dễ nổi nóng, “nghiện” mạng xã hội, lười đọc sách, lười vận động chân tay, tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm, lạm dụng bia rượu, lười tập thể dục… Những thói quen xấu đó đã tàn phá sức khoẻ, gây ra nhiều bệnh tật cho con người như: cận thị, loạn thị, rối loạn giấc ngủ, thể lực yếu… Nghiêm trọng hơn, những thói quen xấu đó đã hình thành nên những lớp người thiếu kiến thức, yếu kỹ năng, thiếu tự tin, không có khả năng hợp tác và cạnh tranh. Đất nước sẽ trì trệ bởi những chủ nhân tương lai trống rỗng, vô hồn như vậy.

Để loại bỏ thói quen xấu, trước hết cần phải có ý chí, nghị lực và sự quyết tâm mạnh mẽ của bản thân mỗi người. Sau đó, cần dành thời gian để luyện tập thay đổi hành vi, thay thế thói quen xấu bằng việc hình thành các thói quen tốt. Nếu cần, chúng ta có thể kêu gọi sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè. Chúng ta cũng có thể tự khích lệ mình khi đã lấy lại được quyền “kiểm soát” hành động chứ không thụ động, chiều lòng tật xấu. Nếu chẳng may nhiễm lại thói quen cũ, không nên tặc lưỡi buông xuôi mà phải bình tâm suy nghĩ tìm lý do “ngựa quen đường cũ” để có cách khắc phục. Các bạn trẻ hãy luôn rèn luyện, thực hành thành thạo những thói quen tốt như: sống có trách nhiệm với chính mình và những người xung quanh; kiên trì theo đuổi và thực hiện mục tiêu; luyện tập tư duy chủ động, tích cực và sáng tạo; tranh thủ thời gian đề đọc sách và tích luỹ tri thức… Làm được điều đó, thì dù “lớn lên” với những thói quen xấu chúng ta vẫn có thể “già đi” với những thói quen tốt (ý của Victor Hugo).

Mẫu số 5: Giới thiệu về phẩm chất sống lí tưởng

Mỗi người trẻ chúng ta được sống trong nền hòa bình và tự do như hiện nay là một điều vô cùng may mắn. Nhưng không vì thế mà chúng ta bàng quang với xã hội mà ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng cần có trách nhiệm với quê hương đất nước, trách nhiệm này trong suy nghĩ của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên, là thanh niên, chúng ta cần sống có lí tưởng.

Lí tưởng là gì? Có thể hiểu, lí tưởng là những điều tốt đẹp, chân lí cao đẹp, sống có lí tưởng chính là sống hướng đến những mục đích cao cả, tốt đẹp, phù hợp với hoàn cảnh bản thân và bối cảnh xã hội. Lí tưởng sống cũng là sống có ước mơ, có hoài bão và khát vọng sống ý nghĩa cho đời, cho xã hội. Người có lí tưởng sống thường mang trong mình những mục tiêu sống nhất định, luôn hướng hành động và suy nghĩ của mình đến những điều tốt đẹp, cao cả, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân theo những chuẩn mực tiến bộ của xã hội. Một trong những lí tưởng sống đẹp chính là sống vì mọi người, vì những mục đích chung của toàn thể xã hội.

Bàn về lí tưởng sống, sẽ nhiều người đặt câu hỏi "Vì sao phải có lí tưởng sống?", hay "lí tưởng sống có vai trò và ý nghĩa gì?", quả thực chúng ta muốn ai đó làm bất điều gì trước tiên phải làm cho họ hiểu mục đích và ý nghĩa của việc làm đó, muốn thanh niên sống có lí tưởng cũng như vậy, phải làm cho thanh niên hiểu vai trò của lí tưởng sống. Có thể nói, lí tưởng sống có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách và làm đẹp tâm hồn của thanh niên nói riêng, con người nói chung.

Nếu không có mục đích, sống không có lí tưởng thì sẽ như thế nào? Lép Tôn-xtôi đã nói: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhớ đến hình ảnh Bác Hồ trong cuộc trò chuyện với bác Lê - một người bạn của Bác trước khi Người rời khỏi Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Năm ấy, khi bác Lê hỏi tiền đâu, Bác đã đưa hai bàn tay ra và nói tiền đây. Trong lòng người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngày ấy là cả một nhiệt huyết tràn đầy lí tưởng tìm đường cứu đất nước. Bác có lí tưởng, đó là con đường Cách mạng và Bác đã dùng hai bàn tay của mình để thực hiện lí tưởng đó. Cuối cùng, Bác đã thành công.

Vậy nên, khi chúng ta có lí tưởng, có mục tiêu của cuộc đời mình chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng để hoàn thành nó. Con người sống trong cuộc đời này ai cũng có ước mơ, có mục đích sống. Và chỉ khi đó ta mới sống hết mình, sống có kế hoạch, sống đúng nghĩa của sống. Lý tưởng sống chính là điều kiện để con người vươn lên hoàn thiện bản thân mình hơn. Người sống có lý tưởng sẽ thành công hơn trong cuộc sống, trở thành một người lạc quan, sống có ích cho xã hội. Đó là điều hiển nhiên và Bác Hồ là một minh chứng rõ nhất. Hoặc lướt đọc qua cuộc đời của những người thành công ta không thể phủ nhận một điều rằng họ có ước mơ, họ phấn đấu từng ngày để hoàn thiện ước mơ. Mỗi người nên tự lựa chọn cho mình một lối đi riêng, một cuộc đời, một lí tưởng riêng và không ngừng nỗ lực để đi đến cuối đỉnh của thành công - hoàn thành lí tưởng của cuộc đời mình.

Một điều ta rõ ràng có thể thấy, những người thành công luôn là những người sống có lí tưởng, kiên trì theo đuổi đam mê. Còn những thanh niên sống chơi bời, lêu lổng, nghĩ rằng đó là điều tốt, họ buông thả trước cuộc đời. Họ - những con người đó sẽ đi theo con đường sai trái. Thế hệ thanh niên chúng ta bây giờ nên lựa chọn thái độ sống tích cực, sống có ích cho xã hội. Sống để những năm tháng sau này khi nhìn lại ta sẽ không thấy hối tiếc vì những gì đã qua. Riêng đối với bản thân tôi, tôi không có lí tưởng cao siêu hay vĩ đại, nhưng tôi biết tôi muốn được đem cái chữ về với buôn làng, về những nơi núi đồi nghèo khổ. Và tôi vẫn đang hằng ngày tích cực học tập, rèn luyện để có thể thực hiện điều đó.

Sống trong cuộc đời này, thế giới đang không ngừng biến đổi, nếu bạn không có mục đích, có lí tưởng bạn sẽ sớm bị guồng quay xã hội đảo ngược. Hãy chọn cho bản thân một cuộc sống thật ý nghĩa, để những giọt mồ hôi, giọt máu của những thế hệ đã qua không đổ một cách vô ích. Và cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: "Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời."

Mẫu 6: Giới thiệu về phẩm chất lạc quan, yêu đời

Trong cuộc sống, mỗi người trẻ chúng ta sẽ phải trải những giai đoạn khác nhau, những cung bậc cảm xúc khác nhau để hoàn thiện bản thân và rút ra cho mình lẽ sống. Trước mỗi hoàn cảnh, chúng ta rèn luyện những đức tính, phẩm chất tốt đẹp để có thể vượt qua được mọi khó khăn, thử thách. Một trong những phẩm chất tốt đẹp đó chính là lạc quan.

Vậy thế nào là lạc quan? Lạc quan chính là thái độ vui vẻ, thoải mái, vô tư dù, nghĩ và hướng đến những điều tốt đẹp dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gian nan thử thách hay chuyện không vui trong cuộc sống. Tinh thần lạc quan rất quan trọng đối với cuộc sống con người, mỗi người nên rèn luyện cho bản thân sự lạc quan để sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách.

Mỗi chúng ta, trong quá trình trưởng thành không thể tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã, chán nản,… tinh thần lạc quan sẽ giúp ta đứng lên và tiếp tục chiến đấu, chinh phục con đường mà mình đã lựa chọn. Bên cạnh đó, tinh thần lạc quan còn giúp cho con người sống vui vẻ hơn, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp hơn của cuộc sống, giúp cho cuộc sống muôn màu sắc hơn. Người có tinh thần lạc quan luôn truyền được năng lượng tích cực cho người khác, góp phần làm cho những thông điệp, tinh thần tích cực lan tỏa được mạnh mẽ hơn.

Thực tế đã chứng minh tinh thần lạc quan giúp ích rất nhiều cho cuộc sống. Những em nhỏ vùng cao đã lặn lội nhiều cây số để đi học với tinh thần lạc quan, bệnh nhân ung thư nhờ tinh thần lạc quan mà vượt qua được bệnh tật. Một tấm gương về tinh thần lạc quan không thể không nhắc đến chính là chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Bác đã nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, nhưng với tinh thần lạc quan của mình, Bác đã giúp đất nước dành được độc lập tự do, thoát khỏi ách áp bức nô lệ.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã, không vực dậy đi tiếp; lại có nhiều người vì quá lạc quan mà trở nên vô tâm, vô tư trước cuộc đời và người khác;… những người này đáng bị chỉ trích, phê phán.

Tinh thần lạc quan là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần làm nên thành công và chất lượng cuộc sống của con người. Mỗi chúng ta hãy cố gắng rèn luyện cho bản thân tinh thần tốt đẹp này để có thể đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ một cách tốt nhất.

-/-

Các em vừa tham khảo những gợi ý của Đọc tài liệu cho bài văn giới thiệu một phẩm chất hoặc nêu một thói quen xấu cần khắc phục của lớp trẻ hiện nay kèm theo một số bài văn mẫu hay dành cho các em tham khảo. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM