Giới thiệu một cuốn sách truyện lịch sử

Xuất bản: 25/01/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn dàn ý bài văn giới thiệu một cuốn sách truyện lịch sử, TOP 7+ bài văn hay giới thiệu về một cuốn truyện lịch sử lớp 8

Hướng dẫn cách làm và tham khảo một số bài văn, đoạn văn mẫu hay giới thiệu một cuốn sách truyện lịch sử do Đọc tài liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ phần nào giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho quá trình viết bài.

Dàn ý giới thiệu một cuốn sách truyện lịch sử

Mở bài

- Giới thiệu tên cuốn sách, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, thể loại.

- Nêu lý do giới thiệu cuốn sách.

Thân bài

- Nêu đề tài, chủ đề tư tưởng của cuốn truyện.

- Phân tích các nhân vật, tình huống, cốt truyện.

- Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của cuốn sách.

- Ý nghĩa, giá trị của cuốn sách

Kết bài

- Nêu cảm nhận của bản thân về cuốn sách.

- Khuyên đọc cuốn sách cho những ai yêu thích thể loại truyện lịch sử.

TOP 7+ bài giới thiệu về một cuốn sách truyện lịch sử

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử Tiêu Sơn Tráng Sĩ

Tiêu Sơn Tráng Sĩ là tác phẩm dài nhất của Khái Hưng, trên bốn trăm trang và cũng là tác phẩm công phu nhất của ông, nó đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử cách đây hai trăm năm, thời Lê mạt Nguyễn sơ, dưới triều Cảnh Thịnh năm thứ năm (1797), tức Nguyễn Quang Toản lên ngôi 1792. Tiểu thuyết dã sử dựa theo sử viết thành truyện đã có cách đây hàng nghìn năm tại Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc...

Mặc dù chịu ảnh hưởng hoàn toàn của văn học Trung Hoa, trong nền văn học Hán Nôm Việt Nam, chúng ta không thấy thể loại này, có chăng trong nền văn học mới gần đây như Nguyễn Quỳnh với Chuông Nhà Hồ, Đội Cấn Khởi Nghĩa. Tiêu Sơn Tráng Sĩ được coi như truyện dã sử nổi tiếng nhất của nền văn học nước nhà.

Đây cũng là một trong những tác phẩm thành công nhất của Khái Hưng, nó đã diễn lại bằng những hình ảnh hào hùng về tổ chức và hoạt động của đảng Tiêu Sơn phò Lê, chống lại triều đình Tây Sơn với những tráng sĩ gan dạ, anh hùng như Phạm Thái, Nhị Nương. Tác phẩm ra đời trong lúc tình hình quốc tế đang có bíến chuyển, nước Pháp bại trận đầu hàng. Tiêu Sơn Tráng Sĩ với trên bốn trăm trang giấy là nơi mà tác giả gửi gắm tâm tình của ông, Khái Hưng ca ngợi những chiến sĩ gan dạ, xả thân vì đại nghĩa vì sự nghiệp cách mạng để khơi dậy trong tâm hồn giới thanh niên một tinh thần hi sinh, ái quốc.

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử Đêm hội Long Trì

Đêm hội Long Trì

là một cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được sáng tác vào năm 1942. Truyện xoay quanh không gian lịch sử hoàn toàn mới lạ: Chuyện nhà chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương, khắc họa hiện thực của xã hội Việt Nam trong giai đoạn suy thoái và phân rã của triều đại phong kiến và khai thác các mâu thuẫn, xung đột lịch sử. Vì thế đã đem đến một cái nhìn sâu hon vào từng nhân vật được xuất hiện trong câu chuyện.

Đêm hội Long Trì được lấy bối cảnh lịch sử vào thời Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, trị vì 1767 - 1782. Trịnh Sâm là vị chúa thứ 8 của vương tộc Trịnh cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt, ông nổi tiếng là vị chúa tàn bạo nhất lịch sử Việt Nam. Vốn thông minh và quyết đoán trong việc trị vì, nhưng sau năm 1775, Trịnh Sâm càng ngày càng sa vào tửu sắc, ăn chơi sa đọa, chính trị suy bại, cuộc sống nhân dân trở nên cơ cực, lầm than.

Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì đã thành công tái hiện một thời điểm lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân rã của triều đại, khi chúa Trịnh Sâm tài giỏi nhưng háo sắc và bị Tuyên Phi Đặng Thị Huệ - người được chúa sủng ái do nhan sắc xinh đẹp lợi dụng và thao túng quyền lực, làm đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.

Có thể nói, Đêm hội Long Trì đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một cuốn tiểu thuyết lịch sử nhờ ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng. Truyện phản ánh chân thực cái ác qua nhân vật “Cậu Trời” Đặng Lân và người đàn bà nhiều thủ đoạn Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đồng thời, nó cũng bộc lộ cái thiện hiếm hoi qua sự trượng nghĩa của nhân vật Nguyễn Mại. Và cuối cùng, tiểu thuyết đã khép lại với cái kết “thiện giành thắng trước ác”, đây là một kết thúc “có hậu” theo cảm quan văn học dân gian.

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử Núi rừng Yên Thế

Nhắc tới nhà văn Nguyên Hồng, người ta thường nghĩ đến các tác phẩm như: Bỉ vỏ, Thời thơ ấu và đặc biệt là bộ tiểu thuyết Cửa biển. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tiểu thuyết dang dở Núi rừng Yên Thế mới là tâm huyết, là trăn trở lớn nhất của nhà văn. Nguyên Hồng xây dựng tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế với tư tưởng đây là cuộc chiến tranh nhân dân theo đường lối trường kỳ kháng chiến.

Với tác phẩm này, nhà văn muốn khẳng định cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa của quần chúng, được chuẩn bị, nung nấu từ trong quần chúng nhân dân. Để hiện thực hóa tư tưởng đó, tác giả đã bắt đầu tác phẩm từ những con người khốn khổ, gồng gánh, chui lủi, dắt díu nhau phiêu dạt khắp nơi. Mỗi con người là một cảnh đời, một số phận nhưng lại gặp nhau ở một điểm: bị truy đuổi, bị dồn ép buộc phải rời bỏ quê hương, buộc phải trốn chạy lên nơi thâm sơn cùng cốc, nơi mà họ hy vọng tính mạng có thể được bảo toàn. Trong trái tim những kẻ khốn khổ tha hương đó đều mang theo mối thù nhà nợ nước nung nấu đòi phải trả…

Dưới ngòi bút Nguyên Hồng đầy cảm hứng lịch sử, Yên Thế trở nên rõ nét trong từng thời khắc, từng thiên cảnh, từng con người rất Yên Thế mà cũng rất Việt Nam, một Việt Nam những năm tháng chủ quyền rơi vào tay thực dân Pháp. Phải nói rằng, trí tưởng tượng phong phú, kết hợp với những suy ngẫm về chí khí ông cha đã giúp Nguyên Hồng tái tạo thật sinh động, thật rung cảm về một Yên Thế du thủ, du thực, nhưng giết người không vì của mà vì việc nghĩa, một Yên Thế đánh giặc phương Bắc, phương Tây từ Cai tổng Vàng, Cai Kinh đến Đề Nhân, Đốc Văn, Thơm,...một Yên Thế trầm hùng. Bằng đôi cánh tưởng tượng đầy lãng mạn, Nguyên Hồng đã nâng Yên Thế vốn chim trong xa xưa bay về thời đại hôm nay.

Nhưng đáng tiếc thay, nhà văn Nguyên Hồng đã ra đi giữa những trang viết Núi rừng Yên Thế còn bộn bề, ngổn ngang. Kết cục những số phận, những mảnh đời của bao nhân vật mà nhà văn khắc khoải, ao ước, nung nấu đã đi vào bí mật, cùng tác giả sang thế giới siêu linh. Cho dù tác phẩm chưa đi được đến đích nhưng chúng ta có thể thấy nhà văn đã xây dựng tác phẩm để khẳng định: cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổ ra là tất yếu, là đúng với quy luật của lịch sử. Cuộc khởi nghĩa là sự tổng hợp của ý chí, của sức mạnh toàn dân quyết đứng lên bảo vệ quyền sống, quyền tự do của con người trước sự áp bức bóc lột của giặc ngoại bang.

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử An Tư

An Tư là cuốn tiểu thuyết ngắn được viết bởi trí tưởng tưởng và khả năng sáng tạo tuyệt vời, tài hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, được sáng tác vào năm 1943. Với lối viết lôi cuốn, tiểu thuyết đã lưu dấu lại không chỉ câu chuyện bi kịch của nàng công chúa đời Trần mà còn là cả một thời đại anh hùng, một cuộc đấu tranh anh hùng của vua tôi nhà Trần.

An Tư vẽ ra bức tranh lịch sử của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông của quân dân nhà Trần trong thế kỉ XIII. Bên cạnh đó, tác giả cũng không quên tái hiện toàn cảnh những bi thương và thảm cảnh do chiến tranh mang lại cho người dân Đại Việt vào thời đó.

Đọc tác phẩm và chúng ta sẽ được gặp lại Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với tài thao lược quân binh, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi trẻ tài cao với lá cơ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, Báo hoàng ân” đã trở thành huyền thoại, những vị tướng như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão – người đam mê việc quân đến độ quân địch lấy giáo đâm vào chân mà ông cũng chẳng biết. Chúng ta sẽ được nhìn thấy như hiện lên trước mắt mình hội nghị Diên Hồng nơi các bô lão đồng thanh lời tuyên bố đánh địch, nơi tiếng reo “Sát Thát” đã đi vào sử sách, nơi mà Trần Hưng Đạo hô vang bài “Hịch tướng sĩ” để khích lệ lòng quân.

Qua tác phẩm, ta thấy được An Tư – số phận một cá nhân nhưng cũng là tiêu biểu cho những hi sinh mất mát của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. An Tư – tiểu thuyết về một bậc liệt nữ nhưng cũng là bức tranh toàn cảnh về lịch sử đất nước trong đó có kinh thành Thăng Long, ở vào một thời điểm đầy thử thách nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử Người Thăng Long

Tiểu thuyết Người Thăng Long của nhà văn Hà Ân - một tác phẩm hội tụ về lịch sử Việt Nam, đem đến cho người đọc như cuốn vào vào không khí hào hùng đó.

Người Thăng Long tái hiện về một bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Với nhân vật trung tâm là Trần Nhật Duật, ông hoàng Sáu, một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lực chiến thắng giặc ngoại xâm mà còn thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời.

Đọc tác phẩm giống như nhìn vào lát cắt của một thời đại đã qua, với những hỉ nộ ái ố, những sinh hoạt rất đỗi thường ngày của con người Đại Việt trong những năm tháng hào hùng ấy. Lấy bối cảnh là cuộc chiến tranh kháng quân Nguyên Mông, nhắc đến những sự kiện như hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng, thu phục tù trưởng miền Đà Giang Trình Giác Mật, sự kiện Trần Ích Tắc hàng giặc, việc công chúa An Tư hi sinh thân mình,... Đây không chỉ là một câu chuyện lịch sử, mà ông đã xây dựng lên một bức tranh thời đại tỉ mỉ, chân thực và sống động. Ở đó, những con người tưởng như xa vời trong sách vở bỗng trở nên gần gũi lạ thường.

Những nhân vật của tác phẩm hầu như đều có trong mình một câu chuyện, một quá trình phát triển tâm lý nhân vật vô cùng thuyết phục. Từ nhân vật chính như ông Hoàng Sáu Trần Nhật Duật đến những người xung quanh như Đức quan gia Nhân Tông, Đức Thượng hoàng Thánh Tông, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Quang Khải, người anh em đồng nhũ Hoành Mãnh, công chúa An Tư,… đến những nhân vật mà sau này ở tuyến phản diện như Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, tất cả đều được hiện lên đầy chân thực, rõ ràng.

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Truyện "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được in thành sách và xuất bản đầu tiên vào năm 1960. Đó là truyện lịch sử hay và đặc sắc về cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285). Tác phẩm đề cập đến những nhân vật tiêu biểu như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, song nổi bật nhất là hình tượng Trần Quốc Toản, người thiếu niên tuổi nhỏ chí lớn - một tấm gương sáng để các thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo. Tác phẩm đạt được sự thành công nhờ yếu tố lịch sử xen lẫn sự tưởng tượng, sáng tạo của tác giả.

Gần 6 thập kỉ đã qua, tác phẩm đã đi vào lòng bạn đọc, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho mọi người, nhất là đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Đó là sự khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của Trần Quốc Toản. Đó là sự cảm động trước tình mẹ con, tình chú cháu, vua tôi cùng trên dưới một lòng. Đó là lòng căm giận trước tội ác của quân Nguyên. Đó còn là sự hả hê, vui sướng khi quân giặc phải chịu thất bại thảm hại và bị khuất phục bởi tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của quân dân nhà Trần.

Với nội dung hay và ý nghĩa như vậy nên tác phẩm "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" đã được tái bản nhiều lần, trường tồn cùng năm tháng và là nguồn cảm hứng để nhiều họa sĩ thể hiện nhân vật cùng sự kiện lịch sử cách đây đã hơn bảy thế kỷ bằng những hình ảnh đậm chất sử thi, trong đó có họa sĩ Văn Minh đã phác họa được những hình ảnh tràn đầy khí thế của Trần Quốc Toản.

Đến với ấn bản truyện tranh mới "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của Nhà xuất bản Kim Đồng, các em sẽ biết 6 chữ vàng được thêu trên lá cờ là những chữ gì và hiểu rõ hơn về người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản. Hãy cùng đón đọc cuốn sách nhé! Chắc chắn tác phẩm tuyệt vời này sẽ mang lại cho chúng ta bài học ý nghĩa về ý chí và sự quyết tâm, về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Và hình ảnh lá cờ thêu sáu chữ vàng, hình ảnh thiếu niên Trần Quốc Toản cùng đoàn quân hăng hái đi đánh giặc sẽ mãi mãi là một biểu tượng của lòng yêu nước, một bản anh hùng ca sáng ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam!

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng

Cuốn sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng là tập hợp những câu chuyện về Hoàng hậu Nam Phương, người con gái tài sắc vẹn toàn của đất Gò Công - Tiền Giang, người đã chinh phục hoàn toàn trái tim của Hoàng đế Bảo Đại để bước lên ngôi Hoàng hậu của triều Nguyễn vào năm 1934.

Sinh ra trong một gia đình giàu có, lẽ ra cuộc đời của người con gái mang tên Nguyễn Thị Lan đã bình lặng và sung sướng hơn nhiều nếu như không có cuộc gặp gỡ định mệnh với vị Hoàng đế trẻ tuổi của nước Đại Nam - Hoàng đế Bảo Đại. Trở thành vợ của vua một nước, cuộc đời bà đã bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác, những tưởng đấy là danh vọng lẫn quyền lực nhưng hóa ra lại đau khổ và cô đơn cho đến tận những năm tháng cuối đời.

Cuộc hôn nhân giữa Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đã trải qua mọi thăng trầm, từ những ngày hạnh phúc êm đềm cho đến những tháng năm chia ly và đau khổ khi Vua Bảo Đại liên tiếp có các mối quan hệ tình ái ngoài luồng. Dẫu vậy, bà Nam Phương vẫn luôn một lòng một dạ chăm sóc con cái và thủy chung với chồng, không hề than trách nửa lời. Suốt cuộc đời mình, bà đã sống đúng với bốn chữ công, dung, ngôn, hạnh – không chỉ xứng đáng là một người vợ, người mẹ hoàn hảo mà còn xứng là một bậc mẫu nghi trong thiên hạ, cũng như một phụ nữ tiêu biểu của nước Việt Nam thời hiện đại: hết mình vì gia đình, chồng con, nhưng cũng không quên trách nhiệm của một công dân với Tổ Quốc.

Cho đến nay, xoay quanh cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương có rất nhiều câu chuyện mà không phải ai cũng biết tới. Cuốn sách Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của bà. Đặc biệt, cuốn sách cũng hé mở cuộc sống của Hoàng hậu Nam Phương những ngày trên đất Pháp sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nếu lúc trẻ, bà Nam Phương trải qua cuộc sống thật hạnh phúc và sung sướng về vật chất cũng như danh vọng; thì cuối đời, bà đã mất trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở cái tuổi còn khá trẻ: bà mất năm 1963 khi vừa được 49 tuổi.

Với vẻ đẹp phúc hậu và tấm lòng nhân từ của mình, dù Nam Phương Hoàng hậu mất đã lâu nhưng những câu chuyện về cuộc đời bà sẽ vẫn còn được người đời nhắc tới. Và thực tế, cùng với bà Từ Dụ tức Bác Huệ Thái Hoàng Thái hậu, vợ Vua Thiệu Trị; Nam Phương Hoàng hậu là một trong hai bà được sử sách nhắc đến nhiều và được ca ngợi nhờ nết đoan trang, nhân từ với mọi người, không phân biệt sang giàu và chính kiến.

Giới thiệu cuốn sách truyện lịch sử Sử Việt 12 khúc tráng ca

Sử Việt 12 khúc tráng ca” được nhà báo Dũng Phan viết và xuất bản vào tháng 8 năm 2017 với tổng 272 trang sách. Đây là cuốn sách dành cho tất cả mọi thế hệ không chỉ riêng các bạn trẻ. Bởi vì chỉ cần bạn là người Việt Nam thì đều có thể tìm kiếm được trong đây tình yêu với sử nhà bởi tính chất hấp dẫn, bi hùng và những bài học của tiền nhân để lại thông qua những câu chuyện đặc sắc. Cuốn sách được ví như một cuốn phim li kì với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Đến với cuốn sách “Sử Việt 12 khúc tráng ca” này các bạn sẽ không chỉ đọc để biết mà còn đọc để suy ngẫm. Nội dung sách kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách chính là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với các nhận định và đánh giá riêng của tác giả Dũng Phan. Những câu chuyện được kể lại đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.

Khi nhắc đến Sử Việt, nói đến những vị anh hùng của dân tộc, chắc hẳn ai cũng có thể kể ra một loạt những cái tên nổi tiếng như Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Quyền,… nhưng để kể sâu hơn về con người hay cuộc đời của họ thì hầu hết mọi người đều ấp úng và chần chừ không kể được. Chỉ cần sở hữu cuốn sách này trong tay thì chắc chắn bạn sẽ có thêm một phần nào đó kiến thức sâu hơn về những vị anh hùng dân tộc này một cách nhanh chóng, dễ tiếp thu chứ không bị nhàm chán.

Cuốn sách không những đưa các bạn đọc đến với những vị anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt,... mà cuốn sách còn nhắc đến những nhân vật rất quan trọng chưa được đánh giá đúng mực như Khúc Hạo hay những địa danh bị lu mờ như thành Bình Lỗ, đầm Thị Nại,… càng không chỉ nói sơ qua chiến tích ở Bạch Đằng mà còn đưa ra những chi tiết giúp độc giả hiểu thêm về kĩ thuật đóng cọc trên sông, giải đáp chuyện bí ẩn Quang Trung hành quân thần tốc.

Sử Việt 12 khúc tráng ca” là cả một quá trình tổng hợp, đúc kết lịch sử trên dưới 1000 năm của dân tộc ta, từ thời Ngô Quyền, người anh hùng đã chấm dứt sự đô hộ ngàn năm của phương Bắc, đến hết thời vua Gia Long người đã có công trong việc thống nhất, mở rộng bờ cõi, giải thích lí do vì sao lãnh thổ nước ta có hình dạng hình S như hiện nay và kết thúc ở thời vua Minh Mạng, còn bao gồm cả những nhận định, những suy nghĩ, trăn trở đánh giá riêng của tác giả về thời kỳ này.

Trong sách, tác giả như phác họa lại chân dung hào hùng của 12 bậc vĩ nhân trong lịch sử một cách chính xác và dễ chịu nhất, có những kiến thức mà bao lâu nay như đã bị chôn vùi trong lớp bụi của hàng ngàn năm lịch sử hay có những chi tiết mà ta đã bỏ lỡ khi còn cầm trên tay cuốn sách giáo khoa Lịch sử thời còn đi học. Qua đó, giúp người đọc có cái nhìn tổng thể và đầy đủ hơn về 1000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tác giả đã kết thúc cuốn sách bằng vài đòn văn hào hùng trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo Đại Vương.

Với lối viết rất thoải mái trong ngôn từ, sử dụng văn phong của giới trẻ cùng với cách đặt vấn đề rất tự nhiên và cuốn hút. Nó không giống với như những sách lịch sử có trên thị trường hiện nay, thay vì đơn thuần liệt kê các tình tiết, sự kiện lịch sử, tác giả Dũng Phan đã viết dưới dạng kể chuyện và quan trọng hơn cả là bàn luận về các câu chuyện lịch sử ấy. Tác giả còn khéo léo khi đưa vào cuốn sách những đánh giá nhận định lại công lao, tội trạng, khiếm khuyết của các triều đại lịch sử Việt Nam, đem lại cái nhìn công bằng hơn cho các độc giả mà không gây gò bó hay khô khan, đây cũng chính là điều mà các quyển sách về lịch sử thường xuyên mắc phải khiến cho người đọc cảm thấy nhàm chán. Cuốn sách sẽ giúp bạn nhận ra rằng sử ta không hề thua kém sử Tàu hay thế giới.

(Nguồn: Anybooks.vn)

Các em vừa tham khảo dàn ý chi tiết và một số mẫu bài giới thiệu một cuốn sách truyện lịch sử thuộc nội dung chương trình Văn mẫu lớp 8 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài giới thiệu hay và đủ ý. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM