Giới thiệu một cuốn sách hay đến thầy cô và bạn bè trong trường

Xuất bản: 24/01/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn viết bài văn giới thiệu một cuốn sách hay đến thầy cô và bạn bè trong trường trong chuyên mục Mỗi tháng một cuốn sách hay trên trang web trường em

Hướng dẫn cách viết bài và tham khảo TOP 10+ bài giới thiệu một cuốn sách hay đến thầy cô và bạn bè trong trường do Đọc tài liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ phần nào giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình làm bài.

Dàn ý bài giới thiệu một cuốn sách hay

1. Mở bài

- Giới thiệu tên cuốn sách muốn giới thiệu cho thầy cô và các bạn.

- Ấn tượng nổi bật về cuốn sách, lí do muốn giới thiệu cuốn sách.

2. Thân bài

- Giới thiệu khái quát về cuốn sách: tên sách, tác giả, thể loại, nhà xuất bản, năm xuất bản,...

- Trình bày nội dung chính của cuốn sách.

- Phân tích những giá trị nội dung, nghệ thuật của cuốn sách.

- Cảm nhận của bản thân về cuốn sách.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị của cuốn sách.

- Đề xuất lời, kêu gọi mọi người hãy đọc cuốn sách.

* Một số lưu ý trong quá trình viết bài giới thiệu:

- Khi giới thiệu về tên sách, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, thể loại, cần nêu một cách đầy đủ và chính xác.

- Khi giới thiệu về nội dung của cuốn sách, cần nêu được những chi tiết, tình tiết chính, những nhân vật quan trọng, những ý nghĩa, giá trị của cuốn sách.

- Khi giới thiệu về đặc sắc về nghệ thuật của cuốn sách, cần nêu được những nét đặc sắc về ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu,...

- Khi giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của cuốn sách, cần nêu được những giá trị về nội dung, nghệ thuật, giáo dục,...

- Khi kết bài, cần khẳng định lại giá trị của cuốn sách và kêu gọi mọi người hãy đọc cuốn sách.

TOP 10 bài giới thiệu một cuốn sách hay đến thầy cô và bạn bè trong trường

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 1: Mắt biếc

Các bạn thân mến, hẳn là ai trong chúng ta cũng từng nghe đến cuốn Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây quả thực là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Cuốn sách mang đến cho chúng ta những cảm nhận thú vị về mối tình trẻ con của Ngạn và Hà Lan.

Cả hai đều là những đứa trẻ ngây thơ, chúng yêu quý nhau bằng tình cảm hết sức hồn nhiên, trong sáng. Thế nhưng, môi trường sống thay đổi khiến Hà Lan dần cảm thấy ngôi làng Đo Đo trở nên nhàm chán, thấy cuộc sống ở thành phố sôi động và thích thú hơn nhiều. Chỉ còn mỗi Ngạn vẫn khư khư ôm mối tình cũ với Hà Lan. Câu chuyện được tiếp diễn với sự kiện Hà Lan sa chân vào một mối tình với cậu bạn Dũng, thế rồi có con với anh ta nhưng lại bị chính anh ta khước từ. Lúc này người duy nhất ở bên chăm sóc Hà Lan và con chỉ có Ngạn. Thế nhưng với những mặc cảm trong quá khứ, Hà Lan đã không thể nào đến với Ngạn, bỏ lại mối tình dang dở với anh chàng thầy giáo chân quê - Ngạn. Đọc truyện, người đọc như được cuốn vào một thế giới với những tình cảm trong sáng của hai nhân vật Ngạn và Hà Lan lúc còn nhỏ, được cảm nhận giá trị nhân văn sâu sắc của tình người, tình bạn và tình yêu. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa bạn đọc cùng nhân vật trải qua những cảm xúc thật khó tả, mang đến cho ta một chân lý sâu sắc được kết lại ở cuối tác phẩm "Trên đời này có hai thứ không thể bỏ lỡ là chuyến xe cuối cùng trở về nhà và người thật lòng thương ta".

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 2: Chuyện về thầy cô và bạn bè

Hòa trong không khí hân hoan hướng về Ngày nhà giáo Việt nam 20/11, ngày mà cả nước tri ân, tôn vinh sự cống hiến miệt mài của các thầy, cô giáo, trong buổi giới thiệu sách hay tháng 11 hôm nay, thư viện Tiểu học Lý Thường Kiệt xin trân trọng gửi tới Quý thầy cô và các em học sinh cuốn sách “Chuyện về thầy cô và bạn bè” của tác giả Nguyễn Viên Như, được nhà xuất bản Thế giới và công ty Văn hóa Đinh Tị ấn hành năm 2016. Sách dày 179 trang giấy, khổ 13×20,5cm. Cuốn sách có trang bìa được trang trí rất hài hòa, giản đơn mà đầy ý nghĩa; mang số ĐKCB: STN 626.

Ai trong quãng đời học sinh cũng có cho mình một thầy, cô giáo mà mình yêu quý, cuốn sách “Chuyện về thầy cô và bạn bè” bao gồm 41 câu chuyện, đó là những tâm sự thắp sáng ký ức sống động, đẹp đẽ về những người thầy, người cô của riêng mỗi chúng ta như: Lời thầy dạy, Lớp học về lòng trắc ẩn, Bài học của thầy Mỹ thuật, Đôi tay cô…Câu chuyện Xin cô tha lỗi: "Tôi chỉ có một người mà tôi kính trọng, là cô. Tôi quyết tâm một ngày nào đó, khi thành đạt trở về sẽ quỳ xin lỗi cô, để nói với cô rằng thằng học trò mà cô đã đến nhà nó không biết bao nhiêu lần, phải bảo lãnh với nhà trường để nó khỏi bị kỷ luật vì hành động vô lễ, cái thằng đã ngồi suốt năm học lớp chín từ chiều đến mười giờ đêm ở nhà cô để cô khảo bài cho nó, cái thằng đã trét mắt mèo vào ghế cô và cũng là cái thằng khóc ròng khi cầm trên tay chiếc áo trắng mới tinh cô gửi vào đầu năm lớp mười, nó đã không phụ lòng cô... Tôi đã đi hết con đường cô mong đợi. Tôi có gần như nhiều thứ trong đời, nhưng mãi mãi lời xin lỗi cô tôi không bao giờ nói được... Cô đã không chờ đợi được đến khi tôi có thể nói lời xin lỗi. Mãi mãi cho đến hết cuộc đời này, tôi vẫn không bao giờ còn có cơ hội xin cô tha lỗi! Cô giáo tôi đã đi mãi, rất xa."

Mỗi câu chuyện là một kỷ niệm, một bài học quý giá tuyệt vời của Thầy Cô sẽ là hành trang giúp các em vững bước vào đời. Qua cuốn sách, các em có thể thấy đâu đó bóng dáng người Thầy, người Cô - những người đã ngày đêm dạy dỗ chúng ta, ngày đêm miệt mài bên ánh đèn để thắp sáng ước mơ cho bao thế hệ học trò và đâu đó cũng thấy một chút mình trong đó. Không phải chỉ riêng ngày 20/11 mà có thể bất kỳ ngày nào trong năm chúng ta vẫn có thể gửi tới quý Thầy Cô của mình những lời tri ân, những dòng tâm sự, những lời xin lỗi, lời cảm ơn. Thầy Cô luôn mở rộng vòng tay yêu thương để đón nhận, cho dù ta thành công hay thất bại trên đường đời.

Và đã có ai đó nói rằng: “Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia”. Thật đúng như vậy, để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, “người đưa đò" phải cố gắng giữ làm sao cho đò được vững chắc. Mà có ai biết được rằng, trong suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả. Phải, “người đưa đò” phải dùng hết sức lực của bản thân để chống chọi những khi có “mưa to”, “gió lớn”. Rồi khi đã đưa được khách qua sông, “người đưa đò” lại quay về bến bên kia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Và cứ thế, cứ thế, những người thầy đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho tất cả những đứa con thân yêu của họ, không quản khó khăn, mệt mỏi, bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khát khao – uốn nắn, dạy dỗ lớp trẻ hôm nay thành người.

Chuyện về thầy cô và bạn bè” có thể là một trong những lựa chọn, một món quà nhỏ nhưng ý nghĩa để chúng ta gửi đến những thầy cô kính yêu của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và tôi mong rằng, sau khi đọc xong cuốn sách này, các em hãy học tập tốt hơn nữa, làm được nhiều việc tốt hơn nữa để tri ân Thầy Cô.

(Thư viện trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Long Biên, HN)

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 3: Ngôi trường dấu yêu

Năm học mới đến rồi! Chúng ta lại hàng ngày được cắp sách tới trường cùng học tập, cùng vui chơi với bạn bè và thầy cô. Để chào mừng năm học mới thư viện trường THCS Tứ Minh xin giới thiệu cuốn sách: NGÔI TRƯỜNG DẤU YÊU của tác giả Huỳnh Văn Sơn chủ biên. Sách do nhà xuất bản Việt Nam phát hành, khổ 12x20. Bìa sách được trang trí màu sắc rực rỡ, sinh động. Sách có số cá biệt: GDDD-00366.

Chúng ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành, chúng ta biết yêu thương, sống trách nhiệm và nắm lấy hạnh phúc bằng tri thức, bằng nghị lực và niềm đam mê sáng tạo,… Nhưng nếu chỉ có bản thân mình vận động thôi thì e là chưa đủ vì thiếu bệ phóng,… Bệ phóng cuộc đời mỗi người là điều gì? Ở đâu? Khi nào? Là ai? Bất cứ ai trong chúng ta đều nghĩ bệ phóng đó là gia đình, bạn bè, thầy cô, những người mình yêu thương và gắn bó,…Chính những chỗ dựa này đã cho ta nhiều yêu thương, nghị lực, tri thức và kinh nghiệm sống,… giúp bản thân ta luôn biết tự nhận thức cuộc đời và sống đúng với ý nghĩa của nó. Tuy cuộc sống không tránh khỏi những lúc thăng trầm, buồn vui nhưng những bước đi đầu đời với sự dìu dắt của ba mẹ và sự dạy dỗ của thầy, cô giáo sẽ giúp chúng ta vững tin rằng mình sẽ thành công và hạnh phúc; hoặc những tình thương ấy sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn và cố gắng phấn đấu nhiều hơn khi nhìn về tương lai,…

Những “chuyến đò” ta được đưa qua, những kỉ niệm thời học sinh, những tình bạn thời áo trắng nuôi dưỡng trong ta biết bao niềm vui đong đầy và vun đắp tinh thần phấn đấu cho ta mai sau,… Ai chưa từng rơi nước mắt trong những lần chia tay mái trường, thầy cô và bạn bè,… sẽ có thể bắt gặp lại lần nữa những xúc cảm ấy nơi đây, trong quyển sách NGÔI TRƯỜNG DẤU YÊU này. Những dòng chia sẻ, những câu chuyện được trình bày là sự tập hợp những cảm xúc của rất nhiều cá nhân đã có một thời cắp sách tới trường với nhiều mộng mơ, hoài bão. Chắc chắn rằng, NGÔI TRƯỜNG DẤU YÊU sẽ là những kí ức yêu thương vô cùng đẹp đẽ và rất đáng trân trọng, sẽ theo chúng ta suốt cuộc đời.

NGÔI TRƯỜNG DẤU YÊU là tập sách thứ hai trong tủ sách “Truyền thống - Tâm lý - Xã hội”, đề cập đến các vấn đề thường xảy ra trong môi trường học đường dưới những góc độ khác nhau: từ những ký ức khó quên của tuổi học trò, quan hệ bạn bè, thầy cô cho đến những biến đổi và thách thức trong môi trường học đường hiện nay.

Với cách tiếp cận mới mang tính truyền thông, tư vấn và đối thoại, kết hợp với những dẫn chứng và minh họa thuyết phục bằng các mẩu chuyện thực tế xảy ra trong học đường, sách sẽ giúp các em học sinh và giáo viên có thêm nguồn tư liệu tham khảo, từ đó đúc rút cho bản thân những kinh nghiệm quý báu trong việc tao dựng và bồi đắp tương lai của các em sau này.

NGÔI TRƯỜNG DẤU YÊU là cuốn sách hay và hữu ích không chỉ đối với học sinh, giáo viên, chuyên viên tư vấn tâm lý xã hội,… mà còn thật sự cần thiết đối với những bậc phụ huynh và những ai quan tâm đến việc xây dựng môi trường học đường ngày càng tốt đẹp hơn. NGÔI TRƯỜNG YÊU DẤU là cuốn sách trong tủ sách giáo dục đạo đức của nhà trường, là tài liệu cần thiết để giáo dục học sinh về lòng biết ơn thầy cô về tình nghĩa bạn bè và tình cảm với ngôi trường yêu dấu của mình, nơi đã nuôi dưỡng mình khôn lớn lên người.

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 4: Bài học của Thầy

“Dạy học là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Từ ngàn xưa, nhân dân ta đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thầy cô là những kỹ sư tâm hồn, suốt một đời thầm lặng như “người chở đò” đưa khách qua sông, đưa các thế hệ học sinh đến bờ bờ tri thức.Công ơn thầy cô hôm qua, hôm nay và sẽ mãi mãi còn được khắc ghi trong trái tim mỗi học trò.Với mong muốn mang tấm lòng tri ân đến các thầy cô trên khắp mọi miền Tổ quốc, cũng là góp phần nhỏ bé vào công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường. Hôm nay thư viện xin trân trọng giới thiệu đến thầy cô và các em cuốn sách “Bài học của thầy”  và cuốn sách “Bài học của thầy” do nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2013 trong tủ sách giáo dục đạo đức thư viện nhà trường. sách có độ dày 188 trang, có số các biệt GDDD-00357. Bìa sách được trang trí màu xanh trắng, trang nhã, giản dị.

Như những khoảng lặng cần thiết trong tiết tấu của cuộc sống, những câu chuyện trong cuốn sách này sẽ mang đến cho bạn cơ hội để suy ngẫm và rung dộng về những chuyện có thực, về những điều có thể nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa về mỗi chúng ta.

Những câu chuyện trong Tủ sách Sống đẹp là tình cảm, nỗi niềm tâm sự chia sẻ của đông đảo bạn bè trên thế giới, họ ở mọi tầng lớp trong xã hội nhưng có chung một mong muốn là đánh thức trái tim nhân hậu và tình thương trong mỗi con người hay sát cánh bên nhau trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời hạnh phúc sẽ được nhân đôi khi bạn chia sẻ, đó là ước nguyện của những người thực hiện cuốn sách này

Với nguồn thông tin là những câu chuyện chia sẻ của cộng đồng trên mạng Internet, chúng tôi đã tiến hành tuyển soạn và biên dịch cuốn sách này gồm những câu chuyện về tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc đã được hiển hữu đầy đủ từ những con người rất đỗi giản dị và gần gũi với mỗi chúng ta.

Mỗi câu chuyện khép lại là những cảm nhận sâu sắc dành cho bạn đọc. Đó có thể là món quà, là tâm sự bạn muốn dành tặng những người yêu thương xung quanh mình. Cuốn sách bài học của thầy tài liệu cần thiết về giáo dục đạo nghĩa thầy trò cho học sinh, sinh viên; là món quà nhỏ đầu năm học dành cho các thầy cô giáo. Kính mời quý thầy cô và các em đón đọc.

(Thư viện THCS Tứ Minh, TP. Hải Dương)

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 5: Nhật kí Đặng Thùy Trâm

Nhật kí Đặng Thùy Trâm - cuốn nhật kí thời chiến đấu của một nữ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi, trong mọi thời đại. Cuốn nhật kí như lời thủ thỉ tâm tình thiết tha, sâu kín trong tâm hồn trong sáng, lương thiện của một cô y bác sĩ, viết về số phận của những người lính yêu nước đồng thời thể hiện một tình yêu to lớn, một tình thương người, gắn với những lí tưởng sống của cuộc đời đồng chí. Đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội. Cuốn nhật kí được viết trong 3 năm từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 20 tháng 6 năm 1970 dưới ngòi bút của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Tháng 6 năm 1970, khi Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi tính châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải thu được sau một trận càn quét, người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!." Quả thật, “ngọn lửa” ấy như tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất của người con gái Hà Nội – bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một nữ chiến sĩ, một y bác sĩ tận tụy, sẵn sàng cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Cô tha thiết yêu quê hương, yêu thiên nhiên cây cỏ và yêu cả những người đồng đội luôn sát cánh bên mình. Người con gái ấy luôn mang trong mình một nghị lực phi thường, vượt lên bao chông gai, thử thách và cả những nỗi buồn, sự chia li, nhớ nhung. Dù vậy, nụ cười tươi rói vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt rạng ngời của cô gái chiến sĩ ấy.

Đi qua từng trang sách, ta lại thấy mình như bước vào trái tim của cả một lớp thanh niên thời đại - những con người giàu tình cảm ấy luôn cháy rực trong mình lòng yêu quê hương, đất nước. Đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, những người anh hùng ấy vẫn can đảm đứng ra bảo vệ nền độc lập và tự do của nước nhà.

“Ít ra mình còn được biết đến hòa bình; còn những con người ở đây, có người đã ngã xuống mà chưa được biết một ngày hòa bình”

Trong nhật kí, chị cũng tìm ra một con người khác với Thùy Trâm và mọi người vẫn thường biết đến hàng ngày. Chị ghi lại tất cả những kỉ niệm với đồng đội, những ca giải phẫu còn thiếu thốn vật chất và cả tình thương bao la chị dành cho quê nhà trong những năm tháng bom rơi đạn nổ.

Một trong những đoạn thơ chị viết khi nhớ về gia đình đã được trích lại:

“Tôi đứng đây giữa núi rừng lộng gió
Mưa đan dày trùm cả rừng cây
Nghe gió mùa đông bắc thổi về đây.
Lòng bỗng thấy nhớ thương da diết.
Ơi những người thân yêu ở nơi xa có biết
Tôi nghĩ gì trong giá lạnh chiều nay

Chiều nay…
Trong nghìn suy nghĩ
Ai khẽ thở dài thoáng nét lo âu
Ta thấy rồi trong những đêm thâu
Một đôi mắt đen vẫn còn chưa nghỉ
Ai lo cho đồng bào, anh em, đồng chí
Ai đau lòng khi bom đạn còn rơi
Ơi những người thân thiết của tôi ơi.
Giữa chiều nay tôi bay về sum họp
Tôi hôn những người thân và lệ tràn trong mắt
Giọt lệ chảy dài thấm mặn yêu thương.
Đường đi bao nỗi gian nan
Bàn chân lội suối băng ngàn ta đi
Chông gai nào có xá gì
Mắt nhìn vẫn một hướng về ngày mai
Và ai có biết chăng ai
Tình thương đã chắp cánh dài cho ta.

Giữa núi rừng, mưa gió trùm kín khổ đầu làm con người vốn bé nhỏ trước thiên nhiên càng nhỏ bé hơn trong cơn mưa xối xả. Mưa đã “đan dày” còn thêm cả những đợt gió mùa Đông Bắc kéo về, đưa sự giá lạnh gửi vào thân hình bé nhỏ, cô đơn trong gió rét. Vậy mà, con người nhỏ bé ấy đã như vượt qua nỗi buồn rét mướt, dám đương đầu với thực tại, hứng chịu sự khắc nghiệt để lẩn núp những cơn giông bão của cuộc đời.

Cuốn sách "Nhật kí Đặng Thùy Trâm” của người con gái Hà Nội ấy sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà chúng em muốn gửi đến các quý độc giả. Cuốn sách đã làm làm sống dậy trong kí ức chúng ta một thời kì lịch sử đau thương nhưng rất anh dũng của dân tộc; đồng thời cũng đã chạm khắc bức tượng đài cao đẹp về người con gái Cách mạng không thể nào quên.

Hãy đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm để đưa mình sống lại quá khứ đau thương mà anh hùng, cứng rắn nhưng cũng không kém phần lãng mạn của người bác sĩ trẻ đã ra đi khi mới 27 tuổi – cái tuổi mà ta đáng nhẽ được tận hưởng sự ngọt ngào của tình yêu và hạnh phúc.

(Chi đội 9A3, THCS Chu Mạnh Trinh, Văn Giang, Hưng Yên)

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 6: Hai vạn dặm dưới biển

Cách đây khoảng một thể kỷ, ở nước Pháp có một nhà văn chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng được mọi người, nhất là bạn đọc trẻ, hết sức yêu thích. Họ nóng lòng mong đợi từng tác phẩm của ông, truyền tay nhau đọc và tranh luận sôi nổi về những vấn đề được đặt ra. Ở nước ngoài, người ta vội vã dịch các tác phẩm của ông để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người đọc. Nhà văn đó chính là Jules Verne (1828 - 1905). Ở Jules Verne, nhà văn và nhà bác học chỉ là một. Ông có kiến thức sâu rộng, có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, có nhiều tư tưởng tiến bộ và là một tấm gương lao động sáng ngời. Ông đã để lại một di sản văn học - khoa học lớn cả về số lượng và chất lượng: năm mươi bảy tác phẩm của Jules Verne đưa chúng ta đi rất xa đến những khoảng không gian muôn màu muôn vẻ. Nhiều dự kiến thiên tài của ông đến giờ vẫn mang tính thời sự, nhiều ước mơ đã trở thành hiện thực, nhiều tác phẩm của ông được in lại và dịch nhiều lần với số lượng hàng triệu bản. Jules Verne được xem là bậc thầy của các nhà văn viết về đề tài khoa học.

Truyện “Hai vạn dặm dưới biển” Jules Verne viết trong năm 1868 và đưa in lần thứ nhất trong “Tạp chí giáo dục và giải trí” năm 1869 - 1870.  Sách có hai phần, phần một có 24 chương, phần hai có 22 chương, mỗi chương là một cuộc thám hiểm đầy thú vị. Năm 1870, tác phẩm mới được in riêng thành sách với lời đề tựa của chính tác giả: “Tôi hy vọng rằng cuộc du hành dưới biển sẽ làm bạn đọc thích thú và hiểu biết phong phú như các cuộc hành trình trước, nếu không hơn. Xin các bạn đừng sợ. Tôi tin rằng tôi sẽ đưa các bạn tham dự cuộc du lịch mới lạ và độc đáo này trở về bình an vô sự”.

Những bí mật của biển sâu bao giờ cũng gợi trí tò mò của con người. Truyện kể về 3 nhân vật: giáo sư A-rô-rắc, anh trợ việc Công-xây và Nét len, người Canada, thợ săn cá voi trên tàu Lincon cùng tình cờ xuất hiện trên con tàu Nau-ti-Lux của thuyền trưởng Nê-mô. Tàu Nau-ti-Lux chính là vệt sáng mờ trên biển khơi, là hình ảnh bí ẩn ở bìa sách. Nó là một chiếc tàu ngầm siêu hiện đại có hình cá voi đã gây bao chấn động thời bấy giờ. Tàu Nau-ti-Lux có thể lặn xuống đáy biển rất nhanh và ở đó rất lâu, nó cũng có thể nổi lên mặt nước với một vận tốc khủng khiếp để tiếp thêm không khí trong tàu. Thuyền trưởng Nê-mô là một con người bí hiểm nhưng hết sức tài giỏi, hiểu rộng, biết nhiều bằng chứng là ông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng La-tinh, ông có cả một thư viện 20 ngàn cuốn sách quý, có cả một phòng trưng bày tranh do chính ông vẽ, một chiếc đàn Piano để ông chơi những lúc mệt mỏi, một phòng bếp có thể chế tạo hàng ngàn món ăn độc đáo và ngon từ những sinh vật của biển cả,… đặc biệt hơn là ông đã phát minh ra con tàu Nau-ti-Lux xuất sắc. Tất cả mọi thứ trong tàu đều được chạy bằng động cơ điện, tàu được thiết kế rất hiện đại đủ tất cả những nhu cầu của con người hàng ngày. Nê-mô hẳn là một con người có đầu óc hết sức sắc bén, ông đã tận dụng món quà của thiên nhiên của biển cả để làm những món ăn lạ ngon nhất mà chưa từng có ở đâu, làm nên những bộ quần áo không ở đâu có, những đồ trang sức đầy lấp lánh, ông có hẳn một kho báu quý giá, phải nói là vô giá. Mỗi một lần đi là cả ba nhân vật đều để lại trong mình những cảm nhận rất riêng, con tàu đưa mọi người đi vòng quanh các đại dương, chứng kiến bao điều kì lạ, lý thú đặc sắc. Đây chắc chắn là cuộc thám hiểm nguy hiểm nhất nhưng mà ý nghĩa nhất.

Người đọc sẽ sửng sốt trước vẻ đẹp của thủy cung mà Jules Verne đã miêu tả một cách tuyệt vời qua 6 cửa phòng khách của thuyền trưởng Nê-mô, nhắm mắt lại bạn, như thể nhìn thấy mọi sinh vật biển đẹp đẽ đang quẫy nhẹ trong làn nước xanh trong. Mọi thứ của biển khơi như hiện hữu bên trong tâm trí qua mỗi lời miêu tả, mỗi lời kể của Jules. Thật sự, nhà văn đã khiến cho khoa học viễn tưởng không hề nhàm chán.

Bằng cốt truyện lôi cuốn, bằng sự trí tưởng tượng sáng tạo, bằng cách viết tài hoa Jules Verne đã đưa ta đến một cuộc sống dưới đáy biển đầy kì bí. Một thế kỉ rưỡi đã trôi qua, những hiểu biết mọi mặt của con người về biển đã tiến những bước dài nhưng sự phát triển của khoa học, kĩ thuật không làm lòng yêu mến và kính phục đối với Jules Verne trong chúng ta giảm bớt. Không chỉ gây ấn tượng bởi những không gian kì thú, sản phẩm của trí tưởng tượng siêu việt, cuốn sách này còn khiến biết bao đứa trẻ lớn lên thật mạnh mẽ với những mơ ước thật trong trẻo. Và rồi, biết bao đứa trẻ trong số đó đã và sẽ trở thành những nhà hải dương học, nhà chế tạo tàu ngầm…? Nào ai có thể thống kê hết được!

Sách có bìa màu xanh dương, màu của biển cả, và màu đen, màu của bầu trời đêm tối thăm thẳm, có những chú cá bơi lượn tung tăng trên mặt nước. Xa xa đâu đó, thấp thoáng bóng dáng một vệt sáng - một con tàu kì diệu.

(Trường TH và THCS Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình)

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 7: Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng đọc sách. Từ bác nông dân, các em nhỏ, đến học sinh, các thầy cô giáo hay cả các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học… Dù là ai đi nữa thì mỗi người sẽ dành riêng cho mình cuốn sách hay nhất. Có người chọn giữ riêng cho mình cuốn sách đó nhưng cũng có những người chọn giới thiệu cho mọi người cùng đọc, cùng yêu thích cuốn sách đó. Người ta nói: “Nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Vì vậy, đến với cuộc thi “Giới thiệu sách” em xin giới thiệu với mọi người cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng”, cuốn sách đã để lại cho em những ấn tượng khó phai.

Cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” bìa mềm, có màu đỏ, chữ màu vàng và đen nổi bật đã cuốn hút em ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bìa sách ấn tượng với hình ảnh ba người đàn ông, một người trẻ với bộ quân phục màu xanh giống với hình ảnh người chiến sĩ công an, người thứ hai là một thanh niên gầy guộc và người còn lại là một người đàn ông đã già đeo mắt kính, vầng trán có nhiều nếp nhăn. Mặt sau cuốn sách giới thiệu về những cuốn sách nằm trong bộ “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam”, như: Hoa mẫu đơn, Bình minh trong ánh mắt, Khung cửa chữ, Nẻo khuất

Cuốn sách này do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành tháng 7 năm 2007. Đây là tuyển tập những câu chuyện hay trong cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội nhà văn Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cuốn sách có khổ 13×20,5 cm cầm vừa tay, dày 252 trang với bốn phần rõ ràng. Phần đầu tiên là lời mở đầu nói về cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam và lời giới thiệu về bộ sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam”. Phần ba cũng chính là phần chính nhất của cuốn sách gồm 22 câu chuyện của 22 tác giả khác nhau với những thông điệp khác nhau; các câu chuyện đã phê phán cái xấu, cái ác, nâng niu, vun trồng cái tốt đẹp, cái cao thượng trong cuộc sống học đường, nhưng tất cả có chung một tấm lòng nhân hậu, một trái tim nhân ái, luôn thấu hiểu và cảm thông chia sẻ. Phần cuối là phần mục lục phần hầu như cuốn sách nào cũng có, phần này giúp cho người đọc theo dõi bố cục cuốn sách một cách tổng quát nhất.

Trong 22 câu chuyện có câu chuyện “Vằng vặc một tấm lòng” của tác giả Đỗ Hữu Minh nằm ở trang 103 - 112 của cuốn sách, tên câu chuyện được sử dụng làm tựa đề cho cuốn sách chắc hẳn đó là một ý đồ của nhà biên soạn sách. Truyện viết về sự kính trọng và tình cảm của Giang, một trong những học trò của thầy Tâm, một người thầy trong suốt quãng thời gian đứng trên bục giảng luôn tận tâm với nghề. Thầy Tâm đã nuôi nấng dạy bảo Giang khi cậu còn là cậu trẻ mồ côi cha mẹ. Và giờ đây, khi đã trở thành một chiến sĩ công an thực thụ, Giang vẫn không quên ngày Nhà giáo Việt Nam. Giang vẫn về thăm người thầy đã nuôi Giang khôn lớn. Còn Ninh, ngày nào còn là một cậu học trò nghịch ngợm, luôn khiến thầy Tâm phải phiền lòng giờ cũng đã trở thành người công an. Tất cả là nhờ tấm lòng cao cả của thầy Tâm, sự nhân ái của thầy đã khiến Nam - cậu thanh niên từng sa đà vào con đường ma túy - dám đứng ra chịu tội trước pháp luật. Một câu nói của thầy “Cuộc đời ai cũng có những lúc sa ngã, nhất là tuổi thơ đã bị cơn sốt của cuộc đời. Biết lỗi còn hối lỗi là tốt”. Điều đó cũng đủ để thấy được sự nhân ái bao dung của thầy Tâm, người thầy biết bao thế hệ yêu quý. “Tất cả cùng chuẩn bị để ngày mai nữa trở lại trong niềm vui đoàn tụ, hạnh phúc hơn”. Một câu kết rất ý nghĩa: “Đúng, sự chia tay ngày hôm đó của Nam và thầy Tâm, rồi khi trở lại sẽ đứng vững hơn trên con đường của một người có tấm lòng và sự yêu thương nhân ái như thầy Tâm”.

Mỗi câu chuyện đưa ta đến một miền quê khác nhau, một gia đình, một tình huống, một mối quan hệ… ở đó có những điều bổ ích, những điều cần học hỏi, chia sẻ, cảm thông. Câu chuyện “Vằng vặc một tấm lòng” em kể đến với mọi người chỉ là một phần nhỏ của cuốn sách. Mọi người hãy tìm đọc cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” để biết được những hình ảnh thầy giáo, cô giáo, những người học sinh thân yêu, lúc ở hoàn cảnh này khi ở hoàn cảnh kia… Lúc còn là thầy giáo hay khi đã rời khỏi bục giảng nhà trường. Họ là ai, là người như thế nào? Cô giáo Dung đã nhiệt tình giúp Văn vượt qua khó khăn để tiếp tục đi học trong câu chuyện “Cô và quê hương” trang 143 - 153 của Trần Thị Kim Thoa; Cô Thơ yêu nghề tại vùng căn cứ cách mạng đã mang cái chữ đến cho người Mạ trong câu chuyện “Ba thế hệ thầy giáo” trang 185 - 197 của Nguyễn Thị Tuyết Sương; hay những câu chuyện nói về những con người yêu nghề giáo, một lòng vì học sinh, vì cuộc sống tươi sáng như: “Cái tâm Nhà giáo” trang 7 - 22 của Nguyễn Văn Thanh, “Phía bên lề bục giảng” trang 48 - 54 của Lê Minh Quốc, “Đắm đuối vì nghề” trang 224 - 234 của Đàm Quang Mây và còn rất nhiều câu chuyện với nhiều nội dung ý nghĩa khác nữa.

Đọc xong chúng ta thấu hiểu được những gì thầy giáo, cô giáo đã phải trải qua trong cuộc đời đi gieo cái chữ của mình. Họ đã chịu thiệt thòi như thế nào? Thầm lặng hy sinh ra sao? Tiếp cận với cuốn sách này chúng ta sẽ biết được rằng các thầy giáo, cô giáo là người viết lên những bản tình ca, những trang sử hào hùng của dân tộc. Sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không nhắc tới cách thể hiện nội dung nghệ thuật của bộ truyện chọn lọc này. Các tác giả đã viết bằng những câu văn khi dài khi ngắn, lúc trầm lắng vo tư khi dạt dào cảm xúc. Cách kể chuyện như lời thủ thỉ tâm tình, như tâm sự. Có thể nói cả cuốn sách là một mạch cảm xúc đằm thắm sâu lắng tình người, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Đọc một lần rồi nhớ mãi không thể quên. Cuốn sách giáo dục cho mọi người lòng yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, ý chí vươn lên không mệt mỏi trong học tập hay trong giảng dạy và rèn luyện. Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên những tấm gương của những bậc tiền bối, những thầy giáo, cô giáo đã ghi lên những trang sử vẻ vang của dân tộc, ghi vào tượng đài lịch sử. Dù thời chiến hay thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bước chân của các thầy, các cô vẫn không bao giờ biết mỏi. Họ mãi mãi là niềm tin yêu của Tổ quốc và nhân dân, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Đọc thêm một cuốn sách, hiểu thêm một cuộc đời và góp phần nâng cao giáo dục toàn diện, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp các ngành đề ra. Đọc những câu thơ này chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

“Đọc đi em những cuốn sách trên tay

Lúa xanh mượt cánh cò bay lả

Tổ quốc vút lên tầm cao rực rỡ

Cũng bắt đầu từ trang sách em ơi”

Nếu dòng sông cứ mượt mà tuôn chảy, mang phù sa làm tươi tốt ruộng đồng thì một cuốn sách hay làm tươi thắm thêm vẻ đẹp tâm hồn ở mỗi người đọc.

Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” là một cuốn sách hay mang đầy ý nghĩa. Em tin rằng mọi người sẽ không hối hận khi bỏ thời gian ra để đọc nó. Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” tại phòng đọc thư viện trường THPT Krông Nô. Hi vọng các bạn và thầy cô cùng tìm đọc và giới thiệu cho người thân của mình để chúng ta cùng hiểu hơn về tấm lòng cao cả của những người làm nghề đưa đò.

(THPT Krông Nô, Đăk Nông)

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 8: Hạt giống tâm hồn - Từ những điều bình dị

"Sách là người bạn tri kỉ của con người". Đúng vậy, làm bạn với sách giúp ta có thể thả hồn vào những trang sách, làm tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng khi những guồng quay không ngừng nghỉ của cuộc sống đang diễn ra hàng ngày khiến chúng ra cảm thấy chán nản và mệt mỏi đến mức có thể cảm tưởng như đang thiếu sức sống. Trường THCS Xuân Sơn xin giới thiệu tới các bạn đọc cuốn sách" Hạt giống tâm hồn- từ những điều bình dị". Cuốn sách như một dòng nước chảy nhẹ nhàng thấm nhuần tới trái tim các bạn đọc.

Cuốn sách gồm nhiều câu chuyện nhỏ về cuộc sống được kể theo góc nhìn tinh tế mà rất đỗi bình dị của tác giả đến mức nếu chúng ta không để ý, hiển nhiên sẽ chẳng thể nào cảm nhận được. Có lẽ đó là một chút niềm tin của "Số phận hay bản lĩnh", một chút quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh với "Điều bình dị"...

Bìa sách là bóng một người đang dang rộng hai tay, đứng trên đỉnh núi cao ngất và đằng sau là mặt trời rực rỡ, chói lòa. Có nhiều mẩu chuyện làm tim tôi nghẹn lại, thổn thức mãi với những câu nói mở đầu bằng cụm từ "Giá như... Chỉ chậm lại một phút, một giây cũng có thể làm cho ta hối hận, trăn trở. Chính vì vậy, tôi càng thêm trân trọng từng khoảng khắc. Cuộc sống này rất ngắn ngủi, không đủ yêu thương vì vậy xin các bạn hãy gạt bỏ những hiềm khích trong quá khứ để trao cho nhau những tình cảm chân thành  nhất.

Mời các bạn đến với kho sách thư viện điện tử tìm đọc cuốn" hạt giống tâm hồn- từ những điều bình dị" để có thể mở rộng trái tim, biết chia sẻ, biết yêu thương và sống đẹp hơn.

(Trường THCS Xuân Sơn)

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 9: Tôi tự học

Có bao giờ bạn thấy chênh vênh trên con đường học vấn của mình? Có bao giờ chúng ta cảm thấy bản thân rất cố gắng nhưng kết quả lại chẳng ra làm sao? Ta đã bao giờ đặt câu hỏi rằng học để làm gì? Học là sự nghiệp muôn đời, mỗi người sẽ có một mục đích học tập riêng. Nhưng để học tập đúng cách thì không phải ai cũng biết hoặc nắm rõ. Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2023, hôm nay em xin được giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn cuốn sách mang tên “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần.

Đến với “Tôi tự học” tác giả chỉ ra cho chúng ta mục đích đích thực của việc học và phương pháp học tập hiệu quả từ kinh nghiệm của các bậc hiền nhân thời xưa. Mở đầu cuốn sách trước khi bàn về vấn đề tự học, bạn sẽ thấy cuốn hút bởi lời tựa bằng câu chuyện kể về một nhà vua lười đọc sách nhưng vẫn muốn nắm hết được tinh hoa nhân loại được tác giả Anatole France kể lại. Từ đó, cụ Nguyễn Duy Cần đưa ra định nghĩa về sự học. “Có người học vì cha mẹ, vì nhu cầu của xã hội, có người học vì khát khao kiến thức. Suy cho cùng học chính là để mưu cầu hạnh phúc, để làm mới mình, đào sâu tâm trí để khiến cho tâm trí càng cao càng rộng”.

Cuốn sách “Tôi tự học” được tác giả cắt nhỏ, mổ xẻ và đi sâu vào từng phần của việc học. Từ việc học về bề rộng và bề sâu để có thể đứng trên phương diện khách quan đánh giá mọi sự vật sự việc, hoặc đi sâu vào một chuyên môn nào đó. Tự học luôn cần phải có sự cố gắng và có phương pháp, vì đó là một quá trình dài. Ví như việc đọc sách mà không mang lại cho ta tinh thần thì việc đọc là vô nghĩa, việc đọc sách mà khiến bạn có thể vận dụng mọi năng lực và nhận thức cùng với tác giả, đó là những cuốn sách đem đến tinh thần cho bạn. “Cái học cần thiết cho con người là cái học về bản thân” Cuối cùng là cần biết mình, điều này rất quan trọng vì khi hiểu mình ta sẽ biết chọn những cái hợp với mình, hợp với thời đại.

Đặc biệt, cụ Nguyễn Duy Cần còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sách- là một phần không thể thiếu trên con đường học tập. Bởi nó là phương tiện cần thiết và hiệu quả để rút ngắn con đường đến với tri thức của nhân loại. Tác giả đề cập đến những phương pháp để chọn lọc sách hiệu quả, lựa chọn không gian và đặc biệt là chú trọng đến việc đọc mục lục và lời tựa của cuốn sách.

Tóm lại, giống như tựa đề của cuốn sách “Tôi tự học” đề cập đến vấn đề tự học của mỗi người. Em tin rằng, dù có kính trọng hay ngưỡng mộ những bậc thầy đến đâu, thì chúng ta cũng phải dần dần thoát ra khỏi nếp nghĩ mãi nương tựa, sống gửi vào thầy, vào tư tưởng của thầy cô. Bậc thầy chân chính cũng không muốn học trò của mình chỉ là kẻ nói dựa, học theo lý lẽ của thầy để trình bày trôi chảy lý thuyết mà thiếu đi thực học, thực hành.Tác giả Nguyễn Duy Cần viết lên “Tôi tự học” cũng là để khích lệ chúng ta cố gắng tự thân giáo dục. Để chúng ta biết rằng dù ban đầu có may mắn “đứng trên vai những người khổng lồ” thì cũng đừng quên nếu chỉ biết đứng ỳ trên vai họ thì thành ra lại là bất hạnh.

Em rất thích một câu nói trong cuốn sách rằng: “Người học thức là người thà biết ít mà thật biết còn những gì mình không biết thì cũng biết rõ là mình không biết”. Sự học là vô tận. Sẽ có đôi lúc ta cảm thấy mất phương hướng vì chẳng biết học để làm gì. Cũng sẽ có lúc ta thất bại trong chính con đường học tập của mình. Nhưng em tin thông qua cuốn sách “Tôi tự học”, mỗi người chúng ta sẽ có thể tìm thấy giá trị thông qua việc tự học cũng như có cho mình một phương pháp học tập phù hợp với bản thân nhất! Mặc dù cuốn sách có thể hơi khó đọc bởi lối hành văn sử dụng câu chữ của người xưa và một số phương pháp khá khắt khe nhưng em tin rằng cuốn sách này rất phù hợp với lứa tuổi học sinh chúng ta. Hi vọng thông qua bài giới thiệu này các bạn sẽ tìm đọc và tự cảm nhận những giá trị mà cuốn sách “Tôi tự học” mang lại.

Giới thiệu một cuốn sách hay bài số 10: Tuổi thơ dữ dội

Trong cuộc đời, mỗi người có thể đọc đến cả nghìn cuốn sách, nhưng không phải tất cả trong số đó đều là những cuốn sách hay. Có cuốn sách nhạt nhòa, đọc một lần rồi quên nhưng có cuốn sách đi sâu vào tâm thức, khiến ta mãi không thể thoát khỏi dư âm của nó. “Tuổi thơ dữ dội” - cuốn tiểu thuyết được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong túp lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn sách như 1 mảnh ghép sống động và chân thực trong bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến anh dũng trường kì chống Pháp của quân và dân ta. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, người ta thấy nhà văn ngợi ca tình yêu đất nước, ngợi ca cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ngợi ca những người anh hùng và ngợi ca cả một thời vang bóng của cuộc đời mình. Không mảy may vương vấn những nhỏ nhen trần thế, ông vẫn viết bằng chính lí tưởng đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ thuở còn ấu thơ, vẫn nuôi những ước mơ đẹp đến nao lòng… Chính vì thế nên khi “Tuổi thơ dữ dội” được xuất bản năm 1988, cuốn sách đã nhanh chóng đạt được những thành công vang dội. Nó được nhận giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và hai năm sau đó, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.

Cho đến nay, “Tuổi thơ dữ dội” đã trải qua nhiều lần tái bản với bản mới nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin. Cuốn tiểu thuyết được in khổ 15x20cm với bìa cứng, trên đó là hình ảnh của một chú bé Vệ Quốc Đoàn. Đúng như tên gọi của nó, Tuổi thơ dữ dội cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu tiên. Tôi cũng không biết mình đã đọc đi đọc lại cuốn sách này bao nhiêu lần nữa. Chỉ nhớ rằng mỗi khi đọc lại, từng dòng chữ vẫn gợi lên trong tôi biết bao cảm xúc.

Người ta vẫn thường nói, tuổi thơ là là quãng thời gian yên bình, tĩnh lặng nhất trong cuộc đời. Nhưng điều đó có lẽ không đúng với những ai sống trong thời chiến. Những chú bé đội trinh sát binh đoàn Trần Cao Vân trong Tuổi thơ dữ dội cũng thế. Sinh ra khi đất nước nhuốm màu khói lửa, mới chỉ 13, 14 tuổi đã xung phong vào Vệ Quốc Đoàn, tuổi thơ của những người chiến sĩ nhí ấy gắn liền với các trận đánh ác liệt, với mệnh lệnh nghiêm khắc của cấp trên,.. và thậm chí cả sự chết chóc. Nhưng giữa những hiểm nguy của chiến trường, mỗi cậu bé Vệ Quốc Đoàn đều mang trong mình sự lạc quan, tình yêu đời, yêu nước tha thiết.                  .

Tôi sinh ra khi đất nước hòa bình, chưa một lần phải đối mặt với những gian truân của cuộc đời. Với tôi, chiến tranh đơn giản chỉ là những câu chuyện mà bố mẹ, ông bà, “thế hệ trước” đã trải qua và kể lại, có gì đó rất xa xôi. Nhưng với ngòi bút chân thực đến ngỡ ngàng, Phùng Quán đã khiến tôi như sống trong những tháng ngày chiến đấu ác liệt mà hào hùng của đất nước. Ông cho tôi hiểu cuộc sống nơi chiến khu khó khăn đến nhường nào. “Người ta thường hình dung nỗi gian khổ của những người kháng chiến ở chiến khu là đói và rét. Nhưng rận, ghẻ, sốt rét mới thật là kinh khiếp”. Và trên hết, với những người tham gia chiến đấu, phải chấp nhận mình có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Đọc Tuổi thơ dữ dội nhiều lúc tôi tự cảm thấy mình quá yếu đuối, hèn nhát khi không dám đối mặt với những khó khăn của cuộc đời. Vậy mà họ - những cậu bé Vệ Quốc Đoàn, dù cuộc sống trăm nghìn thiếu thốn, ngay cả khi phải đối mặt với cái chết, họ vẫn luôn giữ vững niềm tin vào một ngày mai đất nước độc lập.

Tuổi thơ dữ dội đã khiến tôi vui cùng sự ngây thơ hồn nhiên của những chú bé, có những khi bật cười vì sự liến láu của Tư dát - người thường nghĩ ra đủ trò đùa cho cả đội. Tuổi thơ dữ dội cũng khiến tôi nín thở dõi theo ba lần vượt ngục của Lượm, có những đoạn hồi hộp đến nỗi tôi tưởng rằng trái tim mình đang bị ai bóp nghẹt. Và, Tuổi thơ dữ dội đã khiến tôi khóc. Khi đọc đến những trang cuối cùng, tôi đã khóc rất nhiều. Tình yêu nước, tình bạn thủy chung giữa những người đồng chí, và sự trong trắng dung dị của những người chiến sĩ nhỏ ấy đã khiến tâm hồn tôi rung động.

Đến tận bây giờ mỗi khi mở lại một trang của cuốn sách, tôi đều không thể kìm lòng mà đọc lại một cách say mê. Có thể nói, điều đặc biệt nhất của Tuổi thơ dữ dội đó chính là sự ám ảnh đối với người đọc từ diễn biến, kết thúc đến từng câu chữ, hình ảnh. Mỗi lần đọc lại cuốn sách tôi lại không thể nào ngăn nổi những dòng nước mắt cảm thương cho những chú bé - những người anh hùng nhỏ tuổi mà kiên cường, dũng cảm. Với tôi, những nhân vật như Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Bồng da rắn,.. chính là những bông hoa đẹp. Họ mộc mạc, hồn nhiên, giản dị nhưng cũng rất kiên cường đấu tranh với kẻ thù. Cả một đời người, cho dù nó rất ngắn ngủi, thậm chí chỉ là mười bốn, mười lăm năm, nhưng họ đã sống hết mình cho Tổ quốc.

Còn rất nhiều điều tôi muốn nói về cuốn tiểu thuyết này. Nhưng có lẽ sẽ ý nghĩa hơn khi các bạn tự mình đọc Tuổi thơ dữ dội, suy ngẫm, tự xác định cho mình một con đường cũng như một lí tưởng sống sao cho đúng đắn và có ích đối với quê hương đất nước.

-/-

Các em vừa tham khảo một số mẫu bài giới thiệu một cuốn sách hay đến thầy cô và bạn bè trong trường thuộc nội dung chương trình Văn mẫu lớp 8 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài giới thiệu hay và đủ ý. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM