Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Xuất bản: 04/03/2024 - Tác giả:

Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, TOP 5+ bài văn mẫu ngắn trình bày giới thiệu về một bài thơ chữ Hán của tác giả Nguyễn Du.

Xem ngay TOP 5+ bài văn mẫu ngắn giới thiệu về một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu các tác phẩm của tác giả Nguyễn Du.

Gợi ý một số tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du có thể lựa chọn giới thiệu

Thanh Hiên Thi Tập gồm 78 bài được chia làm ba phần và ba giai đoạn:

- Các sáng tác trong thời gian lẩn trốn ở Quỳnh Côi: Quỳnh Hải Nguyên Tiêu, Xuân Nhật Ngẫu Hứng, Tự Thán I và II, Sơn Cư Mạn Hứng, U-Cư, Mạn Hứng, Xuân Dạ...
- Các sáng tác trong thời gian về ẩn ở quê nhà: Tạp Thi I...
- Các sáng tác trong thời gian làm quan ở Bắc Hà: Mộ Xuân Mạn Hứng, Thanh Minh Ngẫu Hứng, Xuân Tiếu Lữ Thứ...

Nam trung tạp ngâm gồm 40 bài thơ làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812 tiêu biểu là các bài Phượng hoàng lộ thượng tỏa hành, Nễ giang khẩu hương vọng,...

Bắc hành tạp lục gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc: Thăng Long, Chu Phát,...

TOP 5+ bài văn ngắn giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du mẫu 1

Tập thơ Nam trung tạp ngâm là một trong những tập thơ nổi tiếng của Nguyễn Du. Tập thơ gồm 40 bài được nguyễn Du sáng tác trong thời gian ông giữ chức quan ở Phú Xuân và Quảng Bình trong khoảng thời gian từ 1804 đến 1820. Đây là tập thơ cuối đời của nhà thơ Nguyễn Du được cụ Lê Thước dịch.

Nam Trung Tạp Ngâm gồm 40 bài Nguyễn Du làm trong thời gian giữ chức quan ở Phú Xuân và Quảng Bình rồi lại trở về Phú Xuân, từ năm 1804 cho đến năm ông qua đời (1820), là 16 năm. Tập thơ này xuất hiện trong bản dịch của cụ Lê Thước, sau khi cụ Lê Thước có được bản sao chụp gồm 40 bài thơ qua thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Xuân Hãn ở Pháp.

Năm 1804, Nguyễn Du cáo bệnh, xin về hưu, từ quan, nhưng chỉ được có hơn một tháng thì có chỉ vua triệu vào cung giữ chức Đông các điện học sĩ, nên đánh phải đi. Bài Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành làm lúc lên đường trẩy kinh (tháng giêng năm Ất Sửu, 1805).

Việc làm quan với Nguyễn Du chỉ là chuyện mưu sinh chứ không phải là chuyện công danh. Đời sống của ông rất thanh bạch. Thời gian làm Bố chánh ở Quảng Bình, gia phả chép: “Phàm những việc trong hạt, như lính tráng, dân sự kiện thưa, tiền nong, lương thực, và các hạng thuế, ông đều bàn bạc thương lượng với các quan lưu thủ, ký lục để thi hành. Chính sự giản dị, không cần tiếng tăm nên được sĩ phu và nhân dân quý mến”.

Mặc dù vậy ông “thường bị quan trên quở trách nên lấy làm uất ức, bất chí”. Điều ấy được phản ảnh vào những bài thơ trong tập này. Trong tình cảnh làm quan không mấy toại ý, nên Nguyễn Du lại ao ước về nhà ăn uống đạm bạc, làm bạn với hươu nai; quanh đi quẩn lại giống như thời ở Thái Bình và làm quan ở Bắc Hà.

Qua hai tập thơ chữ Hán, Thanh Hiên thi tập và Nam Trung tạp ngâm, chúng ta hiểu thêm hơn về thân thế và tình cảm của Nguyễn Du.

Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du mẫu 2

Tác giả Nguyễn Du có một loạt những bài thơ chữ Hán viết về các nhân vật lịch sử mà qua đó nhà thơ gửi gắm rất nhiều nỗi niềm tâm sự. “Độc Tiểu Thanh kí” (Đọc Tiểu Thanh kí) là một bài thơ như thế. Bài thơ là tiếng nói tri âm sâu sắc của tác giả với người con gái sống cách mình trước đó 300 năm, Nguyễn Du đã mang những tâm sự về con người và cuộc đời trong bối cảnh vượt 300 năm để tìm tri âm.

Tiểu Thanh là người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh, của nàng ngắn ngủi và đầy những trái ngang. Di cảo của nàng còn sót lại với những vẫn thơ bị đốt dở là một bằng chứng cho số phận oan nghiệt ấy. Một người đa cảm như Nguyễn Du đã không thể cầm lòng khi đọc nó, nỗi thổn thức ấy đã khiến cho thi nhân viết nên những dòng tuyệt tác trong “Độc Tiểu Thanh kí”. Bài thơ như là tiếng lòng nhân đạo cao cả và sâu sắc của Nguyễn Du, cảm thương cho một cuộc đời qua những vần thơ cháy dang dở.

Hai câu mở đầu tác giả đã giới thiệu về cảnh đẹp của vườn hoa bên Tây Hồ, nơi mà nàng Tiểu Thanh đã từng sống:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”

Không gian Tây Hồ vẫn còn đây, khuôn viên của một vườn hoa với những bông hoa thắm đẹp giờ đã không còn nữa. Vườn hoa đã thành gò hoang, gò hoang vắng đã thay thế cho vườn hoa. Cái “hữu” đã thành cái không, cái “đẹp” đã bị thay bởi cái “tàn tạ” hủy diệt. Từ “tẫn” mang ý nghĩa phủ định tuyệt đối; đã thay đổi hết không còn một dấu vết gì nữa. Đứng ở hiện tại Nguyễn Du bâng khuâng nuối tiếc cái đẹp trong quá khứ. Câu thơ vừa là lời cảm khái trước vẻ đẹp của Tây Hồ bị hủy hoại nhưng cũng là những chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc đời.

Cảnh đẹp Tây Hồ cũng đã gợi nhắc đến nàng Tiểu Thanh một người tài hoa đã sống những năm cuối đời ở đây và gửi thân mãi mãi nơi này. Nhà thơ đã ngồi một mình bên cửa sổ, lặng lẽ cảm thương cho số phận của Tiểu Thanh. Câu thơ đã khắc vào lòng người một cảnh ngộ đơn độc không có người sẻ chia phải tìm về quá khứ. Chính nỗi đau và sự cô đơn đã trở thành sợi dây kết nối hai con người xa lạ, vượt thời gian không gian để tri âm với nhau. Hình ảnh “ mảnh giấy tàn” là hình ảnh khơi gợi cảm hứng của Nguyễn Du đến số phận cuộc đời Tiểu Thanh:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.

Son, phấn là những vật dụng trang điểm gắn liền với người phụ nữ, hình ảnh ẩn dụ cho nhan sắc, vẻ đẹp của Tiểu Thanh. Nhà thơ mượn hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Hai câu thơ đã cho thấy nàng Tiểu Thanh vừa tuyệt sắc, tuyệt tài, số phận ngang trái đồng thời tác giả cũng lên án xã hội bất nhân đã không tạo cho một môi trường thực sự nhân văn tiến bộ. Điều quan trọng là Tiểu Thanh giỏi làm thơ nhưng thơ bị đem đốt và bản thân nàng yểu mệnh chết sớm. Thương cảm với nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ là Nguyễn Du trân trọng người nghệ sĩ, thấy ý nghĩa xã hội trong sự cống hiến của người nghệ sĩ.

Từ câu chuyện nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ 200 năm trước sang hai câu luận nó đã tỏa sáng cuộc đời chung của những khách văn chương:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư”.

Từ nỗi oan của Tiểu Thanh đã thành nỗi oan nỗi hận của những người tài hoa. Hận là người có sắc, có tài đều không gặp may mắn, đều đoản mệnh hoặc bị dập vùi. Nỗi hận ấy là hóa giải thành ra câu hỏi muôn đời không có lời đáp “ thiên nan vấn”. Nguyễn Du cũng tự nhận thấy mình là người có tài mà cuộc đời long đong tự nhận là thể hiện ý thức cá nhân sâu sắc ý thức cả về tài năng và nỗi đau. Từ nỗi xót đau trong quá khứ đến hiện tại, trước nỗi đau của những người tài hoa trong đó có mình, tác giả đã không thể kìm nén những tâm sự của riêng mình, bật ra dưới hình thức câu hỏi tu từ, hướng về hậu thế.

Đến hai câu kết, là nỗi khát mong của người nghệ sĩ muôn đời mong được tri âm, đồng cảm:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Ba trăm năm là khoảng thời gian xác định nhưng rất dài. Nó là khoảng thời gian đủ để mọi việc lui vào quá khứ cái còn cái mất. Cả câu thơ là hơn ba trăm năm sau liệu trên thế gian này có người nào khóc Tố Như. Ông khắc khoải mong chờ một sự cảm thông của hậu thế. Vậy là từ số phận của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du liên tưởng tới số phận mình. Chiếc gạch nối xuyên thời gian, không gian ấy có ý nghĩa như một yêu cầu phổ quát đặt ra cho mọi dân tộc, mọi thời đại về thái độ nhân hậu, trước hết là sự cảm thông đối với cái đẹp, sự hoàn thiện hoàn mĩ thể chất và tâm hồn con người. Nguyễn Du là con người bị bế tắc, mong được giải thoát mà vẫn không tìm thấy đường ra. “ Khấp” là đến tận cùng của sự đau thương. Khấp là khóc cho Nguyễn Du cũng như bao người tài hoa như ông.

Bài thơ là lời ký thác tâm sự của Nguyễn Du, con người đầy tài năng, hoài bão lớn mà luôn gặp hoạn nạn, trắc trở trên con đường đời gập ghềnh giữa đêm đen xã hội phong kiến. Con người ấy giàu lòng yêu thương nhân hậu, luôn khao khát sự cảm thông của người đời. Thời gian có thể xóa nhòa và làm biến mất đi nhiều thứ nhưng những bài thơ, vần thơ được chắt ra từ máu và nước mắt như “Độc Tiểu Thanh kí” lại thêm được luyện bởi thiên tài văn học Nguyễn Du thì chắc chắn thời gian cũng không thể làm lung lay vị trí của thi phẩm trong lòng người đọc.

Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du mẫu 3

Độc Tiểu Thanh kí là một trong những bài thơ chữ Hán hay nhất của Nguyễn Du in trong Thanh Hiên thi tập. Có thể Nguyễn Du sáng tác bài này trước hoặc sau khi được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc.

Thắng cảnh Tây Hồ gắn liền với giai thoại về nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn, sống vào đầu đời nhà Minh. Vì hoàn cảnh éo le, nàng phải làm vợ lẽ một thương gia giàu có ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vợ cả ghen, bắt nàng ở trong ngôi nhà xây biệt lập trên núi Cô Sơn. Nàng có làm một tập thơ ghi lại tâm trạng đau khổ của mình. ít lâu sau, Tiểu Thanh buồn mà chết, giữa lúc tuổi vừa mười tám. Nàng chết rồi, vợ cả vẫn ghen, đem đốt tập thơ của nàng, may còn sót một số bài được người đời chép lại đặt tên là Phần dư (đốt còn sót lại) và thuật luôn câu chuyện bạc phận của nàng.

Nguyễn Du đọc những bài thơ ấy, lòng dạt dào thương cảm cô gái tài hoa bạc mệnh, đồng thời ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, day dứt trước số phận bất hạnh của bao con người tài hoa khác trong xã hội cũ, trong đó có cả bản thân ông.

Phiên âm chữ Hán:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn;

Phong vận kì oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Dịch thơ Tiếng Việt:

Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Đến với Tiểu Thanh ba trăm năm sau ngày nàng mất, trong lòng nhà thơ Nguyễn Du dậy lên cảm xúc xót xa trước cảnh đời tang thương dâu bể:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,)

Câu thơ có sức gợi liên tưởng rất lớn. Cảnh đẹp năm xưa đã thành phế tích, đã bị hủy hoại chẳng còn lại gì. Trên gò hoang ấy chôn vùi nắm xương tàn của nàng Tiểu Thanh xấu số. Nói đến cảnh đẹp Tây Hồ, chắc hẳn tác giả còn ngụ ý nói về con người đã từng sống ở đây, tức Tiểu Thanh. Cuộc đời của người con gái tài sắc này cũng chẳng còn lại gì ngoài những giai thoại về nàng. Cảnh ấy khiến tình này nhân lên gấp bội. Trái tim của nhà thơ thổn thức trước những gì gợi lại một kiếp người bất hạnh:

Độc điếu song tiền nhất chi thư.

(Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)

Tiểu Thanh đã bày tỏ tâm trạng của mình qua những bài thơ đó như thế nào? Chắc chắn là nỗi buồn tủi cho thân phận, nỗi xót xa cho duyên kiếp dở dang và thống thiết hơn cả là nỗi đau nhân tình không người chia sẻ. Tiếng lòng Tiểu Thanh đồng điệu với tiếng lòng Nguyễn Du nên mới gây được xúc động mãnh liệt đến thế. Nhà thơ khóc thương Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh, đồng thời cũng là khóc thương chính mình – kẻ cùng hội cùng thuyền trong giới phong vận.

Nguyễn Du có cảm giác là dường như linh hồn Tiểu Thanh vẫn còn vương vấn đâu đây. Nàng chết lúc mới mười tám tuổi trong cô đơn, héo hắt, đau khổ. Oan hồn của nàng làm sao tiêu tan được?

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư:

(Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.)

Ba trăm năm đã qua nhưng tất cả những gì gắn bó với nàng vẫn như còn đó. Chi phấn (son phấn) nghĩa bóng chi phụ nữ; tức Tiểu Thanh. Son phấn là vật để trang điểm, song nó cung tượng trưng cho sắc đẹp phụ nữ. Mà sắc đẹp thì có thần (thần chữ Hán cũng có nghĩa như hồn) nó vẫn sống mãi với thời gian như Tây Thi, Dương Quý Phi tên tuổi đời đời còn lưu lại. Nỗi hận của son phấn Cũng là nỗi hận của Tiểu Thanh, của sắc đẹp, của cái Đẹp bị hãm hại, dập vùi. Nó có thể bị đày đọa, bị chôn vùi, nhưng nó vẫn để thương để tiếc cho muôn đời.

Văn chương là cái tài của Tiểu Thanh nói riêng và cũng là vẻ đẹp tinh thần của cuộc đời nói chung. Văn chương vô mệnh bởi nó đâu có sống chết như người? Ấy vậy mà ở đây, nó như có linh hồn, cũng biết giận, biết thương, biết cố gắng chống chọi lại bạo lực hủy diệt để tồn tại, để nói với người đời sau những điều tâm huyết. Dụ nó có bị đốt, bị hủy, nhưng những gì còn sót lại vẫn khiến người đời thương cảm, xót xa. Nhà thơ đã thay đổi số phận cho son phấn, văn chương, để chúng được sống và gắn bó với Tiểu Thanh, thay nàng nói lên nỗi uất hận ngàn đời. Hai câu thơ đầy ý vị ngậm ngùi, cay đắng, như một tiếng khóc thổn thức, nghẹn ngào.

Đến hai câu luận:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.)

Nhà thơ tiếp tục bày tỏ niềm thương cảm của lòng mình. Câu thơ: cổ kim hận sự thiên nan vấn chứa đựng sự tuyệt vọng. Từ nỗi hận nhỏ là hận riêng cho số phận Tiểu Thanh, Nguyễn Du nâng cao, mở rộng thành nỗi hận truyền kiếp từ xưa tới nay của giới giai nhân tài tử. Tài hoa bạc mệnh, đó có phải là quy luật bất di bất dịch của Tạo hóa ? Là định mệnh rõ ràng khắt khe của số phận? Nếu đúng như thế thì nguyên nhân là do đâu? Trải mấy ngàn năm, điều đó đã tích tụ thành nỗi oán hờn to lớn mà không biết hỏi ai. Nỗi oan lạ lùng của những kẻ tài sắc như Tiểu Thanh cũng là nỗi oan của những người tài hoa bạc mệnh rõ ràng là vô lí, bất công, nhưng khó mà hỏi trời vì trời cũng không sao giải thích được (thiên nan vấn). Do đó mà càng thêm hờn, thêm hận.

Phong vận ở câu thơ thứ sáu không có nghĩa là sự phong lưu về vật chất mà là sự phong lưu về tinh thần, Nói cách khác là chỉ cái tâm, cái tài của những kẻ tài hoa. Con người tài hoa là tinh túy của trời đất, vậy mà sao số phận họ lại nhiều vất vả, truân chuyên đến vậy? Nguyễn Du đã từng viết: Chữ tài liền với chữ tai một vần. Bởi thế nên phong lưu đã thành cái án chung thân mà khách (kẻ tài hoa) phải mang nặng suốt đời. Oái oăm thay, biết là vậy mà bao thế hệ văn nhân tài tử vẫn tự mang nó vào mình. Nguyễn Du đã nhập thân vào Tiểu Thanh để nói lên những điều bao đời nay vẫn cứ mãi băn khoăn, dằn vặt.

Càng ngẫm nghĩ, nhà thơ càng thương tiếc Tiểu Thanh và càng thương thân phận mình. Từ thương người, ông chuyển sang thương thân:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Câu hỏi đậm sắc thái tu từ cho thấy Nguyễn Du vừa băn khoăn vừa mong đợi người đời sau đồng cảm và thương cảm cho số phận của mình. Có thể hiểu ba trăm năm là con số tượng trưng cho một khoảng thời gian rất dài. Ý Nguyễn Du muốn bày tỏ là giờ đây, một mình ta khóc nàng, coi nỗi oan của nàng như của ta. Vậy sau này liệu có còn ai mang nỗi oan như ta nhỏ lệ khóc ta chăng? Câu thơ thể hiện tâm trạng cô đơn của nhà thơ vì chưa tìm thấy người đồng cảm trong hiện tại nên đành gửi hi vọng da diết ấy vào hậu thế. Hậu thế không chỉ khóc cho riêng Tố Như, mà là khóc cho bao kiếp tài hoa tài tử khác.

Nhà thơ thấy giữa mình và Tiểu Thanh có những nét đồng bệnh tương liên. Tiểu Thanh mất đi, ba trăm năm sau có Nguyễn Du thương xót cho số phận nàng. Liệu sau khi Tố Như chết ba trăm năm, có ai nhớ tới ông mà khóc thương chặng?

Câu thơ như tiếng khóc xót xa cho thân phận, thương mình bơ vơ, cô độc, không kẻ tri âm, tri kỉ; một mình ôm mối hận của kẻ tài hoa bạc mệnh giữa cõi đời. Dường như nhà thơ, đang mang tâm trạng của nàng Kiều sau bao sóng gió cuộc đời: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Mở đầu bài thơ là thương người, kết thúc bài thơ là thương thân. Tứ thơ không có gì lạc điệu bởi đến đây, Tiểu Thanh và Nguyễn Du đã hòa làm một – một số kiếp tài hoa mà đau thương trong muôn vàn số kiếp tài hoa đau thương trong xã hội phong kiến cũ.

Bài thơ cho thấy niềm thương cảm của Nguyễn Du đối với con người mênh mông biết chừng nào! Nó không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Nguyễn Du không chỉ thương người đang sống mà thương cả người đã khuất mấy trăm năm. Thương người, thương mình, đó là biểu hiện cao nhất của đạo làm người. Đời người hữu hạn mà nỗi đau con người thì vô hạn. Trái tim đa cảm của nhà thơ rất nhạy bén trước nỗi đau to lớn ấy. Giống như Truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh kí là đỉnh cao tư tưởng nhân văn của đại thi hào Nguyễn Du.

Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du mẫu 4

Thanh Hiên Thi Tập gồm 78 bài thơ, là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du. Tập thơ này Nguyễn Du làm trong thời kỳ còn hàn vi và có thể phân chia ra làm ba giai đoạn.

1. Mười năm gió bụi (1786 - 1795) là thời gian ông lẩn trốn ở Quỳnh Côi.

2. Dưới chân núi Hồng (1796 - 1802), về ẩn ở quê nhà.

3. Làm quan ở Bắc Hà (1802 - 1804).

Đây là tập thơ được sáng tác trong những năm tháng bi thương nhất của cuộc đời tác giả: Nơi non Hồng không còn nhà, anh em tan tác/ Cả hùng tâm lẫn sinh kế đều mờ mịt/ Đường dài, trời chiều, bạn mới ít... Nhu cầu tự bộc lộ mãnh liệt nên số lượng thơ tự thuật xuất hiện rất nhiều: 59 lần (76%). Thanh Hiên thi tập chủ yếu mang tính hướng nội và chất chứa buồn thương, u uất. Tâm trạng cô đơn, bế tắc được phản chiếu rất rõ nét qua hệ thống hình ảnh mà chúng tôi đã thống kê: 77 lần tả trạng thái cô độc, lẻ loi thì riêng tập thơ này đã chiếm 37 lần (48%); 45 lần tả mái đầu bạc thì ở đây là 23 lần (51%); 24 lần xuất hiện hình ảnh cùng đồ, tắc đồ thì ở đây là 15 lần (63%); 44 lần nói nỗi đau sống thừa thì Thanh Hiên thi tập đã chiếm đến 29 lần (66%). Hiện tượng ấy chứng tỏ cơn dâu bể của thời đại đã làm đổ vỡ mọi ước mơ, hi vọng, tước đoạt tất cả những điểm tựa tinh thần... khiến Nguyễn Du không thể không bàng hoàng, đau đớn. Vì những biến cố lịch sử dữ dội, nhà thơ luôn phải đối diện với những bi kịch cá nhân: gia đình tan tác, anh em chia lìa, tiền đồ bản thân mù mịt... Những mất mát, đổ vỡ liên tiếp, dồn dập ấy dội vào cuộc đời ông, làm nảy sinh trong tâm hồn bao nỗi buồn thương. Hiện lên trong các bài thơ tự thuật là hình ảnh một con người cô độc, mệt mỏi, u sầu. Nhà thơ như không dám tin tưởng vào điều gì ở phía trước, không tìm được cho mình chút hy vọng và niềm vui sống... Nhưng qua nỗi đau riêng của một tâm hồn lớn, ta vẫn thấy được nỗi đau chung của con người trong thời đại Nguyễn Du. Trái tim người nghệ sĩ ấy không chỉ tủi buồn cho thân phận của mình mà còn đau đớn trước những đổ vỡ, tan hoang của quê hương, đất nước:

Thập tải trần ai ám ngọc trừ,

Bách niên thành phủ bán hoang khư.

Yêu ma trùng điểu cao phi tận,

Trỉ uế càn khôn huyết chiến dư.

Tang tử binh tiền thiên lí lệ...

(Bát muộn)

(Bụi trần mười năm che tối thềm ngọc,

Thành phủ trăm năm một nửa thành gò hoang.

Những côn trùng, chim chóc nhỏ bé đều bay đi hết,

Đất trời nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến.

Giọt lệ nơi nghìn dặm khóc cho cuộc binh đao ở quê hương)

Nguyễn Du chán chường, thất vọng đâu chỉ vì sự dở dang của cuộc đời ông mà còn vì bao ngang trái, bất công của một xã hội đang thời hỗn loạn: "Bốn bể gió bụi, lệ rơi vì tình nhà nợ nước" (My trung mạn hứng), "Đêm tối sói hổ kiêu ngạo/ Trăng sáng chim hồng chim nhạn tản tác" (Biệt Nguyễn Đại Lang)... Ông bàng hoàng, tiếc nuối không chỉ vì sự đổ vỡ của gia đình, của dòng họ mà còn vì cảnh thương hải tang điền của cuộc đời:

Nhất tự y thường vô mịch xứ,

Lưỡng đề yên thảo bất thăng bi.

Bách niên đa thiểu thương tâm sự,

Cận nhật Trường An đại dĩ phi.

  (Giang đình hữu cảm)

(Từ khi áo xiêm không còn tìm đâu thấy,

Khói trên ngọn cỏ hai bờ sông khiến lòng khôn xiết bi thương.

Trăm năm của cuộc đời biết bao việc thương tâm,

Ngày gần đây Tràng An đã khác xưa nhiều).

Như vậy, bao trùm Thanh Hiên thi tập là nỗi đau buồn của một con người bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời dâu bể. Tâm hồn Nguyễn Du chìm trong những bàng hoàng, day dứt, sầu muộn mênh mông. Song chính niềm thương thân ấy đã khơi nguồn cho sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về những mất mát, khổ đau của con người trong thời đại mình.

(Nguồn: TS. Nguyễn Thị Nương, Sự vận động trong tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Du)

Giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du mẫu 5

Hệ thống thơ tự thuật ở Bắc hành tạp lục cho ta thấy những biến đổi lớn trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du. Số lần tự thuật đã giảm đi rất nhiều so với hai tập thơ đầu: 132 bài thơ mà chỉ có 22 câu, đoạn tự thuật xen giữa các đề tài vịnh sử, vịnh cảnh (chiếm 16,7%). Đặc biệt, ở đây không có bài nào nhà thơ chỉ viết riêng về mình. Các hình ảnh thơ phản chiếu bi kịch trong tâm hồn ông cũng giảm đi đáng kể so với hai tập thơ đầu: bế tắc, tuyệt vọng chỉ còn 3 lần, đầu bạc 14 lần, mong về 11 lần. Còn lại, hầu hết là các bài thơ viết về con người và cuộc sống bên ngoài - tái hiện và bình luận vạn sự cổ kim. Tâm hồn Nguyễn Du giờ đây đã rộng mở để "đón nhận những vang động của đời". Hình tượng tự họa trong Bắc hành tạp lục gắn liền với những biến đổi sâu sắc trong cái nhìn của nhà thơ khi đối diện với bản thân, với cuộc đời. Hiện lên dưới ngòi bút Nguyễn Du vẫn là người lữ khách mang nặng mối sầu tha hương song không nhuốm tủi hờn, đau đớn như ở Thanh Hiên thi tập mà nghiêng về nỗi nhớ nhung da diết... Nhưng hành trình ấy còn mang đến cho Nguyễn Du một cơ hội quí giá để mở rộng tầm nhìn. Bao nhiêu kiến thức thu nhận từ sách vở và những số phận con người từng ám ảnh tâm hồn nhà thơ - giờ đây đang hiện lên ngay trước mắt: "Dấu cũ từ nghìn năm trước xa xôi/ Điều sách chép rành rành nay hiện rõ trước mắt" (Thương Ngô tức sự).

Cũng trên con đường đi sứ, Nguyễn Du đã phát hiện nhiều điều mới mẻ về thiên nhiên, con người và cuộc sống trên đất nước Trung Hoa. Có lúc nhà thơ không khỏi bàng hoàng trước cảnh sóng thác gầm thét dữ dội: "Mọi người đều nói đường trên đất Trung Hoa bằng phẳng/ Hóa ra đường Trung Hoa lại thế này/ Sâu hiểm quanh co giống lòng người" (Ninh Minh giang chu hành). Có lúc, ông thảng thốt trước những điều trông thấy hoàn toàn tương phản với những gì mình hằng nghe nói: "Thường chỉ nghe ở Trung Nguyên ai cũng no ấm/ Ngờ đâu Trung Nguyên cũng có người như thế này" (Thái Bình mại ca giả), "Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ Sao ở đây hương khói lạnh lẽo thế này?" (Quế Lâm Cù các bộ)... Đặc biệt, Nguyễn Du đã tìm thấy trên những nẻo đường đầy cố cảnh, cựu tích kia lời giải đáp cho nhiều câu hỏi lớn về cuộc đời, về thân phận con người từng khiến ông day dứt... Ông không ngợp mắt trước  phồn hoa, không đắm mình vào cảnh đào hồng, liễu lục nơi xứ lạ mà thường kiếm tìm dấu cũ, bia xưa... của những con người có phẩm cách phi thường, có số phận  bất hạnh.

Dường như với Nguyễn Du, Trung Hoa trước hết là đất nước của những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Dự Nhượng, Nhạc Phi... Cho nên, cái nhìn của người nghệ sĩ trong ông đã xuyên qua lớp vỏ của thực tại kia để thấu suốt bản chất của hiện thực - một hiện thực được phản chiếu rõ nét qua từng dấu tích đau thương, oan trái từ quá khứ. Để rồi từ đó, nhà thơ cất lên tiếng nói cảm thương, đau đớn, phẫn uất cho thân phận con người trên suốt dòng thời gian kim cổ. Cái tôi trữ tình Nguyễn Du luôn xuất hiện với trái tim mang nhiều cung bậc của niềm thương cảm: liên, sầu, bi, cảm, ai, thán, trướng, bồi hồi, thương tâm, kham ai... Vì vậy, khả năng khái quát hiện thực của Bắc hành tạp lục là rất to lớn - vượt xa tất cả các tập thơ đi sứ thời trung đại. Đồng thời, tập thơ này còn thể hiện cảm hứng nhân đạo độc đáo, cao cả của tác giả Đoạn trường tân thanh. Nguyễn Du đã đi từ cõi lòng ngổn ngang những thất vọng, khổ đau của riêng mình để đến với bao nhiêu khắc khoải của nhân sinh và cõi người. Trong đó, cung bậc buồn thương, đau đớn nhất chính là nỗi tiếc hận muôn đời trước số phận của những kiếp tài hoa, trung nghĩa.

Có thể nói, các bài thơ tự thuật đã lưu giữ lại cho chúng ta diện mạo tâm hồn của chính Nguyễn Du. Ông đã “tự họa" chân dung như một con người lẻ loi, nếm trải nhiều cay đắng, thất vọng song cũng thật cứng cỏi, kiêu hãnh khi gìn giữ sự trong sạch, thanh cao của lòng mình. Và giữa bao nhiêu ngổn ngang, bế tắc vẫn thấy ngời lên ánh sáng của một trái tim chưa bao giờ nhầm lẫn trong yêu thương, đau đớn, phẫn nộ... Hình tượng của Nguyễn Du không chỉ thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của một nghệ sĩ lớn mà còn có khả năng phản ánh và khái quát hiện thực sâu sắc. Bởi vì, ông đã không hề tách rời cuộc đời mình khỏi số phận của một lớp người, một thời đại. Trái lại, mọi đau buồn, phẫn uất mà Nguyễn Du bộc lộ đều gắn liền với những nỗi đau thương bao trùm lên thân phận con người lúc bấy giờ. Chúng bắt nguồn từ bao nhiêu biến cố của lịch sử. Trong những giọt lệ âm thầm thấm trên trang thơ chữ Hán có nước mắt Nguyễn Du khóc cho Tố Như, có nước mắt Tố Như khóc cho con người, cho cuộc đời trong cơn hưng phế: Trải trăm năm đã bao phen nương dâu biến thành ruộng muối, Đất trời nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến, Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay thành đường cái quan/ Một tòa thành mới xóa đi cung điện cũ...

Trong "điệu thanh thương" bao trùm các thi tập của Nguyễn Du có dư âm của tiếng nói người trồng dâu, trồng gai, tiếng khóc nơi đồng nội, có nỗi đau Tiếng đàn sáo nhất loạt thay đổi chen vào những âm điệu mới... Bằng cách cảm nhận và thể hiện chân thành, sâu sắc những nỗi khổ đau, day dứt của mình, người nghệ sĩ ấy đã trở thành "khí quan của xã hội và đại biểu của thời đại, của nhân loại" (Biêlinxki). Đồng thời, hình tượng tự họa trong thơ chữ Hán Nguyễn Du còn là bằng chứng về sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học thời trung đại. Nguyễn Du đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thành tựu của một giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử văn học dân tộc - bằng chính cái tôi "tự ý thức về nỗi đau khổ của mình, cái tôi đòi quyền sống cho mình..."

(Nguồn: TS. Nguyễn Thị Nương, Sự vận động trong tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Du)

-/-

Các em vừa tham khảo gợi ý và một số bài văn giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài làm văn của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM