Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích

Xuất bản: 23/01/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn viết bài văn giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích, TOP 7+ bài văn chia sẻ cảm nhận của em về một cuốn sách mà em thích nhằm giới thiệu đến mọi người

Hướng dẫn cách làm và tham khảo một số mẫu bài giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích hay nhất do Đọc tài liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ phần nào giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình làm bài văn giới thiệu một cuốn sách.

Dàn ý bài giới thiệu về cuốn sách mà em yêu thích

Mở bài

- Giới thiệu chung về cuốn sách: Tên sách, tác giả, thể loại, năm xuất bản, đối tượng độc giả

- Hoàn cảnh em biết đến và đọc cuốn sách

Thân bài

- Giới thiệu nội dung cuốn sách:

+ Tóm tắt nội dung chính của cuốn sách

+ Những điểm nổi bật về nội dung:

  • Chủ đề, tư tưởng của tác phẩm
  • Các nhân vật, tình huống truyện
  • Những giá trị nhân văn, giáo dục của tác phẩm

- Giới thiệu hình thức nghệ thuật của cuốn sách:

+ Ngôn ngữ, giọng điệu, cốt truyện,...

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật, tình huống truyện...

- Cảm nhận của em về cuốn sách:

+ Điều gì khiến em yêu thích cuốn sách?

+ Ý nghĩa của cuốn sách đối với em

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của cuốn sách

- Kêu gọi mọi người cùng đọc và cảm nhận cuốn sách.

TOP 7+ bài văn hay giới thiệu về cuốn sách mà em yêu thích

Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích mẫu số 1: Hạt giống tâm hồn

Có ai mà chưa từng một lần trải qua vị đắng của cuộc sống, lâm vào những tình huống, hoàn cảnh tuyệt vọng, bế tắc và không biết chọn lối đi nào. Và dường như mọi dự định, mọi ước mơ đều sụp đổ, không còn điểm tựa. Cảm thấy hụt hẫng và không muốn làm gì, chỉ có ý nghĩ chấm dứt buông xuôi trôi đi nỗi buồn. Những lúc như vậy hẳn ai cũng cần một động lực để đứng lên và tôi cũng vậy. Tôi đã từng tìm cho mình những cuốn sách về cuộc sống nhằm khắc phục những hạn chế và đưa ra cho mình những bài học kinh nghiệm, cho đến khi tôi tìm thấy cuốn sách ”Hạt giống tâm hồn’’. Cuốn sách đã làm không ít người thức tỉnh về bài học cuộc sống, đem lại sự đồng cảm cho nhiều người.

“Hạt giống tâm hồn” một cuốn sách nổi tiếng về các câu chuyện nghệ thuật sống và giá trị đạo đức được công ty First News Trí Việt góp nhặt, sưu tầm. Bộ sách là nguồn cảm hứng và sự thúc đẩy con người vươn lên trong mọi nghịch cảnh, chiến thắng chính mình và sống xứng đáng với phẩm chất của mình. Cuốn “Hạt giống tâm hồn” có một câu nói của Oprah Winfey rằng: “Cuộc sống luôn chứa đựng những nỗi đau mà ta không thể nào đoán trước được. Thế nhưng hãy tin rằng mọi chuyện buồn điều lướt qua chúng ta rất nhanh như một đoạn phim ngắn”. Cuốn sách đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc, mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng về cuốn sách. Riêng tôi, sự kiên cường ý chí vươn lên chống lại chông gai của từng nhân vật trong cuốn sách là cảm nhận tôi từ họ.

“Hạt giống tâm hồn” là cuốn sách viết lên những bài học quý giá dành tặng những người đang phải đối đầu với những thử thách mà cuộc sống đem lại, là người bạn tâm sự sát cánh bên ta khi nỗi buồn ập đến, cũng là cuốn sách lấy đi những giọt nước mắt đầy cảm xúc trong trái tim người đọc. Tôi dường như đã hiểu thêm về cuộc sống này. Có những người bất hạnh và đau khổ hơn ta, nhưng vì họ tin và họ đang thấy những điều kì diệu và tiếp tục cố gắng. Cuốn sách như một trang mở đầu trong tôi, biến tôi từ con số không và biết đứng lên dần mỗi khi vấp ngã.Đắc tâm nhất ngoài cảm nhận về cuộc sống, tôi đã biết thêm cho mình những bài học quý báu. Trước đó tôi đã đặt ra hàng trăm lý do, hàng trăm câu hỏi làm sao để dẫn đến thành công và làm thế nào để chọn được con đường tương lai tốt . Hầu hết những lý do đó không có câu trả lời và không có cách giải quyết. Nhưng đến giờ, tôi đã tìm thấy câu trả lời trong “Hạt giống tâm hồn” chỉ bằng hai chữ nỗ lực.

“Hạt giống tâm hồn” như một phép màu kì diệu cách chúng ta khi gặp phải thử thách, những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nhưng chỉ cần có ý chí và niềm tin bạn sẽ vượt qua những khó khăn đó và chạm đến đích thành công.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta mang một sức mạnh ý chí, gạt đi những giọt nước mắt đau khổ để đứng dậy, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn đó thì ta sẽ nhận ra: Đằng sau những giọt nước mắt đó vẫn còn một niềm vui và hạnh phúc và trái lại nếu dễ dàng vứt kiếm buông xuôi thì ta chỉ nhận được thất bại song song với những nỗi buồn ám mãi không buông.

Có những lúc tôi thất bại và muốn lùi lại nhưng rồi tôi đã cố gắng bước lên vì “Hạt giống tâm hồn” mang cho tôi sức mạnh vi diệu ấy. “Hạt giống tâm hồn” cuốn sách mang lại niềm tin cho mọi người và đem lại phần nào thành công cho ta, giúp ta thấy được giá trị của cuộc sống. Cảm ơn “Hạt giống tâm hồn” cuốn sách giúp tôi nhận thức đúng về giá trị bản thân và làm nguồn động lực khi tôi vấp ngã, thất bại trong cuộc sống.

Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích mẫu số 2: Cây chuối non đi giày xanh

Trong cuộc đời mỗi người, sách là người bạn đồng hành không thể thiếu. Sách giúp chúng ta mở mang tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, và góp phần hình thành nhân cách. Em cũng có rất nhiều cuốn sách yêu thích, nhưng cuốn sách mà em yêu thích nhất là cuốn "Cây chuối non đi giày xanh" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Cuốn sách được xuất bản năm 2017, thuộc thể loại truyện thiếu nhi. Cuốn sách kể về câu chuyện của nhóm bạn thân gồm Thạch, Nhỏ, Miền, Phước, và Thơm. Họ là những học sinh ở thị trấn Hà Lam, cùng nhau trải qua những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Câu chuyện trong cuốn sách rất gần gũi với cuộc sống của trẻ em Việt Nam. Đó là những câu chuyện về tình bạn, tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương, đất nước. Những câu chuyện ấy đã mang đến cho em nhiều cảm xúc, giúp em hiểu thêm về cuộc sống và con người.

Em đặc biệt yêu thích nhân vật Thạch. Thạch là một cậu bé có tính cách nghịch ngợm, lém lỉnh nhưng rất tốt bụng và nghĩa khí. Cậu luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, và luôn bảo vệ những gì thuộc về mình. Em rất thích cách Thạch đối xử với Nhỏ, một cô bé mồ côi, bị mọi người xa lánh. Thạch đã trở thành người bạn thân thiết nhất của Nhỏ và giúp Nhỏ tìm được chỗ đứng trong xã hội.

Cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, dễ hiểu. Giọng văn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhẹ nhàng, trong sáng, mang đậm chất Nam Bộ. Những hình ảnh trong sách được miêu tả sinh động, giúp người đọc hình dung rõ nét về khung cảnh làng quê Việt Nam.

Cuốn sách "Cây chuối non đi giày xanh" đã mang đến cho em nhiều bài học bổ ích. Em hiểu rằng tình bạn là vô giá, tình làng nghĩa xóm là đáng quý, và tình yêu quê hương, đất nước là thiêng liêng. Em cũng hiểu rằng trong cuộc sống, chúng ta cần phải biết yêu thương, giúp đỡ người khác, và luôn bảo vệ những gì thuộc về mình. Em khuyên mọi người hãy đọc cuốn sách này một lần để cảm nhận được những giá trị tốt đẹp mà nó mang lại.

Giới thiệu cuốn sách Cây chuối non đi giày xanh

Cuốn sách Cây chuối non đi giày xanh

Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích mẫu số 3: Dế Mèn phiêu lưu kí

Nhà văn Tô Hoài là một cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” viết cho thiếu nhi từ những năm trước cách mạng. Ban đầu truyện có tên là “Con Dế Mèn” phát hành năm 1941. Sau đó năm 1955, Tô Hoài viết thêm 7 chương cuối của truyện và gộp hai chuyện vào với nhau để thành truyện “Dế Mèn phiêu lưu kí” như ngày nay.

Tác phẩm nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu kí” được đánh giá là cuốn truyện kí về loài vật dành cho lứa tuổi thiếu nhi hay nhất từ trước Cách mạng tháng Tám đến nay. Dế Mèn phiêu lưu kí không chỉ là cuộc phiêu lưu quanh quẩn bên dòng sông Tô Lịch rất đỗi thân quen mà còn vượt qua biên giới của đất nước Việt Nam thân yêu, chu du trên rất nhiều quốc gia và trở thành bạn đồng hành của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và thế giới.

Nội dung cuốn sách gồm 10 chương, kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới muôn màu muôn vẻ của những loài vật nhỏ bé.

Chương 1: Kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.

Chương 2 – 9: Kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn với người bạn đường là Dế Trũi.

Chương 10: Kể về việc Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cuộc phiêu lưu mới.

Theo bước chân của Dế Mèn, chúng ta sẽ được lạc vào thế giới loài vật gần gũi, thân thương với toàn những con vật gắn chặt với đời sống thôn quê dân dã như: bác Xén Tóc, Võ sĩ bọ ngựa, Châu Chấu Voi, Ếch Cốm, Chuồn Chuồn…Tô Hoài đã “vẽ” nên một thế giới với muôn vàn những tình cảm mới lạ, những ham thích thiết thực và đầy phiêu lưu, những rung động tinh tế trước vẻ đẹp cuộc đời và thiên nhiên.

Sinh ra trong gia đình nhà Dế, Mèn ra ở riêng khi mới được 3 ngày tuổi. Từ đây, cuộc sống đầy màu sắc nhưng cũng không ít lần phải trả giá của Mèn bắt đầu.

Ngay từ khi bước vào chương 1 của cuốn sách, các bạn sẽ bắt gặp một chú Dế Mèn sống độc lập từ nhỏ, bởi sống độc lập nên chú đã biết “lo xa”, biết “ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực” để có một cơ thể cường tráng và khỏe mạnh với “đôi càng mẫm bóng”, những cái vuốt cứ “cứng dần và nhọn hoắt”, bởi thế chú tự hào lắm, chú bộc bạch như thế này “…Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu. Cho ra kiểu cách con nhà võ. Tôi tợn lắm. Dám cà khịa với tất cả bà con trong xóm. Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn, không ai đáp lại. Bởi vì quanh quẩn ai cũng quen thuộc mình cả. Không nói, có lẽ họ nể hơn là sợ. Nhưng tôi lại tưởng thế là không ai dám ho he. Ấy vậy, tôi cho là tôi giỏi. Những gã xốc nổi thường lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba….”.

Kết thúc chương 1 là sự mở ra của chương 2 với cuộc phiêu lưu bất ngờ của Mèn khi bị bắt làm đồ chơi cho những cậu bé con tinh nghịch. Cái tính ngông nghênh, hống hách của Mèn vốn đã nhờ có bài học của Dế Choắt mà giảm đi phần nào thì nay lại trở lại như xưa khi bị cuốn vào trò chơi chọi dế của các cậu choai choai ở trong ngôi làng. Thế nên Mèn lại được bác Xiến Tóc dạy cho một bài học nhớ đời. Lần này thì cậu ta đã tỉnh ngộ mà âm thầm nghĩ cách và chờ đợi thời cơ để thoát khỏi nơi giam giữ của lũ trẻ, trở về với thế giới tự do.

Lật giở từng trang sách, đến trang 33 các bạn sẽ được chứng kiến cuộc trở về thăm nhà trước khi ra đi để mở rộng tầm mắt, để học khôn, học giỏi của Mèn và cuộc gặp gỡ bất ngờ mà trở thành tri âm giữa Mèn và Trũi trong chương 3 và 4. Cuộc hành trình trở về của Mèn trải qua những gian nan, vất vả nhưng Mèn cũng đã kịp làm được việc tốt đầu tiên trong đời đó là giúp chị Nhà Trò thoát nạn khỏi lũ Nhện hung ác. Được sự ủng hộ của mẹ và kết thân với người bạn tri kỷ là Dế Trũi, Mèn càng có động lực để thực hiện lý tưởng của mình, muốn được thoả chí nguyện đi đây đi đó "đời trai mà không biết bay nhảy, biết đó biết đây thì cuộc sống sẽ nhạt nhẽo lắm".

Từ chương 5 trở đi, các bạn sẽ thấy Mèn bước vào những cuộc phiêu lưu đầy gian nan, nguy hiểm với cơ man là biến cố và rủi ro, nhưng Mèn đã từng bước vươn lên tự điều chỉnh, tự nhận thức để trở thành con người giàu lý tưởng và ham hiểu biết.

Đầu tiên Mèn cùng Dế Trũi sau những ngày dài lênh đênh trên sông nước, có lúc tưởng phải vùi thân dưới những con sóng bạc đầu, đã trôi dạt đến Vương quốc đầm lầy của đại vương Ếch Cốm và thầy đồ Cóc. Những tưởng đã thoát nạn mà nào có được yên. Vậy Mèn và Trũi đã gặp nạn gì và cả hai đã làm gì để qua cơn nguy hiểm, thoát ra khỏi lãnh thổ của đại vương Ếch Cốm.

Sau khi thoát khỏi Vương quốc Đầm Lầy, cả hai lại lạc vào Làng Cỏ May, nơi có những cư dân giàu tinh thần thượng võ, tham gia cuộc thi đấu võ, Mèn đã được tôn lên làm thủ lĩnh với cuộc sống an nhàn, sung sướng.

Dù trải qua biết bao sóng gió nhưng cuối cùng chuyến đi cũng đã hoàn thành khi ước mơ về một thế giới đại đồng mà ở đó “muôn loài cùng nhau kết thành anh em” của Mèn đã thành sự thật. Cậu trở về quê hương, nơi cậu đã sinh ra và lớn lên, tận hưởng những ngày thư thái, "nằm duỗi chân nhìn lên qua khe cỏ ấu, thấy mảnh trời xanh biếc như ước vọng đời mình đương bay xa" và lòng lại hướng về những hành trình mới, những chân trời mới…

Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Tô Hoài các nhân vật điển hình hiện ra thật rõ nét và sống động. Các bạn sẽ thấy mình trong hình ảnh của anh Dế Mèn có lúc huênh hoang ranh mãnh, có lúc hung hăng xốc nổi, lại có lúc năng nổ, xông xáo, trẻ trung; hình ảnh những người bạn, người hàng xóm của mình qua chú Dế Trũi; cô Nhà Trò hay bác Xiến Tóc... Một thế giới con người hiện ra sinh động qua thế giới của những loài vật tưởng chừng như nhỏ bé.

Qua tập truyện này nhà văn đã khẳng định trong cuộc sống ai cũng có lúc mắc phải những sai lầm, có thể hết sai lầm này đến sai lầm khác, nhưng quan trọng hơn hết đó là sau mỗi lần sai lầm ấy chúng ta lại rút ra được một bài học, tích lũy thêm cho mình một kinh nghiệm sống ở đời.

Dế Mèn phiêu lưu kí” thấm đẫm tình yêu thương, ca ngợi lý tưởng hòa bình và tình bạn cao đẹp. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn không chỉ đơn giản là tác phẩm dành cho thiếu nhi, mà hơn hết chúng đều chứa đựng một thông điệp ý nghĩa lớn đến tất cả mọi người, đó là tình đoàn kết, khao khát cho sự hòa bình và nghị lực phi thường trước mọi khó khăn. Chỉ với một nhân vật chú dế nhỏ bé, nhưng tác giả lại muốn truyền tải rất nhiều bài học đến con người, do đó rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

(Nguồn: Như Nguyệt)

Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích mẫu số 4: Cây cam ngọt của tôi

Cây cam ngọt của tôi” tình cờ đến với em khi dòng chữ “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này!” xuất hiện trên facebook của NXB Nhã Nam. Dòng chữ ngắn ngủi vậy thôi nhưng thực sự vào giây phút ấy đã khiến trái tim em thổn thức. Những câu hỏi liên tiếp, dồn dập cứ ngân lên trong em và rồi bao nỗi băn khoăn dần dần được gỡ bỏ khi em lật từng trang sách giữa niềm xúc động vô ngần.

Cây cam ngọt của tôi đã truyền tải được một phần nội dung và ý nghĩa của nó qua trang bìa của cuốn sách. Hình ảnh trung tâm chính giữa của bìa là cây cam, trong khi đó, nhân vật chính lại được khắc họa khá nhỏ bé bằng những tông màu trầm ấm và có phần tối. Trên nền đất trống của khu vườn sau nhà, hình ảnh Zezé bé nhỏ ngồi một mình gợi cảm giác cô đơn, trống trải và lạc lõng vô cùng. Tuy vậy, cậu không cô đơn, vì bên cạnh cậu có cây cam ngọt, với sự hiện diện lặng lẽ và dịu êm, đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, cùng cậu bé bước qua những ngày tháng của tuổi thơ ảm đạm và buồn chán. Những hình ảnh đơn giản mà ý nghĩa đó đã đưa ta đến gần hơn với những câu chuyện, những thông điệp được truyền tải ở những trang sách tiếp theo.

Cây cam ngọt của tôi là câu chuyện về một cậu bé trên hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương. Cậu bé ấy là Zezé, đứa con thứ 6 trong một gia đình nghèo khó có 7 anh chị em. Vì nhà nghèo, vì sự tất tả của người lớn trong cuộc mưu sinh, Zezé đã bị bỏ quên trong thế giới ảm đạm, buồn chán khiến cậu phải bày đủ trò quậy phá đến mức bị đòn roi. Với sự thông minh, cậu đã dùng trí tưởng tượng làm vũ khí, chống lại thế giới người lớn quay cuồng trong tiền bạc nhưng thiếu vắng hạnh phúc và ước mơ. Zezé kết bạn với một cây cam ngọt ở sau vườn, trò chuyện và cùng cam nhỏ dần bước qua tuổi thơ khốn khó nhưng không tuyệt vọng. Tình bạn giản dị ấy đã làm nên hương vị ngọt ngào cho cuốn sách nhỏ bé này.

Ấy vậy mà, ẩn dưới hương vị ngọt ngào là vị chua chát của cuộc sống nghèo khổ, đầy rẫy những điều nhẫn tâm. Tất cả mọi nhân vật trong truyện đều khốn khổ theo một cách riêng. Chung quy, họ đều bị cuộc sống mưu sinh vò nát cả dáng vẻ và tâm hồn. Những người cha, người mẹ, những người anh, người chị vốn dĩ rất yêu thương Zezé cũng dần trở thành những người cay nghiệt, xem cậu như một nơi trút hết nỗi khổ đau của cuộc đời mà không bao giờ tìm cách hiểu cậu.

Và sau mỗi lần Zezé nghịch phá hay trót nói tục; thay vì nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ dạy; thay vì lắng nghe để thấu hiểu, người lớn trong nhà chỉ biết chửi mắng, đánh đập cậu một cách tàn nhẫn. Cứ thế, những trận đòn roi liên tiếp giáng xuống đầu cậu, trận sau lại càng dữ dội hơn trận trước mà cậu không hiểu nổi lí do vì sao. Như cái lần Zezé thấy cha ngồi thất thần bên cửa, vì muốn làm cha vui, cậu đã hát một bài hát học lỏm ở hè phố mà theo cậu là bài hát hay nhất thế gian dù không hiểu chút nào ý nghĩa của nó. Chẳng ngờ, đó lại là một bài hát tục tĩu, và thế là không cần nghe giải thích, người cha ấy đã xuống tay. Hẳn rằng khi đọc đến những dòng này, bất kể ai cũng sẽ lặng đi vì bàng hoàng: “Một cái tát cực mạnh giáng xuống mặt tôi… Tôi hầu như không thể cử động mặt, mặt tôi bị đánh lệch từ bên này sang bên kia. Tôi mở mắt ra nhưng rồi phải nhắm lại vì ảnh hưởng của những cú đánh… Cha lấy thắt lưng làm roi quất đen đét lên người tôi. Tôi có cảm giác có cả ngàn ngón tay đang đánh khắp người. Tôi ngã xuống sàn và co mình lại trong một góc sát tường”.

Trận đòn khủng khiếp ấy đã khiến Zezé hôn mê gần một tuần trời, tưởng như không thể qua khỏi. Và câu nói: “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này” đã thốt lên trong tiếng nức nở khi cậu tỉnh dậy từ trận đòn cuối cùng của cha. Suy nghĩ ấy của Zezé có lẽ là tất yếu khi tuổi thơ của cậu chìm ngập trong những trận đòn roi vô cớ, trong sự cô đơn đến cùng cực. Nhưng, ngẫm thật lâu, em nhận ra rằng: hẳn cha Zezé có lí do riêng khi ông cũng muốn dạy dỗ con mình trở thành người tốt. Chỉ có điều, ông lại không nhận ra bản thân mình chính là tấm gương xấu và chỉ duy nhất dạy dỗ con bằng đòn roi và sự nóng nảy.

Thế nhưng, sau tất cả, Cây cam ngọt của tôi vẫn là một câu chuyện về những điều nhân văn, những điều đẹp đẽ, diệu kì nảy nở từ những gì khô cằn, gai góc nhất. Như chi tiết bông hoa cam trắng muốt, nhỏ xinh nở trên cây cam héo úa ở cuối truyện. Mặc cho gia đình có đối xử tàn tệ, Zezé vẫn là một đứa trẻ hiểu chuyện. Cậu vẫn đối xử với mọi người một cách thánh thiện nhất có thể: dành cả ngày Giáng sinh đi đánh giày, kiếm vài đồng xu mua cho cha bao thuốc mà cha yêu thích. Hay khi Zezé tinh tế nhận ra trên bàn làm việc của cô giáo chỉ có một lọ hoa trống không, vì cô có vết bớt ở mặt nên chưa bao giờ được tặng hoa, cậu đã đánh liều trèo vào vườn nhà người khác, hái một bông tặng cho cô giáo. Sở dĩ, Zezé có những hành xử đẹp ấy là bởi xung quanh cậu vẫn còn những người sẵn sàng trao cho cậu tình yêu thương mà một trong số đó là ông già người Bồ Đào Nha, một người xa lạ đã dạy đứa trẻ luôn hằn học với cuộc đời biết thế nào là tình yêu thương trìu mến của “người cha”, đã trao thương yêu và dạy cậu cách nâng niu cuộc sống khắc khổ này.

Ông đã cho người đọc hiểu cách dạy bảo một đứa trẻ, không phải bằng bạo lực mà bởi lòng bao dung. Sự ra đi đột ngột của ông đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời Zezé, khiến cậu trưởng thành và hiểu thế nào là đớn đau thực sự. Đó không phải là nỗi đau khi chịu những trận đòn roi vô cớ đến không thở được mà là cảm giác khi ta vĩnh viễn mất đi người thân yêu; không phải là cái đau về thể xác mà là nỗi đau vô hạn khi mất đi điểm tựa tinh thần. Để rồi kết truyện, khi Zezé đã 48 tuổi, cậu đã trở thành một người tốt, một người muốn đem tất cả niềm yêu thương, tình độ lượng và sự hào phóng đem tặng những đứa trẻ khốn khổ xa lạ trên khắp nẻo đường Brazil. Những điều tử tế như thế, cứ đan xen vào những cái bần cùng, đó chính là hương vị của cuộc sống, là hương vị của những trái cam đắng chát ở vỏ ngoài nhưng lại ngọt ngào êm dịu ở bên trong.

Bắt đầu bằng những thanh âm trong sáng và lắng lại với những nốt trầm hoài niệm, Cây cam ngọt của tôi đã nhắc nhở ta về những điều đẹp đẽ đôi khi thật bình dị, như bông hoa của cái cây trồng sau nhà, nhắc chúng ta rằng trẻ em luôn trong sáng dẫu cuộc đời còn lắm điều bất nhân, và rằng: cuộc đời sẽ khốn khổ biết bao nếu thiếu đi tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Truyện cũng gửi thông điệp tới những người làm cha làm mẹ về nguy cơ mà những đứa trẻ phải đối mặt khi chúng bị bỏ rơi.

Thế nên, xin cha mẹ hãy luôn quan tâm, thương yêu những đứa con; phút giây thôi, hãy lắng nghe tiếng con mình; đừng bao giờ dập tắt niềm hy vọng, háo hức của đứa trẻ trước những điều mới mẻ và tươi đẹp của cuộc đời; đừng để những đứa trẻ phải tìm đến cái chết như một cách để tự giải thoát. Nếu được như vậy, hẳn rằng, thế gian sẽ ngập tràn niềm hạnh phúc và trẻ em trên toàn thế giới sẽ trọn vẹn niềm vui.

Với em, đây có lẽ không phải là bài giới thiệu về một cuốn sách em yêu thích. Hơn tất cả, đó chính là những rung cảm thẩm mĩ và nhân văn em nhận được khi đến với Cây cam ngọt của tôi. Cuốn sách không phải chỉ là hành trình hướng thiện của một đứa trẻ mà còn là cuộc chiến thu nhỏ diễn ra ở chốn tận cùng, nơi con người chống lại sự tàn nhẫn của cuộc đời để bảo vệ sự ngây thơ của thế giới. Dường như cuốn sách đã chạm tới trái tim người đọc bằng sự sẻ chia, đồng cảm với cuộc đời của cậu bé 5 tuổi Zézé; là sự thấu cảm cho mong muốn, tâm tư, tình cảm của những người làm cha, làm mẹ. Vì vậy, khép lại những trang sách, vẻ đẹp của tình yêu thương, lòng nhân ái cao cả mà bình dị vẫn còn mãi trong em như dư vị ngọt ngào của những trái cam.

(THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Giải Nhất cuộc thi “Sách và tôi” năm học 2022 - 2023)

Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích mẫu số 5: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được nhận giải văn chương ASEAN. Cuốn sách dày 375 trang được in trên khổ  giấy 13 x 24 cm  do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành năm 2018. Nâng niu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trên tay, người đọc cứ thế mà cầm, mà mân mê rồi đọc một lèo đến hết. Bác Nguyễn Nhật Ánh là cây bút yêu thích của rất nhiều người. Thông thường mọi người nói rằng bác viết truyện cho trẻ em rất hay. Mà thực ra thì không hẳn, phải là bác viết về tuổi thơ của chúng ta rất hay. Những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn gợi nhớ về một thời tuổi thơ đã xa. Một nơi mà trẻ con sống vô lo vô nghĩ. Một nơi của những trò chơi thôn quê như bắt bướm, bắt dế, chuồn chuồn, tắm sông, câu cá,… Nguyễn Nhật Ánh lấp đầy tuổi thơ bằng những câu chuyện giản dị và ngây thơ.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” viết về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê, bên cạnh đề tài tình yêu quen thuộc, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật phản diện và đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm, cái ác. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chắc chắn sẽ mang đến người đọc những điều thú vị với cả bạn đọc nhỏ tuổi và người đọc lớn tuổi lớn bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, giản dị của mình qua hơn 300 trang sách. Cuốn sách chắc chắn có một sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn mà không người đọc nào có thể bỏ qua. Đến tận dòng cuối cùng của cuốn truyện, giọng văn dễ thương của Nguyễn Nhật Ánh vẫn lôi cuốn người đọc, cứ thế, từng trang sách cứ được lật sang, lật sang cho đến hết.

Có lẽ, nỗi vất vả của kiếp đời mưu sinh đã quá nhọc lòng trên đôi vai bé nhỏ nên những hình ảnh mộc mạc, thân thuộc thế này đã gợi không ít nỗi nhớ, niềm thương. Và bằng những dòng suy nghĩ chân thành, ngôn từ giản dị Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ một chuyến đi đưa người đọc trở về thời thơ ấu. Không cần quá phô trương nhưng đủ sâu sắc, không cần quá thâm thúy nhưng đủ để chúng ta có thể nhìn thấy mình ở trong đó.

Cuốn sách nói về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê Việt Nam thân thuộc, là nơi đã chứng kiến những rung động đầu đời của cả hai anh em Thiều và Tường, tình cảm gia đình, tình anh em yêu thương chân thành, cũng như những đố kỵ ghen tuông và những nỗi đau trong quá trình trưởng thành. Đặc biệt hơn đây là lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào trong tác phẩm của mình những nhân vật gần như phản diện ngầm nhắc nhở về những vấn đề đạo đức - cái thiện và cái ác.

81 chương ngắn của một câu chuyện dài là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ sống trong ngôi làng nghèo. Sau mỗi chương là một khía cạnh khác có thể xoay quanh nhân vật chính nhưng cũng có thể đề cập đến những nhân vật khác và theo từng chương đã gợi mở những cảm xúc, những rung động trong chính trái tim của hai anh em Thiều nói riêng và của mọi người nói chung. Những luân lý, đạo nghĩa không ngừng trở đi trở lại trong nỗi niềm day dứt và tiếc nuối của người đọc.

Chúng ta hẳn ai cũng đã từng có những rung động đầu đời. Đó không chỉ duy là tình yêu mà đến với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ta còn nhìn thấy được cảm giác rung động của một đứa trẻ lần đầu tiên biết đến “hoa tay”.  Lần đầu tiên biết đến hoa tay thì thằng Thiều - một đứa trẻ hay tò mò và ham vui đã đi khắp làng để đếm và coi hoa tay. Ngoài ra, chúng ta còn được trở về thời xa xưa, thời điểm mà những người yêu nhau thường ngày ngóng, đêm mong nhận được những bức thư tay.  Lần đầu tiên viết thư tình Thiều đã lấy cắp hai câu thơ của chú Đàn và chị Vinh, bức thư tình trở nên dí dỏm và đáng yêu hơn bao giờ hết khi bị thầy giáo bắt được:

“Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng”

Những cảm xúc dần hình thành trong lòng Thiều, là sự đồng cảm với hoàn cảnh của Mận, xót xa khi biết sự đau khổ mà Mận trải qua và hối hận những khi mình bảo Tường ngu ngốc, lúc Tường vì mình mà chịu đòn hay lúc trêu đùa người khác. Quan trọng nhất chính là lần đầu biết cảm giác thích là như thế nào, lần đầu thấy lúng túng và ngại ngùng khi đối diện với Mận. Hay là khi nghe kể chuyện ma thì hai anh em rùng mình sợ đến nổi bị nhát là chạy toán loạn, đến khi về nhà lại bị đánh vì tội là con trai mà sợ ma. Hơn thế, khi nghe bạn kể về xóm Miễu - nơi có ma cọp thì hai anh em lại tò mò và muốn đi khám phá, dù sợ ma nhưng cứ ra vẻ. Còn về Tường, một trải nghiệm đầu đời có thể nói là không thể quên của Tường chính là trở thành “chim xanh” của chú Đàn và chị Vinh nhưng không may lại bị cha của chị Vinh phát hiện.

Khi đọc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chắc hẳn chúng ta sẽ đôi lần rơm rớm xúc động rồi lại bẽn lẽn cười một mình trước tình cảm ngây ngô mà chân thành của hai anh em Thiều. Dù cho có lần Tường và Thiều đi chơi về bị ba đánh, Thiều chẳng mấy chốc đã bỏ Tường lại rồi vắt chân lên cổ mà chạy thì Tường vẫn chịu đòn giùm anh Hai. Hay là lúc chơi trò ném đá, khi Tường ném trúng Thiều thì cảm thấy đau lòng. Nhưng vào cái độ tuổi trưởng thành, Thiều khó mà kiểm soát được những cơn nóng giận ghen tuông vô cớ của mình nên đã vô tình tổn thương thằng Tường hết lần này đến lần khác.

Có những lúc tâm trạng Thiều trở nên xấu đi và bí bách vì thấy được cảnh Tường và Mận chơi chung với nhau, suốt ngày cứ dính lấy nhau. Trong ánh nhìn nóng ran có chút đau đớn của Thiều rõ thấy Thiều có nhận thức nhưng vẫn không thể chế ngự được lòng đố kỵ của một đứa con trai lần đầu rung động.

Nguyễn Nhật Ánh không chỉ cho ta trở về thời thơ ấu với bao nhiêu cảm xúc ngổn ngang mà còn gieo rắc vào tâm hồn ta thứ tình cảm nhân văn và cao quý hơn hết đó chính là tình thân. Người cha chấp nhận chịu cảnh tù túng, thậm chí là trốn chui trong cái căn gác xập xệ cùng với căn bệnh quái lạ mà người ta hay gọi là bệnh phong. Đứa con gái ngây ngô và giàu tình cảm như Mận cũng không tiếc bỏ cả những lúc học bài để chăm sóc cho cha. Và rồi một trận hỏa hoạn ập xuống. Rồi một cơn lũ lớn tạt qua. Cuộc sống làng quê thanh bình cũng có lúc bị dọa đến chết khiếp, những cánh đồng bát ngát, những lũy tre xanh, cây đa đầu làng,… tất cả sẽ bị thiêu rụi trong biển lửa hay nhấn chìm trong biển nước.

Lướt qua từng chương của cuốn sách, chúng ta sẽ bật cười trong vô thức khi nhìn thấy chính mình. Ngôn từ không quá chau chuốt, cảm xúc nhẹ nhàng như rót vào giấc ngủ và một giấc mơ thần tiên hiện ra trong phút chốc. Tất cả là vì có được cơ hội để trở lại thành một đứa trẻ, có được khoảng thời gian vô tư không lo lắng, có khoảng thời gian mà cứ vui thì cười, cứ buồn thì khóc.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ là một “tấm vé” đưa mọi người trở về thời tuổi thơ lắm đỗi ngọt ngào lẫn day dứt mà mỗi người đã từng trải qua. Đối với mỗi độc giả, quyển sách này sẽ không làm cho bạn cảm thấy chán nản hay vô vị, mà nó sẽ cho chúng ta được tự do bộc lộ tâm sự, cảm xúc thời ấu thơ. Thời gian trôi qua đi vốn không thể nào quay trở lại, nhất là thời thơ ấu, sẽ không thể nào có được những cảm xúc chân thật như thế. Trong xã hội tuy phát triển nhưng những cảm xúc đó quá mờ nhạt. Nếu không phải nơi đây - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - thì chắc rằng bạn sẽ không thể tìm thấy bình yên ở một nơi nào khác.

Cuốn sách nhỏ nhắn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào đôi khi lại phảng phất nỗi buồn,.. Những bài học về luân lý, về tình người trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối. “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” lắng đọng nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai đã lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.

Cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được nhận giải thưởng Asean và là một trong những tác phẩm hay nhất viết về tuổi học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hơn 300 trang sách đã mang đến cho người đọc thật nhiều cảm xúc. Em đã đọc và thực sự bị cuốn hút vào các nhân vật trong cuốn sách.

Giới thiệu cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích mẫu số 6: Mắt Biếc

Mắt Biếc” là truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dưới góc nhìn của Ngạn - chàng trai xuất thân từ ngôi làng Đo Đo nghèo khó và đem lòng yêu cô gái “Mắt Biếc” xinh đẹp của làng Đo Đo cả nửa đời người. Tiêu đề “Mắt Biếc” chỉ vẻn vẹn hai chữ nhưng đã mở ra rất nhiều cung bậc cảm xúc chỉ độc giả bởi ai cũng biết mắt biếc là một đôi mắt đẹp nhưng lại mang nét buồn. Tiêu đề ấy phần nào cũng gợi lên một cốt truyện có nội dung phảng phất nỗi buồn.

“Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời

Thương thầm một nụ cười, cả một đời phiêu lãng”

Câu thơ trên của nhà thơ Thục Linh có lẽ viết ra là dành cho Ngạn. Bởi vì say đắm trước vẻ đẹp của đôi mắt ấy, mà ngay từ nhỏ, Ngạn đã bất chấp mọi thứ để bảo vệ Hà Lan và làm Hà Lan vui lòng. Lớn lên, đi học, rồi ra trường trở thành thầy giáo, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, Ngạn vẫn không thể ngừng yêu đôi mắt ấy, người con gái ấy một cách đắm đuối đến nao lòng. Ngạn bộc bạch: “Đó là đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác. Và sau này cũng đôi mắt đó làm khổ tôi ghê gớm”.

Câu chuyện mở đầu với tuổi thơ của Ngạn, một cậu bé thuộc trường phái cổ điển và cô gái hơi hướng hiện đại - Hà Lan. Hai người như một đôi thanh mai trúc mã tưởng chừng rồi sẽ có kết quả tốt đẹp, ăm ắp, đủ đầy, chứa chan tình cảm. Bởi lẽ tình yêu đã nảy sinh dần dần trong Ngạn bắt nguồn từ tình bạn đẹp như mơ của Ngạn và Hà Lan. Thế nhưng không, đến khi lớn hơn một chút, cả hai cùng ra thành phố học tập, trong khi tấm lòng của Ngạn vẫn chỉ duy nhất hướng về Hà Lan, hướng về làng Đo Đo thì cô bạn lại không cưỡng lại được trước những cám dỗ của thành thị xa hoa.

Ngạn và Hà Lan bắt đầu có những đối lập trong suy nghĩ. Ở ngưỡng cửa của tuổi mới lớn, thế giới của cô bé lại là sự háo hức, tò mò về thành thị. Đôi chân của Hà Lan chạy theo những điều mới mẻ, đôi chân của Ngạn lại chậm rãi về với những điều xưa cũ. Thế giới trong Hà Lan là thành thị đầy màu sắc thì Ngạn lại là màn trời đầy sao của làng Đo Đo. Hà Lan muốn đến với sự ồn ào của thành thị, Ngạn lại bỏ quên hồn mình ở làng. Hà Lan khám phá ánh sáng của đô thị, Ngạn mơ màng ở đồi Sim. Thành phố đầy ánh điện, đầy hiện đại; làng Đo Đo nhỏ bé và yên bình. Cứ thế dần dần với những trái ngược kia, hai người cứ ngày một xa nhau, cảm giác như hai đường thẳng song song mà ngay từ điểm xuất phát đã trái ngược nhau. Có lẽ Ngạn đủ thông minh để biết con đường của Hà Lan mong muốn nhưng anh không thể khôn nguôi về những kỉ niệm ấy. Bởi lẽ khoảng thời gian gắn bó thời xưa ấy đã quá lâu để rồi hình thành một thói quen khó bỏ, Hà Lan trong Ngạn mãi là cô bé có đôi mắt đẹp thơ ngây, trong vắt như một tờ giấy đến nỗi anh quên mất rằng người anh yêu đến đau lòng đã thay đổi.

Khoảng cách địa lý đã xa, khoảng cách của tâm hồn lại càng xa hơn, khi Hà Lan phải lòng Dũng. Dũng mang hình thái phong trần, lịch lãm và mới mẻ, như một làn gió mới thổi qua đời Hà Lan. Hà Lan đã yêu Dũng bằng trái tim vô bờ của một người con gái. Dũng như đại diện cho thành thị, Ngạn đại diện cho cội nguồn quê hương. Dũng mang những bụi bặm của thành phố, của sự ồn ào nhộn nhịp, đó là những cái mà Hà Lan theo đuổi. Phải! Hà Lan đã chọn một gã thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng lại thiếu đứng đắn, một kẻ chuộng tự do, luôn nuông chiều bản thân để gửi gắm tình cảm vào. Nhưng trái tim Ngạn vẫn không đổi thay.

Ngạn đau lòng, Ngạn xảy ra mâu thuẫn xung đột trong cảm xúc. Ngạn không muốn Hà Lan yêu Dũng, Ngạn cũng tự thú nhận với bản thân cảm thấy vui khi thấy Dũng rời bỏ Hà Lan để yêu một người con gái khác. Nhưng Ngạn lại muốn Hà Lan hạnh phúc, cả kể là hạnh phúc bên Dũng. Anh chấp nhận nghe những lời giãi bày, tâm sự của người con gái anh yêu đang kể về một người đàn ông khác, anh tự nguyện là một điểm tựa để bất cứ khi nào cô tìm tới. Rồi Dũng lại quay lại với Hà Lan, trái tim Ngạn lại như có ai đó dùng dao rạch một nhát sâu, sâu tới mức không thở được. Và đỉnh điểm của nỗi đau chính là Hà Lan mang thai với Dũng, nhưng bị hắn ruồng bỏ. Cô đành gửi con về cho bà ngoại chăm sóc và đặt tên là Trà Long. Tuy hiểu rõ tình yêu của Ngạn dành cho mình, Hà Lan vẫn không đáp lại vì chỉ cô mới hiểu rõ suy nghĩ của bản thân nhất. Bản thân chúng ta cũng rất sợ khi có người đối xử quá tốt vì thực lòng mình không thể nghĩ ra được làm thế nào để trả ơn họ. Nếu Hà Lan lấy Ngạn thì sẽ càng độc ác vì vốn dĩ tình cảm của Hà Lan với Ngạn chỉ là sự cảm động, chỉ là người bạn tâm giao. Làm sao có thể chắc chắn Hà Lan lấy Ngạn về bi kịch sẽ giảm đi? Khi không hề có tình cảm lấy về chỉ làm khổ nhau mà thôi.

Dù bị Hà Lan từ chối nhưng Ngạn vẫn dành hết tình yêu của mình cho bé Trà Long. Ngạn chăm sóc và thương yêu Trà Long hết mình. Trà Long có gương mặt và đôi mắt biếc giống y hệt Hà Lan khi còn trẻ. Nhưng trái với mẹ mình, Trà Long một lòng hướng về quê nhà, tâm hồn cô sinh ra cũng dành cho làng Đo Đo, cô yêu quê, yêu những thứ giản dị, đời thường, y hệt Ngạn. Và Trà Long cũng yêu Ngạn! Còn Ngạn, Ngạn cũng có tình cảm với Trà Long.

Đọc đến đây, tôi cảm giác mình bị lạc vào chốn mê cung xa lạ nào đó của tình cảm, của yêu và thương. Rốt cuộc tôi vẫn không hiểu rõ tình cảm của Trà Long đối với Ngạn mang tên chi? Là yêu ư? Hay chính là thương, là kính trọng, quý mến? Và chính Ngạn đã xem Trà Long là gì ta cũng không rõ nữa. Là đứa cháu bé bỏng, hay là người yêu hay chỉ là người thế thân cho mối tình đầu của Ngạn mà anh mãi chẳng thể quên được? Hay chính là người sẽ tiếp tục vẽ tiếp cuộc đời dở dang của Ngạn?

Suốt bao nhiêu năm, Ngạn giận có giận, trách có trách nhưng chưa một lần nào anh hết thương Hà Lan. Cuối cùng Ngạn chọn ra đi, bỏ lại Trà Long và làng quê. Bỏ lại cả Hà Lan và đôi mắt biếc. Một nỗi buồn chơi vơi, mơ hồ, sự thấu hiểu và cảm thông của người đọc với nỗi lòng của Ngạn. Cuộc đời của anh dành để yêu và ôm lấy nỗi đau. Đến cuối cùng cũng dốc hết lòng mà giữ trọn một nắm tình con dành cho Hà Lan, dành cho Mắt Biếc. Ngạn chọn ra đi, có lẽ chính bởi vì sau anh đã hiểu, rốt cuộc rồi Trà Long cũng chỉ là cái bóng của Hà Lan và tình cảm của anh với Trà Long là không thể tiếp tục được. Anh quyết định giữ trọn hình ảnh Mắt Biếc đẹp nhất trong trái tim mình. Một kết thúc thật khắc khoải, đau đáu, chơi vơi và day dứt.

Đọc xong Mắt Biếc, đọng lại trong mỗi chúng ta không chỉ có nỗi buồn, sự nuối tiếc mà còn có cả những kỉ niệm ngọt ngào về những lần được người thương chăm sóc, quan tâm sau những trận đòn “vào sinh ra tử” để bảo vệ người mình yêu, những lần vào rừng Sim hái trâm, rồi cả những lần giành phần được đánh trống tan trường. Có lẽ rằng, chúng ta ít nhiều sẽ thấy mình xuất hiện trong những câu chuyện của Mắt Biếc dù chỉ qua những tình tiết rất nhỏ trong câu chuyện rất dài.

Mắt Biếc để lại quá nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho người đọc. Gập trang sách cuối cùng lại, sau cùng ta thấy Ngạn mới là người đau khổ nhất. Phải chăng đôi mắt Hà Lan buồn vì trong đó chưa hẳn là nó phản chiếu cuộc đời của cô, mà bởi nó phản chiếu cuộc đời của Ngạn. Đây thực sự là một cuốn sách rất đáng để các bạn đọc qua để biết thêm sự thật rằng cuộc sống không chỉ có màu hồng và thanh xuân là để hối tiếc.

Giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích mẫu số 7: Búp sen xanh

Tháp mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Người Việt Nam chúng ta mỗi khi nhắc đến hai chữ thiêng liêng “Bác Hồ” thì có lẽ không ai là không khỏi xúc động, lòng dâng trào tình cảm trân trọng nhớ ơn. Tình cảm ấy giống như một mạch nước ngầm thẩm thấu chân thành đến những tâm hồn xa lạ.

Trong cuộc đời mỗi con người không thể thiếu những cuốn sách gối đầu giường những cuốn sách mang ý nghĩ theo chúng ta suốt chặng đường đời góp phần hình thành nên nhân cách mỗi con người, có lẽ những câu chuyện kể về Bác là những gì mà tôi thích đọc nhất. Trong những tác phẩm văn học viết về Bác nổi tiếng và gần gũi hơn là tác phẩm “Búp sen xanh” của  nhà văn Sơn Tùng được viết trong khoảng từ năm 1948 đến năm 1080. Cuốn sách đã khắc họa rõ nét cuộc đời đầy những gian truân của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ lúc mới sinh cho đến khi Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Tác phẩm chia làm ba chương:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị váng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bác sinh ra trong thời loạn lạc nước mất nhà tan nhưng Bác không chịu đứng nhìn thực dân pháp đày đọa dân ta làm càn trên nước Nam rồi Bác đã quyết chí ra đi tìm lối thoát cho dân tộc mở đầu cho quá trình tiến lên độc lập tự do của nhân dân. Nhiều năm trở lại đây cuốn tiểu thuyết đã được đưa vào tủ sách vàng của nhiều nhà xuất bản được in đi in lại nhiều lần được dịch sang tiếng Anh được in song ngữ. Những nhà sách lớn, những quầy sách nhỏ đâu ta cũng thấy cuốn sách như một điều để nhìn thấy Bác.

Búp sen xanh” có lẽ là món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã kính dâng lên Bác Hồ. Trải qua bao nhiêu năm tháng mà cuốn sách vẫn giữ vững được những nét đẹp giá trị bởi trong đó chứa đựng một tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. "Búp sen xanh" là tiểu thuyết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng.

“Búp sen xanh” viết về thời thơ ấu và niên thiếu của Hồ Chí Minh dài 363 trang được nhà văn chia làm 3 chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Những biến thiên của lịch sử, của gia đình nội ngoại hai bên và quá trình định hình nhân cách ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của vĩ nhân Nguyễn Sinh Cung Nguyễn Tất Thành trong khoảng 20 năm cuộc chia tay Bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 giữa Út Huệ Nguyễn Tất Thành được tác giả kể lại bằng những trang văn xúc động.

Với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác.tác giả đã dựng lại quãng đời niên thiếu của Bác từ khi cất tiếng khóc chào đời tại làng chùa quê ngoại cho đến khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 20 đầy khát vọng. Trải qua bao năm tháng "Búp sen xanh" vẫn được xem là một tác phẩm hay viết về chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho thiếu nhi mà còn được cả người lớn đón nhận như một món quà thiêng liêng.

Khi đọc Búp sen xanh, các em sẽ thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách và tâm hồn của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không những thế tác phẩm còn góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục nhắc nhở động viên thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao tinh thần trách nhiệm với vận mệnh của tổ quốc học tập rèn luyện bản thân trở thành người có ích cho xã hội.

(Nguồn: Nguyễn Thị Hồng Thành, THCS Kỳ Ninh)

Các em vừa tham khảo một số mẫu bài giới thiệu cuốn sách em yêu thích thuộc nội dung chương trình Văn mẫu lớp 8 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài giới thiệu hay và đủ ý. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM