Giải KHTN 7 Bài 39 Chân trời sáng tạo : Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

Xuất bản: 19/10/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn giải KHTN 7 bài 39 Chân trời sáng tạo : Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất, gợi ý trả lời các câu hỏi trong nội dung bài học trang 179 - 181 SGK Khoa học Tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi bài tập giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 39: Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho nội dung bài học tìm hiểu về mối quan hệ giữa tế bào - cơ thể - môi trường, mối quan hệ giữa các hoạt động sống chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.

Giải KHTN 7 bài 39 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 bài 39 Chân trời sáng tạo:

Câu hỏi mở đầu trang 179 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Chạy bộ là một hoạt động vận động tích cực và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Trong quá trình chạy bộ, hoạt động trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ. Nếu duy trì tích cực hoạt động này thì cơ thể sẽ phát triển cân đối. Vậy các hoạt động sống trong cơ thể có mối quan hệ như thế nào đảm bảo cho cơ thể thống nhất và phát triển toàn vẹn?

Trả lời:

Các hoạt động sống trong cơ thể bao gồm trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản. Các hoạt động này có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó: Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng. Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.

1. Mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường

Câu 1 trang 180 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy lấy ví dụ chứng tỏ rằng một tế bào có thể đảm nhận chức năng của một cơ thể sống.

Trả lời:

- Cơ thể đơn bào như trùng giày, amip chỉ cấu tạo từ một tế bào nhưng tế bào đó đảm bảo sự trao đổi chất giữa tế bào với môi trường giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống như lớn lên, sinh sản.

- Trùng roi là sinh vật đơn bào nhưng có đầy đủ chức năng của một đơn vị sống độc lập:

+ Cơ thể hình thoi, đuôi nhọn, đầu tù và có một roi dài xoáy vào nước giúp cơ thể vừa tiến vừa xoay.

+ Cấu tạo gồm nhân và chất nguyên sinh chứa các hạt diệp lục như thực vật, các hạt dự trữ, điểm mắt và không bào co bóp.

+ Dinh dưỡng: tự dưỡng, dị dưỡng.

+ Hô hấp: nhờ sự trao đổi khí qua màng.

+ Bài tiết: không bào co bóp tập trung nước thừa cùng sản phẩm bài tiết thải ra ngoài giúp cân bằng áp suất thẩm thấu.

+ Sinh sản: bằng cách phân đôi cơ thể.

Câu 2 trang 180 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Vẽ sơ đồ về mối quan hệ giữa tế bào/ cơ thể - môi trường đối với cơ thể đơn bào.

Trả lời:

Sơ đồ về mối quan hệ giữa tế bào/ cơ thể - môi trường đối với cơ thể đơn bào:

Câu 2 trang 180 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Câu hỏi củng cố trang 180 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Chứng minh rằng cơ thể đơn bào (có cấu tạo tế bào nhân sơ hay nhân thực) là một cơ thể thống nhất.

Trả lời:

Cơ thể đơn bào (có cấu tạo tế bào nhân sơ hay nhân thực) là một cơ thể thống nhất vì:

- Mỗi tế bào cấu trúc nên một cơ thể: tế bào vi khuẩn → cơ thể vi khuẩn; tế bào trùng giày → cơ thể trùng giày;…

- Tế bào đó vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng sống như trao đổi chất, cảm ứng, lớn lên, sinh sản đồng thời có mối qua hệ mật thiết với môi trường: Tế bào/cơ thể trao đổi các chất với môi trường thông qua màng tế bào, sau đó thực hiện trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, giúp tế bào/cơ thể lớn lên, sinh sản, cảm ứng.

Câu 3 trang 180 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 39.2, hãy nêu mối quan hệ giữa tế bào - cơ thể - môi trường thông qua hoạt động trao đổi chất ở thực vật.

Trả lời:

Mối quan hệ giữa tế bào - cơ thể - môi trường thông qua hoạt động trao đổi chất ở thực vật:

- Cơ thể thực vật lấy nước, các chất khoáng, các chất khí từ môi trường cung cấp cho tế bào giúp tế bào thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó cơ thể thực vật thực hiện được các hoạt động sống.

- Đồng thời, các sản phẩm thải trong các hoạt động sống của cây như khí oxygen từ quang hợp và carbon dioxide từ hô hấp tế bào,… được thải ra ngoài môi trường.

2. Mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể

Câu 4 trang 181 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 39.3, hãy mô tả mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể.

Trả lời:

Các hoạt động sống trong cơ thể gồm trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, cảm ứng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau:

- Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp tổng hợp các chất dinh dưỡng, dự trữ năng lượng giúp cơ thể cảm ứng, lớn lên, sinh trưởng, phát triển.

- Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động tương tác với nhau và tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.

Câu 5 trang 181 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Trong cơ thể sống, hoạt động trao đổi chất diễn ra không bình thường ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động sống khác?

Trả lời:

Trong cơ thể sống hoạt động trao đổi chất diễn ra không bình thường ảnh hưởng đến sự chuyển hoá năng lượng của tế bào, tế bào không thể lớn lên, sinh sản, cảm ứng bình thường. Từ đó ảnh hưởng tới các hoạt động sống được thực hiện ở cấp độ cơ thể.

- Quá trình trao đổi chất có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau với các hoạt động sống trong cơ thể, giúp chúng ta tồn tại, sinh trưởng và phát triển.

- Khi quá trình trao đổi chất bị rối loạn, các hoạt động sống khác sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động bình thường => Ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người.

- Tương tự, nguồn nguyên liệu dùng cho quá trình trao đổi chất cũng không được sử dụng hiệu quả => Các chất dư thừa tồn đọng trong cơ thể là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì,...

Câu hỏi củng cố trang 181 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Lấy ví dụ về tính thống nhất trong cơ thể sinh vật phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các hoạt động sống.

Trả lời:

Ví dụ về tính thống nhất trong cơ thể sinh vật phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các hoạt động sống: "Căng da bụng trùng da mắt" khi ăn no chúng ta thường buồn ngủ và không muốn làm việc do khi ăn no, hệ thần kinh huy động các tế bào thần kinh và máu tập trung về dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Khi đó sự hoạt động của hệ thần kinh các vùng khác giảm nên giảm bớt các hoạt động bên ngoài và khiến chúng ta không muốn làm việc gì khác nữa.

Câu hỏi vận dụng trang 181 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là do hoạt động sống nào chi phối? Giải thích.

Trả lời:

- Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là do hoạt động sống trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng chi phối.

- Giải thích: Suy dinh dưỡng là một dạng bệnh lí thường gặp ở trẻ em có độ tuổi từ 0 - 5 tuổi, nguyên nhân chính là do quá trình trao đổi chất bị rối loạn, quá trình chuyển hóa năng lượng ở tế bào và cơ thể diễn ra không đồng đều, làm ảnh hưởng đến sự lớn lên và phân chia của tế bào, khiến cho cơ thể sinh trưởng và phát triển không cân đối. Mặt khác, điều kiện về nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trẻ bị thiếu cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 39 phần Bài tập

Câu 1 trang 181 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Chứng minh mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường khi em chạy bộ.

Trả lời:

Mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường khi em chạy bộ: Chạy bộ là một hoạt động vận động tích cực và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Khi chạy, hệ vận động làm việc với cường độ lớn đòi hỏi các hoạt động trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào tăng lên nhiều lần. Khi đó, nhu cầu tiếp nhận chất dinh dưỡng, khí oxygen và nhu cầu đào thải các chất thải, khí carbon dioxide của tế bào tăng lên khiến các hệ cơ quan khác của cơ thể như hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết,… đều tăng cường hoạt động. Nhờ sự phối hợp hoạt động của các hệ cơ quan, tế bào có đủ năng lượng để hoạt động tạo nên sự vận động của cơ thể đồng thời các chất thải như carbon dioxide, nhiệt, mồ hôi,… được thải ra môi trường.

Câu 2 trang 181 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Khi ăn cơm, những cơ quan, hệ cơ quan nào trong cơ thể của em hoạt động? Em hãy nêu mối quan hệ giữa các hoạt động đó.

Trả lời:

Khi ăn cơm, trong cơ thể chúng ta có sự phối hợp hoạt động của:

- Các cơ quan trong hệ tiêu hoá: miệng, thực quản, dạ dày,...

- Các cơ quan trong hệ tuần hoàn: tim, mạch máu,...

- Các cơ quan trong hệ hô hấp: mũi, thanh quản, phổi,...

Mối quan hệ giữa các hoạt động đó:

- Khi ăn cơm, hệ tiêu hóa làm việc với cường độ liên tục để nghiền nhỏ, vận chuyển và tiêu hóa thức ăn.

- Cùng lúc đó, các hệ cơ quan khác cũng hoạt động không ngừng nghỉ:

+ Hệ tuần hoàn giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng được chuyển hoá từ thức ăn và oxygen tới tế bào.

+ Hệ hô hấp có vai trò duy trì và điều hòa nhịp thở...

-/-

Các bạn vừa tham khảo toàn bộ nội dung soạn KHTN 7 bài 39 Chân trời sáng tạo: Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy