Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi bài tập giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 38: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp.
Giải KHTN 7 bài 38 Chân trời sáng tạo
Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 bài 38 Chân trời sáng tạo:
Câu hỏi mở đầu trang 175 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Trên cơ sở khoa học của sinh sản hữu tính ở sinh vật, con người đã tạo nên nhiều giống vật nuôi và cây trồng theo ý muốn. Thực tế, để điều khiển sinh sản ở sinh vật nhằm đảm bảo trong một lần sinh sản, số cá thể mới được sinh ra nhiều, con người đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật và điều hòa sinh sản. Đó là những yếu tố nào?
Trả lời:
Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật:
- Yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn,…
- Yếu tố bên trong: hormone.
1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật
Câu 1 trang 175 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Đọc đoạn thông tin và quan sát Hình 38.1, hãy nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật.
Trả lời:
Một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật là: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn, hormone,…
Câu 2 trang 175 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Yếu tố bên trong nào tác động đến sinh sản ở sinh vật?
Trả lời:
Yếu tố bên trong tác động đến sinh sản ở sinh vật là: hormone. Hormone là yếu tố điều hòa sinh sản ở sinh vật, cụ thể hormone điều hòa sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.
Câu 3 trang 176 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Em hãy nêu một số yếu tố điều hòa, điều khiến sinh sản ở sinh vật.
Trả lời:
Một số yếu tố điều hoà, điều khiến sinh sản ở sinh vật:
- Hormone điều hoà sinh sản:
+ Ở thực vật: hormone kích thích sự nở hoa.
+ Ở động vật: hormone điều khiển sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.
- Loài: độ tuổi sinh sản, mùa vụ sinh sản, trung bình số con trong một lứa đẻ.
Câu 4 trang 176 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Quan sát Hình 38.1, hãy cho biết con người đã điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật như thế nào? So sánh kết quả sinh sản ở Hình 38.1 và 38.2.
Trả lời:
- Con người đã điều hòa và điều khiển sinh sản ở sinh vật qua thời kì chăm sóc cá bố mẹ và giai đoạn kích thích điều khiển sinh sản:
+ Nuôi vỗ cá bố mẹ: bổ sung nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, giúp cá bố mẹ đạt kích thước lớn, sinh sản nhanh và chất lượng tốt.
+ Giai đoạn sinh sản: con người chủ động tiêm hormone sinh sản nhằm kích thích quá trình rụng trứng và xuất tinh của cá, đảm bảo tỉ lệ thụ tinh cao nhất.
- So sánh kết quả sinh sản: Khi sử dụng các yếu tố điều hòa, điều khiển sinh sản, cá đẻ trứng và tỉ lệ trứng được thụ tinh (đạt 80 – 90 %) cao hơn so với cá cho sinh sản thông thường (tỉ lệ thụ tinh chỉ đạt khoảng 40 %).
2. Vận dụng những hiểu biết về sinh sản hữu tính trong thực tiễn
Câu 5 trang 176 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Hãy nêu một số biện pháp điều khiển sinh sản ở sinh vật.
Trả lời:
Một số biện pháp điều khiển sinh sản ở sinh vật:
- Thụ phấn nhân tạo: Con người chủ động thực hiện việc thụ phấn cho cây nhằm đạt hiệu quả cao về tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh, tạo quả.
- Thụ tinh nhân tạo: Trong chăn nuôi, con người thực hiện thụ tinh nhân tạo nhằm điều khiển số con sinh ra hoặc điều khiển giới tính của vật nuôi.
- Sử dụng một số loại hormone sinh sản.
- Điều chỉnh yếu tố môi trường: ánh sáng, nhiệt độ,…
Câu 6 trang 177 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Quan sát các hình từ Hình 38.3 đến Hình 38.6, hãy nêu những ứng dụng của sinh sản hữu tính trong chăn nuôi, trồng trọt.
Trả lời:
Những ứng dụng của sinh sản hữu tính trong chăn nuôi, trồng trọt:
- Thụ phấn nhân tạo giúp tỉ lệ đậu quả đạt tối đa: thụ phấn cho cây có hoa đơn tính như cây dưa chuột, cây cà chua,…
- Thụ tinh nhân tạo cho động vật đảm bảo số con sau sinh nhiều và điều khiển giới tính đàn con: thụ tinh nhân tạo ở cá hồi, điều khiển giới tính ở đàn cá rô phi,…
Câu hỏi củng cố trang 177 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Lấy ví dụ về một số loài cây trồng thường được thụ phấn nhân tạo.
Trả lời:
Một số loài cây trồng thường được thụ phấn nhân tạo: bầu, bí, mướp, dưa chuột, bí ngô...
Câu hỏi vận dụng trang 178 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Theo em, người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả để làm gì? Vì sao chúng ta cần phải bảo vệ những loài côn trùng có lợi?
Trả lời:
Theo em, người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả để:
- Làm tăng số lượng hoa được thụ phấn, giúp đạt hiệu quả cao về tỉ lệ thụ tinh, tạo quả, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
- Tăng thêm thu nhập từ sáp ong, mật ong nguyên chất.
Chúng ta cần phải bảo vệ những loài côn trùng có lợi vì: những loài côn trùng này tham gia vào quá trình thụ phấn cho hoa giúp cây đậu quả vừa đảm bảo việc duy trì sự phát triển liên tục của loài vừa tạo ra các loại hoa quả là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho con người. Bảo vệ những loại côn trùng có lợi là giúp bảo vệ mùa màng, cây trồng, tăng khả năng thụ phấn của các loại cây, đồng thời giảm thiểu các chi phí phát sinh trong quá trình canh tác nông nghiệp (như thuốc bảo vệ thực vật, hormone chống rụng quả,...).
Giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 38 phần Bài tập
Câu 1 trang 178 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Lấy ví dụ chứng tỏ rằng yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.
Trả lời:
Ví dụ chứng tỏ yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật:
- Dinh dưỡng:
+ Gà được cho ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ cho sản lượng trứng cao hơn, so với gà mái được nuôi thả tự nhiên.
+ Ở cóc, mùa sinh sản vào khoảng tháng 4 hằng năm. Sau sinh sản, khối lượng hai buồng trứng ở cóc giảm. Sau tháng 4, nếu nguồn thức ăn dồi dào, khối lượng buồng trứng tăng, cóc có thể đẻ tiếp lứa thứ hai trong năm.
- Nhiệt độ:
+ Vào mùa xuân, hè thời tiết ấm áp ong chúa sinh sản nhiều, số lượng cá thể đàn ong tăng nhanh. Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, ong tiến hành ngủ đông, giảm có thể dùng quá trình sinh sản.
+ Cá chép chỉ đẻ khi nhiệt độ môi trường không thấp hơn 15oC.
+ Nhiệt độ quá thấp hạt phấn kém nảy mầm, ống phấn không sinh trưởng; nhiệt độ quá cao thì sự nảy mầm và sự sinh trưởng của ống phấn không bình thường.
- Độ ẩm:
+ Ếch thường tìm bạn tình và đẻ trứng sau những cơn mưa, khi lượng nước trong đồng ruộng tăng cao.
+ Độ ẩm quá thấp hạt phấn không nảy mầm; độ ẩm quá cao hạt phấn bị trôi.
- Ánh sáng: Mùa xuân những ngày thiếu sáng cá chép vẫn có thể đẻ trứng vào thời gian sớm hơn trong mùa sinh sản nếu cường độ chiếu sáng mạnh.
- Gió: Đối với cây thụ phấn nhờ gió, tốc độ gió vừa phải thuận lợi cho thụ phấn.
Câu 2 trang 178 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Con người chủ động điều khiển sinh sản ở động vật trong những giai đoạn nào? Cho ví dụ minh họa.
Trả lời:
Con người chủ động điều khiển sinh sản ở động vật trong giai đoạn thụ tinh và khi con non mới sinh ra. Ví dụ:
- Mổ cá hồi cái lấy trứng và vuốt bụng cá hồi đực lấy giao tử đực để tiến hành thụ tinh nhân tạo nhằm điều khiển số lượng cá hồi con sinh ra.
- Cho cá rô phi con 4 - 6 ngày tuổi ăn thức ăn có chứa hormone chuyển giới tính trong 21 ngày để điều khiển giới tính của chúng.
- Trước kì sinh sản gà sẽ được bổ sung các dạng thức ăn dinh dưỡng tổng hợp giúp tăng sản lượng, chất lượng trứng. Trong kì sinh sản chuồng gà sẽ được chiếu sáng luân phiên (ngày nhân tạo) giúp tăng số lượng trứng gà.
- Điều khiển sinh sản ở cá bằng cách bổ sung thức ăn cho bố mẹ, sau đó tiêm hormone sinh sản vào, kết quả trứng thụ tinh đạt khoảng 80 - 90%.
Câu 3 trang 178 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Nêu ý nghĩa của việc điều khiển giới tính đàn con trong chăn nuôi.
Trả lời:
Ý nghĩa của việc điều khiển giới tính đàn con trong chăn nuôi:
- Giúp tăng số lượng con non được sinh ra trong đàn.
- Đem lại giá trị kinh tế cao tuỳ theo mục đích của người chăn nuôi: trứng, sữa, thịt, lông,...
-/-
Các bạn vừa tham khảo toàn bộ nội dung soạn KHTN 7 bài 38 Chân trời sáng tạo: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.