Giải KHTN 7 Bài 1 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 01/10/2022 - Cập nhật: 02/10/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn giải KHTN 7 bài 1 Chân trời sáng tạo : Phương pháp và kĩ năng học tập môn khoa học tự nhiên, gợi ý trả lời các câu hỏi trong nội dung bài trang 6 - 13 SGK Khoa học Tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi bài tập giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 1: Phương pháp và kĩ năng học tập môn khoa học tự nhiên, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho bài học tìm hiểu về các phương pháp, kĩ năng học môn Khoa học Tự nhiên.

Giải KHTN 7 bài 1 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 bài 1 Chân trời sáng tạo:

1. Phương pháp tìm hiểu tự nhiên

Câu 1 trang 7 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Em hãy mô tả một hiện tượng trong tự nhiên đã quan sát được. Từ đó đặt câu hỏi cần tìm hiểu về hiện tượng đó.

Trả lời:

- Hiện tượng băng tuyết vào mùa đông, tan ra dần khi hè đến. -> Câu hỏi cần tìm hiểu về hiện tượng: Nguyên nhân nào khiến các vật đang từ thể rắn chuyển sang thể lỏng?

- Cây bên ngoài không gian (nơi có đầy đủ ánh sáng) cây cao hơn, thân to và lá xanh hơn cây bên trong nhà (nơi thiếu ánh sáng) -> Câu hỏi cần tìm hiểu về hiện tượng: Liệu ánh sáng mặt trời có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của cây?

Câu 2 trang 7 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Để trả lời cho câu hỏi trên, giả thuyết của em là gì?

Trả lời:

- Nguyên nhân nào khiến các vật đang từ thể rắn chuyển sang thể lỏng? -> Giả thuyết: do sự chênh lệch về nhiệt độ dẫn đến sự thay đổi về thể của chất.

- Liệu ánh sáng mặt trời có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của cây? -> Giả thuyết: Cây ở nơi có đủ ánh sáng mặt trời phát triển tốt hơn ở nơi thiếu ánh sáng mặt trời.

Câu 3 trang 7 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Kế hoạch kiểm tra giả thuyết của em cần thực hiện những công việc nào?

Trả lời:

- Giả thuyết sự chênh lệch về nhiệt độ dẫn đến sự thay đổi về thể của chất:

+ Lấy 4 - 6 viên nước đá cho vào hai cốc thủy tinh.

+ Ghi lại và so sánh khoảng thời gian các viên nước đá tan hoàn toàn ở mỗi cốc trong các trường hợp:

  • Cốc A: đun nóng nhẹ bằng ngọn lửa đèn cồn.
  • Cốc B: không đun nóng.

- Giả thuyết cây ở nơi có đủ ánh sáng mặt trời phát triển tốt hơn ở nơi thiếu ánh sáng mặt trời:

+ Mẫu vật: 10 hạt đỗ giống nhau.

+ Dụng cụ thí nghiệm: 10 chậu chứa cùng một lượng đất như nhau.

+ Cách thức bố trí và tiến hành thí nghiệm:

  • Ngâm nước 10 hạt đỗ khoảng 10 giờ
  • Đặt vào mỗi chậu chứa đất ẩm 1 hạt đỗ.
  • Đặt 5 chậu ở nơi không có ánh nắng mặt trời (có thể dùng hộp đen để úp lên mỗi chậu), 5 chậu ở nơi có ánh nắng mặt trời.
  • Hàng ngày, tưới nước giữ ẩm đất và theo dõi sự nảy mầm, sinh trưởng của cây con trong mỗi chậu.

Câu 4 trang 7 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Thực hiện kế hoạch của em và rút ra kết quả.

Trả lời:

Kết quả của kế hoạch kiểm tra giả thuyết của em:

- Các viên đá ở cốc A tan nhanh hơn cốc B.

- Cả 10 hạt đỗ đều nảy mầm. Tuy nhiên, các cây đặt ở nơi không có ánh nắng mặt trời có hình dạng bất thường: thân dài, không cứng cáp, không mọc thẳng; lá mỏng, có màu vàng nhạt. Các cây đặt ở nơi có ánh sáng mặt trời có hình dạng bình thường: thân cứng cáp, mọc thẳng; lá dày hơn, có màu xanh lá đặc trưng.

Câu 5 trang 7 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Rút ra kết luận cho nghiên cứu của em.

Trả lời:

Kết luận cho nghiên cứu của em :

- Sự chuyển thể từ chất rắn sáng chất lỏng phụ thuộc vào nhiệt độ, gọi là sự nóng chảy. Nhiệt độ càng cao, quá trình nóng chảy diễn ra càng nhanh.

- Cây xanh ở nơi có đủ ánh sáng mặt trời phát triển tốt hơn ở nơi thiếu ánh sáng mặt trời.

2. Kĩ năng học tập môn khoa học tự nhiên

Câu 1 trang 9 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy quan sát Hình 1.1 và mô tả hiện tượng xảy ra, từ đó đặt ra câu hỏi cần tìm hiểu, khám phá.

Hình 1.1 trang 9 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Trả lời:

- Mô tả hiện tượng xảy ra: nước mưa rơi xuống từ các đám mây.

- Câu hỏi cần tìm hiểu, khám phá: Nước trong các đám mây từ đâu mà có? Tại sao lại có mưa? Liệu gió có liên quan đến hiện tượng mưa trong tự nhiên không?

Câu 2 trang 9 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 1.2, phân loại động vật có đặc điểm giống nhau rồi xếp chúng vào từng nhóm.

Hình 1.2 trang 9 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Trả lời:

- Nhóm động vật có cánh: bồ nông, vịt.

- Nhóm động vật ăn cỏ: voi, thỏ, tê giác, hươu cao cổ, ngựa vằn, trâu, hà mã.

- Nhóm động vật ăn thịt: sư tử, cá sấu.

Câu 3 trang 9 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Kĩ năng quan sát và phân loại thường được sử dụng ở bước nào trong phương pháp tìm hiểu tự nhiên?

Trả lời:

Kĩ năng quan sát và kĩ năng phân loại thường được sử dụng ở các bước:

- Quan sát, đặt câu hỏi để nghiên cứu:

+ Sử dụng kĩ năng quan sát để nhận ra tình huống có vấn đề từ đó đặt câu hỏi tìm hiểu hay khám phá.

- Lập kế hoạch kiểm tra giả thuyết:

+ Sử dụng kết hợp kĩ năng quan sát và phân loại nhận dạng đặc điểm, tính chất đặc trưng của sự vật để phân loại chúng vào các nhóm và tiến hành nghiên cứu.

- Thực hiện kế hoạch:

+ Sử dụng kết hợp kĩ năng quan sát và phân loại làm các thí nghiệm, so sánh, đối chiếu để rút ra kết luận.

Câu 4 trang 9 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Bảng dưới đây cho biết số liệu thu được khi tiến hành thí nghiệm đếm tế bào trên một diện tích thân cây. Em có thể sử dụng kĩ năng liên kết nào để xử lí số liệu và rút ra kết luận gì?

Trả lời:

- Em có thể sử dụng kĩ năng liên liên kết trong thí nghiệm đếm tế bào trên một diện tích thân cây là: Sử dụng phép nhân để tính toán số lượng tế bào ở thân (sử dụng các công cụ toán học) từ đó sử dụng kiến thức về sự sinh trưởng của thực vật (sử dụng các kiến thức khoa học liên quan) để tìm ra mối liên hệ giữa sự sinh trưởng ở thực vật với số lượng tế bào.

=> Rút ra kết luận: Qua thí nghiệm cho thấy cây trưởng thành có diện tích thân lớn hơn, số lượng tế bào ở thân nhiều hơn cây chưa trưởng thành => Cây to ra và lớn lên do sự tăng số lượng tế bào trong cơ thể.

Câu 5 trang 9 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Kĩ năng liên kết và kĩ năng đo thường được sử dụng ở bước nào trong phương pháp tìm hiểu tự nhiên?

Trả lời:

Kĩ năng liên kết và kĩ năng đo thường được sử dụng ở:

+ Bước 3: Lập kế hoạch và kiểm tra giả thuyết;

+ Bước 4: Thực hiện kế hoạch.

Câu 6 trang 10 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Kĩ năng dự báo thường được sử dụng ở bước nào trong phương pháp tìm hiểu tự nhiên?

Trả lời:

Trong phương pháp tìm hiểu tự nhiên, kĩ năng dự báo thường được sử dụng ở bước hình thành giả thuyết.

Câu hỏi vận dụng trang 10 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Em đã sử dụng kĩ năng nào trong học tập môn Khoa học tự nhiên để thực hiện các hoạt động sau:

a) Sử dụng cân đồng hồ để xác định khối lượng của hộp bút.

b) Nhìn thấy bầu trời âm u và trên sân trường có vài chú chuồn chuồn bay là là trên mặt đất, có thể trời sắp mưa.

Trả lời:

a) Em đã sử dụng kĩ năng đo gồm:

- Ước lượng giá trị cần đo

- lựa chọn dụng cụ đo thích hợp

- Tiến hành đo

- Đọc đúng kết quả đo

- Ghi lại kết quả đo

b) Em đã sử dụng kĩ năng dự báo, dựa vào qui luật tự nhiên là chuồn chuồn bay là là trên mặt đất sẽ thường xảy ra mưa.

Câu hỏi củng cố trang 10 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Bác sĩ chuẩn đoán bệnh thường phải thực hiện các kĩ năng gì? Các kĩ năng đó tương ứng với các kĩ năng nào trong tiến trình tìm hiểu tự nhiên?

Trả lời:

* Bác sĩ chẩn đoán bệnh thường phải thực hiện các kĩ năng:

- Quan sát, lắng nghe tỉ mỉ những biểu hiện và lời nói của người bệnh.

- Đo huyết áp, đo nhịp tim,...

- Phán đoán loại bệnh, mức độ, khả năng chữa trị,...

- Viết hồ sơ bệnh án, kê toa,...

- Liên kết các dấu hiệu để chẩn đoán ra bệnh.

- Dự báo về thời gian chữa bệnh, khỏi bệnh, tỉ lệ tái phát,...

- Giải thích: nói cho người bệnh nghe, hiểu về tình trạng sức khoẻ của họ và đưa ra phác đồ điều trị.

* Các kĩ năng đó lần lượt tương ứng với các kĩ năng sau trong quá trình tìm hiểu tự nhiên:

- Kĩ năng quan sát.

- Kĩ năng đo.

- Kĩ năng phân loại.

- Kĩ năng liên kết.

- Kĩ năng thuyết trình

- Kĩ năng dự báo.

- Kĩ năng viết báo cáo.

Câu 7 trang 10 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Em đã đứng trước lớp hay nhóm bạn để trình bày một vấn đề nào chưa? Em thấy bài thuyết trình của em còn những điểm gì cần khắc phục.

Trả lời:

Em đã từng đứng trước lớp để thuyết trình.

Bản thân em thấy bài thuyết trình của em cần khắc phục những điểm sau:

- Khả năng diễn đạt vấn đề chưa tốt, còn quên nội dung trong quá trình thuyết trình.

- Em đã đưa ra được giả thuyết nhưng phần kết luận chưa được rõ ràng, cần tìm thêm các thông tin về số liệu để có được kết luận rõ ràng hơn

- Em còn chưa tự tin, chưa có sự kết hợp tốt giữa thuyết trình và diễn đạt ngôn ngữ cơ thể.

Câu hỏi vận dụng trang 11 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy viết một bài báo cáo về một nghiên cứu của mình khi quan sát sự vật, hiện tượng trong tự nhiên hoặc từ thực tiễn và thuyết trình báo báo cáo đã viết ở trước lớp hoặc trước nhóm bạn trong lớp.

Trả lời:

Tham khảo mẫu báo cáo sau đây:

BÁO CÁO

Nội dung nghiên cứu: Quan sát và phân biệt một số loại tế bào đã học

Họ và tên: Nguyễn Văn A

Học sinh lớp: 7A. Trường: ………

(1). Câu hỏi nghiên cứu: Hình dạng tế bào của các loại sinh vật khác nhau có giống nhau không?

(2). Giả thuyết nghiên cứu: Hình dạng tế bào của các loại sinh vật khác nhau là khác nhau.

(3). Kế hoạch thực hiện

(3.1). Chuẩn bị

a) Thiết bị, dụng cụ

- Kính hiển vi có vật kính 40x và kính lúp.

- Nước cất đựng trong cốc thủy tinh.

- Đĩa petri

- Các dụng cụ khác như giấy thấm, lamen, lam kính, ống nhỏ giọt, kim mũi mác, thìa inox, dao mổ.

b) Mẫu vật

- Củ hành tây.

- Trứng cá

(3.2). Các bước tiến hành

a) Làm tiêu bản, quan sát và vẽ tế bào biểu bì hành tây

- Bước 1: Dùng dao mổ tách lấy một vảy hành, sau đó tạo một vết cắt hình vuông nhỏ kích thước 7 – 8 mm ở trong của vảy hành. Sử dụng panh/ kim mũi mác lột nhẹ lớp tế bào trên cùng của vết cắt.

- Bước 2: Đặt lớp tế bào này lên lam kính đã nhỏ sẵn một giọt nước cất rồi đậy lamen lại bằng cách trượt lamen từ một cạnh. Sử dụng giấy thấm để thấm phần nước thừa.

- Bước 3: Đặt lam kính lên bàn kính của kính hiển vi và quan sát ở vật kính 10x rồi chuyển sang vật kính 40x.

- Bước 4: Chụp lại hoặc vẽ lại hình ảnh đã quan sát được.

b) Quan sát và vẽ tế bào trứng cá

- Bước 1: Dùng thìa lấy một ít trứng cá cho vào đĩa petri.

- Bước 2: Nhỏ một ít nước vào đĩa.

- Bước 3: Dùng kim mũi mác khoắng nhẹ để trứng cá tách rời nhau.

- Bước 4: Quan sát tế bào trứng cá bằng mắt thường hoặc bằng kính lúp.

- Bước 5: Chụp lại hoặc vẽ lại hình ảnh đã quan sát được.

(4) Kết quả triển khai kế hoạch

- Hình ảnh quan sát được:

H2 Câu hỏi vận dụng trang 11 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST
Tế bào biểu bì vẩy hànhTế bào trứng cá

- Nêu các thành phần của mỗi loại tế bào quan sát được:

Tế bào hành tâyTế bào trứng cá

Thành phần quan sát được

Thành tế bào, nhân tế bào, tế bào chất.Màng tế bào, tế bào chất, nhân tế bào.
Thành phần không quan sát đượcMàng tế bào, các loại bào quan (ti thể, không bào, …)

Các bào quan khác (ti thể, ribosome, …)

(5). Kết luận

- Hình dạng tế bào của các loại sinh vật khác nhau là khác nhau.

3. Một số dụng cụ đo

Câu 8 trang 11 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Dao động kí cho phép đọc được những thông tin nào?

Trả lời:

Dao động kí cho phép đọc những thông tin :

- Đồ thị của tín hiệu điện theo thời gian.

- Quy luật biến đổi của tín hiệu âm truyền tới theo thời gian.

- Các thông số cường độ của tín hiệu

- Điện áp, dòng điện, công suất

- Tần số, chu kì, khoảng thời gian của tín hiệu

- Độ di pha của tín hiệu

- Đặc tính phổ của tín hiệu

- Đặc tuyến biên độ - tần số hay Vôn-ampe của linh kiện

Câu 9 trang 12 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Em hãy lựa chọn các dụng cụ đo phù hợp để đo thời gian cho mỗi hoạt động sau và giải thích sự lựa chọn đó.

a) Một người đi xe đạp từ điểm A đến điểm B

b) Một viên bi sắt chuyển động trên máng nghiêng.

Trả lời:

a) Có thể sử dụng đồng hồ bấm giây điện tử để đo thời gian cho một người đi xe đạp từ điểm A đến điểm B vì:

- Dụng cụ này có chức năng bấm giây, hiển thị số, đo thời gian chuyển động của vật khi bắt đầu chuyển động tới lúc dừng lại.

- Nhỏ gọn, dễ sử dụng.

- Độ chính xác cao lên tới 0,001s

b) Sử dụng đồng hồ đo thời gian hiện số dùng cổng quang điện để đo thời gian cho một viên bi sắt chuyển động trên máng nghiêng vì:

- Có thể tự động đo thời gian khi vật đi qua thiết bị cảm biến.

- Thích hợp đo thời gian của vật khi chuyển động nhanh giúp cho sai số nhỏ.

Câu hỏi vận dụng trang 13 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hệ thống phát hiện người qua cửa ra vào hoạt động dựa trên nguyên tắc nào?

Trả lời:

Hệ thống phát hiện người qua cửa ra vào hoạt động dựa trên nguyên tắc cổng quang điện (hay còn gọi là mắt thần): Một thiết bị cảm biến gồm hai bộ phận phát và thu tia hồng ngoại.

- Khi tia hồng ngoại chiếu đến bộ phận thu bị chặn lại thì cổng quang sẽ phát ra một tín hiệu điều khiển thiết bị được nối với nó.

- Khi nối cổng quang với đồng hồ hiện số, tuỳ theo cách chọn chế độ của đồng hồ mà tín hiệu này sẽ điều khiển đồng hồ bắt đầu đo hoặc dừng đo.

Giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 1 phần Bài tập

Câu 1 trang 13 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Kĩ năng quan sát và kĩ năng dự đoán được thể hiện qua ý nào trong các trường hợp sau?

a) Gió mạnh dần, mây đen kéo đến, có thể trời sắp có mưa.

b) Người câu cá thấy cần câu bị uốn cong và dây cước bị kéo căng, có lẽ một con cá to đã cắn câu.

Trả lời:

a) Kĩ năng quan sát được thể hiện qua ý: gió mạnh dần, mây đen kéo đến.

Kĩ năng dự đoán được thể hiện qua ý: có thể trời sắp mưa.

b) Kĩ năng quan sát được thể hiện qua ý: cần câu bị uốn cong, dây cước bị kéo căng.

Kĩ năng dự đoán được thể hiện qua ý: có lẽ một con cá to đã cắn câu.

Câu 2 trang 13 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Cho một cốc nước ấm để trong điều kiện nhiệt độ phòng.

a) Em hãy lựa chọn các dụng cụ, thiết bị phù hợp có trong phòng thí nghiệm để xác định nhiệt độ, khối lượng và thể tích của nước trong cốc.

b) Sau 10 phút, nhiệt độ của nước trong cốc thay đổi thế nào?

c) Em đã sử dụng các kĩ năng nào để giải quyết các vấn đề trên?

Trả lời:

a) Sử dụng các dụng cụ nhiệt kế, cân, bình chia thể tích để xác định nhiệt độ, khối lượng và thể tích của nước trong cốc. Cụ thể:

- Sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước trong cốc.

- Sử dụng cân để đo khối lượng nước trong cốc:

+ Lấy một chiếc cốc khác đựng nước (cốc 2)

+ Cân khối lượng của cốc 2 khi chưa có nước

+ Rót nước từ cốc 1 vào cốc 2

+ Cân khối lượng của cốc nước 2 (chứa nước)

+ Lấy khối lượng cốc 2 khi đã chứa nước trừ đi khối lượng cốc 2 khi chưa có nước em sẽ xác định được khối lượng nước trong cốc.

- Dùng ống đong hoặc cốc có chia độ để đo thể tích nước.

b) Sau 10 phút, nhiệt độ của nước trong cốc thấp hơn so với nhiệt độ ban đầu.

c) Để giải quyết các vấn đề trên, em đã sử dụng các kĩ năng quan sát, kĩ năng đo và kĩ năng dự đoán.

Trên đây là toàn bộ nội dung soạn KHTN 7 bài 1 Chân trời sáng tạo: Phương pháp và kĩ năng học tập môn khoa học tự nhiên do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy