Giải Địa lí 8 Chân trời Bài 2: Đặc điểm địa hình

Xuất bản: 20/03/2024 - Tác giả:

Giải Địa lí 8 Chân trời Bài 2: Đặc điểm địa hình. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Bài 2 Chương 1 sgk Lịch sử và Địa lí 8 Chân trời sáng tạo.

Cùng Đọc tài liệu chuẩn bị bài học Địa lí 8 trước khi tới lớp với tài liệu giải Bài 2 Chương 1: Đặc điểm vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ, địa hình và khoáng sản Việt Nam sgk Địa lí 8 Chân trời sáng tạo.

Câu hỏi trang 100: Địa hình Việt Nam có sự đa dạng từ đồi núi đến đồng bằng với nhiều sự khác biệt về hình thái, tạo nên những khu vực địa hình khác nhau. Hãy nêu ra một số dạng địa hình chính của nước ta.

Lời giải chi tiết

- Một số dạng địa hình chính của nước ta:

+ Địa hình đồi núi

+ Địa hình đồng bằng

+ Địa hình bờ biển và thềm lục địa.

Đặc điểm chung của địa hình

Câu hỏi trang 100: Dựa vào các hình 2.1, 2.2, 2.3 và thông tin trong bài, em hãy trình bày một trong những đặc điểm chủ yếu của địa hình Việt Nam.

Lời giải chi tiết

(*) Lựa chọn: Trình bày đặc điểm: địa hình phần lớn là đồi núi

(*) Trình bày:

- Việt Nam có khoảng 3/4 diện tích lãnh thổ đất liền là địa hình đồi núi, kéo dài từ vùng Tây Bắc xuống đến Đông Nam Bộ. Trong đó:

+ Đồi núi thấp có độ cao dưới 1000 m chiếm 85% diện tích;

+ Các miền núi cao trên 2 000 m chỉ chiếm 1% diện tích cả nước.

+ Ở nhiều vùng, núi lấn ra sát biển hoặc bị nước biển nhấn chìm tạo thành các đảo ven bờ.

- Địa hình đồng bằng chiếm 1/4 diện tích đất liền, bao gồm đồng bằng châu thổ và đồng bằng ven biển. Trong đó:

+ Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là hai đồng bằng châu thổ có diện tích lớn nhất.

+ Dải đồng bằng ven biển miền Trung tương đối nhỏ hẹp và bị chia cắt bởi các nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển.

Các khu vực địa hình

Câu hỏi trang 103: Dựa vào hình 2.2 và thông tin trong bài, em hãy trình bày đặc điểm của khu vực địa hình đồi núi.

Lời giải chi tiết

- Địa hình đồi núi ở nước ta có sự phân hoá đa dạng thành các khu vực: vùng núi Đông Bắc, vùng núi Tây Bắc, vùng núi Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.

* Khu vực Đông Bắc:

+ Phạm vi: nằm ở tả ngạn sông Hồng, từ dãy núi Con Voi đến vùng đồi núi ven biển Quảng Ninh.

+ Đặc điểm địa hình: chủ yếu là đồi núi thấp, có 4 dãy núi hình cánh cung (Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều) chụm lại ở Tam Đảo. Ngoài ra, khu vực Đông Bắc còn có địa hình cac-xtơ (cao nguyên đá Đồng Văn; hệ thống đảo đá vôi trong vịnh Hạ Long).

* Khu vực Tây Bắc:

+ Phạm vi: từ hữu ngạn sông Hồng đến sông Cả.

+ Đặc điểm địa hình: địa hình cao nhất nước ta, với các dãy núi lớn có hướng tây bắc - đông nam như Hoàng Liên Sơn, Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao. Trong khu vực còn có các dãy núi thấp, các sơn nguyên và cao nguyên đá vôi; các cánh đồng thung lũng,...

* Khu vực Trường Sơn Bắc:

+ Phạm vi: từ phía nam sông Cả đến dãy Bạch Mã.

+ Đặc điểm địa hình: là vùng núi thấp, hướng tây bắc - đông nam, gồm nhiều dãy núi song song, so le nhau, sườn phía đông hẹp và dốc hơn so với sườn phía tây.

* Khu vực Trường Sơn Nam:

+ Phạm vi: từ phía nam dãy Bạch Mã đến Đông Nam Bộ.

+ Đặc điểm địa hình: gồm các khối núi Kon Tum, khối núi cực Nam Trung Bộ, nghiêng về phía đông và nhiều cao nguyên xếp tầng.

- Ngoài ra còn dạng địa hình chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng:

+ Ở Bắc Bộ có vùng đồi trung du;

+ Ở Đông Nam Bộ là dạng địa hình bán bình nguyên.

Câu hỏi trang 103: Dựa vào hình 2.2 và thông tin trong bài, em hãy: Xác định vị trí các khu vực địa hình đồng bằng.

Lời giải chi tiết

- Vị trí của Đồng bằng sông Hồng:

+ Phía Bắc, Đông Bắc giáp Trung du và miền núi Bắc Bộ;

+ Phía Tây giáp Tây Bắc;

+ Phía Nam giáp Bắc Trung Bộ;

+ Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

- Vị trí của Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Phía Đông Bắc giáp Đông Nam Bộ;

+ Phía bắc giáp Cam-pu-chia;

+ Phía Đông Nam giáp Biển Đông;

+ Phía Tây Nam giáp Vịnh Thái Lan.

- Vị trí của đồng bằng duyên hải miền Trung: nằm ở ven biển miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận.

Câu hỏi trang 103: Dựa vào hình 2.2 và thông tin trong bài, em hãy: Trình bày đặc điểm của các khu vực địa hình đồng bằng

Lời giải chi tiết

Địa hình đồng bằng ở nước ta được chia thành hai loại là đồng bằng châu thổ và đồng bằng ven biển.

* Đồng bằng châu thổ: điển hình nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

- Đồng bằng sông Hồng:

+ Diện tích: khoảng 15.000 km2, do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.

+ Đặc điểm địa hình: phía bắc còn nhiều đồi, núi sót; ở phía nam có nhiều ô trũng. Đồng bằng sông Hồng có hệ thống đê ven sông ngăn lũ nên chỉ có khu vực ngoài đê được bồi đắp phù sa hằng năm, trong khi khu vực trong đê không được bồi đắp.

- Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Diện tích: khoảng 40.000 km2, do phù sa của hệ thống sông Mê Công bồi đắp.

+ Đặc điểm địa hình: có hệ thống kênh rạch chằng chịt và chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ thuỷ triều. Ngoài ra, đồng bằng còn có một số vùng trũng lớn như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và đầm lầy như vùng U Minh,…

* Đồng bằng ven biển miền Trung:

- Diện tích: khoảng 15.000 km2, được hình thành từ phù sa sông hoặc kết hợp giữa phù sa sông và biển.

- Đặc điểm: Dải đồng bằng này kéo dài từ Thanh Hoá đến Bình Thuận với nhiều đồng bằng nhỏ, hẹp. Một số đồng bằng có diện tích lớn như đồng bằng Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Tuy Hoà.

Câu hỏi trang 104: Dựa vào hình 2.2, hình 2.5 và thông tin trong bài, em hãy trình bày đặc điểm địa hình bờ biển và thềm lục địa nước ta.

Lời giải chi tiết

- Địa hình bờ biển nước ta khá đa dạng:

+ Các đồng bằng châu thổ, các bãi triều

+ Một số nơi núi lan ra sát biển làm cho đường bờ biển khúc khuỷu với các mũi đã, bán đảo, vũng, vịnh sâu,…

+ Ven biển Trung Bộ còn xuất hiện kiểu địa hình cồn cát, đầm phá.

- Địa hình thềm lục địa:

+ Mở rộng ở khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía nam và tây nam.

+ Thu hẹp ở miền Trung.

Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập 1 trang 105: Hãy hoàn thành thông tin về các khu vực địa hình đồi núi theo địa hình đồi núi theo bảng gợi ý dưới đây:

Khu vựcPhạm viĐặc điểm hình thái
Tây Bắc
Đông Bắc
Trường Sơn Bắc
Trường Sơn Nam

Lời giải chi tiết

Khu vựcPhạm viĐặc điểm hình thái
Tây BắcHữu ngạn sông Hồng đến sông Cả.

- Địa hình cao nhất nước ta, với các dãy núi lớn có hướng tây bắc - đông nam.

- Có các dãy núi thấp, sơn nguyên, cao nguyên đá vôi và các cánh đồng thung lũng,…

Đông BắcTả ngạn sông Hồng đến biên giới phía Bắc.

- Chủ yếu là đồi núi thấp.

- Có 4 dãy núi hình cánh cung (Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều) chụm lại ở Tam Đảo.- Có địa hình cac-xtơ.

Trường Sơn BắcPhía nam sông Cả đến dãy Bạch Mã.

- Là vùng núi thấp.

- Hướng tây bắc - đông nam.

- Gồm nhiều dãy núi song song, so le nhau, sườn phía đông hẹp và dốc hơn so với sườn phía tây.

Trường Sơn NamPhía nam dãy Bạch Mã đến Đông Nam Bộ.- Gồm các khối núi Kon Tum, khối núi cực Nam Trung Bộ, nghiêng về phía đông và nhiều cao nguyên xếp tầng.

Luyện tập 2 trang 105:

So sánh đặc điểm địa hình của vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long

Lời giải chi tiết

Đặc điểm so sánhĐồng bằng sông HồngĐồng bằng sông Cửu Long
Vị trí- Hạ lưu sông Hồng- Hạ lưu sông Cửu Long
Diện tích- Khoảng 15000 \(km^2\)- Khoảng 40000 \(km^2\)
Mạng lưới sông ngòi- Sông ngòi dày đặc.- Mạng lưới kênh rạch do con người tạo ra.
Hệ thống đê điều- Có đê ngăn lũ- Không có đê ngăn lũ
Phù sa- Không được phù sa bồi đắp tự nhiên- Được bồi đắp tự nhiên.

Vận dụng 3 trang 105: Hãy thực hiện một trong hai nhiệm vụ sau:

Nhiệm vụ 1: Viết một báo cáo ngắn để mô tả những đặc điểm chủ yếu của địa hình nơi em sinh sống.

Nhiệm vụ 2: Thu thập thông tin và hình ảnh về tác động của con người đã làm thay đổi địa hình ở địa phương em.

Lời giải chi tiết

(*) Lựa chọn: Thực hiện nhiệm vụ 1

(*) Trình bày: Mô tả đặc điểm chủ yếu của địa hình thành phố Hà Nội

- Vị trí địa lí:

+ Nằm chếch về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội có vị trí từ 20°53' đến 21°23' vĩ độ Bắc và 105°44' đến 106°02' kinh độ Đông.

+ Hà Nội tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây.

- Diện tích: Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, thành phố có diện tích 3.324,92 km², nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng, nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn.

- Địa hình Hà Nội:

+ Thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển.

+ Nhờ phù sa bồi đắp, 3/4 diện tích tự nhiên của Hà Nội là đồng bằng, nằm ở hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu các con sông khác.

+ Phần diện tích đồi núi chiếm 1/4 diện tích thành phố,phần lớn thuộc các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức,… với các đỉnh như: Ba Vì cao 1.281 m, Gia Dê 707 m, Chân Chim 462 m, Thanh Lanh 427 m, Thiên Trù 378 m...

+ Khu vực nội thành Hà Nội có một số gò đồi thấp, như gò Đống Đa, núi Nùng,…

-//-

Hy vọng với nội dung trả lời chi tiết câu hỏi trong Bài 2: Đặc điểm địa hình giúp học sinh nắm được nội dung bài học và ghi nhớ những nội dung chính, quan trọng trong chương trình học Địa lí 8.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM