MỤC LỤC NỘI DUNG
- Trạng Lường Lương Thế Vinh
- Vị quan Lương Thế Vinh
- Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh
Trạng Lường Lương Thế Vinh
Lương Thế Vinh (1441-1496) quê ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là Trạng nguyên của khoa thi năm 1463 dưới thời vua Lê Thánh Tông.Vì sao Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường?
Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường bởi ông rất giỏi đo lường, tính toán. Tương truyền, từ nhỏ ông đã thông minh, nhanh nhẹn hơn lứa bạn. Có một lần ông cùng chúng bạn ngồi chơi dưới gốc cây cổ thụ, cả nhóm thách đố nhau làm thế nào để biết chiều cao của cây. Một số cho rằng chỉ có cách trèo lên ngọn cây rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh nói không cần trèo, đứng dưới đất đo bóng cây cũng tính ra.
Sách Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam có dẫn: "Cậu lấy chiếc gậy cầm ở tay đo xem dài ngắn bao nhiêu rồi dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đoạn, cậu đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính đã tìm được chiều cao của cây này. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới, rồi trèo tít lên ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả đúng như Vinh đã tính".
Cách tính chiều cao này của Lương Thế Vinh chính là phép đồng dạng tam giác được áp dụng ngày nay.
Vị quan Lương Thế Vinh
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 2 (năm 1463) tổ chức thi hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ người dự thi có tới 4.400, lấy đỗ 44 người. Ngày 16, thi điện cho các tiến sĩ. Vua thân hành ra đề văn sách hỏi về đạ xuất thân theo thứ bậc khác nhau... Ngày 22, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Lương Thế Vinh và ban ân mệnh cho từng người. Sai các quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa cho các sĩ nhân biết".Vì là khoa thi đầu tiên vua Lê Thánh Tông mới lên ngôi, đã đặc ân ban một lá cờ khoa, tự tay đề:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh.
Lương Thế Vinh làm quan 32 năm. Ông đã giữ chức ở Viện hàn lâm - đã được thăng đến chức cao nhất trong viện này. Ông còn dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng Văn Quán và Tú Lâm cục - những trường học tốt nhất đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học.
Lương Thế Vinh nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Ông luôn dạy học trò phải có lòng yêu dân, đức khiêm tốn. Ông cũng thường khuyên nhà vua chọn người hiền tài, đặt quan chức để "vì dân mà làm việc", nhà vua và triều đình phải "đồng tâm nhất thể". Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lương Thế Vinh còn được vua giao soạn nhiều biểu sớ quan trọng liên quan đến ngoại giao với nhà Minh.
Lương Thế Vinh chính là vị trạng nguyên nổi tiếng với bài toán cân voi của sứ thần Trung Quốc. Khi sứ nhà Thanh là Chu Hy sang nước ta, vua Thánh Tông sai Lương Thế Vinh ra tiếp. Sứ thần yêu cầu quan Trạng cân trọng lượng của một con voi rất to. Ông đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên.
Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng lại. Chu Hy thán phục nhưng tiếp tục đố Lương Thế Vinh đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Vị quan nhà Lê đã trả lời rằng chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra kết quả. Chu Hy khi đó đã phải thốt lên: "Nước Nam quả có lắm người tài".
Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh
Lương Thế Vinh đã dành nhiều tâm huyết để biên soạn cuốn Đại thành toán pháp - tổng kết kiến thức toán của thời kỳ này và những phát minh của ông.Đây là cuốn sách toán học cổ, bằng chữ Nôm. Nội dung sách nói về các kiến thức số học, có bảng cửu chương, phép tính nhân, phép bình phương (khai căn), đồng phân (chia đều); phương pháp đo lường bóng (phương pháp tam giác đồng dạng); hệ thống đo lường (cách cân, đong, đo, đếm…); cách đo điền, đo diện tích hình vuông, chữ nhật, tam giác, hình tròn…
Theo cuốn Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, cuốn Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh được các nhà trường giảng dạy trong suốt 4 thế kỷ, từ thế kỷ 15 đến thứ 19. Đây được xem là sách giáo khoa toán học đầu tiên ở Việt Nam.
Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh còn vang danh ra cả nước ngoài, nên mới có chuyện sứ nhà Thanh sang đố ông cân voi, đo độ dày của tờ giấy.
Ngoài viết sách toán, Trạng Lường còn được xem là người sáng chế ra bàn tính gẩy giúp người dân thuận tiện trong tính toán. Lúc đầu bàn tính được làm bằng đất rồi bằng trúc, sau chuyển thành gỗ có sơn sơn màu để dễ nhớ.
Ông cũng là tác giả của Hý phường phả lục nêu những nguyên tắc có tính lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa hát và đánh trống.
Mong rằng với các nội dung trên đây thì mọi người sẽ hiểu rõ hơn về Trạng Lường Lương Thế Vinh. Cũng như giải đáp được câu hỏi: “Vì sao Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường?”.