Khái niệm Tục ngữ
Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Cũng là 1 thể loại của văn học dân gian.
(Theo wikipedia)
Nguồn gốc và sự phát triển của tục ngữ
Gorki trong Bàn về nghệ thuật: Nghệ thuật ngôn ngữ sinh ra do quá trình lao động của con người từ xưa, là xu hướng con người muốn đúc kết kinh nghiệm lao động vào một hình thức ngôn ngữ dễ nhớ và bám chặt vào ký ức – những hình thức thơ hai chữ, tục ngữ, truyền ngôn là những khẩu hiệu lao động thời cổ .
Tục ngữ được ức đoán đã có từ thời cổ, nhằm đúc kết những kinh nghiệm, những điều quan sát được trong quá trình lao động, những chân lý thông thường … Trong xã hội có giai cấp, tục ngữ được nhân dân dùng như một công cụ để phát biểu những nhận thức về các kinh nghiệm thực tiễn, các hiện tượng lịch sử xã hội. Nhân dân lao động dùng tục ngữ thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Những kinh nghiệm của tục ngữ rút ra trong quá trình đấu tranh thiên nhiên và xã hội, được thể nghiệm trong thực tiễn, đã trở thành những chân lý có tính cách phổ biến, được nhân dân công nhận và sử dụng.
Đặc điểm của tục ngữ
Tục ngữ có những đặc điểm sau:
- Ngắn gọn và súc tích
Tục ngữ thường rất ngắn gọn, chỉ bao gồm một hoặc một vài câu từ. Chúng chứa đựng ý nghĩa mạch lạc và súc tích.
- Sử dụng ngôn ngữ hình ảnh
Nhiều tục ngữ sử dụng ngôn ngữ hình ảnh hoặc sự so sánh để truyền đạt ý nghĩa. Điều này làm cho chúng dễ nhớ và thú vị.
- Tính tổng quát
Tục ngữ thường chứa những quy tắc và tri thức tổng quát về cuộc sống. Chúng có thể được áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau.
- Phản ánh văn hóa
Tục ngữ thường phản ánh giá trị và quan điểm của một dân tộc hoặc cộng đồng. Chúng thể hiện cách nhìn nhận và đối diện với thế giới.
Xem thêm: Ca dao là gì?
Tác dụng của tục ngữ
Tục ngữ có những tác dụng quan trọng trong cuộc sống và giao tiếp của chúng ta:
- Truyền đạt tri thức
Tục ngữ thường chứa đựng tri thức lâu đời và kinh nghiệm của một cộng đồng. Chúng giúp truyền đạt kiến thức và quy tắc cuộc sống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
- Hướng dẫn hành vi
Một số tục ngữ chứa những quy tắc hành vi và đạo đức. Chúng có thể được sử dụng để hướng dẫn người khác về cách ứng xử đúng mực trong các tình huống cụ thể.
- Tạo ấn tượng và thuyết phục
Tục ngữ thường được sử dụng để tạo ấn tượng hoặc thuyết phục người nghe. Chúng có thể được dùng để diễn đạt ý nghĩa hoặc tạo sự thuyết phục trong cuộc trò chuyện.
- Thể hiện văn hóa và bản sắc dân tộc
Mỗi dân tộc và cộng đồng thường có tục ngữ riêng, và chúng thể hiện văn hóa và bản sắc độc đáo của họ. Tục ngữ là một phần quan trọng của việc bảo tồn và truyền thống văn hóa.
Tục ngữ hình thành từ nhiều nguồn
- Từ cuộc sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân trực tiếp sáng tác.
- Được tách ra từ tác phẩm văn học dân gian hoặc ngược lại.
- Được rút ra tác phẩm văn học bằng con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp.
- Từ sự vay mượn nước ngoài.
Các nhóm nội dung của tục ngữ
Tục ngữ mang trong mình nhiều nội dung, bài học, ý nghĩa khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta có thể chia nội dung của tục ngữ thành 3 nhóm chính là:
Tục ngữ phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất
Tục ngữ về lao động sản xuất phản ánh một số nét chính điều kiện và phương thức lao động của nhân dân, phản ánh đặc điểm đời sống dân tộc. Những kinh nghiệm về lao động sản xuất nảy sinh trong quá trình đấu tranh thiên nhiên của nhân dân lao động được đúc kết trong tục ngữ được phổ biến rộng rãi, trở thành tri thức khoa học kỹ thuật dân gian.
Trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, nhân dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quy luật diễn biến của thời tiết khí hậu.
- Bờ bãi không bằng phải thì.
- Vấy mại thì mưa, bối bừa thì nắng.
- Mây thành vừa hanh vừa giá.
Trong quá trình lao động sản xuất ở các ngành nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, một số nghề thủ công lâu đời, nhân dân cũng đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm. Trong đó, những kinh nghiệm về làm ruộng chiếm đa số.
- Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Chiêm cập cợi, mùa đợi nhau.
- Cơm quanh rá, mạ quanh bờ.
- Sương quánh cá thu, sương lu cá thừng.
- Lâu đêm hơn thêm hồ.
- Nhất dáng, nhì men, ba chàm, bốn vẽ.
Tục ngữ về lao động sản xuất thể hiện tinh thần sáng tạo của nhân dân trong lao động. Song chủ yếu là kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều kinh nghiệm chỉ phản ánh những biểu hiện cụ thể của những quy luật tự nhiên ở địa phương, từng thời điểm nhất định.
Tục ngữ ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội
Tục ngữ nói về các hiện tượng lịch sử xã hội là bộ phận chủ yếu, phản ánh những tập quán, thị hiếu, cuộc đấu tranh của nhân dân …
* Một vài ký ức của thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc:
- Ăn lông ở lỗ.
- Con dại cái mang.
- Năm cha ba mẹ.
* Một số hiện tượng lịch sử:
- Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.
- Hai mốt giỗ cha, hai mươi ba giỗ con.
- Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong.
Tục ngữ Việt Nam chủ yếu phản ánh những đặc điểm sinh hoạt gia đình và xã hội, sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân trong thời phong kiến.
Những tập quán, phong tục trong đời sống nhân dân
- Dưa La, cà Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Ðầm Sét.
- Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam
- Mồng bày hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng.
- Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề.
* Những nét sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời phong kiến ;
- Phép vua thua lệ làng.
- Đất có lề, quê có thói.
- Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.
* Phản ánh tổ chức gia đình và những quan điểm thân tộc của nhân dân ta trong xã hội phong kiến:
- Một người làm quan cả họ được nhờ.
- Chết trẻ còn hơn lấy lẽ.
- Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì.
* Phản ánh đời sống người lao động và những quan hệ xã hội trong xã hội phong kiến:
- Lấy bát mồ hôi đổi bát cơm.
- Tháng tám đói qua, tháng ba đói chết.
- Bà chúa đứt tay bằng ăn mày xổ ruột.
- Cá lớn nuốt cá bé.
- Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.
- Tức nước vỡ bờ.
Tục ngữ thể hiện triết lý dân gian của dân tộc
Tục ngữ phản ánh những kinh nghiệm sống và lối sống của nhân dân, phản ánh truyền thống tư tưởng và đạo đức của nhân dân lao động, trong đó bao hàm những tư tưởng chính trị xã hội và tư tưởng triết học.
* Tục ngữ thể hiện chủ nghĩa nhân đạo chân chính của nhân dân lao động. Tư tưởng này biểu hiện trước hết ở những quan niệm về con người.
- Người làm ra của, của không làm ra người.
- Một mặt người hơn mười mặt của.
- Người sống của còn, người chết của hết.
* Biểu hiện ở thái độ, đánh giá về lao động, cách xét đoán con người qua lao động.
- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
- Hay làm đầu quang mặt sạch, chẳng hay làm đầu rếch mặt dơ.
- Của một đồng, công một nén.
* Tục ngữ thể hiện lòng tự hào, ngợi ca đất nước giàu đẹp, con người tài hoa.
- Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.
- Ăn Bắc, mặc Kinh.
- Trai Cầu Vồng, Yên Thế, gái Nội Duệ, Cầu Lim.
- Trai Hai Huyện, gái miệt vườn.
* Nhiều tục ngữ thể hiện tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động chống áp bức, bóc lột.
- Tuần hà là cha kẻ cướp.
- Muốn nói oan, làm quan mà nói.
- Được làm vua, thua làm giặc.
* Tinh thần đạo đức
Tục ngữ phản ánh khá phong phú những đức tính của nhân dân lao động, thể hiện truyền thống tư tưởng, đạo đức của nhân dân thông qua những nhận xét, suy gẫm rất sâu sắc về hiện thực.
- Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo.
- Có công mài sắc có ngày nên kim.
- Ăn lấy chắc, mặc lấy bền.
- Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
- Chết trong còn hơn sống đục.
* Nhân dân còn đề cập đến những biểu hiện khác:
- Đèn nhà ai nấy sáng.
- Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.
- Giàu trọng, khó khinh.
* Những yếu tố triết học thô sơ
Tục ngữ là những kinh nghiệm của nhân dân trong đời sống thục tiễn, song, nhiều tục ngữ phản ánh những nhận thức có tính chất duy vật tự phát.
- Thầy bói nói dựa.
- Có bột mới gột nên hồ.
- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
- Còn da lông mọc, còn chồi lên cây.
- Được mùa cau, đau mùa lúa.
- Cái sẩy nẩy cái ung.
Phân biệt tục ngữ - thành ngữ - ca dao
Tục ngữ - thành ngữ - ca dao là những thể loại văn học dân gian rất dễ nhầm lẫn với nhau. Vì vậy cùng Đọc tài liệu tổng hợp cách phân biệt 3 loại hình văn học dân gian thú vị này dưới đây:
- Điểm giống:
+ Đều đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt.
+ Đều có thành phần cấu tạo là từ, có thể là từ đơn, từ ghép hoặc là từ phức
+ Đều chưa dựng cũng như phản ánh các tri thức, kiến thức của nhân dân về những hiện tượng, sự vật tồn tại của thế giới khách quan
- Điểm khác:
Thành ngữ | Tục ngữ | Ca dao | |
Khái niệm | Là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó | Là câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân | Là những câu thơ có thể hát thành những làn điệu dân ca, ru con... hoặc là lời dân ca đã lược bỏ đi những luyến ái khi hát |
Hình thức | Là các cụm từ cố định | Là một câu ngắn gọn và có hoàn chỉnh về cấu tạo ngữ pháp | Là những câu thơ có vần điệu, trữ tình |
Nội dung | Chưa diễn đạt được một ý trọn vẹn mà chỉ đang đề cập đến như một khái niệm. | Diễn đạt được một ý, nội dung trọn vẹn hoàn chỉnh. | Thể hiện tình yêu nam nữ, ngoài ra còn có những nội dung khác như: quan hệ gia đình, các quan hệ phức tạp khác trong xã hội. |
Sử dụng | Thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học cho nên thường dùng làm thành phần để tạo câu hoặc chèn thêm vào trong các câu nói. | Thuộc lĩnh vực văn học và được dùng một cách độc lập. | Sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt |